Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

CHUYỆN KỂ NGUYỄN KIM TRÌ (KÌ 1)



          CÁI CHUÔNG

          Chuyện này không phải ở làng Xuân Hy mà ở tổng ta, ấy là tôi muốn nói đến nhà thờ Phú Nhai, có nhiều người nói nó to nhất Đông Dương thời nó xuất hiện, biết vậy. Nhà thờ này có đúc một cái chuông to khổng lồ, ít khi đánh, chỉ có lễ to mới đánh. Nghe nói, đánh lên các nhà xung quanh cũng rung động, động cũng chẳng sao. Nhưng công trình chùa Trung gần đó cũng rung, chùa rung thì sao đấy. Tượng, bát hương của đạo hữu mà rung thì không được rồi, và giải pháp đưa ra: Khoan một số lỗ xung quanh cho tiếng kêu giảm đi, khoan xong mọi việc trở nên yên lành. Lại nói thêm việc này nữa không quên, cũng trong buổi làm việc với bà Vân, tôi gọi là bà Vân cái chum thì bà có kể: Sau khi giành được chính quyền thì ai mà chả theo Việt Minh, hồi cụ Hồ kêu gọi tuần lễ vàng, tôi cũng trong đoàn quyên góp, đến như ông vít vồ Hồ Ngọc Cẩn cũng đóng góp. Đoàn vào nhà thờ Bùi, Cụ mang ra 5 lạng vàng (có lẽ bằng 50 đồng cân, bây giờ gọi là 5 cây chăng?) bảo: Đây là 2 lạng rưỡi tôi đi làm lễ cho người ta, thù lao họ trả mà tôi dành dụm cả đời, nay tôi cúng cho Việt Minh còn đây là 2 lạng rưỡi của Thiên chúa, do giáo hội cấp dùng để làm lễ thì tôi phải dành cho con cháu tôi sau này. Hết lời bà Vân nói.

          Tôi nghe ông Mai Thanh Hải, cán bộ Ban Tôn giáo Trung ương nói: Dòng tu địa phận Bùi Chu là của Bồ Đào Nha nên Pháp nó không bắt nạt được cụ Hồ Ngọc Cẩn, mãi đến năm 1948, cụ mất thì Pháp mới lợi dụng được Bùi Chu, lập nên đủ mọi thứ dưới danh chúa, làm bậy để chống Việt Minh còn địa phận Phát Diệm thì của người Pháp nên ông Lê Hữu Từ không chống lại được nên phải chịu trận. Ông Từ đã đi tu rồi, theo trường phái tu khổ hạnh ép xác, đứng đầu một giáo phận mà nghe người ta nói đủ mọi cái xấu, mà rặt chuyện phản chúa cả. Cụ Hồ Ngọc Cẩn là bậc đại trí thức ở Việt Nam thế kỷ XX. Cứ nghe 2 câu chuyện trên, nhất định là có thật thì tôi cũng có tí suy nghĩ. Chẳng nói đâu xa, ngay Việt Nam ta năm 2014 bây giờ, có kẻ nào mà dựng lên đoàn quân dưới danh chúa, danh phật, danh chúa thánh Ala để đi cướp của giết người thì cũng ối kẻ vô học đi theo.

          CHUYỆN VỀ BỌ MẠ NĂM XƯA (KÌ 1)
     
          Qua cuộc chiến tranh dài, Quảng Bình là nơi cửa ngõ của chiến trường, bộ đội ai cũng đã từng qua đây và nghỉ lại nhà dân. Người dân ở đây với bộ đội thật đúng là cá nước, đúng trong mọi ngữ nghĩa, thật thà, tình cảm, không tiếc bộ đội cái gì. Nhiều năm ở Hà Nội, nghĩ lại, tôi cứ ngỡ là họ ở ngoài hành tinh đến. Bộ đội chúng tôi cứ gọi những người có tuổi là bọ, mạ một cách thật lòng (bọ, mạ là bố, mẹ - bố mẹ chiến sỹ). Chuyện về bọ, mạ thì nhiều vô kể, bộ đội thì đứa nào cũng kể, một kho chuyện vui mà khi chiến tranh qua thì quên tiệt, không ai còn nhắc đến nữa. Tôi có biết hàng trăm chuyện, kể vui đáo để, nay ngồi nghĩ lại và viết hầu bạn đọc để ai đó nhớ lại những ngày gian khổ, nghĩ lại tình quân dân, âu cũng là việc uống nước nhớ nguồn vậy Xin tạm lấy chuyên đề Chuyện nhớ về bọ mạ chiến sỹ năm xưa. Từng chuyện đánh số thứ tự.
       1-
          Tôi xin kể về chuyện gần đây nhất, tại Hà Nội: Anh Đậu Đình Hòa, nhà con một, bố đã hy sinh thời chống Pháp, anh cũng đi bộ đội vào Nam chiến đấu, bị thương 2 lần. Về phục viên, địa phương tìm mọi cách cho anh được chuyển ngành. Anh được về Hà Nội công tác, công tác làm bảo vệ cho một cơ quan Trung ương. Được công tác ở Hà Nội, cơ quan Trung ương thì vinh dự lắm, vinh dự cho cả họ, cả làng. Đi một năm mà chỉ được về có 1 lần, ấy là vào khoảng năm 1981 gì đấy. Bà Mẹ ở quê nhớ con, cũng là muốn ra thăm con một lần để hưởng tí vinh dự và ý nguyện của bà cũng đạt được. Hôm đầu tiên ở Hà Nội, sáng ngủ dậy, ăn cơm sáng xong, anh con trai phải đi làm. Trước khi đi anh mang ra khoe mẹ một vật mà mới được mua phân phối ở căng tin. Bóc vài lần giấy báo để bảo vệ rồi cắm vào ổ điện trên tường, nhưng không có điện nên không biểu diễn được. Mạ hỏi:
          - Cái chi rứa con?
          - Cái quạt, quạt điện.
          Mạ thấy lạ quá, hổi tiếp:
          - Rứa, điện hắn là cái chi?  
          Không biết giả thích thế nào, anh đành nói qua quít:
          - Điện à, điện hắn là cái cứ đến gần là hắn hút vô, mà sờ vô là hắn giật chết liền.   
          Mạ nghe nói vậy sợ toát mồ hôi, chẳng hiếu quạt mô tê răng rứa chi mà nguy hiểm vậy. Trước khi đi, anh Hòa còn dặn Mạ:
          - Mạ ở nhà phải đóng kín cửa lại, ai gọi cũng nỏ mở, không được ra ngoài mô, ở đây bọn hắn thấy người lạ là hắn trấn lột đấy.
          Mạ lại thêm hú vía, hóa ra Thủ đô nguy hiểm quá, trời lạnh thế này mà có cái áo nó trấn rồi lột thì chết, không như quê choa, nhà không bao giờ đóng cửa. Phòng ở một người bé bằng cái lỗ mũi, mình Mạ ở nhà, gần đến trưa bỗng nhiên quạt điện tít vù vù, giật mình nhưng một lúc thì Mạ cũng hiểu ra được cái sự văn minh này, sướng thật. Nhưng được một lúc thì lạnh quá không chịu được, cái giống điện thời bao cấp xưa, không mấy khi có mà tự nhiên nó có thì mạnh lắm. Nhà thì chật, trời thì lạnh mà lại không dám ra ngoài, quạt thì tít vù vù, lại cứ quay đi quay lại, Mạ lại không dám đến gần, và rồi Mạ cũng phát hiện ra được cách phòng chống luồng gió mạnh: Hễ quạt quay sang bên ni thì Mạ chạy sang tê, rồi quạt quay sang tê thì Mạ lại chạy ngược lại sang ni. Cứ như vậy gần hai tiếng đồng hồ mà nó cứ quay, cứ tít, Mạ cứ phải chạy. Bụng thì đói, mệt quá, mặt mũi Mạ nhợt nhạt, may quá, anh  Hòa về mới cứu được Mạ.

(Còn tiếp)

NGUYỄN KIM TRÌ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét