Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Vài nét về học vị thời phong kiến nước ta

TRẦN MỸ GIỐNG 



       Học vị thời phong kiến ở nước ta trải qua một quá trình lịch sử nhiều biến đổi. Vì vậy, nghiên cứu về học vị không thể thiếu tính lịch sử cụ thể. Nếu không coi trọng tính lịch sử cụ thể sẽ dẫn tới nhầm lẫn học vị, danh hiệu các nhân vật đỗ đạt thời phong kiến, hoặc tổng hợp số liệu khoa bảng sai với thực tế lịch sử khi nghiên cứu về các nhà khoa bảng…

Về học vị:
        Các sách đăng khoa lục và lịch sử còn ghi chép được, ở nước ta, từ 1075 đến 1919 tổ chức được 183 khoa thi cấp quốc gia (Đại tỷ, Đại tỷ thủ sĩ, Thái học sinh mà ta quen gọi là Đại khoa, tức thi Hội và thi Đình), lấy đỗ 3415 người (hiện chỉ còn danh sách 2898 người). Những người đỗ Đại khoa thường phải trải qua ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) và đều được nhận một học vị nhất định tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể. 

        Việc phân cấp người đỗ đại khoa thời Lý chưa rõ ràng, chỉ thấy khoa thi năm 1196 có học vị Xuất thân. Từ khoa thi năm 1232 thời Trần bắt đầu chia người đỗ đại khoa làm ba giáp là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Cách chia này được dùng tới triều Nguyễn. Khoa thi năm 1239 lại chia người đỗ làm hai loại là Giáp khoa và Ất khoa. Từ khoa thi năm 1246 xuất hiện Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa lang gọi tắt là Thám hoa). Khoa thi năm 1256 và 1266 lấy hai Trạng nguyên (Kinh Trạng nguyên cho vùng đồng bằng Bắc bộ, Trại Trạng nguyên cho vùng Thanh Hoá...). Hai khoa năm 1304 và 1374 người đỗ Đệ nhị giáp được ban danh hiệu Hoàng giáp. Khoa thi năm 1426 chia người đỗ thành Giáp đẳng và Ất đẳng. Khoa thi năm 1442 xếp Đệ nhất giáp và Đệ nhị giáp vào Chính bảng, Đệ tam giáp vào Phụ bảng. Năm 1462 Lê Thánh Tông ban thêm học vị Cập đệ và Xuất thân, năm 1472 định tư cách và phân loại Tiến sĩ. Từ đây danh hiệu chính thức của người đỗ đại khoa từ cao xuống thấp là :
       - Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ: Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa). - Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp). - Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Năm 1829 nhà Nguyễn đặt thêm học vị Phó bảng, lấy người đỗ trong các kỳ thi đại khoa kém điểm người đỗ Đệ tam giáp, xếp riêng thành một bảng và chưa được coi là Tiến sĩ.

       Về thời Lý, các sách lịch sử và đăng khoa lục chỉ ghi được danh tính cụ thể 5 người đỗ Đại khoa thời Lý. Danh hiệu học vị những người đỗ đại khoa thời Lý chưa được rõ, chỉ thấy người đỗ các khoa thi như Tuyển Minh kinh bác học cập Nho học tam trường, khoa thi tam giáo, khoa thi chọn người tài về thi thư…

       Người đỗ đại khoa thời Trần gọi là Thái học sinh (có từ năm 1232 đến năm 1400), từ năm 1442 gọi là Tiến sĩ. Tiến sĩ dùng chỉ những người đỗ từ Đệ Tam giáp trở lên, đồng thời cũng là tên thông tục chỉ người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa dùng gọi những người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Đệ nhất danh, Đệ nhị danh, Đệ tam danh), Hoàng giáp dùng gọi những người đỗ Đệ nhị giáp.

        Những người đỗ từ Tiến sĩ đến Trạng nguyên gọi là nhà khoa giáp, người đỗ Phó bảng gọi là nhà khoa bảng. Người ta thường gọi chung những người đỗ đại khoa là nhà khoa bảng cho tiện.

      Người đỗ Cử nhân ở các khoa thi cấp địa phương gọi là nhà khoa mục. Trong khoa thi Hương, người chỉ đỗ một kỳ gọi là Nhất trường, đỗ hai kỳ gọi là Nhị trường, đỗ ba kỳ được nhận học vị Tú tài (trước 1828 gọi là Sinh đồ), người đỗ cả bốn kỳ mới được nhận học vị Cử nhân (trước 1828 gọi là Hương cống) và được đi thi Đại khoa. 

Về danh hiệu:

      Người đỗ đầu cả ba khoa thi (Hương, Hội, Đình) gọi là Tam nguyên, đỗ đầu ba khoa thi liên tục gọi là Tam nguyên liên trúng.
         Người đỗ đầu khoa thi Hội gọi là Hội nguyên.
Người đỗ đầu khoa thi Đình gọi là Đình nguyên. Trạng nguyên là học vị cao nhất nên tất nhiên là Đình nguyên. Đình nguyên có thể là Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp hoặc Tiến sĩ, nhưng không bao giờ là Phó bảng vì Phó bảng chưa phải là Tiến sĩ. Trạng nguyên chỉ được đặt ra từ khoa thi 1246 nên tất cả các khoa trước đó đều chỉ có người đỗ đầu mà không có Trạng nguyên.
       Người đỗ đầu hai khoa thi Hội và thi Đình gọi là Song nguyên.
     Người đỗ đầu khoa thi Hương gọi là Giải nguyên (còn gọi là Tỉnh nguyên, Hương nguyên).
Năm 1442 chính thức phân cấp thành ba khoa thi Hương, Hội, Đình nên từ đây mới có Tam nguyên và Song nguyên. Một số khoa chỉ có thi Hội mà không thi Đình cũng không thể có Tam nguyên và Song nguyên như các khoa 1453, 1458 và các khoa từ 1554 đến 1592. 
                                       TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét