Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

ĐÃ VỀ TRỜI ÁNG MÂY ĐA ĐOAN



                    Tưởng nhớ Nhà văn Nguyễn Danh Khôi
                                                     
Nguyễn Mộng Nhưng

          Đây là câu cuối cùng, chương kết tiểu thuyết  Cỏ và cát của Nguyễn Danh Khôi: “Và khẩu hiệu để sống của chúng ta là: Hỡi sóng gió của cuộc đời! Hãy quật vào ta nữa đi!”
          Người nói ra câu này là nhân vật Hàn Tuyên (đại diện tầng lớp nho sĩ, trí thức) trong ngày tình cờ gặp lại Bảng (tiêu biểu cho giai cấp nông dân) và Nụ (ả đào Ca trù). Cả ba con người này đều bị sóng gió thời đại đánh cho tơi tả, nhưng cả ba đều không chỉ tồn tại mà đã sống bền bỉ, hồn hậu như cát và xanh tươi như cỏ muôn đời.

          Ai cũng có thể hiểu “khẩu hiệu để sống” này, thông qua lời nhân vật, chính là “tuyên ngôn” của Nguyễn Danh Khôi.
          Nguyễn Danh Khôi là ai mà kiêu hùng như thế?
          Trong một khu rừng có nhiều loài cây chen chúc mọc bên nhau: cây lớn, cây nhỏ, bụi rậm, dây leo, tầm gửi… Ngày kia, một cây lớn đổ xuống, để lại một khoảng trống. Đến lúc này, người ta mới nhận ra khoảng trống cái cây ấy để lại trong rừng. Có nghĩa là người ta mới nhận ra tầm vóc của cái cây ấy. Tầm vóc lâu nay vẫn bị khuất lấp, vẫn bị nhòa đi trong màu xanh chung chung của cây và lá. Cái cây lớn ấy chính là Nguyễn Danh Khôi - người mà tuỳ theo hoàn cảnh, toạ độ tiếp cận, người đời có thể gọi với nhiều danh xưng: Nhà văn, Nghệ sĩ, Lãng tử…
          Gia đình và những người bạn đều biết sức khoẻ Khôi đã suy giảm từ 10 năm trước, chính xác là vào những ngày Khôi viết tiểu thuyết Cỏ và cát (năm 2004). Khôi thuật lại: “…Cuốn tiểu thuyết đầu tay này là một định mệnh đối với tôi...Bởi nó đã đánh dấu một thời điểm đi xuống cả về sức khoẻ lẫn sức viết của tôi…Chỉ còn một tuần nữa là nhập trại (trại sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và các lực lượng vũ trang do nhà xuất bản QĐND mở tại Hạ Long, Quảng Ninh, tháng 4/2004- N.M.N) cuốn tiểu thuyết của tôi vẫn còn dang dở. Tôi đành cố gắng tập trung làm việc. Suốt từ sáng đến gần nửa đêm, trừ lúc ăn và nghỉ ngơi gọi là, tôi nửa nằm nửa ngồi bên máy vi tính…Đến khi gần xong cuốn sách, tôi nghe một tiếng “Phựt!”rất mạnh bên đỉnh não phải. Tôi thấy lạnh toát người và thấy không còn trọng lượng nữa. Tôi hoảng loạn trong trạng thái tê liệt hoàn toàn. Có lẽ mình đang chết. Một ý nghĩ loé lên như vậy. Nhưng chỉ sau vài phút, tôi định thần lại được. Có điều, từ lúc ấy (cho đến tận bây giờ) lúc nào cũng có tiếng ve ve hoặc ong ong trong đầu. Sức khoẻ tăng lên thì đỡ, uống rượu say thì không thấy ong ve, nhưng hễ mệt mỏi là tiếng ấy lại ào lên…”
          Sau ngày này, Khôi vẫn tiếp tục sáng tác, vẫn tiếp tục tận tuỵ hoàn thành những công việc của CLB thơ Quần Phương, của anh em bầu bạn nhờ cậy (Từ hơn 10 năm nay, một mình Khôi làm đầy đủ các công đoạn của một nhà xuất bản: biên tập, vi tính, minh hoạ, làm bìa, đóng sách…). Đồng thời Khôi âm thầm sửa soạn cho ngày “ra đi” của mình. Một số tư liệu về đời tư, nhiều sáng tác thơ, nhạc, hoạ… trước đây nhiều năm  lần lượt được Khôi “công bố” (trong phạm vi hẹp). Nếu được đọc những trang này, bạn sẽ biết thêm: Nguyễn Danh Khôi không chỉ văn xuôi tài hoa (tôi nghĩ một số truyện ngắn của Khôi có thể đứng ngang hàng mà không hề “kém cạnh” những truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thị Thu Huệ…), Nguyễn Danh Khôi còn đa tài trên nhiều bộ môn nghệ thuật khác…Tuy nhiên, cũng có người cho rằng “công bố” những tư liệu này, Khôi đã quá lo xa, quá chi tiết. Khôi sợ đời không hiểu Khôi ư, đời sẽ quên Khôi ư?
          Nguyễn Danh Khôi cũng như phần lớn những người theo đuổi nghiệp viết, đều nhiễm “vi rút” cô đơn ngay từ thời niên thiếu. Khoảng năm 20, 21 tuổi, Khôi đã viết những câu thơ như  lời tiên tri mách bảo: “…Tôi hình dung Cuộc Sống này và tôi là hai địch thủ / Với sức trẻ tràn trề, tôi hăm hở xông lên / Hắn giơ mình chịu trận… / Tôi cứ đấm đến kiệt sức cùng mình /  Đến lúc ấy, chỉ một đòn thôi, hắn đã hạ gục tôi mãi mãi…”.
          Vậy nên, không ngạc nhiên khi con người này đã có những lúc uỷ mị:“Anh là bông hoa nở muộn / Tủi hờn mỗi bước chân qua / Anh là phồng tôm không lật / Nở bồng một phía thôi mà..” và yếu đuối:“…Bống bống bồng bồng / Ai ru tôi ngủ / Bao giờ rượu đủ / Cho vơi lặng thầm?”. Những lúc như thế, Khôi tìm về đời sống tâm linh, hướng về những người thân yêu đã khuất để cầu mong được che chở: “…Đến chừng này trong hoang vắng bao la / Con run rẩy giữa thù hằn bạc bẽo / Cô đơn quá, con thấy đời lạnh lẽo / Giá cha về ấm áp tựa vầng dương…”, “…Trả chưa hết thì còn phải sống / Nhưng Chúa ơi! Con mệt lắm rồi! / Cha mẹ ơi! Cho con theo với / Cha mẹ về rồi con là kẻ mồ côi…”
          Cuộc đời Khôi “tai nạn đã đầy” như thế nào chúng ta đều biết! Tôi  có cảm tưởng nhiều câu thơ của Khôi dường như được viết ra bằng máu và nước mắt!
          Tết Nhâm Thìn 2012, báo Người Hà Nội cuối tuần đã đăng lại truyện ngắn Lãng tử kèm theo những lời trân trọng giới thiệu tiểu sử, tác phẩm Nhà văn Nguyễn Danh Khôi.
          Cuối năm 2012, đầu năm 2013, blog tranmygiong (Nhà báo-Nhà nghiên cứu phê bình Trần Mỹ Giống – Nam Định), và sau đó trang Web vannghenamdinh, trong chuyên mục Chân dung Văn Nghệ đã giới thiệu Nguyễn Danh Khôi khá tỷ mỷ và chắt lọc. Có người đưa tin và tôi là người chứng kiến Khôi cảm động đến chảy nước mắt khi mở máy tính ra đọc. Những thông tin ấy có tác dụng như một liều thuốc dinh dưỡng tinh thần quý giá giữa những ngày Khôi đang lâm bệnh trọng.
          Đây là cảm nhận của một số độc giả:
          Ia Lung:
          Viết rất hay, nấu ăn rất giỏi…
          H. Oanh:
          Quá tự hào vì được làm bạn của Danh Khôi, một người bạn không màng danh lợi, sống hết mực thủy chung với bạn bè, một nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ...không cần danh tiếng, chẳng cần sắc phong. Bạn sinh ra là giành cho nghệ thuật, đọc tác phẩm của bạn, tôi thấy quá gần với đời thường, câu chuyện nào cũng có cảm giác tìm thấy một phần của mình, của các bạn mình trong đó. Xin lỗi Kim Anh nhé, Danh Khôi của tôi thật tuyệt vời...
          N. N:
          Nguyễn Danh Khôi xứng đáng được giới thiệu.
          Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ông âm thầm làm “bà đỡ “ cho cho nhiều tác giả truyện, thơ ở Hải Hậu thành danh.
          Một dịp nào đó mình sẽ viết về ông…
          Như thế, ngay ở thì hiện tại, người đời và văn đàn xứ sở đã ghi nhận Khôi rồi đấy chứ!

          …Và hôm nay, đúng như Khôi đã tiên cảm, sóng gió cuộc đời đã quật vào Khôi thêm một lần nữa, lần cuối cùng, dữ dội, quyết liệt và dứt khoát đưa Khôi đi. Thế là từ nay Khôi đã rời xa cõi nhân gian khổ luỵ. Khôi đã bước qua những Lỗ thủng khóc cười, những Tiếng thác day dứt; Khôi đã để lại đằng sau Một thoáng phù vân, Một hơi thở nhẹ… Khôi đã cùng  những áng mây đa đoan bay về trời rồi phải không?
          Ngày hôm nay, Khôi thấy đấy, cùng gia đình, họ hàng, làng xóm, đồng độị…, chúng tôi - những người bạn văn từng gắn bó, cảm thông và trân trọng đời và văn nghiệp của Khôi, đã có mặt đông đủ để tiễn đưa Khôi. Chúng tôi đang đồng điệu Hoan ca đường về của Khôi đây:
          “…Hãy hát lên và cười lên đi chứ!
          Thoát ngục rồi sao thương tiếc cho nhau
          Hãy nâng chén vì niềm vui nếu muốn
          Lại có một người thoát khỏi cõi bể dâu”
                              
Hải Trung 5 – 10 / 4 / 2014
NGUYỄN MỘNG NHƯNG




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét