Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 23-24) : Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH



          XXIII

          Còn dăm hôm nữa là ngày đại hội đảng bộ xã. Trên các ngả đường dẫn vào trụ sở xã cờ và các băng rôn khẩu hiệu được treo rực rỡ.
          Đại hội kỳ này cấp ủy phân công Tuấn làm trưởng ban khánh tiết. Công việc khá bận rộn. Sáng nay Tuấn có hai nhiệm vụ chính phải làm. Việc thứ nhất là lên huyện ủy gặp bí thư hoặc phó bí thư để thông qua chương trình đại hội. Việc thứ hai là gặp cánh loa đài của huyện ký hợp đồng thuê loa đài, thuê người phục vụ trọn gói. Việc thứ nhất chẳng có gì phải nói. Bởi chương trình nghị sự đã có văn bản hướng dẫn cứ thế mà thực hiện. Còn việc có gặp được bí thư hay phó bí thư không cũng chẳng cần thiết. Văn phòng huyện ủy sẽ có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến bàn làm việc của các lãnh đạo.
Việc thứ hai mới là điều Tuấn quan tâm. Tuấn rút kinh nghiệm xương máu từ kì đại hội trước. Giờ Tuấn được phân công làm trưởng ban Tuấn chẳng dại gì dùng loa đài của xã, những đồ năm cha ba mẹ tậm tịt và cả người vận hành chúng nữa cũng tậm tịt. Tháng trước Hội nông dân xã Tổng kết nhiệm kỳ, loa đài cứ rú lên như còi, hội nghị đành phải nói chay. Trên diễn đàn các đại biểu cứ phải gân cổ để nói cho to. Có vị phát ho phát hen lên. Phía cánh gà tay thợ vận hành hệ thống âm thanh xã học vớ vẩn về thiết bị âm thanh đang ngồi lúi húi sửa chữa. Tay trái gã cầm míc, tay phải vặn cái này, xoay cái kia, gõ bồm bộp vào vỏ thiết bị. Có tín hiệu từ míc gã nói “A lô” thì gã bị điện giật. Chiếc mic tuột khỏi tay gã lăn lông lốc ra chỗ đông người. Trong đám đông có tiếng hét lớn “Lựu đạn đấy!” Khiến mấy chục người nằm rạp xuống khiếp đảm. Vỡ lẽ, có tiếng quát lớn “Vất mẹ nó đi! Loa với đài! Vác tiền của công đi mua toàn đồ đểu! Mấy chục triệu đồng chứ ít à?” Nghe lời giận giữ gã thợ đài tưởng mình bị chửi mắng, gã lên tiếng “Ai nói thế? Ai chửi tôi đấy? Im mẹ nó mồm đi!” “Tôi không nói cậu. Tôi nói cái thằng mua, thằng duyệt mua ấy!” “Thế thì lên trụ sở xã mà nói! Nói đếch gì ở chỗ này! Rõ dở hơi!”
          Nghĩ đến đây Tuấn bật cười.
          Sáng nay cả hai việc Tuấn đều hoàn thành tốt đẹp: Gặp được đích danh bí thư huyện ủy. Chương trình nghị sự được thông qua. Vấn đề loa đài và người phục vụ ký được hợp đồng thỏa thuận. Tuấn về đến ủy ban đã trưa. Ngoài nhà để xe chỉ còn dăm bảy chiếc xếp ngổn ngang không có hàng lối. Nhìn xe, Tuấn biết chủ nhân của nó là ai. Chiếc xếp đầu là của Hội còn lại sáu chiếc kia là của cánh “Dạ dày ngâm rượu” “Tụ tập vào giờ này chắc cánh này uống rượu” Tuấn nghĩ vậy nên tạt xe vào. Thấy Tuấn cả cánh ồ lên:
          - Ồ, ông Tuấn! Mời ông vào đây! Sáng nay anh em chúng tôi vất vả quá! Xuống tận từng tổ kiểm tra việc vệ sinh, việc treo pa nô, áp phích, thu nhận thông tin theo tinh thần chỉ đạo. Lúc về qua chợ thấy lòng lợn ngon vào mua một ít về nhâm nhi bồi dưỡng sức khỏe.
Hào bí thư chi bộ 4 nói xong, Hội tiếp lời:
          - Anh em đã có lời ông ngồi vào đi. Hôm nay ngày nghỉ có phải ngày làm việc đâu mà ông ngại?
          Hội nói xong vỗ vai người ngồi bên cạnh nhắc đứng dậy để nhường chỗ cho Tuấn.
          - Chỗ này là chỗ của anh, anh Tuấn ạ?
          Trên bàn là can rượu trắng loại năm lít mua của nhà Kết đầy tận nút. Bên cạnh chiếc can là chục cái chén sành loại bằng trôn vàng khè bởi cao trà bám. Bảy bát tiết canh đầy đến miệng, lòng chay, dồi, tai, mũi, họng, tim, phổi, dạ dày bày la liệt gần kín hết tàu lá chuối.
          Một giọng nói như nghẹt mũi:
          - Để thằng tôi rót rượu phục vụ các đại ca nào? Chắc giờ này các đại ca đói bụng. Tôi chúc các đại ca ăn uống ngon miệng nhé. Nào chuyển chén đi. Chuyển chén đi.
          - Gớm cái bố này. Nói năng gì mà bắn cả nước bọt vào mặt tôi thế? Ngậm cái miệng lại!
          Nhiều tiếng chép miệng đồng thời vang lên:
          - Tay Minh này rót rượu cừ đấy! Không chén nào hơn kém chén nào.  Cứ bằng nhau chằn chặn. Lại còn không vãi ra ngoài một giọt. Giỏi! Đại hội này tớ bỏ phiếu cho cậu! Nào dô!
          - Đồ dốt! Phải mời các bề trên trước mới được “Dô”.
          - Ờ quên! Thay mặt anh em mời đại ca Tuấn và đại ca Hội.
          Hội chỉ tay mời Tuấn nâng chén. Hội nói tiếp:
          - Chú Hợm thanh niên rót rượu!
          - Có em! Có em, có em…
          Hợm khúm núm xun xoe rời ghế chạy tới bê can rượu rót ồng ộc ra chiếc ca nhôm cũng diện “Cổ” như những cái chén. Hợm đặt can xuống bàn rồi cầm ca cứ thế vòng tròn tiếp rượu vào chén cho mọi người. Khi các chén đã được đổ đầy rượu, từ đầu bàn bên kia Hội đứng dậy giơ năm ngón tay ngắn mập, dài giọng nói:
          - Đây là bữa nhậu vui vẻ thôi, không có gì phải thưa gửi cả. Tôi nói thế không có nghĩa là dân chủ hòa cả làng. Ở đây vẫn có thứ bậc. Tôi đề nghị mọi người nâng chén lần này chúc sức khỏe đồng chí Tuấn phó bí thư đảng ủy?
          Hội đưa mắt kiểm tra, khi đã nhìn rõ các bàn tay cầm vào chén, Hội trịnh trọng nói tiếp:
          - Kính chúc sức khỏe đồng chí Tuấn!
          Cả đám người đứng lên. Tiếng chạm chén nghe “Cạch, cạch”. Ngần ấy cái cổ ngửa lên dẫn rượu. Những cái bắt tay không thật lòng, hờ hững, lỏng lẻo.
          Hội nói:
          - Chén thứ hai uống rồi, bây giờ mời mọi người ăn đã.
          - Chà, thứ tiết canh này ngon thật, mát từ mồm đến ruột, mát từ ruột ra mồm!
          - Để thanh niên rót rượu. Đâu cần thanh niên có!
          Hợm nói và đứng dậy làm nhiệm vụ.
          - Chà, món lòng dồi này cũng tuyệt làm sao!
          Hào bí thư chi bộ 4 tay cầm củ hành đưa vào miệng nhai sồn sột nức nở khen.
          - Tiết canh, lòng lợn nhà mụ Hương Thành này ngon thật. Tôi tính cánh mình mỗi tháng nên tổ chức đôi lần nhỉ?
          - Ông lấy giấy chùi cái mồm ông đi. Ăn tiết canh vương ra mép nom ghê quá!
          - Ông chỉ giỏi tưởng tượng? Ông lạ thật đấy!
          - Ông Hào vừa nãy mới khen hàng chứ chưa khen em Hương Thành nhỉ?
          Hào cười ranh mãnh chỉ tay về phía Hội nói:
          - Tôi nghĩ để ông Hội khen mới phải. Ông Hội có tài khen phụ nữ đấy.
          Hội nghe Hào chọc mình nhưng chưa trả lời mà đứng dậy hô mọi người nâng chén đợt tiếp theo:
          - Uống! Chú Hợm rót tiếp!
          - Có em!
          - Uống! Chú Hợm rót tiếp!
          Hội nhìn thấy rượu trong can sắp hết nói:
          - Trong tủ tài liệu của tôi còn một can nữa.
          - Đồng chí phó công an xã trả lời tôi đi chứ?
          Hội nghiêm mặt nói:
          - Đã bảo không phải là cuộc họp thì đồng chí đồng chí cái gì? Cứ ông tôi mà nói cho thoải mái.
          - Phạt cho ông Hào một chén?
          - Phạt!
          - Chú Hợm đâu rót tiếp?
          Đợi Hào uống hết chén rượu phạt, Hội nói:
          - Ông Hào vừa nãy bảo tôi có tài khen phụ nữ. Đúng! Khen phải có cách chứ lơ tơ mơ, sờ mờ lờ vợ nó, thằng chồng đồ tể cầm dao bầu đến chọc tiết mình ngay đấy, đừng có đùa!
          - Ồ, ông Tuấn làm sao thế này các vị ơi? Chắc lại bị cảm rồi!
          Tuấn lờ đờ mắt, ngả người dựa vào ghế, người mềm ra. Tuấn thều thào nói:
          - Tôi bị cảm rồi. Sáng nay tôi đi ngoài trời nhiều quá, ai có dầu gió cho tôi mượn?
          - Có đây, ông cầm lấy cả lọ mà dùng. Có ai đưa ông Tuấn về nhà đi?
          - Ông Giang đưa ông Tuấn về rồi ra ngay nhé!
          Tuấn vịn vào vai Giang chậm chạp đứng dậy. Giang đỡ Tuấn ra chỗ lấy xe.
          Tuấn nói;
          - Tôi thấy đỡ nhiều rồi, tôi về một mình được. Ông vào với họ đi.
          - Tôi cùng về với anh xong tôi ở nhà luôn. Thú thật tôi không thích nhậu nhẹt kiểu này. Ông Hội chủ trì và bỏ tiền túi ra chiêu đãi, sắp đại hội rồi. Ông Hội lại giở trò kéo bè, kéo đảng đấy. Về nhà tôi sẽ gọi điện cho ông  Hội cáo lý do không đến.
          - Ông cáo lý do gì nói thử tôi nghe?
          - Đại để đau bụng đi ngoài do chén phải tiết canh có ruồi chẳng hạn?
          - Ờ, lý do ấy được đấy.
          Mươi mười lăm phút không thấy ông Giang quay trở lại, Hải bí thư chi bộ 3 nói:
          - Ông Giang chắc lại “Lặn” rồi?
          - Điện thoại của ai đổ chuông đấy?
          - Suỵt! Để ông Hội nghe điện.
          Hội lấy điện thoại trong túi ra nghe rồi nói:
          - Biết ngay mà, lão này bị “Tào tháo” đuổi rồi? Lão này bụng dạ kém thật! Nào, anh em uống đi! Chén đi! Chú Hợm rót rượu ra! Cho tay Giang nghỉ!
          Lần này Hợm không dùng ca mà bê cả can rót. Vừa rót Hợm vừa đọc thơ: “Anh rót cả biển vào can… Với anh biển chỉ là biển cạn…”
          - Cán bộ đoàn sáng tác thơ hay đáo để? Đến biển cả mênh mông cũng chỉ là biển cạn. Thật là khí phách! Tôi đề nghị mọi người cho một tràng pháo tay tỏ lòng thán phục thi sỹ.
          Hội dứt lời thì cả đám người, mười hai cánh tay vỗ vào nhau rầm rập.
          - Chú Hợm phấn khởi nhé? Thơ hay mà không có người lăng xê, quảng bá thì cũng chỉ là áo gấm đi đêm?
          Hợm tự mãn đến phổng phao cả mũi, cố hạ giọng:
          - Em chỉ là con kiến, cái ong. Gọi là có chút năng khiếu thơ ca, chứ các bậc trưởng lão ngồi đây mới là cây đa, cây đề.
          Hội cười nhìn Hợm bằng ánh mắt ranh mãnh rồi nói:
          - Biết mình là ai thế là tốt. Chú Hợm rót rượu đi. Tất cả nâng chén uống cho “Cạn biển” mới thôi. Chiều nay không làm việc, anh em cứ đánh chén, cứ uống cho tăng nhiệt huyết để còn vào việc lớn!
          Từng ấy cái chén đầy rượu lại được nâng cao trước mặt rồi dốc cạn. Tiếng “Cạch” của chén đặt xuống bàn nghe đều tăm tắp.
          - Tiếp tục! Để em rót!
          Cái can trên tay Hợm giờ đã chổng cả “Đít” lên trời, nom trong suốt, rỗng tuếch.
          - Dô! Dô! Dô!
          - Đưa can đây để tôi lấy can nữa? Tổ cha tay Kết, học thằng nào trong tù giờ về nấu rượu ngon thế?
          - Đến chiều! Giờ còn vào việc đã! Các chiến hữu giỏi lắm! Uống rượu như sáo tắm mà cứ như không. Trong tủ tôi còn một can nữa nhưng không phải cho bây giờ. Để giành nó khi xong việc.
          - Đúng đấy! Đồng chí Hội vào công việc đi!
          Hà phó bí thư chi bộ 4 nói.
          Nghe Hà gọi mình là đồng chí, Hội đứng dậy nói:
          - Cha Hà này óc lợn thật! Đã nói từ đầu, đây không phải hội họp đồng chí cái gì? Cứ ông, tôi mà gọi. Các vị biết đấy: Cả nhiệm kỳ vừa qua bộ mặt xã ta chưa có gì khởi sắc. Cái nghèo vẫn nghèo. Kinh tế các hộ chưa bứt phá lên được, vẫn kiểu làm ăn manh mún, nhỏ bé. Vẫn bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tất cả trông vào mấy sào đất trồng lúa, trồng ngô, trông vào mấy đầu lợn, dăm bảy con gà, con vịt, năm nay thiên tai mưa lũ, dịch bệnh lấy đi hết cả. Những lao động chính trong nhà rủ nhau ra thành phố làm thuê. Cứ thế này mà diễn quả thực là gay! Dân hỏi cán bộ cách làm kinh tế mới cán bộ gãi đầu, gãi tai, bối rối không trả lời được. Bởi chính họ cũng đang gặp khó khăn chưa thoát được ra. Ông bí thư đảng ủy xã có con lao động ở nước ngoài gửi tiền về xây nhà, tậu xe máy chạy ngày ba bốn lượt ra trụ sở làm việc. Có mấy khi thấy vị này xuống các làng gặp gỡ trao đổi với dân đâu. Vị giữ một khoảng cách xa dân để oai. Ở hội nghị vừa rồi bí thư còn dõng dạc nói những lời giáo điều. “Mọi người phải suy nghĩ, chịu suy nghĩ, làm thế nào để làm giàu cho gia đình, cho quê hương”. Nói thì đúng, nghe sướng cái lỗ tai. Về nhà nằm nghĩ mãi chẳng biết làm cái gì. Thế mới bỏ mẹ!
          Khi Hội dừng lời, Hào bí thư chi bộ 4 nói:
          - Tôi đồng ý với nhận xét của ông Hội. Tôi có thêm nhận định này. Cán bộ xã mình chỉ ham nói. Vị nào nói cũng hay, cũng đúng cả. Họ lý luận ghê lắm, đến nỗi nói nhiều hơn làm. Thế mới lạ chứ? Không phải bây giờ mà từ những khóa trước đã vậy. Hình như đây là đặc điểm riêng của cán bộ xã mình?
          Hào bí thư chi bộ 4 nói xong, Bảo bí thư chi bộ 3 tiếp lời:
          - Bệnh nói nhiều, lý luận nhiều đâu phải mỗi cán bộ xã ta. Xã khác họ cũng vậy. Mà suy rộng ra cả tỉnh nó vậy.
          Đức bí thư chi bộ 2 cười ầm lên rồi nói:
          - Ông Bảo nói thế có quá không? Tôi nghĩ đâu phải ai cũng thế!
          - Còn quá gì nữa! Phong trào giữ vệ sinh môi trường ở xã này nói mãi có làm được đâu? Rác vất bừa bãi, chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn ngập phân. Các vị thừa biết mỗi khi mưa to đường đi trong làng thứ nước vàng vàng, hôi thối, chẳng chảy ra tràn đường đi lối lại đấy à? Đấy là còn chưa nói cái tệ một số gia đình để trẻ con ngồi ỉa ven đường đi mỗi sáng. Phản cảm lắm! Xin lỗi các vị tôi nói thế các vị xơi mất cả ngon, nhưng không nói không được!
          - Tất cả cũng chỉ vì lo làm kinh tế, kiếm cái bỏ vào mồm, kiếm cái tích lũy nên quen rồi với lối sống mất vệ sinh.
          - Chỉ có ở xã ta nó mới thế! Các xã bên do họ biết làm kinh tế nên nhà nào cũng khá giả. Toàn nhà xây cả. Nhiều nhà cao ba bốn tầng. Họ phát triển kinh tế gia đình giỏi thật. Nhà chuyên cây cảnh, nhà chuyên may áo rét, nhà sản xuất hàng mỹ nghệ sập gụ, tủ chè, bàn ghế, tượng phật. Không khí sản xuất, mua bán sầm uất cả ngày lẫn đêm. Họ còn thuê lao động xã ta sang làm cho họ. Họ biến dân xã ta thành “Da đen” sai bảo… Nghĩ nhục quá!
Hội nghe không bỏ sót lời phát ra của người nào: “Thế là đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.” Hội nghĩ vậy rồi đứng dậy thâu tóm nội dung và nói như kết luận:
          - Tôi thấy các vị nói như vậy là khá đầy đủ. Tuy nhiên chúng ta cũng không được phủ nhận những ưu điểm của đảng ủy khóa này. Đó là sự đoàn kết trong nội bộ, là tính thống nhất cao trong một tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Còn những hạn chế không đưa kinh tế tập thể, kinh tế gia đình phát triển lên được là do năng lực có hạn chứ không phải không làm. Một điều quan trọng nữa là do cơ chế chung đã trói tay khóa chân mọi người lại. Dân xã ta nghèo, cán bộ xã ta nghèo còn là điều may. Dân nghèo mà cán bộ giàu thì mới lắm chuyện…
          Hội nói chưa hết nhưng cố tình dừng lại để khêu ngòi người khác. Đúng thế khi Hội không nói nữa thì Đức bí thư chi bộ 2 phản ứng ngay:
          - Nói như ông Hội thì những cán bộ giàu sang hơn cả địa chủ, đại địa chủ thời xưa là có vấn đề à? Là tham ô, tham nhũng à? Cơ chế trói tay khóa chân lại để con voi lọt qua lỗ kim à?
          Bảo, bí thư chi bộ 3 cười to, nhe cả bộ răng cửa vàng ám khói trà thuốc nói:
          - Lắm “À” thế! Cơ chế này cứ đồng lương đào đâu ra? Cơ chế cứng với cơ chế mềm. Chỉ tổ đẻ ra quái thai tham nhũng!
          - Nói như ông thì có nghĩa là làm giàu chính đáng khó lắm phải không?
          - Đúng vậy! Rất khó! Nhưng không có nghĩa là không làm được!
          Hà, bí thư chi bộ 1 nói bằng giọng điệu:
          - Tôi cộng mấy cái mồm các ông vừa nói lại với nhau vẫn không ra một cái mồm? Các ông vừa nói đều đúng cả nhưng chưa đủ. Thế mới biết cái gì giản dị đều dễ hiểu, ai cũng biết. Còn cái phức tạp hóa, rối rắm hóa đều mập mờ, gian lận. Đến khó như toán, lý, hóa toàn công thức người ta còn hiểu được. Đằng này văn bản giấy tờ bằng chữ bằng văn mà phải đợi văn bản khác hướng dẫn. Chữ Việt chứ chữ nước ngoài đâu mà đọc không hiểu?
          Không đợi Hà nói xong, Hợm đứng dậy ngắt lời:
          - Có rắc rối, có mập mờ mới gian lận được. Cánh làm luật học hành kiểu gì mà soạn thảo thế? Kẻ giàu bất chính vì biết lạng lách, đánh võng pháp luật. Kẻ không biết lạng lách, đánh võng nên nghèo “Bất chính”. Kêu ai?
          Hội thấy Hợm nói nghe lạ tai nhưng ấn tượng bèn vỗ tay tán thưởng.
Hà, bí thư chi bộ 1 thấy nội dung mỗi lúc một xa thực tiễn ở địa phương, khật khừ nói:
          - Các ông đi quá xa địa phương mình rồi! Ọe! Nói chủ đề xã mình thôi. Ợ… Tôi thấy dân họ cũng tỏ ra chán anh em mình lắm. Mấy hạng mục công trình làm được trong nhiệm kỳ xuống cấp ghê quá! Trường học, trạm y tế lún nứt lung tung, vôi ve mốc loang lổ, bàn ghế giáo viên học sinh cong vênh, nẻ nứt. Mấy chục chiếc quạt trần treo ở các phòng học, phòng làm việc sập xệ cánh, cọt kẹt quay, giờ thì hỏng hết. Ngay đến bộ âm ly loa đài mới mua, to xác đắt tiền dùng vài lần cũng hỏng. Rồi đường liên thôn đấu thầu cũng có chuyện quân xanh, quân đỏ. Cái trạm điện treo công suất ba trăm hai mươi ca vê a ngót nghét một tỷ đồng huyện cho xã cũng quân xanh, quân đỏ. Tôi chẳng hiểu còn ra thể thống gì nữa? Dân họ chán cán bộ mình lắm rồi, họ chán không thèm nói.
          - Thể thống cái gì? Trên ăn, dưới ăn, đẩy giá lên, vật tư, thiết bị chất lượng thấp, đồ rởm nên mới thế. Thể thống đấy!
          - Ngay từ đầu sao không kiểm tra để đến khi hư hỏng mới nói, mới kêu? Đúng là mất bò mới lo làm chuồng. Ban nghiệm thu, thanh tra đâu?
          - Nếu làm như ông nói thì gặm xương à? Ông chưa được nghe câu hát: “Thanh tra thanh mẹ thanh gì. Cứ có phong bì là nó thanh kiu” ư?
          - Tôi thấy báo chí nói, lãnh đạo các cấp nói: “Một số không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa” số không ít ấy là bao nhiều? Tôi đếch biết là bao nhiêu? Thế mới ác chứ! Ngay ở địa phương nhiều người biết “Một số không ít” là nhân vật Trọng Thủy từ thời Mỵ Nương giờ xuất hiện trong chính giới xã, huyện, tỉnh nhà mà cũng đếch làm gì được. Chắc chỉ đợi khi nào lịch sử lặp lại, vua cha chém con gái mới hay. Bọn xấu này có vỏ bọc tinh vi lắm! Ngay chính mình trong máu cũng có vi rút tham ô tham nhũng chẳng qua không có điều kiện nên không tham đượcthôi. Vấn đề ở đây là do cơ chế, pháp luật không đủ sức răn đe. Nếu đầy đủ vía cũng không dám!
          - Thôi đi các ông. Các ông đi quá xa rồi! Các ông trở lại chuyện xã nhà cho tôi được nhờ.
          Hội lầm lì nét mặt, hai bàn tay tì xuống bàn nói:
          - Các vị nói từ nãy đến giờ quá đủ để chúng ta hiểu chuyện gần, chuyện xa có nội dung như nhau cả. Các vị có biết chữ ký quyết định là của ai không? Phó phòng hay trưởng phòng? Phó chủ tịch hay chủ tịch? Phó bí thư hay bí thư? Hợm đâu? Hầm hừ… hậm hừ… cho anh chén rượu!… Tay trưởng quyết định hết! Tay trưởng nó quyết hết! Phó chỉ ký những thứ vớ vỉn bởi thế nhân sự cho đại hội tới này, tôi và các vị cứ nhè đầu thằng trưởng mà gạch. Gạch xóa luôn cả cánh có tên là vần T… Tờ ê tê… Tôi tổng kết thế các vị thấy đúng chưa?
          - Ông Hội tóm tắt như vậy là chính xác. Mọi người thống nhất thì giơ tay xem nào?
          Hà, bí thư chi bộ 1 nói xong vừa giơ tay vừa nhìn đếm các cánh tay khác.
          - Một trăm phần trăm! Trăm phần trăm!
          Hợm nói nhanh như máy rồi mở cửa lẻn ra ngoài đến gốc cây đái bậy. Hợm nhìn thấy Kết từ phía cửa sổ sau nhà tay cầm cuốc phăm phăm đi ngược lên đỉnh đồi. Hợm chạy theo được một đoạn thì dừng lại. Đầu Hợm chợt nghĩ: “Mình giơ tay biểu quyết thế là dại. Hay nhất là cứ để cánh cũ họ làm. Dẫu gì họ cũng ăn no rồi. Tay nào no nê mà còn tham thì chết! Giờ bầu cho cánh mới toàn đứa đói, lại tham, còn chết hơn!”


       XXIV

          Dũng nhận được tin nhắn của Du mời về, Dũng biết là công việc của Du đã được triển khai nhiều nên Du mới cần Dũng có mặt để tư vấn phòng khi làm rồi khỏi mất công, mất sức, mất tiền sửa lại. Dũng gọi người giúp việc đến bảo:
          - Cháu xuống nói với ba cô lên phòng khách chú có việc.
Đứa giúp việc nghe xong đi ngay. Đào đang sửa soạn ra phố thì đứa giúp việc vào nói:
          - Cô ơi, chú Dũng mời ba cô lên ngay phòng khách!
          - Ờ, cháu ra ngoài đi.
          Đào gọi điện thoại cho Dũng:
          - Anh Dũng à, có việc gì cần thiết mà gọi cả nhà thế? Dì Mơ, Dì Mận đưa các con đi xem xiếc rồi!
          - Thế mình em cũng được!
          Đào vịn tay cầu thang lên phòng khách. Cái bệnh khớp thấp, khớp cao cứ trở giời lại hành hạ Đào.
          Trong phòng khách Dũng hé cửa ngồi hút thuốc.
          - Anh chuẩn bị đi đâu mà hành lý thế này?
          - Du nhắn tin mời mình về.
          - Chắc công việc của anh Du cũng ngổn ngang. Có vậy anh Du mới muốn anh về tham gia, góp ý! Em biết anh Du và anh có mối quan hệ sâu sắc đặc biệt từ thời học sinh. Anh Du còn là ân nhân của anh nữa. Anh đừng bao giờ để những thứ tầm thường làm tổn hại. tan vỡ nó. Thứ tầm thường thường là tiền bạc, lòng tham và sự hãnh diện. Những thứ này hay dẫn người ta đến sự vong ơn bội nghĩa lắm.
          Dũng tròn xoe mắt nghe vợ nói. Khi Đào nói xong Dũng nói:
          - Đào à, em nói cứ như nhà hiền triết. Anh đánh giá cao những gì em đã làm đấy. Ngày mai anh với Đào về quê Du nhé?
          - Em đồng ý! Việc trả ân trả nghĩa anh Du là việc của cả gia đình chứ đâu chỉ riêng anh. Bây giờ để em ra phố mua thứ gì đó làm quà cho vợ anh Du và bọn trẻ.
          Đào gỡ nhẹ tay Dũng bước xuống cầu thang.
          Dũng nhìn sâu hun hút theo Đào. Dũng nghĩ: “Người phụ này quả thật có tầm nhìn xa trông rộng” Dũng ngả người xuống ghế hút thuốc. Dũng nhớ lại câu nói của Du trong buổi nói chuyện: “Gia đình cậu cứ như cuốn tiểu thuyết có hậu”. Đúng! Dũng nghĩ miên man về những năm tháng đã qua: “Mới thế mà đã hai chục năm qua đi, thời gian định hình bao số phận. Những đứa bạn cùng trang lứa khối đứa đến giờ còn khổ. Một gia đình nhỏ hai vợ chồng có một hoặc hai đứa con, thu nhập mỗi tháng vẻn vẹn từ ba đến bốn triệu đồng giữa thời bão giá làm sao chẳng khổ. Cái nghèo khó làm thui chột đi phẩm hạnh, lời ăn, tiếng nói. Làm tan vỡ, bay biến những ước mơ chính đáng của một thời. Nó để lại là cái nhìn vô hồn, an phận, không lối thoát hằn trên khuôn mặt người, là câu nói khô khốc, rời rạc, lãnh đạm trên bờ môi”. Dũng hé thêm cửa sổ cho khói thuốc bay ra ngoài. Với Dũng dấu mốc cuộc đời là ngày từ bỏ cái nhà máy cơ khí để về quê. Đấy cũng là một ngày cuối năm trong buổi tổng kết hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp Dũng làm việc. Hôm đó Dũng chính thức nghe rõ câu nói xanh rờn từ miệng vị tổng giám đốc phát oang oang ra các loa trong hội trường: “Các vị phải tự mình biết ở công ty này chỉ duy nhất mình tôi là chủ. Các vị chỉ là người làm thuê cho tôi!” Thế đấy, họ đã biến quyền làm chủ tập thể của mọi người thành của riêng họ. Cả trăm con người vừa là đại biểu chính thức của hội nghị, là đại biểu khách mời cấp trên xuống dự ngồi im. Sau buổi ấy, Dũng lao đơn thôi việc dù Dũng có yêu nhà máy đến mấy, nơi Dũng đã tổn hao nhiều công sức. Hình ảnh vị tổng giám đốc mặt sáng như gương tàu, nom như phật ấy thế mà phát biểu thô bạo. Nó thô bạo như việc ông ta thay thế cấp dưới bằng đủ cách để mưu lợi. Có làm thế ông ta mới có cái khối tài sản cả ngàn cây vàng. Sự tồn tại vững chãi của những con người thế này, thậm trí còn thăng tiến nữa đã bóp méo, làm biến tướng chủ trương đường lối, mất đi lòng tin của mọi người. Dũng lặng im hút thuốc.
          Hôm nhận đơn thôi việc của Dũng, tay trưởng phòng tổ chức văn hóa có lớp tám giương mục kỉnh hỏi: “Lý do gì xin thôi việc?”. “Ông không đọc đơn của tôi à?”. Bữa ấy Dũng cũng ngang thật. Trưởng phòng tổ chức sa sầm mặt nói: “Chắc lại gia cảnh phải không? Thôi về đi, mai lấy quyết định”
Hôm nhận quyết định thôi việc, Dũng nhẹ cả người. Thế là chấm dứt những năm tháng sai lầm đầu đời. Trên đường từ nhà máy về, Dũng gặp nhiều bạn bè. Những cái bắt tay, những mắt nhìn ngấn lệ, những nụ cười miễn cưỡng, khô héo. Hành trang của Dũng chứa gọn trong cái va li có dung tích hai mươi phân khối. Dũng kéo nó chạy lọc cọc trên đường, những đồ dùng cồng kềnh như cái tủ gỗ thông đựng quần áo, chiếc xe đạp cũ của Nhật, Dũng để lại cho bạn ở cùng phòng sử dụng. Gia tài sau năm năm làm việc quần quật chỉ có thế. Đổi lại Dũng có cái nhìn góc cạnh hơn, bản chất hơn.
          Ở quê, bố mẹ Dũng có cửa hàng khá lớn bán rượu thịt chó. Cửa hàng nhà Dũng có từ thời các cụ. Ngày trước nơi đây là cái chợ trung chuyển chuyên bán gia súc do các thương lái mua tận mạn ngược về buôn bán. Chính vì buôn đi bán lại nên đồng tiền các thương lái kiếm được cũng dễ dãi. Họ sẵn sàng bỏ tiền để ăn uống vài ngày ở nhà Dũng, ngủ dăm tối ở các quán xá lân cận có các gái quê chính hiệu xoa bóp, đấm lưng phục vụ. Thời ấy nhà Dũng đã giàu lắm. Mươi năm sau cái chợ bị giải tán để xây dựng bến xe khách liên tỉnh. Thương lái gia súc đi thì các kiểu buôn bán khác xuất hiện. Người xe tấp nập từ sáng đến chiều tối. Ngày Dũng thoát ly, bố mẹ Dũng cản không được. Dũng nhớ mãi lời bố nói: “Tuổi trẻ thường bồng bột, chỉ nhìn thấy màu hồng, chưa nhìn thấy những góc tối, những màu xám. Rồi con sẽ nhận thức ra con chỉ là người làm thuê, nhận đồng lương từ người khác. Con đừng mơ làm giàu. Phi thương bất phú con ạ. Nhà mình ba đời buôn bán, lúc nào cũng sôi động, tiền mẹ đẻ tiền con, tiền con sinh tiền cháu…”
          Hôm Dũng xách va ly về nhà, bố mẹ Dũng ngồi trong phòng khách không xuống đón. Dũng đẩy chiếc va ly vào góc nhà rồi lên tầng chào bố mẹ. Khi ấy bố Dũng nghiêm lắm, nụ cười của ông cũng nghiêm, ông nói: “Bố tưởng anh không về? Anh về để giúp bố mẹ hay còn lý do gì khác?” Nghe bố nói Dũng không trả lời, Dũng hỏi mẹ: “Mấy người kia mẹ mới thuê thêm à?” Mẹ Dũng nói: “Dạo này đắt hàng, đông khách, thiếu người làm, bố mẹ phải thuê họ”. Nghe mẹ nói “Thuê” người làm, Dũng chạnh lòng. Mẹ Dũng chợt thấy Dũng thoáng buồn, bà nói: “Con đi đường mệt giờ xuống tắm cho tỉnh táo. Tắm xong con xuống phòng ăn, ăn tạm cái gì cho đỡ đói.” Nói xong mẹ Dũng nhấc điện thoại gọi cho phục vụ. Câu nói, việc làm của mẹ làm Dũng chạnh lòng là phải. Bởi mới hôm qua Dũng còn là kẻ làm thuê. Còn giờ Dũng đã là cậu chủ. Dũng thư thả bước xuống tầng. Người đàn ông phụ việc có lẽ cũng bằng tuổi bố Dũng trông thấy Dũng hỏi: “Cậu mới về à? Cậu về thế là phải. Bố mẹ cậu cũng yếu rồi. Tôi nói thật với cậu cái nhà hàng này hái ra tiền đấy. Tôi nói cậu đừng tự ái, vinh dự gì cái anh công nhân hết tháng hết tiền. Tôi là người làm thuê cho bố mẹ cậu chắc chắn thu nhập mỗi tháng của tôi cao hơn lương cậu! Đấy là chưa tính ngày ăn ba bữa cơm thịt, cơm rượu, tối về ngủ nhà mình. Tháng ba triệu cất hết vào két… hà hà… Tôi đi làm đây. Hai cái lồng chó nhốt hai chục con từ giờ đến tối tôi phải cho chúng về chầu trời hết! Thời bao cấp tôi từng là công nhân như cậu. Ngày ấy nó khác thời nay. Thời ấy mọi người đều làm chủ, đều làm việc với tinh thần tự giác để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời nay làm việc vì tiền, lao động trở thành hàng hóa, mặc cả, cò kè như ngoài chợ. Quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội mờ nhạt dần rồi biến mất! Thay thế nó là lợi nhuận, là tiền, là tiền… Người lao động thấy mình là người làm thuê, mất đi vai trò làm chủ. Vai trò làm chủ thuộc về một người và được một số ít người mưu lợi phụ họa theo.”
          Người giúp việc luống tuổi làm nghề sát thủ chó miệng nói “Tôi đi làm đây” nhưng hai chân không bước nổi vì còn dở dang câu chuyện. Ông ta nói tiếp: “Nếu cậu Dũng là đảng viên thì cho tôi xin lỗi nhé, mười năm trước tôi đã nhìn thấy nỗi tệ hại, dơ bẩn này, tôi đã bỏ việc về làm phó thường dân. Ngày ấy tôi nằm trong diện quy hoạch phát triển cán bộ, mấy cậu bạn tôi đều nhận quyết định bổ nhiệm trưởng phòng, chỉ riêng tôi không có quyết định. Tôi chờ một tháng, một quý, rồi nửa năm qua đi vẫn không thấy gì. Có người nói nhỏ với tôi: “Ông không có” Cây”, có” Chỉ” thì đừng mơ!” Thế đấy, cả cây vàng tôi đào đâu ra để lo lót. Tôi chủ động gặp giám đốc và tế nhị hỏi: “Sao anh chưa ký quyết định cho tôi?” Vị giám đốc ậm ừ trả lời: “Ờ, việc của cậu phải cần một thời gian nữa. Cậu chưa được chín chắn lắm.” Cậu Dũng thấy ghê chưa? Tôi vờ vô tình vặn lại giám đốc: “Anh thấy tôi chưa chín chắn ở chỗ nào, anh chỉ bảo?” Vị giám đốc đủng đỉnh trả lời: “Anh là người chậm hiểu biết, thiếu nhậy cảm trong công việc, anh không làm trưởng phòng được. Việc của anh sao anh lại hỏi tôi?” Nói xong vị giám đốc ra mở cửa đuổi khéo tôi về.
          Lần ấy nghe xong chuyện, Dũng hỏi: “Bận ấy chú chửi những gì vào mặt tay giám đốc?” Dũng liền bị ông ta mắng: “Cậu ngây ngô quá! Tôi có chửi thẳng vào mặt gã bao nhiêu, nhổ nước bọt vào mặt gã hay khinh bỉ gã bao nhiêu thì cũng bằng không. Gã có thượng cấp đỡ đầu, bảo vệ. Cuộc đời đen đỏ, thế mới nghịch cảnh! Ngày tôi về làm phó thường dân cũng là ngày gã được đề bạt chức vụ cao hơn.” Ông lắc lắc đầu và cười. Cái lắc đầu và tiếng cười khục khục trong họng của ông như kẻ chơi cờ bị thua bởi các nước đi gian lận của địch thủ. Ông đến bên lồng chó nói: “Khuyển mã chí tình còn vào rọ! Sư mày! Con nào nhe răng dữ tợn tao cho chầu trời trước! Con nào lạnh lùng, lãnh cảm chầu trời sau! Con nào sợ hãi cụp đuôi chầu trời cuối! Con mực này còn non quá sao lại ở đây? Tao tha cho mày để mày lớn mà trông nhà. Số mày còn may đấy, suýt nữa thì toi mạng.” Ông ta nói xong liền đi kiếm cái xích, xích cổ con mực lại rồi buộc ra cột nhà và kêu người lấy cơm cho nó. Con mực bị nhốt bỏ đói trong lồng sắt hai ba ngày giờ được ăn, nó ăn hùng hục như chưa bao giờ được ăn. Ăn xong con mực lăn ra ngủ. Trong giấc ngủ nó mơ về nhà nên cứ kêu ư ử, cái đuôi ngoáy ngoáy.
          Một tối bố mẹ cho người gọi Dũng lên nói chuyện. Khi bước chân vào phòng Dũng thấy cả ông già giúp việc ngồi ở đấy. Bố bảo Dũng ngồi xuống ghế rồi tự ông rót nước cho Dũng. Dũng thấy hiện tượng lạ ở bố, bởi từ trước đến giờ ông chưa bao giờ làm vậy. Ông nói: “Anh có biết bố mẹ gọi anh có việc gì không?” Dũng trả lời “Không ạ” “Anh còn định vô tư đến bao giờ nữa? Cách đây năm năm anh đã không nghe lời bố mẹ thoát ly gia đình để đến với cái công việc không phù hợp với anh. Hơn bốn năm anh hao mòn sức khỏe, trí lực, phong cách và cả tuổi trẻ của anh nữa. Giờ anh đã về, bố mẹ biết anh đã nhận thức ra.”
          Mẹ Dũng thấy bố Dũng nói như quở trách Dũng nên bà nói chen vào” Con nó khôn ra rồi, ông đừng nói dài dòng văn tự nữa. Ông đi thẳng vào chủ đề đi?”.
          Bố Dũng trách mẹ Dũng” Bà cứ để yên tôi nói. Bên nội nhà mình mấy đời kinh doanh. Nhà hàng này do các bậc tiền nhân để lại. Tôi với bà mấy chục năm nay duy trì và phát triển nó. Giờ tôi và bà yếu rồi chẳng lẽ lại đóng cửa? Tội lớn với tiền nhân. Dũng nghe xong cười nói: “Ông nội có mình bố là trai. Giờ bố có mình con là trai, con sẽ thay bố làm việc đó. Bố mẹ cứ an tâm, nhà hàng mình sẽ tiếp tục phát triển.” Khi Dũng nói xong, ông già giúp việc nói “Đúng là hổ phụ sinh hổ tử”. Bố Dũng gật đầu nói: “Thế là được một việc! Còn việc nữa? Anh đã có bạn gái chưa? Anh định bao giờ mới lấy vợ?” Nghe bố hỏi chuyện vợ con Dũng vờ nói: “Ở môi trường chỉ có đất với than, đồng lương còm cõi nuôi miệng còn chẳng xong thì yêu đương, vợ con cái gì?” Dũng nói thế muốn thể hiện mình sâu sắc, chín chắn, nghiêm túc nhưng bị bố bẻ lại: “Anh nói thế không sợ ngượng với đồng nghiệp cũ của anh à? Bao người họ có chồng, có vợ, có con, có gia đình đấy thôi?” Dũng nói: “Nhưng họ sống chật vật, vất vả lắm!”. “Tôi không nói điều ấy, nhưng điều anh nói là đúng. Thôi được, thế bây giờ anh tính sao?” “Con đã có người yêu đâu mà tính với toán?”. “Anh nghe bố nói: Chú Hùng đây phụ việc bố đã mấy năm nay. Nhà chú ở cuối huyện, cách nhà ta khoảng mười cây số. Những lần trước anh về nhà có lần gặp, lần không. Kỳ này anh về hẳn chắc có điều kiện được hầu chuyện chú Hùng. Chú Hùng cho tôi nói tiếp: Chú Hùng con gái cũng đã lớn. Tôi muốn hai gia đình được thông gia với nhau. Hôm nay chú cho tôi có lời để cho các cháu được phép tìm hiểu nhau!”. “Các cháu lớn rồi. Em đồng ý.” Chuyện nghiêm chỉnh của bậc cha mẹ buộc Dũng phải nói thật: “Bố và chú Hùng cho con xin lỗi. Con đã có người yêu rồi! Con không thể làm theo ý nguyện của bố và chú được!” Nghe Dũng nói vậy bố Dũng thở dài thườn thượt. Người đàn ông già giúp việc cũng im lặng nhìn ra chỗ khác. Tối hôm ấybữa rượu không khí thật buồn. Bố Dũng nói: “Có lẽ tôi với chú không có phúc được thông gia với nhau. Chuyện vợ chồng có số cả. Cái mà mình thích, mình mong nhiều khi không được.”. “Chuyện đời đấy mà, thôi cũng chẳng sao! Tôi cũng nghĩ như ông, số phận cả!” Dũng nhìn hai bậc cao niên nâng chén. Hai người vừa uống rượu vừa bàn chuyện làm ăn. Dũng thấy thương bố mẹ và người giúp việc nhà. Giá như chuyện này suôn sẻ thì hai gia đình đâu thất vọng? Hạnh phúc sẽ nhân đôi, bữa cơm rượu tối nay sẽ trở thành đặc biệt. Dũng đâu phải khó nói, phải thể hiện rõ mình. Khi bữa cơm tối xong, người giúp việc già lặng lẽ ra góc sân chuẩn bị xe máy để về. Những ngày trước đây Dũng biết bố không bao giờ ra tiễn ông. Hôm nay là trường hợp khác. Bố Dũng quẩn quanh bên ông. Thấy vậy Dũng không ra không được. Dũng chạy lại quầy lựa một gói bánh to của nước ngoài sản xuất rồi đến bên ông nói: “Chú Hùng cho con gửi cho các em bên nhà gói bánh.”. “Ờ… ờ chú cảm ơn! Bữa nào có điều kiện thì cậu Dũng cho bạn gái về đây chơi? Chú nghĩ bạn gái của cậu Dũng chắc chắn là xinh đẹp, giỏi giang đấy!” Dũng cười và nhận lời. Dũng nói câu vớt vát “Bạn gái cháu có lẽ không xinh đẹp, giỏi giang, đảm đang như con gái chú đâu?” Người giúp việc cười to rồi ngồi lên xe nổ máy. Dũng cúi đầu chào. Chiếc xe lẩn vào bóng tối. Đèn xe bật sáng để lại vệt ánh sáng dài. Hai bố con Dũng lặng lẽ bước vào nhà. “Bố có uống trà để con pha?”. “Ừ. Anh làm ấm mới đi. Hai bố con vẫn còn chuyện để nói đấy?” Dũng cầm ấm ra gốc cây đổ bỏ bã chè và nghĩ “Lại có chuyện gì nữa đây? Chắc là bố chưa hẳn tin những điều mình nói”. Trong lúc đợi trà ngấm Dũng chủ động hỏi bố “Bố còn chuyện gì muốn nói con nghe đây?” “Bạn gái con, vừa nãy con nói với bố mẹ thì quê nó ở đâu?” Nghe bố hỏi vậy mẹ Dũng đang gấp quần áo cũng bỏ việc ra để nghe. Bà nói “Bữa nào rảnh con đón bạn gái của con về nhà chơi cho bố mẹ biết mặt con dâu tương lai?” Nghe bố mẹ hỏi Dũng chưa trả lời ngay, Dũng rót trà mời bố mẹ rồi mới chậm dãi nói: “Vừa rồi con nói đã có người yêu với bố mẹ và chú Hùng là để cho qua chuyện thôi. Bố mẹ biết đấy: Thằng thanh niên như con, thoát ly gia đình ra xã hội làm việc, mỗi tháng kiếm được hai triệu đồng tiền lương nuôi mình chưa đủ, thình thoảng còn phải ngửa tay xin thêm bố mẹ tiền, thì mặt mũi nào dám yêu một người con gái. Với con đó là một sự sỉ nhục. Yêu người ta rồi làm khổ người ta. Con đã thề với chính mình chỉ khi nào con kiếm ra nhiều tiền, khi đó mới nói chuyện yêu đương, chuyện vợ con. Con đã khổ rồi thì đừng làm khổ thêm người khác. Con nói thế không có nghĩa là ích kỷ. Với con chỉ có sự hãnh diện, ngẩng cao đầu chứ không có chuyện thấp hèn, cúi mặt.”
          Bố mẹ Dũng ngồi nghe Dũng tâm sự có phần cảm kích. Mẹ Dũng sụt sịt khóc. Dũng không hiểu mẹ khóc vì thương Dũng hay thương cho số kiếp con người. Bố Dũng đứng dậy ra vỗ vai Dũng. Ông nói to “Con nghĩ thế là phải! Là đàn ông phải ngẩng cao đầu mà đi. Đừng bao giờ để cho phụ nữ người ta gán cho từ “Vô tích sự”, “Kém lắm”, “Không nhờ cậy được gì”. Từ mai trở đi bố giao toàn quyền việc kinh doanh cho con. Con cố gắng làm thật tốt. Còn chuyện của chú Hùng với gia đình mình chưa phải là hồi kết! Bây giờ anh có thích uống rượu thì lên tầng với bố?” Dũng lắc đầu và xin phép bố được ngồi dưới này một mình. Dũng bắc ghế ra sân ngồi hút thuốc. Dũng nhớ thời còn đi học, trong lúc hàn huyên với bạn bè có đứa đã nói giọng “Cụ non”: “Cuộc đời là một thiên tiểu thuyết không có hồi kết!” Thế mà đúng thật! Dũng thay bố đứng vai chủ quán được một năm thì chú Hùng cũng xin phép bố Dũng được nghỉ việc. Bố Dũng bảo “Chú trao đổi với cháu Dũng chưa? Chú nghỉ thì ai thay thế chú làm việc? Tôi nghĩ chú nên tìm hoặc bảo Dũng tìm người đã?”. “Có rồi. Ông Đại hàng xóm với nhà tôi sẽ thay thế tôi. Ông ấy còn khỏe, trẻ hơn tôi đến mười tuổi.”. “Thế thì được. Chú ra bảo Dũng vào đây?” Bữa ấy Dũng nói: “Chú nghỉ thì chú thử hỏi con gái chú có cô nào đến giúp cháu được không? Cháu đang cần một kế toán để thay mẹ cháu? Mẹ cháu cũng cần nghỉ ngơi thôi!” “Để chú nói. Nhưng chẳng hiểu có đứa nào chịu làm không? Hai đứa chị làm việc chân tay quen rồi giờ làm sổ sách sợ không chịu?. Còn cô em út lại đang theo học trung cấp trên tỉnh”. “Chú cứ nói”. “Ừ chú nói”. Ngày Đào về làm thuê cho Dũng, mẹ Dũng chỉ hướng dần dăm hôm Đào đã thành thạo. Mẹ Dũng luôn khen Đào sáng dạ, cẩn thận, sổ sách đẹp. Có buổi Dũng bảo Đào cho Dũng xem sổ kế toán, Đào cười nói “Anh Dũng kiểm tra em đấy à? Bác gái đã kiểm tra và chấm điểm mười rồi.” Dũng cố nói “Bác gái kiểm tra là việc của bác? Còn anh là việc của anh?” Đào suy nghĩ trong giây lát rồi gật đầu đồng ý. Đào vào tủ bưng ra các sổ kế toán thời mẹ Dũng làm và khi Đào làm. Dũng nhìn các bảng biểu Đào kẻ các cột dọc, hàng ngang khoa học, chữ và con số đẹp, Dũng nói “Đúng là hậu sinh khả úy”. Lúc này Đào mới quay sang “Châm chọc” Dũng. Đào nói: “Anh Dũng kẻ cho em các dòng chữ to tiêu đề đi?” Dũng chần chừ thì Đào đã đặt vào tay Dũng chiếc bút dạ đen. Dũng cầm bút dạ viết thử ra giấy. Đào chỉ cười. Dũng nói “Em cười chê lãnh đạo chữ xấu hả? Cái cơ bản là nội dung!” Đào nói kháy: “Sau này anh già không lo buồn nữa. Anh ngồi nhà viết thư pháp cũng ra tiền. Chữ của anh cứ như rồng bay vượn hót” Đào cố tình nói chệch ra vượn hót. Dũng bảo “Em khích bác lãnh đạo phải không? Lãnh đạo chữ nghĩa có là cái gì đi nữa thì cũng phải khen, phải ca ngợi chứ?”. “Đấy là quan điểm của anh Dũng phải không?” Dũng cười nói thâm ý: “Đâu phải của mình anh? Hôm nọ có cán bộ tỉnh về nói chuyện thời sự ở xã, có nhiều người ngồi mãi cuối hội trường mải nói chuyện riêng chợt thấy ở trên họ vỗ tay, mình cũng vỗ tay theo! Thế đấy? Còn chuyện khi ở cơ quan có thủ trưởng cấp trên về dự hội nghị phát biểu phê bình gay gắt về tình trạng mất vệ sinh công nghiệp ở nhà máy, công nhân lao động thiếu văn hóa thấy thủ trưởng cấp trên không chào cứ giương mắt ếch nhìn rồi còn oang oang nói bậy, chửi tục. Một người nào đó vỗ tay thế là cả hội trường vỗ tay theo!”. Nghe Dũng kể chuyện Đào cười nói: “Anh Dũng vui tính nhỉ?”.
          Cái quy luật nửa khóc nửa cười trên đời cũng không buông tha Dũng. Ngày Dũng cưới Đào là ngày cưới chạy tang. Bố Dũng mất sau ngày Dũng cưới vợ có mấy hôm. Hôm bố Dũng “Sắp đi” ông gọi vợ chồng Dũng và mẹ Dũng lại căn dặn: “Gia tài nhà mình có được như bây giờ là mồ hôi sức lực, trí tuệ, nước mắt của bao thế hệ. Vợ chồng anh phải biết giữ vững và phát triển nó.” Cuối năm ấy Dũng bỏ tiền mua mấy trăm mét vuông đất kề bên. Dũng thuê người xây tường bao cao đến ngực. Dũng quy hoạch lại thành nhà hàng rộng lớn, khang trang, khách ăn ngày một đông, thu nhập của gia đình Dũng ngày một lớn.
          Năm sau. Sau ngày giỗ đầu bố Dũng, mẹ Dũng gọi vợ chồng Dũng lại để bà nói chuyện. Bà nói “Vợ Dũng có vấn đề gì phải không?” Nghe mẹ chồng bất ngờ hỏi Đào lúng túng chưa biết trả lời sao. Bà nói tiếp “Hơn một năm nay chị về làm vợ Dũng tôi chưa bao giờ thấy chị phơi những thứ phụ nữ là thế nào? Chị trả lời tôi đi?” Nghe mẹ hỏi vậy Dũng đỡ lời cho vợ “Đào phơi ở chỗ kín mẹ không biết?” Mẹ Dũng mắng Dũng: “Anh đừng nói thế với mẹ. Chuyện đàn bà phụ nữ anh không biết!”. Dũng ngồi im. Đào nói nhỏ với Dũng: “Mẹ nói đúng. Hôm nào rỗi anh đưa em đi bệnh viện khám xem sao? Có thể…”. Mẹ Dũng nói chen vào: “Còn có thể gì nữa. Ý của chị là ở Dũng chứ gì? Tôi nói rõ là ở chị đấy!” Hôm xét nghiệm về Đào rất buồn khi biết mình vô sinh. Biết vợ buồn Dũng thường động viên vợ. Một tối Đào gọi em gái liền kề là Mơ lại nói chuyện. Nghe chuyện của Đào, Mơ chỉ khóc. Dũng và mẹ ở ngoài nghe có tiếng khóc trong phòng Đào, Dũng định vào thì mẹ Dũng cản lại: “Cứ để cho chị em nó tâm sự. Bắn súng không nên thì đền đạn” Nghe mẹ nói thế Dũng giật mình hỏi lại mẹ: “Sao mẹ lại nói vậy? Không có chuyện ấy!” Mẹ Dũng không trả lời câu hỏi của Dũng. Bà lạnh lùng nói: “Chẳng có gì khó giải quyết cả. Cái Đào không đẻ được thì cái Mơ đẻ. Cái Mơ không đẻ được thì cái Mận đẻ. Nếu ba chị em nó mà “Tịt” như nhau thì giải tán! Anh lấy vợ khác! Anh không hiểu ý bố anh nói trước khi mất à? Tôi sẽ sang nói chuyện với ông bà bên ấy. Anh không phải lo!” Mẹ Dũng nói là làm thật.
          Hôm bố Đào sang nhà Dũng chơi, ông chẳng nói to để mọi người nghe là gì: “Đắm đò giặt mẹt! Việc mình thấy đúng, cứ làm! Kệ thây thiên hạ! Định kiến chẳng là cái gì hết! Ai bảo thế là xấu, là không được, kệ họ nói! Cánh dân đen thường lắm chuyện. Dân là gian mà. Thời trước vua chúa khôn gấp vạn lần còn năm thê bảy thiếp. Thằng mõ cùng đinh trong làng vẫn cho mình cái quyền nghe và bình luận chuyện thâm cung bí sử các vương triều. Giờ con Đào không sinh nở được thì con Mơ thế vào. Con Mơ ví dụ có giống chị thì con Mận. Không sao hết! Không có gì phải ngại! Còn cậu Dũng không có gì phải đắn đo! Vấn đề chính ở đây là các con có sự cảm thông với nhau không? Có tình thương yêu nhau không? Nếu có thì các con đến với nhau!” Hôm ấy vợ chồng Dũng, Mơ, Mận và cả mẹ Dũng nữa ngồi nghe bố Đào nói như nghe lời tuyên chiến với một thế lực xui xẻo, thâm căn cố đế, vô hình. Cuối năm ấy Mơ sinh con gái. Có thể nói cả nhà phấn khởi. Mẹ Dũng từ khi có cháu nội bà phấn khởi. Bà đi đâu về cũng lên tiếng gọi cháu trước. Con bé càng lớn càng giống Dũng làm mẹ Dũng càng vui. Trong nhà quà bánh có nhiều nhưng bà chỉ cho cháu ăn toàn thứ bánh kẹo xịn, chính hiệu còn không xịn, không chính hiệu bà cho trẻ hàng xóm.
Ba năm sau vào một tối mẹ Dũng gọi Dũng và Mơ lại bảo: “Con bé đã ba tuổi. Mẹ mong có đứa cháu nữa?”
          Nghe mẹ nói Dũng và Mơ cười nói cho mẹ vui “Mẹ thích cháu gái hay cháu trai?” Mẹ Dũng bảo: “Cháu nào cũng quý cả. Nhưng phải có cháu trai! Không có cháu trai là dòng họ nhà này tuyệt giống!”. Dũng nói: “Mẹ lại phân biệt trai gái rồi?”. “Đúng thế! Phải có sự phân biệt! Cháu gái lớn lên nó lấy chồng, nó về nhà chồng, nó làm phận sự của nó. Cái gia tài nhà này chả lẽ để làm từ thiện? Mẹ nói trước con Mơ cứ phải đẻ hết trứng!”. Mơ buồn cười nhưng cố nói: “Nếu con đẻ hết trứng mà vẫn cháu gái thì làm thế nào?” “Xui cái mồm nhà chị. Phải có cháu trai!”. Dũng và Mơ kể chuyện này với Đào. Đào nói: “Bà nghĩ thế cũng phải. Từ mai cứ để con bé nó ngủ với tôi. Hai người cứ đẻ đi. Thoải mái vào.” Chuyện không nói ra thôi, chứ ba năm nay Dũng và Mơ có “Kế hoạch hóa” gì đâu? Thậm chí còn “Lãng mạn” nữa mà Mơ cứ trơ ra, cứ như cái thùng không đáy, chẳng kết quả gì! Ngược lại, Mơ ngày càng béo lú ra. Đã nhiều lần Mơ khóc giấu Dũng: “Sao lại thế này? Bác sỹ họ đã kết luận là không sai đâu!”. Mơ cho Đào xem tờ xét nghiệm y khoa rồi cứ thế khóc. Đào chỉ liếc mắt nhìn rồi lặng lẽ quay về phòng.
            Một tối Dũng thấy Đào đứng ngoài ban công một mình, Dũng chậm rãi đi tới. Dũng nhẹ nhàng đặt bàn tay vào vai Đào nói: “Em có chuyện gì mà đứng đây?”. Đào không nói mà ngước mắt nhìn Dũng. Đêm ấy trăng sáng, trời lạnh, mắt Đào ngấn lệ. “Có điều gì làm em buồn phiền cứ nói ra cho nhẹ nhõm. Anh luôn là người biết chia xẻ với em?”. Đào khóc: “Chị em nhà em có lỗi với anh Dũng nhiều quá!”. “Các em chẳng có lỗi gì hết! Các em cứ vui, cứ lạc quan mà sống.”.
          Mơ thấy Dũng ra ngoài đã lâu chưa về phòng, Mơ mở cửa ra ngoài xem sao. Không khí lạnh ùa vào phòng. Mơ khoác thêm áo ấm rồi đến bên Đào và Dũng. Mơ thấy chị gái mặc thế không đủ ấm liền cởi áo khoác choàng lên vai chị. Thấy vậy Dũng vào phòng lấy cho Mơ chiếc áo khác.
Vầng trăng hiếm hoi của mùa đông chui ra khỏi đám mây. Ánh sáng kim ngân của nó tỏa rộng vùng trời. Dưới sân cây lá giao cành thật nhẹ. Mặt lá lấm tấm hạt sương nhỏ li ti.
          Bốn năm Mơ sống bên chị gái, bên Dũng là bốn năm tràn ngập yêu thương, hạnh phúc. Tối ấy Đào nói với Mơ “Chị em mình phải biết bảo ban nhau. Lọt sàng xuống nia, chẳng đi đâu mà mất cả. Nếu ích kỷ, cá nhân, hẹp hòi thì mất tất. Chị em mỗi người một ngả, gia tài rơi vào tay kẻ khác. Thiên hạ họ chửi cho…” “Em hiểu ý chị nói chuyện chồng chị chồng em rồi chứ gì?”. Mơ nói “Em quan niệm cũng như chị, chẳng có gì mất đi, mà ngược lại chị em mình có tất cả. Còn cuộc đời có thêu dệt cứ kệ nó! Ngày cháu Hạnh Phúc ra đời hai bên nội ngoại mừng như hội. Bà con láng giềng đến mừng hạnh phúc đấy thôi. Thế mà bây giờ buồn quá, em không còn khả năng sinh nở? Làm thế nào bây giờ hở chị?” Đào ôm em gái vào lòng vỗ về “Mơ đừng suy nghĩ nhiều cho tổn hại sức khỏe. Bố đã nói đắm đò giặt mẹt, chị sẽ nói với em Mận. Chị tin Mận sẽ vui vẻ gánh vác trách nhiệm này. Có lẽ cái số chị em ta nó vậy.”
          Dũng ngồi trong phòng cho hai chị em Đào tâm sự bên ngoài, nhưng Dũng cũng nghe câu được câu không. Dũng ra ban công hút thuốc. Trời im gió nên khói thuốc cứ bồng bềnh trong khoảng không trước mặt. Đào và Mơ thoáng thấy mùi khói thuốc của Dũng, hai chị em đi đến. Dũng nói: “Có việc gì hệ trọng lắm đâu mà hai chị em trao đổi kỹ thế? Chúng ta có hạnh phúc thế là được rồi.” Đào nói: “Không đơn giản như anh nghĩ đâu?”. “Anh biết rồi, để sáng mai anh nói thẳng quan điểm của anh với mẹ. Khuya rồi, mọi người về phòng ngủ đi, ở ngoài trời lâu dễ cảm lạnh”. Cả ba người cùng về phòng khách. Dũng bảo Mơ pha ba cốc sữa nóng. Đào uống xong cốc sữa rồi nói: “Với mẹ quan điểm đã rõ. Anh Dũng có nói thế nào đi nữa cũng không được đâu! Em và dì Mơ đã thống nhất còn quân bài cuối cùng đánh nốt. Anh đừng có ngại! Chị em em không ngại thì thôi! Tình thế này không xử lý khác được!” Dũng nổi nóng nói “Đã bảo để anh nói thẳng với mẹ, xem mẹ làm gì được anh nào! Thôi về phòng đi ngủ!”
          Sớm hôm sau mẹ Dũng dậy sớm hơn mọi ngày. Bà vào phòng bé Hạnh Phúc để ngắm cháu. Bà đặt lọ hoa hồng mới lên bàn. Việc này bà làm thường xuyên, sáng nào bà cũng đặt một lọ hoa như vậy. Ngoài cổng mấy nhân viên phục vụ đã đến. Họ đang lách cách mở chốt cổng. Đợi cánh nhân viên vào hết trong sân bà mới nói: “Bàn ghế ăn của khách tối qua các cháu lau chưa sạch. Lấy khăn lau lại đi!”. “Vâng ạ. Tối qua bọn cháu mải về để kịp xem phim Mẹ chồng tôi.”. “Còn các chị nữa. Cứ ngấp nga ngấp nghểnh. Lấy chồng đi!”. “Chúng cháu sợ lấy chồng lắm!”. “Tại sao phải sợ?”. “Sợ đẻ toàn con gái mẹ chồng lại đuổi ra khỏi nhà!”. “Chẳng mẹ chồng nào thế cả! Chúng mày đừng có ác khẩu!”. “Chúng cháu nói đùa thôi. Mẹ chồng thời nay tiên tiến chứ không kiến gió đâu?”. “Kiến gió là cái gì?”. “Bà không hiểu à? Kiến gió là phong kiến!”. “Chúng mày đừng có nói kháy? Tí nữa mở tủ lạnh lấy quả tim bà mới mua sớm nay, thái mỏng ướp gia vị để lát nữa cậu Dũng dậy thì xào mì cho cậu ăn sáng!”. “Thế cô Đào, cô Mơ ăn cái gì?”. “Thế thì xào ba suất!”. “Bà thấy chưa, chúng cháu mà không hỏi lại bà, nhắc bà thì bữa sáng phải nấu nhiều lần, tốn ga lắm!”. Mẹ Dũng hơi bực mình khi cánh nhân viên phục vụ nói với bà kiểu “Ngang ngang” thế. Đã vậy nói xong chúng còn nhìn bà cười nữa.
          Dũng, Đào, Mơ từ trên tầng đi xuống. Mẹ Dũng lên tiếng: “Đêm qua có chuyện gì mà các con thức khuya thế?” Dũng trả lời: “Chuyện vặt ấy mà!”. Mẹ Dũng vặn lại: “Chuyện vặt gì mà hai nàng dâu của mẹ phờ phạc, mắt thâm quầng vậy? Anh đừng giấu mẹ!”. Lúc này cô nhân viên phục vụ đến mời mọi người đi ăn sáng: “Cháu mời bà. Em mời anh chị xuống ăn mì xào”. Nghe xong mẹ Dũng đi trước, vợ chồng Dũng đi sau. Bữa sáng thật nặng nề. Dũng nói như muốn làm không khí thay đổi, vui lên: “Mì xào ngon thì có ngon. Nhưng…” Dũng cố tình bỏ dở câu đợi mẹ hỏi. “Anh nói cho hết câu. Nhưng là nhưng cái gì?” Dũng cười vẻ nũng mẹ nói: “Nhưng không ngon bằng chính tay mẹ làm. Con nói thật, cái gì mẹ nấu con cũng thấy ngon!” Dũng nói xong Đào, Mơ cũng phụ họa thêm: “Chúng con cũng thấy thế. Mẹ nấu ngon thật!” Mẹ Dũng được con trai, con dâu khen vui ra mặt nhưng vẫn lạnh lùng nói: “Sáng nào cũng thế này có phải vui vẻ không? Mẹ mà không nấu ăn giỏi thì làm sao điều hành được công việc nhà hàng. Các anh chị muốn mẹ nấu ăn thì phải nghe lời mẹ. Con Mơ năm nay đẻ đi. Mẹ nói với các anh chị chuyện này, mẹ nhiều lần mơ thấy bố các con. Bố vui lắm. Bố nói với mẹ nhà mình đại phúc, đại lộc đấy. Ông còn nhấn mạnh nhà ta sẽ thêm người nữa. Chắc ý ông nói thêm con cháu đấy!”. Nghe mẹ nói “Thêm con cháu” Dũng chỉ có một suy nghĩ có lẽ mẹ mong đợi có thêm những đứa cháu nữa nên nói vậy. Đào với Mơ thì quay mặt nhìn đi chỗ khác. Dũng, Đào, Mơ chưa hẳn định thần thì bà nói tiếp: “Từ mai trở đi chị Mơ phải có kế hoạch ăn kiêng cho mình. Mẹ nhìn chị đang phát tướng đấy! Đàn bà mà cứ sổi thế thì lú mất!”. Đến đoạn này thì Mơ không chịu nổi. Mơ ôm mặt khóc. Dũng nói như trách móc mẹ: “Mẹ nói thế mà nghe được à? Gầy thì chê gầy! Béo khỏe thì bảo béo lú! Con không đồng ý với cách nhìn, cách nói của mẹ!” Mẹ Dũng trầm mặt lại nói: “Tôi nói là chẳng sai. Các anh chị đừng tự ái!” Mẹ Dũng chống gối đứng dậy. Bà kệ cho vợ chồng Dũng ngồi trong phòng.
          Dũng lấy thuốc hút rồi nhớ tiếp. Năm ấy Mận học năm cuối trung cấp thương mại. Hè năm đó trước khi ra trường, đoàn thanh niên tổ chức hè tình nguyện, chi đoàn lớp Mận được phân công về một xã vùng cao để giúp xã đoàn duy trì và ổn định phong trào học tập của học sinh. Trước ngày đi Mận như chim sáo vì Mận tốt nghiệp loại giỏi, lại có người yêu đi cùng đoàn. Mận và bạn bè hồ hởi chuẩn bị bao thứ cho chuyến đi, nhiều nhất là sách vở, giấy bút, đồ dùng học tập để tặng cho các em học sinh và tặng đoàn trường. Các thứ này được mua bằng tiền học bổng, bằng phần thưởng của mọi người. Sau nửa ngày đi đường mới tới. Điểm tập kết là một sân trường tiểu học. Sân trường rộng nhưng vắng học sinh. Mấy lớp học bằng tranh tre, gỗ, nứa do cha mẹ học sinh đóng góp nom tuềnh toàng, trống hơ trống huếch. Ấn tượng ấy đập vào mắt Mận như một hình ảnh xấu đáng chê trách nhưng cũng đầy sự cảm thông sâu sắc. Mận kể lại lời bí thư xã đoàn nói chuyện với đoàn “Dân ở đây còn nghèo lắm. Hôm họp phụ huynh bàn về việc học của con em họ, nhiều phụ huynh nói: Khổ quá không đi học được, không học thì không biết cái chữ, chứ không chết. Còn không đi làm cái sắn, cái khoai, cái ngô để cho vào bụng thì chết đói. Thử hỏi các cán bộ chọn cái nào hơn?”
            Một tuần lễ cùng ăn ở với bà con, dạy cho các em học chữ, học hát, Mận và các bạn đặt câu hỏi để các cán bộ địa phương trả lời: “Đến khi nào thì địa phương ta mới thay đổi bộ mặt này?” Vị chủ tịch xã đưa bàn tay thô tháp, đen đủi vì đất, vì nhựa cây, nhựa rau cho các thành viên trong đoàn của Mận xem rồi nói: “Khó lắm. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Cái cán bộ to nó về đây nó nói nhiều lần rồi. Chỉ khi nào hai cái tay này không còn đen, còn bẩn thế này nữa, bà con trong bản mới no ấm, giầu có được.” Mận vừa kể vừa khóc.
          Cô chủ nhà Mận ở nhờ đúng bằng tuổi Mận. Cô mới hai mươi mốt tuổi. Cô lấy chồng năm cô mười sáu. Giờ cô đã có ba mặt con lại đang bụng mang dạ chửa. Cô ngồi vạch vú cho con bú. Mận nhìn hai bầu vú cô to, cương căng nhằng nhịt những vết gãi xước đã đen lại và vết mới. Ngồi nói chuyện, chồng cô gái hơn cô vài tuổi nói: “Cái cán bộ trách sao đẻ nhiều con thế? Cũng biết xấu hổ đấy, nhưng không làm khác được! Cái bao cao su, cái cán bộ xã, huyện về cho để kế hoạch gia đình không dùng được, nó mang bệnh, sợ lắm! Ở bản này có mấy đứa con gái bỏ nhà, không chịu làm nương, nó ra Hà Nội dùng cái bao này nhiều, nó ốm chết rồi! Cái cán bộ có sợ con ma này không? Vợ chồng mình sợ lắm! Nhỡ mình chết, con nó ở với ai?”
            Mọi người ngồi nghe chuyện Mận kể bò ra cười. Thấy thế Mận bảo “Chuyện thật trăm phần trăm đấy. Mọi người nghĩ em bịa à? Có đi, có nghe, có nhìn mới thấy. Xã hội mình vẫn còn khối điều vô lý” Mọi người hỏi về Sơn người yêu của Mận. Mận chỉ im lặng không trả lời. Mùa hè năm ấy cơn áp thấp nhiệt đới trút mưa rất lớn xuống vùng sơn địa này. Nước từ trên cao chảy cuồn cuộn đổ vào các khe suối tạo nên trận lũ kinh hoàng. Nhiều nhà dân bị nước lũ cuốn đi, nhiều người và tài sản bị chôn vùi trong bùn đất, trong đó có Sơn người yêu của Mận.
          Hè năm ấy Mận như người mất hồn. Mận ở nhà mấy tháng để lấy lại thăng bằng. Khi đã bình tâm trở lại Mận mới lên tỉnh tìm việc. Mận hy vọng bao nhiêu thì cũng thất vọng bấy nhiêu bởi những câu trả lời ngắn gọn “Chúng tôi đủ người rồi!”. “Ở đây chúng tôi chỉ nhận người có bằng đại học.”. “Cô có chấp nhận làm vệ sinh thì còn chỗ.”. “Tôi nói cô đừng tự ái, cô không phải con ông cháu cha, cô không có nhiều tiền thì khó lắm. Có lẽ cô nên tiếp tục học lên đại học sau này xem sao?”
          Mấy ngày Mận phóng xe tìm việc mệt nhoài mà không có kết quả, Mận nản lòng. Bố mẹ Mận động viên Mận “Con đừng nản chí sớm thế? Mình phải biết chờ đợi. Không vào được doanh nghiệp nhà nước thì vào doanh nghiệp tư nhân!” Mận đồng ý với tư vấn của bố mẹ. Sớm hôm sau Mận đến mấy doanh nghiệp tư nhân có vẻ bề thế tìm hiểu: “Lương hai triệu đồng, có bảo hiểm. Ăn, ở tự túc.”. “Lương hai triệu năm trăm ngàn đồng, có bảo hiểm. Bao ăn, ở và phương tiện đi lại”.
          Hôm sau Mận quyết định đến doanh nghiệp có nhiều ưu đãi nhất ký hợp đồng làm việc. Giám đốc doanh nghiệp chế tác đá quý này là người đàn ông trung tuổi, ít nói, vẻ lịch lãm tiếp Mận: “Em đã đọc kỹ thỏa thuận hợp đồng chưa? Việc ăn ở là tùy em. Nếu không ăn ở doanh nghiệp sẽ thanh toán trả. Vấn đề quan trọng là thời gian và giờ làm việc không ấn định. Có việc thì làm bằng xong, hết việc thì nghỉ ngơi. Thỉnh thoảng có đợt phải đi công tác xa vài ngày mới về.”. Mận vui vẻ chấp nhận.
          Một buổi giám đốc cử mận đi tỉnh ngoài lấy hàng. Mận chuẩn bị chu đáo quần áo, xe máy để lên đường. Trước khi đi giám đốc gọi Mận lên căn dặn: “Đường xa đấy. Em đi đường phải cẩn thận! Hàng nhỏ, nhẹ nhưng có giá trị kinh tế lớn! Em chỉ có nhiệm vụ duy nhất đem trả họ thùng bao bì cũ và lấy thùng hàng mới về. Bao bì cũ và thùng hàng mới đều được niêm phong bảo mật. Em không được mở. Tôi không nói khó vì đấy là quy định bí mật của hai doanh nghiệp. Giờ em sang phòng kế toán nhận tiền đi công tác. Nếu em làm việc tốt trong sáu tháng tôi sẽ tăng lương cho em lên năm triệu đồng tháng”.
          Mận chỉ biết nghe giám đốc nói chứ không dám hỏi câu gì. Mận đến phòng kế toán nhận tiền ăn, tiền xăng, tiền bồi dưỡng cả thảy ngót một triệu đồng. Mận nghĩ “Thế này cũng ổn đấy chứ?” rồi phóng xe máy lên đường. Sau chuyến đi kéo dài một tuần lễ, Mận nghĩ lại thấy không phù hợp với sức khỏe và lâu dài. Mận cắt hợp đồng làm việc. Mận ở nhà dăm hôm rồi quyết định đến nhà chị gái chơi. Mà cũng lâu rồi thật, đến gần một năm giờ Mận mới đến. Thị trấn bây giờ thành thị xã. Cửa hàng, cửa hiệu mọc lên như nấm. Đường xá đông người và phương tiện đi lại. Ngôi nhà của chị gái thuộc loại bề thế, tọa lạc trên mảnh đất rộng có tường bao bên một ngã tư, một vị trí đắc địa. Mận đi thẳng xe vào trong sân. Thấy Mận đến Đào chạy ra đón: “Dì về hôm nào?” Đào đón Mận vào nhà. Trên tầng Dũng và Mơ cũng đang xuống. Thấy Mận bé Hạnh Phúc như sợ cứ đưa mắt nhìn trộm. Dũng buồn cười nói “Hạnh Phúc ra dì Mận bế?” Hạnh Phúc sà vào lòng mẹ và đưa mắt nhìn Mận. “Tại dì Mận ít đến nên cháu quên cả dì!” Mơ nói và bế Hạnh Phúc đặt vào lòng Mận. Mận ôm Hạnh Phúc vào lòng. Bây giờ Hạnh Phúc mới cho Mận bế: “Dì có quà cho con đây”. Mận mở túi lấy hộp búp bê đưa cho Hạnh Phúc. Cầm hộp búp bê trong tay Hạnh Phúc tụt khỏi lòng Mận chạy ra giữa nhà mở ra xem rồi reo to: “Em búp bê cu”. Hạnh Phúc bế búp bê trên tay vẻ thích lắm. Mơ nhìn con cười nói: “Ai cho con em búp bê đấy?”. “Dì Mận cho”. “Thế con không cám ơn dì à?” Hạnh Phúc tỏ ra ngượng vì xấu hổ nên ngập ngừng nói “Con cám ơn dì Mận”. “Con ngoan lắm.” Dũng khen. “Bà nội cháu đâu anh chị?” Mận vừa hỏi thì mẹ Dũng mở cửa phòng bước ra. Mận cất lời chào. Mẹ Dũng hỏi “Con có khỏe không? Con về nhà hôm nào? Mọi người mới nhắc đến con xong? Con mua búp bê trai cho cháu Phúc đấy à?” Không để cho Mận trả lời Dũng nói chen vào: “Đến giờ mẹ đi họp hội người cao tuổi rồi đấy. Để con bảo Đào lấy xe máy chở mẹ đi.” Mẹ Dũng lạnh lùng nói: “Tôi không quên đâu để anh phải nhắc? Việc các anh chị cần làm thì chưa làm. Hôm nay tôi nghỉ đi họp!” “Ấy, bác cứ đi họp đi. Cháu còn ở lại chơi mấy ngày cơ”. “Mấy ngày thì hôm nay bác cũng nghỉ. Nhà này còn nhiều việc phải làm lắm?” Nếu không có mấy bà hàng xóm sang rủ mẹ Dũng đi họp thì sáng hôm ấy mẹ Dũng ở nhà. Khi mẹ Dũng đi họp rồi Đào và Mơ nói chuyện với Mận: “Lại có chuyện rồi em ạ. Vừa nãy em có thấy bà nội cháu Hạnh Phúc nói bóng nói gió không?” Dũng thấy Đào bắt đầu dẫn chuyện, Dũng nói “Em nói chuyện khác đi!” Đào không trả lời mà hỏi lại Dũng: “Anh vẫn chưa hiểu tính mẹ à? Thể nào chiều hoặc tối nay mẹ cũng nói chuyện này với Mận. Thà rằng anh cứ để cho chị em gái chúng em nói với nhau trước”. Dũng bỏ đi chỗ khác để chị em Đào nói chuyện. Đợi Dũng đi hẳn Mận mới hỏi: “Nhà có chuyện gì phải không?”. Ba chị em Đào ngồi tâm sự với nhau rất lâu. “Sao lại thế này? Tại sao phải làm thế?” câu hỏi kiểu này cứ bám diết lấy chị em đào. Gần trưa mẹ Dũng về. Bà ngồi yên lặng suy nghĩ. Mận đến bên bà tỉ tê nói chuyện: “Sao bác phân biệt cháu trai và cháu gái thế?” Mẹ Dũng nói: “Các anh các chị trẻ người non dạ đều suy nghĩ như nhau và hỏi như nhau cả. Hôm nọ bác đã trả lời rồi. Con gái lớn lấy chồng, về nhà chồng, làm nghĩa vụ nhà chồng. Nhà ai to nhỏ thế nào bác không biết. Còn nhà này là mồ hôi, nước mắt mấy đời để lại! Cháu có biết nó trị giá bao nhiêu cây vàng không? Bữa nọ bác đã trao đổi với bố mẹ cháu, ông bà bên ấy cũng đồng ý. Cháu có thấy chị Mơ bây giờ lú ra không? Đàn bà lú là không đẻ nữa. Đàn bà phải khô chân gân mặt như cháu mới sinh nở được! Cháu cứ ngồi xuống nghe bác nói: các con cứ ở đây mà kinh doanh. Con không phải đi làm ở đâu nữa. Bác còn lạ gì cái đồng lương bây giờ, chết thì không chết, sống không ra sống, khổ lắm! Ở đây ba chị em con chụm lại thành núi cao có phải tốt không? Dũng nhà bác là con trai một, biết nghe lời mẹ, nghe điều khôn, lẽ phải. Dũng mạnh khỏe, đẹp trai, đàn ông nữa, con còn ngần ngại nỗi gì? Bác nói con nghe: Con mua quà búp bê trai cho bé Hạnh Phúc là ý trời phật đấy! Bác biết chị em con đã nói chuyện riêng với nhau. Con nghe lời bác cứ thế mà thực hiện!”

          (Còn nữa)
          Phan Đạt Ninh

Đã đăng:
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét