Thứ Hai, 20 tháng 12, 2021

TÔI NHẬN GIẢI THƯỞNG VHNT LƯƠNG THẾ VINH LẦN THỨ VIII (2016 – 2020)

 


       Sáng 20 – 12 - 2021 tôi đi nhận Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh cho Tập hồi ký “Thời áo lính”. Nhà nhiếp ảnh Đinh Hữu Tuyền (người xã Xuân Phương – Trà Lũ Đông) cùng đi nhận giải, bảo:

       - Kỳ này xã Xuân Trung (Trà Lũ Trung) có ba người được giải: Trần Duy Cát bộ môn Nhiếp ảnh, Trần Đức Phát bộ môn Mỹ thuật, Trần Mỹ Giống bộ môn NCPB lại nhận giải Văn xuôi…

       Anh Tuyền, Cát thì tôi quen biết từ bé, riêng Phát thì giờ mới biết. "Chắc Phát còn ít tuổi, mình đi xa quê từ hơn nửa thế kỷ trước nên không biết". "Không, cháu cũng nhiều tuổi rồi ạ!" "Ừ thì cũng gần năm mươi, cùng tuổi Quý Sửu với con gái mình, vẫn là ít tuổi mà!" 

        Ba người được giải cùng làng, đều là anh em họ Trần. Lòng bỗng thấy vui vui…

       Ông bạn hàng xóm thấy tôi ôm cái bằng Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh về, liền trách:

       - Ôi, cái bố này, được giải thưởng mà cứ im ỉm. Sợ khao à?

       - Đâu có! Chẳng qua là thấy mình so với nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu cùng hội có tới năm bảy giải thưởng cao thì cái giải hạng bét của mình khoe ra nó cũng ngượng…

       - Thiên hạ nhân, thiên hạ tài. Ông được một giải cho nghiên cứu phê bình rồi, giờ lại được một giải cho văn xuôi nữa thì cũng đáng tự hào chứ!

       - Vâng! Cảm ơn ông động viên.

       - Chắc tiền thưởng giải này thừa chi cho cuốn Truyện nhặt ông vừa xuất bản nhỉ!

       - Ôi! Đâu có! Thưởng chỉ là hương là hoa thôi ông ơi!

       - Thế có được gấp ba lần giải thi tuần lên đỉnh Ô lim pi a của trẻ con không?

       - Bằng nửa giải thi tuần - hạng bét của Ô lim pi a thôi ông ạ!

       - Chẹp, chẹp! Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp! Chúc mừng ông!

       Chợt nhớ chuyện nhà thơ Bùi Đức Vinh có lần phán:

       - Cháu đọc “Thời áo lính” của chú tới hai lần rồi. Kỳ này chú gửi dự Giải thưởng Lương Thế Vinh đi. Cháu chấm cho chú giải Ba!

       - Chú không chuyên văn, làm sao so với các “cao thủ” bộ môn văn được!

       - Thì chú không chuyên văn nên cháu mới chấm cho chú giải Ba! Tin cháu đi!

       Lần trước khuyên tôi gửi bài cho tuyển “Thơ Nam Định 5 năm đầu thế kỷ”, Vinh cũng bảo “Tin cháu đi!”. Kết quả Vinh đúng! Ừ thì lại nghe Vinh lần nữa vậy!

       Tôi viết hồi ký mục đích cho riêng mình đọc, chứ không hề nghĩ đến chuyện xuất bản. Tên hồi ký là “VIẾT CHO RIÊNG MÌNH ĐỌC”. Vì chỉ viết cho riêng mình đọc nên tôi không hề thêm thắt, không thổi phồng thành tích, không che dấu khuyết điểm, không quan tâm thủ pháp nghệ thuật... Sự việc thế nào, suy tư ra sao tôi viết lại như thế.

       Cơ duyên tôi gặp trong đời nhà nghiên cứu Trịnh Thị Nga từ thuở hàn vi. Từ năm 1990 tôi thường lếch thếch đi thỉnh giảng ở Trường Trung cấp VHNT tỉnh. Nga là chị nuôi của trường. Vợ chồng Nga thường đón tôi về phòng tập thể chật như mắt muỗi cùng ăn cơm. Dần dà cả hai anh em tôi đều thành các “Nhà nghiên cứu cấp tỉnh”. Nga bảo:

       - Anh đưa bản thảo hồi ký em gửi Nhà xuất bản Quân Đội nhân dân để họ xem, duyệt được thì người ta in bao cấp cho…

       Tôi hưu, lương nhân viên văn hóa lấy đâu tiền tự xuất bản. Khi viết “Viết cho riêng mình đọc” tôi không dám nghĩ sẽ xuất bản “chính quy”. Thấy Nga nhiệt tình, thực tình tôi cũng không tự tin, nhưng lại le lói tia hy vọng. Tôi liền thay tên hồi ký thành “Thời áo lính”…

       Không ngờ chỉ hai tháng sau khi Nga gửi bản thảo đi, Nhà xuất bản Quân đội đã quyết định in bao cấp để phát hành cho các thư viện trong hệ thống thư viện quân đội. Tôi sung sướng xin được lấy nhuận bút bằng 100 cuốn  sách để tặng bạn bè đúng dịp 22 – 12 – 2018.

       Ngay năm sau, 22 – 12 – 2019 nhà xuất bản Quân đội lại in “Thời áo lính” lần thứ 2 theo đơn “Nhà nước đặt hàng” để phát hành cho các thư viện cấp bộ, tỉnh, viện, trường đại học…

       Sau khi sách được phát hành công khai, xuất hiện một số bài giới thiệu “Thời áo lính” của tôi, như “Thương bạn” của nhà thơ Đại tá Trần Văn Thuyên, “Thời áo lính” một hồi ký trung thực” của Tống Thị Hạnh (đăng Tạp chí Văn Nhân), “Giới thiệu hồi ký Thời áo lính” của Thùy Nhung (Thư viện tỉnh Vĩnh Long), “Thời áo lính – sách hay nên đọc” (Thư viện Quân đội)…

       Tôi vẫn nghĩ, mình ăn may nên sách mới được in. Tự biết văn vẻ của mình chả ra gì, nghệ thuật abc làm sao dám so với các tác giả chuyên văn. Khi nhận sách gửi dự giải, ông bạn đồng tộc ngạc nhiên hỏi lại: “Đây là… Anh gửi dự thi bộ môn văn à?” “Ừ! Thì gửi chơi…” “Sao anh không gửi cuốn Các nhà khoa bảng Nam Đinh nxb Quân đội mới in?” “Ồ! Cuốn ấy xuất bản lần đầu đã được giải rồi…”

Gửi rồi quên khuấy đi.

       Bây giờ ôm cái giải, dù là giải hạng bét, tôi vẫn còn chưa dám tin… 

       Có mấy bác nhà thơ, nhà văn phàn nàn giải chấm người chứ không chấm tác phẩm. Tôi chịu không biết. Riêng tôi thì chắc chắn chả ông bà giám khảo nào biết tác giả tép riu như tôi. Mà đến giờ tôi cũng chẳng biết ông bà nào chấm giải nữa…

       TMG 

TMG hàng đầu thứ hai phải sang


Nhận giải LTV 2006 - 2010 TMG đứng giữa hàng đầu







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét