Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 27-29)



          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH
 
          XXVII

          Từ dạo kết bè kết đảng với Hội đến lúc mất chức, nguyên phó bí thư xã đoàn Lê Văn Hợm mới biết là dại. Tối nay Hợm ngồi nhà một mình uống rượu. Cô bạn gái gần nhà đang học đại học nông nghiệp về nghỉ từ hôm trước chắc giận Hợm nên cũng chẳng thèm đến chơi. Ngoài đường, ngoài ngõ thanh niên í ới đến nhà văn hóa xã sinh hoạt đoàn. Với Hợm bây giờ vị trí lãnh đạo đoàn chỉ là dĩ vãng, là kỷ niệm buồn. Chức phó bí thư xã đoàn đã rơi vào tay người khác.

          Ngồi một mình bên chai rượu, Hợm càng uống càng thấy sầu. Hợm tự trách mình “Sai một ly đi một dặm”. Cái vết đen này sẽ nằm trong trang cuối cuốn lý lịch đoàn của Hợm.
          Trăng đêm rằm trời đông lạnh giá như dát vàng dát bạc xuống cảnh quê. Cây Ngọc Lan đầu nhà đưa hương thơm ngào ngạt. Bóng cây hắt vào tường rung rinh, huyền ảo. Hợm vặn chặt nút chai rượu rồi đặt nó vào gầm bàn: “Chẳng lẽ ta lại mất hết?” Hội thẫn thờ tự đặt cho mình câu hỏi.

          Trong nhà bố mẹ Hợm biết Hợm buồn. Mẹ Hợm ra hiên nói Hợm:
          - Con đừng hành xác con nữa. Cái chức “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ấy đã là cái gì? Ông Lẫm mất chức bí thư đảng ủy xã, ông ấy vẫn vui như tết đấy thôi? Con phải học người ta cách bình thường hóa, đừng suy sụp tinh thần thế!
          Bố Hợm nói thêm:
          - Bà cứ để con nó suy nghĩ. Con nó biết phải làm gì!
          Hợm đọc thơ cho mình vô tình cho cả bố mẹ nghe:
          - “Mỗi lần ngã là một lần bớt dại.
          Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”
          Câu thơ thời Hợm là học sinh làm Hợm phấn chấn, mạnh mẽ hẳn lên.  Hợm nói với mẹ:
          - Bố mẹ cứ yên tâm. Con không nghĩ cụt đường đâu. Bây giờ con sang nhà Thúy chơi đã. Thúy về nhà hai hôm nhưng không sang chắc là Thúy giận con đấy.
          Ngoài ngõ có tiếng của nhiều người:
          - Không biết nó có nhà không?
          - Ta cứ vào đi. Ta động viên nó.
          - Kể ra Hợm cũng thành đạt sớm. Hai mươi tuổi đã kết nạp đảng. Hai mốt tuổi là phó bí thư xã đoàn.
          - Nếu không có vụ việc vừa qua chắc chắn Hợm sẽ trúng đảng ủy. Cái chân bí thư xã đoàn chờ hắn!
          - Chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào mà hắn lại làm việc rồ dại ấy?
          - Ta vào đi! Ồ, cái cậu này sao lại khóc? Nín đi!
          Hợm ra ngõ đón các bạn:
          - Các cậu trao đổi về tớ nhiều thế? Chắc là tớ có vấn đề chứ gì? Ờ, sao Thúy lại khóc? Anh cũng định sang nhà em.
          - Hai cụ có nhà không?
          - Có. Các cụ vừa động viên tớ xong. Nói thực với các cậu, tớ đâu phải là hạng người dễ nản chí. Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già? Vấn đề mình nên biết để rút kinh nghiệm.
          - Chiều nay tớ thấy mẹ cậu vặt bưởi, vặt na nhiều lắm. Có quả nào chín thì đem ra hối lộ Thúy đi?
          Bố mẹ Hợm cũng ra góp chuyện:
          - Các cháu đến chơi?
          - Chào hai bác!
          - Các cậu ngồi ngoài hiên thú vị hơn trong nhà đấy. Để tớ pha trà, lấy rượu ra làm một tí nhé.
          Thúy là bạn gái nhà bên. Thúy hai mươi tuổi đang là sinh viên năm thứ hai đại học nông nghiệp. Thúy có ước mơ sau này là kỹ sư nông nghiệp để phục vụ quê nhà. Hợm và Thúy đã yêu nhau cũng hai năm.
          Hợm lúi húi một mình rót rượu, gọt bưởi. Có bạn lên tiếng:
          - Người ta phụ tình rồi!
          Cả đám cười. Hợm cũng cười nói vui:
          - Chỉ có một người không cười?
          - Chỉ có một kẻ khóc cho sự cố tình đầu?
          - Người đâu mà hờn giận, trách móc dai hơn đỉa?
          Thúy giờ mới nói:
          - Bây giờ làm gì có đỉa nữa mà ví. Thuốc sâu thuốc độc chẳng làm chúng chết hết rồi, mọi người không biết à?
          Hợm nhặt quả bưởi đã trắng như cục bông lớn, nói:
          - Thúy lấy dao tách hộ, anh bị đứt tay rồi!
          Thúy đặt quả bưởi Hợm đưa xuống chiếu rồi đỡ lấy ngón tay Hợm giữ chặt vết xước không cho máu chảy. Thúy nói:
          - Ai bảo chơi với dao để đứt tay. Cho chết!
          Mọi người biết Thúy trách bóng gió Hợm nên cùng cười. Hợm nhìn Thúy thủ thỉ:
          - Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
          - Em ghét anh lắm. Sao anh dám làm việc động trời ấy?
          - Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
          Đám bạn nhao nhao nói. Hợm chủ động vào chuyện:
          - Mình biết các bạn đến động viên, mình cám ơn nhiều lắm. Thật lòng là mình có hối hận về việc làm vừa qua. Nhưng thôi cái gì đã qua cho nó qua. Mình lấy đó là bài học. Buồn vui cũng phải có giới hạn thôi. Mình không được làm công tác đoàn nữa, không có nghĩa là mình bị bỏ đi. Mình vẫn còn nhiều thời gian để sửa chữa sai lầm.
          Các bạn nghe Hợm nói thế ai cũng vui. Hà- ủy viên ban chấp hành xã đoàn, người có bằng trung cấp thú y vừa được bổ sung vào đoàn xã nói:
          - Chỗ bạn bè với nhau, mình thấy Hợm đã rút ra bài học cho mình. Âu cũng là bài học chung cho mỗi chúng ta. Tuổi trẻ thường bồng bột. Bọn mình không nói thêm gì nữa bởi có nói thì cũng nằm trong ý câu Hợm đã nói có phải không mọi người?
          - Hà nói đúng. Bây giờ ta chuyển sang chủ đề khác. Cái Thúy nói đi?
          Thúy bị câu nhắc của bạn bè chỉ gãi đầu, gãi tai chưa biết nói sao.
          - Thúy nói đi. Đại để thế này: Anh cứ yên tâm. Anh nghĩ lại việc đã “Dồi” là em mừng “Dồi”. “Dồi” Em vẫn yêu anh da diết lắm!
          - Cái gì mà lắm “Dồi” thế?
          Nghe bạn gái ngồi bên phê bình khéo bạn trai nói ngọng mọi người cùng rộ lên cười. Thúy chủ động lảng chuyện, Thúy hỏi Hợm:
          - Những ngày tới anh định làm việc gì? Anh đã xây dựng cho mình chương trình hành động chưa? Anh phải có chương trình hành động mới chủ động công việc được?
          - Con bé này hỏi anh Hợm sợ thật đấy? Cứ như lãnh đạo hỏi!
          - Anh Hợm trả lời cái Thúy đi. Ý nó hỏi: là bao giờ anh cưới nó đấy?  Câu hỏi kiểu nước đôi khôn lắm. Hôm nào tớ cũng phải hỏi anh Hà kiểu này. Kín mà hở, hở mà kín. Hay đáo để!
          Nghe bạn gái ngồi bên nói, Thúy đấm vào lưng bạn cười nói:
          - Chỉ giỏi cái suy diễn. Người ta hỏi thật, hỏi thẳng lại cố tình bẻ cong.
          - Cậu chê tớ cong thì bọn tớ về. Cho cậu ở lại một mình… Nào mọi người về đi, hai đứa họ đuổi khéo ta về đấy…
          Các bạn của Hợm về thật. Họ về để Hợm và Thúy có điều kiện tâm sự. Hội vào nhà lấy chiếc áo vét của mình khoác thêm cho Thúy. Lúc này bố mẹ Hợm cũng ra ngoài nói chuyện với Thúy:
          - Tình hình học tập của cháu thế nào? Kể cho hai bác nghe? – Mẹ Hợm hỏi.
          - Dạ, cũng tốt hai bác ạ!
          - Kỹ sư nông nghiệp cần cho xã nhà lắm. Học xong cháu về công tác ở xã hay ở huyện đều tốt cả. Xã mình từ trước đến nay đã có kỹ sư nông nghiệp nào đâu? Cháu đem kiến thức khoa học về phổ biến cho bà con còn có gì quý bằng.
          Đợi mẹ nói xong, Hợm chêm vào:
          - Nhà nước có chủ trương đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm lãnh đạo xã, nghe đâu là phó chủ tịch gì đó? Oai lắm!
          - Anh Hợm nói đúng. Nhưng với cháu, cháu thích làm chuyên môn.
          - Anh Hợm có nghe thấy Thúy nói gì không?
          Hợm láu táu trả lời:
          - Thúy sợ làm cán bộ lãnh đạo chứ gì? Lại sợ mắc phải thói tham ô, tham nhũng. Sợ bị dân chúng coi thường, khinh bỉ hay chửi vào mặt. Thúy đừng sợ. Chắc cơ chế kiểu này cũng bị xóa bỏ, làm gì có điều kiện để làm bậy dễ như ăn óc chó thế?
          Bố Hợm cười khi nghe Hợm nói. Ông bảo:
          - Anh Hợm lại nói chuyện trên giời rồi! Anh cứ tập trung suy nghĩ về công việc của anh đi. Tôi nói cho anh biết: năm anh hai mươi bảy tuổi mà chưa ổn định công việc là anh kém đấy! Nhớ chưa?
          - Bố cứ yên tâm. Con cũng có hướng đi rồi.
          Trăng lên quá đỉnh đầu. Bố mẹ Hợm vào nhà đi ngủ. Mẹ Hợm nói thêm:
          - Có chuyện gì các con cứ bộc bạch ra đi. Đừng e ngại.
          Hợm và Thúy im lặng. Thúy đứng dậy đi đến bên gốc cây hoa lan. Hợm cũng đứng dậy theo. Thúy vịn tay vào cành cây rồi ngửa mặt ngắm trăng.
          - Thúy ơi, em đừng buồn, đừng suy nghĩ về chuyện của anh nữa?
          - Anh bảo em không buồn thế nào được? Chuyện động trời như thế mà anh tham gia.
          - Anh đã biết là dại. Dại bây giờ để sau này không dại nữa. Có thế nào đi nữa anh cũng là bồng bột. Em biết đấy, sau vụ “Động trời” như em nói, các vị kia bị cảnh cáo. Riêng anh bị phê bình, nhắc nhở thôi.
          - Anh là may đấy. Nếu em xử chắc là anh bị em treo cổ rồi!
          Hợm cười rồi xoay người ôm lấy Thúy, kéo Thúy vào lòng.
          - Thôi đừng bao giờ nhắc đến chuyện này nữa. Tội nghiệp cho anh.
          Nghe Hợm nói từ tội nghiệp, Thúy chạnh lòng trắc ẩn. Thúy nhìn sâu vào mắt Hợm nói:
          - Chắc rồi em sẽ quên!
          - Nhưng không bao giờ quên anh đấy chứ?
          - Có thể? Nếu…
          Hợm ôm Thúy vào lòng chặt hơn.
          - Không có chuyện “Có thể” đâu nhé?
          Thúy gỡ nhẹ vòng tay Hợm nghiêm giọng nói:
          - Anh vừa nói với bác trai hướng đi của anh là cái gì? Giờ anh nói rõ cho em nghe xem có phù hợp không?
          Hợm nắm chặt bàn tay Thúy tự tin nói:
          - Anh sẽ phát triển mô hình trang trại trên chính đất vườn nhà. Anh sẽ mua thêm hoặc trao đổi với anh Kết nhà bên góp đất góp vốn cùng làm. Ngay ngày mai anh sẽ sang trao đổi việc này với anh Kết. Anh tin anh Kết sẽ hợp tác với anh.
          Thúy lắng nghe Hợm nói và gật đầu liên tục:
          - Hướng đi của anh cũng hợp với ý em. Em ủng hộ. Có gì cần đến em, em sẽ hỗ trợ. Thế nhé! Anh cho em hỏi việc học của em gái anh đến đâu rồi? Hình như em nó học trung cấp tài chính kế toán nhỉ?
          - Ừ. Hà học cũng sắp xong rồi. Có lẽ khoảng giữa năm tới sẽ ra trường. Anh cũng đang lo kiếm việc, kiếm chỗ làm phù hợp cho nó. Thúy để anh nói tiếp chuyện dự kiến trao đổi hợp tác với anh Kết. Diện tích đất vườn nhà anh Kết phần liền kề nhà anh khoảng hai ngàn mét vuông. Phần đất này anh Kết đang trồng cây ăn quả, thu nhập chẳng được là bao. Hiện giờ anh Kết đang nấu rượu để bán và lấy bã chăn nuôi lợn. Ngày mai nếu em thích thì cùng anh sang trao đổi với anh Kết nhé?
          Thúy cười bảo:
          - Nếu em sang thì vô duyên quá. Anh ấy lại cười cho? Anh đi một mình thôi. Bây giờ anh đưa em về, khuya quá rồi!
          Hợm đưa Thúy về đến tận nhà. Sáng hôm sau Hợm sang nhà Kết. Thấy Hợm đến Kết đon đả:
          - Có việc gì chú cần đến anh? Vào nhà uống nước đã.
          - Anh khỏe chứ? Chuyện tình đến đâu rồi? Ổn cả chứ anh? Ông anh kết hợp  công việc hài hòa quá! Em có công việc muốn trao đổi hợp tác với anh đây? Anh sẵn sàng chứ?
          - Hợp tác, liên minh ma quỷ với cha Hội anh không làm đâu?
          Kết nói “Mát” Hợm. Hợm cười nói:
          - Em dại quá ông anh ạ. Cứ tưởng lão ấy ngay thẳng dám nói, dám làm, quý mến mình, ai ngờ…
          - Thằng cha ấy là lưu manh có hạng. Hắn chuyên sui kẻ ngu ăn cứt.
Nghe Kết nói kẻ ngu ăn cứt, Hợm lớn tiếng cười nói:
          - Đúng là ngu thì ăn cứt. cái lão chơi trò “Huých chó bụi rậm, ném đá giấu tay” nguy hiểm thật.
          - Anh mà còn nông nổi như thuở trước chắc thằng ấy anh cho nó no đòn rồi. Nhưng thôi, ông giời có mắt, nó cũng mất chức rồi. Bây giờ đã là thường dân loại một.
          - Anh nói thường dân loại một là gì?
          - Là người như hắn, như chú, còn ai nữa!
          Hợm cười rồi hỏi tiếp:
          - Thế thường dân loại hai, loại ba?
          - Loại hai là cánh số đông, cánh ăn no vác nặng. Loại ba là những người như anh, có vết của một thời! Chú Hợm nhớ nhé?
          Hợm cười vặn lại:
          - Em còn nghe có cả loại phó thường dân nữa, là ai vậy?
          - Là cánh loại hai đấy! cái kiểu nói khác đi thôi.
          - Ông anh lắm chuyện quá?
          - Thì “Lý sinh sự. Sự sinh lý” cả. Nào chú có chuyện gì hay thì nói cho anh nghe?
          Hợm ngó dọc, ngó ngang nói:
          - Giả thử có chén rượu lúc này thì tốt nhỉ?
          - Chuyện đơn giản.
          Kết đứng dậy ra bàn cầm chai rượu và hai chiếc cốc sành đến. Kết rót hai cốc đầy, nói:
          - Mời chú.
          Cả hai chạm cốc rồi ngửa cổ uống. Hợm chép miệng nói:
          - Ông anh có muốn làm ăn chung với thằng em không?
          - Tôi tưởng chú theo đường quan lộ? Làm thằng trọc đầu như anh làm gì?
          - Tuy mới tò te nhưng em thấy sợ chốn quan trường rồi. Bợ đỡ nhau, nịnh trên nạt dưới ghê lắm. Nói thật với anh, em mới nhiếp chính có một năm đã thấy bao chuyện? Chỉ khi về nhà duỗi chân nghỉ, vắt tay lên trán suy nghĩ lại mới nhìn thấy chân dung mình, còn chỉ là cái bóng. Tất cả là thế! Thôi em vào việc:
          Ông anh đã nghĩ gì về vườn ẩm thực việt của nhà anh Du và mấy người chưa? Ông anh có góp đất vườn với em làm trang trại nuôi lợn rừng không?
          Thịt lợn rừng bây giờ có giá đấy! Nuôi nó cũng đơn giản, ít bệnh tật, thị trường ưa chuộng.
          Khi Hợm nói xong Kết đứng dậy đi lại trong nhà nhiều vòng để suy nghĩ. Kết vốn nhanh nhạy trong đường làm ăn nên khi Hợm nêu ra Kết đã hình dung thấy việc phải làm. Kết nói:
          - Anh với chú ra vườn quan sát xem sao? Nghe được đấy.
          Hai người ra vườn một lát rồi về. Kết nói:
          - Được. Chú về lên phương án cụ thể rồi ta quyết.
          Hợm mừng lắm. Hợm đã tìm được đồng minh đáng tin cậy. Hợm nghĩ “Nói gì thì nói chứ ở Kết có khá nhiều ưu điểm. Kết đã nói là làm, có bản lĩnh, nhanh, tháo vát và khỏe”.
          Sau vài tháng vừa bỏ công sức vừa thuê người làm, trang trại của hai người đã tương đối hoàn chỉnh. Tường bao xây toàn gạch đá cao ngang bụng, phần trên căng dây thép gai. Trong vườn những cây lưu niên được kè gốc không cho lợn dũi mõm phá phách, đồng thời còn tạo bóng mát sân chơi cho lợn. Một hầm ủ phân thu khí ga, một hầm ủ phân phục vụ cho trồng trọt.
Ngày đầu Hợm và Kết mò vào tận rừng xanh núi đỏ tìm thổ dân để nhờ mua lợn giống. Cả tháng trời cùng thổ dân đào hầm đặt bẫy mới bắt được một đàn cả mẹ lẫn con. Hai anh em còn tìm mua tận Thái Lan, tận Lào nữa. Ngày đầu phải nói Hợm với kết cũng mất ăn mất ngủ vì chúng. Chúng dũi đất đào phá ghê gớm tìm lối tẩu thoát, một thời gian rồi chúng cũng quen. Lợn rừng là loài ăn tạp, có bữa chúng ăn nhiều bã rượu cả đàn say đổng tử nằm thở gấp tưởng chết. Đàn lợn rừng từ nơi hoang dã giờ được ăn uống đầy đủ chúng lớn nhanh như thổi. Ngắm chúng Hợm nói với Kết:
          - Có lẽ ta phải tính chuyện nhân đàn. Em nghĩ có thể ta mua thêm vài con lợn cái giống ỉ cho lai thử xem?
          - Ờ, phải. Chú liên hệ với thú y huyện xem họ có giúp gì được mình không? Ngoài lợn cái có cả lợn đực nữa chứ? Ngoài ra việc tiêm phòng cũng cần đấy. Có lẽ ta nên ký hợp đồng với họ.
          Ngoài đường có tiếng nói của nhiều người qua lại:
          - Xã này thế là có ba khu kinh tế mới. Các gia đình họ liên kết với nhau để đủ điều kiện làm. Chưa biết họ có duy trì được lâu dài không khi xuất hiện sự ăn chia, nhưng bước đầu thấy triển vọng lắm.
          - Khổ thế. Cái xấu của dân ta là hay mất công bằng trong việc ăn chia, phân phối.
          - Do cái lòng tham mà ra cả. Không biết đến thế hệ sau dân ta có từ bỏ được cái đó không?
          - Mấy hôm trước cái nhà Du Hạnh khai trương lớn lắm. Có cả các em văn công văn kênh về hát, có cả ông to bà lớn ở mãi Hà Nội cũng về. Cánh dao thớt, bưng bê, đầu bếp “Xịn” về nấu, phục vụ.
          - Khách mời toàn quan chức. Cấm thấy bố nào vắng mặt. Cha Hội cứ nghĩ là tuột hết, ai ngờ lại còn làm to hơn, từ dạo cha ấy về huyện làm việc, mỗi bận về xã nom cha ấy oai ra phết! Cánh lãnh đạo xã phải ra tận nơi đón tiếp! Dân chỉ có đại diện. Hoành tráng, lịch sự lắm, không thấy mống nhọ đít nào đến?
          - Nhọ đít ai họ mời. Giả sử có là tôi, tôi cũng đếch mời. Lạ gì cánh này. Ăn lắm, uống nhiều, phong bì ít. Lõm à?
          - Bữa ăn, bữa uống hôm đó toàn đồ cao nương mỹ vị. Lão chồng tôi đi dự về khen mãi. Nói đùa, ngửi mồm lão vẫn thấy thơm. Các ông bà có tin không?
          - Tay Kết, tay Hợm cũng vào loại giỏi. Một người chuyên nấu rượu, ấp trứng vịt lộn, một người chưa khô mực án kỷ luật. Chỉ vài tháng nữa chắc chắn nhóm Kết Hợm sẽ cung ứng thịt lợn rừng cho “Ẩm thực Việt”. Kỳ này về mình cũng phải tính.
          - Phải nói họ mạnh dạn và giỏi thật. Chứ cánh mình “Vừa đéo vừa run” thì làm được cái gì?
          - Bà có biết ma rờ két ting là gì không?
          - Tôi chịu. Ông nói kháy tôi đấy à? Rờ có tinh cái gì?

          XXIX

          Cả xã năm nay có cái Thủy con nhà ông Mạnh, cái Hĩm con nhà bà Hòa tốt nghiệp đại học. Hai đứa giỏi thật đấy! Con thế mới là con, mát cả mặt. Con nhà mình đã dốt lại lười.
          - Cái Hoa nhà bà Hòa lớn rồi mà bà cứ gọi nó là Hĩm không ổn.
          - Ờ, quen mồm. Mà không hĩm thì có ngỏng được đâu.
          Dân làng Vàng vừa nguôi đi chuyện trang trại lại nóng lên chuyện này. Ông Mạnh thì không phải nói bởi có bao giờ ông ấy kể cho mọi người chuyện học hành của con gái. Ông thấy đó là chuyện bình thường. Còn bà Hòa lại khác. Mấy ngày nay bà Hòa cứ vui như tết. Đến đâu bà cũng khoe con gái mình sắp là cô giáo. Kể cũng phải thôi, trồng cây đến ngày hái quả ai không mừng mới lạ. Bà Hòa ngồi nhà không yên, cái mồm cứ muốn nói, cái chân cứ muốn đi.
          Gần trưa bà Hòa ra chợ. Vẫn mấy bà buôn chuyện:
          - Có lẽ số mình không có phúc đẻ con học đại học, toàn đẻ lũ cổ cày, vai bừa chính hiệu.
          - Bà nói năng vừa thôi. Nói thế khó nghe lắm?
          - Chẳng không à? Bốn đứa con đâu phải ít? Toàn lớp sáu, lớp bảy là bỏ học.
          - Bà ra chợ mà tay không à?
          - Tôi có mua cái gì đâu? Ra ngóng con Hoa nó về.
          - Nó về rồi kia kìa. Lại còn dẫn cả người yêu về nữa. Tôi nói thật với bà mừng thì rất mừng nhưng lo cũng nhiều đấy? Con Thủy nhà ông Mạnh còn có mẹ Hồng giúp. Chẳng gì em trai bà Hồng cũng là quan to trên tỉnh giúp xin việc được. Chứ con Hoa nhà bà có ai? Tiền bà cũng không có dăm chục triệu đồng lo lót. Dễ chừng phải đi vùng sâu vùng xa đèo heo hút gió thôi!
          Bà ra đón chúng nó đi?
          - Cứ kệ chúng nó. Mong thì có mong. Bà cứ ngồi đây xem chúng nó có biết chào hỏi mọi người không?
          - Không phải rồi! Cái Thủy nhà ông Mạnh.
          Thủy từ xa đã bảo bạn trai:
          - Bà con trong làng đấy, anh nhớ phải chào hỏi cẩn thận.
          Hải cười.
          - Cô nương kỹ quá! Cứ làm như anh chậm mồm chậm miệng lắm. Khó tính như em còn phải tâm phục, khẩu phục nữa là!
          - Ấy là em nói vậy!
          Đến nơi Thủy và Hải đều đứng lại lễ phép chào mọi người:
          - Các bác vẫn chưa nghỉ ạ? Trưa rồi!
          - Có làm gì đâu mà nghỉ. Các cháu về thăm nhà?
          - Dạ vâng. Chúng cháu mới bảo vệ tốt nghiệp xong.
          - Thế cái Hoa nhà bác đâu mà không về cùng cháu?
          - Chiều qua Hoa còn ngồi với cháu. Chắc Hoa có việc gì nữa nên về sau. Ở nhà bố cháu có khỏe không các bác?
          - Bố Mạnh khỏe. Bố cháu suốt ngày mải mê công việc. Đúng là con gái rượu chưa về đến nhà đã hỏi bố!
          - Bạn trai đấy phải không? Đẹp trai quá! Thôi hai cháu về đi cho bố mừng!
          Đợi cho cánh trẻ đi xa, bà Hòa mới chép miệng:
          - Con mới chẳng cái! Còn đi đâu nữa?
          Bà Hòa than với mọi người.
          - Con nó lớn rồi, nó phải lo công việc của nó, bà suy nghĩ nhiều làm gì!
          - Biết là vậy, nhưng cứ lo.
          Mới về đến cổng Thủy đã gọi bố. Không thấy bố trả lời Thủy đoán bố đang bên chú Du. Từ xa con Mực đang cắm cổ chạy về. Nó nhìn thấy Thủy nó mừng quýnh cả lên đến nỗi quên cả người lạ là Hải. Phải dăm phút sau nó mới trở lại bình thường. Hai mắt nó lừ lừ nhìn Hải, miệng cứ gầm gừ.
          Thủy cất đồ vào nhà rồi rủ Hải cùng sang nhà chú Du. Bà Hồng nhìn thấy reo lên:
          - Kìa cháu Thủy nó về! Có cả bạn trai nữa!
          Ông Mạnh đang ngồi uống nước với mọi người liền đứng dậy ra đón.
          - Con chào bố, cháu chào các bác, các cô chú ạ!
          - Cháu chào các bác, các cô chú!
          - Con về sao không báo để bố ra đón?
          - Có người đi cùng rồi ông Mạnh ơi?
          - Hai đứa ra giếng rửa mặt rồi vào ăn cơm?
          - Dạ, vâng!
          Thủy và Hải ra giếng. Bà Hồng nhìn theo khen:
          - Cái Thủy ngày càng giống mẹ, xinh và nết na quá!
          Thấy Thủy về có cả người yêu, mấy cô gái làm việc tại nhà hàng bỏ cả công việc đến nói chuyện.
          - Chị Thủy học xong rồi chứ? Chị sắp thành cô giáo rồi. Bạn trai chị tên là gì? Chắc cũng học với chị hả?
          - Ừ, chị học xong rồi. Anh ấy tên Hải học cùng với chị.
          Thủy chưa thấy Hải vào bàn ăn, Thủy đi tìm. Hải đang luẩn quẩn bên gốc bưởi ngửa mặt nhìn các cành cao. Chắc Hải đang tìm một bông hoa nào đó hoặc một nụ hoa còn sót lại trên cây. Hải đã thấy liền đu cành trèo tót lên cây. Trong tay Hải đã có một nhành hoa thật đẹp, thật thơm. Cánh hoa trắng muốt, nhụy hoe vàng, vài chiếc lá xanh.
          Thủy đến. Hải đu người từ trên cành xuống. Hải nói:
          - Anh có bông hoa tuyệt đẹp này tặng em. Em về nhà trút bỏ quần bò, áo phông, em vận bộ cánh ra đây. Bộ cánh nâu anh thấy đẹp lắm.
          Thủy cười rồi chạy về. Một lát sau Thủy đã trong trang phục cánh nâu, quần đen của các cô gái thôn quê đồng bằng bắc bộ. Thủy để cho Hải cài nhánh hoa bưởi lên đầu. Loay hoay mãi Hải chưa cài được. Thủy nói:
          - Anh đưa em cài giúp.
          Thủy gài nhánh hoa vào chiếc cặp tóc. Hải thốt lên:
          - Em đẹp quá! Cô Tấm của tôi ơi?
          Có lẽ mấy tháng nay Thủy mới được ăn một bữa thịnh soạn thế này. Nào gà rán, thịt lợn rừng xào sả, thịt chó, hoa thiên lý nấu canh với thịt nạc.
Ngồi vào bữa Thủy trêu Hải:
          - Anh Hải chắc chỉ biết ăn ngon, còn nấu ngon thì chịu nhỉ?
          - Anh ăn khổ quen rồi nên bữa ngon thế này là chuyện lạ, làm sao nấu được.
          Nghe Hải nói chuyện mọi người cười. Ông Hai Bốn giục:
          - Gắp ăn đi các cháu. Ăn thật lực vào! Ăn bù cho những ngày kham khổ xa nhà. Cháu Hải cho bác hỏi. Nhà cháu ở đâu? Bố mẹ làm gì? Cháu có mấy anh em?
          Du đưa mắt nhìn mọi người cười rồi nói thêm vào:
          - Sao bác cả không hỏi thêm quê nội, quê ngoại cháu cho đầy đủ?
          - Ừ, quên mất?
          Hải cười và nói những nét cơ bản về gia đình. Ông Hai Bốn nghe chừng vui, ông cười nói:
          - Thế mới biết dân tộc mình mỗi một gia đình đều có ít nhất một người lính. Bố mẹ cháu, bác Mạnh, chú Du và cả bác nữa đều là quân nhân một thời.
          - Cháu Hải kể một chuyện đặc biệt nào đó của sinh viên các cháu xem sao? Của lớp hoặc của trường cháu cũng được?
Thấy Du hỏi vậy, ông Hai Bốn ủng hộ liền:
          - Ờ sinh viên nhiều chuyện hay đáo để, kể đi cháu!
          Hải nhìn Thủy. Cái nhìn như muốn cân nhắc, lựa chọn một chuyện nào đó, chứ chuyện sinh viên thì nhiều vô tận.
          Thủy nói:
          - Anh Hải kể chuyện nhóm bạn anh và anh nữa ở trong quán cơm ngoài trường đi? Chuyện buồn cười đấy!
          - Cháu Hải kể đi, mọi người đang muốn nghe.
          Hải im lặng một lát rồi hạ giọng kể:
          - Quanh trường cháu có nhiều quán ăn. Cơm, phở, cháo lòng, bánh mỳ, vân vân, đủ cả. Một buổi sắp hết tiền ăn, nhóm sinh viên tụi cháu toàn nam giới cả sau khi đã khảo sát các quán rồi ung dung bước vào một quán cơm. Chủ quán là một phụ nữ trung tuổi béo phục phịch ra nói:
          - Mời các cháu vào. Hôm nay nhiều món ngon lắm. Gà luộc, gà rang, thịt kho tầu, cá rán, cá kho, trứng ốp. Các cháu ăn gì thì gọi, riêng canh dưa nấu tép là món khuyến mãi không mất tiền. Món dưa nấu tép đồng cũng ngon lắm.
          Nghe xong một cậu bạn nói:
          - Cô phải viết vào bảng để mọi người đọc chứ? Cô nói thế mệt đấy! Nếu chữ cô xấu để tụi cháu viết cho?
          - Các cháu sinh viên văn hay chữ tốt viết hộ cô đi!
          Viết xong cậu bạn nói:
          - Cô đọc đi, thế đã được chưa?
          Chủ quán đọc từng món rồi nói to:
          - Quá chuẩn! Các cháu dùng gì để cô làm?
          - Đợi lát nữa bạn cháu mới đến đủ. Tý nữa tụi cháu quay lại. Cả bọn kéo nhau đi mặc dù bụng đã đói. Mươi phút sau bọn cháu quay lại gọi sáu suất cơm mỗi suất ba ngàn đồng cho sáu đứa. Cả bọn ngồi chờ. Người phục vụ bê một khay to đựng các bát tô cơm đầy tú hụ đặt lên bàn.
          - Các cháu dùng gì?
          - Cô cứ cho hai tô canh dưa ra trước. Món khác gọi sau.
          Cơm nóng, canh nóng bọn cháu hì hục ăn. Ăn xong một cậu nói to ai cũng nghe rõ:
          - Thôi thịt cá để bữa chiều, giờ canh dưa no bụng rồi. Cô tính tiền, chiều nay chúng cháu lại đến. Chắc là món gà rán, cá kho, trứng ốp đấy?
          - Đúng là bọn cháu tuổi trẻ, bụng ô tô, tàu hỏa, nhanh quá! Chiều ra cô phụcvụ chu đáo! Còn giờ trả cô mười tám ngàn đồng thôi.
          - Cháu gửi cô cả hai chục ngàn.
          Nghe Hải kể mọi người bò ra cười. Bà Hồng cười ra cả nước mắt, bà nói:
          - Chuyện cháu Hải kể có cả bi lẫn hài!
          - Còn chuyện này nữa cháu kể mọi người nghe. Có cậu bạn hẹn bạn gái bảy giờ tối đi chơi. Bạn gái đợi đến gần tám giờ cũng không thấy bạn trai đến. Cô gái giận và bực lắm. Cô trách bạn trai nói dối cô. Nhưng cô gái nghĩ lại cô đến phòng của bạn trai xem sao. Phòng bạn trai cửa khép, cô gõ cửa. Có tiếng nói “Cứ vào!”. Cô gái đẩy cửa vào phòng. Cô sững sờ khi thấy bạn mình vẫn quấn chăn nằm trên giường. Cô bực tức nói: “Anh quên hay sao mà còn nằm thế?” Bạn trai nói lại “Quên thế nào được? Em không nhìn thấy cái quạt đang quạt cho quần nó khô đấy à?” Cô gái suýt sặc cười. Lúc sau cô nói tiếp “Thế thì anh dậy nói chuyện cũng được?” Người bạn trai nói: “Nếu thế anh đã không phải nằm trong chăn thế này!”
          Mấy cô gái phục vụ nghe chuyện cười đỏ cả mặt. Thủy và Hải đến ngồi bên bà Hồng. Thủy giới thiệu Bà Hồng với Hải:
          - Cô Hồng ở cạnh nhà em. Cô cũng có cổ phần trong “Ẩm thực Việt”. Cô là mẹ của Thắm. Thắm kém em một tuổi, học sau một khóa, cùng trường mình đấy. Còn chú mất đã nhiều năm rồi. Giờ đây em coi cô Hồng như mẹ. Có lẽ đợi cho Thắm học xong bố Mạnh sẽ đặt vấn đề với cô Hồng đấy.
          Nghe Thủy nói bà Hồng cười hỏi:
          - Ai nói cho con biết chuyện cô và bố Mạnh?
          - Con biết, Thắm biết, ai cũng biết. Chúng con có còn bé đâu? Chúng con ủng hộ cả hai tay.
          Nghe Thủy nói bà Hồng rất vui. Bà nói:
          - Cháu Hải ở đây chơi vài ngày. Chiều nay mấy cô cháu mình ra bờ sông ngắm cảnh. Mùa này nước sông cạn, cảnh đẹp lắm! Những lúc trống vắng trong lòng, chú Mạnh thường rủ cô ra đây ngắm những bãi cát vàng nhô lên mặt nước, ngắm đàn cá nhỏ bơi lội tung tăng, ngắm người dân ra bờ sông gánh cát, đống cát cao nhìn xa như dãy bát úp, ngắm xe trâu, xe bò, xe công nông vận chuyển cát về. Hai cháu có biết, khi ra đây thì mọi trống trải trong lòng đều tan biến. Cuộc sống đầy ắp lại cuồn cuộn trở về…
          Hải nghe bà Hồng kể thích lắm, chỉ mong sớm đến chiều. Hải giục bà Hồng và Thủy đi nghỉ trưa. Hải cũng tranh thủ chợp mắt trên ghế sô pha  trong phòng khách.
          Buổi chiều ông Mạnh, bà Hồng, Thủy và Hải cùng ra bờ sông. Hải như bị lôi cuốn bởi bức tranh thủy mạc vĩ đại. Hải nói:
          - Làng, xã mình thoải mái cát để xây nhà cô chú nhỉ? Chỗ nhà cháu phải đi mua cát xa lắm!
          Ông Mạnh cười nói:
          - Xây lâu đài cát hả cháu? Người dân ở đây còn nghèo, tiền đâu để mua bao thứ vật liệu khác.
          Hải im lặng.
          Mọi người gặp Hoa ở đây. Thủy hỏi:
          - Cậu đi đâu mà giờ mới về? Sáng nay mẹ cậu vừa hỏi tớ. Mẹ cậu ra tận chợ để đón cậu.
          - Tớ có chút việc nên chưa về được. “Tay ấy” vừa tặng tớ chiếc SH này, kỷ niệm ngày ra trường.
          - Thôi cậu về đi để mẹ khỏi mong!
          Hoa rồ máy phóng xe đi. Phía trước mọi người đứng đợi Thủy. Ông Mạnh hỏi:
          - Cái Hoa đi đâu giờ mới về hả con. Nó mượn của ai cái xe máy đẹp thế?
          Thủy đưa mắt nhìn Hải. Thủy không trả lời bố. Hải lắc đầu.

          (Còn nữa)
          Phan Đạt Ninh

Đã đăng:

Chú thích: Có lẽ tác giả ghi số chương nhầm, lẽ ra phải là chương 28 nhưng lại ghi là chương 29. Chúng tôi đăng theo đúng nguyên bản...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét