Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

XUÂN HY KÝ SỰ NGUYỄN KIM TRÌ (Kì 2)



Tác giả - Luật sư Nguyễn Kim Trì

Đã đăng:
                
          Chuyện kháng chiến:

          Ông cụ Liết

          Ông cụ Liết người xóm Đoàn Kết, giặc càn vào làng bắt đi nhiều người, trong đó có ông. Nó giam ở séc-tơ Lục Thủy rồi tra tấn bằng điện từng người, hỏi cung Việt minh cộng sản ở đâu. Dụng cụ tra tấn là cuộn dây đồng quấn quanh lõi thép, quay tròn thì phát ra điện, goi là mô tơ, nối một đầu dây vào và đầu kia nối vào nơi cần điện. Nơi cần điện là cặp vào tai người bị tra tấn rồi quay mô tơ. Ông Liết đến lượt mình tra tấn, trước đấy có hỏi người bên cạnh có đau không anh thì được trả lời đau lắm. Nó vừa cặp vào tai chưa quay thì ông đã kêu dổ giời, vật vã. Cái thằng tra tấn nó đá vào đít cho cái rồi bảo: Đã ai làm gì đâu mà đau, mọi người xung quanh chết cười. Biết ông này rát gan mà cũng chẳng có gì để tra khảo nên nó bỏ qua, thế là ông thoát được trận đòn tra tấn đau, chiêu vặt mà có lợi, vậy cũng là khôn ngoan. Về sau có gì tức cứ đe nhau: Ông thì ta điện ông Liết cho bây giờ, tra điện tiếng Xuân Hy là ta điện.


          Ông Tụy

          Giặc càn vào làng nó bắt đàn ông đi giam, khiêng vác đạn hay phục vụ chúng nó. Anh Tụy lúc đó chỉ khoảng 19 hay 20 gì đó nhưng có râu quai nón để dài xồm xoàm, giặc nó đến thấy ông nhiều râu, người gầy còm lại cứ tưởng là người già hay là tây, hay có họ với tây nên không bao giờ bị bắt cả. Nhiều người có tuổi nhưng không có râu hay không để râu nên cứ bị bắt đi. Vậy nên có thơ rằng: Thanh niên không bắt lại bắt ông già, râu mọc đầy cằm hóa ra cụ Tụy. Ông cụ Tụy sống ở xóm Thọ Xuân sau này xuống Nam Biên, lấy bà Đầm đi đạo. Là tên là bà Đầm chứ không phải bà đầm tây, cứ tưởng là nhiều râu giống tây hay có họ với tây mà lấy được bà đầm tây thì đã tốt quá.
                            
          Làng tề

          Làng ta trước chống càn sau cũng phải vào tề. Vì gần bốt địch và cũng là khôn ngoan nên mới vào làng tề, có nghĩa là chịu dưới quyền cai quản của Pháp nhưng thực tế thì vẫn chống càn. Du kích Việt minh bắt nạt ông Bột xóm Hưng Đạo rất hiền lành ra làm tề, tức là người đại diện cho làng làm việc với chính quyền Pháp. Ông cụ Bột ngày ấy hiền lành, khổ cho cái thân tội ông, ai bảo lại chơi với bạn ở Lục Thủy, chắc là bạn học. Ông là hội tề, tức cũng có tí chức sắc, hàng ngày phải ra Lục Thủy trình diện báo cáo, báo cáo gì là do du kích ở làng xếp đặt còn ban đêm là của Việt minh làm chủ, ông chỉ là bù nhìn, quyền rơm vạ đá, là cán bộ của Pháp nhưng dưới sự chỉ đạo của Việt minh quân ta. Pháp nó nói sao cứ gật tàn đi rồi về báo cáo với quân ta, cứ ầm ừ nói không rõ quan điểm với nhà cầm quyền nên có câu ‘ấm ớ hội tề’. Theo Pháp thì chết với Việt minh mà ra mặt giúp Việt minh thì Pháp đánh chết, thực ra ông cụ Bột là Việt minh quân ta. Nhà đang nuôi du kích Việt minh, vừa mới thổi cơm cho nó ăn lúc nửa đêm mà sáng nay lại báo cáo với Pháp:Mấy tháng nay chẳng thấy bóng dáng thằng Việt minh du kích nào dám bén mảng bò về làng.

          Chống càn

          Chính vì có những người hội tề như cụ Bột nên biết hết Pháp nó làm gì. Có một trận càn, biết ngày giờ nó càn to vào Xuân Hy . Ông Khuỷnh là lãnh đạo quân sự của huyện trực tiếp chỉ huy cuộc chống  càn này (ông Khuỷnh là cụ Đoàn Minh Chính nói ở trên), bài binh bố trận chặt chẽ lắm, bố trí lực lượng mạnh, phen này bọn giặc chỉ có chết. Lệnh khi nó đi ngoài đường cái thì chưa được nổ súng, nếu bước chân vào trong dong thì tiêu diệt ngay. Ngay buổi sáng sớm nó đã hành quân vào làng, lòng súng chờ sẵn nhưng thổ tả bọn này sợ chết cứ bô bô nghênh ngang đi ngoài đường cái, bọn thì chơi tú lơ khơ, bọn hút thuốc lào vặt, bọn thì đánh cờ chân chó chửi tục, mấy thằng tụm lại ngồi ở gốc bàng ngáp vặt,  lính dõng là đa phần, tuyệt không dám bước vào trong dong. Có mấy thằng Pháp thì túm lại một chỗ để chì huy bọn kia. Có thằng lính rõng, vẻ anh hùng cứ vác súng nghênh ngang đi từ đầu hàng đến cuối, đầu đội cái mũ vải của ông Sỹ Chấn bán phở trên phố Hành Thiện rộng vành, lại cụp tai xuống, miệng hát nghêu ngao. Lúc nào cũng toa toa moa moa luôn mồm, rồi lại méc xì méc xì nữa chứ, không biết nó xì cái gì, xì xì cái mả mẹ  mày à, ở đây có gì mà xì xì ! Hay là nó nhìn thấy con chó nhà ai trong ngõ, cơn thèm 7 món nó vật nên nó xì xì luôn mồm. Đến tối thì bọn chúng thắng lợi rút về bốt. Trận này hòa, suýt đánh nhau to, mất cả ngày vớ vẩn. Ngày ấy ông bà nội tôi có nuôi một con chó cái vàng, có người gọi là cô chó vì nó khôn lắm, hễ có giặc càn vào làng là nó chạy từ đầu làng đến cuối, vừa chạy vừa sủa, vừa ư ử thế là mọi người biết là tây nó càn, trốn tránh ngay. Con chó này còn nhiều chuyện nữa, nó khôn, biết cả tiếng người, càng già càng khôn, lúc già quá chết thì đem chôn, không ai dám ăn thịt.  Vậy mới có chuyện thằng anh chửi thằng em: Mày khôn như chó già.

          Cắm cờ

          Biết được tin Pháp nó chuẩn bị càn to vào Xuân Hy, mấy ông du kích ở đầu làng tổ chức treo cờ đỏ sao vàng lên nóc cây gạo chùa, cử ông Kiêm leo lên cắm. Nghe được tin, ông Khuỷnh hạ lệnh bắt bỏ xuống ngay, đang nửa đêm phải leo lên hạ cờ xuống, ông anh Am phải lên hạ xuống. Ai lại đang bí mật phục kích chống càn mà lại treo cờ đỏ sao vàng trước mũi nó, ngang bằng bảo chúng tao đông đang đợi mày đây. Việt minh du kích Xuân Hy anh dũng táo bạo lắm, không hề sợ giặc Pháp tí nào nhưng anh hùng kiểu cắm cờ như vậy thì không phải nối. Ông nào được phân công đánh giặc là sướng rên, chiến đấu đánh giặc Pháp ở Xuân Hy vui đáo để.
            
          Đánh trung thâm

          Nọ nay không thấy nó càn quét gì, nóng ruột mấy ông du kích đầu làng, cánh ông Thiểm, ông Thụ, ông Lễ, ông Tứ Phương…rủ nhau đánh trung thâm, tức là vào tận sào huyệt địch để diệt địch. Ra trận gồm một quả lựu đạn. Vừa mới chập tối đã bò vào đến giữa làng Lục Thủy, chỗ cổng nhà Chỉ Tạo, thấy mấy thằng đàn ông đang đứng tán dóc, chẳng biết dân hay lính rõng thế là lựu đạn chơi liền, khói phụt phụt, xèo xèo… Bọn kia kêu ầm lên Việt minh, Việt minh, vừa kêu vừa chạy tán loạn. Quân ta cũng rút lui. Dại vậy, nhỡ nó có súng bắn theo thì rắc rối to. Về đến làng đợi mãi đợi mãi mà địt thấy lựu đạn nổ. Trận này không phân thắng bại. Về thiệt hai, quân ta vật chất + vũ khí: mất một quả lựu đạn tịt, quân nó sợ vãi hết linh hồn tinh lạc ra vì sợ du kích Xuân Hy gan dạ dũng cảm, tinh thần bọn chúng thêm hoang mang.

          Cái chum
   
          Bà Vân nói tiếp: Nhớ khoảng tháng năm, năm năm hai (1952) tôi ở nhà chị Thiểm, ngồi trong chum. Chị Thiểm bỏ cái ống cân vào cho tôi đái. Đến tối ngày thứ sáu thì có liên lạc đến dẫn tôi xuống nhà bà Nhỡn là cơ sở cách mạng. Khi ra thì dan mặt bà cụ Tổng Ái. Biết được cơ sự, cụ Tổng Ái ôm lấy tôi khóc: Úi giời ơi, vậy thì đã có người giả thù cho con tôi rồi.
          Hết chuyện cái chum.
          Tôi xin dẫn giải: Tôi cùng chú em là Nguyễn Công Đoàn, ngày ấy làm Chủ tịch xã, được cử lên gặp bà Đinh Thị Vân, người xã Xuân Thành. Bà này trước và sau cách mạng tháng 8/1945 hoạt động ở vùng Xuân Trường, Giao Thủy. Năm 1951-1953 là Hội trưởng Hội phụ nữ Nam Định để lấy tài liệu về xã Xuân Thủy. Mẹ bà này là người họ Đoàn chị ông Bá Thảng làng Hành Quán. Vì biết nhà số 8 phố Cửa Đông – Hà Nội nên tôi dẫn chú em đi và vào theo. Bà Vân nói nhiều việc trong đó có chuyện cái chum mà tôi nghe được. Chú Đoàn ghi vào sổ tay và đọc lại, bà Vân ký dưới làm chứng, cũng không biết chú Đoàn có ghi lại việc này không. Nay tôi viết lại nguyên văn không dám thừa thiếu chữ nào vì bà này là đại tá anh hùng quân đội, sống đã giỏi và khôn ngoan, nhân cách cao thượng thì chết phải cực thiêng, viết về bà mà điêu toa hay sai sự thật một tí thôi thì có mà bà ấy về bóp cổ tôi chết. Bà này sống một mình, nhà để đầy lá thuốc. Chú Đoàn đưa ra cái bì thư và cái gói có vài cân đường để biếu thì bà nổi đóa bảo nếu cứ đưa ra biếu thì bà đòi lấy tài liệu và đuổi ra không tiếp nữa. Bà bảo lương tôi Nhà nước giả cao rồi, lại còn làm thuốc bán nữa, tiền tôi tiêu được bao nhiêu, cho người nghèo là chính.
          Tôi lại cứ nghĩ mãi, không biết cái chum ấy to bằng nào, hiện nay còn không, nếu còn cho tôi, tôi sẽ xây một cái phòng rộng, để chum vào giữa, phòng có quạt điện hay máy lạnh, pha một ấm trà uống một mình, ngắm chum và nghĩ đến một người đàn bà giữa trời nóng tháng năm mà ngồi trong chum đậy kín, năm, sáu ngày đêm, ăn ngủ, ỉa đái ở cả đấy giữa cái sống và cái chết… mà lắc đầu lè lưỡi: Siêu nhân, siêu nhân,… người ngoài hành tinh. Thực ra cũng vì hiểu lầm nên sợ và nghi kỵ chứ thực tế cả nhà cụ Tổng Ái cũng ghét bọn tây giặc Pháp như chó ấy, con giai một của cụ đánh Pháp mà hy sinh, soi về tiêu chuẩn thì cụ là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Chắc là “Chị Thiểm” con dâu bà Tổng được quán triệt tuyệt đối bí mật, không được hé lộ với bất cứ ai cho nên cả mẹ mình mà cũng bí mật (“Chị Thiểm” là cụ Vũ Thiểm xóm Đại Nghĩa, cụ cũng là con gái ruột cụ Tổng Tấn nói ở trên). Thật ra cứ nói thật việc gì phải vậy, có phải mấy hôm được ăn ngủ đàng hoàng không, cụ Tổng Ái lại chả giết cho một con gà, luộc xé chấm muối ăn một mình ở trong buồng để bồi dưỡng là cái chắc. Nhưng suy ra cũng có lý, trùm Việt minh cộng sản nấp trong buồng nhà bà Tổng mà bà ấy biết được, đi báo tây Pháp ngay thì… tắt điện. Ừ mà cũng lạ, cái nhà “chị Thiểm” này có nòi tổng, con cụ tổng làm dâu nhà cụ tổng mà trong lúc đánh nhau khốc liệt, Việt minh cộng sản họ “chọn mặt gửi cục vàng ròng” của họ cho thì phải là người thế nào của họ chứ, phải làm cho họ nhiều việc lắm thì họ mới tin vậy chứ, sao cả làng này mà họ không tin ai hơn, mà sao sau hòa bình không thấy ai nói chuyện gì về “chị,” hay là nhà “chị” ở gần chùa nên học được ở cụ Phật dậy tá: Làm phúc không nói ra mới gặt được nhiều quả phúc?...

          Tổ quốc

          Chuyện này là của Nhà nước vì đã được in thành sách rồi, thôi tôi cũng chép ra đây để cho ai chưa biết. Ví dụ như ở làng ta, có làng Lục Thủy hay Liên Thuỷ bên cạnh là làng mà có quân Pháp hay ngụy đóng. Nhiều người bị bắt đi lính phải theo nó, cũng có người xấu theo đóm ăn tàn. “Theo đóm ăn tàn” tức là người ta đốt đuốc hay đóm đi ban đêm, đuốc cháy tàn đuốc rơi xuống đất, đi  theo họ nhặt lên, về làm gì thì làm, người xấu này theo đóm ăn tàn thì cũng chỉ được ít ỏi vậy thôi. Bọn này gọi là lính rõng, ngang với dân quân, bảo vệ dân phòng bây giờ nhưng được ăn cơm tập trung. Việt minh quân ta đứng ở đầu làng gần Lục Thủy, chỗ ngõ nhà cụ Lái bây giờ chẳng hạn, đại khái như vậy, dùng tờ giấy báo cuộn vào làm loa, gọi là loa giấy, đến tối phát thanh sang Lục Thủy, tức là địch vận: Hỡi anh em binh sỹ, hãy về với Tổ quốc, đừng đi theo Pháp nữa kẻo bị gọi là liếm gót dầy tây, nay mai Pháp thua về nước thì anh em ở với ai…đại thể gọi địch vận là như vây. Bên kia lính rõng nghe thấy cũng mủi lòng, suy nghĩ nhưng cứ loa mãi, ruốt ngày lại đang nửa đêm cũng loa bảo nó liếm gót, sốt ruột nó cũng làm loa nhưng chắc làm bằng sắt tây hay nhôm gì đấy nên nói to hơn: Đấy Tổ quốc, đây cũng tổ cò, đói cơm rách áo mới mò sang đây, bao giờ tây lại về tây, đấy mà không gọi thì đây cũng về…đúng là lý sự lính rõng, cùn.

(Còn tiếp)

Nguyễn Kim Trì

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét