Tác giả Nguyễn Mộng Nhưng |
Nguyễn Mộng Nhưng
Được cùng các nhà chuyên môn, các nhà báo,
các giáo sư giảng dạy ngữ văn, và những người quan tâm đến tiếng Việt trong cả
nước tham gia Hội thảo khoa học "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên
các phương tiện thông tin đại chúng" do đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà
báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp tổ chức, là một vinh hạnh lớn
đối với tôi. Một điều may mắn nữa, là tại hội nghị này tôi đã được nhìn thấy và
lắng nghe tiếng nói của một người lâu nay tôi rất ngưỡng mộ cả về Văn và Đời.
Người đó là Nhà văn, Nhà báo, Dịch giả... Phan Quang. Dưới đây là một vài cảm
nhận của tôi, khi trực tiếp nghe bài phát biểu của ông, trong phiên họp buổi
sáng ngày 5-11-2016, tại hội trường nhà hát đài Tiếng nói Việt Nam.
Nghe ban tổ chức hội thảo thông báo chương
trình làm việc buổi sáng, sau phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, báo cáo
chuyên đề của ba cơ quan phối hợp tổ chức hội thảo, là đến phát biểu của ông.
Tôi háo hức, chờ đợi... Ông cùng các vị khách mời ngồi ở hàng ghế đầu phía bên
phải hội trường, tôi ngồi ở đầu hàng ghế thứ ba, nên nhìn rất rõ. Sau lời giới
thiệu của chủ toạ hội nghị, ông từ từ đứng lên. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy
ông, một cụ già tóc bạc trắng chải ngược về sau gáy, mặc bộ com-lê màu ghi
sáng, thắt ca-vat kẻ sọc. Ông bước từng bước ngắn lên sân khấu, những bước chân
có phần chậm chạp, khó nhọc... Đến bậc tam cấp, một phóng viên đang tác nghiệp
đứng ở đó muốn dắt tay ông. Nhưng ông ra
dấu cứ để ông tự bước lên. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả những người đang
dõi theo từng cử chỉ của ông cũng đều cảm động.
Nhà báo, nhà văn, dịch giả...Phan Quang phát biểu tại hội thảo |
Ông thong thả lấy bài viết trong túi áo, đặt
trước mặt. Bằng chất giọng miền Trung trầm, ấm, luyến láy ở những âm tiết cuối,
ông đọc những câu mở đầu:
"Báo chí nước ta có công đầu trong việc
hoàn chỉnh, nâng cao, lan toả tiếng Việt, đã cùng với giáo dục đặt nền móng quốc
văn, tạo môi trường xây dựng văn học Việt Nam hiện đại... Thời hội nhập, với sự
bùng nổ thông tin, giao lưu tiếp biến văn hoá ngày càng sâu rộng thì báo chí,
truyền thông nước ta, bên cạnh mặt tích cực vẫn được duy trì, lại có công đi đầu
trong việc tiếp nhận hỗn tạp, xô bồ tiếng nước ngoài, làm giảm sút sự trong
sáng của tiếng Việt, dẫn tới nguy cơ biến dạng ngôn ngữ quốc gia."
Với kinh nghiệm của một nhà báo đối ngoại,
một nhà ngoại giao, ông nói đó không phải là nguy cơ chỉ có ở nước ta, nhiều nước
trên thế giới cũng có tình trạng tương tự, và người ta cũng đã có chính sách
"bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ".
Ông nêu ý kiến tìm nguyên nhân và đề ra giải
pháp: "Về nguyên nhân, trước hết tại không ít những người làm báo chúng
tôi thiếu hiểu biết và chưa thấy hết trách nhiệm của mình..."
Thoạt nghe, tôi có phần thắc mắc khi ông
nói "chúng tôi" chứ không phải "chúng ta". Rồi sau đó tôi
nhận ra ông đã có lý khi nói "chúng tôi". Bởi vì ông có nhiều năm làm việc ở báo Nhân Dân, làm
Tổng Giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, những vấn
đề đang tồn tại trong nghành báo chí, truyền thông không chỉ những người đương
nhiệm, chính ông và các vị lãnh đạo cùng thế hệ, mặc dù đã nghỉ hưu hàng chục
năm nay, cũng có phần trách nhiệm. Xưng "chúng tôi", tôi nghĩ ông có
đủ uy tín, trọng trách thay mặt tất cả những người làm báo nhận lỗi trước nhân
dân và nhà nước Việt Nam...
Đây thật là một nghĩa cử cao thượng!
Về sự cần thiết phải có Luật ngôn ngữ và sự
chậm trễ trong việc soạn thảo và ban hành bộ luật quan trọng này ở nước ta, ông
nêu một so sánh khiến tất cả người nghe ngỡ ngàng: "Tại khu vực Châu Á –
Thái Bình Dương, hai nước có quốc hiệu bắt đầu bằng chữ V là Vanuatu và Việt
Nam, thì Cộng hoà Vanuatu với hơn 20 vạn dân, lập quốc năm 1980, đã ban hành Luật
ngôn ngữ và Đường lối ngôn ngữ nước cộng hoà. Nước Việt Nam nghìn năm
văn hiến, chưa. Đúng là ta không có vấn đề bức xúc, va chạm ngôn ngữ do lịch sử
để lại như họ, nhưng ban hành Luật ngôn ngữ đâu chỉ nhằm điều chỉnh mỗi câu
chuyện ấy!"
Nghe ông nói, tôi mới biết hội nghị đang diễn
ra là hội nghị lần thứ 3 tầm cỡ quốc gia bàn về "Giữ gìn sự trong sáng của
tiếng Việt".
Phần kết bài phát biểu của Nhà văn, Nhà
báo, Dịch giả...Phan Quang không phải là lời kêu gọi, lời giáo huấn... Với tư
cách là người tham dự, ông kể vắn tắt
hoàn cảnh diễn ra hội nghị lần thứ nhất: "...50 năm về trước, mùa
hè năm 1966. Chiến tranh leo thang ác liệt. Máy bay Mỹ phóng tên lửa vào một số
điểm "nhạy cảm" tại thủ đô với ý đồ cảnh cáo Việt Nam và thăm dò
thái độ quốc tế. Hà Nội, lại một lần nữa sơ tán triệt để... Đất nước đối mặt
bao khẩn thiết tột cùng.
Cơ quan báo Nhân Dân nhờ công binh làm giúp
cho một căn hầm thật kiên cố cạnh gốc đa cổ thụ,... hội nghị "Giữ gìn sự
trong sáng của tiếng Việt theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ, diễn ra bên gốc đa cổ
thụ ấy, về phía nhìn ra bờ hồ Hoàn Kiếm."
Và đây là những lời trìu mến, trân trọng
nói về một trong những người đã khởi xướng phong trào giữ gìn sự trong sáng của
tiếng Việt:
"...Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự và
phát biểu...Bài nói của Thủ tướng ngắn gọn, được viết ra sau khi ông đã đọc
toàn văn các báo cáo và tham luận, cũng như đã xem tất cả 120 bản tóm tắt gửi đến
hội nghị.
Phát biểu xong, Thủ tướng trò chuyện với
anh em một lát, rồi bình thản kẹp cái cặp mỏng vào nách, lững thững ra xe. Sáng
hôm sau, các hãng thông tấn Pháp, Mỹ, Anh đồng loạt đưa tin: "Trong khi tại
Nhà Trắng, Bộ Tham mưu của Tổng thống Mỹ cấp tập hoàn chỉnh kế hoạch tập kích
thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội Thủ tướng Việt Nam luận bàn về ngôn ngữ"
Ông ngừng lời. Hội trường im ắng vài giây.
Có lẽ nhiều người không nghĩ bài phát biểu lại kết thúc như vậy! Rồi tiếng vỗ
tay đồng loạt vang lên. Ông cảm ơn ban tổ chức, gấp bài nói cất vào túi áo rồi
thong thả, chầm chậm đi xuống. Đến bậc tam cấp, một cô gái từ phía dưới hội trường
bước vội đến, trao tặng ông một bông hoa hồng nhỏ, ông cầm lấy và đưa tay cho
cô gái dắt ông trở về hàng ghế dành cho khách mời danh dự. Vẻ mặt ông thanh thản,
mãn nguyện.
Tôi không biết cô gái đó là người thân trong
gia đình ông, hay là một trong số hàng
chục nhà báo trẻ được cử đến đưa tin về hội nghị. Việc cô lên tặng hoa và dắt
tay ông đã khiến tất cả mọi người đang dự họp cảm thấy ấm lòng.
Tôi chợt thấy lòng vui vui: không chỉ những
người tham gia hội thảo, cô gái và các bạn trẻ làm nghề báo, đang ngồi phía cuối
hội trường, vừa cùng lắng nghe và hiểu được ý tứ sâu xa qua câu chuyện Nhà báo,
Nhà văn, Dịch giả... Phan Quang vừa kể.
NSND Hồng Ngát diễn xướng bài thơ "Tiếng Việt" của Lưu Quang vũ |
Ngồi cạnh tôi là ông Nguyễn Như Miến, người
ở Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, năm nay ông 85 tuổi, kém ông Phan Quang 3 tuổi.
Ông cho tôi xem bản tham luận của ông, đầu đề "Bàn về hệ thống chữ cái tiếng
Việt". Ông nói chữ cái tiếng ta còn nhiều điểm không khoa học, cần phải cải
tiến...
Đất nước chúng ta, những thế hệ người nối
tiếp nhau nặng lòng vì sự sống còn của tiếng mẹ cha sinh.
Tiếng Việt cao quý, tình người khắc ghi.
Hải Hậu, 11 – 2016
Nguyễn Mộng
Nhưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét