Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

ĐI GIỮA CÔN ĐẢO: Bút ký của Đào Vĩnh



 
Tác giả bên mộ Võ Thị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương
           Có người đã ví Côn Đảo như một giọt mực rơi trên bản đồ Tổ quốc. Với tôi, địa danh này trong tâm thức từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông qua tập truyện “Vượt Côn Đảo” của nhà thơ Phùng Quán. Thế nên, mơ ước một lần được đặt chân đến đây không khi nào nguôi ngoai trong năm tháng dằng dặc cuộc đời mình. Và điều ấy đã thành hiện thực, cho dù “Tôi đến chậm dẫu lòng không nấn ná” ( thơ - Phạm Ngọc Cảnh). 

          Chuyến tàu 09 chở 200 hành khách và hàng hóa khởi hành lúc 5h chiều tại bến Cát Lở, Vũng Tàu rồi cập Bến Đầm, Côn Đảo khoảng 6h sáng hôm sau. Đêm đầu tiên bồng bềnh trên sóng nước miên man sâu lắng nỗi niềm gần xa về hình hài, đất đai, năm tháng và số phận kì lạ đã đặt lên cái “giọt mực” kia thì mấy ai không thức trắng?
          Gần sáng chúng tôi lên boong tàu ngắm trời biển. Đẹp đến lạ lùng đất nước ơi! Mênh mông thăm thẳm, bao dung vô cùng… Rồi con tàu rú còi cập bến sang mạn cầu tàu lịch sử 914, xe ô tô đưa chúng tôi qua hơn 10 km đến trung tâm thị trấn. Côn Đảo là đây, cũng đồi núi, rừng cây như Tây Bắc, Đông Bắc của mình mà sao lại mang trên người một xứ mệnh rùng rợn: “Địa ngục trần gian” cả trăm năm? Không ai muốn nghỉ ngơi, chúng tôi tới thăm ngay hệ thống nhà tù thời Pháp, thời Mỹ. Những Banh I, II, III, chuồng Cọp, chuồng Bò, trại 5, 6, 7, 8, 9 và các sở tù (cải tạo người tù bằng lao động khổ sai) đã như những thước phim dấu ấn trong tôi từ lâu nhưng khi “mục sở thị” thì thêm cô lại, khô lại cảm giác kí ức. Với gần 2% diện tích đảo dành để 113 năm giam cầm của Pháp, Mỹ mới thấy chưa nơi đâu đất đai bị tội ác đè nặng lên thế này.
          Đặt chân lên Côn Đảo, ngoài vinh dự được đến chốn lịch sử đau thương mà oai hùng bậc nhất thế gian, với tôi còn có một thôi thúc riêng cần tìm hiểu để thêm tự hào. Quê tôi thuộc vùng chiêm trũng Ý Yên, Nam Định, trong đó có một số chiến sĩ cách mạng, nhân sĩ yêu nước cũng từng bị giam cầm ở nơi này. Đó là cụ Lã Xuân Oai (1838 - 1891) - người tù Cộng sản đầu tiên tại Côn Đảo. Ông quê ở làng Thượng Đồng, xã Yên Tiến, đỗ cử nhân rồi phó bảng. Năm 1882 làm Tuần phủ Lạng Bằng (Lạng Sơn và Cao Bằng) đã giúp nghĩa quân Nguyễn Thiệt Thuật, Tạ Hiện chống Pháp. Năm 1889 trong cuộc khởi nghĩa tại làng thôn quê hương đã bị giặc bắt giam, kết án tù 10 năm đầy ra Côn Đảo rồi mất trong ngục ngày 23/10/1891. Ngoài hoạt động khai khẩn đất hoang ở Nho Quan, Ninh Bình và phong trào yêu nước kháng Pháp ông còn viết văn, làm thơ. Tập nhật ký gồm 68 bài thơ chữ Hán và hai bài phú Nôm kể cảnh bị giam cầm và cuộc hành trình tù nhân đã toát lên ý chí cứng cỏi, tinh thần lạc quan của người trong cuộc. Năm 1982, người con cả của ông đã tới Côn Đảo mang hài cốt cha về mai táng ở Thượng Đồng.
          Tiếp theo, nhà cách mạng Tống Văn Trân (1905-1935) - sinh ở thôn Tân Cầu cùng xã với Lã Xuân Oai. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ông về dạy học ở Nam Định, năm 1926 là thành viên nòng cốt đầu tiên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Cuối năm 1929 ông bị Pháp bắt giam ở nhà tù Nam Định rồi Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 15/1/1930 bị kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo ông tiếp tục hoạt động cùng các đồng chí đồng cảnh như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương… xây dựng chi bộ Đảng trong tù. Năm 1934 ông vượt ngục thành công, nhưng năm 1935 lại bị bắt tại Sài Gòn và bị tra tấn cho đến chết tại đây. Trong quá trình tù đày ông đã sáng tác nhiều bài thơ thể hiện ý chí cách mạng kiên cường.
          Người cùng cảnh ngộ khác - nhân sĩ Nhượng Tống (1904 - 1949) tên thật là Hoàng Phạm Trân, quê làng Đô Hoàng, xã yên Thành, huyện Ý Yên, Nam Định. Ông sớm được học và thông thạo chữ Hán, Quốc ngữ cùng tiếng Pháp và có năng khiếu về Báo chí, Văn chương. Năm 1921 thường xuyên viết cho các báo Khai hóa, Nam Thành, Hồn Cách mạng, Hà Nội tân văn… Năm 1926 thành lập Nam Đồng thi xã tại Hà Nội - chuyên xuất bản các sách tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Năm 1927 ông là thành viên thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Bị Pháp bắt năm 1929 và kết án 10 năm tù, đày ra Côn Đảo. Năm 1936 mới được tha, quản thúc tại quê nhà. Nhượng Tống có nhiều công trình sáng tác được công bố: “Đời trong ngục” - Nxb Văn hóa mới, 1935; “Lan Hữu” – 1940, tiểu thuyết tình cảm lãng mạn… Ông đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Ly tao, thơ Đỗ Phủ, Sử ký Tư Mã Thiên, Hồng Lâu Mộng, Khổng Tử, Kinh thư của Trung Hoa…
          Gắn liền mật thiết với hệ thống nhà tù không kể đến nghĩa trang Hàng Dương. Hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày đã lần lượt hi sinh dưới ách tàn bạo của thực dân, đế quốc, chủ yếu nằm lại nơi đây. Đến Côn Đảo trong những ngày mưa nên anh em tranh thủ buổi chiều tạnh ráo tới nghĩa trang dâng hương. Trong không gian 20 ha cao vợi xanh thẳm mênh mông, đường dẫn lên đài tưởng niệm chung và đến từng các khu A, B1, B2, C, D thảm bê tông nhựa êm ru mà sao những bước chân người lại nặng trĩu? Những linh hồn bất tử đâu có nề hà lớp anh em, con cháu sớm muộn đến thăm? Chị Võ Thị Sáu ơi, không thắp được nén nhang lên bàn thờ khu tưởng niệm (công viên Võ Thị Sáu) ở Đất Đỏ nơi sinh và nơi yên nghỉ chốn này của chị, chúng tôi như thể chưa làm đủ bổn phận mình. Thế rồi, đầu tối ngỡ mưa vẫn giống mọi khi nhưng lại quang đãng quá, những vì sao trời và sao trên những nấm mộ cùng sáng lấp lánh. Tôi và nhà thơ Trần Minh bâng khuâng đến lãng mạn giữa vuông trời Hàng Dương. Nào ngờ vừa cháy xong tuần hương nữa trên mộ chị Sáu trận mưa lại đỏng đảnh ập tới. Không kịp ẩn tránh hai người ướt đẫm hơn chuột lột, nghĩ rằng ngày mai sẽ bị cảm ốm như mọi khi thường gặp. Lạ thay, sớm ngủ dậy cả hai đều vẫn khỏe khoắn mới lạ. Trần Minh quả quyết rằng do có chị Sáu phù hộ…
          Ngày hôm sau chúng tôi tới những địa danh khác làm nên một Côn Đảo không chỉ lịch sử mà còn danh thắng tuyệt vời. Những Hòn Cau, bãi Đầm Trầu, Hòn Tài, Hòn Trác. bãi Ông Đụng, vườn Quốc Gia, sân bay Cỏ Ống… vừa giàu cảnh sắc vừa giàu truyền thuyết. Đặc biệt với di tích miếu Bà Phi Yến, ai trong chúng tôi cũng cùng cảm giác thật cảm phục, bùi ngùi. Câu chuyện của bà đã vượt bổn phận gia dình “Tam tòng, tứ đức”- thường quan niệm với phụ nữ Việt -đến tầm đại sự quốc gia. Tục truyền khoảng cuối thu năm 1783 bà thứ phi Lê Thị Răm (Tức Phi Yến) không chịu cùng Nguyễn Ánh và hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) sang cầu cứu ngoại bang Pháp giúp chống lại quân Tây Sơn. Kết cục Người bị giam cầm, hoàng tử Cải bị Nguyễn Ánh ném xuống biển vì đòi phải có mẹ cùng đi. Đây cũng chính là điểm xuất phát nên câu hát thời bấy giờ đặt ra: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay”. Khói nhang chúng tôi dâng lên trên bát hương lớn cứ cuộn tròn từng vòng vần vũ trước tượng bà - một mĩ nhân mới 25 tuổi đời đã phải kết thúc bằng nỗi trái oan kiếp phận…
          Trở lại với quần đảo xinh đẹp có diện tích 76km2 trong đó Côn Lôn tức Côn Đảo (còn gọi là Phú Hải) có hình con gấu lưng hướng đất liền, chân nhoài ra biển cả đã chiếm hơn 51km2. Hơn 40 năm từ ngày giải phóng, quần thể 16 hòn đảo này đã thay da đổi thịt quá nhiều. Chợ Côn Đảo ngay giữa thị trấn sầm uất sắc màu, hàng hóa với những đặc sản nổi tiếng: ốc vú nàng, mầm hàu, mứt hạt bàng mà ai từ đất liền ra cũng muốn mua về làm quà. Là một huyện có chính quyền 1 cấp, thông qua các cơ quan huyện trực tiếp tới 10 khu dân cư với dân số 7.000 người (tính đến 6/2015). Nhịp điệu sống dẫu cách xa gần 200km nhưng đầy ắp nhộn nhịp, êm ả cảm nhận như thành phố Vũng Tàu vậy. Đôi ba ngày ở đây nhưng nét thân thiện, nhiệt tình của người Côn Đảo đã in đậm chúng tôi. Ví như chỉ đường cho khách lạ cặn kẽ, hàng bán không nói thách nhiều, nhất là việc dựng xe máy trên vỉa hè hay trước nhà không cần khóa càng, khóa cổ mà cả đêm vẫn không bị mất mát…
          Hẳn là trên khắp hành tinh này đất cũng như người đều có tên gọi và tên ấy cũng có thể thay đổi bởi những lí do riêng. Thế nhưng ta khó tìm được nơi nào lại thay đổi nhiều như ở đây. Qua đến 10 lần chuyển tên gọi và cấp quản lý (kể cả các thời kỳ trước và sau 1975) để từ tháng 10/1991 đến nay mới ổn định danh xưng là huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Quần thể này cũng đầy ắp nội lực để trở thành địa chỉ du lịch bậc nhất không những của đất nước mà còn của thế giới khi lịch sử đã đổi vai và vị trí tiền tiêu canh chừng bờ cõi quan trọng hàng đầu của ta. Với tầm nhìn hội nhập đã được hoạch định, tin rằng ngày ấy sẽ không xa. Không xa bởi ai cũng biết những công việc cần bắt tay trước mắt. Cụ thể như cần kíp những đôi tàu cao tốc hiện đại để tăng tải trọng, hành khách chuyên chở và rút ngắn thời gian đi lại, rồi vận hành được trong thời tiết xấu, thay cho các tàu số 09, 10 vốn hạn chế bây giờ. Tiếp nữa, đường hàng không ra đảo đang quá bất cập do không những tần xuất bay ít mà còn giá vé quá cao đến 3,5 triệu đồng/ người khứ hồi từ TP Hồ Chí Minh thì lương bình quân CBCNVC 5-6 triệu đồng/ tháng, sao có thể đến đó được?
          Niềm riêng Côn Đảo ơi, đi giữa Người - quá khứ - hiện tại - tương lai trong tôi cứ ùa về xen lẫn. Chỉ mặc định rằng những mùa xuân giàu có rồi sẽ mãi nối tiếp về trên “giọt mực” yêu thương này…

Hà Nội, 11. 2016
Đào Vĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét