Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

XUÂN HY KÝ SỰ NGUYỄN KIM TRÌ (Kì 1)


Luật sư Nguyễn Kim Trì

          Nguyễn Kim Trì

          Đi chợ

          Hồi còn bé không nhớ là mấy tuổi, tôi theo u tôi lên chợ Hành Thiện. Khi vào chợ thì có công chào, bên trên là ảnh Hồ Chủ tịch với lá cờ, cột tre luồng có dây bòng bong lá xanh cuốn xung quanh. Cổng thì lại chia làm đôi, một lối đi bình thường còn lối kia lại đổ nước với bùn đáng. Có một số người cầm cái mẹt đằng sau viết chữ, ai vào chợ cũng giơ ra hỏi, ai nói được thì cho đi cửa sạch mà họ nói với nhau là cửa sáng còn ai không nói được thì phải đi vào cửa có bùn đáng. U tôi cũng bị hỏi và bà nói được nên được đi vào cửa sáng và dắt tôi theo. Tôi hỏi thì u tôi bảo ai biết chữ thì được đi vào cửa sáng còn ai không biết chữ phai đi cửa tối, mày không đi học thì phải đi vào cửa tối đấy. Tôi hỏi chữ gì thì u tôi bảo chữ i tờ, tờ i ti, tao đọc được. Tôi thích thích nà, u mình biết chữ.
                                         
          Cày chó

          Đi học lớp vỡ lòng ở nhà tổ ông cụ Bích xóm Đoàn Kết. Hàng ngày phải đi qua ngõ nhà ông Khảng, ngõ hẹp lắm. Nhà ông Khảng nuôi mấy con chó vện to, nó dữ hơn chó, thấy người đi qua là nó lao ra sủa, sợ lắm, nhưng thấy bảo chưa cắn ai bao giờ. Ngày 2 lần qua đây, đến gần phải đứng lấy đà rồi chạy một mạch vượt qua, thoát chết, nó là kẻ thù của bọn chúng tôi. Hôm nào mưa trơn thì phải sợ từ tối hôm trước. Nhà ông Khảng có mình thằng Hương ở nhà, ông bà đi vắng, bảo là lên đồn điền không thấy ở nhà bao giờ. Một hôm đi học về, vượt qua cửa tử mà không thấy chúng nó lao ra sủa thì lạ quá. Tôi đứng xa nhìn lại thì thấy thằng Hương đang bắt nó làm trâu cày. Nó xiên mũi như trâu, máu chảy toe toét nhưng không dám cắn lại nó, nó đánh ngay. Tôi quay lại xem, nhìn cậu vện kéo cày tôi sung sướng vô cùng, lúc này thì không dám sủa hay đuổi tôi được nữa. Nay mới nhìn rõ kẻ thù bốn chân hàng ngày, về nhà sướng 3 ngày vì chủ nó trả thù cho mình, nhưng sau đấy lại nghĩ đến máu mũi nó chảy toe toét thì cũng hơi thương nhưng mà vẫn sướng.
                                  
          Đi học lớp 1
  
          Tôi đi học lớp 1, ngày ấy vào học lớp 1 phải học lớp vỡ lòng, có người nhớn bảo là lớp vỡ bụng bã. Học lớp 1 ở dưới đền, thầy Quế dậy. Cả xã có 1 lớp 1 gồm 75 học sinh. Thằng Quá (nay là ông Hùng ở đội 8) làm quản ca, thằng Tư đen ở Hành quán làm trưởng lớp, thầy giáo vào lớp thì ông Quá hô: Học sinh đứng, mọi người đồng thanh hô: Lên. Học sinh ngồi, mọi người lại đồng thanh hô: Xuống. Quản ca bắt nhịp hát bài Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa… hai ba, và mọi người hát theo. Có đứa hát bậy thành Qua nhà ông Quắc thấy cua rèm bò ra (như vậy là phải tội với 2 cụ Quắc, hai cụ rất hiền lành, ngày xưa lúc bóng tối nuôi Việt minh cộng sản, các cụ rất quý thiếu nhi, năm nào thiếu nhi cắm trại Trung thu cũng nấu cơm ở nhà cụ, cụ cho hái rau muống dưới ao lên cho ăn thoải mái, vì còn bé ý thức kém chưa biết gì, cứ một đứa hát là hát theo, cụ Quắc bà tên là Rèm).  Ra chơi vào lại cũng hát bài ấy, không biết bài khác, gọi là hát đồng thanh. Ngày ấy lớp một đi học làm gì có người đưa đón như thời đại văn minh bây giờ. Có nhiều đứa đi từ Thủy nhai xuống cũng phải đi một mình, giời mưa đường trơn, trơn như đổ mỡ, phải chống gậy chứ làm gì có đường nhựa như bây giờ. Cứ mưa là nhiều đứa ngã oanh oách, lấm hết quần áo, ngã gọi là vồ ếch. Hàng ngày đi qua cầu đá chỗ gần nhà cụ Phủng, mà sao ngày nào tôi cũng đứng lại đọc dòng chữ viết bằng vôi lên thành cầu: Xã ta quết tâm thang toán nạn mù chử, không hiểu được mãi sau này lớn lên mới luận ra được, hóa ra là khẩu hiệu: Xã ta quyết tâm thanh toán nạn mù chữ.Như vây là tinh thần diệt dốt của xã ta cao. Trẻ con ngày ấy chửi nhau là moi tên thầy giáo dậy ra để chửi, tên thầy giáo cũng thiêng liêng như tên bố mẹ vậy. Thầy giáo ngày ấy còn đần lắm, không biết lấy phong bì của học sinh.

          Lớp 2

          Lên lớp 2 học thầy Nhự (Cụ Phạm Bạt Nhự thuộc hàng ngũ ông nội tôi nhưng cứ được xưng là em, gọi là mái trường xã hội chủ nghĩa học sinh được dân chủ). Tôi ngồi bên cạnh thằng Nhưng, thằng này có em là Nhố ở xóm 1 đội 8 bây giờ. Thằng này nhớn hơn tôi và giỏi hơn tôi, viết nhanh và chữ cũng hơi đẹp. Làm toàn hay viết chính tả không cho tôi nhòm bài, cứ lấy tay che che. Thầy giáo Nhự dậy nghiêm lắm, thước gỗ vụt vào tay học trò chữ xấu, mực dây là thường, cuối mỗi buổi học thầy ra cho bài toán đố, ai làm xong trước thì chấm, đúng cho về, sai phải làm lại đúng mới được về, thầy coi cho đến học trò cuối cùng, có lần tôi được về sớm ăn cơm rồi đưa cơm lên đồng cho bố đi cày, khi về thì gặp thầy ra khỏi lớp, lúc đó như bây giờ là 1 giờ chiều gì đấy, ngày nào cũng vậy nên học sinh ai cũng được lên lớp, chính vì vậy nên thằng Đắc, tức là ông Phạm Văn Đắc ở xóm Hưng Đạo bộ đội đại tá rất giỏi toán, thầy nổi tiếng là rữ đòn nhưng chăm học trò lắm, qua tay thầy thì đều lên người cả, thầy dậy cặn kẽ , tuy nghiêm nhưng thỉnh thoảng thầy cười thì hiền khô, mà lại cười dài, như ông mình vậy, mỗi lần được thầy cười thì học trò vui lắm, ít nhất quên sợ thầy vài ba ngày sau, cứ nghĩ thầy giáo nào cũng như thầy Nhự thì xã hội này ai mà đã từng đi học thì họ không thể là người xấu, lớp học này  ở nhà văn hóa đội 8 ngày nay, nói cái đội 8 xóm Đại Nghĩa cũng khôn, thời hợp tác xã thì nhà kho, sân kho nhờ chùa làng, đến nay nhà văn hóa cũng nhờ chùa, như vậy là có tinh thần tiết kiệm cho xã, không như các đội khác phải làm nhà kho, sân kho kéo đá, nhà văn hóa cũng tốn kém, dân lại phải đóng góp mệt.

          Lớp 3

          Lên lớp 3 học ở dưới đền, học thầy Nguyễn Viết Phu, thầy Phu thì hiền lành, dậy học cũng tốt. Tôi ngồi bên thằng Toàn ở Thủy nhai, thằng này béo và khôn. Nó hỏi tên bố tôi, tên ông tôi, tôi cũng nói, tên cái mẹ tôi, tôi cũng nói, tôi hỏi nó nó cũng nói. Hàng ngày chửi nhau chúng tôi hay moi tên ông bà bố mẹ ra chửi, không moi tên thầy dậy. Tôi chửi nó, nó cứ nhe răng ra cười, càng chửi khỏe nó lại càng cười, lạ thật. Thì ra nó nói dối tên ông bà bố mẹ nó cho nên tôi chửi chệch ra ngoài hết, sau này nó mới nói thật, tôi tức quá vì bị thiệt hại nhiều, thù nó cũng lâu nhưng rồi cũng quên đi. Lớp 3 đã được làm bích báo tường rồi, mỗi đứa phải làm 1 tờ nhân dịp lễ hiến chương các nhà giáo. Bấy giờ trong lớp đã nổi lên nhà thơ, có bài thơ hay nổi tiếng mà tôi chỉ nhớ được mỗi câu: Các bạn trong lớp ta ơi, đến giờ thể dục phải ra tập tành. Lớp 3 qua đi lúc nào không nhớ nữa.

          Lớp 4
  
          Lớp 4 cũng học ở chỗ cũ, thầy giáo Đoàn Hữu Thể dậy. Thầy Thể dậy giỏi, thầy đẹp trai hào hoa phong nhã. Hàng tuần phát phiếu điểm tốt cho học sinh trong tổ bình bầu như phiếu bé ngoan, nhìn chung đứa nào cũng được. Sau này ngành mẫu giáo học đòi thầy Thể làm phiếu bé ngoan cho tẻ con mẫu giáo. Lớp 4 thì đã gọi học trò là học sinh rồi. Tôi ngồi bên thằng Cư, thằng Thạch ở Nam Biên, như bây giờ phải gọi là anh Thạch mới đúng vì nhiều tuổi hơn chúng tôi, học xong lớp 4 chỉ vài năm sau là đi bộ đội thành liệt sỹ. Anh Thạch thì hiền lành chỉ cười khì khì, có tờ họa báo Liên xô vẽ về con cáo và cái bánh rán ngày nào cũng mang đi, tôi mượn xem thích lắm. Còn thằng Cư thì không hiền như anh Thạch, rút kinh nghiệm thằng Toàn tôi về nhà hỏi người nhớn tên ông bà bố mẹ nó, tên cái mẹ nó nên hàng ngày chửi nhau với nó tôi chửi trúng, nó chửi cũng trúng nên hòa. Một thời gian dài cứ cuối buổi học thầy Thể lại mang quyển sách ‘Bí mật miếu ba cô’ ra đọc vài trang nên chúng tôi nhớ hết. Nhớ tên từng nhân vật,  thao chuyện nó hay vậy không biết. Sau này gần 50 năm sau tôi nhớ đến tìm bằng được quyển chuyện này gửi về biếu thầy Thể. Rồi cũng học xong lớp 4. Để thi lên lớp 5 tức là cấp 2 thì phải thi ở Bùi Chu, có mấy xã cùng tập trung lại để thi. Khi thi xong thì tôi được bà nội đón ở cổng trường, dẫn ra chợ Bùi mua cho bát bún riêu cua ăn mát ruột rồi dẫn về, không thấy có đứa nào được người nhà đến đón cả. Hè năm ấy, tôi xuống đền thấy trường vắng tanh, chỉ có bàn ghế, sao nó buồn thế, bâng khuâng, không thấy thầy bạn nào như mọi khi. Có lẽ lần đầu tôi biết buồn và bâng khuâng.
           Lên lớp 5 cấp 2 rồi thì hơi nhớn, học ở Trường PTCS Xuân Tiên ngày nay, không còn nhiều chuyện như ở Xuân Hy nữa.
               
          Chú Hưu

          Hồi còn bé chưa đi học lớp vỡ lòng, suốt ngày theo đít chú Hưu trừ ra lúc ăn cơm và lúc đi ngủ. Chú Hưu hơn tôi 3 tuổi nhưng chú khôn hơn tôi 6 tuổi. Chú quý tôi và tôi cũng thích chú lắm. Chú biết đẽo cù, dậy tôi đánh đáo hột giấc, có lần cho tôi theo lên phố, sang chợ Hành Thiện mua sải cước với lưỡi câu rô. Khi lớn lên chú đi bộ đội lái xe, vào Nam bị nhiều chất độc hóa học quá nên về bị bệnh mất sớm, mất ở nhà chú trên Nam Định. Khi tôi biết thì chú đã thành cái mả. Có lần tôi hỏi sao đầu gối tôi nhiều sẹo nhiều mụn thế mà chú không có. Tại mày cứ theo tao đi ỉa đôi nên ma nó bắn đầu gối đấy. Sao ma lại không bắn chú ? Ngồi ỉa đôi phải một tay chỉ lên giời một tay chỉ xuống đất, không được nói chuyện riêng thì ma nó không biết nó mới không bắn. Lần sau tôi thấy chú làm vậy, tôi cũng làm theo nhưng tôi cứ nói chuyện riêng nên vẫn cứ bị ma nó bắn, đầu gối cứ hết mụn rồi lại sẹo, có khi tôi hay leo trèo  hay là bị ngã nhiều nên nên có nhiều sẹo, chả biết nữa. Có lần chú móc túi cho tôi một nắm lả với nửa củ khoai lang, lả có lẫn hoa xoan. Chú bảo tao đi vồ lả ở trên chùa, họ cúng xong, cụ thầy Cuông hô: Về đây thầy cho ăn no rồi đi một chỗ, không kẻ nào được ăn của kẻ nào… keng. Thế là chúng tao   xô vào để vồ gọi là cướp cháo chúng sinh, có cả thâu dâu nữa và cả cháo nữa, cháo múc ra vài bát rồi còn để cả trong nồi, cũng có người lớn ăn cháo và một ông lấy rá úp vào nồi cháo rồi mang đi, người lớn không vồ. Chú ăn rồi, để phần lả với khoai cho mày, ăn đi cho nó chóng nhớn, người nhớn bảo vậy.Có thằng Đố nó bé mà khôn, nó lấy dây thắt cóc lấy bụng ngoài áo, lại còn bỏ áo vào trong quần đùi, khi kẻng xong thì nó nằm xoài ra long, đè lên lả với khoai lang với ngô luộc, nó ruồn hết vào bụng áo nó nên nó được nhiều, đầy bụng áo lả với ngô, lả cũng dính đầy mặt với áo nó. Chú chỉ vồ bằng tay thôi. Sau này tôi mới biết, hóa ra làng lễ cầu mát vào hạ rồi cúng chúng sinh, đồ cúng chúng sinh cho trẻ con vồ mà chú Hưu cũng đi vồ về cho tôi ăn để cho tôi chóng lớn. Chú còn biết đánh trống ếch thiếu nhi nữa, dậy tôi lấy đũa gõ vào vung đồng: Tùng, tùng, tùng, ta ra tùng ta ra, ta ra,  ta ra tùng ta ra tùng, ta ra tùng…, đánh ba nhịp rồi vào hồi gọi là theo nhịp điện biên. Tôi thấy chú cái gì cũng tài, có nhẽ chú sắp thành thiếu niên nhi đồng quàng khăn đỏ, được đi cắm trại thiếu nhi ở dưới đền rồi.  Ngày xưa chú là cây cao bóng cả của tôi, có gì cũng để phần tôi có khi nửa quả vải.

          Chuyện ông cụ Rần

          Những năm đầu Mỹ bắn phá miền Bắc, cuộc sống bị đảo lộn nhiều, sôi nổi lắm. Ngày ấy ai mà ra khỏi làng khi về là có ối chuyện hay để kể mà rặt chuyện nói phét. Người này nói rồi người khác nói lại vì có chuyện gì đâu, cả làng không nhà ai có đài, có ti vi hay có một tờ báo nào nên người nọ ăn lẫn chuyện của người kia rồi kể lại với người khác. Mỗi người thêm vảo một tí, càng lúc càng hay nên thành ra bốc  phét hết, thì chính mắt tôi nhìn thấy hay chính thằng em tôi làm ở công ty mặt đường Thanh Hóa nó tận mắt nhìn thấy… nên ai mà chẳng tin. Ông cụ Rần ngày ấy xuống bể về kể chuyện (xuống bể là xuống xã Giao Hải huyện Giao Thủy bây giờ): Gớm, ở dưới bể máy bay Mỹ nó bay thát ngọn cau, tôi nhìn rõ mồn một, nổi bật lên hàng chữ đỏ, rõ mồn một, ai cũng đọc được. Có người hỏi ông có đọc được chữ gì không ? Ông trả lời tao địt biết chữ gì. Cũng đúng thôi, cái giống máy bay Mỹ là nó viết chữ tây bên cạnh sườn nên ông không đọc được. Ngày ấy ai kể chuyện gì cũng tin, kể chuyện Bác Hồ Chủ tịch ngồi trong hang đá mà bọn quân đội thực dân Pháp bao vây kín xung quanh, nhìn thấy rõ mồn một, khi tấn công vào đến nơi thì không thấy gì nữa, chỉ thấy mỗi hòn đá chỗ Cụ ngồi, hay chuyện ông Tạ Đình Đề bảo vệ Bác Hồ có tài bắn súng, tung đồng xu lên bắn thủng lỗ đồng xu, cầm lên xem đồng xu vẫn còn nguyên vẹn. Có người hỏi lại: Sao lỗ đồng xu nhỏ vậy mà viên đạn lại chui qua được. Người kể chuyện ậm ừ một lúc rồi vỗ đùi reo lên: Thế mới  tài chứ.

          Bỏ bom
 
          Đang đêm khuya sáng giăng, khoảng 11 giờ đêm bỗng có tiếng nổ to lắm, rung cả nhà cửa lên, mọi người đều bật dậy kêu lên bỏ bom, nó bỏ bom dưới đền. Người nhớn tẻ con nhớn nhác khiếp vía, các bà mẹ ôm con chạy tán loạn, chạy đi đâu, chạy về nhà bố mẹ đẻ với ông bà ngoại. Các cô các chị đi lấy chồng thì quên hết, chỉ biết chồng con nhưng khi nhìn thấy cái chết cần đến sự che chở thì nghĩ ngay đến bố mẹ đẻ. Rồi chạy khắp nơi, sáng mai hóa ra nó bỏ bom vào nhà ông Phủng, dân quân cả xã tập trung lại, nhà bị sập một tí, một quả nổ một quả tịt. Quả nổ ở ngoài sân  quả tịt chui qua chân cột xuống đất, nhìn chỉ thấy một cái lỗ sâu hun hút. Dân quân cả xã đào để tìm, cứ theo cái lỗ đào hai ngày thì mất dấu phải bỏ. Nhà ông Phủng cũng phải bỏ đi nơi khác không ở đấy được nữa nhỡ nó tự nhiên nổ thì chết. Mọi người lâu ngày cũng quên đi, hòa bình bao nhiêu năm sau bà Thụ  làm gạch, đào đất thấy nó tòi lên mặt đất từ bao giờ, báo huyện về thu chiến lợi phẩm, cả làng đổ đi xem bom. Ngày ấy tẻ con hay nói kinh khủng ông Phủng bỏ bom.

          Ông Nghê
  
          Ông cụ Nghê ngày xưa là một người rất hiền lành, tốt bụng, ai có việc gì cũng giúp rất nhiệt tình, nhiều người sau khi lâm chung về Trời cụ hay đến bó gói giúp, rất cẩn thận, mọi người quý trọng lắm, phải là anh hùng lao động của làng, có lần mít tinh cụ được ngồi ghế Chủ tịch đoàn, cụ ở xóm Đại Nghĩa. Ông Nghê suốt ngày cởi trần, nếu có đến nhà ai ăn cỗ thì vắt áo vào vai, đến ngõ mặc vào một tí, về ra đến ngõ lại cởi ra vắt vai. Việc của hợp tác xã cụ coi hơn việc nhà, chả nề hà gì sất. Thỉnh thoảng có rức đầu tí thì xuống ao lặn đất một lúc là khỏi ngay, ruốt đời không biết viên thuốc là gì. Có lần tôi đi phun thuốc sâu ngồi nghỉ ở nhà chăn nuôi, gặp cụ, bảo: Anh cho tôi thí nào, vừa nói cụ vừa lấy cái rajnhungs vào chai thuốc sâu, gọi là thuốc pha phô tốc, đặc như dầu luyn rồi bôi vào đầu gối chân, tôi thấy đầu gối chân cụ bị xây sát máu chảy toe toét, cụ bảo để ruồi nó khỏi bâu. Rồi cụ phổ biến cho tôi: Cái anh thuốc sâu bột chữa ghẻ là tốt lắm, khêu ra xát tí thuốc sâu bột 666 vào là khỏi tiệt. Lạ cái bây giờ người ta cứ tuyên truyền nào là nhiếm trùng hóa chất, chất độc hại, ô nhiễm môi trường chứ cứ suy cụ Nghê làng ta ra thì thấy toàn là luận điệu phản động cả. Cụ bị tai nạn lao động, lợp nhà cho người ta rồi bị ngã xuống sân gạch, đầu trúng vào góc hòn gạch không cứu được. Khi bay về Trời, cụ nói được mỗi câu: Tôi chết vì nghiệp này mất anh ạ. Tiếc thật, nếu không cụ sống đến 214 tuổi.
  
          Ông Đích
  
          Ông cụ Nguyễn Văn Đích người xóm Đại Nghĩa, cụ nặng tai, trên nặng tai một tí, gặp ai cụ cũng nhoẻn miệng cười tươi vì sợ họ chào mình mà không nghe thấy thôi thì cứ đáp lễ trước bằng nụ cười tươi như hoa là được. Gặp cụ người ta hay viết lên không, chữ xấu chữ đẹp, viết ngược viết xuôi thì cụ vẫn đọc được, nói chuyện bình thường bằng viết lên không. Gặp tẻ con hay thanh niên, hỏi con nhà ai, nghĩ một lúc là cụ cười bảo ngay: Có họ, có họ. Có người nói: Người làng này ai vào tay ông Đích thì cũng đều có họ tuốt. Nghĩ cũng đúng là có họ thật, làng ta có lịch sử lập làng hơn 600 năm, nghĩ rằng không có họ với nhau nhưng cụ kỵ kỳ ky bên ngoại mình là người họ Phạm, họ Lê, họ Vũ, mình là con cháu thì đích thị là có họ rồi, có điều mình lần không ra thôi. Cụ Đích là người cực kỳ thông minh cặn kẽ, quá giỏi, có năng khiếu đặc biệt, trong đầu cụ có bản đồ phả hệ của cả làng, bản đồ này chằng chịt, nhằng nhịt, dây mơ rễ má rối bù chỉ có người thông minh, có ý thức trong đầu trong bụng mình mới lập được bản đồ này và ghi nhớ, tra cứu được nên gặp ai trong nửa phút là cụ tra cứu ra ngay, chính xác là có họ, cũng là sự nhắc nhở nhau là cùng có họ, là thâm tình, một giọt máu đào hơn ao nước lã, chả trách sao cứ người làng gặp nhau, nhất là người đi xa thì quý nhau ngay, gặp nhau, nghĩ đến nhau thì lòng ấm lại, tin nhau ngay vì lẫn máu. Cứ nghĩ mãi, làng này cũng lắm người tài.

          Cụ Tổng Tấn
  
          Cụ Phạm Ngọc Tấn làm chánh tổng nhiếp chính tổng Thuy Nhai, tổng gồm nhiều làng, tổng Thủy Nhai kéo dài mãi tận làng Phú Nhai (làng Trà Lũ không nằm ở tổng Thủy Nhai, 3 làng Trà Lũ là một tổng hẳn hoi, Phú Nhai  có vị trí:             
                         Ba thôn Trà Lũ bỏ ra ngoài,
                         Một làng Phú Nhai nhai vào giữa,
          Tổng Trà Lũ đủ số dân rồi nên có nhai vào giữa họ cũng không nhận nữa nên Phú Nhai được ăn về tổng ta). Chánh tổng to gần như Chủ tịch huyện bây giờ. Cụ làm Chánh tổng khoảng từ năm 1940 đến 1946 gì đấy. Bấy giờ trong tổng có một người tự vẫn, lý do cũng không đáng gì, mời cụ đến chứng kiến. Thấy gia cảnh đáng thương quá, chứng nhận đúng sự thật thì quan huyện họ về, lính tráng coi giữ, nhà này phải bán hết tư điền hương hỏa đi cũng không đủ để hầu quan, nuôi lính, mất người lại mất của. Động lòng thương cụ liều phê: Ốm chết, cho chôn. Việc này vậy là xong. Nhưng về nhà cụ nghĩ ngượi quá, liều cứu lấy người sống mà đắc tội với người chết, thay trắng đổi đen, làm quan thật là khó quá nên cụ từ chức luôn. Lúc ấy Việt minh mới nổi dậy mời cụ ra làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến đầu tiên của Xuân Hy, chức này cũng to, chức này sau hòa bình lập lại phải xếp làm Chủ tịch huyện. Không lâu sau, linh hồn người oan này họ oán nên cụ phải chịu trận ngay, gia đình khánh kiệt về người về của. Rồi một buổi tối cụ ra đi không thấy về, cả làng tá hỏa đi tìm suốt đêm nhưng không thấy. Sáng hôm sau có người phát hiện cụ ngồi trước đình làng, đình làng là đình trung để các chức việc của làng hội họp giống như ủy ban xã bây giờ, cái đình này sau làm Ủy ban xã Xuân Thủy. Tay cụ như bị trói. Gọi mãi cụ mới tỉnh được, cụ thở dài, lắc đầu nói với mọi người: Hỏng rồi các ông ạ, họ bắt tôi đi suốt đêm quanh cái tổng này rồi đem về đây trói lại. Cụ về nhà nằm ốm mấy hôm rồi mất. Đúng là làm ơn mà bị báo oán, hồn oan họ oán thì nặng lắm. Làm người tốt đã khó, làm quan tốt lại càng khó, vì quá nhân đạo nên bị oán, chiều người dễ hơn chiều vong, nhất là vong hồn người oan, họ không tranh luận, không giải thích với họ được. Cụ Phạm Văn Như ở đội 10 kể: Khi làm Chánh tổng cụ Tổng Tấn lấy mỗi người 5 hào khi vào tuổi đinh ăn ruộng, 5 hào này mua rượu cho các ông thư ký, hộ lại làm sổ sách uống, cụ chẳng lấy đồng nào, còn khi chức Chánh tổng về tay người khác thì họ lấy luôn 5 đồng, bỏ chọp vào túi, không rượu chè gì hết. Cụ Đoàn Minh Chính là người liêm trực, cán bộ to của huyện, thông minh uyên bác khen cụ Tổng Tấn hết nhời. Cụ Tổng Tấn có học cao, vừa làm chánh tổng vừa bốc thuốc chữa bệnh mà nhà nghèo. Ai bệnh đến mời là cụ không nề hà gì mà đi ngay kể cả nửa đêm, cụ bảo bắt mạch nửa đêm mới bắt đúng bệnh, có nhà nào nghèo  cụ không lấy tiền, nghèo quá cụ còn cho không thuốc. Nhà có đấu gạo sáng mai nhưng nhà nó nhịn thì cụ bà cho một nửa, thôi thì cùng ăn cháo. Lương Chánh tổng cũng khá, làm thuốc cao tay nhưng giúp đỡ hết cho mọi người nên cụ cũng nghèo như mọi người. Cụ về giời lúc ấy mới hơn 60, đâu 61 hay 62 gì đấy nhưng hậu thế cả tổng này không ai gọi là ông Tấn mà nam phụ lão ấu đều kính trọng gọi là Cụ Tổng Tấn, ngay như cụ Đoàn Minh Chính là cán bộ cộng sản chúa ghét người phong kiến nhưng khi nói đến cụ Tổng Tấn thì cũng hết sức kính trọng. Đâu mà có người tử tế vậy.

          Cụ Quảng

          Cụ Phạm Thế Quảng người họ Phạm, đâu họ cụ Tổng Tấn thì phải. Trong kháng chiến chống Pháp cụ có nhiều thành tích lắm, hòa bình lập lại cụ có chức vụ to nhất ở huyện, ở tỉnh Hà Nam Ninh. Là người liêm chính quảng đại, có kiến thức sâu rộng như cụ Đoàn Minh Chính, cụ Tổng Tấn vậy. Ngày nghỉ về nhà quê cụ thường đến thăm hỏi các nhà, hỏi thăm người này người nọ, chỉ bảo điều hay lẽ phải, nhà nào được đón tiếp cụ cũng tự hào, thêm được tí vinh quang. Cụ là người nặng tình nặng nghĩa với làng xóm lắm, với cả người sống lẫn người chết. Khi có chức vị trong xã hội, cụ nghĩ ngay đến việc làm gì cho dân làng. Việc đầu tiên là việc ruộng đất, cụ tổ chức nạo vét sông trại ngoài để tưới tiêu cho cánh đồng trại Ngoại đê, Đoài hải đã. Xót xa cảnh chết đói chết khát năm Ất dậu, cụ hô hào, tổ chức lại phần mộ chôn cất vùi dập cái năm đói, quy tập mồ mả để lấy đất làm ruộng. Khi về hưu, cụ là người có công lớn nhất trong các việc khôi phục lại khánh tiết, tế lễ hội hè, thuần phong mỹ tục của làng, đặc biệt cùng với một số cụ khác biên tập và in thành 2 quyền sách nói về phong tục, lịch sử làng, nhiều tư liệu về Xuân Hy. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, của quý của chúng ta, tất nhiên tái bản lại còn phải sửa chữa nhiều. Việc làm của các cụ là to lớn lắm đấy, đến hôm nay chưa thấy ai làm được như vây.

          Cụ Ruy

          Ông cụ Ruy cũng người xóm Đoàn Kết. Có một thời người ta thi nhau đốt gạch bảo là kiểu Triều Tiên, đốt gạch không có lò, ở giữa sân. Làm được lò gạch vất vả lắm, bây giờ thì không ai làm vậy nữa. Cụ Ruy cũng làm được được lò gạch, hen hễ cùng anh em trong xóm giúp, vốn liếng bỏ cả vào đấy rồi nhưng đang đốt thì mưa rào to, xít hỏng cả, chỉ hỏng ít. Có người bảo: Đốt gạch mà ông không nghe đài à ?  Ông bảo chả nghe thì thao. Vậy đài nó bảo thế nào ? Đài nói là có mưa dào dải dác nên tôi mới đốt. Cái cô nhà đài nói tiếng ta ngọng nên cụ hiểu sai. Mưa rào rải rác lại bảo mưa dào dải dác nên cụ cứ tưởng là mưa rào ở tỉnh huyện nào  có tên là dải dác chứ ở đây không mưa. Nhiều người hiểu ra cũng phì cười. Về sau, hễ ai đốt gạch thì lại cứ đùa: Hỏi xem đài có báo mưa dào dải dác thì hãy đốt. Ở đâu cũng cứ dùng tiếng Xuân Hy ta là rõ ràng nhất.

          Ông Rà ông Mạn

          Hai ông này làm nhiệm vụ quản trang, tức là coi sóc nghĩa trang nghĩa địa của làng, nơi yên nghỉ của tổ tiên ông bà cha mẹ cả làng chúng ta. Suy ra thì to lắm, người ta làm trưởng phòng, giám đốc, bộ trưởng này nọ oai đấy thì chỉ coi sóc một số người đương thời, cũng là bình thường nhưng đây là việc chăm lo coi sóc tất cả tiền nhân cả làng chúng ta, với chúng ta những người kia sao bì được với với hai ông này. Các ông các bà đi vắng hàng năm, có khi mấy năm mới về thăm tổ tiên được trong khi đó họ coi sóc hàng ngày thì họ có hiếu với các cụ hơn ta. Các ông có đi làm ăn ở bên Tây, bên Mỹ mấy chục năm thì cũng cứ yên trí giấc ngủ ngàn thu của ông cha ta ở nhà, không ai dám động đến nếu không phải mồ mả nhà họ vì đã có hai ông này. Cứ nghĩ vậy thì chúng ta phải kính trọng họ, kính trọng hai ông này cũng là sự góp phần vào sự báo hiếu tổ tiên ông bà cha mẹ mình.

(Còn tiếp)



        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét