Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

KHOA TRƯƠNG TRONG THƠ LÝ BẠCH


Lý Bạch

        TS. Nguyễn Ngọc Kiên

          1. Mấy nét khái quát về nhà thơ Lí Bạch

          Lí  Bạch  là một nhà thơ lớn thời Đường, một ngôi sao sáng chói trên thi đàn Trung Quốc từ thời nhà Đường cho đến ngày nay. Người ta thường gọi ông là Thi Tiên (Trích Tiên Lí Bạch). Học giả Lí Dương Băng trong "Thảo Đường Tập Tự" đã có câu nói bất hủ về thiên tài Lí Bạch “Thiên tải độc bộ, duy công nhất nhân” (Hàng ngàn năm chỉ có một mình ông mà thôi). Hơn một ngàn bài thơ của Lí Bạch còn để lại có một ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử văn học Trung Quốc và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, nhiều học giả đã dày công nghiên cứu thi ca Lí Bạch và luôn tìm thấy những vẻ đẹp mới của thơ ông. Thơ ông rất giản dị tự nhiên, không cầu kỳ chải chuốt, gọt giũa mà ý thơ sâu sắc, có sức truyền cảm mạnh mẽ và sức quyến rũ một cách lạ thường. Lí Bạch được gọi là “Người Trung Hoa kim cổ kỳ nhân”.

          Phong cảnh trong thơ Lí Bạch lúc nào cũng tráng lệ, thanh tú hùng vĩ như cảnh thế giới thần tiên, người thường khó có thể nào cảm nhận hết được. Đề tài trong thơ Lí Bạch hết sức đa dạng: phong cảnh non sông hùng vĩ, ý chí giúp nước giúp đời, tình bạn tình yêu, đả kích bọn quyền quý xa hoa… Đề tài trong thơ ông không tập trung như Khuất Nguyên, phẫn uất vì có tài mà không được dùng, có chí mà không được thi thố. Tư tưởng của ông không thuần nhất như Đỗ Phủ - một nhà Nho buồn vui vì dân, vì nước. Lí Bạch bên cạnh tiếp thu tư tưởng Nho gia còn có tư tưởng Đạo gia và tinh thần hiệp khách.
          Trong thơ Lí Bạch trước hết chúng ta thấy hiện lên hình ảnh non sông gấm vóc tráng lệ. Nhà thơ đi nhiều thấy nhiều, hiểu nhiều với ngòi bút phóng khoáng đã tái hiện lại nước non hùng vĩ trong trong các tác phẩm của mình. Sông Hoàng Hà, sông Trường Giang nhiều lần xuất hiện thật hùng vĩ:
          君不见,黄河之水天上来  /  奔流到海不复回 《将进酒》
          (Há chẳng thấy nước sông Hoàng Hà từ trời tuôn xuống /  Chảy tuột về biển Đông, chẳng quay về)
                                             (Tương tiến tửu)
          Dưới ngòi bút của nhà thơ, dòng sông như sống dậy. Thế nước từ trên trời chảy xuống, tốc độ chảy rất mạnh một mạch không quay về và sau đó là âm hưởng của câu thơ khoẻ khoắn tràn đầy sức sống. Trong bài “Công vô độ hà”, sông Hoàng Hà lại được nhân cách hoá ở mức độ cao hơn, như lực sĩ cuồng nhiệt:
         
黄河西来决昆仑 / 咆哮万里触龙门  《公无渡河》
          (Sông Hoàng chảy vỡ núi Côn Lôn / Thét gào muôn dặm lúc Long Môn) .
          Một trong những nét đặc sắc trong thơ Lí Bạch là ông đã rất thành công trong việc sử dụng thủ pháp khoa trương. Nói đến khoa trương trong thơ Đường không thể không nói đến Lí Bạch. Trong bài viết này, chúng tôi muốn phân tích những nét chính về khoa trương trong thơ ông.

          2. Khái niệm về khoa trương

          Theo định nghĩa của “
现代汉语词典” (Từ điển Hán ngữ hiện đại) [2005, NXB Bắc Kinh Thương vụ ấn thư quán, tr. 73], “Khoa trương là biện pháp tu từ, chỉ việc lấy sự khêu gợi trí tưởng tượng của người nghe hoặc người đọc và nhấn mạnh câu của người nói, dùng từ ngữ phóng đại để hình dung sự vật. Chẳng hạn, 她的嗓子像铜锺一样, 十里地都能听见 (Giọng anh ta như chuông đồng, cách mười dặm còn nghe thấy tiếng) ”.
          Theo các tác giả Hoàng Bá Vinh và Liêu Tự Đông  [8, tr. 352] thì: “Trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, khi cần nhấn mạnh một ý nào đó, người ta cố ý nói quá sự thật; cái việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối người, sự vật hoặc hiện tượng, tức đối tượng cần miêu tả. Lối nói này được gọi là khoa trương; nghĩa là, trên cơ sở hiện thực khách quan đối với đặc trưng của sự vật, hiện tượng, người ta tô vẽ một cách hợp tình hợp lí làm cho người đọc cảm thấy cái điều nói ra có một ấn tượng sâu sắc nhưng vẫn chân thực có thể tin cậy được”.
          Tác giả Vương Hi Kiệt [11, tr. 299] thì cho rằng: “Khoa trương là cố ý nói quá sự thật, hoặc phóng to hoặc thu nhỏ sự thật. Mục đích của khoa trương là làm cho người nghe / đọc có một ấn tượng càng thêm sâu sắc đối với nội dung biểu đạt của người nói / viết. Chẳng hạn, câu ngạn ngữ: “
天无三日晴 / 地无三尺平” (Trời không có ba ngày nắng / Đất không có ba thước bằng phẳng) nói về đặc điểm thời tiết và địa hình của Qúy Châu, là lối nói khoa trương. ”
          Tác giả Trương Huy Chi [12, tr.320] thì cho rằng: “Khoa trương là nói quá sự thật, là phương thức biểu đạt mà vì một yêu cầu nào đó người ta cố ý phóng to hoặc thu nhỏ hình tượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ, số lượng của các sự vật. Khoa trương có vẻ như không phù hợp với thực tế, nhưng nếu vận dụng hợp lý có thể miêu tả sâu sắc bản chất sự vật, làm tăng thêm sức hấp dẫn của ngôn ngữ.”
          Như vậy có thể thấy, quan điểm của các nhà Hán ngữ về khoa trương là tương đối thống nhất ở một điểm: nói quá sự thật trong đó có thể phóng to hoặc thu nhỏ sự vật, hiện tượng, tức là đối tượng cần miêu tả nhằm gây ấn tượng đối với người nghe, người đọc.
          Theo quan điểm của chúng tôi thì, khoa trương hay còn gọi là nói quá, là phép tu từ cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Khoa trương có tác dụng làm nổi bật những ý cần diễn đạt. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.

          3. Khoa trương trong thơ Lí Bạch


          Khoa trương trong thơ Lí Bạch hết sức đa dạng và phong phú; dưới đây là một số nét điển hình.
          3.1. Sử dụng phép tỉ dụ để khoa trương
          Lí Bạch dùng phép tỉ dụ để khoa trương trong rất nhiều bài thơ để biểu hiện tình cảm mãnh liệt của ông đối với quê hương đất nước. Đây  cũng là một nét nghệ thuật đặc sắc của chủ nghĩa lãng mạn trong thơ Lí Bạch.
Trong bài thơ “Bắc phong hành” Lí Bạch viết:
燕山雪花大如席 (Yên Sơn tuyết to như chiếc chiếu), miêu tả cái lạnh ở Yên Sơn; trong đó bao gồm tỉ dụ kiêm khoa trương, nhưng thiên về khoa trương. Như chúng ta đã biết, bản chất của tỉ dụ là làm cho bản thể thêm hình tượng và thêm trực quan sinh động.
          Khoa trương trong những bài thơ xuất sắc của Lí Bạch cũng không thoát li khỏi sự thực tế, ngược lại nó đều được tiến hành trên cơ sở thực tế sinh động. Vì vậy, càng khoa trương, cuộc sống hiện thực càng được bộc lộ  một cách chân thực, càng được biểu hiện thêm sâu sắc.
          Trong các bài “Thu phố ca” và “Vọng Lô Sơn bộc bố”, tác giả cũng đã sử dụng phép tỉ dụ để biểu thị khoa trương.
         
白发三千丈 / 缘愁似 个长《秋浦歌》
          (Tóc trắng ba ngàn dặm, theo sầu dài lê thê)
         
飞流直下三千尺 / 疑是银河落九天  《望庐山瀑布水》                            
          (Chảy như bay rót thẳng xuống ba ngàn thước / Ngỡ là sông Ngân rơi từ chín tầng trời)
          Các cụm từ “
三千丈” (ba ngàn trượng), “三千尺” (ba ngàn thước) đều là khoa trương cực độ, “ba ngàn trượng” dựa trên độ dài của nỗi sầu của bản thân nhà thơ làm cơ sở, “ba ngàn thước” dựa trên độ cao của thác Bộc Bố làm cơ sở, nó không chỉ gợi ra cảm giác chân thực mà làm cho người đọc cảm nhận thêm sâu sắc nỗi sầu mênh mông sâu thẳm của nhà thơ và cảnh quan uy nghi hùng vĩ của Bộc Bố Hương Lư. Phép tỉ dụ khoa trương làm cho ngôn ngữ trong bài thơ trở nên sinh động. Thủ pháp này dùng để miêu tả làm cho hình tượng thêm sống động, ở đây tác giả đã hoà quyện tình, cảnh, vật và người làm một.
          Trong bài “Tặng Uông Luân”, Lí Bạch viết:
             
桃花潭水深千尺 / 不及汪伦送我情 《赠汪伦》
          (Đào hoa đầm rộng sâu ngàn thước / Khôn sánh tình Uông đưa tiễn ta)
          Đây là bài thơ được nhiều ngươi yêu thích và thuộc lòng. Hai câu sử dụng thủ pháp tỉ dụ khoa trương, ví tình cảm của Uông Luân tiễn Lí Bạch như nước đầm Đào Hoa sâu tới ngàn thước; trên thực tế, ai cũng hiểu rằng đầm Đào Hoa không sâu đến như vậy. Từ ngữ so sánh “
不及” (bất cập, không sánh kịp) ở đây dùng rất độc đáo biểu thị tình cảm giữa hai người là vô cùng sâu sắc và quý giá, khiến người đọc có thể tưởng tượng ra được nó sâu đậm đến mức nào. Hơn thế nữa, cách lựa chọn hình ảnh “đầm Đào Hoa” cũng rất tinh tế và đầy ý nghĩa; màu hoa đào đỏ rực, còn màu xanh của nước đầm thì trong vắt, những hình  ảnh này được dùng để so sánh với tình bạn khiến ta liên tưởng tới tình bạn đẹp, ấm áp thuần khiết. Cái hay của bài thơ này là ở chỗ, nó vô cùng giản dị, câu chữ không hề “đao to búa lớn”, nhưng nhờ có thủ pháp khoa trương mà đã nêu bật tình cảm chân thành thân thiết.
Trong bài “Đáp Vương Thập nhị hàn dạ độc chước hữu hoài”, Lí Bạch đã so sánh:
         
吟诗作赋北窗里 / 万言不值一杯水 《答王十二寒夜独酌有怀》
          (Ngâm thơ làm phú ở song bắc /  Vạn lời không bằng một chén nước lã)
          để nói về những ngày sống ăn không ngồi rồi, nhạt nhẽo vô vị ở trong cung.
          3.2. Sử dụng con số
          Các con số khoa trương luôn mang đậm dấu ấn văn hoá của mỗi dân tộc. Các nhà thơ cổ thường thích sử dụng các số “
” và “” và các bội số của chúng; chẳng hạn: “六六,“九九,“三十六,“三千”, “九千 v.v… Điều đó một phần có liên quan tới triết học cổ điển Trung Hoa “Kinh dịch”, một phần có liên quan đến thói quen trong sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Hán. Tục ngữ có câu: “凡事不过三” (phàm sự bất quá tam), “六六大顺” (lục lục đại thuận), “九九归一” (cửu cửu qui nhất), “三十六计走为上计” (tam thập lục kế tẩu vi thượng sách).
          Nhà thơ Lí Bạch đã dùng thủ pháp tu từ khoa trương với những con số thực mang tính hư chỉ, ước lệ và đã đạt được hiệu quả thẩm mĩ hết sức độc đáo. Những con số trong thơ ông khiến người đời phải ngưỡng mộ. Trong thơ ông chủ yếu dùng các con số sau:
          3.2.1. Số 3
          Ví dụ:
         
天山三丈雪 / 岂是远行时《独不见》
          (Núi Thiên Sơn tuyết dày ba trượng / Há phải là lúc nên đi xa)
                                                             (Độc bất kiến)
          Theo chủ quan chúng tôi, có lẽ chỉ Lí Bạch mới viết được tứ thơ người đẹp đi rồi ba năm nhà còn phảng phất hương như trong bài “Kí viễn” (Gửi phương xa):
         
至今三載猶聞香, 香亦竟不滅 《寄远》
          (Đã ba năm còn phảng phất hương / Hương kia cũng lưu luyến)
          Ngoài ra, Lí Bạch còn sử dụng những số là bội số của ba, chẳng hạn trong “Tương Dương ca”:
         
百年三万六千日 / 一日须倾三百杯《襄阳歌》
          (Một trăm năm ba trăm sáu mươi vạn ngày / Mỗi ngày phải uống ba trăm chén)
          Hoặc trong “Hồ Quan nhiêu phong sa”:
         
三十六万人 /哀哀泪如雨《胡关饶风沙》
          (Ba mươi sáu vạn người/ Buồn nước mắt rơi như mưa)
          3.2.2. Số 9
          Tương tự, Lí Bạch cũng sử dụng nhuần nhuyễn con số chín và các bội số của chúng để khoa trương. Chẳng hạn trong các bài “Khương bạc mệnh” và “Thượng vân lạc”:
         
咳唾落九天 / 随风生珠玉  《妾薄命》
          (Tiếng nói như từ chín tầng trời vọng xuống / Bay theo gió mà nhả ra châu ngọc)
         
天子九九八十一万 岁,长倾万年杯《上云乐》
          (Thiên tử chín chín tám mốt vạn năm /  Uống hết chén vạn năm)
          3.2.3. Nghìn và vạn
          Các con số nghìn, vạn trong thơ Lí Bạch cũng đều là những con số ước lệ. Chẳng hạn, trong bài “Thục đạo nan” tác giả đã sử dụng các con số “mười nghìn” và “vạn tiền” để nói về giá trị của đồ ăn và đồ uống:
         
金樽清酒斗十千 / 玉盘珍羞直万钱《行路难》
          (Chén vàng rượu ngon, mỗi đấu giá mười nghìn / Mâm ngọc, thức quý, giá đáng vạn tiền)
          Hoặc, trong “Tương tiến tửu”, tác giả cũng có cách nói tương tự, như một lẽ tự nhiên:
         
五花马,千金裘 / 儿将出换美酒 《将进酒》
          (Này ngựa năm sắc, áo cừu nghìn vàng / Chú hầu trẻ mau đem đổi rượu ngon)   
          3.3. Khoa trương động tác
          Nói cách khác, Lí Bạch sử dụng động từ để biểu thị khoa trương trong các tác phẩm của mình. Xét bài thơ “Dạ túc sơn tự”:
         
危楼高百尺,手可摘星辰, 不敢高声语,恐惊天上人 《夜宿山寺》
          (Ngất ngưởng lầu trăm thước cao / Với tay ngỡ hái trăng sao trên trời/ Nhẹ nhàng chẳng dám lớn lời / Chỉ e kinh động đến người cõi tiên)                                               
          Ở đây, tác giả đã sử dụng các động từ
rất tài tình. Động từ có các nghĩa chính hái, ngắt, bẻ, bứt; chẳng hạn: 摘梨 (hái lê), 摘一枝花 (ngắt một nhành hoa), 摘树叶 (bứt lá cây). Còn có nghĩa là làm kinh sợ. Chỉ trong một bài thơ, tác giả đã sử dụng hai động từ để biểu thị khoa trương. 摘星辰 (với được sao trời) và惊天上人 (làm kinh động người nhà trời) là chuyện huyễn tưởng, nhưng mục đích chính là miêu tả lầu cao trăm thước.
          Trong bài “Nguyệt hạ độc chước” có câu:
         
举杯邀明月,对影成三人《月下独酌》
          (Nâng chén mời trăng sáng, trước bóng ta nữa thành ba người)
          Ở đây, tác giả giả đã sử dụng cụm động từ
邀明月(mời trăng sáng) cũng để thực hiện phép khoa trương huyễn tưởng; rõ ràng, hình ảnh mời trăng uống rượu là hoàn toàn do tác giả tưởng tượng ra. Một số trường hợp khác:
         
鼻息干虹蜺 / 行人皆休惕
          (Mũi phổng như thở ra cầu vồng / Người trên đường ai cũng phải kinh sợ)
         
举手可近月 / 前行 若无山  《登太白峰》
          (Lúc đó giơ tay là tới mặt trăng / Trước mặt không còn núi non)
         
狂风吹我心 / 西挂咸阳树 《金乡送韦八之西京》
          (Cuồng phong thổi vào lòng tôi, Hàm Dương cây phủ che)
         
扪参历井而仰胁息 / 以手抚膺坐长叹《行路难》
          (Sờ được sao Sâm, vượt được sao Tỉnh, ngẩn nhìn nín thở / Lấy tay vỗ bụng ngồi than dài)
          Có thể thấy, sử dụng động từ để biểu thị khoa trương  trong thơ có thể đem lại những giá trị thẩm mĩ nhất định, nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa trương, mà là kết quả của sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ là điều kiện để cấu thành khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương ngoại tại. Nó không chỉ từ ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo nên một loại sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm lí. Đối với một số động từ nội động, nó phải được đặt trong ngữ cảnh thì mới có thể thực hiện khoa trương. Chẳng hạn như các câu thơ sau điển hình về khoa trương được rất nhiều người biết đến:
         
鸬鹚杓,鹦鹉杯 / 百年三万六千日 / 一日须倾三百杯《襄阳歌》
          (Muôi chim tước, chén chim vẹt, một năm ba vạn sáu nghìn ngày, một ngày nên nghiêng ba trăm chén)
         
十步杀一人 / 千里不留行 / 事了拂衣去 / 深藏身与名 《侠客行》
          (Cách mười bước giết một người / Nên chẳng phải ra đi nghìn dặm / Làm việc xong rũ áo lui / Giấu kín thân mình cùng tên tuổi)
          Trong những câu thơ trên, tửu lượng, tình bạn của nhà thơ, tốc độ của người đi, độ cao và sự biến hoá của sự vật đều được thể hiện qua khoa trương nghệ thuật động tác thông qua các động từ và đạt tới một trình độ điêu luyện. Rõ ràng là, chúng ta không thể dùng khoa học hoặc con mắt của người thường để đánh giá bình luận và lí giải được.

          4. Nguyên nhân

          Ai cũng biết, Lí Bạch thích khoa trương và rất thành công trong việc sử dụng thủ pháp khoa trương. Nhưng vấn đề là ở chỗ, vì sao nhà thơ lại thích khoa trương? Từ xưa tới nay chưa có ai nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề này. Tác giả Đinh Khải Trần  [7, tr. 15] là người đầu tiên đã nêu ra những nguyên nhân cơ bản, ngoài ra còn có một số tác giả khác nữa, chúng tôi có thể tổng hợp lại như sau:
          Thứ nhất, Lí Bạch là một con người có chí hướng cao xa, có mục tiêu rất lớn, tấm lòng luôn bao dung, rộng mở, nói năng phóng khoáng và rất tự tin.
          Thứ hai, cả cuộc đời trên con đường thực hiện lí tưởng gặp rất nhiều chông gai trắc trở. Gặp khó khăn, có người có thái độ dè dặt, có người trở nên trầm mặc lặng lẽ, có người trở nên khảng khái, mạnh mẽ. Lí Bạch thuộc loại thứ ba, càng khó khăn càng mạnh mẽ, thấy bất bình quyết không chịu khoanh tay.
          Thứ ba, Lí Bạch sinh ra và lớn lên ở Tứ Xuyên, một vùng đất có truyền thống văn học lãng mạn. Tứ Xuyên là đất của nước Thục cổ của Lưu Bị thời Tam quốc, xét trên bình diện văn hoá khu vực, ở đây tiếp cận hoặc thuộc về văn hoá Sở. Bản thân Lí Bạch đã từng tự gọi mình là người Sở. Như chúng ta đã biết, nước Sở lấy Khuất Nguyên làm đại biểu, là khởi nguồn quan trọng nhất của trào lưu chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Trung Quốc.
          Thứ tư, Lí Bạch là tín đồ của Đạo giáo. Đạo gia giảng xuất thế, hướng tới tự do, vứt bỏ mọi sự câu thúc, thông qua tu luyện để trở thành tiên, đến nơi tiên cảnh trường sinh bất lão. Lí Bạch là một tín đồ trung thành của Đạo giáo, trong đầu luôn tràn đầy tư tưởng tự do, yêu thiên nhiên cây cỏ, luôn có tư tưởng đi ngao du thiên hạ. Điều này thể hiện trong các bài “Đăng Thái Bạch phong”, “Mộng du Thiên Mụ ngâm li biệt”.
          Thứ năm, Lí Bạch là người có tư chất thông minh, luôn mong muốn sau này sẽ trở thành một hiệp khách chân chính, với tay kiếm địch nổi ngàn người, vung kiếm trừ gian cứu vớt thiên hạ khỏi áp bức, lầm than. Hiệp khách ân oán giang hồ rất sòng phẳng, vung dao ra tay quyết không hàm hồ. Giết người chưa hẳn đã là sự thực, nhưng thời thanh niên, bất kì một hiệp khách chân chính, phóng túng nào cũng trải qua.
          Thứ sáu, Lí Bạch là người thanh tao, liêm khiết, yêu đời, yêu thơ, yêu rượu. Ông là một tửu đồ thường xuyên say bí tỉ. Về chuyện này, chỉ nói về trạng thái say, Đỗ Phủ đã miêu tả vô cùng sinh động trong “Ẩm trung bát tiên ca”. Thích rượu và thường xuyên say rượu rồi làm thơ, ắt hẳn là có nhiều câu được viết trong lúc say hay còn gọi là “rượu nói”. Nhiều câu thơ khoa trương trong “Tương tiến tửu”, “Tương dương ca” là những ví dụ điển hình về mảng thơ này.
          Thứ bảy, Lí Bạch có lai lịch không rõ ràng. Ông tự cho rằng mình là hậu duệ Lương Vũ Chiêu vương Lí Cảo, danh tướng Lí Quảng đời Tây Hán và có quan hệ thân thuộc với Hoàng đế Lí Đường. Tuy nhiên, tính chân thực của tuyên bố này cần được kiểm chứng. Có học giả cho rằng, Lí Bạch có thể là người Hồ, tức là một nhân sĩ thuộc dân tộc thiểu số. Nhà thơ Hạ Tri Chương hiệu “Tứ Minh cuồng khách” là người có ân tri ngộ với Lí Bạch, ngay buổi đầu gặp mặt đã gọi Lí Bạch là “Trích tiên nhân” và có thể hiểu là người thuộc hành tinh khác. Là người có lai lịch không rõ ràng, và cũng không thuộc tầng lớp thượng lưu, Lí Bạch muốn cố gắng vượt lên chính mình, làm cho người đời và cả triều đình phải chú ý, ông đã làm nhiều việc rất khác người khác đời, sử dụng từ ngữ khiến mọi người phải kinh ngạc.
          Thứ tám, Lí Bạch thích đọc những sách về địa lí và lịch sử có sắc thái truyền kì. Trong các tác phẩm của Lí Bạch, có nhiều câu khoa trương có xuất xứ từ trước tác của các bậc tiền nhân. Chẳng hạn:
         
蚕丛及鱼凫 / 开国何茫然 / 来四万八千岁 / 不与秦塞通人烟…. ../ 一夫当关 / 万夫莫开《蜀道难》
          (Tàm tùng và ngư phủ / Mở mang đất nước mới lâu dài sao / Từ ấy đến nay bốn vạn tám nghìn năm / Mới cùng ải Tần thông suốt với cõi đời… / Một lính giữ cửa ải / Muôn người không qua được) (Thục đạo nan)
có xuất xứ từ “Thục vương bản kí”
《蜀王本纪》của Dương Hùng
         
蜀王之先名蚕丛、柏灌、鱼凫、蒲泽、开明……从开明上  至蚕丛,积三万四千岁。
          (Trước Thục vương là Tàm Tùng, Bách Quán, Ngư Phủ, Bồ Trạch, Khai Minh… từ Khai Minh đến Tàm Tùng tất cả ba vạn bốn nghìn năm)
          Hoặc câu thơ sau trong bài “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt”:
         
天台四万八千丈 / 对此 欲倒东南倾《梦游天姥吟留别》
          (Núi Thiên Thai cao bốn vạn tám nghìn trượng / Trước nó cũng bị áp đảo mà nghiêng về đông nam) có xuất xứ từ “Chân cáo” của Đào Hoằng Cảnh:
         
天台山高一万八千丈
          (Núi Thiên Thai cao một vạn tám nghìn trượng)
          Còn hai câu trong bài “Tảo phát bạch đế thành”:
         
朝辞白帝彩云间 / 千里江陵一日还 《早发白帝城》
          (Sớm từ Bạch Đế mây giăng / Một ngày thẳng tới Giang Lăng dặm ngàn)       lại có nguồn gốc từ “Thuỷ kinh chú – giang thuỷ” của Lệ Đạo  Nguyên, nhà địa chất học đầu tiên của Trung Quốc
         
有时朝发白帝,暮至江陵。其间千二百里,乘奔御风,不以疾也
《郦道元 - 水经注江水》
          (Hữu thời triêu phát Bạch đế, mộ chí Giang Lăng. Kì gian thiên nhị bách lí, thừa bôn ngự phong, bất dĩ tật dã).

          Kết luận

          Mặc dù chủ đề trong thơ Lí Bạch rất quen thuộc, nhiều người đã viết, nhưng thơ ông đậm nét lãng mạn, trữ tình, cách sử dụng ngôn từ điêu luyện tự nhiên nên dễ chinh phục người đọc. Lí Bạch rất thích và rất có sở trường về sử dụng thủ pháp nghệ thuật khoa trương. Khoa trương trong thơ Lí Bạch cũng hết sức đa dạng và phong phú. Có thể nói mà không sợ ngoa ngôn rằng, nếu chọn một tác giả tiêu biểu cho khoa trương trong thơ cổ nói chung và trong thơ Đường, chúng ta không thể không nói thi tiên Lí Bạch.

Nguyên Ngọc Kiên


TÀI LIỆU THAM KHẢO  

Tiếng Việt
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
5. Nguyễn Trung Kiên (2007), Một kiểu cấu trúc nhấn mạnh trong tiếng Hán so với tiếng Việt, Ngữ học Trẻ.
6. Trương Văn Giới biên dịch, (2003), Giaó trình tu từ tiếng Hán hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.

     Tiếng Hán
7.
丁启阵 (2013) “李白为何特别喜欢夸张?”,   河南省普通高中毕业班高考适应性测试
8.
黄伯荣,廖序东 1983现代汉语,甘肃人民出版社。
9.
刘月华,潘文娱,故韦(2001,“使用现代汉语语法,商务印书馆
10.
陆俭明 2003),现代汉语研究教程,北京大学出版社。
11.
王希杰 2007汉语修辞学,商务印书馆。
12
.张挥之(2002现代汉语高等教育出版社。


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét