Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

KHI HỌA SĨ LÀM CHỦ TỊCH HỘI / Đào Vĩnh


Họa sĩ Lê Minh Sơn - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Nam

          Vốn quê miền Sơn Nam Hạ và là hội viên đầu từ khi thành lập hội VHNT Hà Nam Ninh nên sau này tách chia trở lại ba tỉnh cũ thì với tôi các hội Văn nghệ Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình vẫn là những ngôi nhà mình. Những năm gần đây tôi thường lại qua Hà Nam khi thì công chuyện, khi thì quá giang về quê. Những lần như thế hầu như đều gặp gỡ chủ tịch Lê Minh Sơn tại hội, rồi không nhớ chúng tôi thân thiết nhau như anh em từ khi nào?

        Họa sĩ Lê Minh Sơn sinh năm 1962 tại quê xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (nay thuộc tp. Phủ Lý), Hà Nam. Anh có cả tuổi thơ, tuổi học trò nơi có dòng sông Nhuệ thơ mộng ngang qua. Tốt nghiệp PTTH ở trường cấp 3B Duy Tiên, Lê Minh Sơn thi đỗ rồi vào học khoa Điêu khắc trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trường Mỹ thuật hàng đầu danh tiếng quốc gia này (tiền thân là trường Mỹ thuật Đông Dương) là chiếc nôi truyền thống mát tay đỡ cho bao danh họa lớn nước nhà như: Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Cao Luyện, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… Học xong khóa 24 (1981-1986) Lê Minh Sơn về làm giảng viên tại trường Văn hóa - nghệ thuật Hà Nam Ninh từ năm 1987 rồi năm 1992 thành trường Nam Hà khi tỉnh Ninh Bình được chia tách. Qua 10 năm công tác tại trường Lê Minh Sơn đã góp phần đào tạo nhiều tài năng của địa phương về Văn hóa - nghệ thuật, trong đó có Mỹ thuật với đủ các thể loại.
          Đầu năm 1997, khi Hà Nam trở về tỉnh cũ, do yêu cầu chung Lê Minh Sơn được điều về phòng nghiệp vụ Văn hóa thuộc sở Văn hóa - thông tin và đến tháng 7/1997 tiếp tục chuyển tới Bảo tàng tỉnh giữ chức phó Giám đốc. Và nơi bây giờ họa sĩ đã làm việc 12 năm (từ 6/2006) tại hội VHNT cũng do tỉnh điều động với các cương vị tham gia ban chấp hành, trưởng bộ môn Mỹ thuật và 3 khóa liền là chủ tịch hội. Còn dăm tuổi nữa không biết “con đò” công tác còn đưa Lê Minh Sơn đến bến bờ nào nữa không?
          Dẫu có nhiều năm đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tổ chức cơ quan, nhưng cái “nghiệp” Lê Minh Sơn đam mê từ tuổi học trò đã song hành trong cuộc đời, như thể đã mặc định trước. Như nhiều nghệ sĩ khác, cây bút vẽ, mũi dao chạm khắc lúc nào cũng đăm đắm bên mình nên không dễ gì nguôi ngoai với một họa sĩ được đào tạo chính qui bài bản. Chính bởi đam mê không ngừng nên Lê Minh Sơn từng gặt hái được những thành quả sáng tạo khả quan:
          Năm 1995 từ khi có triển lãm mỹ thuật Đồng bằng sông Hồng thường kì do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, đến nay đã 21 lần thì lần nào Lê Minh Sơn cũng có 1 đến 2 tác phẩm trưng bày. Năm 1994, cùng với các họa sĩ Vũ Xuân Dương, Nguyễn Công Hiệp – bộ ba đã trưng bày tại 16, Ngô Quyền, Hà Nội. Riêng Lê Minh Sơn có 14 tranh lụa đóng góp vào triển lãm chung đó.
          Lê Minh Sơn cho biết, ngoài điêu khắc anh còn cuốn vào những say sưa ở những thể loại khác (sơn mài, sơn dầu, lụa ) như thể cuộc sống vốn phong phú cám dỗ thế. Ấy là trong số hàng trăm tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ có cả tranh lụa, sơn dầu và hình như có duyên hơn cả là tranh sơn mài. Về kĩ thuật sơn mài đã được các họa sĩ trong giới đánh giá cao. 
          Phong cách nghệ thuật của tay vẽ, tay khắc này chủ yếu là Tả thực. Từ thấu hiểu làng quê nên đề tài thường khai thác là tranh phong cảnh làng thôn cây đa, bến nước, sân đình… và những di tích lịch sử - văn hóa tồn tại bao đời trên quê hương, đất nước.
          Đương nhiên, văn hoc nghệ thuật có đặc thù riêng. Thế nên tôi đồng cảm với Lê Minh Sơn rằng rất cần một không khí trước khi mỗi người ngồi vào không gian sáng tác độc lập. Bởi thế nên hội Hà Nam thường tạo những chuyến đi, những trại sáng tác của mình và với các đồng nghiệp Hà Nội, Nam Định cùng các tỉnh khu vực. Có những trại của nhóm họa sĩ dài đến vài tháng trời nên nhiều tác phẩm được hình thành và nhào nặn hoàn thành tại đây.
          Trong số những tác phẩm tâm đắc nhất – khi được hỏi – Lê Minh Sơn cho biết, đó là những đứa con tinh thần đều mang hình hài của cha mẹ và đều rút ruột sinh thành nhưng vượt lên có: “Khúc nhạc đồng quê, Góc quê, Quê ngoại, Chùa làng”… có những bức tranh nhiều người hỏi mua nhưng tác giả vẫn không bán. Đặc biệt nhất là 3 tác phẩm: “Cõi tâm linh, Những ngư dân của biển, Quê nội” đều thuộc thể loại sơn mài. Ở “Cõi tâm linh, Quê nội” – làng quê và văn hóa Việt ngoài việc không lẫn với làng quê của các quốc gia khác ta còn thấy sự xum xuê của cây lá đậm nét xanh quyến rũ trong thấp thoáng những hàng ngói nâu sẫm của mái đình chùa cổ kính. Bức “Những ngư dân của biển” cho người xem hình dung, nhận diện đầy đủ một cách sâu lắng chân dung của những ngư dân bám trời, bám biển. Tác giả chỉ dựng cảnh lao động bằng một nhóm 5-7 người chuẩn bị ngư cụ ra khơi và đón nhận những mẻ cá tôm bên mép sóng mà ta thấy được toàn bộ ngư trường của những ngư dân nón lá lạc quan trong lao động. Chi tiết bóng của thợ thuyền in trên cát, trải dài trên cát làm cho bức tranh đứng lại, không thể trôi dễ dàng trong mắt người xem? Tác phẩm được hình thành trong dịp đi thực tế sáng tác ở miền biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa thời điểm chuyển giao thiên niên kỉ mà vẫn như vừa hôm qua, hôm nay - nét khắc muôn đời của biển quê ta.
          Thành quả ngày tháng tâm trí miệt mài của Lê Minh Sơn đã được ghi nhận. Đó là trong 5 năm liền 1999 – 2003 trong triển lãm Mỹ thuật khu vực II ĐBSH năm nào anh cũng đạt giải thưởng từ tặng thưởng trở lên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài tham gia triển lãm nhóm, khu vực, tỉnh - họa sĩ đã tham gia và được trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 1985, 2000, 2005,2015 với các tác phẩm: “Bếp lửa” (phù điêu gỗ),” Những ngư dân của biển, Khúc nhạc đồng quê, Chùa làng” ( sơn mài). Và đã 4 lần đạt giải Nguyễn Khuyến của tỉnh Hà Nam tao tặng cho những tác phẩm, công trình VHNT có những đóng góp tích cực xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. 
          Trở lại với câu chuyện nghề nghiệp đời thường. Có thể thấy văn nghệ sĩ sáng tác của ta rất hiếm người sống được bằng ngòi bút, tác phẩm của mình. Hơn thế, những người được xã hội, quần chúng tín nhiệm giao cho trách nhiệm thủ trưởng tổ chức, cơ quan càng không dễ bươn trải. Tôi đã từng gặp và tiếp xúc với khá nhiều chủ tịch hội VHNT các tỉnh thành. Những người làm đủ bổn phận sẽ không nhiều thời gian thư thái, nhất là phải lo sao cho hội mình có sự đoàn kết để không bận tâm quá đến những chuyện ngoài chuyên môn, bởi có những hội đấu đá, giành tranh nhau cả vài ba nhiệm kì liền. Với Hà Nam có được sự đồng sức, đồng lòng không thể không có vai trò của người đứng đầu hội. Lê Minh Sơn cho biết tuy tỉnh có số hội viên không đông đảo nhưng cái khó đâu có thể tất điều này? Hạn chế của hội đang ở chỗ lực lượng sáng tác hiện đã ở mức “già hóa” mà thế hệ kế cận cần tập trung bồi dưỡng đào tạo còn khan hiếm. Rồi kinh phí cấp trên cấp cho hội hàng năm rất hạn hẹp so với các hội bạn, nhất là từ năm 2016 số này bị cắt giảm nhiều theo chủ trương chung của Nhà nước, Chính phủ. Ảnh hưởng trực tiếp nhất là kinh phí biên tập, in ấn của tạp chí Sông Châu - tiếng nói của hội – mặc dù chỉ ra 2 tháng/ số.
          Dẫu vậy, bằng tâm huyết, trách nhiệm của tập thể và cá nhân chủ tịch hội, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh, TW, VHNT Hà Nam có những bước phát triển khá đều, toàn diện trong nhóm hàng đầu các địa phương toàn quốc. Ví như: Tổ chức thường kì liên hoan sân khấu, âm nhạc; các cuộc thi sáng tác Văn học về nông dân, nông thôn, Đất và người Hà Nam, năm nào cũng có triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh, riêng phạm vi toàn quốc thì triển lãm được tổ chức vào các năm chẵn…
          Đặc thù của hầu hết văn nghệ sĩ đích thực làm chủ tịch các hội VHNT là việc dù muốn hay không họ vẫn phải phân thân với “nghề” và “nghiệp”. Lê Minh Sơn tâm sự, công việc cũng tương đối bận bịu. Thời gian cuốn vào việc hành chính ở cơ quan, đối nội đối ngoại trong ngoài tỉnh rồi công tác Đảng, hội họp trên dưới xa gần nên sự chú tâm hoặc dấn thân cho sáng tác bị hạn chế. Anh nói hướng tới sẽ cố gắng dành mọi thời gian có thể và phải tìm tòi đổi mới cách nhìn và phong cách sáng tác để tươi tắn hơn tránh lối mòn từ nhiều năm tháng. Trước mắt, trong năm 2018 sẽ làm một phòng tranh riêng cá nhân để triển lãm tại Hà Nội. Ý tưởng này của anh được bạn bè đồng nghiệp, những người yêu quý đồng cảm ủng hộ. Sau nữa còn có sự đồng hành, lặng lẽ hậu thuẫn của vợ anh – chị Nguyễn Thị Sinh đảm đang nhiều khi dành cả những đồng tiền ít ỏi của mình để chồng thêm kinh phí mua vật tư làm tranh. Hai con anh một trai, một gái đều là cử nhân, có gia đình riêng và công việc ổn định ở Hà Nội và Nam Định.
          Thế nên họa sĩ – chủ tịch Hội Lê Minh Sơn dồn công sức vào công việc của văn nghệ Hà Nam và sáng tác. Một bên chủ yếu là đầu việc sự vụ, một bên là sản phẩm của sức tưởng tượng nhưng rất “nặng duyên tơ” và sẽ theo anh suốt cuộc đời…

Đào Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét