Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ có phải là hành cung nhà Trần?

Nhà nghiên cứu Hán Nôm: DƯƠNG VĂN VƯỢNG
Cử nhân: TRẦN MỸ GIỐNG
(Bộ môn NCPB Hội VHNT Nam Định)

    Từ mấy chục năm nay, theo ngành bảo tàng di tích Nam Định thì khu chùa Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là bốn cung của nhà Trần nằm trong quần thể hành cung Tức Mạc thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, được xây dựng vào giữa thế kỷ 13.
         Trong “Lý lịch di tích lịch sử – khảo cổ học chùa Đệ Tứ xã Lộc Hạ ngoại thành Nam Định” của Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nam Ninh năm 1989 có viết: “Sách Đại Nam nhất thống chí, phần nói về tỉnh Nam Định có ghi: “... Chùa quán Đại thánh ở xã Đệ Tứ, huyện Mỹ Lộc, là hành cung thứ tư (Đệ tứ hành cung) do nhà Trần xây dựng. Sau dân sở tại dùng chữ Đệ Tứ làm tên xã, lại dựng chùa ở đây”.

         Lâu nay chúng tôi cứ băn khoăn rằng đã là hành cung thì phải còn phế tích. Vậy tại sao hành cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam lại không tìm thấy phế tích. Riêng có Đệ Tứ thì còn phế tích, nhưng liệu phế tích đó có thực là hành cung hay chỉ là nơi ở của một vị quan nào đó thời Trần?
         Vừa qua, nhân tìm thấy và dịch một số di cảo thơ của người xưa để tuyển vào cuốn “1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thiên Trường – Nam Định” (Hội Nhà văn xuất bản năm 2010) của Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, trong đó ba bài thơ có nội dung liên quan đến Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ buộc chúng tôi không thể không đặt ra vấn đề xem lại có đúng đây là bốn hành cung của nhà Trần không?
        Bài thơ thứ nhất của Vũ Duy Thiện chép trong “Lịch Đại An dân ký” như sau: 

 到 第 四 闍

相 傳 自 古 有 軍 營
天 屬 爲 名 半 萬 兵
四 隊 時 常 留 不 改
平 分 水 陸 幾 畨 靈
生 防 莫 敢 離 屯 住
死 戰 誰 收 置 石 銘
瓦 礫 人 言 陳 代 事
孤 魂 並 立 望 無 更

Phiên âm:

ĐÁO ĐỆ TỨ ĐÔ (1)
Tương truyền tự cổ hữu quân doanh
Thiên Thuộc vi danh bán vạn binh (2)
Tứ đội thời thường lưu bất cải
Bình phân thuỷ lục kỷ phiên linh
Sinh phòng mạc cảm ly đồn trú
Tử chiến thuỳ thu trí thạch minh
Ngoã lịch nhân ngôn Trần đại sự
Cô hồn tịnh lập vọng vô canh.
       
Dịch nghĩa:
ĐẾN ĐỆ TỨ ĐÔ
Tương truyền nơi đây thuở trước có quân doanh, với tên Thiên Thuộc ước nửa vạn người.
Đội 4 thời thường trú ngụ không biến cải, chia làm thuỷ lục từng bao lần lập công hiển hách.
Khi sống dám nói rằng dời bỏ nơi đồn trú, qua cuộc chiến tranh chết đi ai vì thu nhặt xác tàn.
Phế tích gạch ngói đây phương dân nói là việc cũ thời Trần, các nơi đền miếu dựng thờ cô hồn mong rằng chớ hề thay đổi.

Dịch thơ:
Tương truyền thuở trước có quân doanh
Thiên Thuộc là tên nửa vạn binh
Đội bốn thời thường luôn trấn giữ
Chia đôi thuỷ lục cậy yên lành
Người còn nào dám quên phòng thủ
Xương vãi ai thu việc chiến tranh
Phế tích thời Trần dân vẫn nói
Cô hồn các miếu nhớ đinh ninh.
(Dương Văn Vượng dịch)

Chú thích:
(1) Đệ Tứ đô: Cửa Đệ Tứ – tên cũ chùa Đệ Tứ hiện nay. Chữ “đô” còn nghĩa là cái lầu canh xây ở trên thành.
(2) Nguyên chú của tác giả (Vũ DuyThiện): “Bốn đạo quân Thiên Thuộc có ước 5.000, Đệ Tứ thường có 2.000 thì 1.000 là thuỷ chiến. Vào thời chống Nguyên, rồi đến chống Minh vẫn còn được biên chế đầy đủ, nhưng thường lúc đã tận diệt. Nay là bốn ngôi chùa ở Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ”

Bài thứ hai của Vũ Triệt Vũ:

過 孤 魂 寺

萬 里 風 塵 不 顧 身
孤 魂 四 邑 感 君 恩
佋 來 未 必 真 名 字
付 在 方 官 歲 两 分


Phiên âm:
QUÁ CÔ HỒN TỰ
Vạn lý phong trần bất cố thân
Cô Hồn tứ ấp cảm quân ân
Chiêu lai vị tất chân danh tự
Phó tại phương quan tuế lưỡng phân.

Dịch nghĩa:
TỚI CHÙA CÔ HỒN
Muôn dặm xông pha gió bụi, đâu dám coi mình là trọng.
Dựng bốn ngôi chùa ở bốn ấp đều gọi là Cô Hồn.
Thuở ấy chiêu về biết có đúng được họ tên,
Giao cho quan sở tại thường năm hai lần lễ bái vào tiết xuân phân, thu phân.
Dịch thơ:
Liều mình muôn dặm phong trần
Ơn vua chùa cúng cô hồn tứ lân
Chiêu về có thực họ tên
Phó cho bản hạt nhị phân tế cầu.
(Dương Văn Vượng dịch)

Bài thứ ba của Trần Kỳ chép trong “Quốc sử tất đọc” và “Kiến văn vựng tuyển” như sau:  

       大 聖 觀 寺

譜 存 光 啟 祀 三 清
立 觀 閒 時 見 有 寕
天 屬 幾 畨 臨 難 死
地 餘 長 壘 聚 民 生
當 間 輝 净 來 修 處
又 得 棃 公 次 室 情
老 少 飽 温 傳 故 事
春 秋 思 德 拜 遺 形


          Phiên âm:
ĐẠI THÁNH QUÁN TỰ
Phả tồn Quang Khải tự Tam Thanh
Lập quán nhàn thời kiến hữu ninh
Thiên Thuộc kỷ phiên lâm nạn tử
Địa dư trường luỹ tụ dân sinh
Đương gian Huy Tịnh lai tu xứ
Hựu đắc Lê công thứ thất tình
Lão thiếu bão ôn truyền cố sự
Xuân thu tư đức bái di hình.

          Dịch nghĩa:
CHÙA ĐẠI THÁNH QUÁN(1)
Tự phả ghi rằng ông Quang Khải sùng thượng Tam thanh, nên dựng quán để khi nhàn cầu đảo thấy được sự yên lành.
Tại đây quân Thiên Thuộc từng nhiều phen tử nạn. Luỹ đất hằn lên kéo dài kia là chỗ nhà dân cư trú.
Thời ấy có cung phi Huy Tịnh tới tu tỉnh nghỉ ngơi. Rồi lại được Lê Tần vì tình của thứ thất mà góp công.
        Già trẻ ngày nay đội ơn được sự ấm no, mỗi khi tới tiết xuân thu đều tụ lại lễ lạy tại trước tượng thờ.
Chú thích:
      (1) Chùa thuộc thôn Đệ Tứ, phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định hiện nay, thờ Trần Quang Khải và thờ Phật.
       Nguyên chú của tác giả (Trần Kỳ): Ông Chiêu Minh Đại vương này rất thông về đạo thần tiên, con cháu ông kế chí có nhiều tác phẩm như: Bất tín vu thuyết, Nam nhân Nam thần, Cần công khổ học... Ban đầu ông Quang Khải ở đặt là Tĩnh Tâm quán, đời Lê đổi là Đại Thánh quán, sau Lê Trịnh mới thờ Phật mà thêm chữ tự (chùa) vào sau chữ quán.

      Dịch thơ:
Phả rằng Quang Khải phụng Tam Thanh
Dựng quán khi nhàn tỏ tấm thành
Thiên Thuộc bao phen vì nước chết
Luỹ dài còn đó xóm dân sinh
Đương thời Huy Tịnh về tu tỉnh
Vợ thứ Lê công góp chút tình
Già trẻ ấm no ôn chuyện cũ
Xuân thu nhớ đức vọng thần linh.
(Dương Văn Vượng dịch)

        Theo như nội dung ba bài thơ trên thì Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ trước đây vốn là nơi đóng quân của bốn đội trong đội quân của nhà nước có tên là Thiên Thuộc. Đội quân này tồn tại từ thời Trần, lập công hiển hách trong chống Nguyên, qua chống Minh. Về sau nhân dân lập miếu Cô Hồn thờ những cô hồn tử sĩ ở cả bốn ấp. Hiện ở Đệ Nhị vẫn còn tấm bia nói về đội quân Thiên Thuộc được dựng từ thời Mạc. “Lý lịch di tích lịch sử – khảo cổ học chùa Đệ Tứ xã Lộc Hạ ngoại thành Nam Định” cũng nhắc đến một tấm bia nói về đội quân Thiên Thuộc, nhưng không cho biết nội dung cụ thể tấm bia đó. Đặc biệt bài “Đại Thánh quán tự” của Trần Kỳ có nguyên chú rất rõ ràng rằng chùa Đệ Tứ thờ Trần Quang Khải, chùa vốn do Trần Quang Khải lập ra gọi là Tĩnh Tâm quán, đến thời Lê mới đổi là Đại Thánh quán, thời sau Lê Trịnh mới thờ Phật nên thêm chữ “tự” sau chữ “quán” thành “Đại Thánh quán tự”.
       Các tác giả của ba bài thơ trên đều sống ở thời Lê:
       - Tác giả Vũ Duy Thiện là người xã An Cự, huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức 9(1478) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Hiến sát sứ, Nhập thị kinh diên. Ông có tác phẩm Cố kinh lược khảo và Hùng Vương ký sự.
        - Tác giả Vũ Triệt Vũ (1460 - ?) quê xã Đào Lạng, huyện Đại An (nay thuộc xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan Hình bộ Tả thị lang.
        - Tác giả Trần Kỳ là người xã An Thái, huyện Thiên bản (nay thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18(1487) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến Hàn lâm viện, Đông Các hiệu thư. Ông có tác phẩm Từ hiếu gia thư.
         Các bộ chính sử chỉ nói hành cung nhà Trần ở Tức Mặc mà không hề nói Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là hành cung nhà Trần. “Đại Nam nhất thống chí” chỉ nói Đệ Tứ là hành cung nhà Trần. Đây là bộ sách địa chí – địa lý được biên soạn dưới thời Nguyễn, tức là ra đời muộn hơn nhiều so với ba bài thơ nêu trên. Tài liệu gần sự kiện đáng tin cậy hơn tài liệu ra đời xa sự kiện. Vì thế ba bài thơ của ba vị Tiến sĩ quan chức nhà nước nêu trên là tài liệu rất đáng coi trọng. Từ ba bài thơ trên đặt ra một nghi vấn lịch sử là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ có đúng là bốn hành cung của nhà Trần không, hay chỉ là bốn đồn trú quân doanh của đội quân Thiên Thuộc như nội dung ba bài thơ nêu trên?
        Tóm lại:
        - Nói di tích Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là bốn hành cung ngoại của nhà Trần là chưa đủ chứng cứ thuyết phục.
        - Rất có thể phế tích mà ngành văn hóa thông tin địa phương thám sát phát hiện ở Đệ Tứ chính là phế tích Tĩnh Tâm quán của Trần Quang Khải chứ không phải hành cung nhà Trần.

DVV - TMG

Ghi chú: Bài viết này được tác giả đọc tham luận trong Hội thảo khoa học Dấu ấn Văn hóa Trần trong cộng đồng dân cư Nam Định (Công trình nghiên cứu cấp tỉnh đã nghiệm thu). Đăng trong Tạp chí Xưa và Nay số 2 - 2018 của Hội Khoa học Lịch sử Nam Định. Cũng in trong Tạp chí Khuông Việt dưới đây:




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét