Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Giới thiệu tác phẩm MỘT NGÀY VÀ MỘT ĐỜI của Lê Hoài Nam



                 Vũ Thị Ngoan
Tôi xin trân trọng giới thiệu tập kịch bản "Một ngày và một đời” của tác giả Lê Hoài Nam do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành  năm 2002, dày 478 tr., khổ 13 x 19 cm.
Lê Hoài Nam là một sĩ quan Hải quân, hiện là hội viên Hội Nhà văn Viêt Nam, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định. Các tác phẩm của anh đã đi vào lòng người bằng những xúc cảm thật đời thường của cuộc sống xã hội thường nhật. Anh là tác giả các tác phẩm ít nhiều đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc như Lần yêu đầu tiên - tập truyện ngắn được giải 3 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 1995, Những đêm huyền ảo tiểu thuyết 1988, Đôi tình nhân ham sống tiểu thuyết 1990... 

  
Đặc biệt, tập kịch bản phim Một ngày và một đời đã được dàn dựng và trình chiếu trên Điện ảnh chiều thứ bảy của Đài Truyền hình Việt Nam, được Uỷ ban Toàn Quốc Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải nhì Giải thưởng Văn học hàng năm, được khán thính giả và bạn đọc mến mộ. Tập kịch bản phim gồm ba tác phẩm: Thầy giáo dạy văn, Hương bạc hà, Một ngày và một đời. Tuy mức độ có khác nhau nhưng cả ba tác phẩm đều có sức lôi cuốn hấp dẫn.
Trong Thầy giáo dạy văn tác giả xây dựng hình ảnh một người thầy - phó giáo sư tiến sĩ Đức Nguyên, với biết bao suy tư dằn vặt trong cơ chế thị trường. Sự chênh lệch về mức sống giữa những người như thầy và những người nông dân như Kim Tước có một khoảng cách thật đáng sợ. "Một giờ giảng ở lò luyện thi thày thu nhập một triệu đồng bằng người nông dân lao động cực nhọc thu một vụ lúa”.  Ấy vậy mà trước đây thầy đã yêu và được yêu Kim Tước, cô học sinh Cấp 3 Trường PTTH Hải Hậu B. Nhưng vì chiến tranh và sự xa cách thày đã đánh mất mối tình đẹp đẽ đó, để rồi nuối tiếc không nguôi. Thời gian cứ qua đi... Trớ trêu thay trên giảng đường đại học thày đã gặp cô sinh viên học giỏi đầy bản lĩnh vượt khó lại là con của người yêu cũ. Chính điều đó làm thầy nhận ra và trăn trở về sự tha hoá của bản thân, dằn vặt giữa cái tốt và cái xấu. Liệu thầy có vượt qua được cái hố sâu vật chất đó để tìm lại chính mình trong quá khứ, để giữ lại tình người tốt đẹp hay không? Mời các bạn đọc tác phẩm ta sẽ rõ.
Hương bạc hà lại là cuộc xung đột giữa thế hệ trẻ thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, với tư tưởng lạc hậu bảo thủ. Đại diện cho lớp trẻ là kỹ sư Phan Thị Hường Lý. Cô đã từ bỏ cương vị giảng dạy ở một trường đại học, từ chối tình yêu của người thầy đáng kính để về quê vay vốn ngân hàng phát trồng cây bạc hà, xây lò chưng cất tinh dầu, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm giầu cho quê hương Ly Xa thân yêu. Trong quá trình phấn đấu làm giàu cho quê hương, cô đã gặp bao khó khăn trở ngại từ những thế lực trì trệ, bảo thủ, ích kỷ và thực dụng. Đại diện cho thế lực này là trưởng phòng nông nghiệp huyện. Như cây bạc hà mọc lên tươi tốt ở vùng quê đất bãi bạc màu, cô kỹ sư trẻ Phan Thị Hường Lý đã vượt lên, trụ vững và khẳng định được tài năng, đức độ của mình.
          Tác phẩm Một ngày và một đời được Lê Hoài Nam dành nhiều công phu và tâm huyết nhất được lấy làm tên chung cho tập sách. Cái tên Một ngày và một đời đậm chất thơ, mang lại âm vang sâu lắng trong lòng bạn đọc. Một ngày lầm lỡ, một đời chịu hậu quả. Một ngày yêu, tình yêu đọng mãi cả một đời .
 Tác giả cho xuất hiện nhiều con người trong nhiều cảnh ngộ, nhiều tâm trạng khác nhau. Nhân vật nào cũng có sức thuyết phục như Lê Hiệp Hoà, Nguyễn Thị Phương Lan, Đồng Quý Phái, Vũ Thị Lượt. Họ bước ra từ mọi miền qúa khứ chiến tranh hào hùng. Ở đó họ có vinh quang nhưng cũng không ít lỗi lầm. Vũ Thị Lượt từ một bí thư chi đoàn gương mẫu thời học sinh phổ thông, đến một cán bộ trợ lý tỉnh đội nguyên tắc đến cứng nhắc thời kháng chiến chống Mỹ. Lượt đã ghi những dòng nhận xét đầy ác ý trong lý lịch quân nhân của Lê Hiệp Hoà làm ảnh hưởng đến một đời phấn đấu của anh. Nhưng bên trong cô thượng sỹ khô khan này vẫn là một cô gái ngây thơ cả tin. Cô đã bị những nét hào hoa bề ngoài của Đồng Quý Phái hấp dẫn và lập tức cô bị ngã vào tình yêu mà không biết đó là tình yêu giả dối. Vũ Thị Lượt thăng tiến vùn vụt trong quân ngũ lại gặp rất nhiều lúng túng trong cương vị là chủ tịch thị xã trẻ miền biển. Chúng ta thật bất ngờ một con người gia trưởng, ích kỷ như Lượt khi nhận ra thiếu sót đã dám ra chỉ thị: "Tất cả thường vụ chúng ta đi xuống Vỹ Long để xin lỗi dân”.  Quan niệm nhân ái của tác giả về con người được thể hiện trong từng nhân vật. Đó là những con người ngoài mặt tối còn có cả mặt sáng, biết phục thiện, hướng thượng để thanh cao hơn, nhân ái hơn.
Chuyến xe hạnh phúc đưa Vũ Thị Lượt cùng với người chồng là cựu chiến binh về miền đất hứa Long Hải, như là một hình ảnh đền bù cho số phận những con người từng nếm trải đau khổ trong chiến tranh. Chúng ta không coi đây là kết thúc có hậu, bởi phía trước họ là cuộc sống của một thị xã trẻ đang bước vào thời kỳ đổi mới còn rất bộn bề, trong đó với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thị xã bà Lượt sẽ làm được những gì...
Lê Hoài Nam đã thành công trong phản ánh hiện thực sôi động, nhất là các mảng hiện thực lớn trong xã hội. Xem phim ta cảm nhận chủ đề tư tưởng qua hình ảnh cụ thể, còn đọc tác phẩm ta lại bị cuốn hút bởi những giá trị văn chương sâu sắc mà nghệ thuật điện ảnh không thể nào chuyển tải được đầy đủ bằng tác phẩm văn học.
Tác giả đã sử dụng nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật qua các mâu thuẫn. Có mâu thuẫn trong quan hệ riêng tư cá nhân, có mâu thuẫn mang tính xã hội rộng lớn. Ngay cái nhan đề Một ngày và một đời đã tạo ra mối quan hệ vừa mâu thuẫn vừa thống nhất với nhau. Có một điều cứ thấp thoáng đằng sau các trang viết không được diễn đạt cụ thể, không lộ liễu mà luôn luôn hiện diện. Đó là các giá trị đích thực của nhân phẩm tài năng, của đạo đức lối sống. Ngay cả khi cái xấu được bộc lộ và thắng thế cũng không làm lu mờ được cái giá trị  nhân văn sâu sắc của tập kịch bản phim mà Lê Hoài Nam muốn gửi tới bạn đọc.
Đọc tác phẩm ta nhận ra những nhân tố mới trong thời đại mới dù còn mong manh yếu ớt nhưng họ luôn luôn đấu tranh với cái lạc hậu lỗi thời, độc đoán và cơ hội dù nó đã được nguỵ trang bằng những cái mỹ miều khó nắm bắt. Điều đó chứng tỏ Lê Hoài Nam là một cây bút văn xuôi vững vàng đủ khả năng mổ xẻ những vấn đề nóng bỏng trong xã hội và con người đa dạng phức tạp nhất. Đọc tác phẩm Một ngày và một đời tôi tin rằng mọi người đều tìm thấy một điều gì đó rất bổ ích và rất gần gũi ở quanh ta, để nghĩ ngợi suy tư và liên hệ với cuộc sống mà mình đang sống.
Lê Hoài Nam tâm sự rằng anh muốn viết một cuốn tiểu thuyết thật sự có chuyện, có văn về quê hương Nam Định. Qua diễn đàn này xin chúc cho ước mơ đó sớm trở thành hiện thực.

Vũ Thị Ngoan
  Thư viện tỉnh Nam Định .                   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét