Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên |
TS Nguyễn Ngọc Kiên
1
- Khái niệm thành ngữ tục ngữ
Theo
nhóm các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến thì: “Thành ngữ
là cụm từ cố định, hoàn chỉnh về cấu trúc và ý nghĩa. Nghĩa của chúng có tính
hình tượng hoặc / và gợi cảm.”
[1,
tr.157]
Theo “Từ điển giải thích
ngôn ngữ học” thì: “Thành ngữ là cụm từ cố
định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý
nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có
nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu.”
[12, tr.237]
Phân biệt thành ngữ với tục
ngữ tác, giả Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một
ý, một nhận xét của kinh nghiệm, một
luân lý, một công lí, có khi là một sự phê phán. Còn thành ngữ là một phần câu
có sẵn, nó là một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng
nó không diễn đạt được một ý trọn vẹn. Về
hình thức ngữ pháp, mỗi thành ngữ chỉ là một nhóm từ, chưa phải một câu hoàn chỉnh;
còn tục ngữ dù ngắn đến đâu cũng đã là một câu hoàn chỉnh.”
[9, tr. 31]
Tuy nhiên,
trong tiếng Việt có những câu thật khó phân biệt chúng là thành ngữ hay tục ngữ.
Chẳng hạn, xét “trong ấm ngoài êm”; nếu nói: “anh ta sống trong cảnh trong ấm, ngoài êm”, tức hai vế là ngữ đẳng
lập, thì rõ ràng đây là thành ngữ. Nhưng nếu nói: “Phải sống sao cho trong ấm thì ngoài êm”, tức là vế sau là hậu / kết quả của vế trước, thì đây là câu tục ngữ.
Như vậy, nghĩa của thành
ngữ rất hàm súc và biểu cảm. Trong bài viết này chúng tôi chỉ bàn đến thành ngữ
khoa trương trong tiếng Việt. Trong văn học khi nhà văn sử dụng thành ngữ khoa
trương làm cho câu văn càng trở nên sinh động và biểu cảm, có giá trị thẩm mĩ
cao. Ví dụ :
(1) Khai được
chuyện này ra, bao nhiêu chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ không phải bị buộc
oan, không phải “ngàn cân treo sợi tóc”
như bây giờ.
(2) Phải
năm chìm bảy nổi mới được như bây giờ! Nhỡ có mệnh hệ nào,công lao đổ xuống
sông xuống biển hết. Vì con mà mẹ phải lên
thác xuống ghềnh, mẹ đâu có quản ngại.
(3) Trong
lúc cả làng sôi sục chạy đuổi “nhét cứt vào mồm con Xuyến”, làm con bé xanh xám mặt mũi, cắt không còn hột máu,
thằng Hiếu đứng ra chặn mọi người ôm lấy vợ bảo: - Em cứ bình tĩnh, đừng sợ.
( Lê Lựu – Chuyện Làng Cuội)
Trong (1) (2) (3), nhà
văn Lê Lựu sử dụng các thành ngữ ngàn cân
treo sợi tóc, lên thác xuống ghềnh, mặt cắt không còn hạt máu. Trong tác phẩm
tác giả còn dùng biến tấu các thành ngữ. Chẳng hạn, thành ngữ long trời lở đất được tác giả biến thành
rung chuyển cả trời đất:
(4) Khi bần
cố đã vùng lên thì sức mạnh kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có
thể cản nổi.
Hoặc:
(5) Trơ như đá vững như đồng
Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời
(Nguyễn Du – Truyện
Kiều)
Tr
ong tiếng Hán nhà văn cũng sử dụng hết sức linh hoạt các thành ngữ.. Ví dụ:
(6) 医学院进修回来后,更是如虎添翼,胆大包天,世上有人不敢生的病,没有他不敢下的刀子。(莫言《冰雪美人》)
(Hai năm chuyên tu ở Học viện Y khoa tỉnh,
chú tôi như hổ thêm cánh, to gan lớn mật [nguyên văn: gan bao
cả trời], chỉ có bệnh người đời không dám
mắc chứ không có dao nào chú tôi không dám mổ.)
(Mạc
Ngôn - Băng tuyết mỹ nhân)
(7) 那字是他自己写的,一个个张牙舞爪,像猛兽一样,看着就让人害怕。(莫言《冰雪美人》)
(Chữ
do chú tôi tự viết, chữ nào chữ nấy nhe
nanh múa vuốt chẳng khác nào thú dữ ai nhìn thấy cũng phải sợ.)
(Mạc Ngôn - Băng tuyết mỹ nhân)
2. Khái niệm về khoa trương
Trong tiếng Việt, khi cần
nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố
tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ
đối tượng cần miêu tả. Lối nói này
được gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói
khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không
làm cho người ta tin vào điều nói ra,
mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều
nói lên [9, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là
cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng
miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản
ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách
và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.
Ví dụ: Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa
ghen thua thắm tuyết nhường màu da.
(Nguyễn
Du – Truyện Kiều)
3. Khoa trương trong thành ngữ
Người Việt và người Hán rất
thích nói khoa trương, điều này có thể được chứng minh qua kho tàng thành ngữ
tiếng Việt và tiếng Hán. Khoa trương trong thành ngữ tiếng Việt hết sức đa dạng
và phong phú; căn cứ vào các tiêu chí về ngữ nghĩa, hình thức, thời gian… có thể
chia thành các loại như sau:
3.1. Phân
loại khoa trương theo ngữ nghĩa
Căn cứ vào nghĩa có ba loại:
khoa trương phóng to và khoa trương thu nhỏ, khoa trương thời gian.
3.1.1. Khoa
trương phóng to
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Là cố ý làm cho sự vật to
ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc trưng của sự vật làm
cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ: tức bầm gan tím ruột; tức lộn tiết; giận sôi
máu; tiếc đứt ruột; gan cùng mình; nộ khí xung thiên; nở từng khúc ruột;
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Trong
tiếng Hán, các thành ngữ “天翻地覆” (trời long đất lở),
“怒发冲冠” (nổi giận đùng đùng), đều là khoa trương
phóng to rất nhiều lần so với sự thực. Tiêu biểu cho loại này gồm: “一呼百诺” (một người hô vạn người theo), “一本万利” (nhất bản vạn lợi), “千锤白炼” (muôn ngàn thử thách), “千方百计” (trăm phương nghìn kế), “千变万化” (thiên biến vạn hóa),“气象万千” (cảnh vật muôn màu),“气吞山河” (khí nuốt sơn hà),“血流成河” (máu chảy thành sông), “垂涎三尺” (dãi nhỏ
ba thước = thèm thuồng), “捶心泣血” (đấm vào tim khóc
nhỏ máu vì bực bội)。
3.1.2. Khoa
trương thu nhỏ
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Là cố ý đem số lượng, đặc
trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho
nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại, yếu đi.
Ví dụ: Bé bằng mắt muỗi; nhẹ tựa lông hồng; gầy gió thổi bay; lấy chỉ
buộc chân voi; chẻ sợi tóc làm tư.
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Chẳng
hạn, các thành ngữ khoa trương: “弹丸之地” (mảnh đất bé bằng
viên đạn), “沧海一粟” (giọt muối bỏ
bể) đều là thu nhỏ rất nhiều lần so với sự thực. Tiêu biểu cho loại này gồm:
“吹灰之力” (không tốn sức lực/ dễ dàng), “立锥之地” (tấc đất cắm dùi),“一无是处” (không đúng chút nào),“一孔之见” (tầm mắt hẹp hòi),“寸丝不挂” (một sợi tơ cũng không ham), “寸草不留” (một ngọn cỏ cũng không còn).
3.1.3. Khoa
trương thời gian
Là đem sự viếc xuất hiện
sau nói thành sự việc xuất hiện trước hoặc cả hai cùng xuất hiện. Chẳng hạn: Chưa ăn đã hết
- Chưa đỗ
ông nghè đã đe hàng tổng.
- Chưa đến chợ đã hết tiền.
3.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có mấy
loại sau:
3.2.1. Khoa trương trực tiếp
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Là
khoa trương mà không sử dụng bất cứ hình thức tu từ nào, còn gọi là khoa trương
“thuần túy”. Ví dụ: chuyện động trời; tin sét đánh ngang tai; quỷ
tha ma bắt; đất bằng dậy sóng; lấy vải thưa che mắt thánh; vắt cổ chày ra nước; rán sành ra mỡ; ruột để ngoài da; chân cứng đá mềm;
(B) Trong
thành ngữ tiếng Hán
Thành
ngữ khoa trương trực tiếp là dùng hình
tượng mới mẻ, nổi bật để phóng to hoặc thu nhỏ sự thực, để thực hiện khoa
trương. Loại này trong kho tàng thành ngữ tiếng Hán cũng hết sức phong phú. Chẳng
hạn, “水泄不通” (con kiến không lọt),
“弱不禁风” (yếu gió thổi bay). Mục đích là gây cho
người nghe / đọc những ấn tượng sâu sắc, khó quên.
Các ví dụ: “怒发冲冠” (giận đến nỗi tóc dựng đứng), “罪该万死” (tội đáng vạn lần
chết), cũng đều thuộc khoa trương trực tiếp.
3.2.2. Khoa
trương gián tiếp
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Là khoa trương có sử dụng
các thủ pháp tu từ khác, chẳng hạn so sánh, ẩn dụ, nhân cách hóa, vật cách hóa
v.v. . . ; còn được gọi là khoa trương “dung hợp”.
Chẳng hạn, sử dụng so
sánh tu từ để khoa trương: rách như tổ đỉa;
cứng như thép, vững như đồng; trắng như trứng gà bóc; đẹp như tiên giáng trần;
xấu như ma mút; vững như bàn thạch.
Sử dụng nhân cách hóa để khoa trương: chim
sa cá lặn ; hoa nhường nguyệt thẹn; thần hồn nát thần tính.
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Xét
các thành ngữ trong tiếng Hán: “口若悬河” (mồm như sông
treo), “日 月如梭” (ngày tháng
như thoi đưa), “丘山之功” (công to như
núi), “毫末之利” (lợi bé bằng móng tay) đều
sử dụng tỉ dụ để thực hiện khoa trương. Còn “魂飞魄散” (hồn bay phách
lạc), (“魂飞胆丧” (kinh hồn bạt vía) cũng là khoa trương,
miêu tả tình trạng vô cùng sợ hãi của đối tượng. Ở đây, “魂” (hồn), “魄” (phách), “胆” (gan) chỉ ý chỉ tinh thần,
là thủ pháp hoán dụ; vậy những thành ngữ trên đều sử dụng hoán dụ để thực hiện
khoa trương.
Xét
các thành ngữ “沧海一粟” (muối bỏ bể), “九牛一毛” (hạt cát trong sa mạc), “千钧一发” (ngàn cân treo
sợi tóc). Ở đây, sử dụng thủ pháp ẩn dụ (so sánh không có từ so
sánh) để biểu thị khoa trương. Và những thành ngữ này phải được hiểu là “như muối bỏ bể”, “như hạt cát trong sa mạc”,
“ như ngàn cân treo sợi tóc”.
Căn cứ vào mức độ,
có thể chia khoa trương thành mấy loại sau:
3.3.1.Khoa
tương ở mức độ thấp
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Khoa trương ở mức độ thấp
là cách nói quá đi so với cái có thật trong thực tế; tuy có thể nhân lên tới
hàng trăm hàng nghìn lần, thậm chí hàng vạn lần, nhưng vẫn chưa đến mức phi lí,
vẫn có thể chấp nhận được. Sở dĩ như vậy là vì nghe mãi thành quen tai, cả người
nói và người nghe chẳng ai nghĩ mình đang khoa trương. Chẳng hạn, các cụm từ
sau thường được sử dụng trong khẩu ngữ: trăm
công nghìn việc, phục sát đất, một mất
mười ngờ, một chữ bẻ đôi cũng không biết,
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Trong tiếng Hán, các cụm từ sau thường được sử dụng
trong khẩu ngữ: 伟大无穷 (vô cùng vĩ đại), 困难极了 (cực kì khó khăn), 百端待举 / 日理万机 (trăm công nghìn việc), 一转眼 (trong nháy mắt), 佩服得五体投 地 (phục sát đất).
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Khoa
trương ở mức độ cao là nói quá sự thật một cách quá đáng, đến độ phi lí không
thể tin được. Trong giao tiếp người Việt hay sử dụng các thành ngữ khoa trương:
không cánh mà bay, một bước lên giời,
ngàn cân treo sợi tóc, trăm đắng ngàn cay ; nghiêng nước nghiêng thành.
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Trong
giao tiếp người Trung Quốc hay sử dụng các cụm từ và thành ngữ khoa trương ở mức độ cao: 不翼而飞 (không cánh mà bay), 一步登天 (một bước lên giời), 不识一丁 (một chữ bẻ đôi cũng không
biết), 一天比一世纪长 (một ngày
dài hơn thế kỉ),
4.
Một số cách biểu thị khoa trương trong thành ngữ
Cách biểu đạt khoa trương trong thành ngữ của người Việt
rất phong phú. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số cách phổ biến
sau :
4.1. Sử dụng
số từ biểu thị khoa trương
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Mỗi con số đều mang trong
mình cả những nghĩa tốt và những nghĩa xấu. Trong khi số học phương Tây (hay
còn được gọi là hệ thống Pytago) kết nối những con số với tính chất cốt rễ của
nó thì số học phương Đông lại dựa trên âm thanh của con số (theo tiếng Trung Quốc)
khi ta phát âm. Nếu một con số phát âm giống một từ được cho là tiêu cực hay
thiếu may mắn, con số đó cũng được xem là tiêu cực hay thiếu may mắn. Tuy
nhiên, may mắn lại là một khái niệm không đóng vai trò gì trong số học phương
Tây. Thay vào đó, mỗi con số đều mang trong mình cả những nghĩa tốt và những
nghĩa xấu. Tùy với mỗi người mà năng lượng mạnh nhất của con số sẽ được phát
huy.
Nói ngoa bằng cách dùng
những con số lớn hơn hay ít hơn nhiều lần để
nói lên sự hơn kém về sự việc hiện tượng. Những con số này chỉ là ước lệ,
có tính chất ngụ ý. Chẳng hạn: ba chân bốn cẳng; ba chìm
bảy nổi; năm thê bảy thiếp; ba đầu sáu tay; ba cọc ba
đồng; ba chân bốn cẳng; ba chìm bảy nổi chín lênh đênh; ba máu sáu cơn ; trăm
tay không bằng tay quen; ăn nồi bảy quăng ra, nồi ba quăng vào;; biết rõ mười
mươi; năm cha ba mẹ; gấp trăm nghìn lần; trăm người bán vạn người
mua; gấp năm gấp
mười ; một vốn bốn lời; uốn ba tấc lưỡi;
trăm voi không được bát xáo ; trăm sông nghìn núi; mồm năm miệng mười;cơ hội
ngàn năm có một; muôn hình vạn trạng; …
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Ở
đây chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến thành ngữ vay mượn từ tiếng Hán được đọc
theo âm Hán –Việt. Theo chúng tôi, những thành ngữ này khi dịch vào tiếng Việt
có thể giữ nguyên hình thái – ngữ nghĩa, dịch từng chữ (một phần hoặc tất cả
các yếu tố) hoặc dịch nghĩa chung của thành ngữ, có thay đổi các yếu tố cấu tạo.
Thành
ngữ khoa trương số lượng trong tiếng Hán là thành ngữ có chứa các con số. Chẳng
hạn: “罪该万死” (tội đáng chết vạn lần), “千军万马” (thiên binh vạn mã). Ở đây, “đáng
chết vạn lần” nhấn mạnh tội ác quá lớn, “thiên
binh vạn mã” chỉ số lượng rất nhiều. Trong thành ngữ tiếng Hán những chữ số
“百” (trăm), “千” (nghìn), “万” (vạn), nói chung được dùng để khoa trương phóng to. Những con số nhỏ
hoặc ước lệ được dùng để khoa trương thu nhỏ; chẳng hạn, trong “寸步不离” (không rời nửa bước),thì “寸步” biểu thị cự li được thu nhỏ tới
mức tối đa.
Xét
về đại thể, thành ngữ khoa trương có chứa con số lớn biểu thị sự phóng to,
thành ngữ khoa trương có chứa con số nhỏ biểu thị sự thu nhỏ.
Những
thành ngữ mượn được sử dụng trong hình thức nguyên dạng chiếm tỉ lệ khá lớn
trong toàn bộ thành ngữ gốc Hán trong tiếng
Việt. Chẳng hạn:
一发千钧 (ngàn
cân treo sợi tóc),
三头六臂 (ba
đầu sáu tay).
百发百中(bách phát
bách trúng)
万紫千红(muôn hồng ngàn tía)
白 战白胜 (bách chiến bách thắng)
千行万状 (muôn
hình vạn trạng)
万户千门 (muôn nhà vạn hộ)
万古流芳 (tiếng
thơm muôn thưở)
万金不挽 (ngàn vàng không đổi)
万苦千辛 (tiếng thơm muôn đời)
万马奔腾 (vạn con ngựa cùng chạy)
万千变化 (thiên biến vạn hóa)
4.2. Sử dụng
động từ khoa trương
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Ví dụ: Bới lông tìm vết; ăn tươi nuốt sống; bán mặt
cho đất, bán lưng cho trời; băng ngàn vượt bể; được voi đòi tiên; lên thác xuống
ghềnh; phun châu nhả ngọc; ruột để ngoài da; vắt cổ chày ra nước; vượt suối băng ngàn; xẻ núi lấp sông; xoay trời chuyển đất…
Trong tiếng Việt, động từ biểu thị
khoa trương cũng tuân thủ theo nguyên tắc: động từ kết hợp với tân ngữ.
Ngoài ra, có một số cụm động
từ có kết cấu tương tự như nghĩ nát óc,
cười vỡ bụng. Tác giả tác giả Huỳnh
Ái Nguyên cho rằng, chúng “là những quán
ngữ đa dạng về mặt ý nghĩa, chúng có thể mang tính nhấn mạnh về mặt thông tin mệnh
đề, thông tin tình thái, mang màu sắc biểu cảm, mang tính phóng đại hoặc là sự
kết hợp của tất cả các yếu tố trên”.
Chẳng hạn: no vỡ bụng; lo sốt vó; rụng
rời chân tay; nghĩ bể đầu; nói đến gãy lưỡi; ruột thắt gan bào; vắt tim óc; cười
bể bụng; làm mửa mật; đổ mồ hôi hột; tiếc đứt ruột; tức nổ mắt…
Qua các ví dụ trên có thể
thấy, động từ biểu thị khoa trương có thể đem lại những giá trị thẩm mĩ nhất định,
nhưng bản thân động từ không thể đơn độc thực hiện khoa trương, mà là kết quả của
sự kết hợp giữa động từ và tân ngữ. Nhưng động từ là điều kiện để cấu thành
khoa trương, đồng thời cũng là tiêu chí khoa trương ngoại tại. Nó không chỉ từ
ngoại tại trên thị giác kích thích độc giả mà còn thông qua sự phối hợp ý nghĩa
của các hình tượng khác để nói quá sự thật, tạo nên sức hấp dẫn thẩm mĩ của tâm
lí độc giả. Tuy nhiên, đối với một số động từ nội động, nó phải được đặt trong
ngữ cảnh, hoặc trong những điều kiện sự việc không thể xảy ra, thì mới có thể
thực hiện khoa trương.
Chẳng hạn: Chó ăn đá gà ăn sỏi; vật đổi sao dời ; nước
chảy đá mòn; xương tan thịt nát; trời
rung đất lở; trời tru đất diệt; tiếc cay tiếc đắng; nếm mật nằm gai; sống dở chết
dở; vùi liễu dập hoa; vượt suối băng ngàn; xẻ núi lấp sông; xoay trời chuyển đất;
đội đá vá trời; rán sành ra mỡ; tầm ngầm đấm chết voi; thèm chảy nước miếng; trời
đánh không chết; trứng chọi với đá.
(B)
Trong thành ngữ tiếng Hán
Ví
dụ:
刻骨铭心 (khắc cốt ghi xương)
翻江倒海 (trời rung đất chuyển)
顶天立地 (đội trời đạp đất)
惊天动地 ( kinh thiên động địa)
戴月披星 (đội trăng gánh sao)
戴天陆地 (đội trời đạp đất)
4.2. Sử dụng
tính từ biểu thị khoa trương
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Có
hai loại chính:
Tính từ + bổ ngữ = tính từ + (cụm) danh
từ = Adj + N
Trong loại này, thực tế chúng
là các tính ngữ biểu thị khoa trương. Chẳng hạn: gan cóc tía; gan liền tướng quân; mát mặt; ngứa mắt; ngứa mồm; ngứa
tai; tối mắt; tối mặt; bở hơi tai; cứng
cổ; cứng họng; mềm lòng; trơ mắt ếch; trơ thổ địa; sạch nước cản; mát tay; thẳng
ruột ngựa ; thừa sống thiếu chết; trên trời dưới bể; to gan lớn mật; trên đe dưới
búa; trong ngọc trắng ngà; nghiêng nước
nghiêng thành; ngang cành bứa; mênh mông
bể Sở;
Tính từ + bổ ngữ = tính từ + (cụm) động từ hoặc tính từ + cụm chủ vỊ =Adj +V or Adj + S-V
Trong
loại này, chúng cũng là các tính ngữ biểu thị khoa trương . Ví dụ: giầu nứt đố đổ vách; nghèo rớt mồng tơi; đẹp
chim sa cá lặn.
Chúng còn có thể là những
tính từ bổ nghĩa cho danh từ trung tâm tạo thành đoản ngữ danh từ biểu thị khoa
trương.
Ngữ danh từ = danh từ + tính từ = N +
Adj
Chẳng
hạn: đất rộng trời cao; mẹ tròn con vuông; sông
cạn đá mòn; lá ngọc cành vàng; trời cao
đất dày; rừng thiêng nước độc; nghĩa nặng tình sâu.
Nhất là, những tính từ có xuất xứ từ tiếng Hán.
Chẳng
hạn: non xanh nước biếc [ sơn thanh thủy tú]; sơn cùng thủy tận [sơn cùng thủy tận]; trời cao đất dày [thiên cao địa hậu]; thâm sơn cùng cốc [thâm sơn cùng cốc]….
(B)Trong
thành ngữ tiếng Hán
Ví
dụ:
海枯石烂 “hải khô thạch lạn” (biển cạn đá mòn)
冰清玉洁 “băng thanh ngọc khiết” (trong ngọc trắng ngà)
山高水长 “sơn cao thuỷ trường” (cao
như núi, dài như sông).
铜筋铁骨 ” đồng cơ thiết cốt” (mình đồng da sắt)
(Xem
thêm Thành ngữ so sánh dạng ẩn biểu thị
khoa trương trong tiếng Hán)
4.3. Sử dụng
danh từ để biểu thị khoa trương
(A)
Trong thành ngữ tiếng Việt
Ta có mô hình: đoản ngữ : N +N
Loại này chủ yếu gồm hai tiểu
loại:
- Thành ngữ ẩn dụ đối xứng. Chẳng hạn:
chân cò tay vượn; mình đồng da sắt;
khẩu phật tâm xà; miệng hùm gan sứa; gạo châu củi quế; góc bể chân trời; thiên la địa võng; nem công
chả phượng; sơn hào hải vị; tiền rừng bạc bể; quyền rơm vạ đá; cá bể chim ngàn;
màn trời chiếu đất .
Thành ngữ ẩn dụ phi đối xứng:
Miệng nam
mô bụng bồ dao găm; nước mắt cá sấu; màu mỡ riêu cua; lưới trời lồng lộng….
(B)Trong
thành ngữ tiếng Hán
Ta
có cấu trúc: N +N
Ví
dụ:
天涯海角 “thiên nha hải
giác” (chân trời góc bể)
车水马龙 “xa thủy mã long” (ngựa nối đuôi nhau như một con rồng).
米珠薪桂 “mễ châu tân quế” (gạo
đắt như ngọc, củi đắt như gỗ quế).
名缰利锁 “danh cương lợi toả” (danh là dây cương, lợi là còng xích / bị trói buộc bởi danh lợi, nô lệ của danh
lợi).
(Xem
thêm Thành ngữ so sánh dạng ẩn biểu thị
khoa trương trong tiếng Hán)
(Hết
phần một)
(còn
nữa)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu,
Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở Ngôn ngữ
học và tiếng Việt, NXB Gíao Dục
2. Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh (1972), Văn học dân gian, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
3.Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng
Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia HN.
4. Hoàng Văn Hành (2001), Thành ngữ học
tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.
5. Đinh Trọng Lạc (2005), 99 phương tiện và biện pháp tu
từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
6. Đinh Trọn g Lạc,
Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục.
7. Hoàng Kim Ngọc (2009), So sánh & ẩn dụ trong ca dao trữ tình,
NXB Khoa học.
8. Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca
dao dân ca, NXB Văn học.
9. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn
ngữ.
10. Cù Đình Tú
(2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
11.Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12. Nguyễn Như Ý (2002), Từ điển giải
thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, NXB Gi áo dục.
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
1. Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn
học.
2. Đào Thản (2005), Ca dao hài hước, NXB Đà Nẵng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét