Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI: Tập 2 chương 12, 13 (Hết) / Tiểu thuyết Phan Đạt Ninh


Nhà văn Phan Đạt Ninh

          Chương 12

          Mấy tháng sau.
          Phượng gọi Lý vào phòng khách nói chuyện. Phượng hỏi: Em đã suy nghĩ về chuyện chồng con của em chưa? Cách đây mấy tháng, chị em mình đã tâm sự về nội dung này. Bữa ấy Lí nói  chưa dám nghĩ tới...
          Lý à, vết thương nào rồi cũng hóa sẹo. Thời gian và phụ nữ chúng ta bao giờ cũng đối chọi nhau. Nhan sắc người phụ nữ hữu hạn lắm, còn thời gian thì vô hạn, Lý không thể lấy vài năm, hay một năm để quên đi chuyện ưu phiền. Không quên được đâu Lý ơi. Mọi cảm xúc người ta phải nhường cho lí trí. Con người phải sống bằng lí trí, phải vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Anh Minh có nói với Phượng : Cô Lý không thể ở đây làm việc cho nhà mình mãi được. Người như cô ấy phải có chồng, một người chồng đường hoàng, tử tế. Tội cho cô ấy ở nhà quê, lấy chồng ở quê, nên mọi chuyện đều có giới hạn hẹp. Người có nhan sắc, có đạo đức như cô ấy ở thành phố chẳng có cô nào chịu lấy chồng thấp kém cả. Cô nào cũng có gia đình hạnh phúc, có cuộc sống tốt. Lý nghĩ sao về lời nói của anh Minh?

           Nghe Phượng hỏi vậy, Lý thư thả trả lời: Em cám ơn chị, cám ơn anh Minh nhiều lắm. Đúng là em không thể ở đây với anh chị mãi được. Em phải có gia đình, có chồng và những đứa con ngoan... Phượng ngắt lời Lý: Ngày mai chủ nhật, có bạn anh Minh cùng làm việc trong viện đến chơi. Anh ấy tên là Vũ. Hoàn cảnh gia đình anh Vũ cũng nhiều éo le, anh Minh và Phượng muốn cho hai người làm quen, Lý thấy sao? Phượng nói vậy khiến Lý trở nên lúng túng. Lý chợt cười , hai má đỏ lên, nói: Người ta là cán bộ, trình độ học vấn cao, họ để ý gì đến em, xung quanh họ có nhiều cô gái trẻ, đẹp, học thức, đời sống ổn định...
          Phượng cười. Kiểu cười của Phượng đầy ẩn ý “ Cô nàng này nói thế thôi, thực ra cũng đang khao khát tình yêu, lạ gì phụ nữ, miệng nói không nhưng lòng cũng nôn nóng ”. Phượng bảo Lý: Đàn ông người ta không phải ai cũng như Lý suy nghĩ đâu? Ví như anh Minh với chị. Chị có bằng cấp, địa vị xã hội gì đâu? Ngoài nhan sắc, đàn ông họ cần ở phụ nữ đức tính dịu dàng, thủy chung, biết lo toan công việc. Họ là trụ cột gia đình. Gia đình mà không ổn thì trụ cột cái gì? Thế nhé, ngày mai Lý mặc đẹp vào, chỉn chu vào, xoa thêm tí son phấn vào, nói năng vui vẻ,tế nhị, hóm hỉnh... thế nào chẳng lọt mắt xanh của chàng...Nghe Phượng nói Lý cười từ chối: Em chịu thôi...
          Hôm sau, Minh bảo Phượng : Anh Vũ hẹn tầm tám giờ, tám rưỡi sẽ đến. Em bảo Lý đi chợ sớm hơn mọi ngày. Mình làm cơm mời anh Vũ.
          Không biết vợ chồng Phượng có nói gì với Vũ về Lý không hay cuộc đến chơi của Vũ chỉ là bình thường chỗ bạn bè như bao người khác ? Chắc là không nên Vũ dường như không có sự chuẩn bị gì cho hình thức. Vẫn chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay không là, vẫn chiếc quần bò cũ bạc màu, hơi bẩn.
          Trong phòng khách, Minh và Vũ ngồi nói chuyện. Vũ say sưa nói về những dự kiến của mình trong đồ án quy hoạch đô thị. Trong tay Vũ là cây bút chì đen và những tờ A4 Vũ vẽ phác thảo khá nhiều kiểu nhà với những lối kiến trúc khác nhau. Vũ nói:  Ông Minh có biết tôi chán ngấy đến cổ với những căn nhà, dãy nhà ống trên phố không? Tôi không hiểu tại sao người ta làm như thế? Một dãy phố đã tồi tệ, đằng này cả trăm, cả ngàn dãy phố như vậy. Các lô đất bị chia nhỏ với các kích thước tùy tiện, lô bề ngang bốn mét, dưới bốn mét, lô năm mét,dưới năm mét, cái kiểu cố chia sao cho đủ. Đất có phải thiếu đâu mà phải làm vậy? Chỉ khổ người ở. Các cha lãnh đạo nhà mình có ở đâu?
          Minh ngồi nghe Vũ nói thấy buồn. Chẳng qua vì lợi nhuận cốt sao thu về được nhiều tiền. Các nhà kiến trúc đâu phải không biết điều này, khổ nỗi họ không phải lãnh đạo, không có thẩm quyền phê duyệt, họ phải làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, nếu phản đối thì hết cửa sống,thế là cũng chỉ vì đồng tiền mà tất cả làm sai, hậu quả là băm nát đất đai,băm nát thành phố, thị xã ẩn dưới một quy hoạch. Thế là cả trăm năm, cả ngàn năm sống tồi tệ.
          Vũ thấy Minh ngồi im không có ý kiến,Vũ nói tiếp: Quỹ đất thành phố chỉ có hạn, vậy mà các cha nhà mình cứ cho xây nhà cao tầng, ba bốn mươi rồi sáu bảy mươi tầng, chứa hàng trăm, hàng  ngàn, hàng triệu căn hộ, mỗi hộ tối thiểu bốn nhân khẩu, nhân lên thành bao nhiêu người, nhân lên thành bao nhiêu xe máy, xe ô tô , thế thì đường xá nào chịu nổi, dẫn đến tắc nghẽn giao thông. Một bài toán quy hoạch thủ đô hơn chục triệu người quá vội vã, tính toán sai lầm vì lợi nhuận, miễn thu về thật nhiều tiền còn nỗi khốn khổ, khốn nạn kẻ khác chịu.
          Sai lầm nối tiếp sai lầm. Nhà quản lý lại tung ra chiêu bài thi chọn phương án chống tắc nghẽn giao thông, tiền của lại dốc vào việc này...
          Nói đến đây, Vũ cơ hồ như bất lực trước sự việc. Vũ móc thuốc lá hút.
Minh lên tiếng gọi: Lý à, cô đem cho tôi cái gạt tàn thuốc nhé !
          Vài phút sau Lý đem cái gạt tàn thuốc bằng sứ đặt trước mặt Vũ.
          Thấy Lý, Vũ ngẩng mặt nhìn. Cặp kính cận dày cộp như trôn chai trôn cốc ẩn chứa bên trong con mắt nhỏ bé, nhanh thoăn thoắt, hơi đỏ vì thiếu ngủ.
          Lý vận bộ cánh lụa đen ôm sát vào cơ thể, làm nổi bật lên những đường nét hấp dẫn của phụ nữ mà chúa trời đã ban tặng. Lý không mặc xuềnh xoàng như mọi khi với bộ quần áo ngủ cũ ngắn cũn cỡn. Mái tóc dài đen mượt của Lý được tết sam, được búi cẩn trọng,cài ngang là chiếc trâm màu nâu sáng bóng. Bờ môi tô thoáng chút son đỏ...
          Dường như Vũ còn bận tâm về chủ đề kiến trúc xây dựng với Minh nên không để ý gì đến Lý. Vũ hút thuốc hơi nhiều, khói thuốc bay mờ mịt cả phòng. Thấy bất tiện Vũ đứng dậy mở toang các cánh cửa sổ, bật quạt trần đuổi khói ra ngoài rồi ra sân ngồi.
          Thấy Vũ ngồi trầm tư trên chiếc ghế đá bên gốc cây hoàng lan, Minh đến ngồi bên cạnh. Rồi cả Phượng cũng đến ngồi nữa.
          Phượng gọi Lý bưng bộ ấm chén uống nước trong phòng khách ra sân. Đợi Lý xong việc Phượng kéo Lý ngồi xuống bên cạnh.
          Vũ và Minh vẫn trầm ngâm, mỗi người đang theo đuổi một suy nghĩ riêng của mình. Minh nói: Thôi ông quên chuyện nhà ống đi, nó tồn tại mấy chục năm nay rồi, ông cũng quên cả chuyện nhà cao tầng đi, sức ông và sức tôi không làm thay đổi được gì đâu.
          Đợi Minh nói xong, Vũ rầu rầu noi: Ông thì đã yên phận rồi. Ông không đụng chạm đến công việc hàng ngày như tôi. Hết tháng ông lĩnh lương, đủ năm ông lên lương, vợ đẹp, con ngoan. Còn cái thằng tôi, cái gì cũng dở dang...Vũ thở dài... Vũ lại hút thuốc...
          Nghe Vũ nói thế, Phượng đưa mắt nhìn chồng, cười như muốn bảo “Anh nói gì đi chứ?”
          Hút xong điếu thuốc Vũ đứng lên đi lại loanh quanh bên chiếc ghế một hồi rồi nói: Ông Minh này, có lẽ tôi phải bỏ việc ở viện. Có lẽ tôi không chịu nổi cái kiểu làm việc theo ý người khác. Tôi sẽ ra ngoài làm một mình,làm theo suy nghĩ của mình. Ông còn lạ gì tính của tôi, thích tự do,thích phóng khoáng, không ưa lối sống chật hẹp, cỏn con...
          Phượng chêm vào: Anh Vũ cứ lấy vợ đi. Có vợ anh sẽ hết những dằn vặt, anh sẽ được tự do, phóng khoáng.
          Minh nhìn Vũ nháy nháy mắt về phía Lý. Vũ đưa mắt nhìn theo. Vũ không đi đi lại lại nữa. Vũ dừng lại bên chiếc ghế Phượng ngồi. Vũ nói: Cô Phượng bảo anh lấy vợ đi, anh đã lấy rồi đấy thây? Mười năm có lẻ, họ còn bỏ tôi chạy theo người khác, họ bỏ lại hai bố con tôi, họ chỉ nghĩ đến họ thôi. Nói thật với Phượng, tôi không được như Minh của cô đâu? Phượng là người vợ hiểu chồng, biết sở thích của chồng, biết hi sinh vì chồng. Còn tôi thì ngược lại, tôi vụng về lắm. Ngoài chuyên môn tôi chẳng biết làm việc gì khác ngoài cây đàn. Có lẽ tôi được bố mẹ chiều chuộng từ bé nên chẳng biết làm gì. Ngày cô vợ bỏ đi cô ấy chửi tôi: Anh chẳng được tích sự gì! Mười năm tôi khổ với anh quá nhiều. Anh chẳng hề giúp tôi việc gì, anh cứ như bố già trong nhà đấy! Tôi có phải con ở đâu ? Anh lười nhác quá, cái nhà không quét, cái quần của con cũng không bao giờ giặt, mọi thứ anh bày bừa trong phòng, ngoài phong, việc trong nhà anh trút hết lên đầu tôi....
          Đấy, cô ấy như thế đấy, tôi làm sao chịu nổi. Tôi phải lo công việc của tôi chứ? Nội trợ, sắp xếp trong nhà cô ấy phải lo, từ xưa rồi xã hội Việt mình là vậy. Bây giờ tôi sợ đàn bà lắm rồi. Đàn bà thủ tiêu lòng đam mê của tôi. Đàn bà toàn gieo vào lòng tôi, vào tâm hồn tôi những điều nhỏ nhặt, khó chịu... Mọi người không biết cái buổi tối cuối cùng tôi phải chịu đựng thế nào không?
          Nghe Vũ hỏi thế, Phượng nhanh nhảu hỏi: Buổi tối cuối cùng ấy là gì anh kể đi?
          Vũ kể: Có lẽ trên thế gian này chỉ có một người như tôi!
          Lý chừng như cũng nôn nóng nên cũng hỏi: Thế gian chỉ có một người như anh là sao?
          Vũ đưa mắt nhìn Lý rồi nói tiếp: Mà có lẽ trên thế gian này cũng chỉ có một người đàn bà như cô ấy! Vũ ngập ngừng, ngước mắt nhìn trời. Bầu trời tầm trưa của những ngày cuối hạ đầu thu trong leo lẻo, không một gợn mây...Vũ dường như quên đi tất cả những gì vừa nói, Vũ như lãng mạn, như bồng bềnh trong cõi mộng...Vũ lẩm bẩm đọc câu thơ như ngẫu hứng: Trời xanh cho mắt em xanh...
          Mọi người không ai muốn hỏi thêm Vũ nữa. Minh bảo vơ dọn cơm để ăn. Lý trở về vị trí của mình trong phòng ăn.
          Bữa cơm trưa thật vui. Niềm vui không ai ngờ tới. Niềm vui bắt đầu từ câu xuất thần của Vũ: Cô Lý cũng là người phụ nữ đẹp đấy. Cô có nhan sắc, có vóc dáng. Nhưng đấy là thứ đẹp bên ngoài dễ bắt mắt cánh đàn ông. Còn bên trong có đẹp không thì chưa biết...Cái đẹp bên trong là đức hạnh người phụ nữ. Đây là điều hệ trọng cánh đàn ông cần đến.
          Nghe Vũ nói chưa hết câu còn bên trong có đẹp không khiến Phượng và Lý bật cười. Phượng cười đỏ cả mặt nói như hét: Cái bên trong cũng đẹp ông tướng ạ ! Ông tướng đòi hỏi ở chị em nhiều quá!
          Ai cũng hiểu ý Phượng nói, ai cũng bò ra cười... Trừ mình Vũ.
          Lý lảng sang chuyện cũ hỏi lại Vũ: Anh chưa kể xong cái buổi tối hôm đó là gì đấy? Vũ kể tiếp:Chủ nhật cơ quan cô ấy tổ chức đi tham quan đền Hùng, đi từ sớm, tối muộn mới về...Ở nhà chỉ có hai bố con, buổi trưa hai bố con ra ăn nhà hàng. Bữa chiều bố con nấu mì tôm với cá hộp có trong tủ lạnh. Hai bố con cùng ăn, thấy con gái khen ngon mình vui lắm... Khi cô ấy về, con nhỏ khóc kêu đau bụng, cô ấy hỏi con tối ăn gì? Nghe con bé trả lời, cô ấy làm rầm lên...Cô ấy đảo mắt nhìn ra bếp thấy xoong bát quá nhiều, cô ấy giận dữ cầm xoong mì mình phần cô ấy ném ra sân... Thế đấy. Tệ thế đấy! Mình nổi giận bỏ đi...
          Nghe xong chuyện Minh bảo Vũ: Thôi chuyện cũ qua rồi, ông cũng phải nhìn nhận lại mình. Ừ thì việc nội trợ trong gia đình là của người phụ nữ. Nhưng ông cũng phải biết họ cũng đi làm giống mình, tám tiếng ở cơ quan. Việc nhà bao thứ không tên, ông cũng phải giúp vợ chứ?
          Ừ, đúng thế, tôi chẳng giúp là gì? Tôi phải dẫn con đi ăn, phải nấu mì tôm đấy thôi ? Vũ nói chen vào.
          Thế ông có định làm lành lại với cô ấy không? Ông nên nghĩ lại con ông? Nó rất cần đến mẹ nó, đứa trẻ không thể thiếu tình cảm của người mẹ? Còn tính khí cô ấy từ từ chỉnh lý lại...Minh phân tích một thôi cho Vũ.
Nghe Minh nói, Vũ cười : Ông chẳng nhớ gì hết? Tôi nghĩ ông biết rồi chứ ? Đến giờ ông còn hỏi thế! Ông như ở trên trời vậy? Nối  lại  tình duyên cái con khỉ ! Cô ấy chẳng lấy thằng chồng mới , sắp đẻ rồi... Mà thôi, không nói chủ đề ấy nữa! Dở hơi lắm! Ông đưa tôi mượn cây đàn tôi chơi cho đỡ buồn...
          Minh bảo Lý lấy cây ghi ta treo trên tường đưa cho Vũ.
          Bữa cơm về cuối trở nên nhiều tâm trạng. Vũ cầm cây đàn Lý đưa, Vũ uống thêm chút rượu, nhìn Lý nói: Chuyện buồn của tôi là vậy. Thế gian này chắc ít người giống tôi nhỉ? Nói xong
          Vũ ngồi lặng im lúi húi chơi đàn. Phải nói rằng tay đàn của Vũ cũng không đến nỗi, bài Vũ đang chơi mang giai điệu Blues hơi buồn...
          Minh bảo Phượng ra chỗ khác để Vũ và Lý ngồi lại. Thấy thế Lý chần chừ định đứng dậy theo. Phượng lừ mắt, Lý đành ngồi lại.
          Vũ vẫn lụi hụi chơi đàn không để ý tới Lý. Lý đến gần Vũ rót nước vào chén cho Vũ, Vũ cũng lặng yên. Lý chủ động hỏi: Anh Vũ đàn hay quá! Vũ chỉ ngước mắt nhìn như thay cho lời cám ơn. Chơi xong bản nhạc Vũ mới đến chỗ Lý ngồi. Vũ nói: Cô Lý này, Vợ chồng anh Minh chị Phượng mời tôi đến nhà chơi ăn cơm là có lí do đấy. Anh Minh đã kể cho tôi khá đầy đủ về hoàn cảnh của Lý rồi. Còn tôi  chắc Lý cũng nắm được phần nào. Người ta có số cả...Lý cắt ngang lời Vũ: Anh Vũ là cán bộ mà cũng tin số má à? Vũ cười trả lời: Ngày trước tôi không tin đâu, sau này tôi mới nghiệm thấy. Cô Lý đã tính chuyện sau này của mình chưa? Lý là phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh đấy. Cái gì cần quên thì nên quên nhanh để đón nhận cái mới, đời người ngắn ngủi lắm, chả mấy chốc đã già...
          Thấy Vũ dừng lời, Lý hỏi lại : Anh chỉ biết nói về em, sao không nói về anh?
          Vũ :Tôi khác, Lý khác. Tôi là đàn ông sống thế nào cũng được.
          Lý : Thế thì em cũng vậy, khác gì anh?
          Vũ : Khác đấy. Khác nhiều lắm. Tôi là người có cá tính mạnh, cá tính xấu, nó ăn sâu vào cân não rồi, không sửa được. Cô ấy bỏ tôi thực ra cũng là tại tôi. Tôi ít quan tâm tới cô ấy, tôi chỉ biết tôi. Bây giờ tôi sợ phụ nữ lắm, tôi sẽ không bao giờ lấy vợ nữa. Với tôi vợ chỉ là cái cùm, cùm lấy cổ , lấy đầu tôi. Tôi hoàn toàn mất tự do, hoàn toàn bị phiền toái. Ừ thôi, không nói chuyện này nữa, nó chẳng ra cái gì. À...à ... Tôi có anh bạn nước ngoài, người Úc, ba mươi tuổi, muốn lấy vợ Việt nam, Lý xem thế nào? Hoặc xem có ai thích lấy chồng nước ngoài thì giới thiệu ?
          Lý : Em chịu thôi. Thân em còn lo chưa xong !
          Vũ cười khi nghe Lý nói vậy.
          Hai người nói chuyện với nhau nghe chừng không ăn nhập ,Phượng đến bên Lý và Vũ vẫn nói: Anh chị thổ lộ tâm tình thoải mái chứ? Có duyên thì bén nhau đi, tôi thấy hai người đẹp đôi đấy, tài, sắc vẹn toàn. Anh Vũ tại sao cứ xưng tôi với người đẹp, phải anh anh, em em ngọt vào chứ?
          Vũ cười nói: Để lần sau rút kinh nghiệm, ở cơ quan toàn cánh đàn ông với nhau xưng thế quen rồi. Nói xong Vũ nhìn đồng hồ...
Chiếc đồng hồ quả lắc trên tường đánh mười hai tiếng, Vũ xin phép vợ chồng Phượng về.
          Tiễn Vũ chỉ có vợ chồng Phượng.
          Khi Vũ về rồi Lý mới ra nói chuyện với Phượng: Anh Vũ này hâm lắm chị ơi ? Nghe Lý nói Phượng và Minh bật cười. Minh hỏi lại: Hâm là hâm thế nào? Lý cười : Ai lại nói chuyện với phụ nữ mà toàn bộc lộ cái tôi của mình, nghe chừng cũng ích kỉ, bảo thủ lắm. Lại thế này nữa, anh ấy còn giới thiệu với em có anh bạn người tây muốn lấy vợ Việt nam, lại còn bảo em có thích thì lấy hay giới thiệu cho người khác, ôi buồn cười hết chỗ nói, thảo nào cô vợ cũ không chịu nổi...
          Minh với Phượng lại bò ra cười... Minh cố gắng nói : Ừ, đúng rồi! Có anh chàng kiến trúc sư người Úc thích lấy vợ Việt nam thật. Để hôm nào có điều kiện mời anh chàng này đến chơi. Chàng này ba mươi tuổi, chưa có mảnh tình nào vắt vai, chàng này vui tính và cũng lém luốc, tiếng Việt cũng khá, tán gái Việt thành thần... Vũ vừa nói xong thì có tiếng xe máy phình phịch trước cửa nhà. Đúng là nhân bảo như thần bảo, anh chàng người Úc đến thật.
Minh ra mở cửa đón khách. Minh tươi cười bắt tay chào bằng tiếng  Anh: Anh có khỏe không?
          Anh chàng người Úc đáp bằng tiếng Việt giọng lơ lớ : Cản... ơn anh, tôi khi nào cũng khỏe.
          Cả hai người cùng cười. Minh chỉ chỗ để xe, anh chàng người Úc nói: Biết r...ời, khở lắm, nói mãi. Chỗ này năm ngái... tôi đã để xe. Hai người lại cười.
          Vào nhà Minh bảo Phượng cùng tiếp khách. Thấy Phượng anh chàng người Úc cúi đầu chào, chìa tay bắt, chậm rãi nói: Chị Phượng... dạo này... có được khỏe không? Phượng cười trả lời bằng câu anh ta lúc đầu nói:  Cản...ơn anh, tôi khi nào cũng khỏe...
          Ba người tròn xoe mắt nhìn nhau lại cười. Phượng chỉ ghế mời ngồi rồi kêu Lý ra pha trà . Nhìn Lý anh chàng người Úc lại khen: Cô xin...đẹp lắm, cám ơn cô.
          Minh hỏi chuyện: Dạo này công việc của anh thế nào?
          Anh chàng người Úc xua tay nói: Công việc lúc nào cũng tốt, nhưng để sau. Bây giờ tôi thích thật nhiều chuyện khác. Đất nước Việt nam các bạn đẹp lắm, người Việt nam quý mến khách lắm. Tôi đi nhiều nước nhưng thấy không đâu như Việt nam các bạn. Tôi rất thích à ...à rất yêu phụ nữ Việt nam. Có lẽ nhiều lắm tôi sẽ lấy vợ người Việt nam. Lúc nào tôi có người yêu tôi là phụ nữ Việt nam, tôi sẽ đón bố mẹ tôi sang thưa chuyện. Tôi đang tìm, đang để mắt tìm...
          Minh cắt ngang lời anh bạn người Úc :Nếu người phụ nữ Việt nam không xinh đẹp anh có yêu không?
          Anh bạn người Úc cười rồi trả lời : Tất nhiên là phải xinh, không xấu như cô Thị Nở là được. Phải xinh tươi như cô Lý ở đây là tốt. Tôi thích phụ nữ Việt nam đội nón lá, mặc áo dài lắm, đi giày cao gót lắm.  Cưới vợ tôi sẽ yêu cầu vợ tôi mặc áo dài, đội nón, đi giày cao gót, đứng cạnh tôi chụp ảnh giới thiệu với bạn bè. Ôi cái xứ sở thần tiên này...Sau này về Úc chắc tôi sẽ nhớ nó rất nhiều...
          Tháng năm trôi qua....-
          Anh chàng người Úc và Lý vẫn thường xuyên trao đổi với nhau. Chuyện đời riêng của Lý, Lý đã kể hết, anh chàng người Úc nghe rồi nói với Lý “ Anh không quan tâm đến những gì đã đi qua đời người phụ nữ, dù nó thế nào ? Bởi nó có hoàn cảnh riêng của nó. Anh không nặng nề như Lý nghĩ đâu, anh không như đàn ông Việt nam hay suy nghĩ về phụ nữ như cô ấy đã mắc phải những sai lầm về đạo đức, hay đã trải qua một đời chồng, đã có con riêng, vân vân... Với anh điều quan trọng là hiện tại người phụ nữ ấy sống thế nào? Tốt hay sấu? Anh thấy hoàn cảnh của Lý thật trớ trêu. Thật đáng thương. Anh yêu Lý và Lý yêu anh, hai chúng ta đã có một tình yêu sâu sắc có trách nhiệm với nhau...  ”
          Sau ngày cưới Lý theo chồng về Úc, Lý khóc nhiều. Khóc bởi hạnh phúc quá lớn lao, khóc về sự bất hạnh đã qua, khóc vì phải xa bố mẹ, xa người thân, xa vợ chồng Phượng, xa quê hương.
Lý về làm dâu xứ người.

          Chương 13

          Cả tuần qua bà Răm chăm chú theo dõi tin tức biểu tình tranh chấp đất ở các nơi quá nhiều  nên vụ việc ám lấy bà. Đã mấy đêm bà khó ngủ. Bà cố nhắm mắt lại nhưng hình ảnh và âm thanh náo nhiệt cứ hiện lên trong đầu óc bà. Đêm qua bà đã nằm mê về nó...
          Quá nửa đêm bà hét toáng lên, hùng hục dậy, chạy ra sau nhà tìm que, tìm gậy để nhập vào đoàn người. Bà hò hét làm mọi người trong nhà giật mình tưởng trộm cắp vào. Khi mọi người nhận ra vấn đề, chồng bà thở dài nói: Tưởng gì? Té ra mê sảng tranh đấu đất cát ! Ai bảo suốt ngày cứ dán mắt vào xem, đêm về mê với sảng. Thôi, không sao đâu! Mọi người cứ ngủ đi, mặc bà ấy! Tỉnh bây giờ đấy mà...
          Trời mới mờ sáng bà Răm đã dậy. Bà ra tận đầu làng, cuối làng để xem đất cát làng Vàng có xi chuyển gì không? Bà tin lời Thần Đất về báo mộng cho bà: Một ngày gần đây, cả trăm ngàn người dân làng Vàng sẽ phải dời bỏ mảnh đất từ ngàn xưa của cụ kị ông bà để lại. Mảnh đất này sẽ của người khác. Người ta về đây làm nhiệm vụ phát triển kinh tế...
          Trong mơ bà thấy đông người lắm. Có lẽ cả ngàn người, vạn người, rất nhiều công an áo vàng, áo xanh, quan chức địa phương, dân làng Vàng, có cả bà nữa, mặt ai cũng đằng đằng sát khí, xô đẩy nhau, hò hét, quát nạt dữ dội. Rồi gậy gộc, súng đạn, còng tay, tất cả cứ lăm lăm như chuẩn bị ra trận...
          Trong đoàn người ấy, bà cứ lao về phía trước hò hét khản cả giọng...
Một bóng đen to lớn, một cái mặt đen sì với vành trăng khuyết màu trắng ghé sát vào mặt bà... Bà sợ quá! Bà muốn bỏ chạy, muốn vung tay, muốn gào thét, nhưng không được. Vật vô hình ấy sừng sững gìm giữ bà lại. Bà thấy mình rơi xuống tầng địa ngục, thấy lửa cháy, thấy máu,thấy mình sắp chết, bà ú ớ... Bà ngã lăn ra, cái mặt đen sì có vành trăng khuyết ấy nói vào tai bà: Đấu tranh về đất cát, hay đấu tranh về bất cứ cái gì cũng phải làm theo luật, không được tự phát nghe chưa? Hằm...hằm...hằm, cái mặt đen sì ấy thở rất mạnh vào lỗ tai bà như tức giận, như gió bão, như cây lao, đá đổ vào thái dương bà... Bà chết rồi, bà cố chạy, bà ngã dúi giụi...
          Cú ngã làm bà Răm tỉnh giấc...Mồ hôi bà toát đầy mặt, ướt hết áo quần... Bà phải ngồi rất lâu dưới sàn nhà mới tỉnh . Khi tỉnh lại bà tự hỏi mình: Mình làm sao thế nhỉ?
          Hai cánh tay bà đau tê dại, hai chân cũng thế... Bà vặn vẹo, xoa bóp thật lâu mới hết. Đứng trước cánh đồng bà kêu lên: Tất cả còn nguyên si, không mất đi đâu cả !
          Bà mừng lắm, bà lẩm bẩm trách mình: Đúng là thần hồn nát thần tính.
          Bà sẽ kể lại cơn mê của bà cho mọi người nghe, xem trong số họ có ai mê như bà không? Bà nhớ có lần đã nghe ai đó nói những cơn mê có lửa, có máu thì nguy hiểm lắm, nó báo trước một tai họa sẽ giáng xuống...Và muốn trừ bỏ tai họa này, người nằm mê phải kể cho thật nhiều người nghe, phải chia sẻ thì mới hết họa...Ma quỷ rất sợ đông người nên không dám làm gì... Nghĩ tới đây bà thấy người nổi da gà...
          Bà  Răm trấn tĩnh lại và một lần nữa bà lại  trách mình lẩm cẩm . Bà không đứng một chỗ, bà đi đi lại bên đầm nước...
          Cánh đồng màu mỡ, bờ xôi ruộng mật ở vùng quê bán sơn địa của bà so với đất nơi đồng bằng châu thổ thì không có nghĩa gì, nó chẳng thấm vào đâu. Nhưng ở làng Vàng này đất trồng được cây lúa một năm đôi vụ không phải chuyện nhỏ. Một nửa quỹ đất làng là đồi sỏi,chỉ trồng được cây công nghiệp như bạch đàn, keo tai tượng. Gần đây một số hộ đã mạnh dạn đem giống vải thiều từ Hưng Yên về trồng thử, nhưng nghe chừng còn nhiều khó khăn lắm.
          Bà nhớ lại mấy chục năm về trước, dân làng Vàng đã thực hiện chủ trương“Phủ xanh đồi trọc” của lãnh đạo địa phương.  Mọi người từ cụ già, thanh niên, thiếu nhi thi nhau trồng cây trên những quả đồi. Nhưng buồn một nỗi kết quả thu về  chẳng được bao nhiêu. Ngày ấy, trẻ con làng Vàng  hát “ Hoan hô các cụ trồng cây, mười cây chết chín một cây gật gù.” Các cụ mắng lũ trẻ : “ Chúng bay có mắt như mù, mười cây chết cả gật gù ở đâu!”...Buồn thế đấy...Vậy mà giờ đây làng Vàng đã là một vùng quê xanh mướt. Thế mới biết khí hậu nơi này cũng khắc nghiệt. Mưa cũng ác, nắng cũng không vừa. Thế mới biết bao nhiêu công sức của người dân,của bao thế hệ đã đổ xuống. Bây giờ tuy vẫn còn có những quả đồi hằn sâu những đường nước chảy sói vào lòng đất như giao thông hào thời chiến...
          Bà Răm mải ưu tư với những suy nghĩ trong đầu nên không để ý xung quanh. Dưới đầm Tư điếc nhắc nốt chiếc ống đánh lươn cuối cùng rồi lên tiếng: Bữa nay bà Răm dậy sớm thế? Bà ra đồng ngắm cảnh à?
          Nghe tiếng Tư điếc, bà Răm nói: Mày còn dậy sớm hơn cả bà?
          Tư điếc vỗ vỗ vào chiếc giỏ cười nói: Cháu dậy sớm còn có việc. Không thức khuya dậy sớm thì lấy cái gì bỏ vào mồm? Đói rách quá con vợ nó lại bỏ mình theo thằng đầu hói lắm tiền trên phố à!
          Bà Răm cười mắng yêu: Cái thằng nói sạo ! Thế nào, được nhiều lươn không?
          Tư điếc cười nói : Cũng khơ khớ bà ạ. Sáng nay con vợ cháu ra chợ bán chắc cũng được đôi trăm ngàn.
          Bà Răm về nhà ăn tạm mấy củ khoai luộc từ chiều qua rồi ra cổng đứng. Bà cũng không quên cầm theo một củ nữa.
          Tư điếc và mấy bà trong xóm cũng vừa đi tới.
          Bà Hồng thấy bà Răm đang bóc khoai ăn liền cười nói: Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, chiều ăn lang trừ bữa hả bà chị?
          Bà Răm cười đáp lại : Có khoai, có củ, có lang mà ăn cũng tốt chán...Cái mẹ này từ ngày có hơi trai béo tốt ra nhỉ ? Bà Răm đưa tay vỗ vỗ vào cặp mông tròn căng của bà Hồng nói: Đẻ đi ! Mẩy lắm! Để thế phí của giời ?
          Bà Hồng cười xấu hổ nhưng cố nói lại bà Răm: Bà đi mà đẻ!
          Tôi mà còn trẻ, còn sung sức chẳng phải nói ! Nói rồi bà kéo tay mọi người vào sát cổng kể lại cơn mê của bà đêm qua...
          Nghe bà Răm kể mọi người bò ra cười... Có bà nói: Nhưng cũng phải đề phòng. Với tốc độ phát triển thế này, không khéo cánh doanh nghiệp lại mò về đây rồi thủ thỉ đi đêm với cánh lãnh đạo thôn, xã huyện, có khi cả tỉnh nữa lấy trắng đất làng Vàng đấy?
          Bà khác nói: Lấy trắng là thế nào ? Phải đền bù chứ! Bây giờ có phải thời trước đâu mà cướp trắng?
          Tư điếc nói: Bà này hiểu biết nông bỏ mẹ! Đền bù cái gì? Đền bù với cái giá bèo ấy thì mua được cái gì? Các bà không thấy đại biểu quốc hội nhiều người nói à?
          Họ nói sao?
          Họ nói đền bù giá chỉ vài trăm ngàn đồng một mét vuông, doanh nghiệp đổ cát, chia lô bán lại giá chục triệu đồng một mét.
          Bà khác nói: Thế là lừa đảo, ăn cướp trắng trợn ! Thế mới nổ ra biểu tình, cưỡng chế,đánh chửi nhau! Ví như ở tỉnh... Tỉnh nào nhỉ? Quên mẹ nó rồi...
          Bà khác nói nhanh như máy: Bà Răm vừa kể có gã mặt đen sì sì có vành trăng khuyết trên mặt chính là lão Bao Công xử án đấy? Tôi giờ mới nhận ra! Khổ thế! Lú lẫn hết cả!
          Bà khác nói: Bây giờ còn mấy người như ông Bao Công đâu? Đầy rẫy vụ xử sai ra đấy! Xử người ta tội giết người, tù mọt gông, mười mấy năm sau thủ phạm ra đầu thú, lại bảo người ta  vô tội. Phải đền bù cho người vô tội mấy tỉ đồng đấy? Tôi xem ti vi thấy ở tỉnh Bắc Giang gì đấy?
          Người khác nói: Tỉnh nào thì nói cho nó chính xác. Lại còn Bắc Giang gì đấy? Lộn cả ruột!
          Tư điếc nói : Tôi nặng tai nên đếch nghe được nhiều, chủ yếu là xem chữ trên ti vi, thấy vụ ở Hải Dương, Thanh Hóa cũng ghê lắm...
          Chẳng thấy ai có ý kiến gì, Tư điếc chán không thèm nói.
          Bà Răm nghiêm mặt nói: Tôi với mọi người hiểu biết về pháp luật, về luật đất đai ít lắm. Vì ít nên mới bị kẻ khác nó bắt nạt, vì ít nên mình mới vi phạm pháp luật. Vì ít nên vừa mất của, mất đất lại còn mang tội...Từ mai tôi bảo thằng lớn nhà tôi mua cho quyển Luật đất đai năm một ngàn chín trăm chín ba để xem cho thấu đáo. Phải hiểu biết mới trụ được ở thời buổi này.
          Nghe bà Răm nói vậy, mọi người liền ủng hộ: Đúng đấy ! Bà bảo nó mua cho chúng tôi nữa, mỗi người một quyển !
          Bà Răm thở phào vì đã giải thoát được cơn mê đêm qua....

Hết.
Sài gòn 5/2010 – 5/2012
PHAN ĐẠT NINH
DĐ: 0912266286

Email: phandatninh@gmail.com


Đã đăng:
Tập 1:
Tập 2:





















1 nhận xét: