Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

VỚI LÃO… CÒM SĨ TRẦN NHƯƠNG



(Nhân kỉ niệm 10 năm trannhuong.net)

          Tản văn của Đinh Ba 
            (Nguyễn Ngọc Kiên)

          Ngày nào mình cũng vào trannhuong.com, đối với mình trang website này đã như một phần tất yếu cuộc sống. Cơm có thể mười ngày không ăn, nước có thể một tuần không uống chứ không thể một ngày không đọc trannhuong.com. Chủ của trang này cũng chính là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ Trần Nhương. Gần đây nghe nói lão còn là “lực sĩ” nữa. Kinh! Cái tên “lão Trần” là do lão tự nhận, mình cũng thích gọi lão như thế. Mặc dù về tuổi đời, lão cũng chỉ hơn mình từ ¾ đến ½ thế hệ mà thôi!


          Thực ra thì mình đã đọc lão từ rất lâu rồi. Năm 1980, khi lão còn đang là lính vận tải, còn trẻ hơn mình bây giờ rất nhiều, có ra tập thơ “Gương mặt tôi yêu” (NXB QĐND) in chung với Nguyễn Trọng Tạo và Khuất Quang Thụy. Hồi ấy bọn mình còn đang là lính bộ binh ở rừng, đói cơm đói cả văn hóa nên có tập thơ này trong tay thì sướng quá, đọc đến thuộc làu không thiếu dấu chấm dấu phảy. Mình còn nhớ, trong tập thơ có những câu: “Mặt đầy đặn là xe Y Pha / Mặt trái xoan là xe Giải Phóng”. Thiên hạ mới tán ra rằng: những cô gái có khuôn trăng đầy đặn và những cô gái có khuôn mặt trái xoan chắc phải phát khóc và chạy mất dép khi thấy Y Pha và Giải Phóng chạy qua làng! Hi, hi! Lại một chuyện nữa, có lần một ông tuyên huấn Binh đoàn xuống nói chuyện văn hóa văn nghệ hỏi lính về các nhà thơ Việt Nam, lính ta trả lời rất “hồn nhiên”: Ở Việt Nam, sau Nguyễn Du, Nguyễn Trãi là đến … Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo và Khuất Quang Thụy! Bác Thụy về sau có cái truyện ngắn “Nhà Vân ở bến Phù Vân” đăng trên Văn nghệ quân đội (1981) cũng nổi đình đám lắm, sau lại giành giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, hiện đang là phụ trách tuần báo Văn nghệ. Còn bác Tạo “làng quan họ quê choa” thì thơ, văn, nhạc, họa đủ cả khỏi phải nói, mà cái gì cũng hay cả!
          Năm 1979, nghe nói lão về học trường viết văn Nguyễn Du khóa 1. Khóa này toàn những học viên tên tuổi đã lừng lẫy trên văn đàn. Giáo viên của trường ngoài những cây đại thụ như các GS – TS Phạm Vĩnh Cư, Huỳnh Khái Vinh, Hoàng Ngọc Hiến, còn có các nhà thơ nhà văn nổi tiếng như Xuân Diệu, Nguyên Hồng. Nghe đồn các bác đến lớp chỉ là cái cớ để trò ngưỡng mộ thầy và thầy thì … kính nể trò! Thế mà có lần ông Tố Hữu lại bảo: Tào phào, cái nghề viết văn chẳng ai dạy được ai cả. Nhưng nói cho thật công bằng, khóa 1 Trường Nguyễn Du toàn người tài thôi! Thầy Hoàng Ngọc Hiến (đã mất) ngoài những công trình khoa học có giá trị còn có câu nói để đời: Cái đất nước mình nó thế! Còn bác Thỉnh, đồng môn với lão, nếu không bận gánh vác công việc xã hội mà cứ chuyên chú vào làm thơ thì bây giờ bác ấy đã giật giải Nobel từ lâu rồi. Chứ cái giải thưởng Hồ Chí Minh thì đã nhằm nhò gì so với tài năng của bác ấy! Ngay như bác Phùng Khắc Bắc, vốn chỉ quen với những công việc hành chính sự vụ, tiếc rằng bác ra quá sớm nhưng đã kịp để lại “Một chấm xanh” lấp lánh trên thi đàn Việt Nam, cụ Tú Hói Xuân Thiều khen đến đứt lưỡi. Sau khi Phùng Khắc Bắc qua đời “Một chấm xanh” được trao giải Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, đưa tác giả lên hàng những nhà thơ đương đại danh tiếng.
          Bẵng đi một thời gian khi tuổi đã lục thập, lão Trần chuyển sang viết văn xuôi, vẽ và làm cái còm. Trang trannhuong.com có lượng người truy cập khắp năm châu. Nhà văn Nguyễn Hiếu nói rằng, ông rất thích gửi bài cho trang này bởi nó không chỉ vì văn chương mà còn vì con người. Riêng hội họa, lão lại vẽ cả tranh “nude” mới kính nể chứ! Nhà lão có cái món “cơm bụi chấm com” ngon lắm, mình cũng ăn rồi nhưng lão không biết. Không biết cơm nhà lão có vệ sinh không, nhưng vì mình tốt bụng nên ăn vào mà chẳng bị sao cả! Rồi cứ rằm tháng giêng âm lịch (ngày thơ Việt Nam) lão lại ra Văn Miếu vẽ truyền hình siêu tốc nữa chứ! Cách đây dăm bảy năm gì đó, lần đầu tiên mình ra Văn Miếu định gặp lão nói dăm ba câu để bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhưng chỉ dám “kính nhi viễn chi” thôi. Rằm tháng giêng năm nay, mình cũng ra Văn Miếu định xin lão chữ kí vào cuốn “Gió tháng ba vẫn thổi” nhưng thấy lão đang tí tởn vẽ kí họa mấy mụ nạ dòng. Mình châm một điếu thuốc, đứng từ xa quan sát mới phát hiện ra cách thức kí họa siêu tốc của lão quả thật là… siêu. Gặp những mụ sồn sồn hoặc đã sồ sề, lão kí họa nhanh lắm. Siêu tốc thì phải thế chớ! Gặp những em trẻ trung, xinh đẹp lão quan sát rất kĩ, rồi ngắm nghía, đôi mắt sau cặp kính của lão tít lại như một sợi chỉ. Rồi lão vẽ lâu ơi là lâu! Phải thế mới lột tả được cái thần của nhân vật chớ! Mà thiên hạ kể cũng lạ, nhất là mấy mụ đàn bà cứ xúm đen xúm đỏ, vòng trong vòng ngoài cho lão kí họa thì có gì là hay cơ chứ! Lúc này mình mới hiểu thâm ý của lão: Đã tự xưng là “lão” thì còn ai “đề phòng” với lão nữa. Đúng là tẩm ngầm mà đánh chết voi! Mình ghen tị với lão, mình mà biết kí họa siêu tốc thì thiên hạ cũng khối đứa chết!
          Có một đặc điểm là thơ Trần Nhương hơi bị nhiều gió: “Gió tháng ba vẫn thổi”, “Gió làng ta xanh ngát”, “Gió bát ngát đồng rừng”. Gió tháng ba vẫn thổi thì sang tháng tư không thổi nữa chắc? Mà lão làm như chỉ có mỗi Phú Thọ quê nhà lão là có gió ấy. Rồi gió gì mà xanh ngát, ngoa thế chứ lị!
Nói thật, xưa nay mình rất dị ứng với thứ thơ ngâm vịnh, hô khẩu hiệu, kiểu như: “Muốn hô một tiếng vang trời đất / Muôn năm muôn năm Mác – Lê nin”. (Xin các cụ thứ lỗi). Nhưng thật bất ngờ, ở tuổi cổ lai hi mà lão lại viết được những câu thơ hiện đại, sâu sắc và độc đáo làm mọi người phải ngưỡng mộ:
Người bán rau bỏ sâu vào cho thành rau sạch
Người nấu rượu bỏ đạm vào cho thành rượu ngon
Người bán hoa quả bỏ đioxin vào cho hoa quả tươi
Người quá lứa bỏ silicôn vào để thành người trẻ…
          Nói như Đinh Nam Khương, sự từng trải và am hiểu cuộc đời sâu rộng như vậy đã làm ta nể phục. Nhưng còn kinh hoàng hơn khi lão viết tiếp :
Người đểu cáng bỏ nụ cười vào để thành người thánh thiện
Người trọng bệnh bỏ tư tưởng vào mong trở thành tráng kiện…
          Đến đây, có một phát hiện thú vị: Nhà thơ Đinh Nam Khương người đã từng đạt giải nhất trong một cuộc thi thơ với bài “Từ những vết chân người”, khi đó Xuân Diệu trong ban giám khảo có nói, thơ hay nhưng hơi nhiều “chân”. Giờ thì ông thơ nhiều “chân” khen ông thơ nhiều “gió” như sau: Thì ra, dưới con mắt của lão mọi việc giả dối khoác áo cà sa đều hiện nguyên hình ma quỷ ! Không gì có thể qua được mắt anh. Lão quái lắm! Rồi lão chốt lại:
          Anh bỏ em vào câu hát
          Chúng mình cùng ca vang!
          Mà lão cũng lạ! Thiếu gì chỗ bỏ mà lão phải bỏ “em” cũa lão vào câu hát, thiên hạ có ai biết dung lượng câu hát của lão to đến mức nào không nhỉ? Mà có thế thì mới là thơ chứ! Thế mới là …Trần Nhương chứ!
Ôi lão Trần, em yêu lão quá đi thôi! Định mượn câu của Nguyễn Khải nói với Nguyễn Quang Lập để nói với lão rằng: Lão Trần ơi, em mà là đàn bà thì em đã tìm cách chửa hoang với lão từ lâu rồi. Nhưng rồi lại sợ lão giận, lão không cho đọc cái còm nữa thì chí nguy, chí nguy! Thôi, em chả nói nữa đâu lão ạ!
          Chào lão nhé, tất cả coi như em chưa nói gì!

NGUYỄN NGỌC KIÊN

1 nhận xét:

  1. khen lão Trần Nhương mất cả ngày
    những lời tếu táo thế mà hay
    Ngọc Kiên nếu sống không qua lính
    nỏ thế đùa hay đến thế này

    Trả lờiXóa