Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Xuân Trình - Tác giả kịch tài năng

Trần Mỹ Giống

Nhà viết kịch Xuân Trình
Xuân Trình tên thật là Nguyễn Xuân Trình, sinh ngày 6 - 1 - 1936, quê thôn Lỗ Xá, xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Xuân Trình tham gia kháng chiến từ năm 1952, công tác trong Đội cầu đường Việt Bắc. Năm 1954 ông được cử vào công tác trong đội cải cách ruộng đất. Năm 1955 ông làm biên tập viên Đài tiếng nói Việt Nam, đồng thời theo học khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961 ông chuyển về công tác ở Tạp chí Văn nghệ. Năm 1963 ông sang công tác tại Tuần báo Văn nghệ, phụ trách phần văn xuôi, sau đó lại chuyển công tác về Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Từ năm 1983 ông làm Phó Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu.

Xuân Trình là nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch. Từ viết báo, viết văn, ông chuyển hẳn sang viết kịch và nhanh chóng trở thành một trong những tác giả kịch xuất sắc nhất của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Ông là điển hình của một cán bộ sáng tác xã hội chủ nghĩa. Những sáng tác của ông đều lấy chất liệu từ những chuyến đi thực tế và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn của đất nước. Nhân vật trong kịch của ông thường mang dáng dấp của những khái niệm nhưng vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Ai đã xem một lần vở hài kịch trữ tình “Mùa hè ở biển” của Xuân Trình (do Đoàn kịch nói Nam Hà biểu diễn) thì không thể nào quên hình tượng Đoàn Xoa, một điển hình sống động và chân thực về sự lạc hậu của con người trước yêu cầu đổi mới của cuộc sống. Tính dự báo chính xác và táo bạo trong kịch Xuân Trình đã khẳng định tài năng của tác giả, nhưng chính đặc điểm này đã gây cho ông nhiều trắc trở trong cuộc sống. Vở “Lập xuân” (1970) thể hiện sự thay thế hệ giữa trẻ và già diễn ra quyết liệt, cuối cùng thế hệ trẻ có tri thức đã thắng. Khi ra mắt công chúng, vở kịch đã bị một số người lên án quyết liệt. Ngày nay một cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, chính trị cao và đạo đức tốt được giao những cương vị chủ chốt trong guồng máy quản lý xã hội là việc đương nhiên, nhưng vào những năm bảy mươi điều đó khó được dư luận xã hội chấp nhận. Vở “Bạch đàn liễu” (1973) viết về cuộc vận động cải cách dân chủ, chống tệ nạn cường hào mới ở nông thôn cũng bị dư luận lên án. Vở “Thời tiết ngày mai” (1980) viết về công cuộc tổ chức lại sản xuất nhằm tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa đã bị nhà chức trách địa phương đình diễn một thời gian dài cũng chính vì nó đã dự đoán khá tinh tường về số phận con người.
Trong kịch Xuân Trình, nhiều vấn đề bức xúc của cuộc sống được đặt ra và đã được chính tác giả giải quyết, nhưng vẫn còn những câu hỏi nhức nhối đòi hỏi chúng ta phải trả lời: Một người tốt, có tác phong công nghiệp trở nên cô đơn, lạc lõng giữa một tập thể lạc hậu (“Nghĩ về mình”), một cuộc đời tận tuỵ hy sinh cho cách mạng nhưng khi về già phải gửi thân ở nhà trẻ mồ côi (“Nửa ngày về chiều”), một hành động hồn nhiên thánh thiện bỗng thành tai hoạ khi cái ác lộng hành trước mắt mọi người và pháp luật (“Tai hoạ hay rủi ro”)... Nhưng nói chung, ngòi bút Xuân Trình nhạy bén, sắc sảo nắm bắt và thể hiện kịp thời những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Các kịch bản của ông thể hiện đậm nét tính dự báo và tràn đầy chủ nghĩa nhân văn. Chỉ khi nào phát hiện được vấn đề và lý giải được vấn đề, tác giả mới có thể có được tính dự báo trong tác phẩm của mình. Ngay từ thời bao cấp nặng nề, chuyện khoán sản phẩm còn phải làm “chui”, Xuân Trình đã nhìn thấy tương lai và mạnh dạn khẳng định một cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất tất yếu phải diễn ra. Cái không khí ngột ngạt, bức bối trong “Lập xuân”, “Xóm vắng” là dấu hiệu sự thay đổi tất yếu của “Thời tiết ngày mai”, để vươn tới sự đổi mới phóng khoáng hơn, tầm nhìn và lòng người rộng mở hơn như “Mùa hè ở biển”.
Kịch Xuân Trình thuyết phục người xem không chỉ ở tính dự báo chính xác mà còn ở tính chân thực và lòng nhân hậu. Thông qua các nhân vật điển hình, ông gửi gắm vào kịch bản tình cảm của mình và kêu gọi mọi người hãy đề cao tính nhân văn cộng sản cao đẹp. Kịch Xuân Trình không những thừa nhận và nâng cao giá trị của con người mà còn chủ trương và thể hiện tính chiến đấu nhằm giải phóng con người khỏi mọi áp bức, đưa con người đến chỗ thắng được tự nhiên và làm chủ vận mệnh của mình. Kịch Xuân Trình giàu chất văn học nên bạn đọc chỉ cần đọc kịch bản đã thấy hay và bị lôi cuốn. Chính vì thế mà kịch Xuân Trình một thời được khán giả háo hức chờ đón và đã để lại dấu ấn đậm đặc trong nền sân khấu hiện đại Việt Nam.
Ngày 8 - 12 - 1991 Xuân Trình mất, một ngôi sao sáng trên bầu trời sân khấu hiện đại Việt Nam đã tắt. Trước khi mất, trên giường bệnh, Xuân Trình vẫn đau đáu vì nước vì dân: Ông đọc cho một người bạn ghi chép bức thư gửi Tổng Bí thư Đỗ Mười đề đạt ý kiến của mình về việc sử dụng những người có thực tài trong công tác văn hoá. Ông thực xứng đáng với dòng chữ “Vĩnh biệt một tài năng lớn” trên vòng hoa viếng của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh ngày ông vĩnh biệt chúng ta.

TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét