Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

ĐỌC "ĐÊM YÊN DŨNG" THƠ TRẦN MỸ GIỐNG / Châu Thạch ; Thể hiện : Trần Mỹ Giống

 



tranmygiong.blogspot.com 

 

      Kính thưa các cụ!

      Bài thơ Đêm Yên Dũng ra đời năm 1968, khi đó tôi đang học Đại học Thư viện sơ tán ở huyện Yên Dũng, tình Bắc Giang. Năm 2005, bài thơ công bố lần đầu trong tập THƠ NAM ĐỊNH 5 NĂM ĐẦU THẾ KỶ do Nxb Hội Nhà văn ấn hành. Bài thơ được một số tác giả viết bài bình như:

- Nhà thơ Trần Đăng Tính có bài Cảm nhận về bài thơ Đêm Yên Dũng của Trần Mỹ Giống.

- Nhà thơ - nhà lý luận phê bình Phạm Đức Nhì, người Mỹ gốc Việt, hiện sống ở bang Tếch Dát có bài Thi pháp bài thơ Đêm Yên Dũng của Trần Mỹ Giống.

Hôm nay, tôi xin đọc bài “Đọc Đêm Yên Dũng thơ Trần Mỹ Giống” của nhà thơ - nhà phê bình Châu Thạch, tên thật là Trương Văn Trạn, hiện sống ở Đà Nẵng. Bài đã được in trong Tạp chí Văn Nhân số 144 năm 2022, trang 52 - 54.

Mời các cụ nghe chơi.   

Trước hết tôi xin đọc bài thơ:

 

ĐÊM YÊN DŨNG

 

Trên trời cao

một ngôi sao nhấp nháy

như ánh mắt người yêu ta thuở ấy

hẹn chờ nhau

xao xuyến buổi ban đầu.

 

Đồi bạch đàn

gió lao xao trong lá

ái ân niềm tâm sự

ngàn xưa.

đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

  

Gió tạm biệt đồi cây

lá theo ngừng tâm sự.

đất say nồng giấc ngủ từ lâu

Trên trời cao

giọt sao còn thức

vẫn nhấp nháy nhìn

vẫn đợi chờ

chung thủy đến ngàn sau

 

     Trần Mỹ Giống




           Đọc “Đêm Yên Dũng” của Trần Mỹ Giống / Châu Thạch // Tuyển tập bình thơ. – H. : Hội Nhà văn, 2023. – 347 tr. ; 21 cm. – Tr.: 74 – 80.


LỜI BÌNH CỦA CHÂU THẠCH

 

       Nhà thơ Trần Mỹ Giống còn là một nhà văn, quê Xuân Trung – Xuân Trường – Nam Định, hiện quản trị trang tranmygiong.blogspot.com.  Bài thơ “Đêm Yên Dũng” đã được nhà phê bình văn học Phạm Đức Nhì nhận xét thi pháp của bài thơ qua bài viết “Thi Pháp Bài Thơ “Đêm Yên Dũng” của Trần Mỹ Giống”. Yên Dũng là địa danh của một huyện thuộc tỉnh Bắc Giang.     

 

       Châu Thạch tôi tình cờ đọc bài thơ thấy rất hay, nên chỉ xin mạo muội viết những cảm nhận chủ quan của mình theo những cảm xúc mà bài thơ đem đến cho tôi, mong được tán thán cho thỏa lòng những ngôn từ trong thơ mà con tim và thớ thịt tôi rung động.

 

       Vào khổ thơ đầu tiên ta dễ dàng thấy Trần Mỹ Giống chỉ cho ta một ngôi sao  nhấp nháy, lung linh trên bầu trời đêm, như ánh mắt người yêu đã một lần hẹn thề, hẹn chờ ở cái tuổi “Xao xuyến buổi ban đầu:

       Trên trời cao

một ngôi sao

nhấp nháy

như ánh mắt

người yêu ta thuở ấy

hẹn chờ nhau

xao xuyến

buổi ban đầu.

 

       Khổ thơ đầu có ý thơ, tứ thơ thật dễ hiểu, chính sự dễ hiểu đó làm cho bất cứ ai đọc thơ cũng thấy được một bầu trời tuyệt đẹp, bầu trời đó nằm trọng tâm trí của mỗi người, nằm trong kỷ niệm êm đềm của một đêm nào đó, hay của một tháng năm nào đó mà ta từng nằm gối đầu trên cánh tay, nhìn lên khoảng trống bao la có ngàn vì sao nhấp nháy.

 

       Bầu trời đó nằm trong kỷ niệm của người lính, nằm trong kỷ niệm của anh công nhân, hay kỷ niệm của một người từng đi trên dòng sông, từng nằm trong cánh rừng, hay công trường hay nông trường nào đó. Nếu ai đọc thơ, nhớ đến lời hẹn thề với em một thuở xa xưa thì khổ thơ thổi vào tâm hồn ta một làn gió se lạnh, mang đến cho ta một chút khoái lạc trong nỗi niềm thương nhớ.

 

       Những câu thơ trên đây dễ thật dễ, thanh thật thanh, nhưng có khác gì bức tranh mở rộng một khung trời, nhắn nhủ mỗi người quay lại ký ức, đi về thuở yêu thương. Trần Mỹ Giống từng là một người lính, chất lãng mạn trong thơ nếu đem vào cho đời lính thì nó lại càng lãng mạn, thì nó lại càng thi vị đến không bút nào tả được.

 

       Qua khổ thơ thứ hai, một bức tranh vô cùng độc đáo  được vẽ lên  bởi cây cọ vẽ  điểm xuyết một khung cảnh cô liêu có mang hồn đất trời thao thức trong đêm:

 

Đồi bạch đàn

gió lao xao trong lá

ái ân niềm tâm sự

ngàn xưa.

đất cựa mình bồi hồi nhịp thở

ấm hơi người luống bắp, bãi dưa.

 

       Đọc khổ này không ai không tưởng tượng ra đồi thoai thoải, cây bạch đàn trùng điệp, gió như hơi của đất trời bay qua từng kẻ lá. Vạn vật trong thơ như có linh hồn, như có thân thể để cựa mình, ẩn mình trong luống bắp, bãi dưa mà thở ra, tưởng đến những vì sao trên trời như đôi mắt người xưa còn quyến luyến với mình.

 

       Hai chữ “ái ân” ở đây không có nghĩa dục tình. “Ái ân niềm tâm sự” là sự hòa hiệp thanh tao của đất trời tự ngàn xưa mà Thượng Đế tạo ra, là sự nhuần nhuyễn trong sự sống của muôn vật, là sự đồng một thể như hiểu tiếng lòng của thi nhân giữa trời xanh, sao sáng, rừng bạch đàn và tiếng gió lao xao.

 

       Thi nhân nhìn thấy ngôi sao như ánh mắt người yêu thuở ấy nhìn ta, lòng ấm lại và không gian cũng đồng cảm với lòng người, nên “Đất cựa mình bồi hồi nhịp thở/ Ấm hơi người luồng bắp, bãi dưa”. Hơi người làm ấm luống bắp bãi dưa là hơi ai vậy? Phải chăng là hơi ấm trong mắt người tình năm xưa đã chiếu xuống từ ngôi sao nhấp nháy, làm cho muôn vật trở nên tràn đầy sự sống.

 

       Đây là một khổ thơ đúng nghĩa trác tuyệt, nó hòa hợp được tâm trạng người vào khung cảnh trời đất, nó đem sự ái ân trong lành vô biên của cuộc tình “Xao xuyến buổi ban đầu” vào cuộc ái ân của đất trời trong phút giây này.

 

       Rồi thì sự lao xao của rừng cây bạch đàn dừng lại, đất cựa mình dừng lại, vạn vật chìm vào tĩnh lặng, nhưng con tim không dừng lại, nó nhảy chậm lại, nó nhảy chậm lại để được tồn tại mãi mãi cùng vạn vật đến ngàn sau. Để làm chi vậy? – Để chung thủy đợi chờ em!:

 

       Gió tạm biệt đồi cây

lá theo ngừng tâm sự.

      đất say nồng giấc ngủ từ lâu

Trên trời cao

giọt sao còn thức

vẫn nhấp nháy nhìn

vẫn đợi chờ

chung thủy đến ngàn sau

 

       Nhà thơ không còn là nhà thơ, nhà thơ bây giờ là nhạc sĩ, đã phổ một cung trầm cho dàn giao hưởng vừa nhộn nhịp của mình trở nên êm dịu, khiến cho ngàn trái tim chùng xuống, trong yên lặng thụ hưởng tình yêu nồng nàn trong giấc ngủ, tức là giấc thụy du đời đời, đến ngàn sau.

 

Trời đất còn ngủ, muôn vật còn ngủ nhưng với nhà thơ, tình yêu không ngủ bao giờ, nó vẫn thức khi “Đất say nồng giấc ngủ từ lâu” và yêu trong giấc thụy du ngàn năm chung thủy của nó.

 

       Đọc khổ thơ này, tự nhiên làm tôi nhớ đến bài thơ “Mùa Xuân Chín” của Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử tả một buổi bình minh đẹp vô cùng:

      “Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió reo tà áo biếc

Trên dàn thiên lý bóng xuân sang”.

 

Rồi Hàn Mạc Tử tả tiếng hát của thiếu nữ:

 

 “Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây”.

 

       Tất nhiên ở đây Trần Mỹ Giống không tả miền nông thôn đẹp như Hàn Mạc Tử. Nhà thơ như tả một miền nông thôn nghèo với phong cảnh khô hơn, và tiếng hổn hển trong thơ Trần Mỹ Giống cũng khác với Hàn Mạc Tử. Trong thơ Hàn Mạc Tử, tiếng hổn hển “như lời của nước mây”. Trong thơ Trần Mỹ Giống tuy không dùng tiếng “hổn hển” nhưng tiếng hổn hển nằm trong toàn bộ bài thơ và tiếng hổn hển đó không “như lời của nước mây” mà chính nó là lời của nước mây. Lời hổn hển ấy thầm thỉ với rừng bạch đàn, với luống bắp, vơi bãi dưa rồi chìm xuống trong yên lặng để suy tư, để tưởng nhớ về một cuộc tình đi qua trong đời. Lời trong lòng thi nhân trở thành lời của nước mây, phát xuất vì một vì sao như mắt em nhấp nháy trên bầu trời cao và đến lúc lời ấy nín lặng “đến ngàn sau” cũng dưới vì sao ấy. Vì sao ấy đã trở thành “Giọt sao thao thức/ Vẫn nhấp nháy nhìn”, nên mối tình vẫn tỉnh lặng cùng không gian, ấp ủ  trong lòng thi nhân  và trong vạn vật cho đến ngàn sau.

 

       Bài cảm nhận này tôi viết trong một giờ không chỉnh sửa theo triều dâng của cảm xúc trong lòng. Tôi có thể viết thêm về nó không biết bao giờ cho hết và viết mãi suốt đêm nay nếu có người chịu đọc.

 

       Đây là một bài thơ rất ngắn nhưng rất dài, vì nó chất chứa một mối tình trong không gian rộng lớn, nó chung thủy với một mối tình đến ngàn năm sau và nó cô đọng sự bao la sự trường tồn, vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn vào trong 3  khổ thơ với 19 câu thơ ngắn gọn./.

 

          Châu Thạch



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét