Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

THƠ VŨ CHÍ THÀNH


Nhà thơ Đặng Quốc Việt

          Nhân đọc tập “20 năm một chặng đường”     
 (C.L.B.Thơ Long An – NXB  Thanh niên – 2014.)

          Đặng Quốc Việt

          Tôi và Thành chia tay nhau từ năm 1965, khi học xong Cấp 3 Xuân Trường (Nam Định), trong tâm trạng của hai kẻ cùng xao xuyến về một người bạn gái nào đó, hoặc có khi cùng nhớ nhung nhiều bạn gái cũng nên!? (Tất nhiên vẫn nhớ thầy, nhớ bạn, nuối tiếc ngôi trường nhiều kỉ niệm cháy lòng!). Tôi theo học Bách Khoa, còn Thành nhập ngũ, rồi vào chiến trường B!

           Sau năm 1975, nghe đồn Thành đã hy sinh ở chiến trường miền Nam! Tôi hết sức thảng thốt và thương tiếc người bạn từng là đối thủ xứng tầm của mình về môn Văn  (Ngày ấy Thành thường thốt lên: Trời đã sinh Ta sao còn sinh Việt! mỗi khi bài văn của tôi được thầy giáo cho điểm năm còn Thành chỉ được bốn cộng!).  Nhưng trời chẳng phụ kẻ có tâm. Hóa ra anh bị thất lạc đơn vị và đã hai lần bị báo tử nhầm! Rồi anh lập nghiệp ở Long An, trở thành nhà báo, nhà thơ, đã có nhiều tác phẩm được xuất bản, như các tập thơ “Khúc hát bên sông Vàm Cỏ” , “Lời nguyện cầu”… Sau gần 50 năm, nay gặp nhau tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi vô cùng hạnh phúc! Khi nhận được mấy tập thơ Thành tặng, tôi đã đọc ngấu nghiến, cố tìm xem giờ đây ai là người phải than câu: Trời đã sinh… sao lại còn sinh…!
           Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ điểm sơ qua mấy bài gần
đây nhất mà anh đã trình làng trong tập thơ nhiều tác giả “ 20 năm một chặng đường” của C.L.B.thơ Long An, nhà x.b. Thanh niên, năm 2014!
          Nhận xét chung, tôi thấy thơ anh rất chân thực, có nhiều ý hay và độc đáo! Đấy là ưu điểm lớn nhất của bạn tôi. Bài “ KIẾP NHÂN SINH” nói rõ quan điểm về đời sống thực – rất hay! Dù có muốn thoát li cuộc sống: vào cõi Phật, cõi Chúa, cõi Tiên cũng “Nước Chúa Trời chẳng nhận con đâu”, thậm chí cả bọn ma quỷ cũng xua đuổi “cái giống người ngu” quầy quậy! Hãy trở về với hiện tại mà chấp nhận thực tế đi!
          Hay nói cách khác: Hãy bằng lòng với những gì mình có, đừng viển vông! Bốn câu đầu không ăn nhập với cấu tứ của cả bài, chỉ làm loãng chủ đề. Hãy tạm cất nó đi xem, thấy bài thơ thật cô đọng và ấn tượng.
          “PHÚT GIAO THỪA” đối với anh không còn mang ý nghĩa thiêng liêng thông thường, bởi nhân loại còn bao nhiêu người chẳng biết Tết là gì, hoặc:
                 Chỗ chiến trận xương rơi máu đổ
                 Chỗ lễ hội tưng bừng hát múa
Vậy thì :       Giao thừa ơi! Biết khóc hay cười!
Đấy là lối suy nghĩ rất nhân văn, rất Chí Thành !
Bên cạnh những câu thơ hay :
                 Rồi đêm ấy trăng soi
                 Tóc ai đưa theo võng
                 Ánh vàng như hoa gấm
                 Rắc theo đường võng bay.
        Hoặc :         Để không sầu mắt nguyệt
                             Để không buồn tóc xanh.
                                        (Người tôi yêu ngày ấy)
Thì những câu dễ dãi,  sáo mòn, vẫn lác đác xuất hiện trong thơ anh!
            Bài “THĂM TRƯỜNG CŨ” rất chân thành, cởi mở và đầy tâm trạng! Những sự việc, những địa danh anh nêu ra: rất thật, gợi nhớ gợi thương nhiều lắm. Những “ Mười Bê” “Mười Xê”,“gánh cát Mom Rô”,“chợ Lau Sáng”…người trong cuộc như chúng tôi nghe mà thấy ngẩn ngơ trong dạ, gai gai cả người lên! Cuối bài, đột ngột nêu ra một ý :
          Ngoài sân trường, hoa phượng lửng lơ bay
          Tên bạn gái trên hàng bia liệt sỹ.
          Bia liệt sỹ ở đâu? Ngoài sân trường ư? Thì ra dụng ý của tác giả là:
          Đối với anh, em đã là “ liệt sỹ”, đối với em, anh cũng vậy rồi mà! Xin đừng nuối tiếc làm gì! Hãy giữ làm kỷ niệm đẹp, bâng khuâng mãi mãi:
          Đường Hành Thiện dấu chân xưa đâu nhỉ?
          Bến Cựa Gà con sóng vỗ lăn tăn!
          Câu thơ đọc lên như thấy hồn mình loang loang bên con sóng Cựa Gà!
          Toàn bài, câu chữ tuy chưa thật đặc sắc nhưng nó có sự rung động thật sự của con tim, có tìm tòi, sáng tạo trong ý thơ. Tôi cho đây là một bài thơ tài hoa!
          Qua bài “RU VỢ”, thấy anh xứng đáng là một người đàn ông chân chính! Không khoe khoang, không đao to búa lớn, không hứa hẹn cao sang mà chỉ có sự chân thành nhận lỗi và tấm lòng thương yêu thật sự! Anh tự dằn vặt mình:
                        Một lời đã hứa từ xưa
                Ru Nam ru Bắc, mà chưa ru mình.
Cho nên :        Bữa nay xin để cho tôi ru bà!
Và sẽ :            Có bao cái đắng đuổi ra khỏi đời!
          Tự nhiên không hiểu sao tôi cứ nghĩ rằng : Khi đọc bài này, không những vợ anh rất cảm động mà tất cả những ai xưa kia từng để ý đến anh và anh từng để ý, sẽ đều quý mến anh hơn nữa, có cái nhìn thiện cảm với anh hơn nữa !
          Bài cuối tôi muốn nói đến: “MỪNG XUÂN GIÁP NGỌ”. Bài thơ làm theo luật Đường, nói rõ nỗi lòng và quan điểm của mình nhân dịp năm mới!
          Tuy nhiên, chữ “niên tân” dùng quá gò ép. Hơn nữa có chỗ còn bị thất niêm, nhưng không sao! Tôi rất đồng cảm với tâm trạng của anh:
          Xấu - Đẹp âu là do miệng thế
          Bại - Thành ắt hẳn tại lòng dân
          Người bắn pháo bông mừng năm mới
          Ta đợi giao thừa đón NGHĨA NHÂN!
          Thì ra Nghĩa , Nhân là tên các con của anh chị . Thật là chí tình!
                                 ***
          Tóm lại : Trường Cấp Ba Xuân Trường ta có Nhà thơ rồi! “Ông Chu Du của làng An Cư” nay đã tròm trèm Thất Thập! Thành ơi! Để nói về thân phận bọn mình, cái ông “Gia Cát rởm” này thật vô phép, cúi xin cụ Tản Đà mượn một câu thơ của Cụ mà nói chệch đi:
          Tài thấp, phận thấp, chí khí không uất
          Giang hồ mê chơi, không quên Quê hương!
          Chúc Thành và gia đình sức khỏe và hạnh phúc! Mong được đọc nhiều Thơ hay hơn nữa của Bạn!

Q. Phú Nhuận 11- 2014
Đặng Quốc Việt
Cấp 3 Xuân Trường, Nam Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét