Thứ Tư, 2 tháng 3, 2022

NHÀ THƠ TRẦN HÙNG THẮNG / Trần Mỹ Giống

    


      

          Nhà thơ Trần Hùng Thắng, bút danh Hoài Ngọc Anh, sinh năm 1942, quê xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Ông là hậu duệ của Tả Hãn Tướng Quân. Tả Hãn tướng quân là cụ Trần Bá Khoản (tức Nghiễm) quê làng Trà Lũ. Cụ có sức khỏe hơn người, lại tinh thông võ nghệ. Cụ thường sử dụng thanh đao to bằng tàu lá chuối có cán bằng sắt luyện, hai người mới khênh nổi. Năm 1740 Trịnh Doanh thân chinh mộ quân đánh dẹp khởi nghĩa Ngân Già. Cụ ứng mộ lập công lớn được phong Đô chỉ huy đồng tri cai hãn tả hùng hữu đẳng trung tiệp, kiêm chỉ huy đội thuyền tráng tiết tướng quân Nghiễm trung hầu, quan võ tứ phẩm triều Lê, giữ chức thủy quân tứ cơ. Khi cụ giải giáp về quê, gia tư có hàng chục vạn. Dân gian có câu “Đệ nhất Thiêm Kì, Đệ nhì Hãn Tả” nói về sự giàu sang của cụ. Cuối thời Lê, kho nhà nước trống rỗng, triều đình quyên góp các xã, Trà Lũ phải nộp 80 vạn quan tiền. Cụ bỏ của nhà ra nộp thay dân làng. Hiện nay còn đền thờ quan Tả Hãn ở xã Xuân Trung (Xuân Trường – Nam Định). Con cháu cụ đều theo ngạch võ như: con trai cụ là Trần Đình Thạc làm Tham đốc vũ huân tướng quân, tước Trọng Nghĩa hầu; Cháu cụ là Trần Đình Lãm làm Đô chỉ huy sứ; Chắt, chút cụ có nhiều người đỗ Tú tài...

          Năm 1949 đến 1955 Trần Hùng Thắng theo gia đình tản cư vào Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Bạn học tuổi thơ của ông nhiều người thành đạt như PGS TS Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Đại tá họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, Đại tá nhà phê bình Hồng Diệu… 

          Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 9. Bạn cùng lớp với ông ngày ấy nhiều người thành đạt như PGS TS Nguyễn Trọng San, TS Chí Hùng, Nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha, nguyên Thứ trưởng GS TS Đặng Hùng Võ, Nhà văn Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu,...

          Thời trẻ ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa, thể thao. Các môn điền kinh, bóng chuyền, bơi lội ông tham gia nghiệp dư đều đạt thành tích đáng khen. Năm 1960 ông tham gia cuộc thi bơi vượt sông Đào đoạn dài 5000 mét về đích tốp đầu. Ông từng nhảy cao qua xà 1,8 mét và được tặng huy chương cá nhân.

          Ra trường, năm 1967 ông về công tác tại Tổng cục Vật tư (sau là Bộ Vật tư, nay là Bộ Công thương). Năm 1969 ông tham gia thi công công trình B12 (Đường ống dẫn dầu từ Quảng Ninh về Hà Nội) cùng chuyên gia Liên Xô. Sau đó ông từng tham gia xây dựng các công trình kho dầu sân bay Nội Bài, Kho vật tư Thanh Hóa, Sơn La, Lạng Sơn, Tổng kho H101, H102, H204, A315, A318, A320…

          Ông từng tham gia thiết kế trưng bày tại các khu triển lãm sáng kiến của các cơ quan trung ương (1972), Khu triển lãm quốc gia Vân Hồ (1980), Triển lãm tại Văn phòng Bộ Vật tư, Khu triển lãm thành phố Nam Định, Triển lãm trưng bày Phòng truyền thống Cấp 3 Xuân Trường kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (2001)…  

          Năm 1977 ông xây dựng gia đình. Vợ ông là một y tá Bệnh viện tỉnh Nam Định. Ông có hai con, một trai, một gái đều tốt nghiệp đại học, công việc ổn định. Thập niên 80 thế kỷ trước, tình hình kinh tế khó khăn, vợ chồng ông ở đôi nơi càng thêm khó khăn. Sau vụ ông viết văn theo phương pháp hiện thực phê phán bị người ta gây khó dễ, ông đã bỏ về sống với gia đình, theo đuổi nghiệp thơ văn.

          Trong những năm sống ở Hà Nội, ông quan hệ bạn bè khá rộng rãi. Ông thường lui tới nhà hát kịch giao lưu với các văn nghệ sĩ như Mạnh Linh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Thanh Tân, Nguyệt Ánh… Một lần ông cùng bạn bè tụ tập ở phòng ông Song Thương (Biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam gồm các nghệ sĩ Trọng Khôi, Nguyệt Ánh NSND, NS Thanh Tân, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, nhà biên kịch Ngọc Chanh, Song Thương, Văn Ngạn Phó ban biên tập Đài TNVN), mọi người thống nhất mỗi người phải thể hiện năng lực của mình. Thanh Tân thể hiện vai ông gác rừng say, Nguyệt Ánh nhảy “thoát y” trong vai Ni na vở  Cậu bé đánh trống trận, Trọng Khôi – kẻ điên đốt đền, Ngọc Chanh – tên tướng cướp (sau đổi thành Tình yêu và tội phạm)… Đến lượt mình, Trần Hùng Thắng ứng khẩu đọc bài thơ vui nhắc tên những người có mặt trong cuộc hội ngộ.

HẠNH NGỘ VĂN NGHỆ SĨ

                   Ni Na Nguyệt Ánh thoát y

          Doãn Hoàng Giang có chạy đi đằng trời

                   Trọng Khôi đền đốt tả tơi

          Song Thương, Văn Ngạn nổi trôi màn hình

                   Ngọc Chanh tướng cướp đa tình

          Thắng thua ai tỏ chuyện mình với ta…

          Thời gian này ông thường hay buổi tối ngồi lều của nhà văn Phùng Quán (trong nhóm Nhân văn giai phẩm) bên Hồ Tây. Phùng Quán nổi tiếng “Văn chui, rượu lủi, cá trộm”. Sau khi đi cải tạo về, gặp nhiều khó khăn, để thêm thu nhập, Phùng Quán phải nhờ nhà thơ Tế Hanh đứng tên sáng tác của mình mới được ra mắt bạn đọc. Một đôi lần ông đến thăm nhạc sĩ Văn Cao. Đến nay ông vẫn còn tiếc là ngày ấy không chú ý ghi chép nhiều tình tiết về nhạc sĩ. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng bảo: Văn Cao là nhạc sĩ sáng tác quốc ca trên thế giới duy nhất còn sống. Sau này những chuyện về ông sẽ đắt như tôm tươi.

          Từ ngày ông về sống ở thành phố Nam Định, chẳng ai biết ông là Kỹ sư, mà quen gọi ông là Họa sĩ, Nhà thơ. Ông chơi thân với nhạc sĩ nhà giáo Nguyễn Hữu Thắng cùng phố Hoàng Văn Thụ. Sau khi báo Nam Định đăng bài “Giáo viên nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thắng” của ông, bà chị ông Nguyễn Hữu Thắng là Việt Kiều sống ở Pháp về, mới biết hoàn cảnh cơ cực của em mình mà mua cho Nguyễn Hữu Thắng ngôi nhà ở Hà Nội. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thắng nổi tiếng với ca khúc Không ai ngăn nổi lời ca. Qua nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thắng, ông quen biết và giao lưu với giới văn nghệ sĩ Nam Định như Chu Văn, Kim Ngọc Diệu, Vũ Quốc Ái, Phạm Như Hà, Trần Trung Hiếu, Trần Trung Kỳ, Đức Miên, Minh Đoan, Thanh Hòa, Nhật Tân…

          Sau lần gặp nạn do viết truyện ngắn theo phương pháp hiện thực phê phán, ông không viết truyện nữa, chỉ sáng tác thơ. Tuy nhiên, ông vẫn ẩn danh chấp bút hồi ký cho bạn bè. Nhiều sáng tác thơ văn của ông đã đăng các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Người Hà Nội, Đại đoàn kết, Người cao tuổi, Cựu chiến binh, và nhiều tạp chí…

          Một lần bù khú với bạn bè về chủ đề “Đầu đường thiếu tá bơm xe / Cuối đường đại tá bán chè đỗ đen” ông đã ứng khẩu:

          Nhạc công lạc vật phỏng tay

Úy tá rời trận ra ngay vỉa hè

          Bà giáo ngồi ôm nồi chè

Công nhân máy Dệt đêm về thêm ca

          Một lần sáu ông bạn “buôn dưa” tại dinh Nhà giáo Trần Đình Thi ở cạnh ga tàu Nam Định, theo yêu cầu của bạn, ông đã đọc sáu câu thơ ghép tên của mỗi người theo vòng tròn mà ông là người sau cùng:

          Sáu thầy xơi cô Thi ca

Minh Đoan nhấp nhổm vào ra mấy lần

          Thắng điếc ham “Dệt mùa xuân”

Khiến ông Xuân Huấn dương cần nhảy ngay

          Đức Miên nửa tỉnh nửa say

Thắng thua chưa tỏ, việc này chửa xong.

          Hiện ông sống cùng bà kế ở quê. Ông lấy việc thăm thú bạn bè, xướng họa thơ ca... làm vui.

          Trước đây, có lần Chu Văn - Chủ tịch hội Văn nghệ tỉnh, mời ông tham gia hội nhưng ông từ chối vì muốn được tự do sáng tác chứ không chịu phụ thuộc vào tổ chức nào. Tác phẩm chính của ông là tập thơ “Trầu một lá”, ngoài ra còn hàng trăm bài đăng tạp chí và in trong nhiều tuyển thơ như “Hành Thiện tự ngàn xưa”, “Giáo sư Vũ Khiêu trong vòng tay bạn bè”, “Vũ Khiêu và bè bạn”, “Tuổi cao nêu gương sáng”, “Một thoáng Xuân Hương”, “Thi đàn truyền thống Việt Nam”, “Tuyển tập Đường thi”...

          Mảng thơ nổi nhất của ông là thơ tình. Thơ ông khi buồn não nuột, lúc say đắm dâng trào, có lúc như biển cả bão tố, có khi êm đềm dịu ngọt, sâu lắng như nước hồ lặng gió...

          Nhân đây chép ra mấy bài thơ của ông đã đăng tạp chí:

 

 TRĂNG NON THÔN NỮ

 

          Ngọc ngà trăng dãi cầu cao

Hàng cây nghiêng ngả, lao xao ngỡ ngàng

Dậu thưa thấp thoáng mơ màng

Trời xanh hé mở khuôn vàng nghiêng soi

Dại ngây chết đứng giữa trời

Trăng non thôn nữ, bóng người cầu ao.

 

THĂM VƯỜN

 

Vườn em lâu vắng người chăm bón

Đâu ngỡ thu này anh ghé thăm

Cỏ lác um tùm không xén tỉa

Thiếu mưa đất xốp cũng khô cằn.

 

Tay mới lướt qua đám cỏ gà

Gặp màn sương phủ phía bờ xa

Cung đàn năm ngón: Mây vờn núi

Nước bỗng tràn khe đẫm suối hoa.

 

Hoa trái đung đưa khéo đón mời

Mới vừa chạm lưỡi đã mê ngay

Thỏa thê tận hưởng xua cơn khát

Uống mãi ngàn đời chẳng hết say.

 

          VŨ KHÚC TÌNH YÊU

 

Chiếc lá chắn cuối cùng buông rơi

Vòm trời chao đảo

Nhật, nguyệt nhận trao

Sóng cồn vũ bão

 

Sừng sững tượng đài

Sương dầm đảo xa

Những âm thanh đứt quãng, nguyên sơ

Nhành liễu rủ

 

Trời xanh lửng lơ

Không gian chìm

Bão qua, biển thở

Gió lặng rừng già

 

Hoa khép sườn non

Khúc giao hoan đời đời thao thức

Trái đất trường tồn

Vũ khúc tình yêu.

 

 MÁI TRƯỜNG KHÔNG TIẾNG TRỐNG

 

Mái trướng ấy không hề vang tiếng trống

Máy bay thù quần đảo suốt ngày đêm

Không ghế không bàn, trơ trọi tấm bảng đen

Lũ học trò nghèo dong đèn, đeo sách, bàn đến lớp.

 

Đứa ngoài khu Ba, đứa trong khu Bốn

Dưới mái đình thiêng* ươm con chữ chuyên cần

Tan học về buồn ngủ díu bước chân

Bụng sôi cồn cào, mắt hoa đom đóm

Cơn mưa đầu mùa ào ào ập xuống

Mấy mái đầu che tạm manh áo tơi

Cô bạn tôi trượt ngã, sách, bàn rơi

Mặt dính đầy bùn, ngượng ngùng chữa thẹn

Mắt bồ câu ngày thường lúng liếng

Sấm giật lưng trời sợ hãi nép vào tôi.

 

Tiếng súng ngừng, mỗi đứa mỗi nơi

Người trở lại quê hương, người ngược ra Hà Nội

Cuộc sống bộn bề chẳng mấy ai nghĩ tới

Về ngôi trường không trống giục, ánh đèn dong.

Đã xa rồi những năm tháng chiến tranh

Lớp học trò xưa nay đã lên ông, lên cụ.

Ông kỹ sư già bàng hoàng gặp lại người bạn cũ

Trước mắt mình, nữ nhà giáo tóc bạc phơ

Sâu thẳm đáy lòng đánh thức hồn thơ

Họ bên nhau nhớ về cơn mưa đầu mùa

Và ngôi trường không tiếng trống.

                                 Thu 2018

…………….

          * Hồi kháng chiến chống Pháp, để tránh máy bay địch bắn phá, các lớp học ở vùng tự do được tổ chức vào ban đêm. Học nhờ trong các đình, đền cổ. Học sinh đến trường phải mang theo sách, đèn và bàn học. Bàn cá nhân đóng theo kiểu ghế cắt tóc. Hộp ghế đựng sách kẹp bởi chân vào mặt bàn.

 

        LỜI THỀ CON SÁO 

 

Sóng xé nát trăng thề thành mảnh vụn

Gió thét gào dồn nén mây trôi

Tình lang thang

Sóng nước đầy vơi

Ta lạc giữa đường đời ôm mộng ảo

*

Vẫn còn đây!

Lời thề con sáo

Hoa phượng bay nhuộm đỏ sân trường

Nụ hôn đầu đời

Tình bước sang trang

Bàn tay dại ngây thấu mùi da thịt

Ánh mắt nụ cười nồng say ngây ngất

Trời đất sững sờ thời khắc cũng ngừng trôi

Ánh trăng thề ngọt lịm làn môi

Nguyện bên nhau:

Tới cùng trời cuối đất.

*

Không gian nhạt nhòa

Bình minh vụt tắt

Ánh trăng thề vỡ nát giữa trời xuân

Ta về đây!

Nhẹ bước chân trần

Biết bao cánh chim bay

Sau mỗi mùa phượng nở

Lớp lớp học trò

Sớm chiều hớn hở

Lại thêm những chuyến đò “Lỡ bước sang ngang”

Những dở hay phía trước con đường

Thất bại, thành công nào ai biết trước

Hãy chấp nhận những gì ta có được

Quy luật cuộc đời:

Gió cuốn phượng bay.

              Mùa phượng 2018

 

                   GIÁ MÀ

Giá mà mình chẳng gặp nhau
Thì sao có được thương đau tháng ngày
          Giá mà rượu uống chẳng say
Đời còn đâu nữa những ngày nhớ thương
          Giá mà buổi ấy tới trường
Guốc em đừng đứt giữa đường gặp anh
          Giá mà biển chẳng còn xanh
Đất lành đâu dễ hoá thành sông sâu
          Giá mà cau chẳng cần trầu
Tình yêu trai gái còn đâu đến giờ
          Giá mà tình đẹp như mơ
Thì anh đâu có câu thơ - Giá mà...

 

ĐỢI

 

          Hôm qua em đến phòng anh
Giường đơn thay ghế chân thành mời em
          Ngoài trời thấp thoáng trăng lên
Trong phòng anh có trăng em dọi vào
          Mới nghe tiếng nói ngọt ngào
Tim anh run rẩy trăng nào có hay
          Xin đừng như cánh chim bay
Như làn gió thoảng chiều nay qua thềm
          Ước gì đời mãi bên em
Chăn đơn đỡ lạnh những đêm gió lùa
          Em về trời lại đổ mưa
Sương nhoà lối vắng canh khuya mơ màng
          Em về mai em có sang
Bên này, bên ấy cách hàng dậu thưa
          Ngày ngày hai buổi sớm trưa
Ngóng em qua ngõ kẻng vừa tan ca
          Bên này, bên ấy bao xa
Thế mà em chẳng ghé qua những chiều
          Giật mình đâu biết mình yêu
Phòng đơn anh vẫn bấy nhiêu đợi chờ.

 

          Một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc như “Tiếng chuông”, “Vũ khúc tình yêu” (Nhạc: Trần Công Thủy), “Thành phố sinh thái năm sao” (Nhạc: Trọng Đài. Ca sĩ Mai Hoa thể hiện), “Người chiến sĩ Ra đa” (Nhạc: Nguyễn Hữu Thắng), “Khúc ca mùa xuân” (Nhạc: Lý Dũng)…

          Ở tuổi bát tuần, ông vẫn say mê nghiệp thơ văn. Tài ứng khẩu thành thơ của ông vẫn rất nhanh nhạy. Họa sĩ Ba Tỉnh – bạn ông, có ý định vẽ chân dung ông, nhưng chưa biết vẽ thế nào thể hiện rõ tính cách và tài năng của ông. Tình cờ đọc được bài thơ của tôi viết về nhà thơ Trần Hùng Thắng, họa sĩ Ba Tỉnh chợt bùng cảm xúc và phóng tay liền ba bức chân dung Trần Hùng Thắng, bức nào cũng rất có thần. Bài thơ còn được nhạc sĩ Trần Công Thủy phổ thành ca khúc “Chúc mừng sinh nhật Trần Hùng Thắng” do ca sĩ Mạnh Hùng thể hiện. Bài thơ tôi viết về nhà thơ Trần Hùng Thắng như sau:

 

  CHÂN DUNG NHÀ THƠ TRẦN HÙNG THẮNG

 

                   Vốn dòng Tả Hãn Tướng Quân

          Hồn thêu nét bút, thơ văn dạt dào

                   Kỹ sư lớp trước, tự hào

          Màng chi quan chức, thiết nào hư danh

                   Cho đi muôn vạn nhánh cành

          Nhận về một lá trầu xanh cay nồng

                   Ngỡ ngàng đứt gánh tơ hồng

          Còn hai trái ngọt trời không phụ người

                   Lên xe, xuống ngựa một thời

          Khi thăm địa phủ, lúc chơi cung Hằng

                   Tao nhân mặc khách đãi đằng

          Túi thơ bầu rượu kém chăng Đào Tiềm*?

………….

Chú thích:

          *Đào Tiềm tự Uyên Minh, người đời Tấn, nổi tiếng cao thượng, ham đọc sách, giỏi thơ văn, không màng danh lợi, an bần lạc đạo, lấy tiếng đàn, câu thơ, chén rượu làm vui...

 

          Đầu năm 2022 Hội người cao tuổi địa phương mừng thọ tuổi 80 của nhà thơ Trần Hùng Thắng, tôi lại nghĩ về cuộc đời chìm nổi của ông. Đó là yếu tố gợi cảm xúc để tôi viết bài thơ chân dung ông… Tôi viết lan man về tiểu sử ông để bạn đọc thêm hiểu, thêm cảm bài thơ tôi viết chân dung ông.

 

          TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét