Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 1)




          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH
            Nhà văn Phan Đạt Ninh sinh năm 1954, quê Hải Phòng, trú Hà Nội. Giảng viên Cao đẳng. Tác phẩm: Kỉ niệm xanh, Trăng đợi, Từ bên biển, Miền quê thu sớm; Đi Chùa Hương vắng em… và nhiều thơ. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc nhiều kỳ tiểu thuyết “Sương khói mặt người” của Phan Đạt Ninh mà nhà văn vừa gửi ra từ thành phố Hồ Chí Minh. Cảm ơn nhà văn Phan Đạt Ninh đã tặng sách. 


      I

          Vợ chồng Du lấy nhau đã mười mấy năm, có với nhau ba mặt con mà tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi màu 14 in hiệu JVC mới mua nhưng còn nợ tiền chưa trả hết. Còn lại rặt những đồ gỗ, tre cũ kỹ. Hai chiếc giường gỗ de thời bố mẹ dùng để lại giờ cũng cong vênh, nứt nẻ. Bộ tràng kỷ bằng tre thiếu nan, ọp ẹp, đen đủi. Vợ chồng Du đâu phải người lười biếng. Hai người đầu tắt mặt tối ngoài đồng ruộng, bờ bãi. Bốn sào đất ruộng hết trồng lúa lại trồng ngô, trồng khoai. Mảnh đất vườn nhà cũng vậy, nào vải, nào na và dăm gốc mít cổ thụ. Du còn thả thêm gà vịt ở dưới. Cả năm tiền của thu về đều dốc đổ vào nồi cho năm miệng ăn là hết. Tóm lại chỉ đủ ăn, đủ mặc chứ không đến nỗi chết đói, chết rét. Còn việc tích lũy để làm giàu thì không thể. Ở làng Vàng này không phải mỗi nhà Du nghèo thế, cả làng có đến quá nửa như vậy, số còn lại khấm khá hơn nhưng cũng chẳng hơn là bao. Nhà giàu độc nhất vô nhị làng Vàng là ông “Bình cũ Rượu mới”, một đại gia ở tỉnh khác mới về mua đất xây nhà đưa cô vợ bé về ở.

          Một tối khi cơm nước xong Du ngồi trao đổi với vợ:
          - Vợ chồng mình phải thay đổi cách làm kinh tế Hạnh ạ. Mình cứ làm ăn kiểu này thì gay lắm, cả năm thu nhập không được là bao! Mười mấy năm rồi mà kinh tế nhà mình không ngóc đầu lên được, cứ dẫm chân tại chỗ thế này. Thật không ổn!
          Nghe chồng nói Hạnh chưa biết trả lời thế nào.
          Du nói tiếp:
          - Các cụ đã dạy: “Phi thương bất phú” mà mình không nghĩ ra. Mười mấy năm cứ cái cày, cái cuốc thuần túy, sai lầm quá! Đã đến lúc mình phải nghĩ lại, phải thay đổi cách làm ăn!
          Nói xong Du vê mồi thuốc lào nhét vào lõ điếu châm lửa hút. Cái điếu cày của Du làm từ vỏ ca tút đạn đồng cỡ bắp tay lâu ngày không cọ rửa, đánh bóng nên hoen gỉ, nhất là cái lõ điếu đen bẩn như lỗ rốn kẻ ăn mày. Thời tiết sang đông, gió lạnh thổi ù ù trong vườn. Các tàu lá chuối rách tả tơi bay phần phật. Những tàu khô đã rủ xuống giờ cũng tốc ngược lên như những vạt áo, dải áo. Cây ổi, cây na cành lá ngả nghiêng, vật vã như lên cơn dại. Đất trời thao túng mưa, gió, rét.
          Hạnh ngồi im nghe chồng nói nhưng mắt vẫn liếc sang phía giường nơi các con đang ngủ. Hạnh đứng dậy đắp thêm chăn cho các con rồi đến ngồi sát bên chồng.
          Hạnh thủ thỉ nói:
          - Em đồng ý với suy nghĩ của anh. Đúng, vợ chồng mình phải nhìn lại. Nhưng buôn bán hay làm thứ gì bây giờ thì khó quá? Em chưa hình dung nổi việc gì? Người khôn của khó! Mà thực ra thì người cũng có khôn đâu? Chẳng qua cũng chỉ là những việc vặt vẵn, chộp giật, không bền lâu.
Nghe vợ động viên, chia lửa, Du phấn khởi nên lời nói cứ chắc như đinh đóng cột:
          - Việc này để anh tính. Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn.
Du thấy mắt vợ đẫm lệ, biết vợ đang xúc động Du cười trêu vợ:
          - Mình mau nước mắt thế? Mình làm nhụt ý chí anh đấy?
          Hạnh cười đưa tay gạt nước mắt, nghẹn ngào:
          - Anh bảo có trái tim người phụ nữ nào không xúc động trong hoàn cảnh này? Mười mấy năm làm vợ anh, có với anh ba mặt con, đã khi nào em thấy anh bó tay trước bất cứ khó khăn nào đâu? Anh là chỗ dựa vững chắc cho mẹ con em đấy!
          Nét mặt Du nghiêm lại. Du nghĩ về bà Tứ và ông Bình.
          Ở làng Vàng có hai con người khá đặc biệt. Bà Tứ, chồng mất đã nhiều năm vào một chiều mưa to, gió lớn. Bữa ấy ông Tứ chăn đàn vịt có đến cả trăm con ở ngoài đồng thì cơn giông ập đến. Những đám mây đen lớn như quả núi cứ đùn lên từ phía chân trời. Gió thổi làm quả mây núi tách ra nhiều mảng lớn bay nhanh trên đầu. Nhiều ánh chớp nhì nhằng trong mây rạch những đường lửa sáng. Mưa như trút nước. Ông Tứ bị sét đánh chết giữa đồng. Người trong làng phát hiện ra ông lúc trời tối. Ông Tứ mất đi gia đình bàTứ sa sút hẳn. Khó khăn, túng thiếu đổ lên đầu bà Tứ. Có nhiều người ngày ấy đã nói với bà cho đứa con gái nghỉ học ở nhà giúp bà, tập trung cho anh nó học thôi, con gái học thế đủ rồi. Bà không nghe. Bà quyết không để cho con cái thất học. Bà đã bán mảnh đất đang ở, bà vào trong làng ở với người chị gái của bà. Số tiền bán đất bà gửi tiết kiệm lấy lãi, số tiền lãi bà đủ chi phí cho hai con bà ăn học. Ngày ấy rất nhiều người trong làng nói bà liều, ai can ngăn bà cũng không được. Bà quyết định bán. Được cái con bà Tứ đều học giỏi. Đứa con trai lớn là học sinh giỏi toán quốc gia. Đứa con gái cũng không thua kém gì anh, cũng từng đạt giải nhất tiếng Anh trong tỉnh. Vả lại còn lý do nữa bà không nói ra chứ mảnh đất này là kỷ niệm buồn với bà, nơi bà trở thành góa phụ. Hai con bà đã trưởng thành đang học đại học ngoài Hà nội. Mảnh đất gần bốn ngàn mét vuông của bà đã có người mua. Chủ nhân mới là ông “Bình cũ Rượu mới”. Hôm nhận tiền bà Tứ còn được ông Bình mời trông nom nhà cửa và vợ con ông ấy. Bà Tứ không tỏ ra nhận lời cũng chẳng bảo không. Mấy tháng sau trên đất nhà bà đã tọa lạc một biệt thự sang trọng, kín cổng cao tường. Ngày tân gia ông Bình đưa cô vợ mới người Thái trắng còn rất trẻ so với tuổi ông và đứa con trai chừng một tuổi từ Tây bắc về ở. Bữa cơm tân gia nhiều người nói với ông Bình” Ông mua được mảnh đất này là linh thiêng lắm! Nó là quả đồi Rồng mẹ trong quần thể tổ rồng!” Ông Bình nghe là để lấy lòng mọi người chứ thực ra ông còn biết nhiều hơn điều mọi người nói về vùng đất được gọi là Tổ Rồng này. Điều này về sau mọi người mới vỡ lẽ, mới hiểu ý đồ sâu sắc của ông.
          Du nhận ra chân dung bà Tứ và ông Bình. Bà Tứ là người có quyết định sáng suốt, táo bạo trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông Bình thì khỏi phải nói. Ông là một đại gia có đầu óc chiến lược, chiến thuật, có trình độ quản lí và làm kinh tế giỏi. Du quyết định phải đi lên từ chính mảnh đất của mình bằng quyết tâm và đầu óc. Sáng hôm sau Du với vợ ra vườn ngắm kĩ vườn bãi của nhà. Vợ chồng Du thống nhất biến vườn bãi của nhà thành khu nhà hàng ẩm thực.
          Mấy ngày sau Du đến nhà ông Bình. (Thường cuối tuần ông Bình mới có nhà.) Du mới tới cổng ông Bình đã lên tiếng.
          - Chú Du à! Mời chú vào nhà chơi. Lâu rồi anh em mình chưa ngồi uống nước nói chuyện với nhau?
          - Anh chị khỏe chứ? Công việc của anh dạo này có bận không? (Ở làng Vàng có lẽ mỗi vợ chồng Du gọi vợ chồng ông Bình nghiêm chỉnh thế. Mọi người thường gọi vợ chồng ông bằng cụm từ “Ông Bình cũ Rượu mới” thay cho cách nói chồng già, vợ trẻ. Cũng chính vì dân làng Vàng gọi thế nên cô vợ trẻ của ông Bình rất ít khi ló mặt ra trò chuyện với mọi người. Dân làng Vàng cũng không hiểu là cô ta ngượng hay là một lý do nào khác? Ví dụ cô ta khinh cánh dân làng Vàng đã nghèo còn tinh vi, tinh tướng chẳng hạn? Còn ông Bình thì chẳng phải nói. Ông Bình cứ đạo mạo, đàng hoàng, đĩnh đạc ăn nói, trò chuyện với mọi người khiến khối người trong làng không những phục mà còn nể, thậm chí không ít người còn sợ ông là đằng khác.)
          Ông Bình cười:
          - Anh chị khỏe. Còn công việc của anh lúc nào chẳng bận. Thương trường như chiến trường! Công việc gia đình chú ổn không?
          - Cũng lo lắm anh ạ. Tối nay em sang anh là có việc muốn được anh chỉ bảo đây?
          Ông Bình cười. Ông giơ bàn tay với những ngón dài, trắng hồng chỉ ghế cho Du ngồi. Ông vỗ vai Du nói:
          - Để anh pha cà phê hai anh em uống nhé. Uống cà phê trao đổi công việc mới tỉnh táo.
          Bên phin cà phê là hai con người khác nhau về tuổi tác, về địa vị xã hội, về điều kiện kinh tế.
          Nâng chén cà phê trên tay, Du nức nở khen:
          - Cà phê ngon và thơm quá anh?
          - Anh em cơ quan mua biếu tôi. Đây là cà phê chồn của Brazin, thứ hảo hạng đấy!
          Du cảm thấy hơi xấu hổ với mình. Mà đúng thật, cả năm, thậm chí cả chục năm nay Du đã khi nào được uống cà phê đâu? Du hơi nghiêng đầu quay nhìn chỗ khác. Ông Bình đẩy nhẹ cốc đường về phía Du. Ông lấy chiếc thìa bằng sứ nhỏ đặt vào cốc của mình khuấy nhẹ. Nhấp xong ngụm cà phê, ông  Bình hỏi:
          - Nào bây giờ có chuyện gì chú Du nói để anh nghe?
          Du đủng đỉnh:
          - Anh Bình ạ, để vợ con khổ em thấy mình có tội. Vợ chồng lấy nhau mười mấy năm, tối ngày với đồng ruộng mà cũng chỉ đủ cho vào nồi. Em đã trao đổi với vợ em phải suy nghĩ lại cách làm kinh tế. Em sẽ cải tạo toàn bộ vườn bãi của nhà thành nhà hàng ẩm thực. Anh suy nghĩ rồi cho em lời khuyên?
          Ông Bình nghe Du nói xong, nét mặt ông hằn lên những vết nhăn. Hồi lâu ông mới nói:
          - Chú Du với tay lấy hộ anh gói thuốc trên kệ. Uống cà phê mà không hút thuốc mất cả thú vị.
          Du đứng dậy lấy đưa ông Bình gói thuốc ba số năm. Cái kệ kê sát Du, Du chỉ việc với tay là lấy được gói thuốc. Du không làm thế mà đứng dậy cầm gói thuốc đưa cho ông Bình. Cung cách thể hiện của Du phản ánh sự đàng hoàng, lịch sự.
          Ông Bình hút thuốc liên tục. Khói thuốc xanh lơ bay tỏa quanh ông. Ông dường như gửi cả suy nghĩ vào nơi nào xa lắm. Ông ngả hẳn người vào bộ xa lông gỗ pơ mu. Trông ông lúc này lạnh lùng, xa lạ! Chừng mươi phút sau ông Bình mới chậm giãi nói. Cách nói của ông nghe chừng chưa thuận tai nhưng khẳng định:
          - Từ thị xã, từ nơi làm việc của các cơ quan huyện, hay khách đi đường, nhất là cánh xe khách… Vị trí khu đất vườn của chú mở nhà hàng được! Tuy thế cũng hơi hẹp. Nếu được rộng hơn thì hay? Chú thử sang nhà kề bên hỏi xem họ có bán đất thì mua. Chú đừng để lộ ý định mở nhà hàng của mình.
Nghe ông Bình nói từ “Được” quả quyết, rõ ràng Du thấy yên tâm.
          - Làm kinh tế phải có tầm nhìn xa trông rộng. Phải có gan to hơn gan kẻ khác. Câu “Có chí làm quan, có gan làm giàu, phi thương bất phú” các cụ mình dạy thời nào cũng đúng! Còn một điều vô cùng quan trọng này nữa chú phải biết: “Đất có Thổ Công. Sông có Hà Bá”. Chú có hiểu tôi nói gì không?
          - Ý của anh là phải hương khói ngày rằm, ngày một chứ gì?
          Ông Bình lắc đầu cười. Ông nói:
          - Chú hiểu sai ý rồi. Chú phải biết rằng trên đầu chú luôn luôn có người khác? Chú không bao giờ ăn một mình được. Chú biết lãnh đạo, biết quản lý thị trường chứ? Chú phải tạo dựng mối quan hệ tốt với họ, chú không được phật ý họ. Phật ý họ chú chỉ có thiệt.
          Ngồi nghe ông Bình nói Du như nuốt từng lời. Du muốn ngồi nói chuyện để học ông Bình thật nhiều. Nói gì thì nói ở xứ này người có trình độ, lọc lõi như ông Bình đào đâu ra? Ông là người có chức sắc trong xã hội, có trong tay tài sản cả nghìn tỷ đồng. Dưới trướng ông là trăm kỹ sư, là vạn công nhân chuyên nghiệp. Ông là bậc thầy. Còn chuyện riêng đời tư của ông lại là chuyện khác. Dân làng Vàng cũng lắm chuyện. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mà cũng có gì lạ, thế gian mà. Trên đời có ai giống ai?
          Ông Bình quý Du ở chỗ không giấu dốt. Không biết thì hỏi chứ Du không tranh luận. Thấy trời khuya Du nhấp nhổm định về. Ông Bình chủ động tiễn Du.
          Du về đến nhà thì các con đã lăn ra ngủ từ bao giờ. Mỗi đứa nằm một góc giường chăn màn quấn ráo vào người. Dưới bếp vợ Du đang lục tục băm bèo, thái chuối chuẩn bị bữa hôm sau cho lợn. Nhìn chậu nước có màu đỏ của sỏi, Du thừa biết các con tối nay chơi ngoài sân kho của xã, nơi mà nhiều năm nay con trẻ làng Vàng vẫn rủ nhau ra nô đùa bất kể sáng trưa chiều tối.
          - Anh về lâu chưa?
          Du không trả lời câu hỏi của vợ mà thốt ra suy nghĩ của mình:
          - Em vất vả quá! Phải chấm dứt sớm cảnh này!
          Đôi mắt của người đàn bà tuổi sắp bốn mươi, ba mặt con tưởng chừng nhìn xuống để giấu đi vẻ luộm thuộm, sộc sệch của áo quần, sự tàn phai của nhan sắc. Nhưng vợ Du cứ ngước mắt lên mà cười, mà ngọt ngào với chồng:
          - Vất vả nhưng em thấy vui, thấy hạnh phúc. Công việc anh trao đổi với ông Bình thế nào?
          - Ông Bình ủng hộ phương án của mình Hạnh ạ. Ông nói nên mở rộng thêm diện tích. Ông Bình đúng là bộ óc tri thức, nhiều kinh nghiệm! Thôi khuya rồi để anh đặt nồi nước nóng cho em tắm! Chuyện làm kinh tế còn nhiều, mai anh nói cho mà nghe.
          - Ngày mai anh xem có cần tham khảo thêm ý kiến của ai nữa không?
          - Chưa cần đâu em. Đầu óc làm kinh tế, quản lý kinh tế của ông Bình đáng nể lắm! Anh nghĩ ở làng Vàng mình tấm gương bà Tứ, ông Bình cũng đủ để cho mình học! Trước mắt cứ thế!
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét