Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Không Lộ và Minh Không là hai hay một người?


Chùa Keo Hành Thiện (Thần Quang Tự) thờ Thiền sư Không Lộ
Trần Mỹ Giống

Gần đây có một số tác giả viết bài trên tạp chí và in trong sách cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không chỉ là một người. Từ quan điểm đó dẫn đến nhìn nhận những sự kiện, chi tiết phi lý, trái với thư tịch lịch sử. Chẳng hạn, trong bài “Đức Thánh Nguyễn Minh Không” của Đỗ Danh Gia (Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 59 năm 2008) có đoạn: “...Minh Không làm nên tứ đại khí, là bốn báu vật của nước Nam ta...”
và “Chí Thành (Nguyễn Minh Không) nuôi chí lớn, đi chu du thiên hạ, lúc thì đăng sơn kích thỏ, lúc thì phóng thuỷ cầu ngư, gặp ông Đạo Hạnh ở chùa Sài Sơn kính làm anh em”. Sách “Bái Đính – Ngàn năm tâm linh và huyền thoại” của Trương Đình Tưởng (Nxb. Thế giới, 2008) cũng viết về Nguyễn Minh Không: “Ông còn được mệnh danh là ông tổ đúc đồng, người tạo nên “Tứ đại khí” nổi tiếng ở nước ta thời nhà Lý là Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Quỳnh Lâm và đỉnh Phổ Minh”. Tác giả Trương Đình Tưởng còn cho rằng hai bài thơ của Dương Không Lộ là “Ngôn hoài” và “Ngư nhàn” là của Nguyễn Minh Không trên cơ sở hiểu “Mảnh đất “long xà” mà tác giả đề cập đến trong bài thơ “Ngôn hoài” chính là nói đến vùng đất Sinh Dược, có núi Bái Đính, nơi ông tu hành trên đỉnh núi...” Tôi không hiểu vì sao Trương Đình Tưởng viết “ông tu hành trên đỉnh núi” Bái Đính mà lại phải “Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh”?!
Xin được trao đổi với hai tác giả thông qua bài trao đổi với Hồ Đức Thọ dưới đây.
Trong bài “Thiền sư Dương Không Lộ – Nguyễn Minh Không là hai hay là một” trên Tạp chí Văn nhân số 62 năm 2008, tác giả Hồ Đức Thọ đã thống kê một số tài liệu về hai thiền sư theo hai quan điểm: Hai ông là hai người và hai ông chỉ là một, từ đó kết luận: “Với những tư liệu sách vở và qua khảo sát điền dã hàng ba, bốn chục năm trong nghề, xin mạo muội nhận định hai vị Không Lộ Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ chỉ là một người” . Và tác giả Hồ Đức Thọ tự tin mời các trí giả, độc giả trao đổi trực tiếp, hoặc bằng văn bản, báo chí với ông.
Xin được trao đổi một số điều với tác giả Hồ Đức Thọ.

1– Về tài liệu tác giả Hồ Đức Thọ thống kê theo hai quan điểm:
Phần đầu bài viết của mình, tác giả Hồ Đức Thọ tóm tắt hai quan điểm khác nhau về Không Lộ và Minh Không. Về quan điểm hai nhân vật là khác nhau, tác giả nêu ba tài liệu là “Đại Nam nhất thống chí”, “Hoàng Việt thi văn tuyển”, “Hành Thiện xã chí”; Còn quan điểm hai nhân vật là một người thì căn cứ vào “Nam Định địa dư chí” của Khiếu Năng Tĩnh (Thực ra tên sách là “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược”), “án cổ tích Đại Bi tự Thiền uyển thực lục” ở chùa Đại Bi xã Nam Giang, huyện Nam Trực (Nam Định), “Đại Việt sử ký toàn thư”, bài viết của Nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang và một số sắc phong từ thời Lê về sau...
Các tài liệu mà tác giả Hồ Đức Thọ nêu trên ra đời rất muộn với thời kỳ nhân vật sống, mỗi tài liệu lại đặt ra từ chính nội dung của nó những vấn đề nghi vấn cần phải làm rõ. Riêng “Đại Việt sử ký toàn thư” lại chỉ nói về Nguyễn Chí Thành, chẳng nói gì về Không Lộ nên không thể lấy đó mà nhận định Không Lộ cũng chính là Minh Không. Tác giả Hồ Đức Thọ căn cứ vào “Đại Việt sử ký toàn thư” là đúng nhưng ông lại không hiểu đúng (hoặc cố tình không hiểu) nên dẫn đến nhận thức sai lầm. Chẳng hạn, tác giả cho rằng sách chỉ nói về Minh Không, không hề nhắc đến Không Lộ thì tức là chỉ có nhân vật Minh Không, và Không Lộ cũng chỉ là Minh Không. Đó là cách hiểu chủ quan, cảm tính.
Một số tài liệu ra đời sớm hiện còn trong đó đáng chú ý nhất là bản trùng san (in lại) “Thiền uyển tập anh” thì không được tác giả khảo cứu. “Thiền uyển tập anh” đã được các nhà khảo cứu kết luận do Thông Biện (? – 1134) khởi thảo, đến Biện Tài, Thường Chiếu và cuối cùng là ẩn Không (đầu thời Trần) hoàn chỉnh. Phần nói về Không Lộ tài liệu này viết rõ rằng ông họ Dương (? – 1119) quê ở Hải Thanh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Đồng thời sách lại có riêng một truyện viết về Minh Không (1066 – 1141) họ Nguyễn, quê ở Đàm Xá (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Nếu Minh Không và Không Lộ chỉ là một người thì sách để riêng hai truyện làm gì.
“Trù Thủ tự Bảo Long am bi ký” - Bia chùa Trù Thủ để ở đình xã La Vân, huyện Quỳnh Côi (Thái Bình) do Phạm Đăng Dự soạn, dựng năm 1633 cũng nói rõ tác giả theo đúng cựu bản “Phật tổ ngữ lục” và “Thiền uyển” mà khắc vào bia phần “Phù Vân quốc sư ngữ lục” cho biết: Sư người Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Tràng An, họ Nguyễn huý Chí Thành, học trò của Từ Đạo Hạnh, được thày ban thưởng đổi tên là Nguyễn Minh Không...
Một số sách về sau cũng viết rõ Minh Không và Không Lộ là hai người như “Lĩnh Nam chích quái” (TK15), “Quỳnh Côi dư địa chí” (1933), “Quốc sư Bảo lục” (1898)...
Thiết nghĩ các tài liệu càng gần sự kiện bao nhiêu thì càng đáng tin cậy bấy nhiêu (trừ khi các tài liệu ra đời sau có cứ liệu xác đáng bác bỏ quan điểm của tài liệu trước). Nhân vật Không Lộ và Minh Không đều là các thiền sư. Tìm hiểu về hai nhân vật này phải căn cứ chính vào tài liệu lịch sử và tài liệu của nhà Phật. Tác giả Hồ Đức Thọ căn cứ vào các tài liệu ra đời muộn hơn nhiều so với “Thiền uyển tập anh” (tài liệu hiện còn của các nhà sư sống gần nhất với Không Lộ và Minh Không) nên độ tin cậy không cao. Cơ sở quan điểm của tác giả Hồ Đức Thọ không vững chắc tất yếu dẫn đến những nhận định chủ quan, phiến diện.

2– Tác giả Hồ Đức Thọ viết: “...Thực ra hội Ông (tức thánh Nguyễn Chí Thành – chú thích của TMG) tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Chín. Đây là dịp kỷ niệm Thiền sư thời Lý, một nhà chân tu, một vị danh y, một tổ sư của nghề đúc đồng, có công đúc bốn bảo vật to lớn cho quốc gia Đại Việt như Tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền (Hà Nội), tượng chùa Quỳnh Lâm (Hải Dương) và vạc Phổ Minh (Nam Định)”... Tiếp theo tác giả dùng câu nghi vấn nhằm khẳng định Không Lộ, Minh Không chỉ là một người – Nguyễn Chí Thành: “Có phải Thiền sư họ Dương huý Minh Nghiêm quê Giao Thuỷ hiệu Không Lộ. Hay như chính sử và sách tham khảo, di ngôn khẳng định vị Thiền sư họ Nguyễn, huý Chí Thành, quê Đàm Xá hiệu Khổng Lồ, Không Lộ, Minh Không?”
Để kiểm chứng điều tác giả Hồ Đức Thọ nêu trên, tôi tra cứu lại sách sử thì thấy không hoàn toàn đúng như nhận định của tác giả. Với quan điểm Dương Không Lộ chính là Nguyễn Minh Không (1066 - 1141), tác giả nói ông đúc cả bốn bảo vật (tứ đại khí) là sai lầm. Xin hãy đọc kỹ lại các sách sử sẽ thấy:

A - Tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm: 
“Đại Nam nhất thống chí” (H.: KHXH, 1971. – T.3. - Tr. 413) chép: “Chùa Quỳnh Lâm, xã Hạ Lôi, huyện Đông Triều, do Thiền sư triều Lý là Nguyễn Minh Không lập, đúc tượng đồng trong chùa”.

B – Tháp Báo Thiên:
 
“Đại Việt sử ký toàn thư” (H.: KHXH, 1998. – T.1. - Tr. 272) ghi: “Đinh Dậu (Long Thuỵ Thái Bình) năm thứ 4(1057). Mùa xuân, tháng Giêng, xây Bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên cao vài chục trượng, theo kiểu 12 tầng (tức là tháp Báo Thiên)”.
Tháp Báo Thiên được xây dựng vào năm 1057, mà Minh Không ra đời vào năm 1066, tức là Tháp Báo Thiên đã có trước khi Nguyễn Minh Không ra đời tới 9 năm thì sao có thể nói Minh Không xây tháp Báo Thiên được. Tháp Báo Thiên do vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072) cho xây dựng nên những tác giả của “Đại Việt sử ký toàn thư” (Sđd. - T.1. - Tr. 271) phê phán ông là “... nhọc sức dân xây tháp Báo Thiên, phí của dân làm cung Dâm Đàm, đó là chỗ kém”. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (H.: KHXH, 1992. – T.1. – Tr.193 – 194) cũng viết như thế: “Chỉ có việc xây tháp Báo Thiên, làm cung Dâm Đàm, nhọc dân tốn của”.

C – Chuông Quy Điền:
 
- “Đại Việt sử ký toàn thư” (Sđd. - Tr. 281) chép: “Canh Thân (Anh Vũ Chiêu Thắng) năm thứ 5(1080). Mùa xuân, tháng hai, đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí không nên tiêu huỷ, bèn đem bỏ ở Quy Điền (ruộng rùa) của chùa. Ruộng ấy, thấp ướt, có nhiều rùa, người bấy giờ gọi là chuông Quy Điền”.
Như vậy, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi rõ chuông Quy Điền là do vua Lý Nhân Tông cho đúc, khi ấy Nguyễn Minh Không mới 14 tuổi không thể đúc chuông này được.
- Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn (H.: Giáo dục, 1998. – T.1. – Tr. 365) chép: “Tân Tỵ, năm Long Phù thứ nhất (1101) (đời vua Lý Nhân Tông)”... “Sửa lại chùa Diên Hựu. Chùa này do Lý Thái Tông làm ra để cầu trường thọ; đến đây tu sửa lại. Lại đúc quả chuông lớn. Đúc xong, đánh thử, chuông không kêu, đem bỏ ở ngoài ruộng. Ruộng ấy sẵn nhiều rùa, nên người ta gọi là “Chuông Quy Điền”.
Cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ra đời sau, tuy viết năm đúc chuông khác với “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng cũng viết năm đúc chuông ở đời Lý Nhân Tông và cũng không hề nói chuông do Nguyễn Minh Không đúc. 

D – Vạc (đỉnh) Phổ Minh: 

- “Đại Nam nhất thống chí” (Nxb. Thuận Hóa, 1992. – T.3. – Tr. 343) chép: “Đỉnh cũ Phổ Minh: Nặng ngàn quân, ở chùa Phổ Minh huyện Mỹ Lộc. Tương truyền, đời Lý, thiền sư Dương Không Lộ học được pháp thần thông, sang triều đình Bắc Quốc khuyến giáo đồng đỏ, vào kho đồng lấy được đầy túi mang về đúc thành đỉnh, nay đặt ở trước cửa chùa, tức là một trong “An Nam tứ khí”.
Như vậy, vạc Phổ Minh do Dương Không Lộ đúc. Việc chưa thể khẳng định được Dương Không Lộ cũng chính là Nguyễn Minh Không, nên cũng không thể nói vạc (đỉnh) Phổ Minh là do Nguyễn Minh Không đúc.
- Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” (Sđd. – T.1. – Tr.196) lại chép: “Sau khi nhường ngôi, vua (Trần Nhân Tông) lưu tâm kinh điển nhà Phật, xây am Thiên Kiện, đúc đỉnh (vạc) Phổ Minh thờ Phật rất chăm”.
- Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (Sđd. – Tr. 490) chép: “Nhâm tuất (1262) (đời vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278)”... “nhân đấy đổi làng Tức Mặc làm phủ Thiên Trường; dựng cung gọi là Trùng Quang để cho các vua đã nhường ngôi rồi về ở; phía tây cung dựng chùa Phổ Minh”. Như thế thì có chùa Phổ Minh rồi mới có đỉnh Phổ Minh.
Hai cuốn dẫn sau tuy nói khác nhau về thời gian ra đời của vạc Phổ Minh, nhưng đều thống nhất ở thời Trần. Nếu hai cuốn này viết đúng thì vạc Phổ Minh không thể do Minh Không thời Lý đúc được.
Rõ ràng việc tác giả Hồ Đức Thọ nói rằng căn vứ vào các sách sử thì Nguyễn Minh Không đúc cả tứ đại khí là một nhận định sai. Nguyễn Minh Không chỉ đúc tượng Phật chùa Quýnh Lâm, còn ba đại khí khác không phải do Nguyễn Minh Không làm.


3– Tác giả căn cứ vào tập án cổ tích Đại Bi tự Thiền uyển thực lục đã viết: “Đoạn sau có ghi việc kết bạn của Minh Không, Giác Hải và Đạo Hạnh vào năm Canh Tý (1120) “Chí Canh Tý niên, Minh Không, Giác Hải dữ Đạo Hạnh kết vi huynh đệ ước vãng Tây Thiên Phật cầu ấn Độ pháp...” rồi kết luận “Sách không hề nói đến Dương Không Lộ, vậy Không Lộ huý Minh Nghiêm mất năm 1094 kết nghĩa với ai? Làm gì có chuyện đồng hành đi học đạo Tây Thiên với Giác Hải, Đạo Hạnh” để phản bác quan điểm Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau.
Về Giác Hải ta chưa rõ cụ thể năm sinh và năm mất, nhưng Đạo Hạnh (tức Từ Lộ) thì thư tịch cổ đã ghi rõ ông mất năm 1117. Vậy năm Canh Tý (1120) Minh Không kết bạn với Đạo Hạnh nào để đi Tây Thiên?
“Đại Việt sử ký toàn thư” (Sđd. - Tr. 308-309) chép vào tháng 3 năm 1136: “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Nguyễn Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này.)”
“Đại Nam nhất thống chí” (Sđd. - Tr. 259) cũng chép: “Từ Đạo Hạnh sắp mất, dặn lại Nguyễn Minh Không rằng: “Sau này thày ở ngôi vua, khó trốn được nợ trần, cần được đệ tử cứu chữa”.
Như vậy, theo chính sử thì Minh Không là đệ tử của Đạo Hạnh, là thế hệ sau chứ không phải là bạn bè để “kết vi huynh đệ” với Đạo Hạnh. Những điều này chứng tỏ tài liệu tác giả Hồ Đức Thọ lấy làm căn cứ để bác bỏ quan điểm Minh Không và Không Lộ là hai người, từ đó nhận định quan điểm Minh Không và Không Lộ chỉ là một người là không đáng tin cậy, là sai lầm.


4 – Cách hiểu bài “Ngôn hoài”(của Dương Không Lộ) của tác giả Hồ Đức Thọ là khiên cưỡng khi nhận xét: “Cô phong Đính, địa phương cho là núi Bái Đính (có người dịch là đỉnh núi). Nhưng Giao Thuỷ làm gì có núi cao chót vót, kể cả núi hình rồng, hình rắn như thơ tả cảnh Đàm Xá, Gia Viễn. Vậy mà bàn cãi mãi.” Cách hiểu về bài “Ngôn hoài” của tác giả Hồ Đức Thọ cũng tương tự như cách hiểu của tác giả Trương Đình Tưởng. Từ cách hiểu như vậy Hồ Đức Thọ nhận định tác giả bài “Ngôn hoài” là của Nguyễn Minh Không, và Không Lộ cũng chính là Minh Không.
Tra cứu nguyên bản bài thơ “Ngôn hoài” trong “Thơ văn Lý Trần” thì ba chữ mà tác giả phiên âm là “Cô phong Đính” đúng theo từ điển phải phiên âm là “Cô phong đỉnh” (“cô” là một mình, đơn độc; “phong” là đỉnh núi; “đỉnh” là chỗ cao nhất của đầu). ( Từ lâm Hán Việt từ điển. - Nxb. Thuận Hoá, 2001 và Từ điển Hán Việt hiện đại. - Nxb. Thế giới, 1995). Một dị bản của bài Ngôn hoài chép chữ “lĩnh” (cổ, chỉ bộ phận quan trọng của sự vật) thay cho chữ “đỉnh”. Ba chữ này (“cô phong đỉnh” hoặc “cô phong lĩnh”) mà lại gán cho nó “là núi Bái Đính” có khiên cưỡng quá không? Có đúng không?
“Ngôn hoài” là một tác phẩm văn học dưới thể loại thơ tứ tuyệt, phải tìm hiểu cảm thụ nó trên cơ sở đặc trưng nghệ thuật của thơ, cụ thể là tác giả đã dùng hình ảnh, hình tượng, ngôn ngữ đặc trưng thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình như thế nào, ta mới có thể hiểu đúng bài thơ và tư tưởng tác giả. Về việc cảm thụ bài thơ này đã có nhiều bài viết hay trong sách và trên báo, tạp chí nên thiết nghĩ không cần phân tích sâu, mà chỉ nêu đôi chỗ liên quan đến chủ đề bàn cãi. Theo tôi, “cô phong đỉnh” đơn giản chỉ là một hình tượng cô độc mà đẹp đẽ, hùng vĩ, độc lập, là hình ảnh của Thiền, là đỉnh cao của trí tuệ giác ngộ, không gì so sánh được. Có lẽ hình tượng “long xà địa” trong bài thơ làm tác giả Hồ Đức Thọ và Trương Đình Tưởng hiểu là những rặng núi hình rồng, hình rắn uốn quanh ngôi nhà rồi suy ra đó là “vùng đất Sinh Dược, có núi Bái Đính, nơi ông tu hành trên đỉnh núi...” Thực ra trong 92 thuật ngữ phong thuỷ không thấy có thuật ngữ “Long xà địa”. “Kinh dịch” có câu “Long xà chi chập, dĩ tồn thân dã” (Rồng rắn mà ẩn nấp cốt để giữ mình vậy). “Hán thư” cũng chép “Quân tử đắc thời tắc đại hành, bất đắc thời tắc long xà” (Người quân tử gặp thời thì làm việc lớn, không gặp thời thì ở ẩn). Hình ảnh “long xà địa” trong “Ngôn hoài” thể hiện người quân tử – tác giả mang chí lớn, nhưng chưa gặp thời mà “rồng hoá rắn”, ẩn mình chờ thời, một khi gặp đúng thời thì hành động kiên quyết, mạnh mẽ, táo bạo “trực thượng cô phong đỉnh”. Đằng sau sự thanh nhàn nơi thôn dã là hoài bão lớn lao của tác giả.
Như vậy, có nhiều cách cảm thụ bài thơ tuỳ theo trình độ, kiến văn và vốn sống của mỗi người. Tuy nhiên, vì “Ngôn hoài” là một tác phẩm văn học nên chúng ta cũng cần phải hiểu nó ở “tầm cấp tinh thần” gắn với đặc trưng của hình tượng văn học, không nên hiểu theo cách “vật chất hóa” hoặc “tầm thường hóa” và suy diễn dẫn đến hiểu sai lệch bài thơ. 


5 – Đề xuất một hướng nghiên cứu về Không Lộ và Minh Không:

Hiện nay ở Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình... có gần ba chục nơi thờ chính, thờ vọng, phối thờ thánh Không Lộ. Truyền thuyết về Không Lộ ở những nơi này khá giống nhau. Phải chăng việc kết hợp những huyền thoại với tiểu sử của hai nhân vật có thật là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không đã “sáng tạo” ra Thánh Không Lộ (hoặc/và Thánh Minh Không)?
Đặc điểm địa lý tự nhiên của các vùng thờ Thánh Không Lộ là đất trũng, sát biển, hệ thống sông ngòi dày đặc, vùng đất “giao thuỷ” mênh mông làm con người thấy mình nhỏ bé, cần sự che chở của một vị thần linh, từ đó xuất hiện Thánh Không Lộ. Về sau cư dân chuyển từ đánh cá sang trồng lúa thì Thánh Không Lộ lại được sáng tạo trở thành vị thần linh nông nghiệp, giúp dân khai hoang trồng lúa với các chi tiết thường nhật của nông dân như đơm đó, bắt lươn... Đồng thời các nghề thủ công phát triển, Thánh Không Lộ trở thành Tổ nghề đúc đồng. ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần của nhân dân nước Việt góp phần sáng tạo Thánh Không Lộ là một nhà tu hành có nhiều phép linh dị. Rõ ràng hình tượng Thánh Dương Không Lộ (hoặc / và Thánh Nguyễn Minh Không) là kết quả quá trình chồng xếp lên nhau của nhiều lớp văn hoá, tín ngưỡng trong đó văn hoá biển là lớp văn hóa sớm nhất.
Tổng hợp, phân tích những tài liệu về Minh Không và Không Lộ, loại bỏ những huyền thoại (khá giống nhau ở hai nhân vật này), chúng ta còn lại hai nhân vật lịch sử có thật là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không, với những điểm riêng biệt của mỗi người. Đó là danh tính khác nhau, năm sinh và năm mất khác nhau, quê quán khác nhau. Dương Không Lộ – nhà thơ. Nguyễn Minh Không – thày thuốc. Dương Không Lộ là sư tổ chùa Thần Quang, Nguyễn Minh Không là sư Tổ chùa Quỳnh Lâm. Cả hai đều được phong Quốc sư thời Lý và đều chữa bệnh cho vua Lý, nhưng ở hai đời vua khác nhau. 

Tóm lại: Bằng những chứng cứ thiếu độ chính xác và không đủ sức thuyết phục với cách hiểu cảm tính, khiên cưỡng và phiến diện, Hồ Đức Thọ kết luận Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không chỉ là một người là không thuyết phục, là sai lầm.

2005
TMG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét