Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

HỎI CHUYỆN NHÀ VĂN CỦA LÀNG QUÊ VIỆT NAM – TRẦN QUỐC TIẾN


Nhà văn Trần Quốc Tiến

          Nguyên An thực hiện

          Cuộc trò chuyện giữa nhà phê bình Nguyên An với nhà văn Trần quốc Tiến ngay tại ngôi nhà Trần quốc Tiến đang ở - làng Đông xã Nam Vân thành phố Nam Định cuối – 2016 .

          Nguyên An: Mới có mấy năm mà lần này đến thăm anh thấy quê hương anh, gia đình anh đổi mới nhiều quá. Một vùng quê chiêm trũng bông nổi cho chim bông chìm cho cá, suốt cả chiều dài lịch sử con người nơi đây sống trong nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, chiến tranh... cuộc đời mỗi con người như căng ra  để chịu đựng. 

          Nhà văn cũng như mọi người, khi dân làng khổ thì gia đình nhà văn cũng khổ, ăn đói mặc rách suốt ba chục năm ròng, giờ dân làng đổi mới khấm khá lên, trong đó có gia đình nhà văn đã làm được nhà mới, có phòng văn rộng rãi khang trang, để từ đây bay lên những tác phẩm về làng quê đậm đà chất hương đồng gió nội... Trước hết xin chúc mừng gia đình nhà văn và quê hương nhà văn. Thưa nhà văn, Nguyên An đã đọc các tác phẩm từ truyện ngắn, tiểu luận, và nhất là mảng tiểu thuyết với những quyển dày tới năm sáu trăm trang mang đậm đà chất quê Đồng bằng Bắc bộ của anh suốt mấy chục năm rồi. Thú vị lắm. Cảm ơn anh nhiều. Hôm nay Nguyên An về đây thăm anh và gia đình đồng thời để độc giả biết thêm về nhà văn của hương đồng gió nội nơi quê hương Nam Định có truyền thống địa linh nhân kiệt, xin có cuộc phỏng vấn cùng anh.
          Trần quốc Tiến là nhà văn của làng quê nước Việt. Ý này Nguyên An đã dùng để viết về nhà văn lão thành Kim Lân là nhà văn viết về nông thôn Việt Nam những năm bốn mươi,năm mươi của thế kỷ hai mươi. Đọc xong bài mình, cụ Kim Lân cười rất vui nói: Anh gọi tôi thế, định danh tôi thế thì tôi chết cũng yên được rồi... Nhà văn lão thành nói thế với vẻ trầm ngâm, giọng nhỏ nhẹ. Âý là một chiều cuối năm trời lạnh ở xóm Hạ Hồi năm 1986.
          Trần quốc Tiến là nhà văn bẩm sinh của làng quê nước Việt những năm 1960 – 1970, của thế kỷ hai mươi và kỳ lạ thay, may mắn thay ông cũng đã là nhà văn của làng quê nước Việt những năm đầu của thế kỷ hai mốt rồi. Xin bắt đầu cuộc trò chuyện.
                                                         
          Nguyên An:  Thưa nhà văn Trần quốc Tiến. Ông từng nói ông đã tham gia từ phong trào tổ đổi công, rồi hợp tác xã cấp thấp, hợp tác xã cấp cao, cho đến thời đổi mới suốt chiều dài nửa thế kỷ.Vậy ông làm gì trong thời gian dài như vậy?
          Trần Quốc Tiến: Tôi vừa làm xã viên vừa làm cán bộ hợp tác xã.Về mặt xã viên tôi đi cày, đi bừa, nhổ mạ gánh phân, cào cỏ cải tiến hai tiến một lùi, đào đất làm thủy lợi, làm bèo dâu vân vân... Nghĩa là việc gì cũng làm và làm thạo. Còn về mặt cán bộ thì tôi là  đội phó, thư ký đội sản xuất đến đội tưởng đội chăn nuôi cá đến phó ban chăn nuôi hợp tác xã... Rồi dạy học thì làm cán sự vỡ lòng xã lúc tôi mới mười lăm mười sáu tuổi, rồi dạy cấp hai bổ túc văn hóa, về mặt quân sự thì làm trung đội trưởng dân quân, phân đoàn trưởng thanh niên, làm phó ban văn hóa xã, là cầu thủ đá bóng chân giầy của huyện, là diễn viên đội chèo của xã chuyên đóng giả con gái vân vân. Được đưa vào diện cảm tình Đảng, nhưng mái không thấy kết nạp, tôi xin rút .
 
          Nguyên An:  - Như vậy là về mặt vốn sống ông có được cả hai thứ, vốn  sống của một xã viên thực thụ và vốn sống của anh cán bộ hợp tác xã sáng xách túi đi tối xách túi về... Nó vô cùng quý để ông đưa vào những tác phẩm của ông sau này như tiểu thuyết Ổ RƠM – CỎ - LÃO BÕM... chẳng hạn. Trong một cuộc tâm sự với nhà văn Nguyễn Khải ở trụ sở Tạp chí văn nghệ quân đội số 4 Lý  Nam Đế Hà Nội mùa xuân năm 1994, Nguyễn Khải có bảo ông thử tóm tắt cái thời hợp tác xã kéo dài ba chục năm trong vòng hơn chục từ, ông đã trả lời ngay: “Đó là cái thời LÀM ĐIÊU ĂN THẬT LÀ QUAN – LÀM ĐIÊU ĂN GIẢ LÀ DÂN”. Ông giải thích nhận định của ông thế nào?
          Trần Quốc Tiến: - Là cái thời  mà quan cũng làm điêu mà dân cũng làm điêu, cả hai cùng hỏng chứ không phải chỉ có quan làm hỏng. Quan thì sáng xách túi đến trụ sở ngồi chơi, uống trà, hút thuốc, hoặc vờ vịt sắn quần lội ruộng, rồi trưa hoặc tối thì liên hoan... Còn dân thì vác cào cuốc ra đồng ngồi chơi là chính cho đến khi nghe tiếng kẻng hoặc tiếng trống là vác cày vác cuốc về... Quan làm điêu nhưng quan có chén nên quan làm điêu mà ăn thật, còn dân làm điêu nhưng lúa xấu không có thóc chia công điểm nên  ăn giả.... Nguyễn Khải còn bảo tôi là nên đề nghị đưa câu này vào sách ghi nét vì chỉ có mười hai từ mà bao quát được cả đặc trưng một thời  quan liêu bao cấp kéo dài  một phần ba thế kỷ hai mươi...

          Nguyên An: - Chắc chắn ông yêu tha thiết quê hương mình. Nhưng cũng chắc chắn là có những điều nào đó làm ông không vừa ý, vì nó làm cản trở sự đổi mới của quê hương ông? Chẳng hạn lớp cán bộ hôm nay so với lớp cán bộ thuộc loại cha anh thì thế nào, liệu có hơn không?
          Trần Quốc Tiến: - Ai cũng tưởng là hơn thế mà không hơn nới lạ. Công bằng mà nói cũng có được một dạo xuất hiện được một dàn cán bộ trẻ có năng lực có nhiệt tình làm ăn rất năng nổ, mạnh dạn với cái mới... Nhưng rồi chẳng bao lâu cả một dàn người ấy bị siêu vi trùng tham nhũng xâm nhập, một đêm họ bị công an về khóa tay bắt đi gần hết từ bí thư đến chủ tịch, phó bí thư, phó chủ tịch, kế toán, địa chính... Bắt hết rồi sau đó thì ngồi nhà đá bóc lịch, người bẩy năm người năm năm... Có tài mà không có đức nên hỏng cả. Lớp sau làm ăn theo kiểu dĩ hòa vi quý, ấy là nói xã còn cấp thôn xóm thì ôi thôi lương lậu chả là bao nên không có người có khả năng muốn nhận, một cái nhà văn hóa nhà nước cho  làng tôi với hơn ba tỷ đồng lấy từ nguồn đầu tư cho nông thôn đổi mới, có khuôn viên rất rộng,nhà cửa hiện đại khang trang, địa thế tuyệt vời hòa hợp với khung cảnh thiên nhiên rất đẹp... thế mà từ lúc cắt băng khánh thành đến giờ đã nhiều năm trôi qua là  để hoang một năm họp đội một lần, sân rêu cỏ mọc, gà bới chó ỉa... nhà văn hóa thành nhà vô văn hóa...
          Lớp cán bộ ngày trước họ kém về văn hóa nhưng họ làm việc hăng say nhiệt tình theo kiểu lấy cần cù bù tài năng, còn cán bộ hôm nay có bằng cử nhân tại chức, nhưng bằng thật mà học giả, lại không chịu rèn luyện thích chơi bời  hưởng thụ, nên thật sự kém lớp cha anh... Tôi đã nói nhiều lần rằng ta phải có trường đào tạo làm người tốt, ở ta có qúa nhiều trường dạy làm quan mà không có trường dạy làm người tốt cho nên quan hỏng. Phải có bằng làm người tốt rồi mới cho làm quan dù là quan cấp xã, thì khi làm quan sẽ là quan tốt. Xã hội ta cái hỏng lúc này là hỏng về mặt con người, các quan tham nhan nhản là quan hỏng về mặt con người, các cơ chế chính sách định ra dù về mặt lý thuyết có tốt đến bao nhiêu, nhưng rơi vào tay những con người không tốt, cái tốt sẽ biến thành cái không tốt và phản tác dụng với đời sống... Điều đó giải thích vì sao có nhiều chủ trương, chính sách  ra đời ở tầm chính phủ, quốc hội thì rất hay nhưng khi đưa vào đời sống thì bất khả thi, rồi thành vô tác dụng...

          Nguyễn văn An: - Trong các tác phẩm của ông,các nhân vật chính thường là nhân vật tiêu cực, mà là cán bộ đang chức đang quyền, vì sao lại như vậy?
          Trần Quốc Tiến: - Mỗi nhà văn có một cái tạng riêng khi đề cập đến các vấn đề của con người và xã hội. Tôi cũng đã nhiều năm tham gia hàng ngũ cán bộ, bạn bè tôi suốt chiều dài nhiều chục năm cũng đều là cán bộ nhà nước từ thấp đến cao, và hễ ngồi nói chuyện là chuyện về cán bộ thời nay... nên tôi rất hiểu giới này. Và cái tạng của tôi là thích viết về những vị ăn như rồng cuốn nói như rồng leo, còn làm thì như mèo mửa... Với lại vấn đề là cái TÂM viết hoa của tác giả. Tâm hồn nhà văn trong sáng thì viết về cái đục mà vẫn trong, viết về cái ác mà vẫn thiện... Nhà văn như con tằm, con ong. Là con tằm nhà văn rút ruột mình, đem tâm hồn trong sáng soi vào bóng nước thời gian, nhân tình thế thái, chia sẻ đau thương nhuộm thắm tình người, đem gió mát mưa xuân tưới lên những mảnh đời bất hạnh để cả nhân gian có thêm nụ cười, bớt đi những dòng nước mắt. Là con ong,nhà văn cần mẫn hút nhị ở trăm hoa để làm nên mật ngọt cho đời, bằng ngôn ngữ xây nên những lâu đài, những kỳ quan văn chương sống cùng năm tháng. Tác phẩm là thước đo độ lớn của nhà văn... Tác phẩm lớn hay nhỏ, hay hay dở không phụ thuộc vào khen hay chê, mà phụ thuộc vào tài năng người cầm bút, nếu nhà văn là người có tài lại có tâm có đức thì dù viết kiểu gì tác phẩm của ông ta cũng có giá trị, có ích cho cuộc sống con người...

          Nguyên An: - Ai cũng biết muốn có văn chương đích thực thì trước hết phải có nhà văn đích thực. Vậy ông quan niệm thế nào là nhà văn đích thực?
          Trần Quốc Tiến: - Nhà văn đích thực là nhà văn hội tụ được những yếu tố sau đây: Có đủ Tài - Đức – Trí - Dũng, sống hết mình, không có khát vọng về quyền uy, chức tước, bổng lộc, giầu sang, lấy văn chương làm sự nghiệp cả đời, chập nhận mọi hy sinh cho sự nghiệp...

          Nguyên An: - Trong các bài tham luận của ông ở các đại hội nhà văn, ông hay nói đến cụm từ nhân cách nhà văn, có vẻ như ông rất đề cao khái niệm này?
          Trần Quốc Tiến: - Vâng, tôi hết sức đề cao nhân cách nhà văn, nhà văn chân chính không thể thiếu nhân cách nhà văn. Trong một nhà văn chân chính phải có hai nhân cách. Một là nhân cách đời thường, anh phải sống đẹp với những chuẩn mực ngoài đời để được người đời mến phục, hai là anh phải có thêm một nhân cách nữa là nhân cách người cầm bút, tức là nhân cách nhà văn. Có được hai điều ấy thì những trang văn anh viết ra mới thật sự có sự thuyết phục với bạn đọc. Văn là người, đọc văn biết người là ngư vậy.

          Nguyễn văn An: -  Những nhân vật chính của ông thường là nhân vật tiêu cực có bóng dáng ngoài đời, ông viết cái xấu của họ như thế có bao giơ ông bị họ rầy rà không?
          Trần Quốc Tiến: - Không, ngược lại tôi được họ rất quý trọng, quyển sách nào của tôi cũng được họ tìm mua có khi là phải mua với giá cao, thường hơn giá bìa nhiều lần, như quyển Ổ RƠM mua chợ đen là 500 ngàn đồng trong khi giá bìa có 55 ngàn đồng. Quyển LÃO BÕM có nhân vật chánh thanh tra Hắc Búa chỉ mê tiền và gái đẹp, đi đâu là bậy đấy, sách vừa ra ông chánh thanh tra thành phố Nam Định là Hoàng Bá Bẩy tìm mua ngay, rồi đọc say mê suốt mấy ngày đêm, đọc xong ông tìm về nhà tôi bắt tay tác giả  rồi khen hay quá, ông tặng quà nhà văn và có lời cảm ơn đã viết về ngành thanh tra...

          Nguyên An:  Ông giải thích xem vì sao ông viết phê bình các quan ngày nay rất nặng mà lại được các quan đón đọc và quý trọng ông?
          Trần Quốc Tiến: - Các quan ngày nay phần đông là có học, trong con người mỗi một ông quan từ cấp huyện trở lên đều có hai con người, một đóng vai trò anh công chức, hai đóng vai trò một anh trí thức, vì phần lớn đã là cử nhân thạc sỹ, tiến sỹ... Lúc làm việc quan thì anh ta đóng vai trò anh công chức mẫn cán, còn lúc đọc văn chương thì anh trí thức lên ngôi, nên thích văn thực. Tôi phê quan mà lại được quan quý trọng là vì vậy. Cái máy vi tính tôi đang đặt trên bàn làm việc là của Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam mang về tận nhà tặng, một cái nữa, là của giám đốc sở lao động thương binh xã hội đưa về tặng, cái máy in hiện đại là của trưởng ban tổ chức tỉnh ủy tặng... Tôi chẳng nịnh ai cả, nhưng tôi được quý trọng...

          Nguyên An: - Tôi cho rằng là nhà văn thực  thì phải có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, ngoài kiến thức đời sống để làm chất liệu cho tác phẩm thì kiến thức về xã hội về sử học, chính tri, triết học, cả về kiến thức các khoa học tự nhiên nữa... nhà văn cũng cần có... Anh là nhà tiểu thuyết anh có thấy như vậy không?
          Trần Quốc Tiến: - Tôi cho rằng điều ấy rất đúng, cho nên suốt mấy chục năm tôi có kế hoạch học tập. Tôi say mê các loại sách về triết học, sử học, các sách về đời sống con người dưới các dạng... cũng say mê như các sách văn học. Muốn học tập, nghiên cứu những thứ đó thì phải có sách, vì vậy khâu đầu tiên là phải tìm sách để mua, mua được sánh theo kế hoạch rồi thì phải có lịch thời gian để đọc, có điều tôi thấy vui là tôi ngốn những thứ  khô như triết học, và các sách chính trị... cũng say mê như đọc tiểu thuyết, cho nên chẳng có gì là khó khăn trong quá trình tiếp nhận... Sau này tôi viết nhiều bài tiểu luận in báo được bạn đọc yêu thích chính là do tôi cả một thời gian dài chăm đọc và nghiên cứu sách lý luận, triết học các loại...
  
          Nguyên An: - Bây giờ xin chuyển sang các vấn đề về bếp núc của nhà tiểu thuyết. Câu hỏi đầu tiên là các nhà tiểu thuyết khi sáng tác thường có hai cách: Một là có đề cương dàn dựng chu đáo tỉ mỉ từng phần, từng chương, thậm chí là từng đoạn. Rồi nhân vật nào cũng có lý lịch toàn phần rất cụ thể đến cả hình dáng, nết na, tính tình, sở thích vân vân... Cách viết này được đến trên chín chục phần trăm các nhà văn áp dụng. Còn cách thứ hai là không làm gì cả, chỉ suy nghí thật kỹ trong đầu rồi cứ viết, viết đến đâu nghĩ đến đó... Ông thuộc loại nào?
          Trần Quốc Tiến: - Tôi thuộc loại thứ hai, nghĩa là loại chỉ có may ra vài phần trăm nhà văn thực hiện khi viết. Tôi không có sổ riêng ghi dàn truyện,làm phác thảo, thậm chí là quên cả tên nhân vật khi viết tiếp, lúc ấy tôi phải đọc lại phần đã viết để tìm tên nhân vật. Khi bắt đầu viết tôi chẳng biết gì cả, rất mù mờ như người đi trong sương sớm, nhưng rồi đi mỗi bước lại thấy sáng ra như khi mặt trời lên... và điều kỳ diệu cũng xuất hiện là cùng với ánh sáng mặt trời là mọi thứ cần để viết tiếp cũng hiện ra rõ mồn một tôi cứ say sưa chộp lấy mà đưa vào bản thảo... Điều tôi không giải thích được là viết thoáng như vậy mà sau khi viết xong, đọc lại bản thảo không thấy cần phải sửa chữa, thêm bớt gì đáng kể, rất sạch sẽ, cứ như người đã thuộc cả truyện từ trước...
          Viết tiểu thuyết là cả một cuộc thám hiểm, nếu biết rõ tất cả trước thì còn đâu cảm hứng mà đi thám hiểm? Tất cả điều làm cho người viết say mê viết, rồi truyền cho người đọc say mê đọc là  yếu tố bất ngờ, không lường trước, không biết trước, vì vậy cách viết có dàn dựng tỉ mỉ, kết cấu của truyện có chặt chẽ nhưng sẽ thiếu đi ngọn lửa làm say mê bạn đọc vì nó thiếu yếu tố bất ngờ... Cách này thường là của người ít vốn sống với đề tài mình theo đuổi nên phải chặt chẽ tỉ mỉ...

          Nguyên An:  -  Thế còn cảm hứng sáng tác,có nhất thiết phải chờ có cảm hứng rồi mới đến bàn viết?
          Trần Quốc Tiến: - Không cần, vì cảm hứng không bao giờ tự nhiên đến. Tôi viết văn cúng giống như đi cày, thợ cày đến giờ là dong trâu vác cày ra ruộng, nhà văn cũng vậy, đến giờ là ngồi vào bàn,làm việc đi, rồi cảm hứng sẽ đến...

          Nguyên An: - Ông có đi học các lớp về nghệ thuật sáng tác nhiều không?
          Trần Quốc Tiến: - Không, tôi chưa bao giờ đi học để được dạy viết văn. Tôi cho rằng viết văn cũng như lấy vợ, mỗi người có cái rất riêng của mình, tự mình tìm lấy, không ai dạy được ai. Nhà thơ thần đồng lúc chưa học ai thì làm thơ đúng là thần đồng, đến khi học đủ các thứ ở những trường cao nhất về văn trong nước đến trường có uy tín cấp quốc tế hàng chục năm thì ôi thôi cái này vào nhiều quá thì cái kia phải chạy ra, mất đi tính hồn nhiên của sáng tác thơ, chuyển sang viết phê bình thì lại lấy lại đựợc chất thần đồng, và khi người ta chưa kịp nhận ra chất thần đồng trong phê bình của anh thì anh bị đánh tơi tả. Tôi nói như thế không phải là phủ nhận sự học tập ở nhà trường mà là muốn khẳng định cái riêng, cái độc lập ở mỗi nhà văn, cái tự tạo cho mình cái bản sắc riêng mới là quan trọng. Tôi nghiên cứu cách viết của nhiều nhà văn có tài, rồi tự làm ra cách viết riêng của mình không giống ai...

          Nguyên An: - Bạn đọc có nhận xét rằng văn ông giầu đối thoại mà đối thoại hay, ông có bí quyết nào trong sử dụng đối thoại cho văn mình?
          Trần Quốc Tiến: - Những câu đối thoại hay là tôi nhặt từ đời sống, viết về nhân vật nào phải am hiểu đầy đủ về nhân vật đó, thì sẽ có đối thoại hay, đối thoại phải phản ánh được nội tâm người đang đối thoại, điều này tưởng dễ mà hóa khó vì nó đòi hỏi nhà văn phải có nhiều vốn sống, đỏi hỏi nhân vật của anh là con người sống động chứ không phải là hình nhân coi đỗ...

          Nguyên An: - Ông sống ở làng, viết ở làng từ lúc sinh ra, lúc lớn lên cầm bút tập viết văn, rồi có tác phẩm được cả làng ăn mừng, trở thành nhà văn quốc gia về làng vinh quy bái tổ... Cho đến giờ có điều gì làm ông thích nhất?
          Trần Quốc Tiến: - Điều tôi thích nhất là khi còn bé, vừa lọt lòng ra đã được cả làng gọi là cậu, vì tôi con cầu tự Đức Thánh Trần. Âý là sau này tôi nghe người làng nói lại. Lớn lên một tí, chưa có tác phẩm nào được in, cả làng rồi cả xã ai ai cũng gọi là nhà văn, gặp ngoài đường ai cũng chào “Chào nhà văn ạ...”. Ai ai cũng muốn tôi đến nhà chơi, ngày ấy nhà văn nước ta đếm trên đầu ngón tay nên danh hiệu nhà văn cao giá lắm. Nhà văn đồng nghĩa với giá trị văn hóa. Có anh thợ cắt tóc ở làng dưới tên Hải vì yêu nhà văn quê hương mà mười lăm năm cứ đều đặn tháng hai lần anh cắp đồ nghề đến tận nhà cắt tóc cho tôi mà không bao giờ lấy tiền, cắt tóc cho tôi xong anh ngồi lán lại một lúc nghe vài đoạn  văn trong bản thảo tôi mới viết gật gù khen hay rồi vui vẻ ra về, để rồi hai tuần sau lại cắp đồ nghề đến... Có ông  Hựu ở làng trên  làm nghề sửa chữa xe đạp, cũng hàng chục năm ngày nào cũng sửa xe giùm tôi vì cái xe của tôi quá tồi nên ngày nào cũng hỏng và ngày nào cũng phải giắt đến cho ông sửa chữa mà không bao giờ ông nhận tiền công, chỉ nghe một đoạn văn là mãn nguyện... Có độc giả ở xã bên đến tìm tôi mượn tập truyện ngắn Mỹ Nhân Làng Trọng Nghĩa về xem, khi trả sách có kèm theo cân đường và hộp sữa, ông đặt vào tay tôi và nói: Cảm ơn nhà văn đã cho tôi ăn bữa đại tiệc, giờ xin trả sách và có tí quả để cảm ơn. Cũng có lần tôi đóng vai Bao Công thành công. Có một cái ngõ nhỏ là con đường đi của một ngôi nhà của một gia đình, nhưng ngay cạnh con đường nhỏ ấy là cái ao thả cá của một gia đình khác, hai ông chủ của hai gia đình ấy đã nhiều lần suýt đánh nhau vì ông này nhận đoạn đường này là bờ ao của tôi, ông kia bảo đó là cái ngõ nhà tôi để đi lại, không ai chịu ai, chính quyền can thiệp cũng không ai chịu nhường ai. Mâu thuẫn ngày một tăng, chuẩn bị đánh nhau to thì vì là cả hai đều quý tôi nên đồng ý mời tôi đến xử, tôi đến ngay và mời cả hai ông cùng ra đoạn đường tranh chấp, trước hết tôi vỗ vao ông Gioi, tay chỉ xuống mặt đường và nói: “Đây là đường ngõ nhà ông...”. Ông này cười thú vị gật đầu, có thế chứ! Tiếp theo tôi lại vỗ vai ông Các và cũng nói: Đây là bờ ao của ông! Đến lúc này thì cả hai ông đều ngờ ngợ cái kiểu xử ba phải của tôi, để cho cả hai ông nói ra hết mọi thắc mắc  tôi mới lại vỗ vai từng ông, trước hết hỏi ông Gioi giả sử cái đoạn đường cong này là ngõ nhà ông thì ông sẽ thế nào? Ông ta trả lời là tôi sẽ bảo vệ cho tốt để làm đường đi lại... Tôi gật đầu biểu dương rồi quay ra hỏi ông Các: Còn ông nếu đoạn đường này là bờ ao của ông thì ông sẽ thế nào? Ông ta cười trả lời là tôi cũng se bảo vệ thật tốt để giữ cá... Và khi chính từ mồm các ông nói ra được  điều ấy các ông mới chợt nhận ra rằng chân lý là ở sự giả định ấy chứ còn ở đâu... Và từ đấy không còn chuyện tranh chấp, cùng giữ gìn để cùng tồn tại...
          Tôi được mời làm chủ hôn cho các đám cưới cả làng rồi cả xã, thậm chí cả những xã xung quanh. Người làng người xã bảo nhau được nhà văn làm chủ hôn cho thì chắc chắn sống với nhau cả đời hạnh phúc, đặc biệt những đôi do tôi làm mối thì vô cùng vui, cũng thật bất ngờ là trong suốt mấy chục năm tôi kết duyên và làm chủ hôn cho có đến mấy chục cặp uyên ương nhưng cho đến giờ họ đã  lên ông nên bà, con cháu đầy đàn vẫn sống rất hạnh phúc. Một hôm mẹ tôi đi đến làng An Lá ở xã bên xem bói xem số gì đó, khi về mẹ bảo tôi: Hôm nay tao ra chỗ ông  thày Cư, ông ấy là người xem nổi tiếng nhất tỉnh này. Tao chỉ xem cho tao thế mà ông ấy bảo nhà bà có anh con trai cả năm nay ba tám tuổi, anh ấy đi đâu có ngồi xuống đất thì người ta cũng bế lên giường cho ngồi... Tôi lặng im cảm ơn mẹ. Cả làng rồi cả xã chào con  là nhà văn đã nói lên điều ấy đấy như mẹ ơi... Ngày tôi được in quyển sách đầu tiên đưa về làng sau mười bẩy năm kể từ lúc khởi viết, và mười một năm nằm duyệt ở Hà Nội, cả làng cả xã cùng vui. Bà con anh em trong xóm ngoài làng cùng với bạn bè văn chương kéo đến gần như kín hết cái sân rất rộng  của nhà tôi ăn khoai lang uống nước vối bờ ao để chúc mừng, pháo nổ liên hồi từ chiều cho đến nửa đêm, từ đáy lòng, bà con anh em cùng bạn bè xa gần lần lượt nói lên niềm vui chúc mừng, tôi ngất ngây hạnh phúc như sống trong mộng. Bà con bạn bè mua sách của tôi, quyển tiểu thuyết đầu tay ấy có tên là CUỘC VẬT LỘN LÚC RẠNG ĐÔNG, dày 400 trăm trang không đủ sách bán đành mua chung hai nhà một quyển, bà con gọi là “đánh đụng sách ông Tiến”. Rồi từ mai cả làng đọc sách của tôi, lúc dưới bóng tre bên cầu bến, lúc trên bờ ruộng khi ngồi giải lao... Trong buổi cả làng cả xã, cả Hội văn học nghệ thuật tỉnh chúc mừng sách của tôi, tôi đã súc động đọc bài thơ SÁCH VỀ  như sau:
          Sách về nước mắt tuôn ra
          Bao nhiêu cay đắng mặn mà là đây
          Tôi cầm quyển sách trên tay
          Như cầm tất cả tháng ngày mồ hôi
          Giọt thương nhớ mẹ cha tôi
          Giọt tình chan chứa tặng người trăm năm
          Giọt vui là của các con
          Giọt mừng gửi bạn vuông tròn anh em...
          Khi tối lửa lúc tắt đèn
          Củ khoai miếng sắn làm nên sách này
          Hôm nay bầu bạn giang tay
          Anh em quy tụ tôi say sóng tình
          Nửa đời mới thấy bình minh
          Tóc xanh trẻ lại cho mình yêu ta...
                                              Đông 1990
          Rồi cái ngày được  kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam mới vui làm sao, hàng tuần lễ từ sáng đến đêm khuya không lúc nào vắng khách đến chúc mừng. Bà con làng xã đã gọi tôi là nhà văn từ mấy chục năm về trước, từ cái ngày tôi mới cầm bút tập tọng viết văn chưa có cái gì được in, rồi bây giờ tôi được Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam bỏ phiếu bầu là hội viên, nghĩa là công nhận tôi là nhà văn quốc gia, thật là nằm mơ cũng không dám. Bác trưởng họ họp họ để chuẩn bị ăn khao và làm lễ tạ ơn TỔ TIÊN, bác gọi tôi sang nhà thờ rồi căn dặn từng li từng tí phải ăn mặc thế nào, đi đứng ra sao, phát biểu thế nào ở Hà nội cái ngày dự lễ kết nạp, tôi phải học thuộc tất cả. Từ Hà Nội bỏ túi ngực cái thẻ hội viên trở về làng, ngay ngày hôm sau cả họ Trần tổ chức lễ đón mừng rất trọng thể tại nhà thờ họ và ăn liên hoan rất to. Bác trưởng họ là Trần Hữu Ngô nguyên là đại tá quân đội, chủ nhiệm chính trị Quân y viện 108, trước các thành viên cả họ ngồi kín sân nhà thờ bác đã mặc bộ quân phục đẹp nhất đeo quân hàm hai gạch bốn sao, ngực kín mười hái chiếc huân huy chương lấp lánh rồi trịnh trọng đặt cái thẻ hội viên Hội nhà văn Việt Nam của tôi lên bàn thờ Tổ, rồi  dõng dạc đọc tờ quyết định của Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam về việc kết nạp hội viên Trần quốc Tiến, tôi được đứng cạnh trưởng họ cùng toàn thể trai đinh trong họ. Ông đọc xong thì cả họ đứng lên làm lễ tạ ơn và nghe thơ:

                     ƠN TỔ
          Cây có gốc nước có nguồn
          Con người phải có Tổ Tiên để thờ
          Trăm năm bia đá còn mờ
          Ngàn năm ơn Tổ không giờ nào quên
          Nhờ vào công đức Tổ Tiên
          Ngày nay con cháu làm nên vinh đời
          Ngẩng cao chẳng kém chi người
          Việc làng việc nước sáng ngời nghĩa trung
          Anh em hòa thuận một lòng
          Gia đình hạnh phúc vui trong đẹp ngoài
          Con con cháu cháu ngày mai
          Đắp nền đạo đức xây đài vinh quang...
          Ấý là ơn Tổ muôn vàn
          Dựng xây cái gốc cho ngàn cây xanh...

          Nghe xong thơ, cả họ lại đứng lên vái Tổ để tạ ơn lần nữa rồi dự liên hoan từ trưa cho đến tận đêm. Cuộc đời tôi gian nan cũng nhiều,khổ đau cũng lắm, nhưng được sống những giờ phút như thế thật không còn gì vui sướng hơn, nó bù đắp toàn bộ hơn ba chục năm gian nan, phấn đấu để thành nhà văn...
          Rồi có những chuyện không ai tin nổi mà có thật, chẳng hạn chuyện nghe văn sống lại. Ở làng bên có cụ Ngô Văn Dư là cụ từ coi hương khói cả hai cái chùa làng, và cũng là người rất am hiểu về phong thủy. Năm ấy cụ đã hơn tám chục tuổi, một buổi sáng cụ bảo Ngô văn Tĩnh là cháu đích tôn của cụ đến gọi tôi lên cho cụ nhờ tí việc. Tôi với Ngô văn Tĩnh là bạn, cậu ta học Đại học Bách khoa rồi học viện Nguyễn ái Quốc sau đó là giám đốc nhà máy đóng tầu Sông Đào, tôi thường đem bản thảo đến nhà Tĩnh đọc và lần nào cũng thấy cụ ra nằm cái chõng tre ở đầu hè để nghe văn, rồi chẳng hiểu thế nào mà cụ nói với mọi người rằng tôi là thần đồng văn và được cụ rất quý. Cụ giải thích rằng thần đồng văn đáng lẽ phải ở làng Địch Lễ của cụ, nhưng hồi cải cách ruộng đất đào con ngòi sau đền làng tôi đã làm chệch long mạch văn chương từ làng cụ chảy sang làng tôi, vì thế làng cụ chỉ có nhiều người giỏi võ ví dụ như các vị Lê đức Thọ, Mai chí Thọ, Đinh đức Thiện làm đến đại tướng thượng tướng, ủy viên bộ chính trị... Mà không có nhà văn nổi tiếng, và cụ cho rằng chính tôi đã hứng lấy long mạch của làng cụ chảy sang vì nhà tôi ở ngay đầu làng giáp gianh đất làng cụ. Khi tôi đến cụ liền nắm tay tôi và nói: Cháu Tiến ạ, ông sắp quy tiên, trước khi về với tổ tiên ông chỉ có một nguyện vọng là được nghe một bài văn do cháu viết về ông, cháu viết xong rồi đọc cho ông nghe lúc còn sống sau đó chép làm hai bản, một bản bỏ quan tài để ông trình với các cụ dưới ấy còn bản nữa cháu thay mặt họ hàng đọc trước lúc hạ huyệt  rồi sau đó đem để vào khám thờ ông ở nhà thờ lưu lại cho con cháu trên trần... Cháu giúp ông chứ, văn cháu hay lắm... Tôi gật đầu cung kính đáp lễ vâng ạ. Nhưng rồi do đãng trí nên tôi quên. Cho đến một ngày tôi vừa đi làm về thì vợ tôi hỏi anh đã viết điếu văn cho cụ Dư chưa, tôi nói rằng chưa, vợ tôi gắt lên thế thì anh đoảng quá, cụ Dư mất rồi! Tôi nghe vợ thông báo tin cụ Dư đã mất mà bủn rủn cả chân tay và ân hận vô cùng, nghĩa tử là nghĩa tận mà tôi lại vô tâm đến thế. Tôi bỏ bữa cơm và lấy giấy bút ra viết một mạch, khoảng nửa giờ sau thì xong, tôi cầm chạy một mạch đến nhà cụ Dư. Cụ mất rồi, rất đông con cháu đang vòng trong vòng ngoài khóc cụ. Cụ đã ra đi, màn đã buông, bát cơm quả trứng đã đặt phía trên đầu cụ... Ông Hỉ con trưởng cụ bảo tôi rằng hãy đưa bài điếu văn ra đọc cho vong hồn cụ nghe vậy. Tôi làm theo lời bảo của ông con trưởng liền rút bài điếu văn ra  trước hết có lời tạ lỗi sau đó xin được đọc cho vong hồn cụ nghe. Tôi đọc được một phần ba bài thì thấy mắt cụ nhấp nháy rồi khi đọc xong thì cụ tỉnh lại và nói: Hay lắm. Rồi cụ sửa lại tổng  số con cháu cho thật đúng. Trong khi mọi người đang nhốn nháo kinh ngạc vì cụ nghe văn mà sống lại thì cụ nắm tay tôi nói: Cảm ơn cháu, ông toại nguyện rồi, xuống âm phủ ông sẽ phù hộ cho cháu trên trần viết văn càng ngày càng hay... cháu ở lại ông đi... Nói xong cụ ngoẹo đầu sang bên rồi đi hẳn. Bài điếu văn hiện giờ đang để ở trong khám thờ  tại nhà thờ cụ. Từ bấy đến giờ mấy chục năm đã trôi qua, không ai giải thích được chuyện cụ Ngô văn Dư nghe văn sống lại. Còn một chuyện nữa cũng không ai giải thích được. Chuyện thế này: cách đây vài chục năm tại đại hội văn học nghệ thuật tỉnh, buổi sáng hôm khai mạc tôi đang ngồi nghĩ ngợi lơ mơ, cái tật của tôi là hễ ngồi họp là đầu óc cứ lơ mơ, thì một ông ngồi cạnh liền vỗ vai tôi nhắc: Kìa ông Tiến, người ta đang truy điệu ông... Tôi nghe vậy liền nhìn lên phía trên thì thấy ở đó đạo diễn Lê Huệ chủ tịch Hội đang điều hành, ông đang dõng dạc nói: Nhà văn Trần quốc Tiến đã qua đời hồi giữa năm để lại bao tình thân thương cho chúng ta, đề nghị tất cả chúng ta đứng lên giành một phút mặc niệm nhà văn của làng quê... Phút mặc niệm bắt đầu... Tôi cũng đứng lên mặc niệm mình. Chiều hôm ấy tôi lên đọc tham luận cả hội trường kinh ngạc thấy  cái lão nhà văn nông dân vừa mới truy điệu ban sáng mà bây giờ lại đứng trên diễn đàn bàn về Nhân Cách Nhà Văn... Sau này tôi có hỏi lại anh Lê Huệ chủ tịch hội và anh Trần đắc Trung phó chủ tịch hội về chuyện vì sao tôi được truy điệu lúc còn sống thì hai anh chỉ cười  bảo rằng cũng không biết nữa...
 
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Quốc Tiến

         Nguyên An: - Xin chúc mừng nhà văn, giờ chỉ được nghe lại cũng đã thấy cảm động. Con người như ông chắc  lúc nào cũng nhiều bạn bè ở quê hương và khắp nơi... Vậy có nhiều người ngoài đời là nguyên mẫu nhảy vào trang sách của ông?
          Trần Quốc Tiến: - Vâng ngày còn trẻ tôi chơi rất rộng cả nam và nữ, nhưng không một ai là nguyên mẫu. Con người trong văn học là con người điển hình, là sự tổng hợp của nhiều con người cộng lại, nó vừa cụ thể lại vừa trìu tượng, nó giống một trăm người nhưng không giống riêng một ai, như cô Kiều của cụ Nguyễn Du chẳng hạn, đó là cụ lấy những nét riêng biệt của bao nhiêu cô Kiều khác nhau, sàng lọc rồi đưa vào làm nên một cô Kiều điển hình, chính vì thế mà sau này biết bao người đã soi mình trong bóng dáng nàng Kiều của cụ. Sự xuất hiện “bói Kiều” là từ đấy. Anh Chí Phèo của Nam Cao cũng vậy. Nam Cao đã nhặt những nét điển hình của hàng trăm anh say rượu, chửi bậy để đưa vào lão Chí Phèo làng Vũ Đại để rồi làm nên một Chí Phèo hết sức điển hình sống mãi với thời gian...

          Nguyên An : - Ông đã in một tập truyện ngắn và năm tiểu thuyết dày cỡ năm sáu trăm trang, hẳn ông phải làm việc nhiều với các biên tập viên nhà xuất bản, tôi cũng biết bản lĩnh nhà văn ở ông rất cao khi bảo vệ tính toàn vẹn của bản thảo.Vậy ông thấy trình độ các biên tập viên ở một số nhà xuất bản hiện nay thế nào? Ông có phải nhượng bộ họ nhiều không? Nhà văn và nhà biên tập có đồng cảm được không hay toàn là mâu thuẫn khi bàn về những đoạn văn nhảy cảm?
          Trần Quốc Tiến :  - Câu hỏi này đã gãi đúng chỗ ngứa của các nhà văn. Nó thế này, các tác giả kém thì mong được các nhà biên tập đụng bút vào bản thảo của họ để bớt đi những ngô nghê, vụng về, non kém... mà loại này giờ đây nhiều vô kể. Còn những nhà văn giỏi thì lại cầu mong Trời Phật phù hộ để văn họ khỏi bị biên tập viên ở các nhà xuất bản động vào. Tôi từ trước tới giờ trước khi phải làm việc với biên tập viên thường thắp hương cầu khấn các đấng linh thiêng sui bẩy thế nào đó để các biên tập viên non kém đừng động vào văn tôi. Cho đến giờ với riêng tôi thì các biên tập viên, tổng biên tập, giám đốc... ở nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam là đội ngũ biên tập tốt nhất, giá trị của họ là ở chỗ họ vừa là nhà biên tập nhưng đồng thời cũng là nhà văn, nhiều vị là nhà văn rất giỏi, vì thế mà thông cảm được nỗi lòng của các nhà văn mà họ cầm quyền biên tập, họ hiểu rằng gạch một đoạn văn tâm đắc của tác giả giỏi thì chẳng khác nào cầm cật nứa mà cứa vào ruột vào gan tác giả đó, đau lắm, bị cắt đi những dòng văn tâm huyết, nhiều nhà văn đã khóc, vết đau này nhiều năm sau chưa thành sẹo... Gần đây tôi có chuyện hết sức bực mình với quyển tiểu thuyết  in năm 2012. Giám đốc thì rất tốt, rất ủng hộ sự đổi mới, còn cô biên tập thì quá ấu trĩ về nhiều mặt. Cô này  quá non về vốn sống, về tầm nhìn xã hội, càng non hơn về trình độ thẩm định văn chương... Có lần cô ấy bảo tôi: quyển này dày tới năm trăm trang, em cắt giúp anh còn ba trăm trang nhé? Tôi rùng mình tưởng mình nghe án tử. Ông giám đốc rất tốt, ông đọc rất kỹ bản thảo và đánh giá cao, ông nói rằng mấy năm nhà xuất bản mới gặp được một bản thảo thưc là văn chương, ông ủng hộ giữ nguyên, nhưng bị cô biên tập ấu trĩ về đổi mới, dù đã thay biên tập khác, nhưng cô ta vẫn bàn cách giấu tôi để cắt văn của tôi, khi sách in xong tôi mới phát hiện thì chỉ còn khóc cho những đoạn văn hay bị bộ óc bã đậu loại bỏ...  Đối với tôi thì chỉ mong biên tập sửa chữa cho tôi nếu tôi sai sót gì về mặt văn phạm, còn nội dung thì đừng động vào...

          Nguyên An : - Được biết có lần nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam về nói chuyên với các văn nghệ sỹ Nam Định đã biểu dương nhà văn Trần quốc Tiến là một trong ba nhà văn còn bám trụ ở thôn quê để sáng tác... Vì sao hàng nghìn nhà văn đã rời quê lên phố mà ông lại không thế?
          Trần Quốc Tiến : - Đơn giản là tôi không thấy sống ở đâu tốt bằng sống ở quê hương mình, sống ở thành phố không cho tôi cảm hứng để sáng tác. Muốn hưởng thụ thì lên thành phố, muốn có văn hay thì sống và viết tại quê có sông trong nước mát, có cánh đồng thẳng cánh cò bay, có hương lúa thơm thoang thoảng, có tuổi thơ tắm mát trên sông... Ông cha ta dạy ăn cơm với mắm là ngắm về sau, ăn cơm với rau là ngắm sau ngắm trước. Tạng tôi là tạng dân quê trăm phần trăm, chỉ có ăn rau muống, uống nước sông quê, tôi mới còn là tôi, văn tôi thẫm đẫm chất ấy mới là văn tôi, nếu bỏ quê lên phố sống là tôi trắng tay ngay lập tức, nghĩa là tôi muốn cứu tôi thì tôi phải bám chặt quê hương, lấy quê hương làm điểm tựa để thực hiện ước mơ cho sự nghiệp văn chương...

          Nguyên An : - Được biết ông không được cắp sách đến trường,con đường trở thành nhà văn của ông là con đường hoàn toàn tự học. Nhưng vì lý do nào đó ông lại lấy vợ rất sớm, lúc mới vừa ngoài hai chục tuổi, rồi thì đẻ liền bốn mặt con hai trai hai gái. Thời gian thấm thoát trôi đi, bằng lao đông hợp tác xã nông nghiệp ngày năm lạng thóc, ông cùng vợ nuôi bốn con, đứa cử nhân, đứa thạc sỹ, hai đứa là đảng viên, cán bộ, đứa là doanh nhân thành đạt... còn ông thì thành nhà văn nổi tiếng của làng quê với năm quyển tiểu thuyết dày và một tập truyện ngắn đã in. Ông có phép thần gì vậy?
          Trần Quốc Tiến : - Phép thần của tôi là tôi mang nặng hai tình yêu lớn: Tình yêu gia đình và tình yêu văn chương. Do có hai tình yêu ấy mà một vai gánh gánh trách nhiệm rất cao đối với gia đình, một vai gánh văn chương, dù đường dài và mưa trơn lầy lội tôi vẫn bước đều. Ban ngày tôi đi cày, bừa, nhổ mạ gánh phân... ban đêm tôi mò mẫm đi ngâm rọ cua, ngâm cành câu, ngâm ống lươn... để thêm tiền nuôi con và có tiền để tôi mua sách về tự học, ông trông đấy xung quanh nhà toàn sách, có tới hàng nghìn quyển, ấy là số sách do tiền ngâm ống lươn, ngâm rọ cua... suốt mấy chục năm mua dần tích lại, học đến đâu mua đến đấy, đọc hết quyển này là mua luôn quyển tiếp... Ngay bây giờ tôi vẫn tiếp tục mua sách bổ sung cho thư viện gia đình. Còn thì giờ thì  rảnh tay lúc nào là học lúc ấy, một vài phút cũng tranh thủ học, khi đi làm tôi bao giờ cũng củ một quyển sách trong người, hễ giải lao người ta chụm đầu hút thuốc lào là tôi rút sách trong người ra đọc, mà thời hợp tác thì người ta giải lao nhiều lắm, vì vậy tôi cũng có khá nhiều thời gian để vừa làm vừa học. Tích tiểu thành đại là vậy. Tôi lại là con người bẩm sinh lạc quan yêu đời nên khổ cùng cực mà không bao giờ thấy khổ, ngay giờ đây dù được ở nhà cao cửa rộng với cuộc sống tương đối đầy đủ, tôi vẫn mơ về những ngày đói cơm rách áo, tôi cầu trời khấn Phật cho tôi về với cái thời gian khổ của tôi...

          Nguyên An : - Lạ nhỉ, người ta thì nói thoát nghèo thoát khổ, còn ông thì mơ sống lại thời gian khổ, mà tôi nghe ông nói rất thật lòng chứ không sáo rỗng. Tôi muốn nghe ông nói thêm...
          Trần Quốc Tiến : - Cái ngày ấy đời sống thì khổ nhưng cõi lòng lại đầy ắp niềm vui, cái vui tinh thần ấy lớn hơn cái khổ vật chất, thêm nữa là lòng đầy ắp ước mơ. Vậy còn gì sướng hơn là lúc nào lòng cũng đầy mơ ước, khát vọng cho ngày mai. Xin ông nghe tâm trạng của tôi lúc này, thể hiên qua bài thơ Bao Giờ Cho Đến Ngày Xưa:
Bao giờ cho đến ngày xưa
          Dưới sông cá lượn đôi bờ tre xanh
          Em ngồi gội tóc lá chanh
          Hương nhu mẹ hái giắt quanh mái đầu
          Mời nhau ăn một miếng trầu
          Cong cong cánh phượng say câu hát chèo
          Hội làng ai đứng nhìn theo
          Để ai nghiêng nón siêu siêu ngói đình
          Nhà anh ngõ trúc xinh xinh
          Chè tươi khoai luộc đậm tình quê hương
          Nhà em có một chum tương
          Nhà anh rau muống leo tường sang chơi
          Bây giờ chốn cả đâu rồi
          Trúc xinh tôi hát gọi người người ơi...
          Ngày nay còn đâu những bóng dáng như thế nữa hở ông? Bảo sao tôi không nhớ, không mong ước cái thời mà con người với nhau sống đẹp đến thế?

          Nguyên An : - Có lẽ vì thế mà  bạn bè gọi ông là cổ tích sót lại?
          Trần Quốc Tiến : -  Vâng tôi ở nhà quê, ăn cơm quê rau muống chấm tương, lấy vợ quê, không bồ bịch, không rượu chè, không nhậu nhẹt, chẳng theo đạo nào mà vẫn đọc kinh, lại sống như người tu hành, hơn chục năm nay tôi ở ẩn, sống theo tiêu chuẩn cô đơn, lấy gia cư làm miền đất hứa, lấy lời mẹ ru năm xưa để răn dạy mình...

          Nguyên An : - Vì sao con người năng động như ông, đầy hấp dẫn như ông, ngồi nghe ông nói chuyện rất cuốn hút, ở tuổi cao ông còn được nhiều em mê, bạn bè thì mong mỏi mà ông lại cấm cung là thế nào?
          Trần Quốc Tiến :- Tôi xin lỗi tất cả, nhưng thực lòng lúc này tôi thấy ở nhà đọc sách ngâm thơ, viết văn, nghe nhạc và làm bạn với cái máy vi tính là hấp dẫn tôi nhất, hàng chục năm nay tôi rất ít đi chơi là vì thế, hai năm nay tôi không đến Hội nhà văn Việt Nam, dù đấy là nơi tôi yêu thích nhất...

          Nguyên An : - Có dư luận là ông rất kiêu... Ông giải thích điều này như thế nào?
          Trần Quốc Tiến : - Không phải là tôi kiêu mà là tôi yêu ghét rõ ràng. Tôi không biết đóng kịch giả vờ, yêu ai cũng yêu ra mặt ra lời, mà ghét ai cũng thể hiện ngay trên nét mặt và lời nói, vì thế những người bị tôi ghét ra mặt bảo tôi kiêu...

          Nguyên An: - Loại  người nào bị ông ghét nhất?
          Trần Quốc Tiến : - Thứ nhất là sống đểu, thứ hai thớ lợ giả dối, thứ ba chẳng ra gì mà lại hay vênh váo ta đây...

          Nguyên An: - Ông có còn bản thảo chưa in không?
          Trần Quốc Tiến : - Tôi còn sáu bản thảo chưa in, gồm ba tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, một tập tiểu luận, và một tập thơ...

          Nguyên An : - Ông có đang viết gì không?
          Trần Quốc Tiến : - Tôi đang bắt tay viết một quyển tiểu thuyết  về đề tài gia đình ở nông thôn hiện nay có tên là GIA ĐÌNH VẠN TUẾ. Lúc này nông thôn ta kinh tế có đi lên nhưng văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại thì đang mất dần, có nguy cơ mất hẳn, các gia đình truyền thống đang bị phá vỡ, tình phụ tử, nghĩa phu thê là nền tảng gia đình giờ đây đã biến dạng, khi phố chiếm làng thì nhà tre nứa biến đi và biến theo  bao cái đẹp dưới mái nhà tranh vách đất ấy. Ngày xưa nhà không có cổng cứ tắt ngang tắt dọc mà đi, suốt ngày qua nhau thăm hỏi, nửa đêm có ai đó bị cảm thì cả làng kéo đến người đi hái cúc tần về giã trộn với dầu hỏa để đánh cảm, người chạy về nhà bê bát cháo hành sang, nếu nặng thì người về nhà tháo võng người lấy đòn gióng trâu rồi cùng ghé vai khiêng lên bệnh viện xa hàng chục cây số. Còn bây giờ thì ai đau cứ mặc ai, tôi còn mải xem ti vi... Quyển tiểu thuyết của tôi khẳng định nếu để mất gia đình truyền thống, mất đi tình làng nghĩa xóm sẽ đồng nghĩa với mất hết, con người sẽ tụt mười bậc về mặt văn hóa làm người...

          Nguyên An :- Nghe nói ông có bài thơ về cái nghiệp văn của ông, ông đọc cho tôi nghe được không?
          Trần Quốc Tiến :- Được ạ,tôi xin đọc:
                        NHÀ VĂN
          Ta chiêm nghiệm cuộc sống năm mươi năm
          Bằng cả tâm hồn và trí tuệ
          Ta đổi  tỷ giọt mồ hôi để có vốn làm người
          Ta nhận về mình ngàn vạn đắng cay
          Để biết đâu là sự thật
          Ta chọn chỗ đứng thấp
          Để biết yêu mùi thơm của cỏ
          Mùi nồng cay của đất
          Mùi mồ hôi chua loét của các phó thường dân
          Rồi đêm đêm ta ngồi viết
          Vắt kiệt sức mình qua từng trang bản thảo
          Vắt kiệt đời mình cho quyển sách sống đến ngày mai...

          Nguyên An :-  Còn bài Danh thơm nhà văn nữa đọc đi ...
          Trần Quốc Tiến : -  Danh thơm nhà văn
                   Không phải là nằm lầu son gác tía
                    Ăn yến vua ban
                    Được thượng hoàng xoa đầu khen rằng
                    Tốt lắm ...

                    Danh thơm nhà văn
                    Là luôn luôn bị lưỡi Rồng quở mắng
                    Quần thần giận dữ
                    Quất nổi lươn mông...
                    Mỗi lời mắng mỗi con lươn
                    Gom được thật nhiều
                    Thì nhà văn thành bất tử..
                    Khi qua đời
                    Các phó thường dân nhớ ngày cúng giỗ
                    Âý là muôn thuở danh thơm...
                                
          Nguyên An : - Bà vợ ông có đọc văn ông không?
          Trần Quốc Tiến : - Bà ấy ngốn bằng hết, quyển nào vừa ra là bà ấy đọc luôn, ít nhất đọc từ hai đến bốn lần, không quyển nào không đọc, không bài nào không đọc. Bà ấy mê tôi một phần vì tôi đẹp trai, nhưng cũng vì mê văn tôi nữa. Rồi bà ấy làm một bài thơ tán tôi như thế này...  
  
          Nguyên An : - Ông đọc bài thơ ấy đi...
          Trần Quốc Tiến : - Bài thơ ấy có tên là:
       EM YÊU NHÀ VĂN                             
          Em không mơ bạc mơ vàng
          Cả đời chỉ thích một chàng nhà văn
          Nhà văn biết nịnh biết chiều
          Khi ra bấu chí khi vào ôm hôn
          Nhà văn trong sáng tâm hồn
          Thanh cao lịch duyệt tiếng thơm để đời...
          Em yêu chàng lắm chàng ơi...
          Vì bài thơ ấy mà bà ấy được một anh chồng là nhà văn...
  
          Nguyên An :   Thế ông có thơ đáp lại không?
          Trần Quốc Tiến : - Có, nhưng mãi sau này khi tôi đã là nhà văn tôi mới có thơ  tặng lại...

          Nguyên An : - Ông đọc một đoạn thơ tặng vợ đi...
          Trần Quốc Tiến : -  Hôm ấy sau khi được kết nạp vào hội nhà văn Việt Nam về tôi ôm vợ rồi đọc thơ tặng:
          Vẫn là em đấy em ơi
          Gian nan em tặng cuộc đời cho anh
          Bây giờ công toại danh thành
          Anh đi gánh nước cho mình rửa chân...

          Nguyên An : - Thế đã gánh nước cho vợ rửa chân chưa?
          Trần Quốc Tiến : - Gánh rồi...
  
          Nguyên An :  - Cảm ơn nhà văn...

           Mùa đông – 2016
           Nguyên An    thực hiện

2 nhận xét:

  1. Gà què,chiếm vỉa hè của dân, kg tích sự như chị lao công quét rác

    Trả lờiXóa
  2. Sách vạn cuốn mà vô tích sự,kg bằng chị lao công dọn vỉa hè đó lấn chiếm,kg bao giờ biết đến ai với tích sự....

    Trả lờiXóa