Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

TRẦN THỊ NHẬT TÂN – CÔ GIÁO NHÂN HẬU

       Trần Mỹ Giống
 
Trần Thị Nhật Tân và trang chủ
          Đã có hàng trăm bài viết về nhà văn Trần Thị Nhật Tân trên báo chí. Các tác giả tập trung khai thác về những thăng trầm cuộc đời chị, về những tác phẩm của chị gây nên một hiện tượng văn học như “Dòng xoáy”, “Chân trời”, “Mây trắng”... Nói đến nhà văn Trần Thị Nhật Tân, bạn đọc nghĩ ngay đến điển hình chống tiêu cực và cuộc đời ba lần lấy chồng không thành của chị. Nhưng có một chi tiết, mấy chục năm qua chị dạy học từ thiện môn văn cho các cháu ôn thi đại học, thì chưa nhà báo nào nói đến.

          Nhà văn Trần Thị Nhật Tân nguyên là nhà giáo bị “mất dạy” (như lời chị nói) từ sau vụ “Dòng xoáy” của chị ra đời, làm xôn xao dư luận bạn đọc. Những phần tử tiêu cực bị nhà văn phanh phui đã sử dụng cả guồng máy chính quyền, đoàn thể, hất văng chị ra ngoài lề xã hội, đe dọa và đầy ải chị sống trong cảnh không nhà, không công ăn việc làm, lang thang bất định.
          Bằng sự kiên trì phấn đấu chị đã vượt lên hoàn cảnh khốn khổ của mình. Năm 1994 chị dành dụm mua được ngôi nhà lá lụp xụp ở xã Lộc Hạ, thành phố Nam Định. Chị dùng ngôi nhà đó làm lớp dạy một số cháu học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn ôn thi đại học, không thu tiền học phí. Chị dạy học từ thiện vì phần thương các cháu nhà nghèo hiếu học, phần để đỡ nhớ nghề thầy của mình. Ngay cả những ngày bị tai biến não, phải nằm liệt giường, chị vẫn dạy văn các cháu ôn thi đại học. Điểm lại các cháu được chị dạy văn, cháu nào cũng đỗ đại học. Nhiều cháu thi đại học, môn văn bị điểm liệt, trượt. Năm sau học chị đã đạt điểm khá giỏi và đỗ đại học.
          Việc nhà văn Trần Thị Nhật Tân dạy học ban đầu cũng không được phụ huynh tin tưởng. Có phụ huynh mắng con: “Học lò luyện thi mất mấy chục triệu còn trượt, nữa là học bà không thu tiền thì ăn thua gì...” Nhưng thời gian và kết quả việc dạy ôn thi cho các cháu đã làm những người không tin chị phải thay đổi nhận thức.
Cháu Đàm Thị Bích Ngọc, ở cạnh nhà chị Tân, được nhà văn hướng dẫn đọc các tác phẩm văn trong chương trình lớp 12, đọc “Tuổi thơ dòng xoáy” của nhà văn, cháu đã viết bài “Gửi người gieo hạt giống tâm hồn” được đăng trên báo Pháp luật Việt Nam số 50 ngày 19-2-2012. Cháu vừa tốt nghiệp Bác sĩ điều dưỡng, làm việc tại Hà Nội.
Cháu Trần Xuân Tùng, cùng xóm với nhà văn Nhật Tân, được nhà văn kèm học từ lớp 3 đến lớp 12. Tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2015 nhưng không xin được việc làm. Nghe lời nhà văn Trần Thị Nhật Tân khuyên, cháu đã xin đi lao động ở Nhật. Trước khi đi, cháu ôm chặt nhà văn: “Giờ cháu mới thấy tiếc. Giá cháu nghe lời bà học tiếng Anh cho giỏi thì đâu đến nỗi khổ nhục. Bà cao tuổi, nhưng suy nghĩ của bà lại rất hiện đại, rất trẻ. Sang Nhật, cháu sẽ cố học tiếng Anh, tiếng Nhật thật giỏi bà ạ”.
Năm nào cũng có dăm ba cháu theo học cô giáo Nhật Tân. Cháu nào đã học cô Nhật Tân, điểm thi đại học môn văn cũng đều khá giỏi. Năm học 2010-2011, cháu Trần Thị Oanh là con cô giáo Hải, bạn đồng nghiệp với nhà văn ở trường Trần Quốc Toản ngày chị Tân còn chưa “mất dạy”, được nhà văn hướng dẫn ôn thi môn văn, đã đỗ đại học, môn văn đạt 8,5 điểm. Cháu được cấp học bổng đi Ấn Độ. Mẹ cháu tặng cô Nhật Tân cái xe đạp để cảm ơn.
Năm 2015-2016, cháu Trần Ngọc Ánh cùng tổ dân phố với nhà văn, rủ 5 bạn theo học bà Tân. Kết quả cả 5 cháu đều đỗ đại học. Vở ghi bài giảng của cô giáo Nhật Tân được mấy chục cháu ở trường chuyên Lê Hồng Phong pho to tham khảo. Cháu Trần Ngọc Anh có nguyện vọng theo nghiệp nhà văn như cô giáo Nhật Tân, mơ ước trở thành tác giả kịch bản phim. Chị Tân hướng dẫn cháu viết kịch bản ngắn. Cháu thi năng khiếu đỗ Đại học Điện ảnh. Cháu vừa gọi điện về khoe với cô Nhật Tân: “Bà ơi, cháu được các thầy cô khen là giỏi nhất lớp. Cháu được nhà trường chọn cho đi Sơn La, Mộc Châu quay phim bà ạ.”
Năm vừa qua, nhà văn Nhật Tân dạy 11 cháu lớp 9 ôn thi vào lớp 10. Có cháu tâm sự: “Bố mẹ cháu nghèo, chạy tiền học cho cháu rất vất vả. Mỗi năm học thêm cô giáo mỗi môn hết cả chục triệu bạc... Nhưng cháu học bà thì bố mẹ lại lo cháu không đỗ. Cháu nói với bố mẹ cháu là bà Tân dạy ngắn gọn, dễ hiểu, rất dễ hệ thống kiến thức. Với lại bố mẹ đừng lo. Thi vào cấp 3 thì thầy cô giáo cấp 3 chấm bài thi, chứ cô giáo con có chấm đâu...”  Nhà văn bảo: “Các cháu cố gắng học để đỗ vào cấp 3, nếu các cháu trượt thì chắc chắn bà bị các phụ huynh chửi cho nhức óc”. Khi nghe tin cả 11 cháu đều đỗ, nhà văn Nhật Tân mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhà văn Nhật Tân nói với tôi: “Nhờ dạy học từ thiện mà chị khỏi bại liệt đấy. Số là con ông lang gia truyền dốt văn. Nghe tiếng chị dạy văn các cháu đều đỗ, ông lang liền đưa con đến nhà nhờ chị kèm cho môn văn. Khi ấy là năm 2004, chị đang kèm mấy cháu học ôn thi đại học. Thấy chị nằm dạy học, ông lang cắt cho chị 10 thang. Chị uống hết 10 thang thuốc thì bò dậy chống gậy đi lại được. Chị uống liền một năm trời, mỗi ngày một thang, sức khỏe hồi phục, đi lại bình thường. Dạy con ông lang không thu tiền, nhưng chị trả hết tiền thuốc của ông lang. Khi con ông lang đỗ đại học, chị cho cháu tiền để tỏ lòng cảm ơn ông lang chữa cho chị khỏi bại liệt.”
Tôi lặng nhìn nhà văn Trần Thị Nhật Tân mà lòng dâng trào một cảm xúc cảm phục và quý trọng. Nhớ chuyện chị di chúc hiến tặng tài sản nhà đất cho Hội Văn học Nghệ Thuật Nam Định mà không được toại nguyện, tôi lại càng thương chị. Chỉ vì tích cực chống tiêu cực bằng tác phẩm văn học và hành động trọng thực tế, mà chị bị hất văng ra lề cuộc sống. Nhìn người phụ nữ già nua khắc khổ, nổi tiếng “đánh đấm” chống tiêu cực, mấy ai nghĩ nhà văn Nhật Tân lại là người có tấm lòng nhân hậu rất đáng quý trong thời buổi tham nhũng cùng cực như hiện nay. Việc chị lặng lẽ dạy không thu tiền cho các cháu hoàn cảnh khó khăn ôn thi đại học là một minh chứng cho điều tôi nghĩ.

Trần Mỹ Giống  
     

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bài viết của bác về nhà văn Trần Thi Nhật Tân

    Trả lờiXóa