Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

MỘT TÁC PHẨM CÓ DẤU HIỆU ĐẠO VĂN ĐƯỢC XÉT GIẢI THƯỞNG LƯƠNG THẾ VINH (2001 – 2005) Ở NAM ĐỊNH / Trần Ngọc Minh

 

 

 (Bài đăng trên báo Văn nghệ trẻ số 1 năm 2007)              

MỘT TÁC PHẨM CÓ DẤU HIỆU ĐẠO VĂN  ĐƯỢC XÉT GIẢI THƯỞNG LƯƠNG THẾ VINH (2001 – 2005) Ở NAM ĐỊNH / Trần Ngọc Minh           

 

(Bài đăng trên báo Văn nghệ trẻ số 1 năm 2007) 

                                     

 Gần đây dư luận bạn đọc xôn xao về tiểu thuyết Đứa con mang hai họ của Hồng Quốc Văn (Nhà xuất bản Thanh niên, 2001) được Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định (Hội VHNT NĐ) xét giải thưởng Lương Thế Vinh (2001 - 2005) diễn biến một cách bất thường.

Hội đồng nghệ thuật bộ môn văn xuôi xét vòng 1 cho tác phẩm này loại A với 4 phiếu thuận, 1 phiếu đề nghị không đưa vào cơ cấu giải.

Nhiều bạn đọc nhận xét tác phẩm này kém cả về nội dung và nghệ thuật, không đạt một tiêu chí nào trong ba tiêu chí (nội dung tốt, nghệ thuật cao, đậm bản sắc Nam Định) của Giải thưởng Lương Thế Vinh (2001 - 2005) mà tỉnh đề ra. Nhà văn Hữu Anh viết đơn gửi Ban Chấp hành Hội VHNT NĐ, nhà văn Trần Thị Nhật Tân gửi thư kiến nghị lên cấp tỉnh để phản đối việc xét giải cho Đứa con mang hai họ.

Trước khi xét vòng 2, Ban Chấp hành Hội VHNT NĐ đề nghị ba nhà nghiên cứu văn học thẩm định giúp để tham khảo. Điều đáng lưu ý là ba người thẩm định không hề được biết thông tin về nhau, nhưng kết quả nhận xét lại có nhiều điều giống nhau, đều kết luận tác phẩm Đứa con mang hai họ là tác phẩm thường, không xứng đáng được trao giải, hoặc chỉ có thể được giải thấp nhất.

Ban chấp hành Hội VHNT NĐ xét vòng 2 đã bỏ phiếu cho Đứa con mang hai họ loại C. Sau khi kết quả được công bố, tác giả Hồng Quốc Văn đã viết đơn thư phản đối Ban chấp hành và những người thẩm định tham khảo với lời lẽ rất thiếu văn hoá. Hai nhà văn Trần Kim Lung và Nguyễn Đức Hoè là những thành viên Hội đồng nghệ thuật bộ môn văn xuôi cũng có đơn phản bác Ban chấp hành, đòi phải lấy kết quả bỏ phiếu của bộ môn là chính thống. Trước tình hình đó, Ban chấp hành phải tiến hành bỏ phiếu lại vòng 2, kết quả nâng Đứa con mang hai họ lên loại B.  

Việc đơn thư của tác giả Hồng Quốc Văn tỏ ra kém văn hoá, kém hiểu biết về lý luận văn học; Việc đơn đề nghị và thẩm định lại của hai thành viên Hội đồng nghệ thuật bộ môn văn xuôi tỏ ra không nắm vững nguyên tắc các bước xét giải và mâu thuẫn trong tư tưởng (như nhà văn Trần Kim Lung thẩm định lại rằng “Đứa con mang hai họ có nhiều khuyết nhược điểm về nhiều mặt” nhưng ông vẫn để loại A) ; Việc Ban chấp hành tổ chức bỏ phiếu lại cho Đứa con mang hai họ phủ định chính mình, chúng tôi không bình luận. Nhưng chúng tôi không thể không tìm hiểu về Đứa con mang hai họ khi tiến trình xét giải cho nó lại bất thường đến thế, và vì sao bạn đọc lại phản đối việc xếp giải cho nó. Dù sao thì giải Lương Thế Vinh cũng là Giải thưởng văn học nghệ thuật lớn nhất của Nam Định. Đứa con mang hai họ là một tiểu thuyết tầm thường, không có gì đáng lưu tâm. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi không “bình” (mà có gì nổi trội đáng để “bình” đâu, trong thời buổi ở nước ta có hàng ngàn tiểu thuyết, truyện ngắn ra mỗi năm) mà chỉ “phê” nhằm chứng minh cho quan điểm của chúng tôi là không nên trao giải cho Đứa con mang hai họ.

1 - Khi tìm hiểu về Đứa con mang hai họ, chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với dư luận bạn đọc đang phản đối kết quả xét giải cho tác phẩm này vì lý do sau:

- Tác phẩm này không thể hiện rõ nét bản sắc Nam Định như tiêu chí xét giải đề ra. Người và đất trong tiểu thuyết không phải là Nam Định, mà toàn là những sông Lô.

- Nội dung không chân thực, rất nhiều chi tiết vô lý, hư cấu không đảm bảo yêu cầu “thật hơn sự thật” của văn học nghệ thuật. Một ông tướng mà lại yêu đương và xây dựng gia đình với vợ lính ngụy di tản một cách tự do, tuỳ tiện, không cần báo cáo tổ chức. Nhân vật chính là cán bộ quân đội Minh, vốn bản chất tốt đẹp, đứng đắn, từng không sa ngã trước gái đẹp, được qua thử thách và giáo dục trong quân đội nhiều năm mà vừa tha thứ cho vợ ngoại tình lại tìm đến ăn nằm với vợ người khác để có thêm một đứa con ngoài giá thú. Cán bộ quân đội ưu tú Vũ phải cưới vội khi “đứa con trong bụng Nguyệt cứ lớn dần lên”. Sĩ quan quân đội Hùng hủ hoá với vợ cán bộ quân đội Minh, người được coi là liệt sĩ. Lẽ nào tác giả cố tình hư cấu các nhân vật là sĩ quan quân đội ta đều kém phẩm chất, vô kỉ luật trái hẳn với bản chất  anh bộ đội Cụ Hồ?

Ngọt – vợ Minh là đảng viên giữ chức Phó Chủ tịch xã, khi chửa hoang đã từ bỏ Đảng và chức vụ. Chỉ cần có cái giấy của Minh xác nhận đứa con của vợ với người khác là con mình, lập tức Ngọt được phục hồi Đảng tịch và chức vụ, rồi 5 ngày sau trúng Phó Bí thư đảng uỷ xã!!!

Đối với tiểu thuyết, tác giả có quyền hư cấu, thậm chí càng hư cấu càng hay, nhưng mọi hư cấu phải phản ánh cuộc sống một cách chân thật, chân thật điển hình hơn cả sự thật ngoài đời mới là nghệ thuật. Trong Đứa con mang hai họ có nhiều chi tiết về quân đội, về lịch sử, tác giả bịa đặt sống sượng, gượng ép, thiếu thuyết phục. Những chi tiết liên quan đến một số sự kiện lịch sử cụ thể tác giả viết trong tiểu thuyết làm bạn đọc ồ lên: “Bịa đặt! Xuyên tạc” như:

- Trang 185 tác giả bịa ra cô gái dùng kiếm Nhật chém chết một lính lê dương trong trận cảm tử quân chiến đấu bảo vệ chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

- Trang 389 tác giả để Nguyễn Trường Tam được Pháp tặng mề đay Bắc đẩu bội tinh.

- Đợt phong danh hiệu Đơn vị anh hùng và Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1975 vào ngày 12 / 9 bị tác giả chuyển lên trước ngày 19 / 5 (Trang 133).

Các chi tiết vô lí, không phản ánh chân thực cuộc sống như Minh nằm trên máng nước trong căn cứ địch 7 ngày rồi thoát ra dễ dàng, Minh là tân binh trong đơn vị huấn luyện quân đặc biệt tinh nhuệ lại được tự do thoải mái đi làm việc riêng và huấn luyện dân quân, chưa hết khoá huấn luyện ngắn hạn đã được phong vượt cấp, trung úy Hùng năm 1971 chỉ cần 2 giờ là xin được chế độ cho mẹ liệt sĩ từ chính tỉnh đội trưởng, thời chống Mỹ vẫn còn Mặt trận Liên Việt (trang 189) người đọc bắt gặp không ít trong tác phẩm.

Nhân vật nữ như Ngọt, Nụ, Nguyệt… được tác giả điều khiển bị chi phối bới những ẩn ức tình dục. Đoạn kể Minh chờ tàu, ra tay trừ cướp giúp công an không khác cảnh trong truyện kiếm hiệp. Tác giả “nhấm nháp” một cách thích thú đoạn mô tả Minh rình nấp xem tên Ăng Ka hãm hiếp cô gái giống một băng video quay chậm nhằm câu khách có thị hiếu thấp kém.

Chỉ như thế cũng đủ rõ nội dung tác phẩm Đứa con mang hai họ giá trị đến thế nào rồi.

- Về nghệ thuật, Đứa con mang hai họ còn non kém đúng như lời nhận xét trong bản thẩm định số 1 của một nhà nghiên cứu viết theo yêu cầu của Ban chấp hành Hội VHNT NĐ:

…“Nhiều nhân vật “minh hoạ”, tâm lý giản đơn (Vũ, Quyền, Tuyết). Ngôn ngữ trần thuật kém chất lượng: Có chỗ “làm văn” cầu kỳ, tối nghĩa (đơn cử đoạn miêu tả vẻ đẹp của Nguyệt (tr.413); Có chỗ thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa (tr.338). Nhiều lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả: “Minh đi bách bộ ra ga Sài Gòn” (tr. 445), “Nguyệt va quyệt vô tình vào Vũ” (tr. 291), “khoái trá, thân thiện” (tr. 123), “Lợi dụng lúc địch hoang mang láo nháo, anh cũng chạy láo nháo” (tr. 123), “cảm giác lâng lâng khó tả làm cho tứ chi ông tướng chùng xuống” (tr. 367), “Ông tướng ôm mặt khóc tồ tồ như một bà già” (tr. 425)… Ngôn ngữ nhân vật không phù hợp với tính cách nhân vật. Đây là lời ông Đức, bố chồng đáng kính của Ngọt, một thương binh chống Pháp: “Chả nhẽ họ vô duyên đến mức giữa chẳng ngứa lại đi ngứa xung quanh” (tr. 195). Đây là lời luật sư Tuyết cảm kích nói với Vũ và Minh: “Ôi, mấy anh sao mà tốt thế? Em thật cảm phục cách sống của lính tráng các anh” (tr.284). Còn đây là lời ông tướng Hồng Gia Quyền, khi triết lý về chiến tranh: “Chính con người là cao quý nhất. Các cuộc chiến tranh dù chính nghĩa hay phi nghĩa cuối cùng cũng chỉ nhằm phục vụ con người mà thôi” (tr. 254) và khi “tán” những cô gái mới gặp: “Hai bạn lại có cảm tình với lính như vầy, thì thật là vạn phúc” (tr. 319), “Ngọt đấy ư ? Em…? Vào đây… con gái trung du trông đẹp dữ ha…?  Đúng là gái một con có khác” (tr.326)”…

Với cốt truyện đơn giản, nhưng nhiều đoạn đối thoại rườm rà không có tác dụng gì lắm cho việc thể hiện tính cách nhân vật, 10 chương cuối trong tổng số 21 chương của tác phẩm lan man về mối tình Tuyết – Quyền, Vũ – Nguyệt làm cho kết cấu trở nên mất hài hoà cân đối, chủ đề chính của tác phẩm bị mờ nhạt.

Đặc biệt chi tiết quan trọng mà không có nó thì không có câu chuyện nào cả là việc báo tử nhầm lại được tác giả sắp đặt một cách quá vụng về, lộ liễu, vô lý đến ngô nghê (Ông tướng Hồng Gia Quyền được kể như một thần tượng cho cán bộ cấp dưới noi theo, quan tâm hết mực tới chiến sĩ, cử cả một sĩ quan về giúp đỡ gia đình Minh, mà lại vội vã báo tử Minh khi anh mới 7 ngày chưa về đơn vị, rồi khi Minh về ngay khi giấy báo tử vừa gửi đi ông tướng lại “quên” không sửa chữa sai lầm chết người do mình gây ra…). Chi tiết là nguyên cớ để triển khai câu chuyện mà hỏng thì toàn bộ câu chuyện có còn đáng tin không?

Lý giải về những cái dở của Đứa con mang hai họ, cả ba người thẩm định theo yêu cầu của Ban chấp hành Hội VHNT NĐ đều có chung nhận xét: Nguyên nhân là do tác giả thiếu vốn sống và ít chịu nghiên cứu, học tập để có “vốn sống gián tiếp”, nhất là về lĩnh vực lịch sử, về quân đội và Đảng ta…

Xin trích dẫn câu nói của V. I. Lê-nin trong cuốn “Bàn về Văn học Nghệ thuật” để thay lời đánh giá nghệ thuật của Đứa con mang hai họ: “Khi tác giả viết những chuyện về một đề tài mà tác giả không am hiểu thì không có một chút nghệ thuật nào cả”.

2 - Ông Hồng Quốc Văn với Đứa con mang hai họ và ông Phạm Đỗ Thái Hoàng với Chiều sông Lô, có đạo văn không, ai đạo văn của ai?

Phạm Đỗ Thái Hoàng hoàn thành bản thảo Chiều sông Lô năm 1998, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2003. Năm 2001 ông Hồng Quốc Văn in Đứa con mang hai họ. Dư luận bạn đọc đang xôn xao chuyện “Cánh đồng bất tận Nam Định”. Người thiên về ông Văn thì bảo: Sách ông Văn ra trước sách ông Hoàng nên chỉ có chuyện ông Hoàng đạo văn của ông Văn. Người thiên về ông Hoàng lại bảo: Ông Văn ăn cắp cốt truyện của ông Hoàng. Còn ông Hoàng chưa có dự định in tác phẩm của mình, nhưng khi thấy sách ông Văn viết dở quá nên ông mới quyết in Chiều sông Lô, thành thử sách của ông ra sau của ông Văn tới 2 năm. Lường trước chuyện tranh chấp ai đạo văn ai nên ông Hoàng ghi rõ ở cuối sách năm hoàn thành bản thảo là 1998.

Nội dung của hai tác phẩm có thể tóm tắt chung như sau: Minh là thanh niên tốt, cưới vợ chưa kịp có con thì đi bộ đội, hết khoá huấn luyện quân tinh nhuệ thì vào Nam chiến đấu. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, Minh lại đi chiến đấu bảo vệ biên giới tây nam. Do có chuyện báo tử nhầm dẫn đến việc vợ Minh có con ngoài giá thú. Năm 1984 Minh về phép thì con riêng của vợ đã chín, mười tuổi. Minh trải qua tâm trạng đau khổ, bỏ về đơn vị. Nhưng cuối cùng thì Minh cũng tha thứ cho vợ… 

Chúng tôi đối chiếu hai tác phẩm thấy giống nhau cơ bản từ cốt truyện đến tên nhân vật và địa danh, chỉ có một số điểm khác nhau:

Trong Đứa con mang hai họ nhân vật Nụ có con với Minh, nhân vật ông Tướng cưới Tuyết, nhân vật sĩ quan Hùng có con với vợ Minh thì hy sinh, nhân vật chính là Minh cũng hy sinh. Còn Chiều sông Lô thì để Nụ chết trước khi Minh tìm gặp, nhân vật ông tướng chưa cưới Tuyết, nhân vật Minh và Hùng đều sống để gặp nhau trong ngày đứa con của vợ Minh và Hùng đi đại học.

Một vài chi tiết có ở Đứa con mang hai họ mà không có ở Chiều sông Lô như đoạn Minh đánh cướp, đoạn tên Ăng Ka cưỡng hiếp cô gái, chuyện Minh đi tìm hài cốt đồng đội, mô tả mối tình Tuyết – Quyền, Vũ – Nguyệt quá dài…

Hai tác phẩm không chỉ giống nhau cơ bản về cốt truyện, nhân vật, địa danh mà còn giống nhau cả ở đối thoại giữa các nhân vật. Do khuôn khổ bài báo không cho phép, chúng tôi chỉ trích một số đoạn đối thoại của nhân vật đối chiếu giữa hai tác phẩm. Chúng tôi tạm ký hiệu Chiều sông Lô là A, Đứa con mang hai họ là B.

1A (tr.13): 

“- Cảm ơn ảnh! Những điều có ích em học được từ  ảnh mới đúng. Mà ảnh tên gì?

- Tôi là Nguyễn Minh, còn chị?

- Em là Thu Nguyệt”.

1B (tr. 36):

“- Xin lỗi, anh tên chi ạ?

- Cám ơn! Tôi là Minh, Nguyễn Minh. Còn cô?

- Dạ! Em là Thu Nguyệt.”

2A (tr.15 – 17):

“ – Em phải anh hay anh phải em?

- Em!

          - Anh!

          - Ai liếc người ta trước. Minh hỏi.

          ……….

          Bỗng từ đâu đó lời ca vọng lại: “Đời vui vút lên…”

          - Ai hát mà hay thế?

          - Ca sĩ Quang Hưng đấy em ạ. Em có biết tác giả bài hát này không?

          - Đến tên bài hát em cũng không biết nữa là…

          - “Trường ca sông Lô” của Văn Cao đấy…”

          2B (tr. 47 – 49 ):

          “ – Vậy, chính anh đã “phải” em trước thì có.

           - Em!

           - Anh!

           - Thế ai liếc người ta trước? – Minh khì khì cười, rồi tiếp. – Ngày xưa ai đã tự nguyện cởi quần áo tồng ngồng ôm lấy người ta khóc thút thít?

          …………

             Một giọng hát trong trẻo vang lên: “Đời vui hát lên…” Ngọt khẽ hỏi:

           - Ai mà có giọng hát hay thế? Anh có biết bài gì đấy không nhỉ?

           - “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao đấy! …”

      3A (tr. 76):

      Thò đầu ra khỏi cửa ca bin, lái xe hỏi:

- Về đâu?

- Về Then.

- Đây chỉ tới Bình Sơn có đi thì đi.

Minh mừng lắm vừa níu thành xe vừa nói:

- Bình Sơn cũng tốt rồi. Còn hơn mươi cây số nữa cuốc bộ.”

3B (tr. 144):

Từ cáu bẳn ông trở nên vui vẻ:

- Về đâu? - Ông hỏi với một giọng oai vệ.

- Bác làm ơn cho cháu về chợ Then.

- Rất tiếc xe này không về đến chợ Then mà chỉ đến Bình Sơn. Có đi thì lên.

- Cảm ơn bác! Về Bình Sơn cũng tốt. Còn mươi cây số cháu cuốc bộ vô tư…”

         Những đoạn đối thoại, những cảnh, những chi tiết giống nhau hoặc na ná giống nhau như vậy có nhan nhản trong hai tác phẩm. Bất kỳ bạn đọc nào, chỉ cần đọc lướt hai tác phẩm cũng có thể nhận ra điều đó.

Sự giống nhau cơ bản về cốt truyện, nhân vật, địa danh, chi tiết của hai tác phẩm có phải là đạo văn không? Nếu câu trả lời là có như quan điểm của nhiều bạn đọc ở Nam Định thì hai ông Hoàng và Văn, ai đạo văn của ai, việc ăn cắp cốt truyện nghiêm trọng tới mức nào cần phải được làm rõ. Vì sự trong sạch môi trường văn học nghệ thuật Nam Định, rất cần ông Phạm Đỗ Thái Hoàng và ông Hồng Quốc Văn lên tiếng.

Khi vấn đề chưa được làm rõ thì việc trao giải cho Đứa con mang hai họ là không thể chấp nhận được.

 

TNM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét