Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Những thành ngữ có xuất xứ từ thơ cổ điển và điển cố (Kì 12)


TS Nguyễn Ngọc Kiên

 
        Nguyễn Ngọc Kiên

(29) 愚公移山 [ Ngu Công di sơn] (Ngu công dời núi)
          Thành ngữ chỉ chỉ người có ý chí kiên định , không sợ khó, sợ khổ. Nó có xuất xứ từ câu chuyện sau:
          Xưa kia, có một ông lão sống ở vùng Hoa Bắc, tên gọi Bắc Sơn Ngu Công. Ở phía nam nhà ông có hai quả núi to Thái Hành và Vương Ốc chắn ngang nên giao thông đi lại rất khó khăn.

          Một hôm, lão Ngu cho gọi tất cả cháu con lại, bàn rằng:” Ta muốn cùng các người đồng tâm hiệp sức bạt phẳng hai ngọn núi phía trước, dời đi nơi khác có nên chăng? Khi đấy, chúng ta sẽ đến thẳng được phía Nam của Dư Châu và Hán Thủy”.
          Ai nấy đồng thanh hô to: “ Được ạ!”.
          Chỉ có người vợ thấy ngần ngại, liền hỏi vặn: “ Ông già yếu thế kia, sức không bạt nổi một cái gò, sao bạt được những hai núi to như thế kia? Mà đất đá sẽ mang đổ đi đâu?”.
          Mọi người đáp : “ Đem ra Bột Hải, phía bắc An Thổ”.
          Nói xong , Ngu Công và con cháu cùng ra phá núi, kẻ đục đá , người đào đất, cho vào sọt mang ra Bột Hải.
Láng giềng có đứa bé mới tám tuổi, con người đàn bà góa, cũng chạy theo giúp họ. Do đường xa vợi , từ đông đến hạ, họ chỉ có thể quay về một lần.
          Có người nọ thấy thế, can gián Ngu Công” Ông thật ngốc nghếch! Hay là dừng lại lúc chưa muộn, về an nghỉ tuổi già!”.
          Lão Ngu bảo:” Ngươi xem ra còn không bằng người đàn bà góa và đứa trẻ dại! Ta già, ta chế, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta, hết đời cháu ta, đã có chắt ta, con cháu đầy đàn , núi dù cao, nhưng không thể cao hơn , lo gì không bạt nổi?”.
          Lòng người vô hạn, còn núi thì có hạn, sao lại phá không xong? Nhưng để hoàn thành chí lớn này, con người phải trải rộng thế giới nội tâm của mình và vượt qua cả thế giới hữu hạn bó hẹp.   Ngu Công dẫn cả nhà, bất kể mùa hè nóng nực, hay là mùa đông giá lạnh, hàng ngày đi sớm về tối, không ngừng đào núi. Việc làm của họ cuối cùng đã cảm động Thượng Đế. Thượng Đế đã cử hai vị thần tiên xuống trần gian, dọn hai ngọn núi này, Thế nhưng chuyện Ngu Công dời núi luôn lưu truyền đến nay. Nó nói với mọi người, bất kể gặp phải việc khó khăn ra sao, miễn là có quyết tâm có nghị lực làm thì có thể thành công .

          (30) 朝三暮四[Triêu tam mộ tứ] : Thành ngữ chỉ những kẻ không kiên định, không có chính kiến, không suy nghĩ kĩ, thường thay đổi chủ ý, hoặc cũng có thể chỉ người đang lừa gạt người khác.
          “Triêu” có nghĩa là buổi sáng , “Mộ” có nghĩa là buổi tối .
          Thành ngữ này có xuất xứ như sau :
          Nghe kể rằng vào thời Chiến Quốc , có một ông già rất thích khỉ , ông đã nuôi cả một bầy khỉ . Do hàng ngày ông tiếp xúc với khỉ , cho nên ông có thể hiểu được tính tình của khỉ , những con khỉ cũng hiểu được lời nói của ông .Những con khỉ mỗi ngày đều phải ăn rất nhiều thức ăn . Thời gian lâu dần , ông lão đã nuôi không nổi những con khỉ này nữa , ông phải giảm đi số lương thực của khỉ , nhưng mà lại sợ khỉ không vui . Ông nghĩ đi nghĩ lại , đã nghĩ ra được một cách hay Một hôm , ông nói với những con khỉ : “ Ta rất thích các ngươi , nhưng các ngươi đã ăn quá nhiều , tuổi của ta cũng đã lớn , không có cách kiếm tiền , cho nên bắt đầu từ hôm nay , ta phải giảm bớt lương thực của các ngươi rồi . Mỗi buổi sáng chỉ có thể cho các ngươi bốn hạt dẻ , buổi tối cho các ngươi ba hạt dẻ “.Bầy khỉ vừa nghe ông lão đòi giả bớt lương thực , thì rất không vui , nhảy loạn cả lên . Ông lão nhanh chóng nói : ‘ Thôi được , thôi được như vậy đi , buổi sáng ta cho các ngươi ba cái, buổi tối cho các ngươi bốn cái như thế thì được rồi chứ “
          Bầy khỉ vừa nghe buổi tối cho chúng thêm một cái thì đều rất vui mà nhảy cả lên.
          Thành ngữ “sáng ba chiều bốn” tương đương với thành ngữ tiếng Việt là “sớm nắng chiều mưa” mà chúng tôi đã nói ở kì 6. Thành ngữ này có thể tả thực, chẳng hạn khi nói về thời tiết Sài Gòn “sớm nắng chiều mưa, Còn giữa trưa thì chỗ mưa chỗ nắng.”
          Nó thường được dùng để miêu tả tính khí thất thường của con người nhất là phụ nữ và sử dụng nhiều trong các đầu báo. Chẳng hạn: Sol Campbell: sớm nắng chiều mưa, (Việt báo, 31/7/2006); Bạn gái “sớm nắng chiều mưa” (Vnexpress, 17/10/2013).
          Không những thế, “sớm nắng chiều mưa” còn được dùng để biểu thị sự thay đổi, diễn biến thất thường của sự vật. Chẳng hạn: Sớm nắng chiều mưa như… giá dầu, (Thái Nguyên online, 15/01/2009); Giá ớt “sớm nắng chiều mưa” (Tin tức nông nghiệp, 25/4/2014), sau đó được các báo “Công thương điện tử” và “NN thị trường” dẫn lại.
          Thành ngữ “sớm nắng chiều mưa” cũng được sử dụng nhiều trong thơ ca.
          Chẳng hạn, trong bài thơ sau của Tố Hữu:
          Thù bạn đời nay có khác xưa,
          Nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa ?
          Chợ trời thật giả đâu chân lý ?
          Hàng hoá lương tâm cũng thiếu thừa ?
          (Tố Hữu – Tâm sự)
Hoặc:
          Anh đừng về nữa cánh đồng sim
          Đã chín lịm nhưng người quên không hái
          Em lang thang trong thực tại
          Vơ vẩn trách trời sao sớm nắng chiều mưa.
          Anh đừng về nữa những buổi chiều thưa
          Nắng ngưng chảy bóng mình như mờ ảo
                   (Thuỳ Dương – Anh đừng về)
          Các tác giả cũng thường hay hoán đổi vị trí các từ vì lí do hiệp vần. Chẳng hạn:
          Tình em nắng sớm mưa chiều
          Tâm em còn có bao nhiêu đường tròn
                   (Nguyễn Ngọc Kiên – Tình anh và em)
          Khi để nói về những người hay thủ đoạn, tráo trở, lật lọng, người Việt cũng dùng thành ngữ “trở mặt như trở bàn tay”…
……………

          (31) 兵不厌诈[Binh bất yếm trá]: Thành ngữ ý nói dùng mưu kế , sách lược đánh lừa đối phương , để giành được thắng lợi , nghĩa là không thể quá thật thà với kẻ địch được , phải dùng kế khiến cho kẻ địch không có sự đề phòng .
          Thành ngữ này có xuất xứ như sau:
          Thời Đông Hán , khi Hán An Đế tại vị ( năm 107-125 CN) một số bộ lạc tộc Khương ở phía Tây Nam thường xuyên quấy rối biên cương . Có một lần đã vây được quận Vũ Đô của triều Hán .Khi đó tình hình rất nguy cấp , An Đế vội vàng phong cho Ngu Hủ làm thái thú quận Vũ Đô , đem quân chống cự lại với quân Khương . Ngu Hủ dẫn mấy ngàn binh mã , ngày đêm tiến vào quận Vũ Đô. Khi quân đến dải đất Trần Thương , Hào Cốc thì bị quân Khương chặn lại. Ngu Hủ thấy quân địch đông mà quân mình ít , bèn lệnh cho quân binh dừng lại , sau đó nói rằng khi một đội quân lớn của triều đình được cứ đến thì sẽ lập tức hợp binh tấn công .Quân Khương không biết đó là kế sách , tin là thực , bèn chia quân bốn phía cướp giật lương thực , lực lượng phòng thủ vì thế mà bỗng chốc suy yếu . Ngu Hủ thấy quân địch đã phân tán bèn nắm lấy cơ hội, lập tức dẫn quân phá tan phòng tuyến địch,nhanh chóng tiến về phía quận Vũ Đô .Ngu HỦ lệnh cho quân sĩ gấp rút tiến lên , mỗi ngày hành quân hơn trăm dặm, đồng thời ra lệnh cho binh sĩ các đội đào hai hầm trong ngày đầu tiên , sau đó dần dần tăng lên gấp bội .Có tướng lĩnh không hiểu được ý nghĩa của việc đó , bèn hỏi : " Ngày xưa Tôn Tẫn dẫn quân hành quân tác chiến , mỗi ngày lại giảm số hầm để đánh lừa quân địch, hành quân ba mươi dặm,phía trước phía sau phối hợp với nhau thì có thể đảm bảo được an toàn . Chúng ta mỗi ngày đi hơn trăm dặm, những điều đó đều không hợp với quy tắc của tiền nhân !".
          Ngu Hủ nói : " Dùng binh đánh trận phải căn cứ vào tình thế khác nhau mà có những sách lược khác nhau . Quân Khương rất đông , chí sĩ hừng hực; còn quân ta lại ít ỏi , không thể đối đầu với chúng được . Nếu như chúng ta hành động chậm, há chẳng phải sẽ bị quân Khương đuổi kịp ư ? Chiến tranh phải chấp nhận dối lừa, phải ngụy tạo để đánh lừa quân địch. Ngày xưa Tôn Tẫn giảm số hầm đào là để giả bộ quân đội suy yếu , còn chúng ta tăng thêm số hầm đào là để giả bộ quân sĩ rất hùng mạnh ".
Quả nhiên , quân Khương thấy số hầm của quân Hán ngày càng nhiều , cho rằng binh lực của quân Hán không ngừng được tăng lên , không dám tiếp tục truy đuổi . Bởi vậy,quân của Ngu Hủ mới được an toàn tiến vào quận Vũ Đô      Khi đó , số quân Hán chiếm quận Vũ Đô không đến ba ngàn người , còn quân Khương thì có đến vài vạn , hiển nhiên là địch nhiều mà ta thì ít . Bởi vậy mà khi hai quân giao chiến với nhau , Ngu Hủ lệnh cho binh sĩ không được dùng cung tên bắn được xa mà chỉ dùng cung tên yếu chỉ bắn được rất gần . Quân Khương thấy cung tên của quân Hán yếu ớt thì lấy làm yên tâm . Ngu Hủ đợi cho địch tiến đến gần , lệnh cho binh sĩ dùng tên mạnh tập trung bắn liên tiếp , khiến cho quân Khương thương vong nặng nề , vội vàng tháo lui . Không ngờ , trên đường thoái lui lại bị tinh binh đã được mai phục của Ngu Hủ tấn công , kết quả là quân Khương đại bại .Sau khi quận Vũ Đô được giải vây , Ngu Hủ lại tập trung sức người xây dựng hai trăm tám mươi thành lũy dọc một dải biên giới , triệu tập những người dân chạy trốn trong chiến tranh , sắp xếp cuộc sống cho họ . Và quận Vũ Đô rối ren đã dần dần được ổn định .
          (còn nữa kì sau đăng tiếp)

NGUYỄN NGỌC KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét