Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

THÁP CỬU PHẨM LIÊN HOA CHÙA CỔ LỄ


Đồng Ngọc Hoa


Nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa
Năm 1926 đến 1927 xây tháp Cửu phẩm liên hoa tại chùa Cổ Lễ.

Đây là lần thứ hai, lần đầu xây vào năm 1921 bị đổ. Lần này nhân dân xã Trung Lao lên rừng lấy gỗ gặp một ông cụ đầu râu tóc bạc gửi 12 bè gỗ lim về xuôi cho chùa Cổ Lễ, số gỗ này sẽ được dùng để đóng cọc móng.

Tháp được cưỡi trên mình rùa (biểu hiện của sự trường tồn) đặt giữa đầm vuông, đầu rua quay chầu vào chùa. Rùa dài 18m, rộng 10m, mai rùa được cách điệu lượn cong thành 8 múi lớn, mỗi múi dài 4,65 mét, bốn chân to vươn dài trụ vững xuống lòng hồ. Tháp có tiết diện hình bát giác với diện tích 42,10 mét vuông. Bốn góc hồ có đắp bốn núi hình tháp nhỏ mang dáng dấp tháp Chàm. Mỗi tháp có một con voi áp mình vào thân núi. Cửu phẩm Liên Hoa cao 12 tầng và một tầng đế tháp, tất cả cao 32 mét hình bát giác (8 mặt).


Hình như người thiết kế “Kiến trúc sư” hoà thượng Phạm Quang Tuyên muốn biểu thị: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái” ở tháp này?

Trong kinh dịch, thái cực đó là nói về sự vạch quẻ (tức là vạch ra 8 quẻ). Trước khi còn chưa vạch quẻ, thái cực chỉ là cái nghĩa một bầu hỗn độn ở trong bao hàm các thứ âm dương, mềm cứng, lẻ chẵn, tốt xấu không gì là không có. Tới khi vạch ra một lẻ, một chẵn ấy là sinh ra hai nghi. Rồi trên vạch lẻ thêm một vạch lẻ đó là dương trong dương, trên vạch lẻ thêm một vạch chẵn đó là âm trong dương, trên một vạch chẵn thêm một vạch lẻ đó là dương trong âm, ấy là bốn tượng (có 4 con voi áp núi bốn góc hồ biểu tượng cho bốn tượng). Trên một tượng có hai quái, mỗi tượng lại thêm một lẻ, một chẵn thế là 8 quẻ (8 mặt của tháp biểu hiện). Có người nói: Một vạch là nghi, hai vạch là tượng, ba vạch là quẻ, bốn tượng như xuân hạ thu đông, kim mộc thuỷ hoả, đông tây nam bắc, không gì mà không thể suy ra.

Tháp cửu phẩm liên hoa chùa Cổ Lễ
Truyện thuyết quái nói: “Trời đất định ngôi, núi chầm thông khí, sấm gió sát nhau, nước lửa không bắn nhau, tám quái mài nhau. Kể cái đi rồi là thuận, biết cái sắp tới là nghịch”. Thiệu Tử nói rằng: Kiền nam, khôn bắc, ly đông, khảm tây, chấn đông bắc, đoái đông nam, tốn tây nam, cấn tây bắc. Từ chấn đến kiền là thuận, từ tốn đến khôn là nghịch. Phương vị của 64 quẻ (64 cửa của 8 tầng tháp) cũng biểu thị lẽ đó vậy chăng?

Ở bốn mặt của tháp lại có một dòng chữ hán đắp nổi gắn mảnh men sứ màu xảnh rất đẹp đó là:

Nam mô liên trì hội thượng Bồ Tát

Nghĩa là:

Kính lễ vị Bồ Tát trong hội liên trì

Hay

Nam mô thanh tịnh đại chúng Bồ Tát

Nghĩa là:

Kính lễ vị Bồ Tát thanh tịnh


Nam mô quan đại thế chi Bồ Tát

Nghĩa là:

Kính lễ quan đại thế chi Bồ Tát

Hay

Tây phương cực lạc Adiđà Như Lai

Nghĩa là:

Phật Adiđà cực lạc ở Tây phương

Cùng những đại tự như Hiện tính, Minh Tâm, gợi lên lời dạy của phật cho những ai đến chùa phải thay tâm đổi tính để thể hiện được tính cách tốt đẹp và tấm lòng trong sáng, thanh thản mỗi khi ra về. Nghĩa là mỗi lần đến chùa là một lần tu, tự tu mình.

Tiếp tuyến giữa các mặt phẳng của tháp với nhau là các cạnh tháp thẳng tắp từ đỉnh trở xuống đều đắp long hồi đầu mô típ Nguyễn, mình uốn, đầu ngẩng cao nhìn ra bốn phương tám hướng. ở tầng thứ 10 và 11 (tính từ trên xuống) xây mái cong theo kiểu giả ngói ống Trung Quốc. Còn các tầng khác được phân bằng gờ vuông phào chỉ một cách bề thế vững chắc. Nhưng có cảm giác mềm mại bằng những cánh sen xếp liên tiếp tạo lên hình tượng mỗi tầng đều được chồng lên trên một đài sen khổng lồ bé dần cho đến khi vút lên cao, đến đỉnh tháp lại đắp một nụ sen to, một cách cân đối giữa đế và đỉnh tháp. Đúng là một cây Cửu phẩm Liên Hoa.

Người thiết kế biểu hiện tháp theo hình tượng Liên Hoa vì trong kinh nhà Phật nói: Hoa Sen trong nhân gian, nhiều lắm là có mấy mươi cánh. Hoa sen trong cõi Phật độ khoảng vài trăm cánh. Hoa Sen biểu hiện từ phiền não mà được thanh tịnh, bởi sen mọc lên từ trong bùn lầy, nở hoa trên mặt nước, ẩn chứa ý nghĩa gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ngoài cánh sen còn có đài sen, hạt sen. Cánh và đài có thể ngắm nhìn thưởng thức còn hạt sen ăn được, hạt sen lại có thể sinh trưởng nảy nở cho ra nhiều hoa sen nữa. Hoa sen mọc trong nước vào mùa hè nóng lực, nóng lực là biểu thị cho phiền não, nước biểu thị cho thanh lương mát mẻ. Đó là chỉ từ trong nhân gian, phiền não đem lại cảnh giới thanh lương cho nên tỉ dụ người từ phiền não đạt đến giải thoát, sinh về tịnh độ là hoá sinh trong hoa sen.

Chúng sinh trong tam giới theo dâm dục mà thác sinh, thánh nhân cõi tịnh độ hoá thân bằng hoa sen. Do đó hoa sen biểu thị công đức thanh tịnh, trí tuệ thanh lương. Công đức trí tuệ này của thánh nhân là vô hình, khi biểu hiện ra trước phàm phu bèn lấy biểu tượng mà nhân gian quen biết để biểu thị. Cho nên chúng ta thấy tượng phật và thánh chúng cõi tịnh độ mà kinh phật giới thiệu đều ngồi hay đứng trên toà sen. Đây là biểu hiện cho pháp thân thanh tịnh, báo thân trang nghiêm của các vị ấy. Từng tầng, từng tầng của Cửu phẩm Liên Hoa được thiết kế như vậy.

Trong lòng tháp có cột thông tâm hình trụ tròn và cầu thang xoáy trôn ốc, đi lên tới đỉnh có bàn thờ phật là 64 bậc (64 quẻ).

Thắp hương khấn phật rồi ta có thể phóng tầm mắt qua ô cửa thông gió nhìn ra bốn phương tám hướng như trải rộng tầm bao quát phù hộ của Đức Phật tới muôn dân. Cũng chính vì có những lỗ thông gió trên nên tầng trên cùng đã được sử dụng làm đài quan sát của bộ đội và dân quân du kích trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cũng chính vì có những lỗ thông gió trên nên trong lòng Cửu phẩm Liên Hoa được thông thoáng trông ống thông tâm cũng như từng tầng những bậc thang. Hoá kim ngân tanh tiền xong, đi xuống đến bậc cuối cùng ra cửa tháp, ta đã thấy than tro bay xuống nổi trên mặt hồ, nơi rùa nằm đội Cửu phẩm Liên Hoa, mét sự huyền ảo nhiệm màu của thánh thần chư phật.

Đây là một cây tháp cao, kiến trúc độc đáo, một tháp thời Nguyễn hiếm hoi trong phổ hệ tháp Việt Nam. Cây tháp phối hợp với toàn bộ ngôi chùa, cánh đồng sông nước và đường đi bao quanh tạo thành một thắng cảnh đẹp, một cách sơn thuỷ hữu tình nơi miền quê dân.


ĐỒNG NGỌC HOA

Nguồn:  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét