Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Chuyện nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11



          TRÒ CHO THẦY ĐIỂM 2

          Giáo sư Nguyễn Văn Vĩnh là thầy dạy tôi môn Lý luận văn học hồi tôi học đại học. Giáo sư rất mê chơi cờ tướng. Có hôm đến giờ nấu cơm vẫn chưa phân thắng bại, con trai giục bố về làm bữa, giáo sư điều đình với con: “Con nấu hộ bố bữa này, mai bố viết cho một bài văn...” (Vợ giáo sư đi làm theo ca, phân công hai bố con giáo sư luân phiên lo bếp núc hàng ngày).
Chả biết bài văn của giáo sư văn học thế nào mà con trai bị cô giáo cho điểm 2, phê là lạc đề...
          Biết chuyện, cô giáo đến tận nhà để góp ý với phụ huynh việc làm bài thay con. Nhưng bất ngờ cô nhận ra phụ huynh lại chính là thầy dạy cô ngày cô học đại học. Cô giáo liền chuyển mục đích cuộc gặp thành cuộc trò viếng thăm thầy dạy cũ.
          Chúng tôi hay lấy chuyện trò cho thầy điểm 2 ra trêu giáo sư. Những khi ấy, ông thường đánh bài lờ... bằng cách bày bàn cờ tướng và thách đấu...



         MỘT KỶ NIỆM

          Ngày nhà giáo Việt Năm 1990 là một ngày đặc biệt đối với tôi. Đã 25 năm rồi mà mỗi khi tôi nhớ lại ngày ấy, nước mắt cứ trào ra. Những năm 1985 – 1995 là thời gian khốn khó nhất trong cuộc sống của tôi. Vợ chồng tôi đều là cán bộ thư viện mà phải chạy ăn từng bữa nuôi ba con nhỏ. Gian nhà cấp bốn của tôi bị dỡ bỏ để cơ quan lấy mặt bằng xây dựng. Cơ quan, chính quyền không đền bù, không hỗ trợ. Ban ngày các con tôi đi học hoặc vật vờ ngoài đường chờ hết giờ làm việc để vào phòng bố mẹ ngủ trên bàn qua đêm. Hồi đó tôi được mời thỉnh giảng mỗi năm 200 tiết tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh. Sáng tôi đạp xe đạp 30 cây số lên thị xã Phủ Lý giảng bài, chiều đạp xe về thành phố Nam Định để tối ra ngã ba Nguyễn Du – Lê Hồng Phong bơm vá xe kiếm thêm mớ rau bát gạo.
          Ngày Nhà giáo Việt Nam, gần chục em học sinh lai nhau từ Phủ Lý về Nam Định chúc mừng thày. Con lớn tôi dẫn các anh chị ra phố gặp tôi. Các em mang hoa chúc mừng và tặng tôi 4 mét vải pô pơ lin trắng may áo. Tôi dở khóc dở cười, không biết ứng xử thế nào. Các em nhìn tôi lặng người đi, rồi tất cả bỗng sôi nổi hoạt bát tranh nhau bơm xe cho khách. Các em vừa giúp tôi bơm vá xe, vừa truyện trò vui vẻ đến 22 giờ mới đèo nhau về Phủ Lý.
          Ngày Nhà giáo Việt Nam năm ấy khắc sâu trong tâm khảm tôi với bao cảm xúc vui buồn không thể nào quên được. Mảnh pô pơ lin may áo đã không còn dùng được, nhưng tấm tình thày trò thì còn mãi trong tôi.

          Trần Mỹ Giống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét