Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

VỀ HỌC VỊ CỦA CỤ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Tác giả Trần Tuấn Phương
Trần Tuấn Phương
Chủ nhật ngày 26 tháng 3 năm 2017 1:40 PM

          TNc: Bạn trẻ Trần Tuấn Phương từ thành Nam vừa gửi cho trang nhà bài phản biện ý kiến của ông Lã Trọng Long in trên báo Văn Nghệ, Thư bạn Phương có đoạn: " Cháu rất cảm ơn cụ Trần Nhương đăng ý kiến của cháu, để góp thêm tiếng nói của một người trẻ tuổi gửi tới các bậc tiền bối rằng đừng làm chúng cháu hiểu sai lịch sử và chán lịch sử hơn nữa.". Xin giới thiệu ý kiến của bạn trẻ Trần Tuấn Phương.

          (Phản hồi bài viết của tác giả Lã Trọng Long trên báo Văn nghệ số 12 ngày 25/3/2017)

          Đọc bài “Ở ngôi mộ cổ Vĩnh Bảo” của tác giả Lã Trọng Long, cháu rất ngạc nhiên rằng sao một người đọc chưa hiểu đã phán bừa về học vị của cụ Trạng Trình như vậy. Ngạc nhiên hơn là báo Văn nghệ không ai hiểu biết để kiểm duyệt cho chính xác?


          Cháu tuy còn là học sinh cũng xin ý kiến thế này:

          Từ thời Lê đã chia học vị các vị đỗ đại khoa làm 3 giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Đệ nhất giáp được ban “cập đệ”, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp được ban “xuất thân”. Đệ nhất giáp lại chia theo thứ tự cao xuống thấp là đệ nhất danh (Trạng nguyên), đệ nhị danh (Bảng nhãn) và đệ tam danh (Thám hoa).
          Về cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, có rất nhiều tài liệu như Đỉnh khiết lịch triều đăng khoa lục, Đại Việt lịch đại đăng khoa, Liệt huyện đăng khoa bị khảo, Tam khôi lục, Tam khôi bị lục, Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí v.v... đã nói rõ cụ đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính 6 (1535) đời Mạc Đăng Doanh.
          Tác giả Lã Trọng Long, chắc do kiến văn thiếu hụt nên phán bừa. Với lại chính tác giả nói cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm “chỉ đỗ Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh”. Đã đỗ Tiến sĩ cập đệ thì hiển nhiên là đỗ Đệ nhất giáp, mà lại là Đệ nhất danh trong nhất giáp thì hiển nhiên là Trạng nguyên rồi. Đã viết vậy mà lại bảo không phải trạng nguyên thì rõ ràng ông Lã Trọng Long viết mà chẳng hiểu điều mình viết.
          Nói thêm để ông Lã Trọng Long rõ: Có những khoa không lấy Trạng nguyên như khoa 1851 chỉ lấy Bảng nhãn, nhưng danh hiệu học vị ghi rõ như Phạm Thanh “đỗ Đình nguyên, đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh” (Bảng nhãn)... Như vậy mặc dù Phạm Thanh đỗ đầu thi Đình nhưng do không được lấy Trạng nguyên (đệ nhất danh trong Đệ nhất giáp) nên không được ghi là “đệ nhất danh”.
          Để hiểu rõ thêm vấn đề này, ông Lã Trọng Long có thể tham khảo bài “Vài nét về học vị thời phong kiến nước ta” của ông Trần Mỹ Giống tại địa chỉ http://tranmygiong.blogspot.com/2016/06/vai-net-ve-hoc-vi-thoi-phong-kien-o.html
          Cháu rất cảm ơn cụ Trần Nhương đăng ý kiến của cháu, để góp thêm tiếng nói của một người trẻ tuổi gửi tới các bậc tiền bối rằng đừng làm chúng cháu hiểu sai lịch sử và chán lịch sử hơn nữa.

Trần Tuấn Phương
51 Lê Văn Hưu, khu đô thị Hòa Vượng, tp. Nam Định.


3 nhận xét:

  1. Xin chân thành cám ơn nhà văn TRẦN NHƯƠNG đã quan tâm đến bài viêt của tôi
    trên báo VĂN NGHỆ nhân đây tôi xin luu ý bạn trẻ Trần Tuấn Phương nên đọc
    lại bia đề danh các tiến sĩ đỗ khoa năm Tự Đứcthứ 4 Tân Hơi < 1851 > về TS
    Phạm Thanh nguyên văn như sau :
    Tứ Đệ nhât giáp cập đệ đệ nhị danh nhât danh Phạm Thanh
    được hiểu là Ban đệ nhât giáp cập đệ đệ nhị danh cho một người là Phạm Thanh
    không thấy có chữ BẢNG NHÃN nào ở đây
    Kinh chuc nhà văn mạnh khỏe
    Lã Trọng Long


    Kính thưa bác Trần Nhương.
    Em đã chuyển ý kiến của tác giả Lã Trọng Long cho cháu Trần Tuấn Phương đọc.
    Cháu Phương trực tiếp trao đổi với em thế này:
    - “Ông ơi, tác giả Lã Trọng Long nói đúng, nhưng không biết là ông ấy không hiểu hoặc cố tình bắt bẻ cháu? Chúng cháu thừa biết Tam khôi xuất hiện từ năm 1246 (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang gọi tắt là Thám hoa). Khoa thi năm 1256 và 1266 lấy hai Trạng nguyên (Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hóa). Năm 1462 Lê Thánh Tông ban thêm học vị Cập đệ và Xuất thân. Năm 1472 định tư cách Tiến sĩ thì Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) được đổi gọi là Đệ nhất danh, Đệ nhị danh và Đệ tam danh. Cách chia này kéo dài tới thời Nguyễn. Tên gọi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa vẫn là cách gọi thông tục của nhân dân ta cũng như của những người làm nghiên cứu từ đó đến nay. Cháu đã viết “Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh” rồi, còn từ Bảng nhãn cháu viết trong hai ngoặc đơn cơ mà. Tác giả Lã Trọng Long tranh luận như vậy thì cháu cũng chịu. Cháu hiểu Đệ nhất danh, Đệ nhị danh, Đệ tam danh (trong tam khôi) chẳng qua là từ đổi gọi thay cho Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa có từ trước đó thôi ông ạ. Ông có thừa nhận với cháu rằng từ xưa tới nay hầu hết các nhà nghiên cứu và trong dân gian đều hiểu và gọi như vậy không ạ? Cháu tin là cách hiểu “sách vở” như của tác giả Lã Trọng Long chẳng làm thay đổi được nhận thức của ai đâu ạ.”

    Riêng em thấy cháu Phương nói có lý. Còn bác Long xem ra cố chấp.
    Kính bác.
    TMG

    Sỹ Liên Đinh Sự phản biện của cháu Trần tuấn Phương quá đúng .Rất đáng mừng là lớp trẻ thời nay mà các cháu yêu lịch sử của nước mình như vậy nhưng cũng phải cám ơn nhà nghiên cứu lịch sử Trần Mỹ Giống ông đã đăng các công trình nghiên cứu về lịch sử của nước nhà cho mọi người dân hiểu rõ hơn về lịch sử của mình

    Tran Văn Lừng Hoan hô cháu Tuấn Phương

    Van Tuy Chu • Friends with Đặng Xuân Xuyến and 4 others
    Kiến thức không kể tuổi tác thế mới có thần đồng.cái gì thuộc phạm trù lịch sử hãy thận trọng khi viết ta đã có chuyện báo đăng ảnh Nguyễn Trãi mà ảnh không phải là Nguyễn Trãi chẳng biết các nhà sử học ở đâu để sẩy ra sai sót như vậy thật đáng tiếc.

    Cuong Kaka • Friends with Trần Tuấn Phương
    Giỏi quá

    Trả lờiXóa
  2. Nhiều bạn đọc đề nghị tôi với tư cách là một trong những người nghiên cứu chuyên đề về các nhà khoa bảng thời phong kiến ở nước ta (cuốn Các nhà khoa bảng Nam Định thời phong kiến đã in thành sách và nhận Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh) cho biết chính kiên.
    Vậy tôi xin phát niểu như sau:
    Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cháu Trần Tuấn Phương. Bác Lã Trọng Long lệ sách vở quá nên thành cố chấp và lạc lõng với cách hiểu của dân ta và cả của các nhà nghiên cứu đương đại. Tên gọi “Đệ nhất danh” trong Tam khôi thời Lê chẳng qua là đổi gọi thay cho “Trạng nguyên” có từ thời Trần. Trong dân gian và cả các nhà nghiên cứu vẫn gọi “Trạng nguyên” là tên gọi thông tục thay cho “Đệ nhất danh” trong Tam khôi. Tôi thấy cách gọi thông tục này rất hay. Thay vì gọi “Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ Đệ nhất danh” bằng “Trạng nguyên” có gọn gẽ, đẹp và hay hơn không? Dân gian hiểu rất rõ điều này, họ cứ gọi là “Trạng nguyên”, chả mấy ai gọi “Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ Đệ nhất danh” trong giao tiếp cả.
    Tóm lại, bác Long kêu gọi người ta gọi đúng tên học vị của cụ Trạng Trình như ghi trong sách vở thì được. Còn bào Cụ không phải là Trạng nguyên thì chẳng ai nghe được?

    Trả lờiXóa
  3. Cụ Chu Đình Yên gọi điện tham gia ý kiến:
    Hương cống, Cử nhân, Tốt nghiệp Đại học gọi là Đại học. Thời ta, trước đây, không gọi người tốt nghiệp đại học là Cử nhân, Hương Cống. Gần đây, nhà nước đổi gọi học vị “Đại học” các ngành xã hội nhân văn là “Cử nhân”.
    Đệ nhất danh hay Trạng nguyên thì bản chất vẫn là một. Thế tôi ghi lý lịch trình độ Đại học Văn hóa thì bảo tôi không phải Cử nhân à? Đệ nhất danh trong Tam khôi mà bảo không phải Trạng nguyên thì đúng là ngớ ngẩn.

    Trả lờiXóa