Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

GHI NHANH ĐẠI HỘI LẦN THỨ 3 HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỈNH NAM ĐỊNH



            

           Sáng 26-11-2016 tại hội trưởng Trường Chính trị Trường Chinh Nam Định đã diễn ra Đại hội đại biểu Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định lần thứ ba. Đại hội được đón tiếp nhiều quan khách từ trung ương tới địa phương, hoa tặng xếp la liệt trên hai cái bàn dài.

            Đại hội làm việc liên tục từ 7h30 đến 11h30 kết thúc thành công rực rỡ, hay, tuyệt vời... Suốt 10 năm qua, bói không lấy đâu ra được một đơn thư khiếu tố. Đại hội nhất chí cao và vui như Tết. Cả lần này cũng vậy. 10 vị lãnh đạo cũ thêm 5 vị mới được đại hội biểu quyết 100% thuận, không cần bỏ phiếu kín. Chợt liên hệ đến Hội VHNT Nam Định, triền miên đấu đá... Có lẽ người đứng đầu là quyết định rất quan trọng. Mong ông Chủ tịch Trần Đức Minh tiếp tục giữ chức Chủ tịch khóa này...

            Theo yêu cầu của ông Đồng Ngọc Hoa, tôi chụp hình và đưa lên blog. Tiếc là ngồi hơi xa, ảnh mờ. Ngồi trong nên không sao ra đến gần chụp được. Mà cái đội quân ghi hình, phó nháy đông như quân Nguyên, khó mà chen được.  

  


 
            Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa tuyên bố lý do, điều hành thủ tục chào cờ, thông qua chương trình làm việc, bầu Đoàn Chủ tịch và Thư ký Đại hội.


  

            PGS TS Trần Đức Minh – Chủ tịch Hội đọc diễn văn khai mạc ngắn gọn xúc tích.

 

            Phó chủ tịch Phạm Phú Thiệm đọc dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới hơi dài và dàn trải đủ các đề mục nên mục nào nổi bật chưa được nổi bật. Tuy vậy, các đại biểu đều chăm chú lắng nghe và cổ vũ. 

            Đại diện Ban Chấp hành báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành và Ban kiểm tra báo cáo kết quả kiểm tra tư cách đại biểu. Chẳng có gì gợn cả. Nói chung suôn sẻ tốt đẹp.

            Các đại biểu tham luận. 

 

            Tham luận hay nhất, thực tế nhất, đẹp nhất là tham luận của Thượng tá hưu Lê Như Huấn – trưởng tổ Vụ Bản, Ý Yên. Tổ này mỗi năm sinh hoạt hai kỳ. Mỗi kỳ lại ra được một số Tập san nội bộ “Nam Định xưa và nay” giới thiệu các bài viết mới của hội viên. Trong nhiệm kỳ hội viên tổ Vụ Bản Ý Yên làm được nhiều việc đáng kể như dịch thuật văn bia, gia phả, sách cổ, xuất bản sách và nhiều bài đăng báo tạp chí... Trong đó công trình nghiên cứu đã xuất bản của cụ Bùi Văn Tam đã 87 tuổi cả nghìn trang về văn hóa Thiên Bản thật đáng khen.
            Nghe tham luận của một vị mà tôi chẳng biết tên hơi chán. Bố này sa đà vào giảng cho các nhà nghiên cứu khái niệm lịch sử, vai trò của lịch sử... cứ làm như người nghe toàn là học trò không hiểu biết vậy. Tôi có tật ngồi nghe hay ngủ gật, thế là rìu đi luôn.
            Đang mơ màng, chợt giật mình choàng tỉnh vì ai đó đập tay lên vai hơi mạnh. À thì ra một đại biểu hỏi:
            - Này ông, diễn giả đang tham luận nói nước ta có 46 hay 49 Trạng nguyên theo các sách khác nhau, có 5 Tam nguyên thì tỉnh ta có 2 người là Trần Bích San và Đào Sư Tích... Tôi hơi lạ vì đọc sách của nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống không nói thế. Ông thấy có đúng không?
            - Xin lỗi, tôi ngủ gật không nghe rõ. Nhưng tôi có thể nói ngay rằng cả nước có 7 Tam nguyên chứ không phải 5. Và khi Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên năm 1374 thì chưa có danh hiệu Tam nguyên vì thi Đình chỉ là giai đoạn cuối của thi Hội. Từ năm 1442 mới phân chia rạch ròi 3 khoa thì Hương, Hội, Đình mới có danh hiệu Tam nguyên.
            - Như bác nói thì cái ông diễn giả này nghiên cứu nửa mùa quá. Mà sao bác biết rõ thế, bác đã đọc cuốn Các nhà khoa bảng Nam Định chưa?
            - Dạ, thưa bác tôi có đọc ạ.
            - Theo bác: Điểm nổi trội hay nhất của cuốn này là gì?
            - Theo tôi ạ... Vâng... À... Điểm hay nhất của cuốn ấy nó ở dòng đầu tiên của trang tên sách bác ạ.
            Ông đại biểu mà tôi không quen, nhìn tôi như nhìn một người tâm thần, rồi ông quay đi nói chuyện với người bên cạnh.
            Đến phần các đại biểu khách mời phát biểu. Rồi thư ký đoàn đọc biên bản...
            Rồi đến khen thưởng... Bác Bùi Văn Tam già yếu không dám lên sân khấu, vì sợ trèo 5 bậc, ngã một phát thì chả bõ. Khen thì có cái bằng khá hành tráng. Nhưng thưởng thì mỗi bác được 50.000 đồng, lại phải tự đi gặp người chịu trách nhiệm để nhận. Tuy vậy ai cũng vui hiện ra nét mặt. Hội mình nghèo quá, đề nghị mãi chưa được cái “đặc thù” nên chỉ có hội phí để sinh hoạt.
            Nhân tiện tôi hỏi bác Tam:
            - Tiền ở đâu mà các cụ sinh hoạt mỗi năm 2 kỳ, ra tập san vậy?
            - Mỗi năm UBND huyện Vụ Bản, Ý Yên chi cho chúng tôi 5 triệu đồng ông ạ. Không thì lấy đâu ra mà sinh hoạt.
            - Thì ra thế! Các cụ tài thật!
            Chúng tôi kéo nhau sang nhà ăn thưởng một tiệc kha khá. Thăm hỏi, bù khú mãi không muốn về...
            Các cụ giữ gìn sức khỏe để 5 năm sau chúng ta lại gặp nhau nhé! 
 











































                                                                       BCH mới ra mắt





                                          Trần Mỹ Giống và Hoàng Dương Chương





                                    Phan Viết Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét