Tác giả Nguyễn Kim Trì |
Nguyễn Kim Trì
- Trà: Tôi
là nhà đại sưu tầm cổ vật. Những năm trước và sau giải phóng Miền Nam, tôi đi
bộ đội về rồi đi học ở Hà Nội, 5 năm, cứ nghỉ hè, ngày nghỉ là đi sưu tầm đồ
cổ. Cụ thể: Biết tôi quê ở vùng Xuân Trường Nam Định, nơi có nhiều đồ cổ ngày
xưa để lại nên bọn buôn đồ cổ nó lợi dụng, dẫn chúng nó về, mò mẫm bờ tre gốc
dứa vào các làng, nghe ngóng rồi đến lừa đảo, dối trá mua đắt bán rẻ của người
ta, đủ mọi mánh khóe khốn nạn mua thật rẻ nhưng chúng nó bán thật đắt, tôi chỉ
hình dung được thôi chứ có bao giờ chúng cho tôi đi theo bán đâu.
Một
thời khốn nạn, một thời để nhục nhã của tôi, một nhà đại sưu tầm cổ vật cho bọn
con buôn, cũng may đến hôm nay tôi cũng không có vật cổ nào, có ít đồ dùng cũ
sau này tôi tự tìm bằng tiền mồ hôi nước mắt của mình thôi. Tuy nhiên cũng học
được ở chúng nó về việc xác định cổ vật mà không thấy trường lớp nào dậy cả. Đi
theo chúng nó, dùng mánh khóe nó dậy để làm cho chúng nó, nó bao mọi thứ và
thỉnh thoảng cũng cho tí tiền, tiêu cũng xông xênh, cũng tỏ ra mình khôn ngoan
và có tài, sinh viên Nam Định chúng nó nhìn cứ cao vời vợi.
Một
lần vào làng nào không nhớ tên, bên dưới Lạc Quần, đâu làng Nghĩa Xá hay Xuân
Dục gì đấy, vào nhà một ông cụ cũng đã già lắm, nhà nghèo nhưng có dáng gì như
là trí thức, nông dân nghèo trí thức, mang ra ấm chè để mời, đấy là quà cáp ra
mắt nên cũng được lòng. Ông cụ này hào hứng mang ra một cái gói bằng mảnh dẻ
đen, dở ra cụ bảo: Các anh ạ, tôi có cái ấm này cháu nó làm vỡ, tôi tiếc lắm,
bây giờ uống chè tôi thấy không cái ấm nào ngon nữa. Hóa ra là mớ mảnh vỡ của
ấm đất pha chè. Bọn tôi cười khẩy trong bụng, ngon tại chè chứ ai ngon tại ấm,
đúng là ông già âm phủ. Ngồi uống chè cụ nói về cách pha chè, nước mưa phải để
trong chum vài ba năm, nấu nước bằng củi chè rào phơi mưa phơi nắng lâu năm… Mục
đích chính là đến đây lừa đảo mua đồ cổ chứ chè lá gì nhưng câu chuyện tôi nhớ
mãi, ông cụ này rõ là người không tầm thường.
Sau
này tôi ngẫm lại và mầy mò làm theo, lại đọc những tài liệu trên báo chí, trên
mạng, tài liệu của người tàu tôi mới ngộ ra: Nhầm lẫn hết, bây giờ chẳng mấy
người biết uống chè, ít, ít lắm, cụ thể tôi chưa được ngồi uống với họ bao giờ.
Bao nhiêu năm cái gọi là đi làm cho Nhà nước thực chất chỉ là lính coi nhà, sai
vặt, ngồi đọc sách, đi học hết lớp nọ đến lớp kia mà chẳng để làm gì và uống
nước chè. Những chương trình về trà trên ti vi, báo chí nó khác với sự hiểu
biết của mình lắm, họ ca ngợi đủ mọi thứ nhưng tôi chẳng học được gì cả mặc dù
tôi thích trà, tìm hiểu nhiều về trà. Ngay như cụ Nguyễn Tuân viết về trà, tôi
nghĩ cụ cũng chỉ biết thôi chứ thực tế cũng không sành, cũng vì thời cụ sống
việc trà lá không sẵn như bây giờ. Ví dụ cụ viết về một ông bố sai anh con giai
lên chùa xin một gánh nước về để cho bố pha trà dần, một gánh nước phải dùng hàng
tháng mới hết. Giếng chùa bao giờ cũng ngon là phải rồi, vì chùa bao giờ cũng ở
chỗ đất cao nhất làng, xung quanh lại nhiều cây to, mặt đất không bẩn như khu
dân cư ở nên nước giếng ngon hơn là phải, nhưng anh này lại lấy cành lá đào phủ
lên mặt nước cho khỏi sóng sánh nước ra ngoài. Cụ Nguyễn cũng sơ xuất, nó dại
vậy thì cụ chữa cho nó tí không được à. Lá đào nó có nhựa rất độc, nước nhiễm
nhựa đào thì hỏng hết, thằng này nó ngu sao cụ không thay bằng lá tre cho nó có
phải tốt lắm không. Hái cành đào của nhà ai mà họ bắt được mà không chửi cho à
? cho đến ngày nay, cánh làm chương trình thì cứ nghe hơi nồi chõ rồi học theo
người tàu, xào xáo làm chương trình để dậy thiên hạ, rồi ca ngợi đủ thứ, ai
trình non thì cũng tưởng thật. Cứ chỗ nào nói đến chè ở Hà Nội nó quảng
cáo là tôi đến bằng được, uống nó cứa đứt cổ, một ấm trà cách đây hơn
chục năm 25 nghìn đồng, lúc đó vàng 500 nghìn, uống không khác gì chè chén ở mé
đường, chắc nó tính cả tiền đứa con gái hớ hênh pha chè cho mình uống. Về nhà
có người bảo: “Ăn chơi phải tốn kém…” Ăn chơi cái con khỉ, kẻ biết thưởng trà
không ăn chơi kiểu ấy.Thôi, không nói nữa, tôi nói về uống chè mà tôi vẫn uống
hàng ngày:
-Về ấm: Xưa có câu: Thứ nhất Thế đức
gan gà, thứ nhì Lưu bội, thứ ba Mạnh thần. Tức là ấm đất xưa có 3
loại trên. Đọc tài liệu của tàu trên mạng mà họ viết: Có 3 nhà, bây giờ gọi là
3 hãng hay 3 công ty của ba gia đình nào đó làm nên 3 loại ấm này. Thời gian
cách xa nhau. Ngày xưa ấy, cái gia tộc họ phát hiện ra mỏ đất, mịn, nặn đồ gốm
và họ phát hiện ra là làm ấm uống chè (ta gọi là trà tàu) thì rất ngon và họ
chỉ dùng đất này làm ấm, nổi tiếng, bán và trở lên giầu có, các thợ tài nặn ấm
đều về đây làm cho họ. Mỏ khai thác rồi cũng hết và không còn đất sản xuất ra
nó nữa. Lịch sử của 3 loại ấm trên như nhau và đời sau không còn đất nặn ấm
uống trà ngon như vậy nữa. Vỡ cái nào là hết cái ấy. Đến sau năm 1960, Trung
quốc họ lại phát hiện ra một mỏ đất nữa và nặn ấm lấy hiệu Thế đức, viện trợ
cho Việt Nam, mậu dịch bán hàng sọt, hiện tôi cũng có một chiếc Thế đức của
thời này nhưng chất lượng theo tôi chỉ bằng 60% Thế đức cổ thôi. Trong 3 lọai
trên, Mạnh thần là quý nhất. Tôi có chiếc ấm quả sung, Mạnh thần, pha chè rót
ra được 3 nưng chén mắt trâu, thường là uống một mình. Nắp ấm có cái nấc, đổ
nước vào rồi lấy ngón tay xỏ vào quai ấm ngoáy tít biểu diễn trên không mà nước
không chảy ra, thỉnh thoảng gặp anh nào thích tán thì chém gió chứ không
ai làm vậy. Nghe nói có cái bán hàng ngàn đô la Mỹ có lẽ cũng không ngoa. Ấm
đất bây giờ họ làm đẹp thiên thần, làm giả cổ đến “nhà sưu tầm cổ vật đại khốn
nạn như tôi” cũng chịu, nhưng không thể lừa được dù là người mù. Phải pha nước
theo đúng cách để so sánh mới định được giá. Chỉ có ấm đất và nghiên mực là
thiên tài cũng không làm giả được vì phải dùng mới xác định được giá trị. Nước
tàu có nhiều đá làm nghiên mực nhưng đá Đoan khê là tốt nhất. Tôi có vài chục
cái nghiên nhưng mơ cái nghiên Đoan khê mà không được. Việt Nam ta chưa
thấy đá nào làm nghiên mà dùng được. Mài mực thì nghiện nghiên, uống trà thì nghiện
ấm. Tôi có tầm mươi cái ấm cổ. Cùng một lọ đựng một loại chè, pha nước ấm nào
thì vị của ấm ấy, tại sao ? Xin trả lời: Không biết.
- Chè: Chè thì có nào dùng vậy, Thái Nguyên có
cái ngon của nó, nơi khác cũng có cái ngon của nơi khác. Chè trồng độ cao thấp,
khí hậu, mùa, thổ nhưỡng, giống chè, sao tẩm đúng cách làm nên giá trị của nó.
Quản lý như giấy gói chè hay lọ hũ đựng chè hay để chè lâu mau mới dùng cũng
ảnh hưởng tới vị của chè. Tôi không dám bàn về chè.
- Nước: Theo ông cụ mà chúng tôi lừa ngày xưa ở
Xuân Trường thì cụ nói, chum nước mưa kia tôi để bốn năm rồi đấy, cứ lấy nước
mưa tháng tám đổ thêm vào cho đầy chum rồi uống cả năm. Ta ở thành phố
dùng nước máy thì nên để vào một chum nhỏ góc nhà, đậy kín uống dần, cũng là sự
giản tiện. Nước mưa tháng tám, nước giếng đã ong thì Nam định đâu dễ kiếm. Có lần thí
nghiệm lấy can thả xuống giữa cầu Chương Dương kéo lên mang về để trong rồi nấu
pha chè, có cảm giác ngon hơn, không biết thật vị hay ảo giác.
- Nấu nước: Phải nấu bằng củi chè rào, than
hoa, than tàu, ấm đất… Theo tôi, dùng ấm I nốc siêu tốc là tốt nhất, cái sự như
trên người xưa không có nên cầu kỳ thôi. Tôi có đủ siêu, bếp bằng đồng, cũ, đẹp
nhưng để bày chơi chứ chưa dùng nó bao giờ. Trà cụ còn nhiều thứ nữa như: ống
phóng, ống nhổ, khay, lọ đựng chè, đũa ngà ngoáy chè nay cũng chỉ để bày chơi
chứ có dùng đến đâu, đồ dùng hàng ngày sao cho tiện, có khách lạ mang ra khoe
rồi nói về phép uống chè, thì cũng nói như sách chứ thực mình cũng chưa làm vậy
bao giờ.Sách viết về trà cụ, thiếu cái gì thì phải tầm bằng được. Ống nhổ để
nhổ đờm rãi còn ống phóng cũng giống như ống nhổ nhưng miệng loe to để đổ bã và
nước thải, nó cũng bằng đồng, chạm chổ hoa văn tinh xảo, nó còn là dụng
cụ trong khi uống chè, không bằng lòng với người đối trà thì chén nước đang
uống đổ toẹt vào ống phóng, đối phương biết ý hoặc là nhắc chủ pha ấm mới mà
uống, ấm này nhạt rồi.
- Pha trà: Tôi chỉ nói ấm Mạnh thần quả sung
thôi. Đổ chè ra tay ướm cho đủ ấm, bỏ vào và rót nước sôi, độ 90 độ, nếu trời
rét thì để ấm trong bát nước nóng để giữ nhiệt. Sau 1 phút thì đổ ra và tiếp
nước 2, nước 2 lâu hơn, 3 phút. Nước 3, nước 4. Không tráng ấm, tráng chè, nếu
sợ chè bẩn thì đừng uống vì tráng cũng không sạch được chè, ai có thói quen sợ
bẩn thì mặc kệ họ. Nếu nhạt thì đổ bã pha ấm khác, công thức này nó ngược với
đạo vợ chồng, vợ chồng càng nhạt càng phải uống.
- Chén uống:
Không cầu kỳ, chén tử sa ngoài đen hay nâu, trong tráng men trắng, loại chén
hạt mít, chén tống thì to hơn. Vào hàng trà cụ họ bán đầy.
- Ướp hương chè: Nhà giồng vài cây hoa mộc, mùa
mát là có hoa ba bốn tháng, tối hái dăm hoa mộc, úp chén lên, sáng ngày hay bữa
sau lật chén rót trà, hay cánh hoa hồng hay hoa gì thơm mà mình thích cũng làm
vậy. Cũng có thể trồng vài cụm hoa sói vào chậu để nơi ít nắng, khoảng tháng 6
ta nó bắt đầu ra hoa, buổi sáng lúc ngủ dậy ngắt vài cánh có hoa (gọi là gạo)
sắp nở mang vào úp xuống chén, nó nở nhanh và tàn nhanh, hương thơm cực kỳ,
chiều lật chén lên uống nước, thơm ngát.
- Uống chè là thưởng chè, nếu trước khi uống mà
khát quá thì uống trước cốc nước lọc cho đỡ khát, tuy nhiên chè cũng là chất
giải khát rất tốt. Tốc độ uống cũng cần, ảnh hưởng đến khẩu vị.
Uống chè là lúc hưởng cái sướng, vội,
bận thì không uống. Nói về cái sự sướng thì ta thấy sướng là sướng luôn, nhặt
từng tí sướng, nhặt từng tí sướng, năng nhặt chặt bị. Khi chết, bị sướng thằng
nào to, đầy thì gọi là đời sướng. Đừng móc túi sướng của thằng khác để sướng là
được. Uống chè như vậy là thích. Nghe cầu kỳ vậy nhưng không tốn kém gì, làm
rồi quen tay. Bây giờ ai cũng uống chè như vậy được, đừng nói chỉ những người
nhàn rỗi, có thì giờ mới vậy. Đại cán bộ bận rộn nhiều cũng uống chè đàng hoàng
như vậy được, ngồi uống chè một mình để suy nghĩ cũng là làm việc. Uống chè
phải tự mình làm từ an pha đến ô mê ga mới thích, uống mới ngon.
Uống xong thì đổ bã đi, úp ấm chén xuống
khay, không bao giờ rửa ấm chén, lấy khăn đậy lên khay chén chống bụi. Ấm tráng
men…thì không bàn đến. Nếu không có ấm cổ thì nên dùng ấm đất Giếng đáy hàng ngày
cũng là người sành điệu uống chè.
Cái ông già ấm vỡ ở Xuân Trường ngày nào,
cho đến bây giờ tôi chưa gặp ai bằng xương bằng thịt mà có kiến thức về chè như
ông.
Nguyễn Kim Trì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét