Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

TÔI ĐI TẬP THỂ DỤC KARAOKE





          Từ khi tuyên bố treo bút nghiên cứu, tôi từ chối tham luận các cuộc hội thảo khoa học, các cuộc tham gia nghiệm thu phản biện khoa học, những lời mời thỉnh giảng... Việc viết lách chỉ còn dăm thì mười họa làm bài thơ, bài văn khi có hứng, đăng blog cho vui. Hầu hết thời gian tôi dành để đưa đón cháu đi học và giao lưu với bạn già.

          Trong nhóm bạn già, tôi và họa sĩ Đặng Nam trẻ nhất hội – Tuổi Kỷ Sửu - 68 tuổi. Cao tuổi nhất là cụ Hiện, nguyên cán bộ thành phố, đã ngoại cửu tuần. Cụ Hiện với cụ Giáo (cũng nguyên cán bộ tuyên giáo cấp thành) cặp kè như đôi sam. Cụ Hiện đi đâu cũng có cụ Giáo làm tài xế. Cụ Hiện gầy gầy, nhưng không có bệnh tật, nên cụ khỏe. Tôi mơ được như cụ mà xem ra khó quá. Thứ đến là cụ Trần Quang, nguyên phó chủ tịch thành phố, năm nay 85 tuổi. Trông cụ lúc nào cũng phong độ, ăn diện mô phạm, ngày ngày đạp xe rong ruổi cho khỏe...
          Chúng tôi thường xuyên tụ tập uống cà phê ở phố Hùng Vương. Chúng tôi gọi quán cà phê đó là “quán cà phê giẻ rách”. Ấy là do một lần thấy cháu phục vụ mặc cái quần bò te tua đầu gối, cụ Quang hay cụ nào đó đùa là trông con bé như nó mặc giẻ rách. Thế là cái tên “giẻ rách” tự phát được chúng tôi gọi thay tên quán cà phê này. Chúng tôi vừa nhâm nhi cà phê, vừa tán gẫu những chuyện vui đùa, trêu nhau và cười thoải mái. Những chuyện đại sự cũng bị chúng tôi biến thành những chuyện cười... Thỉnh thoảng cụ nào có chồi, có lộc, có nhuận bút thì lại kéo nhau đi ăn ở quán Lý Quốc Sư phố Hàng Sắt, hoặc phở hay bún chả phố Hàng Tiện, có khi đi quán thịt chó Đồng Quê ở khu Hòa Vượng...
          Chúng tôi lòng dòng đi thăm bạn già, nay thăm cụ này, mai thăm cụ khác. Nhưng phần lớn thời gian chúng tôi đi hát karaoke. Cụ Trần Đình Thi có hai cô con gái đi làm ở Nhật. Con gái trang bị cho bố Thi bộ giàn karaoke hiện đại, máy quay phim, máy chụp ảnh, ghi âm xịn... mà nhiều nhà báo cũng phải ghen tị, mơ ước. Bà Thường, vợ cụ Thi lúc nào cũng đủ cà phê, chè nước, thức ăn, bia bảng... chiêu đãi bạn chồng. Có việc vắng nhà lâu ngày, bà chuẩn bị sẵn món nhắm cho chồng tiếp bạn hát. Bà Thường quá yêu chiều chống nên cánh già chúng tôi được thơm lây.
          Nói về hát... Đầu tiên là họa sĩ Đặng Nam. Với giọng khỏe, dầy dặn, âm vang, Đặng Nam hát ca khúc cách mạng rất hợp. Nhưng Đặng Nam lại khoái những bài nhạc vàng. Các bài “Định mệnh”, “Sầu tím thiệp hồng”... được Đặng Nam thể hiện khá hay. Đặng Nam đặc trách nhiệm vụ chụp hình các cụ hát bằng điện thoại, đưa lên Facebook... để con cháu ở xa, ở nước ngoài biết ông cha chúng còn khỏe và lạc quan mà yên tâm làm ăn. “Này, ông Nam, “Úp mặt vào sông quê” này!” (bài “Khúc hát sông quê” ấy mà). Đang mải đưa ảnh lên mạng, Đặng Nam “Thế à!” buông điện thoại xuống bàn, cầm micơrô bắt vào nhạc: “Quá nửa đời phiêu dạt.. Con lại về úp mặt vào sông quê...”
          Nhà thơ Hoàng Ngọc Trúc đa tài, chèo, cải lương, dân ca, tuồng, nhạc mới xanh đỏ vàng... món nào cũng thạo. Khi cụ Trúc hát bài “Phút cuối”, giọng thanh thoát, bổng trầm réo rắt, âm thanh được chuốt mỏng như xuyên vào tim người nghe... “Chỉ còn gần em một giây phút thôi, môt giây nữa thôi là xa nhau rồi...”, tôi nghe mà gai cả người, huống chi các bà các chị nghe thì... phải biết!
          Cụ Trần Quang chả hát đơn ca bao giờ, nhưng bài nào cụ cũng chơi. Bài “Khúc hát sông quê” cụ Quang có hát không? Được! Bài “Chim sáo ngày xưa” cụ Quang có chơi không? Chơi chứ! Bài “Tình ca Tây Bắc”, cụ Quang chơi được không? Bài nào cũng chơi được tuốt! Hề hề... Cụ có thể hát từ sáng đến trưa, càng hát càng khỏe. 
Vợ chồng cụ Thi song ca
           Còn cụ chủ nhà thì sao? Cụ Thi thường hát những bài tình ca, hành khúc, dân ca. Cụ Thi hát theo kiểu mô phạm (cụ xuất thân là nhà giáo dạy văn mà), tuy giọng không mấy sáng tạo như Đặng Nam, nhưng lại rất đúng nhạc. Thỉnh thoảng cụ cùng bà vợ song ca, đạt trăm điểm chứ bộ.
          Chúng tôi hát say sưa, quên mệt. Khi được điểm cao, mọi người kêu lên: “Úi giời, điểm cao chưa!” Lúc bị điểm thấp, lại lắc lắc đầu tiếc rẻ: “Úi giời! Hát hay thế mà được ít điểm thế, giám khảo thiên vị đây! He he”... Khi có các bà các chị hoặc mấy ông khách từ huyện lên cùng tham gia, không khí lại càng sôi động. 



          Chúng tôi thường kết thúc một buổi hát bằng hát tốp ca bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” sôi nổi và hưng phấn. Có khi kết thúc là bài “Trở về cát bụi” do Đặng Nam hát, như là một lời tự nhắc nhở khuyên răn: Tất cả rồi sẽ trở về cát bụi, nên còn sống thì hãy sống cho tốt, “đừng vì tham giàu” mà “bỏ nghĩa anh em”... Giọng ca dầy, khỏe, vang của Đặng Nam đặc biệt gây cảm xúc mạnh cho người nghe khi bắt vào câu cuối được nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc: “Người ơi xin nhớ, cát bụi là ta, mai này chóng phai... Người nhớ cho, ta là cát bụi, trở về cát bụi, xin người nhớ cho...” 



          Cuối buổi, chúng tôi chia tay nhau, hẹn ngày mai lại hát...
          Tôi đi hát thấy người sảng khoái khỏe ra. Vậy là mê đi tập thể dục karaoke... Hôm nào không thấy cụ Thi gọi điện bảo đến hát, tôi lân la đến Đặng Nam rủ đi hát. Hôm nào không đi hát lại thấy như người trống trải thiếu thiếu cái gì...
           
                         10-12-2016
Tệ xá, 13/398 Trường Chinh, Tp. Nam Định
                TRẦN MỸ GIỐNG

2 nhận xét: