Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

CHUYỆN NHÀ HỌ NHÂM (Chuyện có thật viết từ làng Xuân Hy) / Nguyễn Kim Trì


Tác giả Nguyễn Kim Trì

          1. Thầy pháp

          Dòng họ Nhâm ở Phượng Minh có rất nhiều ruộng đất, con ăn đầy tớ nuôi trong nhà đến vài chục người, con cháu cũng được học hành tử tế, không có người đỗ cao nhưng cũng có ông tú này tú nọ. Ông Nhâm Đình Liêm cũng là người đáng nể trong họ này, đặc biệt có bà vợ rất hiền lành và tử tế, với người ăn người làm trong nhà, bà không coi họ là người ngoài, tiếng lành đồn xa tiếng dữ cũng đồn bẩy đồn ba ngày đường, trong vùng tôi có câu: Tử tế bà tú Liêm. 

          Một hôm, chẳng biết ở đâu đến, có một ông chừng độ năm mươi tuổi, nói năng thì ẫn à ẫn ờ, không ra ta cũng không ra tàu, quần áo thì cũ kỹ, đến nhà ông tú Liêm xin nước uống, nói là đi đường xa tìm người nhà đi lạc. Với con mắt tinh tường của ông tú Liêm và cũng là người hiếu khách, biết đây không phải là người tầm thường, ông tú Liêm mời nước rất tử tế và ngồi tiếp người khách lạ không mời này. Nói chuyện một lúc thì chủ khách rất ý hợp tâm đầu và giữ lại mời cơm. Cơm rượu xong ông này nằm ngủ cho đến
chiều tối mới dậy được. Khi chia tay, ông tú Liêm muốn mời ông này ở lại vài hôm để nghỉ ngơi rồi đi tiếp, lúc này ông ta mới thú thật với gia chủ:
          - Thú thật với ông, tôi là thầy địa lý, cũng chỉ đi lang thang xem địa thế phong thủy thôi, tôi thấy có một huyệt mộ rất đẹp từ năm kia, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ nhân. Nhìn phong cảnh nhà ông tôi đã định được, ông mới là chủ nhân huyệt đất đó, vậy tôi muốn tặng cho ông. Một món quà không ngờ, ông tú Liêm mừng rỡ nói:
          - Quý hóa quá, thầy làm thế thì tôi không biết nghĩ thế nào được, vậy xin thầy cho tôi biết qua về vận mệnh nó ra sao ?
          - Tôi nói thật với ông, thế đất này là thế đất con cáo, đuôi nó tận bên Thái Bình, đầu nó thì tôi đã nhìn thấy còn ngoài ra không thấy gì nữa, không biết mình và bốn chân nó ở đâu. Ông cũng là người học rộng, tôi cũng nói thật. Trong sách cũng viêt, thế đất này thì chỉ được một đời thôi, nó khôn ngoan và cũng là loài ăn thịt nên hổ báo nghê kình cũng phải kiềng nể khi nó ra khỏi hang. Nó tung hoành khắp nơi, mọi người sợ hãi và cũng là mầm họa, mục tiêu của sự ghen ăn tức ở ở đời. Không phải quyền quý thì là tài vượng, tôi cũng chưa rõ nó ở đường nào. Một đời như sấm vang rồi im bặt, không còn ai nghe thấy gì nữa. Nếu tu nhân tích đức thì có thể còn phục hồi được dài dài, tuy nhiên nó không thịnh vượng như trước nữa, nhưng cậy thế làm càn, bất nhân thì tạnh hẳn, như mưa rào tháng ba. Nghĩ một lúc rồi ông tú Liêm cung kính chắp tay vái lạy ông thầy pháp này:
          - Đội ơn thầy đã có lòng chiếu cố đến tôi, thôi thì như thế này gia tộc chúng tôi cũng bằng lòng rồi, ăn về dương cơ thôi, tu nhân tích đức rồi ông Trời cũng cho thôi, có phúc thì có phận. Được rồi không giữ được lại là mầm họa, tôi không dám chắc con cháu tôi giữ được nếp nhà này không. Ông thầy pháp cười độ lượng và xin phép ra đi nhưng ông tú Liêm cố níu lại làm khách trong nhà vài ngày và không quên dặn ông thầy pháp:
          - Xin cụ giữ kín việc này cho.
          Ở trong nhà vài ngày rồi không biết ai lộ ra và trong họ cũng có ông em, nhà cũng khá giả, cũng là người nhân đức, tiếc huyệt mộ này và tha thiết van nài ông thầy chỉ cho. Tuy không vui nhưng rồi cũng nhận lời ông em. Người họ Nhâm này mời thầy pháp này về nhà mình cung phụng. Từ một người khách đi đường vào xin ăn xin uống nay đã trở thành thượng khách của nhà họ Nhâm. Thầy ngày càng khó tính, có ngày uống rượu tì tì suốt từ sáng đến tối, không ăn uống nhắm nháp gì nhưng có khi mấy ngày cũng không uống giọt nào, cơm cháo không ăn gì mà chỉ đòi ăn hoa ăn quả. Đang ăn cơm thì kêu đau bụng muốn ăn cháo, gia chủ lại phải đi nấu cháo. Đúng là con người oái oăm. Thầy muốn gì là có ngay, gia chủ không nề hà gì, có lúc kêu ầm lên ai dám đái vào quần thầy rồi bắt phải đi may quần mới áo mới cho. Suốt ngày không nói câu nào, chỉ ăn gì cần gì thầy mới nói việc thầy cần. Trời nóng tháng sáu mà nửa đêm thầy dậy đốt đống lửa giữa nhà ngồi sưởi một mình, tay cứ hơ hơ lên ngọn lửa, có lẽ hết cách hành hạ rồi thầy không nghĩ thêm được. Gia chủ thì cần mẫn phục vụ, tuyệt đối không ai kêu ca gì, ai vẻ
mặt cũng phải vui như tết. Mãi mà thầy cũng không đả động gì đến việc tìm đất, gia chủ cũng tuyệt nhiên không ai dám hỏi. Rồi cũng đến ngày kết thúc, đã gần một năm cung phụng thầy, hôm ấy thầy bảo: Anh cả chuẩn bị cho tôi một cái cọc bằng cái dùi trống, vót nhọn đi rồi đợi đấy. Mấy hôm sau, nửa đêm, thầy lay gọi cậu cả dậy, lúc này thấy thầy mặc bộ quần áo cũ lúc đến, cái gì sắm cho thầy thì đã gói vào một gói rồi để lên giường giả cho gia chủ rồi bảo cõng thầy đi và mang gậy dùi trống đi theo. Thấy động, ông bố lúc ấy cũng dậy, hỏi thầy một câu: “Biết sao để báo đáp được thầy” thì thầy chỉ trả lời mỗi câu: “Còn đâu mà báo”. Nửa đêm cõng thầy đi, mỏi lưng nhưng thầy cũng không chịu xuống. Mỏi chân quá, cậu cả đứng lại nghỉ thì thầy vẫn ngự trên lưng và cứ chỉ đi vòng quanh. Gần đến sáng thì cũng về ngay gần nhà mình, thầy bỗng nhiên tụt xuống, giật lấy gậy dùi trống và cắm xuống đất, chưa kịp định thần nhìn thầy cắm dùi trống,  quay lên đã không thấy thầy đâu nữa, thầy đã chạy biến mất không dám quay đầu lại. Người ta bảo đất dữ quá, không chạy nhanh thì nó vật chết thầy ngay. Chỉ có thầy và đất nhìn thấy nhau, bắt nó phải cung phụng thì nó phải diệt thầy thôi, nếu không chạy nhanh thì nó bóp chết. Việc đất cát thì ông tiên Nhường, ông Nhâm Đình Nhường làm tiên chỉ trong làng cứ lần nữa
và cuối cùng cũng ra đi và dặn anh con cả không được nói gì về chuyện thầy pháp nữa và cũng nói cho con không được đặt mộ nữa. Huyệt đạo này là  ông cố đi xin chứ không phải trời đưa đến cho.

          2. Phúc đến. Gia cảnh nhà họ Nhâm Đình.

          Người con cả cụ tiên Nhường biết chỗ huyệt đạo đó, chỉ biết đấy là huyệt tốt nhưng bố có dặn lại: Không phải phúc của mình, không được nhận, vật bất minh bất thụ. Khi đã về già, gia cảnh cũng khó khăn, cái khó khăn của thời chiến tranh rồi đến thời bao cấp, nhà lại đông con nên ông con cả cụ tiên chỉ này lại nghĩ đến chỗ bố mình cắm dùi trống trước kia, lời bố dặn cũng đã nhạt dần. Rồi việc gì đến nó cũng đến, tiếc của giời, ông lúc đó đã hơn 80 tuổi và quyết định mang bố mình về đặt chỗ cụ tiên chỉ cắm dùi năm xưa mà lúc nào ông cũng nghĩ đến. Sau khi chuyển mộ bố được ít ngày thì ông con  cả cụ tiên chỉ  cũng bay về trời. Ông có trăng trối lại với  người con cả Nhâm Đình Bình: “Phúc phận nhà ta không có nhiều đâu, anh nhắc nhở các em phải tu nhân tích đức may ra còn giữ được dài một tí, tôi biết nhận cái không phải của mình thì chẳng được bền nhưng lòng tham của tôi quá mức, không cưỡng lại được, giờ hối thì đã muộn rồi nên cũng phải chấp nhận thôi. Bẩy anh em các anh có trên đầy dưới chật đấy, bảo nhau cố mà làm phúc, còn
được tí nào hay tí ấy thôi….”  Anh con cả cũng chỉ biết như vậy, lúc này thì ai còn nghĩ được gì nữa. Anh em nhà này làm tang hiếu cho bố rất chu đáo, trong xóm ngoài làng đều khen ngợi có hiếu. Sau khi hoàn hồn về việc mất bố, Nhâm Đình Long về cơ quan, mọi người đến hỏi thăm chia buồn, khen ngợi việc tang hiếu cho bố chu đáo mà đoàn trong cơ quan được chứng kiến, anh em đoàn kết. Ông Phó Chủ tịch tỉnh cũng đến chia buồn, ông nói: Việc buồn cũng đã xong, may quá, cậu ra sớm, sắp có việc đại hội của tỉnh, chúng tôi đang định cử vào đoàn đại biểu, đại diện cho lực lượng trẻ. Người ta nói: phúc bất trùng họa vô đơn nhưng Nhâm Đình Long thì lại khác, sau cái họa lại là cái phúc, họa lớn thì phúc to. Đại hội đã nhằm Long là lực lượng trẻ nhất vào cơ cấu, bầu trong Ban Chấp hành tỉnh và ít lâu sau, chỉ sau vài tháng đại hội, khuyết một chân thường vụ vì anh này bị kéo lên trung ương và lực lượng trẻ Long lại thay thế.
          Sau khi về làm tang cho bố, cho ông, cả nhà Nhâm Đình Chính lại lên tàu về Nam, không quên dặn các em và các cháu ở nhà phải về thăm bác Bình luôn, ông mất rồi giờ chỉ còn bác ở nhà. Chú Long làm việc ở tỉnh thì có điều kiện, chủ nhật là phải có người về, không chú thì thím.
          Chú Song làm thợ ở làng thì ngày nào cũng đến thăm anh hoặc vài ngày đến một lần…Xưởng may của vợ chồng Chính từ hôm về quê Bắc, 40 công nhân như rắn mất đầu, không biết làm cái gì, xưởng may bỏ bê côn việc. Vào đến nơi, nhìn cảnh xưởng xào xạc, vợ chồng Chính thở dài, gia đình lại vừa gặp nạn. Anh em công nhân đến chia buồn, ai cũng nói mong anh chị vào để cho xưởng hoạt động, cán bộ phường sở tại cũng đến chia buồn rồi trên phòng thương mại quận cũng đến đặt lễ viếng tang, phần nào cũng được an ủi. Ba hôm sau, bỗng nhiên có một đoàn sáu bảy người, lại có bà người tây đến xưởng, cũng tưởng là đến chia buồn thì ra họ đến tham quan xưởng, gặp chủ nhân, biết gia đình vừa có chuyện
buồn nên cũng chia sẻ và họ đến tham quan xưởng tìm  xưởng may cho quân đội nước họ một số quân trang và vài hôm sau thì hợp đồng được ký. Vợ chồng Chính chưa kịp hết buồn thì phải lao ngay vào công việc, có hợp đồng trong tay, gặp lúc Ngân hàng TMCP Linh Trang đang lúc cần giải ngân nên việc vay nợ hết sức thuận tiện và hợp đồng bắt đầu khởi động. Công nhân phải làm ngày 10 tiếng cũng không kịp và Xưởng Chính Tâm lại kịp nhận lại hơn 300 công nhân của xưởng bạn giải tán. Không phải đào tạo mà bỗng dưng được món hời to nên vợ chồng Chính cứ như mơ, giỗ 49 ngày bố cũng chỉ khoán trắng cho chùa Phúc Lâm bên quận nhất làm lễ và tiến cúng hậu hĩ thôi. Xưởng may Chính Tâm bỗng dưng nổi lên như cồn, chủ và công nhân đồng lòng làm việc, lương công nhân
cũng được cải thiện đáng kể. Chưa đầy một năm, từ 40 công nhân, xưởng Chính Tâm đã có trong tay hơn một nghìn công nhân, xưởng cũng được mở mang đáng kể.
          Đang từ một ông chủ xưởng mộc ở quê, xưởng có một công nhân kiêm giám đốc và chủ xưởng, Nhâm Đình Song, chú em thứ tư bỏ xưởng, mang cả công nhân giám đốc vào Sài Gòn giúp anh. Chẳng hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà Song lại theo chúng bọn sang tận Lào làm ăn buôn gỗ.
          Rồi Song cũng kiếm được hợp đồng mua bán và rồi cứ hết hợp đồng gỗ nọ đến hợp đồng gỗ kia. Quay đi quay lại, ông chủ gỗ Song cũng thành người nổi tiếng suốt từ Nam ra Bắc chỉ sau vài ba năm buôn gỗ. Tài sản của Song trong ba năm đã có tới vài chục tỷ đồng. Khi phúc đến thì nhân tài khắp nơi đổ về tham mưu, giúp đỡ. Tiền cứ chạy vào nhà như nước sông Đà ngày xưa khi chưa có đập thủy điện.
           Chú năm, chú sáu có học hành thì lao vào ngành ngân hàng. Ngân hàng thương mại cổ phần của anh em Nhâm Đình Kiên, Nhâm Đình Tấn lúc đầu dùng vốn của các anh, vay mượn thế chấp ngân hàng cuối cùng cũng đủ số vốn pháp định và Ngân hàng thương mại cổ phần Minh Nhâm cũng được ra đời, sau đó cũng đứng lên được và khảng định mình. Là những bộ mặt trẻ mới nổi trong ngành ngân hàng, anh em nhà họ Nhâm đi đâu cũng được
trọng vọng, quyền tài chính nghiêng ngả trong nước. Nửa nước Bắc Kỳ ngân hàng của nhà họ Nhâm, trong Nam ngành may mặc cũng đứng đầu bảng.
          Buôn gỗ xuyên quốc gia nhà họ Nhâm cũng đứng đầu khuynh đảo xứ Bắc kỳ.
          Tỉnh nhà thì họ Nhâm cũng là quan đầu tỉnh.  Nhiều cơ sở ở phía bắc như Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang và đến Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa của Ngân hàng Minh Nhâm đều nổi lên như cồn. Tiền của tư nhân như nước chảy vào ngân hàng cổ phần này, chỉ còn là vấn đề giải ngân. Tuy được học hành bài bản nhưng thời vận nó đến thì anh em nhà họ Nhâm cũng có phần dễ dãi, việc tuyển nhân viên không được lựa chọn kỹ nên việc giải ngân cũng dễ dàng. Cấp dưới lợi dụng kiếm chác, tài sản giám định thế chấp có khi được tăng lên đến hàng chục lần để được vay số tiền lớn, người vay chỉ cần ký vào văn bản và lấy số tiền bằng bảy, tám phần mười tiền ảo mà hồ sơ vay nợ của mình có. Về khả năng quản trị ngân
hàng của anh em nhà họ Nhâm Đình đến cán bộ được bổ nhiệm kinh nghiệm,
          khả năng hiểu biết về môi trường tài chính ngân hàng rất yếu kém. Tiền cứ vào như nước, Ngân hàng Minh Nhâm chuyển sang kinh doanh bất động sản, lướt sóng lướt gió mãi cũng mệt và ôm luôn đợi ngày mai. Số dư mà Ngân hàng báo cáo, trừ mọi khoản lương công nhân, nộp thuế, thuê văn phòng … số dư tính lãi ròng mỗi ngày gần trăm triệu. Tay không bắt giặc, bây giờ thì Minh Nhâm đã vững vàng trong giới kinh doanh, ngân hàng.
          Ông giám đốc kiêm công nhân kiêm luôn ông chủ xưởng gỗ ngày nào, ngoài việc buôn gỗ xuyên quốc gia thì nay cũng thành lập xưởng sản xuất và xuất khẩu. Các xưởng gỗ nổi tiếng Bắc Ninh, Nam Định, Thạch Thất, Đông Anh đều làm hàng xuất khẩu cho công ty xuất nhập khẩu Tư Song. Hàng lúc đầu xuất cho Trung Quốc là chính nhưng sau này Tư Song lại nghĩ đến lá rụng về cội và lại chuyển ngược về nơi có rừng như Căm phu chia, Lào, Úc và những hợp đồng rất lớn được thực hiện. Giầu nhưng phải sang, ông chủ xưởng gỗ kiêm giám đốc kiêm công nhân ngày nào lại được tài trợ cho các đội bóng cấp tỉnh và tên tuổi cũng được gắn liền với  đội bóng mà ông thích nhất. Tên tuổi bầu Song của nhà họ Nhâm gắn liền với đội bóng, người ta quên danh hiệu ông chủ gỗ Tư Song mà thành tên gọi “Bầu Song”.
          Nhà may Chính Tâm trong Sài Gòn cũng nổi đình đám làm cho họ Nhâm rạng rỡ với làng xóm, với thiên hạ. Tuy làm ra ăn nên, gặp nhiều may mắn nhưng bà chủ Chính Tâm vẫn khiêm tốn, không lên công ty, nêy sần hay gờ rúp gì cả mà vẫn là xưởng may, tuy nhiên đã được nhắc nhở nhiều với quy mô lớn phải hoạt động theo luật công ty. Giầu có nhưng bà chủ Chính Tâm vẫn cần mẫn với công việc hàng ngày. Tối nào cũng làm việc đến một, hai giờ sáng xem lại sổ sách, công tác quản lý của xưởng. Rất ít khi bà chủ đi chơi siêu thị, du lịch mà luôn gắn liền với xưởng. Hơn một nghìn công nhân nhưng bà gần như nhớ hết mặt, cán bộ chủ chốt thì thuộc làm nòng về gia cảnh, tính tình. Bà chủ trực tiếp xuống
xưởng, nhiều khi xem kỹ sản phẩm làm ra. Có lần phát hiện ra sản phẩm có lỗi, bà đã chỉ cho quản đốc và trực tiếp loại ra ngay. Người công nhân này hết sức sợ hãi vì bị bắt quả tang và nghĩ ngay đến việc sa thải. Chiều hôm ấy, người công nhân này được mời lên phòng Giám đốc, việc sa thải, trừ lương là cái chắc rồi. Vừa bước vào phòng, bà chủ đã vẫy tay chỉ vào ghế ngồi và tự tay rót nước, bà lên tiếng trách mắng: Sao việc nhà khó khăn vậy mà em không báo cáo. Cô công nhân người Tiền Giang này chỉ biết ngơ ngác, không hiểu bà chủ nói gì thì bà nói: Phân xưởng phản ánh việc nhà em đang gặp khó khăn, chị biết cả rồi. Thôi bây giờ em chuẩn bị ngay đi còn kịp chuyến xe cuối cùng về Tiền Giang, xe nhà đã chuẩn bị đưa em ra bến xe, tiền lương tháng này em xuống tài
vụ lĩnh ngay đi, nói với các chị ấy còn thiếu một tuần nữa cũng tính
cả tháng, chị sẽ gọi điện xuống. Chị cho em tạm ứng 2 tháng lương, như vậy đã đủ chưa, nếu chưa đủ thì lấy thêm. Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không thể ngờ bà chủ lại biết mình đang gặp khó khăn mà tự động giúp đỡ. Cô này băn khoăn việc buổi sáng nay, nói việc lỗi của mình thì bà chủ Chính Tâm gạt đi ngay: Việc lỗi này là thường, xưởng của ta còn rất xa mới tới ngưỡng sản phẩm không đủ chất lượng cho phép, ai cũng nhiệt tình làm việc như em là tốt rồi, không nói việc ấy nữa. Về độ bao nhiêu ngày?, thôi được, nếu cần nghỉ thêm, em chỉ cần điện cho chị, báo cáo tình hình gia đình là được. Thôi xuống tài vụ lấy tiền rồi chuẩn bị ra xe đi cho kịp chuyến cuối cùng về Tiền Giang, tài xế đang đợi để đưa em đi bến xe. Việc khó khăn của công nhân đều được chủ xưởng quan tâm, nếu công nhân nào làm việc được 6 tháng thì việc mổ tim cho con cái, việc chữa mắt đều được giúp đỡ, xưởng tài trợ hết. Những ông bà chủ càng quan tâm đến thợ, nhiệt tình chăm lo cho họ thì kỷ luật lao động càng nghiêm túc, càng khép chặt nhưng nhà Chính Tâm lại không như vậy, không bao giờ phê bình nhắc nhở công nhân, trừ
lương đuổi việc mà luôn động viên khi họ mắc sai lầm, sát sao với công nhân, chỉ bảo họ tận tình, gắn chặt với họ, tự họ thấy xưởng là của họ. Mỗi khi có người làng ở ngoài này vào là đều được gia đình tiếp đãi hết sức chu đáo, dẫn đi ăn tiệm sang trọng nhất. Người làng chưa bao giờ được bước chân vào những nơi sang trọng như thế này. Trong không khí nhộn nhịp, toàn những người sang trọng nhiều tiền, cả gia đình bà chủ và khách có đến 2 người phục vụ mâm, chỉ đứng hầu để sai bảo. Ông chủ rất suồng sã, miếng thịt gà cầm lấy gặm xương, vừa bỏ tay xuống thì đã có người dùng khăn bông trắng lau tay cho ngay, xong vứt khăn vào sọt. Cầm điếu thuốc lá lên tay là đã có người bật lửa, vào nhà vệ sinh xong là đã có người đưa khăn lau cho ngay. Ăn xong chỉ cần quẹt thẻ do nhân viên cầm đi. Khi về không quên cầm hóa đơn và khéo léo tặng khách. Mời một người ăn nhưng là mời cả làng vì người này về kể chuyện mãi không thôi. Tuy vậy, nhưng bà chủ rất cặn kẽ, tối về là kiểm tra thẻ quẹt ngay, quá xu nào là không được. Tiếng đồn khắp về làng việc tử tế của gia đình Chính Tâm. Ai đến khi về cũng biếu quà, nếu có bố mẹ già thì nhất định gửi về món quà có giá trị. Khách đến không ai dám ở lại bữa thứ hai vì thấy tốn kém quá. Mỗi tháng đôi lần
tiếp khách làng thì cũng là việc ăn chơi của cả nhà chứ thực tế gia
đình nhà Chính Tâm hàng ngày cũng hết sức cần kiệm, chắt bóp từng tí để làm giầu.
          Chưa bao giờ họ Nhâm nổi tiếng như bây giờ, quyền lực tiền bạc vào nhà cứ ầm ầm như vũ bão, thật chẳng khác gì họ Giả trong phim Hồng lâu mộng bên Trung quốc ngày xưa. Riêng ông cả ở nhà coi bát hương, ngày đêm cầu nguyện cho anh em con cháu an khang thịnh vượng, sống lâu giầu bên và nghĩ việc tiêu tiền. Cô em út Nhâm Đình Kiều Loan cũng  không kém gì các anh, lấy chồng về nhà họ Trịnh cũng không tiêu hết tiền, chồng là chủ tàu viễn dương, buôn xuyên lục địa.
          Từ khi chú tư Long lên làm chủ tịch tỉnh thì ít về hẳn. Một tháng, có khi hơn thì có cháu về thăm bác được ngày chủ nhật rồi lại có người đến đón cháu về tỉnh. Có lần ông cả Bình nói xa nói xôi nhà Long đã là người tỉnh rồi, nói vậy thôi chứ Nhâm Đình Long là người nặng lòng với quê nhà lắm. Cũng là người nghiêm túc, không muốn lôi kéo các dự án phúc lợi của tỉnh về cho địa phương mình nhưng Chủ tịch Long lúc nào cũng đau đáu tính ngày mình còn ngồi ở đây được bao nhiêu ngày nữa để làm cái gì cho làng, cho huyện cho xã mình. Giữa hai việc vô tư liêm khiết và lòng ham muốn cho quê nhà cứ day dứt, dằng xé ông Chủ tịch có tâm này. Nhưng rồi ông cũng khéo léo đưa được dự án kè sông, làm đường về cho huyện nhà, xây dựng nông thôn kiểu mới. Dự án này làng ông cũng
được hưởng, cái sự hưởng này nó quá mức với quy mô làng nên về làng ai cũng đon đả chào hỏi kính trọng, có lẽ đây chính là lý do mà Chủ tịch Long ít về quê chứ thực tế là vẫn có nhiều tiền gửi về cho ông cả. Dù liêm khiết đến đâu thì chức Chủ tịch tỉnh cũng phải có nhiều tiền, thời nay người ta chia cho mà không nhận thì anh cũng không nhận được phiếu bầu. Người có nhân cách thì chỉ còn biết là trả lại tiền của dân cho dân theo cách của mình thôi. Tuy vậy, vài ba tháng, Chủ tịch Long cũng đi xe máy về nhà, đi lâu nhớ nhà không chịu nổi.
          Sao lại được đơn rồi được kép vậy, vợ chồng cô út Kiều Loan cũng làm ra ăn nên lắm, hết cái may này  lại đến cái may khác. Quê tôi tự nhiên có phong trào đóng tàu thủy pha song biển, đóng tàu mang ra Quảng Ninh bán, chở đầy than thổ phỉ sang Trung Quốc bán, bán cả tàu lẫn than. Kiếm được lãi cũng to nên nhà nhà đóng tàu, người người đóng tàu. Làm ăn kiểu này tất nhiên chính phủ phải sờ - tốp thôi. Tiếng còi phạt vừa thổi dứt thì lập tức bao nhiêu chủ bị phá sản ngay, có ông trốn nợ mấy chục tỷ đưa cả vợ con đi biệt xứ. Suốt dọc sông Ninh, song Hồng mấy cây số, hàng loạt tàu đang đóng dở phải ngừng thì cũng chính là nhà tàu của vợ chồng cô Kiều Loan vớ bẫm. Cứ tính nội thất của thiên hạ, có bao nhiêu tàu thì nhập về bấy nhiêu máy móc, nội thất của tàu nhưng các xưởng ngừng thì các nhà nội thất cũng lo sốt vó, phá sản là cái chắc, tiền nợ ngân hàng. Không hiểu sao, chỉ có Công ty xuất nhập khẩu Hải Nam nhà họ Trịnh mới có được những hợp đồng tái xuất. Các ông chủ hàng nội thất máy móc tàu thủy tranh giành nhau bán cho
Hải Nam, tự họ hạ giá để thu hồi vốn, có mặt hàng chỉ còn nửa giá. Tuy có ưu thế đặc biệt này nhưng Hải Nam cũng rất có tâm, không hề bắt chẹt ai và lần lượt tái xuất cho các nhà suýt vỡ nợ này, cứu họ thoát chết, tuy nhiên các ông chủ này đều bị chột nặng “không chết cũng chột”, câu nói này cũng hay. Công ty vận tải tàu biển Nam Hải làm ăn cũng phát đạt, những hợp đồng vẫn nhận được đều đều, từ một tàu pha sông biển, sau 7 năm đã có ba tàu hiện đại đi biển và đang tiếp tục phát triển nữa.
          Phúc đến quá nhiều, vua biết mặt chúa biết tên rồi cũng có lúc phải nghĩ đến tiền nhân. Xây cất mồ mả, nhà thờ họ tộc. Không còn gì để làm nữa, không biết tiêu tiền thế nào, các em cứ luôn dục anh nghĩ việc để làm. Một đêm tỉnh dậy lúc nửa đêm, Nhâm Đình Bình nghĩ xa nghĩ  gần, mình có nhiều nhưng cũng chỉ ngủ một giường, ăn cũng chỉ vài lưng, lúc nào cũng nghĩ đến bệnh gút, đái đường, tim mạch mà thiên hạ hay nói tới. Miên man, nghĩ đến lời trăng trối của bố lúc ra đi: Phúc phận nhà ta không có nhiều đâu, anh nhắc nhở các em phải tu nhân tích đức may ra còn giữ được dài một tí, tôi biết nhận cái không phải của mình thì chẳng được bền nhưng lòng tham của tôi quá mức nên cũng phải chấp nhận thôi. Bẩy anh em các anh có trên đầy dưới chật đấy, bảo nhau cố mà làm phúc, còn được tí nào hay tí ấy thôi. Lời ông bố dặn lúc lâm chung bỗng nhiên nghe rõ ràng bên tai, Bình bỗng bật dậy, trời rét mà
toát hết cả mồ hôi. Sao lại nhận cái không phải của mình, cái gì là
không phải của mình, đứa nào cũng làm ăn chân chính cả chứ, làng nước ai cũng quý trọng cơ mà, nhưng Bình cũng không ngủ được nữa, thức cho mãi đến sáng.

          3. Giữ phúc

          Tuy không làm ra tiền nhưng ông cả  Bình không thiếu tiền do các em các cháu gửi về, chỉ việc nghĩ cách giải ngân.  Phúc đến quá nhiều, tiền vào như nước nhưng anh cả Bình càng ngày càng lo lắng, lời bố hôm nào luôn hiện về, có đêm mơ màng nghe rõ mồn một: “Phúc phận nhà ta không có nhiều đâu, anh nhắc nhở…” Quyền huynh thế phụ, ông Cả cũng mơ màng thấy ngày nào đó nhà mình không còn được thịnh vượng như ngày nay. Ông bây giờ là cây cao bóng cả, chỗ dựa cho cả nhà, ông cũng phải làm việc chứ, mà công việc của người chủ gia đình, nặng nhọc lắm mà không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào, làm cái gì trước cái gì sau. Nhiều đêm ông không ngủ được, không phải vì ông cũng đã có tuổi, giá đi làm cho Nhà nước thì nay cũng được nghỉ hưu. Việc kiến thiết từ
đường, đồ thờ tự thì to đẹp sang trọng long lanh, không còn ai chê vào đâu được, việc này giao cho ông trưởng họ mặc sức sắm sửa, tiền nhà ông chi hết. Mồ mả tiền nhân đều xây đắp chu đáo, hoành tráng. Đất ngoài đồng của xã hội có thể lấy không nên gia đình gia tộc và họ Nhâm Đình nhà ông cũng chiếm giữ để cất mộ diện tích rất khiêm tốn, các ngôi mộ toàn bằng đá liền, trạm trổ tinh vi đẹp đẽ. Nếu bỏ tiền mua được đất nghĩa trang thì ông đã có khu mộ họ Nhâm to đẹp thuộc hàng tỉnh. Tuy nhiên, ông cũng chi mọi việc cho làng kiến thiết khu nghĩa trang nhân dân. Duy chỉ còn ngôi mộ quan trọng nhất là mộ ông nội ông, cụ tiên chỉ thì nằm một mình gần đường cái cuối làng là không đưa về nghĩa trang được, không ai dám đào. Ngôi mộ cắm dùi trống ngày nào này, không được xây dựng gì mà ngày càng to ra như ổ mối đùn, không biết sao đồng bằng khu ruộng trũng mà cũng có mối. Nó cứ tự to dần ra, nay đã cao hơn 2 mét. Trông xa nó cứ như cót thóc, trên mặt nở rộng ra
lại lõm xuống, thành ra mỗi trận mưa nước lại đựng trên mộ như cái ao, con cháu có người văn hoa lại nói trông giống như bông hoa sen, liền bị ông lừ mắt.  Ông cả Bình lúc nào cũng nghĩ đến ngôi mộ này nhưng hầu như không bao giờ ông lại gần. Vài ba ngày là ông lại tìm cớ đi qua để nhìn vào như kẻ đi đường, thờ ơ. Trong nhà trong họ cũng không ai động đến, đắp điếm, vặt cỏ hay hương khói gì, kể cả chiều 29 Tết mà nhà nào cũng đi viếng mộ mời tiền nhân về nhà ăn Tết với con cháu thì con cháu cũng không vãng lai nhưng mọi người họ coi hơn cả mả tổ. Tuy không ai động đến nhưng cỏ trên mộ chỉ mọc phất phơ, kể cũng là điều lạ. Việc đền chùa, hội hè của làng xóm thì ông cả Bình thay mặt cho anh em con cháu đóng góp hết sức hậu hĩ, làng có yêu cầu cái gì là ông cả Bình rất khiêm tốn cúng ngay. Ban khánh tiết, ban quản lý các công trình đền chùa miếu mạo trong làng đều rất tôn trọng ông cũng tức là tôn trọng cả gia đình gia tộc họ Nhâm Đình này. Gia đình ông không ai chê vào đâu được, đi đâu cũng được dân trong làng trọng vọng thực sự từ tâm can họ, nhà giầu vậy mà ai cũng mong cho giầu thêm, không có sự đố kỵ ghen ghét của ai, kể cả những kẻ tiểu nhân nhất. Ông cả Bình nhà họ Nhâm thay mặt cho anh em trong nhà hết sức giúp đỡ mọi người, nhất là trong lúc đột xuất họ gặp khó khăn. Có những nhà nợ ông nhưng quá túng bấn thì ông rỉ tai xóa nợ đi cho ít nhiều. Vay tiền của ông không bao giờ ông ghi chép hay phải ký kết gì nhưng không bao giờ có việc nhầm lẫn, cãi cọ gì và ông cũng không lấy lãi của ai.  Làng xóm không có ai nỡ hại ông, không có ai dám biển thủ của ông vì dư luận trong làng ai cũng tin, cũng quý ông tức là cũng quý gia tộc họ Nhâm nhà ông. Càng giúp đỡ nhiều, càng đóng góp nhiều cho làng xóm thì gia đình ông lại càng khiêm tốn, càng tôn trọng, niềm nở với mọi người. Câu thành ngữ “tử tế bà tú Liêm” ngày nào thì nay nhiều người nhắc lại, ý muốn nói về gia đình ông cả Bình ngày nay.

          4. Phúc đi

          Cái ngày mà ông cả Bình nghĩ đến không ngờ nó đến nhanh vậy. Người dù có chín chắn nhất thì khi phúc phận tiền bạc đến nhiều đôi khi cũng hứng chí, điều đó cũng là nhẽ thường.
          Cùng một lúc, hai tàu đồ gỗ của Công ty xuất nhập khẩu đồ gỗ Tư Long xuất phát từ Hải Phòng chở sang Mỹ. Ba tàu viễn dương cũng xuất khẩu hàng may mặc của nhà Chính Tâm sang Mỹ la tinh, hàng toàn đồ nhà binh từ đồ lót đến đại lễ. Mọi thủ tục đã xong, suôn sẻ cả và cái sự hứng chí ấy cũng đã đến, sự hứng chí này cũng là sự định mệnh của nhà họ Nhâm Đình. Một khoa lễ Phật lớn diễn ra tại Hà Nội để cầu cho đoàn tàu nhà họ Nhâm 5 chiếc cùng xuất phát. Cô em Kiều Loan hết sức thành tâm cầu nguyện nhưng có điều rất lạ, tất cả các bát hương của buổi lễ đều không cháy, cũng tưởng là hương kém chất lương, lập tức đi mua hương khác thì cũng không cải thiện được. Cuộc lễ vẫn phải tiến hành theo kế
hoạch, giờ giấc. Mua tất cả hương của các nhà xung quanh cũng không cải thiện được bao nhiêu. Điện về cho ông cả Bình thì ông thở dài, động viên, hương xấu không cháy thì đã có nến cũng đủ rồi, không phải lo lắng gì. Tuy vậy nhưng ông cũng lo lắng, thì thụp khấn vái trước bàn thờ gia tiên, cầu cho mọi việc suôn sẻ. Tại Sài Gòn, tiệc nhỏ của những người bạn thân tình cùng với gia đình họ Nhâm nâng cốc: Buôn từ gốc đến ngọn, thành công. Nghĩ cũng đúng, xưa nay hiếm vậy. Năm tàu thủy viễn dương chở hàng của nhà sang châu Mỹ bán, không có ai vào chia phần thì cũng là sự thịnh vượng mà không nhà nào có. Cái sự hứng chí này người ngoài không ai biết: Cả năm tàu cùng xuất phát một giờ, tuy đi các hướng khác nhau nhưng cũng phải ra biển cả. Qua biển Phi-líp-pin, họ cùng gặp cơn bão thế kỷ. Cả năm tàu không còn đi tiếp được nữa mà mãi mãi nằm nơi biển đất khách quê người.
          Tin hung của gia tộc họ Nhâm lan đi nhanh chóng. Ngân hàng Minh Nhâm cũng lập tức nổi sóng gió. Tin đồn nhảm gây xấu cũng có mà sự thực thì cũng có là Ngân hàng Minh Nhâm đầu tư rất lớn vào 3 doanh nghiệp lớn nhà họ Nhâm và nay đã nằm tại biển Phi-líp-pin nên khách hàng gửi tiền đã đến rút ào ạt và điều tất nhiên là nguy cơ phá sản không tránh khỏi. Bất cứ ngân hàng nào mà tất cả khách hàng đến rút tiền thì sao có đủ tiền mặt để trả, nhiều đơn kiện và công an đã vào cuộc. Những yếu kém về quản lý đã lộ ra, nợ xấu nay công khai, cấp dưới làm sai nguyên tắc, tội vu quy trưởng và anh  em nhà họ Nhâm bị tạm giữ. Thật là gia đình họ Nhâm bốc chốc gặp đại họa theo dây chuyền. Tuy nhiên, không phải là kẻ lừa đảo và cũng được cảm tình với khách hàng, với bạn bè xã hội nên cơ quan công an cũng tạo mọi điều kiện cho Minh Nhâm sửa chữa. Hội nghị khách hàng được triệu tâp, ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đã đứng lên thành thật xin lỗi về những yếu
kém của mình và hứa sẽ khắc phục, giảm bớt thiệt hại cho khách hàng. Nhâm Đình Kiên đã đưa ra một loạt những bất động sản của gia đình họ Nhâm, trừ từ đường thờ tiền nhân, kèm theo là giấy ủy quyền để bán lấy tiền đền cho khách hàng. Những tài sản và tiền mà sáu anh em tích lũy được bao nhiêu năm đều mang ra trước hội nghị để xin thành lập một ban tự quản để giải quyết cho khách hàng trước khi Minh Nhâm phá sản. Chưa bao giờ có hội nghị khách nợ mà cảm động như hội nghị này, tất cả đều đồng tình tìm cách khắc phục và nhiều cánh tay giơ lên miễn nợ cho Minh Nhâm nếu sau này không có khả năng trả. Chủ nợ đồng cảm với con nợ,  thương cảm con nợ gặp đại họa, quyết cứu con nợ của mình. Hội nghị khách hàng đã cứu Minh Nhâm khỏi sự bế tắc và đồng tình cả hội
nghị làm đơn bãi nại đến cơ quan công an cho Ban Quản trị Ngân hàng Minh Nhâm. Ngân hàng Minh Nhâm lại qua cơn sóng gió và giờ đây được khách hàng tin tưởng nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Bây giờ có câu “Bỏ Thương bỏ Thọ chứ quyết không bỏ họ Nhâm” (mở ngoặc: Thương, Thọ là những doanh nghiệp lớn phá sản nhưng là doanh nghiệp lừa đảo, xấu chơi).
          Sóng gió của gia đình họ Nhâm Đình đã tạm lắng xuống, mọi người tạm yên để nghĩ về tương lại. Định thần lại được sau cơn hoạn nạn, anh em họ Nhâm ngồi nghiêm túc với nhau kiểm điểm lại cái còn cái mất, cái được cái thua và họ lại bình tĩnh vượt lên.
          Lần đầu tiên, ông Chủ tịch tỉnh Nhâm Đình Long đi xe ô tô con riêng về làng. Gặp anh đứng thẫn thờ ở ngõ, ông này hoảng hồn vì sự đổi thay của anh, người gầy, xơ xác. Nhìn anh mình, ruột gan ông chủ tịch tỉnh đầy lên, nói không ra lời: “Anh biết rồi à?” Cố trấn tĩnh cho em, ông cười nói:
          - Chú tưởng tôi không biết đọc báo, xem ti vi đấy à. Cả nhà mãi không thấy ai gọi điện về hỏi thăm tôi là tôi biết ngay có chuyện không lành. Thôi chú về tắm rửa rồi chị làm cơm, để cho chú lái xe người ta còn nghỉ ngơi.
          Suốt bữa ăn, hai anh em nửa cười nửa mếu, tuyệt không nói gì đến chuyện nhà, chỉ nói chuyện tầm phơ, cu rông cu rế thôi. Ăn cơm xong, Chủ tịch Long đi thăm họ hàng, có một điều lạ, tuyệt nhiên không ai đả động gì đến việc họa của gia đình, kể cả một lời động viên cũng không có. Nhưng cứ xem thái độ của mọi người thì ai cũng lo lắng, không khí nặng nề lắm.
          Họa lần này thì không đơn chí mà đa  họa chí. Ngôi mộ mà cả nhà cả họ rồi đến cả làng cũng không ai dám động đến thì sau vài cơn mưa nó đã lở xung quanh. Vẫn còn cao nhưng không giống hoa sen nữa mà giống cây măng, chưa đến nỗi giống cái dùi. Đường quốc lộ đi qua nên không thể để được mà phải chuyển. Thôi thì cả làng cũng không cứu được mà họa thì như vậy cũng đã đến cùng nên việc chuyển cũng là bình thường, ông cả cũng không muốn cưỡng lại nữa. Khi đào lên, xung quanh pho tiểu bám đầy vôi khô, nắp tiểu cũng không cạy ra được và cũng không ai muốn động đến, mời cụ về với tập thể dòng họ Nhâm nhà mình. Người ta bảo mộ
được đất kết, đào lên thì gặp họa nhưng thời kỳ này nó đã tan, mỡ kết đã khô lại nên không sợ lắm. Đất có tuần, nhân có vận, mồ mả hết tuần hết vận thì cũng không sao. Hôm chuyển mộ, cả làng ra xem nhưng không ai dám đến gần, nhìn bộ mặt lo lắng của cả làng thì người họ Nhâm lòng cũng ấm lại lúc họa này.

         5. Nhà họ Nhâm mới đúng là nhà họ Nhâm.

          Cửa nhà qua cơn binh đao, câu mà ông cả đã từng nói đùa thì nay đã vận vào nhà ông. Nhưng rồi đã qua hẳn đâu, ông cả Bình đổ bệnh ốm. Anh em con cháu hết sức chạy chữa, bằng cách nào cũng phải chữa khỏi cho ông nhưng bệnh tình lại hiểm nghèo, mà y học ngày nay cũng khó khăn. Để đưa ông sang Sinh-ga-bo chữa, mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng ông xua tay và kiên quyết bỏ ý định đó. Ông bảo tôi biết cả rồi, không làm thêm rắc rối nữa và kiên quyết đòi về nhà. Gia đình cũng thuê luôn một cháu bác sỹ mới ra trường theo dõi thuốc thang theo chỉ dẫn của bệnh viện lớn của Trung ương. Bệnh ông ngày càng nặng và ông gọi anh  em con cháu về. Một ngày cuối đời, ông lên cơn đau khủng khiếp, suốt 2 giờ đồng hồ, chỉ thấy người ông tím tái lại, run lên bần bật, ông nghiến răng chịu, mồ hôi đầm đìa. Ông vớ luôn cái khăn tự nhét vào mồm
vì sợ cắn vào lưỡi, không hề có tiếng kêu nào. Càng nín lại càng căng thẳng, các em các cháu vây quanh, anh em ai cũng run rẩy thương xót, cảm giác đau xót bây giờ mọi người mới cảm nhận được, trước đây cũng chỉ nói mồm thì nay có trong mọi thành viên trong nhà, trong họ hàng khi nhìn thấy ông cả Bình đau. Anh em con cháu cuống cuồng, chỉ biết sờ mó chân tay cho ông để nén cơn đau của mình thôi. Cô Kiều Loan thì không dám lại gần, cũng lấy khăn nhét vào mồm và nước mắt dàn dụa quay đi. Không ai dám kêu khóc tiếng nào. Hết cơn đau, tự nhiên ông thấy khỏe hẳn ra và mọi người như bỏ được vật nặng đè. Ông muốn uống nước và tươi cười nói: Đúng là các cụ nói, bệnh đến như núi lở, bệnh đi như
lụa bay, tôi vừa bị cơn đau khó chịu quá. Rồi ông bảo mọi người ra
ngoài cho ông nghỉ ngơi và vời các em lại và nói với 12 anh em râu rể, giọng ông rành rọt lạ thường: “Các cô các chú nghe đây này, hôm qua, ông nội và bố có về, các cụ trông khỏe mạnh, hồng hào lắm. Mọi người hãy bình tĩnh, không sao đâu, nghe tôi nói rồi nhớ lấy. Tôi hỏi mẹ đâu thì bố cười bảo phải coi nhà, không phải về đâu. Ông nội tươi cười bảo: Anh bảo anh em con cháu, nhà mình còn nhiều lắm, không sợ đói đâu. Bao nhiêu tiền bạc các con đã làm việc tốt, việc công đức, giúp mọi người thì còn nguyên cả đấy, chưa mất xu nào đâu. Còn người là còn của. Của cải các con hiện có là của các con cháu, cố giữ lấy mà dùng. Chỉ còn bằng ấy thì anh em con cháu san sẻ ra mà cùng nhau gây dựng lại cơ nghiệp, người nhiều san sẻ cho người ít mà làm vốn. Còn một thủy thủ đi biển cho nhà ta không về được thì cả nhà phải quan tâm đến gia đình họ, có đói hết gạo thì nhà mình nhịn chứ không được để vợ con họ nhịn, phải coi gia đình họ là ruột thịt của nhà mình. Có đức thì không có sức mà ăn, con bảo anh em con cháu vậy, nhà ta cũng không nợ
ai nữa đâu. Không phải lo lă..,”. Không nói hết câu thì ông nở nụ cười tươi và ra đi. Sinh lão bệnh tử là lẽ thường, sau sự tử là sự sinh, lão… Và mọi người trong gia tộc họ Nhâm Đình lại tiếp bước những ngày mới tươi đẹp hơn. An khang thịnh vượng nhà này còn được dài dài.

          Viết tại làng Xuân Hy, vừa sưu tầm vừa viết hết 3 ngày.

          Kính cáo ! Đây chỉ là những tư liệu tôi nhặt nhạnh được ít nhiều, không thể gọi là văn chương được. Những tư liệu này là có thật cả, các vị có thể dùng nó để tham khảo viết thành một bộ tiểu thuyết ngắn, cũng là sự đóng góp của tôi và tôi cũng đã mãn nguyện rồi, cũng không dám tham vọng gì hơn nữa. Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn những ai đã đọc những tư liệu tôi ngồi tại làng Xuân Hy nhặt nhạnh gói gém vào đây và cũng chưa biết dùng nó vào việc gì. Cảm ơn.

          Nguyễn Kim Trì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét