Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

THẨM ĐỊNH TÁC PHẨM – CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

 


       Cuối năm 2006, lần đầu tiên Phạm Trường Thi nhờ người dẫn đến nhà tôi. Khi ấy Thi đương chức Phó chủ tịch hội VHNT tỉnh, kiêm Trưởng bộ môn Thơ, kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân, Phó Trưởng ban Giám khảo vòng hai Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh. Thi đặt vấn đề với tôi:

- Hiện hội đang vướng chuyện ông Hữu Anh kiện vì tác phẩm của ông ta bị Ban giám khảo Bộ môn Văn loại khỏi giải Lương Thế Vinh. Ban lãnh đạo hội quyết định nhờ ông thẩm định cho hai tác phẩm, một là tiểu thuyết “Nếu được làm lại” của Hữu Anh, hai là tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ” của Hồng Quốc Văn.

Nghe thế, tôi giãy nảy, từ chối:

- Trình độ tôi có hạn, không làm được đâu, phức tạp lắm. Xin các ông để cho tôi yên.

- Đây là Ban lãnh đạo tin tưởng trình độ của ông nên mới giao nhiệm vụ này cho ông. Ông phải bí mật, không đề tên vào thẩm định. Việc này lãnh đạo chỉ tin tưởng mỗi ông thôi đấy.

- Ông đã nói vậy thì tôi đành nhận…

Khi ra về Thi còn nháy mắt đầy ngụ ý, nói:

- Ông nhớ là cuốn của ông Hữu Anh bộ môn chuyên ngành đã loại ra khỏi giải, cuốn của Hồng Quốc Văn được trăm phần trăm bỏ phiếu giải nhất nhé!

Tôi linh cảm có điều gì đó bất bình thường, liền bảo:

- Nếu các ông đã tin ở tôi thì để tôi tự thẩm định theo nhận thức của mình…

Tôi nhiều lần thẩm định nghiệm thu, phản biện công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nên việc thẩm định hai cuốn tiểu thuyết không có gì khó cả. Kết quả thẩm định của tôi: “Nếu được làm lại” xứng đáng vào giải, “Đứa con mang hai họ” cần phải loại ra khỏi giải.

Tôi yên chí mình là người duy nhất được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ thẩm định. Sau mới té ra còn có hai người “duy nhất” được lãnh đạo tin tưởng và giao nhiệm vụ thẩm định như tôi là nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Dương và nhà nghiên cứu Hoàng Dương Chương. Thật ngẫu nhiên, kết quả thẩm định của cả hai ông Dương và Chương đều đồng nhất với tôi.

Trước kết luận của ba bản thẩm định (dấu tên, chỉ đánh số thứ tự), Ban giám khảo vòng hai – Ban chấp hành hội quyết định hạ loại tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ” từ A xuống C, đưa tiểu thuyết “Nếu được làm lại” vào giải, loại C.

Đông đảo bạn đọc hoan nghênh việc điều chỉnh giải của Ban chấp hành, nhưng Hồng Quốc Văn cùng Ban giám khảo vòng sơ khảo (Hội đồng nghệ thuật bộ môn Văn) lại đồng loạt viết đơn gửi khắp nơi phản đối quyết định của Ban chấp hành. Khi ấy truyền đơn chửi bới, bôi nhọ ba người thẩm định rải ra đường và gửi nhiều người. Trước sức ép của những người này, Ban chấp hành lại tổ chức họp xem xét nâng tiểu thuyết “Đứa con mang hai họ” từ loại C lên loại B, không có giải A. Bạn đọc lại một phen thất vọng và mất niềm tin ở Ban chấp hành. Sự việc này dẫn đến mấy chục bài báo trên Văn nghệ trẻ tranh luận về “Đứa con mang hai họ” kéo dài hơn ba tháng đầu năm 2007.  

 

Một hôm, tôi gom sách cũ bán đồng nát, tình cờ thấy bà đồng nát có một tờ Tạp chí công nhân (tôi nhớ không chính xác tên tạp chí lắm. Có thể là Văn nghệ công nhân…). Tò mò tôi mở lướt thì bắt gặp một bài thơ lục bát dở hơi, ghép các chữ đầu câu thành một câu chửi ba người thẩm định chúng tôi, rất tục tĩu. Tổng biên tập tạp chí này là Phạm Ngọc Chiểu, hình như là người Nam Định. Sau khi nghiên cữu kỹ, ông Chương quyết định lấy giấy giới thiệu của hội lên cơ quan tạp chí công nhân, quyết làm cho ra nhẽ. Rất tiếc là tạp chí này đã bị giải thể từ hai năm trước.

Chuyện để lại dư âm xấu kéo dài.

Về sau, tác giả của “Đứa con mang hai họ” bị khai trừ khỏi hội vì giả danh nhà báo lừa đảo, “trấn lột”… Phạm Trường Thi bị một số hội viên phát đơn tố cáo đạo văn, khai man lý lịch Đảng, khai man bằng cấp để đủ tiêu chuẩn làm Tổng biên tập Văn Nhân. Tỉnh phải ra quyết định buộc Phạm Trường Thi thôi chức vụ hội và không cho ứng đề cử vào BCH mới.

Nhưng giải B không có giải A cho “Đứa con mang hai họ” của Hồng Quốc Văn thì không ai thu hồi. Vết nhơ giải thưởng tỉnh nhà vẫn còn nguyên đó.

TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét