Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 15-16)



          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          Đã đăng:
         
 
          XV

          Sớm nay Du mượn xe máy của ông Hai Bốn phóng ra thị xã với mục đích giải tỏa căng thẳng, đồng thời cũng quan sát xem thiên hạ họ vận hành cuộc sống ra sao?

         Đường phố thị xã nhan nhản cửa hàng cửa hiệu với vô vàn hàng hóa bày bán. Nào người bán vé số, kẻ bán hàng rong, đến nhà hàng lớn, tất tật cứ như cỗ máy đang chuyển động. Du nghĩ “Phải tiến hành công việc càng nhanh càng tốt. Thiên hạ kiếm được mình cũng kiếm được.” Du đi vòng quanh thị xã rồi rẽ vào một nhà hàng để ăn sáng.
          Du kiếm một chỗ khuất ngồi. Nhân viên nhà hàng là một cô bé chừng mười bốn mười lăm tuổi đem cho Du bản thực đơn. Du gọi tô bún chó.
          Lão chủ quán có dáng dấp bệ vệ, đĩnh đạc ngồi uống trà bàn bên nhìn Du tủm tỉm cười nói:
          - Từ sáng khách hàng toàn ăn phở thôi. Bác là người đầu tiên mở hàng món này đấy?
          - Có lẽ thiên hạ họ kiêng vì chưa qua ngày mười. Tôi không kiêng nên cứ chén đại. Với tôi bún chó có vị ngon đặc biệt. Còn phở bò, phở gà cũng nổi tiếng nhưng xưa rồi.
          - Bác nói đúng, nhiều người còn kiêng quá?
          - Tôi nom ông chẳng có tí tướng gì của tay bán phở cả? Trước đây ông là cán bộ lãnh đạo phải không?
          Du bất chợt ném ra cách dùng từ, cách hỏi có vẻ khiếm nhã, lạ tai khiến chủ quán cười. Một lát sau chủ quán mới dốc bầu tâm sự:
          - Ông tinh mắt đấy? Thời tôi làm cán bộ qua đi gần chục năm rồi. Đôi lúc nghĩ lại tôi thấy cũng chẳng ra đếch gì?
          - Ông nói gì tôi nghe cay độc thế?
          - Ấy là tôi nói về tôi. Về cái số của tôi nó chẳng ra cái đếch gì?
          - Ông tưởng mình ông số hẩm hiu à? Ông có cơ ngơi như thế này còn hơn khối người đấy? Mà có khi còn hơn làm cái anh cán bộ tòn ten?
          - Đời nào cũng thế, không ít kẻ ma dáo. Mười năm trước tôi cũng là cán bộ một doanh nghiệp. Tay giám đốc doanh nghiệp nhiều lần chỉ đạo cấp dưới chuyển hàng thành phẩm trong kho thành thứ phế phẩm để bán thanh lí. Cái cơ sở mua hàng thanh lý ấy là quân xanh, quân đỏ của tay giám đốc. Mỗi lần như vậy vài tỉ đồng cái gọi là của tập thể chỉ còn lại vài trăm triệu đồng. Thế là bạc tỉ chui vào túi giám đốc và bậu sậu. Hơn năm năm làm giám đốc cơ chế này đã đưa một tay cán bộ nghèo ngày nào cưỡi xe máy rẻ tiền nhanh chóng thành đại gia có trong tay cả trăm tỉ đồng, tậu nhà vài chục tỉ đồng ngoài Hà nội?
          - Thế thì liên quan gì tới ông?
          - Có liên quan mới có chuyện để nói với ông chứ? Tay giám đốc thấy tôi có tư tưởng “Hơi khác”, gã cảnh giác đẩy mình ra ngoài luồng, sau “Thanh lí” mình luôn.
          - Thế là ông vê huyền về chứ gì? Tay giám đốc của ông vào loại ghê đấy, ra tay diệt ông trước phòng hậu họa.
          - Về cho nó khỏe! Mười năm rồi mà xã hội vẫn vậy. Vẫn đầy rẫy tham ô, vẫn chạy quyền, chạy chức! Tóm lại vẫn là đồng chí” Nguyễn Y Vân” thôi!
          - Ông hơi bị khó tính, hơi bị lập dị đấy? Ông cứ kệ nó có phải ông vẫn tồn tại không? Đứa nhân viên vừa rồi là con gái ông à?
          - Ồ không, nó ở nhà bên sang phụ việc buổi sáng kiếm thêm tiền giúp đỡ gia đình. Nó chỉ làm buổi sáng, buổi chiều đi học. Ừ, mà kể ra ngày ấy tôi cũng “Chập mạch” thật!
          - Thế vợ con ông đâu? Ông có khách kìa!
          - Chắc mẹ con bà ấy lại ra chợ. Khách kia quen rồi. Cả tuần nay gã già và con chân dài này cặp với nhau. Xe ô tô gã đỗ bên đường đấy. Chắc đôi này ở khách sạn gần đây thôi. Kệ chúng nó để nhân viên của tôi tiếp.
           Cô gái mặc quần bò, giầy cao gót, áo vét da đi bên người đàn ông tóc màu bạch kim, đeo kính trắng, áo vét giầy đen rất lịch sự.
          Du bỗng thốt lên:
          - Thôi chết! Đúng nó rồi!
          Thấy Du thốt lên chủ quán hỏi:
          - Bác có chuyện gì mà kêu chết với sống thế?
          - Ồ… Tôi để quên chiếc điện thoại di động ở nhà rồi!
          - Chuyện vặt, tôi cũng nhiều lần để quên như thế.
          Miệng Du nói với chủ quán là vậy nhưng óc Du nghĩ một nẻo: “Cái Hoa con bà Hòa mày cũng gớm thế sao? Mày bỏ học để cặp bồ với lão già đại gia này à?” Du ngồi xoay lưng lại và kéo cổ áo lên cao.
          Chủ quán nói cho nhân viên tiếp nhưng vẫn đứng dậy chạy đến đon đả chào mời khách:
          - Hôm nay anh chị dùng gì?
          - Anh cứ làm như hôm qua, nhớ trần thêm cho tôi dăm củ hành sống.
          Du nghe rõ tiếng cái Hoa nói:
          - Đợt này em nghỉ học cả tuần phục vụ anh. Một tuần chứ một tháng cũng được. Vấn đề là có tiền để đút cho cánh giáo vụ, giáo viên là ổn. Ngày mai anh về Hà Nội xem kỹ lại ngôi nhà ấy. Em thấy đường rộng, mặt tiền hướng tây rất hợp với tuổi của anh, anh bớt họ số lẻ đi là mua được. Hợp đồng mua bán phải đứng tên em.
          - Anh đồng ý. Bây giờ em cầm lấy ba mươi triệu để lo lót việc nghỉ học và kỳ thi này.
          Người đàn ông rút trong cặp ra một gói tiền lớn đưa cho Hoa. Hoa nhét xuống đáy túi xách rồi kéo khóa lại.
          - Thanh toán tiền đi chủ quán?
          - Có ngay, có ngay!
          - Anh để em trả tiền cho giống các mệnh phụ phu nhân khác!
          Hoa rút trong ví tờ một trăm ngàn đồng đặt trên bàn. Hoa lồng tay mình vào cánh tay của đại gia kéo đi.
          Chủ quán tiễn hai người ra xe. Ông ta đợi khi xe lăn bánh mới quay vào. Chủ quán đến bên Du hỏi:
          - Hình như bác quen họ thì phải? Nhưng làm gì bác phải náu mình, tránh mặt thế? Bây giờ chuyện ấy là bình thường. Tháng trước còn có “Phi công trẻ lái máy bay bà già” vào đây. Tay lái xe kiêm người tình của bà chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu các mặt hàng hương liệu hồi, quế trên tỉnh. Mẹ giám đốc này tuổi sắp năm mươi nhưng còn đẫy đà, háo đàn ông lắm.
          Dường như Du không để ý đến những lời chủ quán nói. Du nhắc chủ quán thanh toán tiền:
          - Tạm biệt bác nhé, có dịp tôi lại rẽ vào nhà hàng của bác.
          Du bắt tay chủ quán rồi lên xe phóng đi. Cái thị xã nhỏ bé này vài năm trước còn vắng người, cảnh tình còn thơ mộng. Bây giờ nó cứ cuộn lên, cuộc sống cứ hối hả, kẻ ngược người xuôi, bon chen, phơi mặt ra đường từ sáng đến tối, tất cả chỉ vì mưu sinh. Du cũng là thành viên chính thức của đạo quân này. Du đang phải gồng mình lên để làm đứt sợi dây nghèo đang cuốn chặt vào người Du như cái vòi con bạch tuộc cả thập kỷ nay.
          Du nghĩ về cái Hoa, về hình ảnh của nó với gã đại gia già, về bà Hòa mẹ đẻ Hoa, về ngôi nhà tranh tre hai mẹ con Hoa đang ở. Hoàn cảnh kinh tế nhà cái Hoa rất khó khăn chắc đã làm cái Hoa phải suy nghĩ nhiều mới đi đến quyết định và hành động như thế. Du biết cái Hoa từ thủa còn bé. Hoa học giỏi từ nhỏ. Hoa được vào thẳng trường đại học sư phạm. Chắc chỉ còn một năm nữa Hoa sẽ ra trường, sẽ là cô giáo đứng trên bục giảng một trường học lớn của huyện hoặc của tỉnh. Để có được điều này Hoa phải là sinh viên xuất sắc, tốt nghiệp thủ khoa, bằng không Hoa phải có nhiều tiền mới lo chạy được. Nếu hai điều kiện trên không có thì chỉ còn nước lên rẻo cao mà dạy, nơi rừng thiêng nước độc.
          Mải nghĩ về những chuyện ở đẩu ở đâu của người khác Du thấy mệt mỏi. Du dừng xe vào một quán nước bên đường.
Bà cụ ngoài bảy mươi bán quán thấy Du chệnh choạng đi vào liền hỏi:
          - Chú làm sao thế, cảm gió hay say rượu?
          - Cụ cho cháu một chén trà nóng. Cháu không sao đâu!
          Nghe Du nói bà cụ yên tâm. Bà với tay lấy bộ ấm chén và lọ trà đưa cho Du:
          - Chú thích uống thế nào thì pha uống. Chè Thái nguyên đấy.
Du pha ấm trà thật đặc, vị chát ngọt của trà làm đầu óc Du tỉnh táo. “Bà Hòa nuôi cái Hoa ăn học đại học ngần ấy năm, mỗi tháng cái Hoa chi tiêu có tiết kiệm cũng mất năm sáu trăm ngàn đồng. Số tiền này mẹ cái Hoa bán rau, bán gà vịt đủ chu cấp cho nó. Nhưng tiền học phí, sách vở, chi phí khác ở đâu ra? Cái Hoa phải tự lo. Là sinh viên con nhà nghèo mà Hoa đi chiếc xe máy loại thời thượng đắt tiền, vàng bạc trang sức trên người ở đâu ra? Ông trời không cho ai tất cả, mọi thứ phải mua, phải bán!”.


          XVI

          Ở nhà vợ Du tất bật với ruộng rau. Sương muối tàn phá chưa xong lại đến sâu bọ. Những con sâu thế hệ “Hậu duệ” dường như có sức đề kháng tốt hơn nhiều so với những thế hệ trước. Chúng cứ như từ đất chui lên cắn đứt từng gốc cải, gốc su hào đang bén rễ chỉ trong có một đêm.
          - Chú ấy đi đâu để cô làm một mình thế?
          - Nhà em có việc ra thị xã sáng nay.
          - Đi mua thuốc trừ sâu phải không? Nhà hàng của vợ chồng Hiếu Lan bán nhiều thuốc rởm lắm! Tiền mất tật mang. Hôm nào tôi phải đến nói chuyện với hai vợ chồng nó.
          - Tôi nghĩ vợ chồng nó cũng không biết đấy là thuốc rởm. Tiên sư cái bọn sản xuất thuốc rởm. Chúng mày làm thế là giết người. Mà cũng tại ông nhà nước mình nữa. Luật không có tính răn đe, chỉ phạt ít tiền rồi đâu lại vào đấy. Tôi tính cứ treo cổ, bắn bỏ vài đứa xem? Bố bảo cũng không dám! Mẹ chúng nó chứ! Bọn bất nhân!
          Bà Răm nói chuyện trong tâm trạng bực tức. Làm sao không bực tức được khi cả ruộng rau rộng đến vài sào của bà mới được phun thuốc diệt sâu mà sâu vẫn sống nhởn nhơ, tàn phá.
          - À, vợ Du này. Hình như vợ chồng cô chú đang tính làm việc gì lớn phải không? Có gì bảo bà con làm theo với!
          Vợ Du nghe bà con hỏi vậy, biết là chuyện không giấu được, đành nói:
          - Chẳng giấu gì bà con. Nghèo lâu quá rồi giờ phải tính. Nhà em sẽ quy hoạch lại vườn bãi, mở nhà hàng ẩm thực, phục vụ vui chơi, giải trí, hội họp, cưới xin. Em cũng chưa biết có ăn thua gì không, nhưng bước đầu cứ làm đã rồi ta lại tính tiếp!
          Nghe vợ Du nói, mọi người hiểu ra. Có người nói:
          - Ở cái làng cái xã này thì bán cho ai? Phục vụ ai mà nhà hàng nhà quán. Khách hàng họ đến những nơi sầm uất như thị xã, ai dại gì mà chui vào đây. Trời mưa đường bẩn, trời nắng đường bụi. Lại còn xa tít mù tắp.
          - Thượng đế giờ đây nhiều khi cũng ngán thị xã, thành phố rồi. Chật chội, bê tông cốt thép. Họ đang có xu hướng về miền quê, đồng ruộng. Dăm chục cây số là cái gì. Xe máy, ô tô vù một tí đến.
          Nghe mọi người trao đổi, ông Mạnh tham gia:
          - Cô chú làm thế là đúng hướng đấy. Hay đấy! Cô về nói với chú Du nếu được cho tôi tham gia với? Mình đâu phải phục vụ mỗi dân làng Vàng hay xã mình mà phục vụ chủ yếu cánh có tiền trong thị xã, trong tỉnh chứ?
          Cứ thế câu chuyện trở thành rôm rả, mới mẻ, nhiều vấn đề. Vợ Du chỉ chú ý nghe mọi người đàm đạo, bình luận chứ không nói gì thêm. Qua tranh luận, vợ Du thấy có hai quan điểm là “Cứ làm đi!” và “Bán cho ai?”.
          - Thôi về đi. Trưa rồi. Để hậu xét!
          Vợ Du về đến nhà cất cái bình phun thuốc sâu lên gác chuồng lợn rồi đôn đáo gọi con. Biết các con đang chơi ở sân kho, vợ Du ra thẳng đó tìm các con về. Ở đây nhiều ông, nhiều bà cùng tìm con, tìm cháu gặp nhau. Có người nói:
          - Chỉ khổ bọn con trẻ giờ không có ai trông nom!
          - Cũng vì người lớn nên trẻ con mới khổ thế! Mạnh đứa nào đứa ấy chơi. Hôm nọ con nhà Hiếu Lan bò vào tổ kiến lửa bị nó đốt sưng cả đít, cả đùi, khóc ngày đêm. Khổ thế!
          - Mà cũng lạ, cò kè dăm bảy trăm làm gì. Giá tiền này đoàn thanh niên của làng đưa ra để làm quỹ đoàn. Họ làm thế cũng là hoạt động đoàn chứ sao nữa.
          - Kỳ này tôi vận động mấy người kia ủng hộ họ làm?
          - Đoàn thanh niên là xung kích đâu cứ phải có tiền mới làm?
          - Không có tiền thì ai trả công cho người trông mấy chục đứa trẻ? Nói chuyện với nhà chị này bực bỏ mẹ. Chỉ đẻ là giỏi!
          - Tại chồng em chứ đâu phải tại em muốn thế!
          - Tại, tại cái gì? Nó vào thì rẩy cổ nó ra chứ!
          - Không rẩy được mới có chuyện!
          - Nghèo hèn là phải. Mới ba chục tuổi mà bốn đứa con, nom như sề, như nái!
          - Thế cô Huệ trông trẻ dạo trước đâu?
          - Nó đi lấy chồng, về quê chồng rồi! Rõ chẳng để ý đến ai cả!
          Tụi trẻ nô đùa đã đủ. Chúng hò nhau tìm dép, quần áo để về. Trời rét mà đứa nào cũng lấm tấm mồ hôi trên mặt. Vợ Du lấy khăn lau mồ hôi cho cu lớn, cu nhỡ rồi lau mũi cho cu út. Có lẽ cu út thò lò mũi xanh từ sáng nên giờ khô đặc, bám đầy hai lỗ mũi. Vừa lau vợ Du vừa trách cu lớn:
          - Con mải chơi không lau mũi cho em!
          Cu lớn nghe mẹ trách, nó liền cầm tay cu nhỡ cắm cổ chạy về.
          Du về đến nhà thấy nhà cửa vắng hoe. Du đoán vợ con sang bên bác cả. Du dựng chiếc xe máy vào góc sân rồi xuống bếp nổi lửa nấu bữa trưa. Cu lớn, cu nhỡ thoáng nhìn thấy bố đã reo lên:
          - Ơ bố về! Bố về!
          - Các con chơi ở đâu về? Em cu đâu?
          - Em cu mẹ bế!
          Vợ Du bế cu bé đi sau cùng mọi người. Có lẽ câu chuyện có người trông giữ trẻ là chủ đề chính họ quan tâm. Họ không phàn nàn hay ca cẩm gì về tụi nhỏ nô nghịch nhiều nữa.
          - Tôi tính hai triệu đồng tiền lương với cô trông trẻ là họ biết điều lắm rồi. Có hai cô mà bốn mươi hổ vây quanh, nào nghịch, nào phá, nào khóc, nào ăn, nào đái ỉa… Mệt lắm!
          - Tôi sẽ có ý kiến với chi bộ, với trưởng thôn, với hội phụ nữ yêu cầu họ can thiệp và ủng hộ!
          - Thôi mọi người về nhé!
          Vợ Du chia tay mọi người. Thấy mẹ về cu lớn, cu nhỡ kêu lên:
          - Mẹ ơi, con đói lắm!
          - Nào em cu ngồi xuống để mẹ dọn cơm cả nhà ăn nào. Cu lớn trải chiếu giúp mẹ.
          Du bê mâm từ bếp ra còn phải đứng chờ cho con trải chiếu. Đặt mâm xuống chiếu Du nói với các con: `
          - Trưa nay bố xào trứng với cà chua ngon phải biết.
          Vợ Du đơm cơm, trộn trứng cho các con. Ba đứa trẻ xúc ăn phồng má. Cu nhỡ nói:
          - Bố xào trứng ngon. Mẹ xào kiểu gì mà mặn thế?
          Du cười nói trêu con:
          - Tại quả trứng của bố to hơn, lớn hơn quả trứng của mẹ.
          Cu nhỡ nghe bố nói, nó ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
          - Ứ phải trứng to, trứng bé. Tại mẹ bắt ăn dè nên cho nhiều muối.
          Vợ Du nghe cu nhỡ nói chỉ tủm tỉm cười. Cả nhà ăn gần xong bữa cơm thì ông Mạnh đến.
          - Cô chú và các cháu ăn cơm muộn thế? Sáng nay chú Du ra thị xã à?  Tôi với bà con nghe cô ấy nói chuyện chú chuẩn bị mở nhà hàng ẩm thực. Chú cho tôi cổ phần với?
          - Cổ với cánh gì cũng nói sau. Anh ngồi xuống uống với em chén rượu đã. Lâu rồi anh em mình chưa ngồi với nhau. Mình ơi, rang cho anh đĩa lạc nhé!
          - Vâng!
          Ông Mạnh thấy vợ chồng Du nhiệt tình mời nên vui vẻ ngồi xuống chiếu.
          - Ngày chị mất, bà con đưa chị ra đồng em không về được? Anh tha thứ, thông cảm cho em nhé?
          - Ở nhà cô ấy đến là được rồi. Nhà tôi ốm đau đã lâu. Chú bận việc không về được. Chú nói thế làm tôi cảm động.
          Vợ Du bưng đĩa lạc rang lên. Du rót rượu ra chén:
          - Nào anh em mình nâng chén chúc cho sức khỏe, cho kinh tế phát triển!
          Đầu ngõ ông Hai Bốn xuất hiện. Ông nói to:
          - Rượu tam trà tứ mới vui. Tôi đến đúng lúc đấy!
          - Rước bác vào.
          - Em mời thủ trưởng.
          - Cái cậu này, về nghỉ hưu từ tám hoánh còn thủ trưởng cái gì nữa. Cô Du này cô chạy sang nhà nói với chị thái nốt chỗ lòng lợn rồi đem sang đây. Nhanh lên nhé.
          - Về hưu thì về chứ thủ trưởng vẫn cứ là thủ trưởng. Em gọi thế đấy. Rời quân ngũ đã nhiều năm chắc thủ trưởng cũng như em vẫn không quên đồng đội cũ. Nhiều lúc em thấy nhớ về đồng đội quá, giờ này ai ở đâu, số phận thế nào, vợ chồng, con cái, kinh tế gia đình khấm khá, giàu sang hay khốn khó cũng chẳng biết, ai còn sống ai đã chết? Thủ trưởng gắn bó cả cuộc đời với binh nghiệp, bước chân thủ trưởng đã đi hết mọi miền đất nước chắc chắn kỷ niệm còn sâu sắc gấp cả trăm lần em, có điều thủ trưởng chưa nói chưa kể ra thôi?
          Ông Hai Bốn nghe ông Mạnh nói vậy ông cười nói:
          - Tôi không thích nói về mình, đơn giản thế thôi.
          Ông Mạnh nhìn thấy vợ Du bưng cái rổ trên tay biết là đồ nhắm khá nhiều. Ông Mạnh vừa rót rượu ra chén, vừa nói:
          - Thủ trưởng khai vị trước để anh em có ý kiến.
          Ông Hai Bốn nâng cốc, mọi người cũng nâng theo, ông nói:
          - Chúc mọi sự như ý, đoàn kết đại đoàn kết, thành công đại thành công.
          Mọi người cùng uống hết chén rượu của mình. Du rót tiếp rượu. Ông Mạnh nói:
          - Đã nhiều năm dân làng Vàng cứ an phận với cuộc sống của mình, đói không đói, giàu không giàu, kinh tế dẫm chân tại chỗ không thay đổi, không phát triển. Mỗi khi nhà có việc lớn là chạy ngược chạy xuôi. Vợ chồng chú Du chuẩn bị đột phá kinh tế tôi thấy đúng hướng đấy. Nhân có bác cả ở đây tôi nói thật mấy năm nay tôi không thể làm ăn gì được, tất cả trông vào đồng lương hưu. Có đồng nào ngày trước để ra thì mua thuốc cho vợ cho con ăn học hết. Tôi biết bác cả và vợ chồng chú Du kết hợp mở nhà hàng ẩm thực tại vườn bãi nhà, nói thực tôi muốn được tham gia đóng góp, ý mọi người thế nào?
          - Chú Mạnh đã nói thế tôi đồng ý. Cô chú Du nghĩ sao?
          - Vợ chồng em cũng đồng ý.
          - Thế là xong. Bắt đầu từ ngày mai tổ ba người chúng ta có chung một nhiệm vụ. Ờ, vườn bãi nhà chú Mạnh cả thảy bao nhiêu mét vuông?
          - Tôi chỉ tính phần đất liền kề với nhà chú Du đã là hai ngàn mét rồi. Tôi có đề xuất này bác cả và chú Du xem xét. Tôi có thằng cháu là kiến trúc sư làm việc ngoài tỉnh, nó có thể giúp việc quy hoạch mọi người thấy thế nào?
          Ông Hai Bốn cười lớn rồi nói:
          - Đúng như chú Du đã suy nghĩ đã nói với tôi, bây giờ chú Mạnh cũng nghĩ thế thì còn gì bằng. Chú Mạnh mời cháu nó về làm cố vấn cho mình, quy hoạch là tốt lắm.
          - Được rồi, để tôi điện cho nó.
          Ông Hai Bốn tỏ ra hài lòng với công việc. Thứ nhất là tổ ba người của ông toàn những nhân vật chín chắn, hiểu sâu rộng các vấn đề. Thứ hai là người đàng hoàng, sống có trước có sau. Thứ ba là diện tích đất bây giờ khá rộng rãi để xây dựng một nhà hàng lý tưởng. Ông Hai Bốn nói như kết luận:
          - Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao. Ta tạm gác chuyện ấy lại để tập trung nhắm rượu cho đàng hoàng. Ba anh em mình phải uống hết chai này. Chú Du rót rượu, lượt sau đến chú Mạnh, rồi đến tôi. Cứ thế nhé.
          Du nghiêng chai rót rượu ra các chén. Ông Mạnh nói:
          - Kính mời thủ trưởng, mời chú Du.
          Ông Hai Bốn nói:
          - Thằng Kết học nghề nấu rượu trong thời gian ở tù hóa ra lại hay. Trong xã này ai cũng lấy rượu của nó. Nhất là mấy tay trong ủy ban, trong các tổ chức đoàn thể xã, hễ có hội họp là uống rượu. Toàn tay uống được. Tôi nhớ có lần thằng Hợm phó bí thư xã đoàn vào mua rượu cho đại hội đoàn xã, bữa ấy Hợm làm cả can hai mươi lít. Hợm mua chịu, Kết không bán. Hai bên to tiếng. “Tiền trao cháo múc. Đếch tin bố con thằng nào.” “Anh buồn cười nhỉ? Em mua cho tập thể chứ đâu phải cá nhân em mà anh bảo bố con thằng nào?” “Tập thể càng đếch bán. Chỗ ba quân, rắm đánh khỏi trôn biết của thằng nào? Đòi tiền chú, chú lại bảo đòi bí thư?”
“Em sẽ có trách nhiệm thanh toán với anh! Được chưa?”
“Cũng không được!”
“Thế phải viết giấy mua chịu có ký tên à?”
“Đếch cần ai ký. Cứ đem tờ giấy bạc là xong”
“Nhưng bây giờ chưa có tiền”
“Khi nào có thì uống!”
          Du và ông Mạnh nghe ông Hai Bốn kể chuyện cứ bò ra cười. Du hỏi:
          - Thế làm sao bác cả biết chuyện ấy?
          - Ờ, hôm đó tôi đến chơi nhà Kết, tôi chứng kiến vụ việc mà. Thằng Hợm bực mình còn nói sẵng với Kết: “Anh không tin thằng Hợm thì cũng phải nể, phải tin cái chức phó bí thư xã đoàn của nó chứ? Khóa tới, nó sẽ là bí thư xã đoàn đấy!”
          - Thế chú Kết bảo thằng Hợm sao?
          Kết nghe Hợm nói, nó bảo Hợm:
          “Đến người là chính chú bây giờ anh còn chưa tin, huống hồ chú với cái chức bí thư của chú sau này, thả gà ra mà đuổi. Chú cứ mang tiền ra đây anh có nghĩa vụ phục vụ chú như một thượng đế!”
          Nghe đến đây ông Mạnh cười khà khà rồi đưa tay vuốt vuốt cái miệng của mình. Ông nói:
          - Tôi tính ít nữa mình hợp đồng lấy nguyên rượu của nhà Kết. Mình cũng phải chọn một mẫu chai cho nhà hàng của mình để không lẫn với bất cứ chỗ nào?
          - Ý kiến của anh Mạnh hay lắm! Em ủng hộ.
          - Tôi thấy cũng được. Chú Mạnh từ ngày vợ mất đến giờ nghe tỉnh táo, thông minh, nhanh nhạy ra.
          - Mọi người nghĩ vợ em ốm ngần ấy năm em không lẩm cẩm là còn may mắn.
          - Chú bảo lẩm cẩm là ý gì?
          - Thì ngần ấy năm bị “Cấm vận” còn gì là thằng đàn ông nữa?
          - Ờ, nghe có lý. Tôi hỏi thật bà Hồng với chú là thế nào?
          Ông Mạnh nói nhỏ:
          - Chuyện nghiêm chỉnh đấy!
          - Thế à, nghiêm chỉnh thì thôi không đùa nữa.
      
        (Còn tiếp)
       Phan Đạt Ninh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét