Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 2)


Nhà văn Phan Đạt Ninh

            Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

            Đã đăng:

     2
          Sáng nay cũng như mọi lần, vợ Du thường dậy sớm thổi cơm sáng để cả nhà cùng ăn. Vợ Du bưng nồi cơm và âu tép kho dưa lên nhà. Ở quê Du những thứ tôm, tép, cá nhỏ mọi người thường gọi chung là tép. Năm nào cũng vậy cứ vào mùa đông các ao hồ trong làng xã đều cạn nước, dân làng Vàng thường rủ nhau đi tát cá, dưu tép nên nhà nào cũng có nồi tép kho dưa, lâu thành truyền thống. Vợ chồng Du ăn xong rồi đậy lồng bàn cho các con.

          Ngoài đường tiếng xe trâu lịch kịch của bà con đi làm. Mọi người nói chuyện với nhau:
          - Thế này đói mất thôi! Vụ lúa vừa rồi gần như mất trắng. Cả làng mua phải thuốc diệt bọ rầy nâu rởm. Giờ vụ ngô đang trổ hoa thì mưa dập gió vùi! Khốn nạn quá! khắc nghiệt quá!
          - Mình phun thuốc mà sâu bọ không chết thì mình chết chứ sao!
          Nghe mọi người nói chuyện vợ chồng Du thấy buồn.
          Du nói với vợ:
          - Thời tiết, thiên tai, dịch bệnh đã giết mình. Bây giờ lại thêm bọn người bất nhân bán ra thị trường thứ thuốc rởm giết mình nữa! Vụ ngô này hỏng rồi. Vài bữa nữa rét dăm độ không khéo trâu bò lại chết vì rét, vì đói, lại khổ nữa!
          Cánh đồng ngô của làng Vàng đổ rạp xuống, tan hoang sau trận mưa đá. Người ta tản xuống ruộng của nhà nhổ đi những cây ngô và chất nó trên bờ.
          Quá trưa vợ chồng Du mới nhổ hết ruộng ngô. Nhìn bầu trời xám xịt, nghe gió bấc thổi ào ào Du bảo vợ về lo cơm cháo cho các con. Hai người vừa về đến sân đứa con lớn đã reo lên khoe:
          - Con nghe lời bố mẹ trông hai em. Em cu ngoan lắm, không bị ngã xuống ao hay kiến lửa đốt như hôm nọ đâu?
          Có lẽ sau cái lần cu lớn mải đánh bi để cu nhỡ ngã xuống ao, cu bé bị lũ kiến lửa đốt sưng cả đít, cu lớn bị bố mẹ mắng nên giờ trông em cẩn thận. Cu nhỡ, cu bé vẫn mải chơi phía góc sân. Cả hai đứa mũi xanh chảy dài xuống miệng chắc đã lâu giờ khô keo dính lại. Chúng đang mải mê với đám đồ chơi nặn từ đất sét ướt nên tay chân và mặt cũng bám đất. Chúng say mê đến nỗi không để ý đến người xung quanh kể cả bố mẹ về sát bên chúng cũng chẳng hề biết.
          Hạnh cất cái cuốc vào góc chuồng gà rồi đến bế cu út. Hạnh kẹp hai đầu ngón tay vào cánh mũi con để vắt mũi. Cu út không chịu quay đầu khóc ré lên, nó cứ nhào người xuống đòi nghịch tiếp. Thấy vậy, Hạnh đành thả con xuống để cho nó nghịch, lát nữa tắm rửa một thể cũng được.
          Nghe đứa con lớn khoe thành tích, Du thấy thương con vô cùng. Du khen:
          - Cu lớn của bố mẹ ngoan lắm.
          Du chợt nghĩ “Đáng lẽ ở tuổi nó, nó phải được đùa, hò hét, chạy nhảy. Đằng này nó phải trông các em đến bở hơi tai. Ờ, có lẽ cái khổ khiến nó biết suy nghĩ sớm!”
          Vợ Du vào bếp bắc nồi chất củi nấu cơm. Khi cơm canh đã chín, mùi hương quyến rũ bay ra, bay vào mũi, vào cái dạ dày đang đói của cu út, cu nhỡ, lúc này hai đứa mới chịu đứng dậy. Cu nhỡ, cu út dường như đồng hành với nhau cùng đưa tay quyệt ngang mũi. Hạnh pha thùng nước ấm để rửa mặt mũi tay chân cho các con.
          Bữa cơm trưa nay cu nhỡ đòi ăn trứng luộc. Vợ Du nhìn con rồi nhìn chồng cười và thấy thương con.
          Du bảo cu nhỡ:
          - Trứng mẹ xào cà chua thế này cu nhỡ ăn là sau này học giỏi lắm.
          Cu nhỡ mếu máo:
          - Con ứ cần học giỏi đâu. Trứng mẹ xào mặn lắm! Con thích luộc cơ?
          Du phải động viên mãi cu nhỡ mới chịu chan đẫy canh vào bát rồi húp ăn soàn soạt. Cu nhỡ ăn như không cần nhai mà là nuốt như cố cho qua thứ trứng xào mặn chát muối.
          Ăn xong bữa cơm trưa mặt trời đã quá đỉnh đầu. Vợ Du bế cu út vào giường ru nó ngủ. Cu lớn và cu nhỡ ngồi lấy gạch vẽ nhăng vẽ cuội ngoài hè. Thôi thì đủ thứ nào xe tăng, máy bay và nhiều hình vẽ kì quặc khác.
Du vào nhà lấy điếu ra hè hút thuốc, uống qua quýt cốc nước chè pha từ sáng rồi kéo xe cải tiến ra đồng.
          Ngoài đồng nhiều người chắc cũng như Du ăn vội ăn vàng dăm bát cơm cho no bụng, cho có sức đã nhấp nhổm trên ruộng bãi của mình. Thấy Du lộc cộc kéo xe đến, Tư điếc đang lội ruộng nói lớn:
          - Đồng với đất! Chớm mưa là ngập, chớm nắng là khô! Thiên tai, dịch bệnh kiểu này bỏ mẹ nó mà đi ông Du ơi? Tôi thấy dân làng Vàng mình khổ quá! Ông xem có kiếm được việc gì ở đâu cho tôi đi theo với?
          Tư điếc vác bó ngô lã chã nước trên vai ì ọp lội nước vừa đi vừa nói. Quần áo Tư điếc sũng nước. Du nhìn Tư điếc ái ngại. Du nói thật to để Tư điếc nghe thấy:
          - Ông cứ để lên bờ, tí nữa tôi chở giúp cho!
          - Ông Du bảo tôi nói “Bừa” à? Chẳng đâu như đồng đất nơi này đâu!
          Du buồn cười nhưng Du nghĩ Tư điếc nói thật lòng.
          - Cố gắng lên anh Tư ơi! Được rồi, khi nào kiếm được việc đáng đồng tiền bát gạo tôi sẽ gọi anh. Còn bây giờ cứ phải làm để có cái cho vào mồm đã! Anh thu cây lên bờ lát nữa tôi chở về cho!
          Phía các ruộng bên mọi người cũng đang khẩn trương công việc. Họ mải miết làm để quên đi cái lạnh đang làm môi họ thâm lại, và chiều tối cũng đang ập xuống rất nhanh.
          Ở nhà vợ Du dựng những thân ngô còn ngay thẳng vào bờ rào để hong. Những thân ngô này khi khô đi sẽ được gác trong kho để làm thức ăn dự trữ cho bò những tháng giá rét đang tới.
          Vợ Du thấy chồng quần áo sũng nước gò người kéo xe vào sân liền bỏ việc chạy đến đỡ. Khi chiếc xe đã vào chỗ yên vị, vợ Du vào nhà lấy quần áo giục chồng đi tắm:
          - Trong bếp có nước nóng. Anh vào tắm đi kẻo cảm lạnh!
          - Ờ, để anh tắm cho các con trước. Trời lạnh thật nhưng mình gồng người lên là thấy ấm thôi.
          Du nói đúng. Du gồng người nên sắc mặt phừng đỏ, các cơ bắp nổi lên từng cuộn dẫu thân thể của Du không lấy gì to lớn. Tắm cho các con xong Du mới ào ào tắm. Nước ấm làm cơ thể Du dễ chịu.
          Du khoác lên người chiếc áo bông quân đội dày cộp ra hè ngồi hút thuốc.
          - Bố ơi cho con đi chơi một lúc nhé?
          Nghe cu lớn hỏi Du gật đầu đồng ý:
          - Ờ, con chơi một lát rồi về ăn cơm nhé!
          Cu lớn vâng rõ to rồi chạy biến ra ngõ.
          Ngồi trong bếp với mẹ làm cơm, cu út luôn mè nheo, vợ Du phải dụ nó:
          - Con ngoan tối bố mẹ cho sang nhà Bác cả chơi.
          Cu nhỡ nghe thấy liền nói:
          - Con cũng đi chơi với!
          - Đúng rồi! Hai anh em ngoan đều được đi chơi.
          Nghe mẹ nói thế hai đứa trẻ vụt chạy biến. Chúng như con chim sẻ nhanh chóng lẩn vào vườn cây, vào không gian nhập nhoạng tối. Khi tụi trẻ chạy đi rồi Du sực nhớ đến lời cu nhỡ, Du bảo vợ:
          - Hạnh này, lần sau có xào trứng thì bớt muối đi, tiết kiệm vừa thôi. Mình xào mặn thế cu nhỡ không ăn được nó kêu là đúng đấy. Tối nay mình luộc trứng cho các con, nhớ luộc mấy quả vào.
          Vợ Du tủm tỉm cười.
          - Em biết rồi! Em nghe cu nhỡ nói mà xót ruột. Em thương nó quá!
          Du hỏi vợ:
          - Em có còn nhớ anh Dũng bạn anh không?
          - Có. Anh Dũng “Chó” chứ gì? Không biết gia đình anh ấy bây giờ ở đâu?
          Du cười khi nghe lại từ Dũng “Chó”.
          - Cả nhà Dũng chuyển ra Hà Nội làm ăn lâu rồi. Đợt gặp mặt bạn học vừa qua trên thị xã, Dũng có mời anh đến nhà chơi. Dũng muốn trao đổi, giúp anh việc kiếm thêm tiền ngoài việc đồng ruộng. Anh nghĩ tới đây sẽ gặp Dũng để học hỏi xem sao?
          - Anh nghĩ đúng đấy, học thầy không tầy học bạn. Tối nay mình sang nhà bác cả trao đổi thêm. Giờ anh đi gọi các con về ăn cơm đi.
          Du ra hết ngõ không thấy bọn trẻ. Du biết chắc chúng lại chơi ngoài sân kho. Du rảo bước. Ngoài sân kho cả chục đứa trẻ đang kêu khóc. Thôi thì hết trò đùa: Bốn đứa lớn đang cầm tay cầm chân đứa nhỏ hơn giả vờ chết khênh đi. Theo sau là cả bầy kêu khóc. Hai đứa lớn khác tay lăm lăm cầm roi tre quất vào mông những đứa không đi vào hàng hoặc không chịu khóc. Bọn nhỏ sợ đòn đau phải đi vào hàng và phải khóc. Chúng khóc thật, nước mắt, nước mũi chảy ra:
          - Ối thằng Hà ơi… Sao mày dại thế… Mày trèo cây cau, mày leo cành khế để ngã lòi ruột ra…
          Đứa lớn đi đầu xướng trước để cả đám khóc theo:
          - Sao mày dại thế… Ối thằng Hà ơi… Mày trèo cây cau, mày leo cành khế để ngã lòi ruột ra…
          Cả đám cứ thế đi vòng quanh sân.
          - Thôi thằng Hà sống lại rồi! Thằng Hà không phải đem chôn nữa! Đến lượt đứa khác chết đi?
          - Đến thằng Dậu!
          Nghe đến tên mình thằng Dậu lăn đùng ra đất. Thằng Dậu nằm dang tay dang chân, hai mắt nhắm lại giả vờ chết chờ được khênh đi.
          Bọn trẻ thấy Du đến liền ù té chạy.
          Du quát:
          - Sao các con nghịch dại thế?
          - Không nghe các anh ấy đánh hội đồng bố ạ. Sợ mấy anh lớn chỉ huy lắm!
          Chẳng hiểu cu lớn cũng như trẻ con làng Vàng bây giờ học ở đâu các từ nghe chừng giang hồ, đầu gấu như thế? Các từ này chắc chắn phát ra từ mồm người lớn, từ hành động của người lớn. Người lớn vô hình chung đã gieo vào đầu, vào nhận thức lũ trẻ con những nếp nghĩ xấu, hành động xấu.
Cu nhỡ chưa hiểu biết nhiều nên nói thao thao với bố:
          - Anh Hà, Anh Dậu chết sướng lắm bố ơi? Các anh ấy được khênh thế này này! Ngày mai đến lượt con đấy?
          Cu nhỡ diễn đạt lại các động tác làm Du bật cười.
          Du mắng cu nhỡ:
          - Bậy nào! Không được nghịch thế! Về nhà ăn cơm mẹ đang chờ!
          Du bế cu út trên tay. Cu lớn và cu nhỡ co giò phóng về trước.
          Ở nhà Hạnh đã dọn mâm cơm chu tất. Thấy cu lớn, cũ nhỡ sồng sộc chạy về rồi ngồi thụp bên mâm cơm. Hạnh nói:
          - Các con ra rửa tay, đợi bố với em về.
          Bữa cơm tối cu nhỡ ăn một mạch. Du và Hạnh không phải nhắc, phải thúc. Thấy chồng tủm tỉm cười, Hạnh hỏi:
          - Chắc anh buồn cười cu nhỡ phải không?
          - Ở, còn cả chuyện này nữa.
          - Chuyện gì hở anh?
          - Bọn trẻ trong làng và con nhà mình ra sân kho đùa nghịch gớm lắm! Chúng nó giả vờ chết rồi khóc ầm cả lên. Chúng xếp thành hàng khênh đi vòng quanh sân kho.
          Nghe chồng nói, Hạnh quay sang cu lớn, cu nhỡ mắng:
          - Sao các con đùa nghịch dại thế?
          Cu út ngồi bên cạnh mẹ tự xúc cơm ăn. Hạnh gắp chiếc lòng đỏ trứng gà vào bát cơm cho nó. Cu út lấy thìa xúc cho cả vào mồm phồng má nhai. Nó không nuốt được liền há mồm đòi nhè ra. Hạnh múc muôi canh đưa lên miệng nó, cu út chóp chép uống. Hai má của nó dẹp xuống. Cu út lại đòi ăn trứng.
          Bữa cơm tối xong, Du giúp vợ rửa ào đám bát đũa. Trong nhà Hạnh đang giành chút thời gian rảnh rỗi nói chuyện, âu yếm các con.
          Khi việc nhà xong Du nói to:
          - Cả nhà mình sang bên bác cả chơi.
          Lũ trẻ nghe thấy Du nói liền hè nhau sang trước.
          Bác cả là anh trai vợ Du. Vợ Du chỉ có hai anh em nên quý nhau lắm. Nhất là từ ngày bác cả rời quân ngũ về nghỉ hưu. Bác cả nghỉ hưu đeo quân hàm đại tá nên dân làng Vàng không hiểu học ai, nghe ai, từ bao giờ mà ai cũng gọi bác cả là ông Hai Bốn. Có lẽ trên cổ áo bác, trên cầu vai áo bác có bốn ngôi sao và hai cái gạch. Mọi người gọi thế thành quen. Nhà bác cả ở hẳn nửa quả đồi giáp với nhà Du. Vườn cây ăn quả nhà bác thuộc loại lớn nhất làng Vàng. Trong vườn bác trồng đủ loại cây ăn quả như ổi, na, chuối, mít, nhãn,… mỗi thứ một khoảng đất nên mùa nào bác cũng có quả để ăn.
Từ xa Du đã nhìn thấy vệt sáng đèn pin chiếu rọi lên trời. Du biết bác cả soi lũ chim ngủ đêm trên cây. Du đến bên hỏi:
          - Bác đã cơm nước gì chưa mà ra soi chim?
          - Ờ, cô chú sang chơi. Cơm thì ăn rồi nhưng nước thì chưa. Chè vừa hết nên nhịn vậy.
          - Thế thì hay!
          - Hết chè mà chú bảo là hay à?
          - Ồ, không! Là em sang đúng lúc có lạng chè ngon Thái Nguyên biếu bác.
          - Ờ, có thế chứ. Nghe chú nói nửa đầu tôi giật cả mình!
          Hạnh nghe anh trai nói chọc Du nên bật cười nói:
          - Bác cứ làm như anh Du nhà em sợ uống trà tốn tiền không bằng?
          - Nói cho vui thôi, cô chú vào nhà đi. Hai cháu lớn với thằng cu út đang ở trong nhà đấy.
          Dưới bếp bà Hai Bốn đang lúi húi nắm cho bọn trẻ nhà Du mỗi đứa một nắm xôi to vật.
          - Bà đun cho tôi phích nước mới nhé? Có chè chú Du biếu đây rồi!
          Ông Hai Bốn thích pha trà bằng nước mới sôi, và là sôi lần đầu. Ông chúa ghét thứ nước đun lại.
          - Bác cả để em pha trà cho?
          - Ấy… ấy! Cô cứ để đấy. Để bà ấy pha!
          Từ ngày ông Hai Bốn nghỉ hưu đến giờ, cũng là ngần ấy năm ông huấn luyện cho vợ cách pha trà. Ông triết lý: “Không phải là ông lười, hoặc không biết pha. Nhà bây giờ chỉ có hai vợ chồng già, ông muốn bàn tay của vợ pha trà để bà có việc, có thêm niềm vui, thêm tình cảm. Mặt khác bà còn biết trà còn hay hết để mua, ông không phải nhắc”.
          Hạnh nhìn chị dâu pha trà rất thành thạo mà cảm phục.
          Ông Hai Bốn nâng chén trà trên tay uống một ngụm nhỏ. Ông gật đầu khen:
          - Quả là đệ nhất trà Tân Cương Thái Nguyên. Trà này cô Hạnh mua hay chú Du mua? Mua ở đâu?
          - Hạnh mua ngoài thị xã bác ạ.
          - Cô Hạnh tinh đấy!
          Ông Hai Bốn chưa kịp khen cô em gái thì Lương Mù đã oang oang ngoài cổng:
          - Bác chỉ huy có nhà không đấy? Lương sang chơi đây!
          - Cháu vào uống nước! Tối sẩm thế này còn đi cho vất?
          - Tối trời hay sáng trời với cháu chẳng có ý nghĩa gì? Cháu mới về nhà trưa nay, giờ mới sang thăm hai bác được! Nhà mình đang bàn chuyện gì mà đông người thế?
          Nghe Lương Mù nói mọi người ai cũng buồn cười.
          - Để tôi đỡ chú ngồi.
          Lương Mù gạt tay ông Hai Bốn nói:
          - Bác kệ cháu! Cháu tự tìm được, chuyện vặt mà.
          Lương mù chọc chọc gậy tìm chỗ ngồi. Đầu gậy cứ như bước thấp bước cao chọc vào khoảng không. Đợi cho Lương Mù ngồi yên vị trong ghế ông Hai Bốn mới nói:
          - Chuyện làm kinh tế, chú Lương có thích nghe không?
          - Kinh tế làm giàu hả? Cháu mê chuyện này!
          Nghe Lương Mù nói ông Hai Bốn tủm tỉm cười. Ông bảo Du trình bày tiếp chuyện.
          Du nói:
          - Vợ chồng em tối nay sang xin ý kiến hai bác. Nhà em có kế hoạch cải tạo vườn đồi thành nhà hàng ẩm thực và sinh thái. Em nghĩ mình phải kinh doanh chứ chỉ trông vào đồng ruộng thì gay lắm hai bác ạ. Vườn đồi để mấy cây ăn quả chẳng ăn thua gì!
          - Chú làm ẩm thực ở đây để bán chịu cho dân làng Vàng à?
          Ông Hai Bốn tròn xoe mắt nói.
          - Ngoài thị xã nhà hàng đầy ra đấy. Họ thiếu gì chỗ mà phải chui vào cái xó này? Vừa xa, vừa vắng! Hai cô chú suy nghĩ kiểu gì mà hôm nay nói với tôi như thế?
          - Em nghĩ kỹ rồi bác ạ. Em còn tranh thủ tham khảo ý kiến ông Bình đầu làng nữa!
          - Lão ấy nói sao?
          - Ông Bình bảo ý tưởng hay lắm!
          - Hay cái con khỉ! Lão “Bình cũ Rượu mới” ấy biết đếch gì mà hay mới dở! Nếu lão biết là hay thì không bao giờ lão làm cái việc dở thế? Đúng là bia để miệng, tiếng để đời! Cứ tưởng nhiều tiền lắm của, cứ thích là làm là được à? Lão Bình coi dư luận, coi thuần phong mỹ tục chẳng là cái gì hết! Vợ mới với vợ cũ? Rõ dở hơi! Chú và cô hiểu ý tôi nói chứ? Tôi chỉ huy cả sư đoàn vào trận đánh, giữa cái sống cái chết tôi còn nhận ra mình phải làm gì? Huống hồ cái cửa hàng ẩm thực của chú? Không bán được cho ai đâu. Dẹp đi! Dẹp ngay cái suy nghĩ, cái đổi mới điên rồ ấy đi! Dẹp!
          Bà Hai Bốn ngồi nghe chồng nói, bà thấy không thuyết phục. Bà nói:
          - Việc nhà binh của ông nó khác với việc kinh doanh. Mà ông nói người ta cái gì mà đao to búa lớn thế?
          - Bà bảo khác cái gì? Người ta nhìn là nhìn cái địa thế, cái vị trí của nhà hàng chứ không nhìn vào nội dung nhà hàng. Còn chuyện lão già kia cũng ảnh hưởng đến người có tuổi khác đấy? Người có lòng tự trọng không ai làm thế? Ai lại lấy vợ bằng tuổi con mình! Bà nghe tôi nói rõ rồi chứ?
          - Chú Du nói phải có đầu, có đuôi, có lập luận, có phân tích vào. Tôi nghe chú trình bày sơ sài quá! Chú nói đại khái thế anh chú không hiểu được đâu?
          - Chú ấy nói tôi hiểu rồi. Tôi bảo dẹp đi! Còn nghe hay không là việc của cô chú ấy. Còn bây giờ chú Du có đi ngắm vườn trăng với anh không? Vườn trăng đẹp lắm!
          Nghe ông Hai Bốn nói “Vườn trăng” Du chưa hiểu ông Hai Bốn nói gì? Ông làm sao vậy? Hay là ông đang lãng du một chuyện gì đấy của một thế giới xa xăm huyễn hoặc? Du mạnh dạn hỏi lại:
          - Vườn trăng là cái gì hở bác? Nó ở đâu? Bác nói gì em không hiểu?
          - Ờ, chú này lạ thật! Cứ mải mê hàng với quán, đến vườn trăng cũng không biết? Là vườn bãi nhà mình chứ còn đâu nữa! Chú không nhìn thấy trăng sáng bát ngát ngoài vườn và ở trên đầu mọi người đấy ư? Cảnh đẹp thiên đường thanh bình này chỉ có ở miền quê khi nước nhà thống nhất, giang sơn thu về một mối.
          Ông Hai Bốn không cần Du trả lời, ông lững thững ra vườn. Ông đến chỗ khóm cây Ngọc Lan nơi ông đặt bộ bàn ghế bằng xi măng do chính tay ông tự mua vật liệu, tự làm lấy. Du im lặng theo sau ông. Lúc này Du thấy mình quá nhỏ bé so với ông. Ông là một vị tướng, một sư đoàn trưởng, đôi chân ông đã đi hết chiều rộng, chiều dài đất nước. Còn Du chỉ là anh lính quèn có ba tuổi quân. Những gì ông vừa nói cũng là chuyện bình thường. Cuộc đời ông đã phải chịu đựng quá nhiều gian khổ, khói lửa của đạn bom thời chiến tranh nên giờ đây ông thèm khát đến trân trọng một đêm trăng sáng nơi miền quê thời bình là đáng trân trọng! Du cúi đầu lặng lẽ đi bên ông.
          - Chú về nhà bảo chị và cô ấy ra đây ngắm trăng? Nhớ xách chai rượu với mấy chiếc chén. Đêm trăng thế này chỉ thời bình mới có! Tiền bạc nào mua được?
          Du về.
          Lương mù không thấy ai nói chuyện, Lương mù cũng về.
          Ông Hai Bốn ngồi ngả lưng vào thành ghế. Sương đêm lấp lánh như vàng bạc. Vườn cây xào xạc giao lá cành. Ông Hai Bốn trầm ngâm nhớ về những năm tháng đã qua. Ông mải nghĩ đến nỗi mọi người đến lúc nào ông không biết.
          - Chị sang ngồi bên anh. Ghế này không phải của chị. Chị để em rót rượu dâng anh.
          Du nói và đỡ chai rượu từ tay bà Hai Bốn. Bà cũng thuộc những người “Đàn bà vĩ đại” trong vô vàn người phụ nữ vĩ đại của đất nước thời chiến tranh những thập kỷ trước. Bà đã hy sinh cả thời son trẻ gánh vác việc nhà, việc nước. Du rót rượu ra bốn chén nhỏ.
          - Em kính bác.
          - Ờ, cám ơn chú.
          - Đêm trăng thế này chắc gợi lại cho hai bác nhiều kỷ niệm phải không? Hai bác kể cho vợ chồng em nghe đi?
          - Chú bảo anh kể để mọi người cùng nghe. Cuộc đời anh chú là cả một pho chuyện đấy?
          Ông Hai Bốn lắc lư đầu cười:
          - Bà nói cho đầy đủ câu. Thế hệ tôi chứ? Còn mình tôi thì làm được trò trống gì!
          Ông Hai Bốn bảo Du rót rượu cho ông. Ông uống hết chén rượu. Ông nói tiếp:
          - Tôi còn sống để về với người thân là may lắm! Tôi không thích, thậm chí không bao giờ nói về mình, dẫu rằng những năm tháng hào hùng ấy có tôi. Chắc cô chú chưa được, hoặc được xem nhưng chưa hết những lá thư tôi viết cho vợ thời ấy nhỉ? Mình toàn động viên vợ làm đơn ly dị để đi lấy chồng khác! Thương vợ mỏi mòn chờ đợi, chiến tranh khốc liệt, chưa biết kéo dài đến bao giờ? Mà chắc gì tôi còn sống để về? Cô chú có thấy đất nước mình hy sinh xương máu nhiều đến thế nào không? Tượng đài có cao lớn đến mấy cũng không sánh nổi!
          Ông Hai Bốn nói xong ông dựa hẳn lưng vào thành ghế. Ông ngửa mặt nhìn lên bầu trời đêm thăm thẳm. Mọi người thấy nước mắt ông đang chảy.
          Hạnh quay sang hỏi chị dâu:
          - Sao ngày ấy chị không cho em xem?
          - Ngày ấy cô còn quá nhỏ chắc không hiểu hết điều anh viết lại đâm lo.
          Ông Hai Bốn quay người lại rồi nói như khôi hài:
          - Giá như ngày ấy bà cứ nghe tôi thì bây giờ bà có cháu bồng rồi nhỉ? Chẳng phải cô độc thế này? Tôi nói không phải, có khi nào bà thấy ân hận không?
          - Ông nói gì thế? Tôi cũng không hiểu vì sao thời ấy phụ nữ chúng tôi có sức mạnh đến vậy? Chúng tôi chờ đợi đến chai lỳ! Ngày nhận giấy báo tử của ông năm một nghìn chín trăm bảy hai, tôi thấy mẹ không khóc. Mẹ chỉ ngồi im như bất động! Nhìn mẹ tôi cũng im lặng theo. Đêm ngủ tôi mới khóc một mình trong màn!
          - Thế bà còn nhớ ngày tôi hiện về không?
          Bà Hai Bốn đưa tay quệt nước mắt. Bà chậm rãi nói:
          - Cũng đêm trăng thế này của năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm…
          Có nghĩa là ông đã được báo tử ba năm rồi… Tôi cũng yên bề với số phận. Bố mẹ giục tôi đi bước nữa “Con đừng làm khổ con, đừng hy vọng nữa. Con có đi lấy chồng thì vẫn là con của bố mẹ. Đời con còn dài, còn nhiều thời gian để xây dựng hạnh phúc. Nghe lời bố mẹ đi con!”
          Bà Hai Bốn mắt rớm lệ. Lát sau bà kể tiếp “Bố mẹ cho con thêm thời gian nữa, con không phải vọng phu đâu? Con tin là chồng con sẽ về!”
Ông Hai Bốn ngồi nghe vợ nói mà đầu óc như để mãi đâu? Ông nghĩ về những tượng đài trong xã? Những người đã chấp nhận hy sinh đời mình trước kẻ thù giờ hóa tượng, giờ lại chết đi một lần nữa bởi những người đang sống. Hình hài họ cứ lở loét ra, xám ngoét trước nắng mưa… Ông nghĩ về những người phụ nữ trong làng… trong xã… lam lũ… vất vả… Ông mơ hồ tiếng vợ bên tai… Ông bất ngờ nói lớn:
          - Không thể thế được! Tượng đài phải ra tượng đài! Phải được trân trọng! Phải được trùng tu! Phải được chăm sóc như người ta rửa mặt mỗi sớ! Thằng Tân có là Phó Chủ tịch văn xã hay là gì đi nữa, ngày mai tao cũng chửi cho mày một trận!
          Câu nói đột nhiên, bất ngờ của ông Hai Bốn làm mọi người giật mình. Bà Hai Bốn bình tĩnh nói:
          - Ông làm sao thế? Sao tự dưng ông lại nói chuyện này?
          - Mọi người nghĩ tôi làm sao hả? Tôi chẳng làm sao hết! Mọi người cũng bàng quan, cũng vô cảm vừa thôi! Mọi người hãy để mắt tới điều tôi vừa nói! Mọi người đừng có mải mê kiếm tiền!
          Mọi người nghe ông Hai Bốn nói, ai cũng im lặng. Hồi lâu, những lời nói của ông Hai Bốn dường như đã bay hết lên trời bà Hai Bốn mới dám kể tiếp. Bà thủ thỉ:

          “Một tối tôi lặng lẽ ra ngoài vườn cắt mớ rau lang để băm cho lợn. Cắt xong một bó lớn tôi đứng thẳng người cho đỡ mỏi. Trên mặt tôi trăng tan và hóa thành mồ hôi, nước mắt. Tôi ngồi xuống khóc vì tủi thân, cô quạnh. Tôi giật bắn mình khi thấy một vòng tay lớn, cứng như thép ôm ngang người tôi. Người ấy đã kéo tôi vào lòng. Tôi hét to và đẩy người đàn ông ấy ngã xuống. Tôi chạy thục mạng về nhà hổn hển nói với bố mẹ: “Bố mẹ ơi, vườn nhà ta có trộm!”. “Thế à?”. “Bố cầm gậy, con cầm chiếc đòn gánh này! Chắc hắn vẫn ở đó chưa kịp chạy đâu! Nhanh lên bố?”. Tôi thấy bố mẹ chồng cứ ung dung, không vội, tôi liền chạy ra trước. Tôi bắt trộm mà người cứ run cầm cập… Cái bóng đen ấy đã bỏ đi tôi không nhìn thấy nữa. Tôi ra phía bãi lang để lấy rau về thì từ bụi chuối bên cạnh bóng đen ấy vụt đứng dậy bế gọn tôi trên tay. Tôi càng vùng vẫy càng bị ôm chặt. Biết mình bất lực tôi la to: “Buông tôi ra, tôi là phụ nữ đã có chồng!” Người ấy không làm theo lời tôi mà bế tôi đi.
          Ngoài hiên bố mẹ chồng tôi chong đèn đứng đợi. Tôi nghe rõ tiếng ông nói: “Con nó bắt được trộm rồi bà!”
          Trong nhà ngọn đèn bão tỏa sáng soi rõ chiếc ba lô, chiếc túi cả hai căng tròn đặt trên giường.
          Tôi ngồi xuống ghế mà không tin vào mắt mình nữa. Mẹ chồng tôi nói: “Trộm đâu mà trộm, chồng con nó về đấy! Ôi đại phúc quá!”. Tôi bàng hoàng. Anh ôm tôi vào lòng. Tôi ôm chặt lấy anh. Tôi khóc. Mẹ chồng tôi cũng khóc. Tôi khóc nhiều lắm. Nước mắt tôi thấm ướt bờ vai anh. Bố chồng tôi không nói. Ông lặng lẽ lấy nhang ra thắp ngoài trời.
          Ngồi nghe bà Hai Bốn kể chuyện, vợ Du sụt sịt khóc. Du hỏi ông Hai Bốn:
          - Ngày ấy anh về với chị được bao lâu thì lại lên đường tiếp?
          Ông Hai Bốn như kẻ mất hồn. Ông chậm chạp nói:
          - Được đúng bảy ngày rồi khoác ba lô lên đường đi chiến trường K (Căm pu chia). Thời gian này, bọn trở mặt quay súng lại tàn sát dân tộc của mình và dân ta tàn bạo. Mối đe dọa quốc gia kề kề sát nách!
          Du hỏi tiếp:
          - Nghe chị kể chuyện thời xa xưa ấy bây giờ anh nghĩ về điều gì? Điều nào anh thấy sâu sắc nhất?
          Ông Hai Bốn xoay người rồi nói rất chậm:
          - Đáng lẽ tôi phải hỏi chú điều ấy? Với chú điều ấy đã là xa xưa rồi ư?
          - Em hậu sinh, em nghĩ cạn, làm sao biết được? Anh cứ dạy để em nghe.
          Ông Hai Bốn buồn thêm khi nghe Du trả lời. Ông quay mặt nhìn chỗ khác. Sự im lặng của ông làm bầu không khí mát lành trở lên ngột ngạt. Phải chừng nửa giờ đồng hồ trôi qua ông mới nói:
          - Ý nghĩa cuộc kháng chiến vĩ đại thế mà chú trả lời tôi như vậy? Thật không ổn chút nào! Chú đâu phải hậu sinh như mấy đứa nhỏ con của chú? Nhưng thôi! Nếu trách chú một thì trách tôi mười. Có lẽ do hoàn cảnh, do điều kiện kinh tế của chú khó khăn quá nên chú không quan tâm thôi?
          Ông Hai Bốn dừng lời. Ông dựa hẳn lưng vào ghế ngửa mặt nhìn trời. Du không hiểu ông còn nghĩ thêm những điều gì nữa? Điều ông vừa nói với Du là rất đúng. Quả thật đã ngần ấy năm nay, từ ngày tóc Du còn mướt xanh Du chỉ cúi mặt xuống đất bán lưng cho trời lo làm kinh tế. Ngần ấy năm trôi qua có khi nào Du để ý tới lịch sử đâu?


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét