Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

7.Thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ điển và điển cố


Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên
          
Nguyễn Ngọc Kiên

          (15)Vô cùng vô tận
          Thành ngữ này có xuất xứ từ bài thơ Đạp sa hành () của Án Thù) (晏殊)  đời  Bắc Tống. Nguyên tác của bài thơ như sau:


Phiên âm: 
Đạp sa hành kỳ 2
Tổ tịch ly ca,
Trường đình biệt yến,
Hương trần dĩ cách do hồi diện.
Cư nhân thất mã ánh lâm tê,
Hành nhân khứ trạo y ba chuyển.

Hoạ các hồn tiêu,
Cao lâu mục đoạn,
Tà dương chỉ tống bình ba viễn.
Vô cùng vô tận thị ly sầu,
Thiên nhai địa giác tầm tư biến.

Bản dịch của Nguyễn Phước Hậu:

Chia ly tiệc quán tiễn ngâm nga
Ngoảnh ngắm bụi mờ khuất lối qua.
Ngựa hí vang rừng người ở lại
Chèo khua dậy sóng kẻ về xa.

Lầu gác hồn tan mắt dõi theo
Xa trông nước lặng sóng về chiều.
Chia ly sầu thảm không bờ bến
Góc đất chân trời dạ hắt hiu.

Trong tác phẩm Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân, có viết:
“Đường sang Tây thiên vô cùng vô tận, khi nào mới tới được đây?”
                                                          Tây Du Kí- Ngô Thừa Ân
Trong truyện ngắn của mình Lỗ Tấn cũng dùng thành ngữ này:
“Trong lòng anh ta có cái gì đó kỳ lạ vô cùng vô tận, tất cả bạn bè của tôi không bao giờ biết được.
                                                (Lỗ Tấn – Cố hương)
Theo Từ điển tiếng Việt Wikipedia mở, “vô tận” hay “vô cực’ là thuật ngữ dùng trong thần học, triết học, toán học cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Vô tận theo nghĩa thông thường nghĩa là không giới hạn, không có xác định được kích thước hay số lượng cụ thể. Với ý nghĩa này, vô tận trùng với vô hạn, vô cùng. Trong toán học, vô cực được ký hiệu bằng ∞.
Các nghiên cứu về vũ trụ đưa đến một kết quả rằng, vũ trụ hay vũ trụ quan sát được của chúng ta là hữu hạn nhưng không có biên . Theo như kết quả hiện giờ vũ trụ vẫn còn nhiều bí ẩn. Sự vô biên hay hữu biên của vũ trụ chưa được chứng minh. Chúng ta nên biết hầu hết các hình ảnh về vũ trụ là ảnh của mô hình dự đoán (không phải do chụp thực tế mà có). Các nhà khoa học thể hiện mô hình cho dễ hiểu.

(16) Cưỡi ngựa xem hoa  (走马观花) [tẩu mã quan hoa]

Đây là một thành ngữ tiếng Trung Quốc. Chuyện rằng:
Có một cô nàng nọ đã đến tuổi cặp kê mà vẫn chưa có ai. Lý do là môi của cô có khuyết điểm, bị hở hàm ếch. Và ở vùng khác, cũng có một anh chàng kia, tuổi đã lớn mà chưa có người nâng khăn sửa túi vì anh bị tật ở chân. Cả hai đều nhờ đến mai mối, mong tìm được người thương. Bà mai mà hai người này nhờ lại là một người, bởi vậy câu chuyện mới tiếp tục và làm cho hai người xa lạ kia tiến gần lại với nhau. Bà xếp đặt cho hai người một cuộc hẹn. Đó là vào hội chợ hoa.
Chợ hoa lần ấy, người ta thấy một chàng thư sinh cưỡi chú tuấn mã thong dong vào vườn hoa. Laị còn thấy một cô gái thật đẹp nép nửa mặt vào trong cánh quạt, đang e lệ khẽ nâng từng cánh tầm xuân
Sau đó hai người hình như là quen nhau, dù hơi xấu hổ khi biết được khuyết điểm của nhau
Câu "cưỡi ngựa xem hoa" ra đời từ đó.
Người Việt mượn câu này và dịch ra tiếng Việt với ý nghĩa là: Nói đến cách làm việc của một cá nhân nào đó chỉ lướt qua đại khái hay cho có chứ không muốn tìm hiểu sâu và chi tiết vào nó trong khi thực chất công việc đó đòi hỏi phải xem xét kĩ lưỡng. Giống như khi xem một đóa hoa đẹp, người ta phải lại gần, nâng niu và từ từ ngắm thưởng thì bạn lại ngồi trên ngựa mà ngó xuống, thử hỏi như vậy làm sao thấy hết đc vẻ đẹp của bông hoa. Giống như thành ngữ thầy bói xem voi chỉ vội vàng kết luận mà không xem xét kỹ toàn diện kĩ lưỡng.

Nguyễn Ngọc Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét