Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ điển và điển cố (Kì 8)


Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên

          Nguyễn Ngọc Kiên

          (17) Tái ông thất mã塞翁失馬
          (Tái ông mất ngựa)
          Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về câu thành ngữ “Tái Ông thất mã”.
Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía Bắc Trung Hoa. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt.

          Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở về cùng một con tuấn mã. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.
          Từ mất ngựa, rồi bỗng nhiên được một đôi tuấn mã, thế nhưng Tái Ông lại cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành.”
          Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá nghĩ ngợi, Tái Ông điềm nhiên: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.” Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn nên bị quẫn trí. 
          Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông vì tàn tật nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.
          “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may.”
………..
                                                     (Theo Đại Kỷ Nguyên bản tiếng Anh)
          Người Việt mượn thành ngữ này theo lối trực dịch.
          Trong tiếng Hán cũng như trong tiếng Việt, “Tái Ông thất mã” (Tái Ông mất ngựa) được dùng để an ủi người đang gặp khó khăn. Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa. Cũng giống như câu nói “trong cái rủi có cái may” vậy, mọi chuyện đều có nguyên nhân mà không thể xét đoán dựa trên biểu hiện bề mặt.
          Cũng có nghĩa là, cần thuận theo tự nhiên, làm được việc gì cũng đừng vội đắc ý, lúc gặp trở ngại cũng chớ vội bi quan.


(18) Xuân phong đắc ý (春风得意)
          Đây là thành ngữ được sử dụng nhiều trong tiếng Trung Quốc.   có xuất xứ từ bài thơ “Đăng khoa hậu” của thi sĩ Mạnh Giao đời Trung Đường. Nguyên văn như sau:
Phiên âm Hán Việt:
Đăng khoa hậu
Tích nhật ác xúc bất túc khoa,
Kim triêu phóng đãng tứ vô nhai.
Xuân phong đắc ý mã đề tật,
Nhất nhật khán tận Trường An hoa.
Dịch nghĩa
Đăng khoa hậu
Ngày trước biết bao cay đắng không sao nói hết,
Sáng nay ưu phiền tan biến, tâm tư không còn gì câu thúc.
Ngọn gió xuân mát rượi, leo lên ngựa phóng đi,
Trong ngày đi xem tất cả các vườn hoa trong Trường An.
Dịch thơ (Bản của Khương Hữu Dụng)
Đăng khoa hậu
 Eo hẹp ngày xưa khỏi kể ra
Sớm nay thoả chí nức lòng ta
Gió xuân thả sức cho phi ngựa
Ngày trọn Trường An xem hết hoa
          Như đã nói “xuân phong đắc ý” chỉ xuât hiện trong tiếng Trung Quốc. Nghĩa bóng của nó là, sau khi đỗ tiến, cưỡi ngựa đi trong mùa xuân, chỉ trong một ngày đã ngắm được toàn cảnh đông kinh Tràng an. Chỉ con đường thăng quan tiến chức thuận lợi, hanh thông.
                                            
          (19) Thiên hô vạn hoán
          Đây là thành ngữ khoa trương trong tiếng Trung Quốc. Thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ “ Tì bà hành” của Bạch Cự Dị đời Đường. Theo tác giả kể lại thì: “Năm Nguyên Hoà thứ 10, ta về giữ chức Tư Mã ở quận Cửu giang. Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn Tỳ Bà vọng lại. Nghe trong tiếng đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn trả lời rằng: “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn Tỳ Bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn [thường theo thuyền buôn đi đây đi đó]”. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Ðàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm, thanh thản, yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đày! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 lời, gọi là Tỳ Bà Hành.”
          Bài thơ có đoạn:
千呼萬喚始出來
猶抱琵琶半遮面
轉軸撥絃三兩聲
未成曲調先有情
          Nhà thơ Phan Huy Vịnh cả đời làm thơ, nhưng có lẽ người đời nhớ đến ông qua bản dịch “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị. Đoạn thơ trên được Phan Huy Vịnh dịch như sau:
  Mời mọc mãi thấy ngườ.i bỡ ngỡ,
 Tay ôm đàn che nửa mặt hoa
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay
.
千呼萬喚 thiên hô vạn hoán chính là nguồn gốc của thành ngữ.

          (20) 画蛇添足 [họa xà thiêm túc] Vẽ rắn thêm chân
          Thành ngữ tiếng Hán này có xuất xứ từ câu chuyện như sau:
Thời xưa nước Sở có một quý tộc, sau khi cúng lễ tổ tiên, liền thưởng cho các môn khách đến giúp việc một ấm rượu. Các môn khách bàn với nhau: "Một ấm rượu chia cho mọi người cùng uống thì không đủ, một người uống thì có thừa. Vậy thì chúng ta cùng thi vẽ một con rắn trên mặt đất, ai vẽ xong trước, thì người đó được uống ấm rượu này."
          Có một người vẽ xong trước nhất. Anh ta cầm ấm rượu định uống, nhưng lại đắc chí lấy tay trái cầm ấm rượu, tay phải tiếp tục vẽ rắn, miệng nói: "Các người xem, ta còn có thời gian để vẽ thêm mấy chiếc chân cho rắn đây."
          Thế nhưng không đợi anh ta vẽ xong chân rắn, một người khác đã vẽ xong rắn. Người đó giằng lấy ấm rượu vừa cười vừa nói: " Thật rởm! Rắn làm gì có chân, anh vẽ thêm chân cho rắn làm gì", nói xong liền uống rượu trong ấm. Người vẽ thêm chân cho rắn đã để mất ấm rượu đáng lẽ thuộc về anh.
                                          (Theo Chiến quốc sách)
          Chuyện ngụ ngôn này nói với mọi người, nếu làm một việc, cần phải có yêu cầu cụ thể và mục tiêu rõ ràng, phải theo đuổi nó, hoàn thành nó với ý chí tỉnh táo kiên định, không nên bị thắng lợi làm mê muội đầu óc, dẫn đến thất bại.
          Người Việt mượn thành ngữ này dịch sang tiếng Việt là “vẽ rắn thêm chân” để chỉ những việc làm thừa, vô ích, không đem lại hiệu quả gì, thậm chí phản tác dụng. Cùng với vẽ rắn thêm chân thì vẽ rồng thêm mắt cũng có nghĩa tương tự. Để diễn đạt ý này, người Việt còn  dùng “thừa giấy vẽ voi”.
Bấm “vẽ rắn thêm chân” vào google trong 0,45 giây có ngay 180000 kết quả.  
          Cách nay mấy năm, Báo Phụ nữ online đã có bài báo giật tít “Vẽ rắn thêm chân” và đưa tin:
          “Sáng 19/8, báo mạng đưa tin ông Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội cho hay: kế hoạch kỷ niệm, tôn vinh Hai Bà Trưng sẽ được hoãn lại và tổ chức vào dịp 1.975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, tức là sang năm, sau Tết âm lịch.
          Lý do dừng tổ chức là thành phố có việc đột xuất! Vậy, sang năm, có thể người ta vẫn làm chứ không phải dừng, dù dư luận có ý kiến này nọ. Bây giờ dùng đuốc mà soi, đố ai tìm ra trong sử sách dòng nào đảm bảo tính chân thật lịch sử, có cứ liệu chính xác về hai bà. Sách giáo khoa là sách công cụ mang tính pháp quy của quốc gia, nhưng ở cả ba cấp, học sinh không biết hai bà sinh năm nào, mất năm nào, có thật là hai chị em không... chỉ thấy nói chung chung.
          Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phải thốt lên rằng: tổ chức sinh nhật Hai Bà Trưng là chuyện nực cười, bởi không ai làm chuyện đó cả khi mọi sự là huyền sử, không biết được ngày sinh thì sao làm sinh nhật? Tư liệu dân gian có lúc nói hai bà sinh ngày 1/8, rồi 13/8 âm lịch. Những sách về Hai Bà do giáo sư biên soạn đều không đưa vào chi tiết này, bởi không có cơ sở nào cả.”
          Ở đây tác giả ví chuyện thành phố Hà Nội tổ chức sinh nhật cho Hai Bà Trưng là chuyện “vẽ rắn thêm chân”!
Thật khôi hài chuyện VẼ RẮN THÊM CHÂN ở xứ ta!

          Nguyễn Ngọc Kiên





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét