Thứ Ba, 27 tháng 12, 2016

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 5)


Nhà văn Phan Đạt Ninh

            Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

            Đã đăng:



          V

          Kể từ ngày Du ra nhà Dũng học nghề đến nay ở làng Vàng này không lúc nào không có chuyện. Toàn chuyện thật trong làng, ngoài xã!
          - Rõ khổ cái nhà Hớn. Bán được mảnh đất cho người ta mở xưởng mộc xẻ, có tiền là mua ngay cái xe máy mới. Thằng con trai mới lớn đã học lái xe buổi nào, võ vẽ học người khác dám phóng xe ra thị xã chơi rồi đâm vào đầu xe ô tô chết thẳng cẳng rồi!
          - Tại bố mẹ chiều con quá vào. Khốn nạn chưa! Vừa mất người vừa mất của! Nuôi đứa con đến mười tám đôi mươi có phải lợn đâu mà nửa năm một lứa. Khốn khổ!

          - Chuyện ấy qua rồi. Chuyện mới đây này! Thằng Lương Chủ tịch đánh con vợ khiếp lắm! Tôi nghe thằng Hợm nói chủ tịch Lương đánh gãy cả hàng tiền đạo! Tiền đạo là cái gì tôi đếch biết? Máu me be bét!
          - Chuyện gì mà bà dài dòng thế? Máu me be bét là sao? Nhà nào vậy?
          - Nhà Lương Chủ tịch còn ai nữa? Bà điếc nó vừa thôi!
          - Thế à? Mù mà gớm!
          - Các bà nghe tôi nói cho đầy đủ. Mẹ này dốt quá! Tiền đạo là dãy răng cửa mà sao không hiểu? Chỉ đẻ là giỏi! Đĩ vừa thôi! Năm một rồi đấy? Thằng Lương chủ tịch chốt cửa đánh con vợ hỗn náo gãy hai chiếc răng cửa. Vợ nó ôm con chạy sang nhà bố mẹ đẻ. Tối trời mà tôi còn thấy máu me chảy cả ra miệng, ra áo!
          - Tổ cha cái thằng Lương chủ tịch sao mày ác thế? Vợ chồng có giận nhau thì đóng cửa bảo ban nhau, sao lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh vợ như thế!
          - Thì nó chẳng đóng cửa là gì? Hàng xóm có ai biết đâu?
          - Vợ có thế nào thì cũng mới sinh đẻ. Nói dại con vợ mà tức quá, khí huyết bốc lên đầu, đứt mạch máu não chết thì khốn!
          - Hỗn láo cứ phải đánh! Cái giống đàn bà là vậy! Đánh cho nó chừa! Nếu bỏ lần này lần sau nó ngồi lên đầu! Cứ phải đánh! Tôi ủng hộ Chủ tịch Lương!
          - Cái bà này ăn mới nói! Thế bà là giống gì? Mà sao bà cũng ác thế?
          - Để mai tôi phản ánh chuyện này lên hội người mù của xã! Họ sẽ lôi cổ thằng Lương ra nhốt cho vài ngày để chừa cái thói côn đồ!
          - Thôi đi đĩ ơi! Hội người mù làm gì có quyền bắt giam người?
          - Sao lại không? Lương chủ tịch phạm pháp thế bắt được hết! Bà không biết thì thôi.
          Nguyễn Văn Lương được dân làng Vàng gọi là Lương chủ tịch. Không phải Lương làm chủ tịch xã, huyện hay tỉnh gì? Mọi người gọi thế vì việc gì xảy ra trong làng xã Lương cũng biết. Và cũng chẳng biết ai trong làng Vàng này là tác giả đặt cho Lương cái tên như thế?
          Lương bị mù từ nhỏ nên không đi học vì thế cũng mù chữ luôn. Tuy thế Lương rất thông minh. Chuyện trong nước, chuyện ngoài nước chỉ nghe một lần là nhớ. Có lần Lương còn dạy cho tụi bạn hồi nhỏ cách học bơi nhanh là cho chuồn ngô cắn rốn, cách làm que kẹp hàm bắt rắn, cách bắt chuột đồng bằng hun khói, bằng đổ nước. Và nhiều chiêu độc khác. Năm Lương mười tuổi mẹ Lương cho học đàn bầu với hy vọng có nghề hát rong kiếm sống. Lương học ông thầy trong huyện có đôi tháng là thầy hết chữ để dạy Lương. Thầy dạy Lương học thêm đàn ghi ta, đàn măng dô lin. Về nhà Lương bảo mẹ mua cho cây ghi ta cũ rồi khoác vai hát rong cả huyện. Năm sau tích lũy được kinh nghiệm Lương hát rong các tỉnh. Dân làng Vàng ngày ấy thấy Lương mỗi lần về nhà đem theo cả túi tiền lớn. Có tiền mẹ Lương tích cóp lại, chỉ vài năm sau cái nhà vách đất, lợp rạ của mẹ con Lương được thay bằng mái ngói đỏ tươi, phía mặt tiền được xây bằng gạch chỉ. Trong làng nhà Lương vào diện bề thế. Khi ấy dân làng Vàng còn đem chuyện Lương ra dạy con: “Chúng mày ăn cứt cho thằng Lương. Nó mù mà hơn chúng mày sáng mắt. Con người ta biết kiếm tiền thiên hạ về xây nhà. Còn chúng mày chỉ phá. Phí cơm!”
          Cả đêm qua Lương hầu như không ngủ, Lương ngồi xoa dầu bóp chân, bóp tay cho mẹ. Chỗ cánh tay sưng tím do ngã đập vào chân bàn làm cánh tay mẹ Lương chưa nhắc lên được khiến Lương lo lắng. Gần sáng Lương mới chợp mắt. Lương thức dậy trời đã gần trưa. Lương xuống bếp lấy chiếc cạp lồng nhôm ra chợ làng mua bún cua cho mẹ.
          - Ông Chủ tịch mới vi hành về giờ lại đi đâu đấy?
          - Tôi ra chợ mua bún cua cho mẹ.
          - Sao ông Chủ tịch không sai vợ nó đi mua? Vợ để thờ à?
          Giọng the thé kiểu quan hoạn của Tư điếc từ bãi mía ven đường. Lương chống gậy dừng lại gọi Tư điếc bằng cách đưa đầu gậy lên trời rồi đưa xuống đất. Tư điếc hiểu ý liền vạch vạch lá mía đi lên.
          - Có việc gì ông Chủ tịch cứ nói? Mà ông có câm đâu mà dơ gậy thế?
Nghe Tư điếc nói mình câm, Lương cười.
          - Bà mẹ tôi ngã tím cả cánh tay, giờ vẫn chưa nhắc lên được. Nhà ông có mật gấu cho tôi một ít về xoa cho bà cụ?
          - Có ngay! Lát nữa tôi mang sang cho cụ!
          Khi Lương đi rồi, Tư điếc mới lủng bủng trong mồm: “Ai mách nó nhà mình có mật gấu mà nó biết? Thế mới tài? Trưa nay mình mang sang một công hai việc. Lâu rồi không được ngắm vợ nó. Giời ơi, gái một con trông mòn con mắt!”
          Lương mua bún cua về cho mẹ. Mẹ Lương ăn xong bát bún cua nóng hổi, bà gọi Lương lại bảo:
          - Con nghe lời mẹ sang ông bà ngoại xin lỗi, xin lỗi cái Phượng rồi đón mẹ con nó về? Là đàn ông đừng cố chấp đàn bà. Dù nó có sai, có lỗi với con thì lúc khác nó sẽ hiểu ra? Từ giờ trở đi không được đánh vợ. Nó có thương con nó mới làm vợ con chứ?
          - Cứ kệ nó ở bên ấy! Nó xúc phạm con đã đành. Nhưng không được xúc phạm mẹ. Con dâu thế là mất dạy!
          Ngoài sân Tư điếc nói to:
          - Nhà có ai không mà vắng thế? Cô Phượng có nhà không? Tôi mang mật gấu sang cho cụ đây? Cô Phượng ơi?
Lương quờ gậy đứng dậy ra đón Tư điếc vào nhà. Mẹ Lương nhận lọ mật gấu to bằng ngón tay út của Tư điếc. Bà cất lời:
          - Quý quá! Ai nói mà chú biết và đem sang?
          - Ông Chủ tịch vừa hỏi sáng nay xong.
          - Chú Tư ngồi uống nước.
          - Vâng, bà kệ cháu!
          Tư điếc cầm chén nước trà cố tình suýt xoa uống. Tư điếc đứng ngửa mặt ngắm say đắm bức ảnh Phượng chụp thời con gái treo trên tường. Tư điếc thừa biết có ngắm, có tỏ ra thèm khát Phượng đến thế nào đi chăng nữa thì Lương mù cũng chẳng nhìn thấy. Tư điếc nói:
          - Bà dùng hết chỗ này mà chưa khỏi cháu xin biếu tiếp.
          Tư điếc nói thế để có cớ đến mé tường phòng ngủ của Phượng để ngắm bức ảnh Phượng chụp áo tắm ngoài biển.
          - Cô Phượng đi đâu mà lâu về nhỉ? Thôi cháu về! Lúc nào cô Phượng về bà gọi cháu. Cháu hướng dẫn cho cô Phượng cách xoa mật gấu cho bà nhé?
          Tư điếc về đi lệch về phía dây treo quần áo của nhà Lương rồi đưa tay rút nhanh chiếc áo nịt ngực màu xanh ngọc còn mới của Phượng giấu trong bụng đem về.
          Nghe tin mẹ Lương ngã trẹo tay, chị em phụ nữ trong làng đến thăm khá đông. Bà Hồng đại diện chị em phụ nữ nói:
          - Trẹo tay là do bà ngã phải không?
          - Vâng. Tại cái chân mình không tốt nên chân nọ dẫm chân kia mới ngã.
          - Bà nói thật chứ? Hay cô Phượng đẩy bà ngã?
          - Mô phật! Nói thế phải tội cái Phượng. Vợ chồng nhà nó cãi đánh nhau. Tôi đến lôi thằng Lương ra thì ngã chứ có liên quan gì cái Phượng. Tôi vừa mắng thằng bố Lương một trận rồi.
          - Còn chú Lương, tại sao chú đánh vợ? Chú có biết thế là vi phạm pháp luật không?
          - Em nóng quá! Em nhận ra rồi. Em hứa với các chị từ nay không thế nữa! Đây là lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối cùng. Vâng! Lần- cuối- cùng- đánh Phượng!
          Lương kéo dài câu nói như muốn báo trước điều chẳng lành sẽ xảy ra.
          Khi mọi người về rồi Lương mới lên giường nằm nghỉ. Nghe tiếng gà xao xác Lương biết sắp chiều. Lương nghĩ “Kể cũng tội Phượng. Có chồng mà như không? Thời xưa nghe các cụ kể chuyện giữa đêm khuya có nhà sư trong chùa phải đem thóc ra xay, xay cho đến khi người mệt lử để dễ ngủ. Có cụ còn kể giữa đêm đông ra lội xuống ao lấy bèo về băm cho lợn. Thời nay Phượng lấy thóc đâu mà xay? Lấy ao đâu mà lội?”
          Lương ngủ thiếp cho đến tối mịt, cho đến khi mẹ Lương vào gọi Lương dậy ăn cơm.
          Cơm nước tối xong Lương đến nhà ông Hai Bốn chơi. Ông Hai Bốn là anh trai Hạnh vợ Du. Người làng Vàng gọi ông như thế. Gọi từ ngày ông rời quân ngũ về nghỉ hưu. Ở làng Vàng ông là người Lương tin cậy nhất. Vì thế có chuyện gì vui buồn Lương đều tâm sự với ông. Ngõ nhà ông Hai Bốn lát gạch, chiếc gậy đầu bịt sắt của Lương chống xuống đất kêu kịch kịch. Lương lên tiếng:
          - Ông chỉ huy có nhà không? Lương sang ông đây!
          Nghe tiếng người gọi quen thuộc, con Vàng trong nhà chạy ra kêu ư ử rồi lại chạy vào.
          Bà Hai Bốn biết Lương sang, bà lên tiếng:
          - Chú Lương sang chơi đấy ông ơi?
          - Bà ra mời chú ấy vào nhà. Rõ tội! Trời tối đen như mực còn dò gậy đến thăm tôi làm gì?
          - Ông nói làm tôi buồn cười. Với chú Lương thì lúc nào mà chẳng đen như mực.
          - Bà nói vậy không chính xác. Tuy mù mắt nhưng ban ngày vẫn thấy nhờ nhờ ánh sáng. Bà bảo tôi đang tắm nhé!
          Bà Hai Bốn ra cổng đón Lương. Con Vàng cũng quẩng cả lên. Nó chúi mũi xuống hít lấy hít để chân Lương không hề quan tâm đến cái đầu gậy bịt sắt.
          - Chú vào nhà đi, ông ấy đang tắm.
          - Kể cũng lạ bác nhỉ? Thường giống chó sợ gậy, vậy mà con Vàng nhà ta lại không sợ? Nó cứ sán đến cháu. Thế mà trên đời này khối đứa không bằng nó! Bác bảo bạn bè, hàng xóm, vợ chồng quá quen, quá thân mà còn hãm hại nhau, sống đểu với nhau, có lợi cho mình mới đến, không lợi là tìm cách lảng? Cách chuồn?
          - Chú nói gì mà quá thế? Sao chú lại đi so sánh người với chó?
          - Thế bác bảo con Vàng nó quý cháu là do bản năng hay ý thức của nó? Ý thức đấy bác ạ? Người lạ xem, nó chẳng nhe răng thế này mà gằm ghè, mà lao vào cắn xé! Còn lũ người sống bẩn, sống đểu với nhau kia là bản năng hay là ý thức? Ý thức đấy bác ạ? Môi trường sống, điều kiện sống cũng tạo nên cách sống đấy bác!
          Bà Hai Bốn thấy Lương làm động tác nhe răng, cau mặt rất dữ tợn bà buồn cười. Còn câu nói của Lương bà không chấp mặc dù Lương nói có cái đúng.
          Ông Hai Bốn tắm gội xong. Ông ra rót nước mời Lương uống. Ông thấy bên hông Lương có bọc lớn liền hỏi:
          - Chú Lương có bọc quà gì biếu tôi đấy?
          - Cháu có lạng chè ngon Thái nguyên sang biếu bác.
          - Ồ quý quá! Ờ, bà xuống xem ngô luộc chín chưa để bác cháu tôi thưởng thức. Từ ngày nghỉ hưu đến giờ năm nào tôi cũng được ăn ngô luộc vừa bẻ từ vườn lên thứ ngô mới bẻ luộc ngay thật tuyệt!
          Bà Hai Bốn xuống bếp. Lát sau bà bê lên cả rổ ngô nóng hổi.
          - Bác đưa cháu xem có bao nhiêu cái để cháu còn hạn mức?
          - Chú Lương dùng từ không chuẩn. Chú phải thay từ “Xem” bằng từ khác mới hợp với chú?
          Nghe ông Hai Bốn phê bình, Lương cười vẻ chấp nhận.
          - Bác lại chọc cháu. Ngày nhỏ cháu ăn ngô trừ bữa, bây giờ ăn ngô cho vui thôi. Thế mới biết đời sống thay đổi quá nhiều. Cháu thấy mình sướng thật, chẳng phải mưu mô tính toán làm gì cho mệt. Cháu bằng lòng với gì mình có!
          - Lương này, cháu còn khó khăn. Bận sau sang với hai bác đừng có quà cáp nữa?
          Ông Hai Bốn đích thân tráng ấm, pha trà của Lương đem sang. Ngồi nhâm nhi chén trà ông Hai Bốn hỏi Lương:
          - Chú Lương đi hát ở Hà Nội, Hải Phòng thường đi bằng phương tiện gì? Ô tô hay tàu hỏa?
          - Cháu đi bằng tàu hỏa! Mà sao đến bây giờ bác còn hỏi cháu thế?
          - Cháu thường hát nhạc gì?
          - Cháu hát tiền chiến là chính. Loại nhạc này có ca từ giàu tính văn học, âm nhạc lãng mạn dễ đi vào lòng người.
          - Ai dạy mà chú thuộc nhiều thế?
          - Ờ, bác không nghe băng cát sét bao giờ à? Cháu học theo băng. Băng là thầy dạy cháu!
          - Còn chuyện này bác hỏi Lương: Trưa nay cả làng Vàng người ta ầm lên chuyện cháu đánh vợ. Đánh vợ gãy cả răng là thế nào?
          - Bác hỏi cháu thì cháu trả lời. Bản chất con vợ cháu hai bác biết rồi. Một đứa con gái bỏ nhà đi lang bạt xứ người nhiều năm, thất cơ lỡ thế mới quay về. Hoàn cảnh của nó với hoàn cảnh của cháu mới đến được với nhau. Còn bình thường ra thì chẳng bao giờ nó lấy cháu hay cháu lấy nó. Thôi đấy là một chuyện. Còn việc cháu đánh nó lại là chuyện khác.
          Lương dừng lời kể, quay mặt ra sân nói:
          - Hình như bà Tư sang thì phải?
          Bà Hai Bốn nhổm dậy đi ra sân. Lương nói đúng. Bà Tư xách chiếc đèn chai vừa bước vào sân đã lóe xóe nói:
          - Sương muối nhiều thế này hoa màu lại chết cháy. Lấy cái gì để che đủ cả ruộng rau đây?
          - Mời bà vào nhà uống nước.
          Trong nhà Lương và ông Hai Bốn vẫn ngồi nói chuyện:
          - Chiều hôm cháu về mới vào đến sân đã nghe thấy tiếng Phượng: “Bà câm cái mồm lại! Phúc đức nhà bà thế nào thì mới thế này. Chồng bỏ vợ đi biệt vô tăm tích. Con thì mù lòa. Cái con này không cần phải dạy. Học thiên hạ quá nhiều rồi!” Cháu nghe rõ tiếng mẹ cháu nói: “Con phải nghe mẹ nói. Thằng cu Mẫn khóc kiểu ấy là nó bị ngạt không bú được. Con chịu khó dùng tay nâng bầu vú lên, đừng để bầu vú bịt vào mũi nó. Con lựa sao cho cu Mẫn ngậm sâu cái đầu vú…” Tiếng Phượng quát lại: “Bà không biết nó bị tưa lưỡi à? Bà bỏ tay ra!” Chắc Phượng đẩy mạnh tay nên mẹ cháu mới ngã vào góc bàn. Hồi trưa bà Hồng và hội phụ nữ đến thăm. Mẹ cháu nói là do bà ngã là để tránh nói xấu con dâu. Cháu kể tiếp, khi cháu vào đến bậc cửa nhà nghe Phượng gào lên: “Thằng Lương ở đâu không về nói mẹ mày?” Ở góc bàn mẹ cháu luỵch quỵch bò dậy. Cháu quờ tay bám được áo mẹ rồi đỡ mẹ cháu vào ghế ngồi. Phượng biết cháu về nên gào tiếp: “Chồng với chồng, không giúp được cái gì? Rõ nợ!” Cháu nóng mặt quờ tay túm được Phượng. Cháu nói vào mặt nó: “Tôi nghe rõ cả rồi! Cô mất dạy quá!” Phượng vẫn gào lên: “Ối giời ơi! Lại còn bênh mẹ à?” Cháu không chịu được nữa bèn giộng cùi tay phải vào mồm nó mấy giộng!
          Ông Hai Bốn nắm rõ sự tình nên bảo Lương không nói nữa. Ông đứng dậy ra sân. Ông nói:
          - Sao hai bà không vào nhà? Việc nhà thằng Lương chắc các bà nghe rõ rồi. Ngày mai các bà sang bên ấy liệu khuyên bảo cái Phượng, động viên bố mẹ nó và mẹ Lương. Các bà cần phân tích trái phải để họ nghe, nhất là cái Phượng. Tôi cũng không ngờ con cái Phượng lại láo đến thế!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét