Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 4)

Nhà văn Phan Đạt Ninh
            Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

            Đã đăng:

          IV

          Sáng hôm sau Dũng chở Du đi chơi. Dũng muốn kiếm một chỗ vắng, tương đối yên tĩnh để trao đổi với Du được đầy đủ.

          Chiếc xe máy phân khối lớn lao vùn vụt trên đường đê. Dọc triền sông là ngô xanh mườn mượt trải dài cả cây số. Ngồi sau xe Du cố ngoái đầu lại nhìn để ngắm cái màu xanh ngút mắt đó. Du bảo Dũng:
          - Bãi ngô ở đây đẹp quá! Tớ đố tay họa sĩ nào vẽ nổi? Đố tay thi sĩ nào làm thơ tả nổi?
          Dũng nghe Du nói nhưng không trả lời. Dũng đang nhẩm tính sẽ vào trong phố bán quần áo mua cho Du vài bộ. Đời nào Dũng để Du quần áo thế kia, lại còn đôi giầy cũ rích nữa?
          - Du này, cậu vừa nói cái gì, nhắc lại tớ nghe?
          Du không hiểu ẩn ý của Dũng nên xúc động nhắc lại câu vừa nói. Dũng nghe xong cười bảo:
          - Ông Du ơi, không phải tôi không nghe rõ câu nói của ông về vẻ đẹp của triền ngô đâu? Nó đẹp thật! Nhưng nó không phải của ông, của tôi! Nó là của người khác. Việc của ông và tôi bây giờ là làm sao để ông có nhiều triền ngô như thế? Ông lãng mạn vừa thôi? Thời học sinh qua lâu rồi! Ông đừng bay bổng như mấy tay thi sĩ ăn bám vợ nữa? Ông còn nhớ cái Hải, cái Liên lớp 10B không? Vì yêu thơ mà lấy thằng chồng thi sĩ, giờ mài thơ ra mà ăn? Thằng chồng làm thơ thật hay nhưng không đủ tiền để nuôi cái mồm “Hay thuốc, hay rượu” của hắn. Giờ hắn ở nhà phụ vợ bán đồ gốm sứ trước chợ thị xã đấy!
          - Có nhớ! Tớ có nhớ! Hai đứa hoa khôi của trường thời ấy nhỉ? Thời ấy cái Hải chê tớ là “Thầy giáo Thứ”. Cái Liên bảo cậu là “Dân xứ mặt trời mọc”. Ngày ấy chúng nó mà kết tớ với cậu thì bây giờ kỷ niệm có phải sâu sắc, đẹp như sông quê không?
          Dũng nghe Du nói chuyện mà buồn cười” Thằng Du này vẫn giữ được cái thời xưa”.
          Du hắng giọng đọc thơ của một nhà thơ nào đấy:
          “Dòng sông ấy nuôi ta bằng những mùa ngô
          Bằng những con thuyền sớm sương chăng lưới
          Bằng bãi cát như da người mát rượi
          Bằng nhịp sóng đêm khuya với tiếng gọi đò.”
          Du đọc xong câu thơ bất chợt bảo Dũng:
          - Cậu ngày trước học giỏi văn, cậu bình khổ thơ ấy đi? Tớ thích nghe cậu bình thơ văn lắm. Cậu có khiếu đấy?
          - Thế bây giờ không giỏi văn? Không có khiếu à?
          - Thế thì cậu bình đi! Khổ thơ hay quá!
          Dũng cho xe chạy chậm lại hắng giọng bình:
          - “Dòng sông ấy nuôi ta bằng những mùa ngô”. Rõ nhé! Cả đời chỉ ăn ngô, không có gạo? Câu thơ hiện thực quá! “Bằng những con thuyền sớm sương chăng lưới”. Mới tờ mờ sáng, đất trời còn lạnh hơi sương đã phải đi bơi thuyền kéo lưới bắt cá? Có lẽ thủy tổ của kẻ bơi thuyền giăng lưới này là lão Trương Chi. “Bằng bãi cát như da người mát rượi”. Câu này chông chênh quá? Da mà như cát, hơi thấy rợn! “Bằng nhịp sóng đêm khuya với tiếng gọi đò” Trời ơi… nhịp thơ buồn man mác, bâng khuâng…? Ai đó mà vất vả đêm hôm đến thế? Chắc kẻ này không phải thằng tôi. Có lẽ giống ông thì phải?
          Du ngồi sau nghe Dũng bình thơ cười đến chảy nước mắt. Du nói:
          - Ông bình kiểu gì lạ tai thế? Giọng bình ngày xưa đâu rồi? Mấy tay bình thơ trên tỉnh giờ phải “Nể” cậu đấy Dũng ạ?
          - Không những “Nể” mà còn “Khiếp” tớ nữa!
          Cả hai cùng cười. Tiếng cười thoải mái vô tư của thời học sinh tuy đã xa lắc xa lơ giờ như sống lại.
          Đến phố bán quần áo, Dũng tạt xe vào một cửa hàng. Thôi thì đủ loại, đủ kích cỡ treo trong nhà, treo ngoài hè.
          - Vào đây làm gì Dũng?
          - Tớ vào xem có bộ nào đẹp thì mua. Ba cô vợ tớ cấm khi nào mua quần áo cho tớ. Tớ toàn tự mua lấy. Hình như các bà ấy nghĩ mình mặc đẹp là để đi theo gái không bằng?
          Dũng dựng xe phía hè vào chọn mua dăm bộ quần áo hàng hiệu Tô Châu, thứ vải tốt, may kỹ, kiểu đẹp.
          - Cậu mua gì mà lắm thế?
          - Ơ cái anh này, lạ nhỉ? Anh ấy thích thì anh ấy mua. Việc đếch gì đến anh mà ít với nhiều? Rõ người… Xế ra để tôi còn bán hàng Hãm ạ!
          Gã đàn ông chủ cửa hàng quần áo gườm gườm đôi mắt trên thủ cấp hình quả đu đủ trọc tếu nhìn Du nói.
          Dũng hất hàm hỏi:
          - Mấy tiền?
          - Ông anh cho thằng em ngần này!
          Dũng móc ví rút ra mấy đồng bạc lớn, mới cáu cạnh để như ném xuống mặt bàn. Nhìn các tờ tiền lớn, chủ hàng cười tít, nói:
          - Để em gấp cho vào túi cẩn thận. Bây giờ đa phần người ta chơi hàng hiệu chứ không khiêm tốn như ông bạn này của anh đâu?
          Dũng và Du biết tay chủ hàng nói đểu. Dũng liếc mắt nhìn gã chủ hàng nói:
          - Anh nhầm rồi, Rốc Pheo Lơ đấy?
          - Thế à! Anh cho tôi xin lỗi. Tôi nhìn anh ta cứ nhang nhác cái tay diễn viên gì đấy, mặt xương, để mấy sợi râu cô độc, trong bộ phim gì đấy thời bao cấp ăn cắp chiếc cat- set của người hàng xóm gì đấy?
          Dũng và Du phì cười vì cách nói chuyện của tay chủ hàng. Dũng xách túi quần áo đưa cho Du cầm rồi cả hai bước ra ngoài. Phía bên trái cửa hàng một thiếu phụ có nét mặt mất ngủ được trát nhiều son phấn, tay và cổ đeo nặng vàng, nói:
          - Anh vào mua hàng cho em đi. Nhiều hàng mới về rất thời thượng. Hàng của em đẹp lắm!
          Dũng thừa hiểu kiểu nói ỡm ờ để câu khách của ả. Dũng cúi đầu nói nhỏ vào tai thiếu phụ:
          - Biết rồi, để lần tới anh mua. Nhìn “Hàng” của em anh rất thích. Hàng đẹp lắm!
          Nghe chuyện Du không nói năng gì, mặt cứ đực ra.
          Hai người lên xe lách một hồi mới thoát ra khỏi con phố kẹt cứng người và phương tiện. Dũng cho xe chạy về phía hồ nước lớn, rợp bóng cây. Mái chùa xuất hiện trước mắt Du với bãi đỗ xe rộng.
          - Hôm nay là ngày gì mà người đi lễ chùa nhiều thế ông? Ta vào chùa thắp hương lễ phật đi?
          - Mười bốn. Mới rời mẹ đĩ có hai ngày mà cậu đã quên ngày quên tháng.
          - Nơi chùa chiền linh thiêng mà có những người ăn mặc hở hang thế kia à?
          Du nhận xét đúng. Phía trước là mấy cô gái mặc áo hở cổ, lấp ló hai bầu vú, chiếc váy ngắn cũn cỡn chỉ cần nghiêng người một chút, hoặc một cơn gió thổi là tốc lên, là lộ nội y ra ngoài. Thời nay nhiều cô gái, nhiều phụ nữ cố tình ăn vận thế. Họ ăn mặc vậy dường như để hấp dẫn cánh thanh niên, cánh đàn ông háo sắc. Mấy ông tướng trẻ tóc nhuộm xanh đỏ, áo in những hình kỳ dị, quần bò mài rách gối vừa nhai kẹo cao su vừa nói tục. Tất cả cứ thản nhiên nơi cửa phật.
          Du gằn giọng nói với Dũng:
          - Tớ mà có quyền, có trách nhiệm thì tớ đuổi lũ này về hết. Đứa nào bướng bỉnh tớ xích cổ lại, đừng có tự do dân chủ quá trớn!
          - Thôi đi thi sĩ. Thi sĩ cầu tài, cầu đức hay cầu lộc thì cầu đi? Tài đức chắc có rồi, chỉ thiếu tiền thôi. Ông nhắm mắt lại mà cầu, chỉ mai mốt các đồng bạc mệnh giá lớn sẽ bay về đầu giường ông đấy!
          - Tớ mất hứng khi vừa phê phán lũ người kia.
          - May là ông nói nhỏ với tôi. Nếu ông nói to lũ người kia nghe thấy chắc chẳng để ông yên. Nhẹ nhàng là chửi ông là thằng điên. Nặng nề thì ông sứt đầu mẻ trán.
          Dũng và Du cùng cười và lững thững tiến sâu vào phía trong. Du chợt hỏi Dũng:
          - Cậu cầu gì?
          - Tớ chỉ cầu phúc thôi! Tiền tài tớ đủ rồi chẳng dại gì mà tham. Các ngài ở đây có mắt đấy?
          Dũng và Du mỗi người tự sắm cho mình một lễ. Đặt được lễ rồi Dũng kéo Du ra gốc cây sát bờ hồ ngồi hút thuốc. Nước hồ màu xanh thẫm bởi ô nhiễm nặng. Từng cơn gió từ ngoài hồ thổi vào đem theo mùi tanh tưởi.
          Dũng đốt thuốc lá liên tục như bù lại khoảng thời gian ngừng hút.
          Du thèm thuốc lào nên cứ ngó nghiêng nhìn xung quanh xem ai đó có điếu để mượn. Du đã tìm được bạn thuốc lào ngồi bên. Đó là một cụ già có mái tóc trắng, dài, lõa xõa, có phong thái ung dung, thư thái. Cụ đưa chiếc điếu cày ngắn tun ngủn cỡ gang tay cho Du.
          Dũng đợi Du hút và “phê’’xong thuốc mới nói:
          - Tớ trao đổi thêm với cậu điều này. Cậu bàn với ông anh vợ ghép thêm mảnh vườn của ông ấy vào thì diện tích sẽ tăng gấp đôi. Khuôn viên rộng dễ bố trí. Nói tóm lại đất càng rộng càng tốt!
          - Tớ cũng nghĩ và đã trao đổi rồi. Ông anh vợ ủng hộ liền. Ông còn nói sẽ liên kết và góp vốn nữa.
          - Ông ấy có bao nhiêu tiền?
          - Ông anh vợ nói góp vào năm mươi triệu đồng.
          - Thế thì ổn! Mà ông làm sao thế? Đang bàn chuyện quan trọng mà ông cứ loay hoay như bọ gậy vậy?
          - Bọn xấu móc mất cái ví của tớ rồi! Có lẽ mất lúc chen vào đặt lễ?
          - Tớ quên không nhắc cậu cảnh giác. Trong ví có thứ gì?
          - Có vài trăm ngàn đồng thôi!
          - Tớ không hỏi tiền. Tớ hỏi giấy tờ trong ví cơ?
          - Chỉ có tiền. Còn chứng minh nhân dân tớ để trong túi ngực.
          - Thế thì chuyện vặt! Thôi, ta trở lại câu chuyện đang nói dở. Số cậu đang phát đấy! Tớ thấy cậu có đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thành công! Thời cơ vàng chỉ đến với người ta có một lần. Không có lần thứ hai đâu! Cậu nhớ đấy! Tớ sẽ giúp cậu cả phương hướng, biện pháp và một chút tiền. Thời trước cửa hàng, cửa hiệu phải bám mặt đường. Thời nay không cần thế. Vị trí chỗ cậu là đắc địa rồi. Thời trước dân nghèo như cậu nhiều như gà thả rông. Bây giờ những người như cậu chỉ là số ít. Các thượng đế cưỡi xe máy, xe ô tô đi mua sắm, đi đánh chén, nhậu nhẹt, chơi bời nên cự ly từ thị xã về chỗ cậu không phải là xa. Họ chỉ mươi phút phóng xe là đến. Nhà hàng của cậu có không gian yên tĩnh, rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh nên không khí trong lành. Tiên cảnh đấy Du ạ!
          Du ngồi nghe Dũng nói một thôi một hồi rồi thốt lên:
          - Sao ông tinh khôn vậy! Ông chẳng bù cho tôi chút nào? Tôi lớ ngớ, ú ớ việt gian quá!
          Dũng cười tinh quái rồi nói:
          - Rồi ông cũng tinh khôn ra thôi! Người ta càng va chạm, càng lăn lóc càng khôn ra. Đấy là điều thứ hai tôi nói với ông. Ông cần nhớ!
          - Ông nói với tôi cứ như thầy giáo giảng bài! Ông bảo tôi phải nhớ như nhớ công thức toán học à?
          Dũng cười hề hề và trở lại cách xưng hô cũ. Dũng nói:
          - Cậu tưởng tớ khác cậu à? Cậu nghe đây. Ngày xửa ngày xưa có một thằng Dũng luôn chép toán, lý, hóa của một người. Hôm thầy giáo trả bài nó vẫn được điểm cao, thậm chí nhiều lần điểm còn cao hơn người ấy. Người ấy bây giờ đang học nó làm kinh tế. Du này, cậu ở với tớ một thời gian quan sát tớ đánh võ rồi cậu cũng thành võ sư thôi. Có ma cũ nào không bắt đầu từ ma mới?
          Quá trưa. Cành hoa giấy hắt bóng xuống mặt đường. Dũng và Du phóng xe đi tìm chỗ ăn trưa.
          Cửa hàng thịt dê của lão Hai Lùn ở tít trong vườn đào. Dũng phải phóng xe đến mươi phút. Cửa hàng có biển hiệu lớn và cái đầu con dê thật được ngâm tẩm, sấy khô treo lủng lẳng. Người cứ từ đâu về ăn rất đông. Triết lý bán hàng của lão Hai Lùn là “Hữu xạ tự nhiên hương”. Dũng vòng xe sang bên trái đỗ xe dưới một gốc bàng già nơi đỗ xe máy. Phía tay phải Dũng là một bãi rộng đỗ xe tô. Dũng nói:
          - Cậu thấy chưa, đây là ngõ sâu nhé? Vấn đề là chỗ này rất rộng. Cậu có nhìn thấy mấy thằng nhóc đang rửa xe ô tô không? Vài chục ngàn một lần rửa đấy. Xe máy thì ít hơn. Lại còn cả đánh giày nữa! Thằng nhóc đang ngồi thụp xuống kia đánh giày cho khách đấy? Có thể nói việc gì cũng hái ra tiền. Cả nhà lão Hai Lùn sống đàng hoàng, sống khỏe bằng cái nghề phục vụ này đấy!
          Dũng đánh mắt tìm một chỗ thích hợp để ngồi.
          Lão Hai Lùn đến cười hỏi:
          - Hai em dùng gì?
          Dũng bảo Du:
          - Cậu thích món gì cứ gọi? Hôm nay tớ chiều cậu!
          Du nói to như thể hiện mình:
          - Bác cho bọn em hai tô mì tôm. Mỗi tô hai gói và hai quả trứng nhé?
          - Ấy chết! Sao lại mì tôm? Thôi để tớ gọi!
          Lão Hai Lùn cười.
          Dũng cầm tờ thực đơn chỉ cho lão Hai Lùn. Lão gật đầu rồi bước vào.
Một lát sau lão cho người bưng đồ nhậu ra. Dũng nói:
          - Du ơi đánh chén đi! Đây là món dê tái chanh! Kia là món dê xào xả ớt! Còn trong bát là quả “Cà” dê đấy. Món này đại bổ cho nam giới, phụ nữ nhiều người cũng thích lắm. Món này phải ăn nóng! Rượu “Ông Cụ” nhà hàng này cũng ngon nổi tiếng. Cậu dùng đi! Chén xong ta làm bát cơm nữa là ổn!
          Phía bàn bên mấy phụ nữ nghe Dũng nói món cà dê tủm tỉm cười. Du rót rượu cho Dũng, cho mình rồi hai người uống cạn.
Phía bàn bên có tiếng gọi:
          - Anh Hai Lùn ơi, lại đây em hỏi?
          - Có anh ngay!
          Lão Hai Lùn người lùn tịt như nấm nhưng nhanh phải biết. Hai chân lão cứ như có bánh xe để chạy. Lão tươi như cỏ mùa xuân trước mặt khách dù khách đó là ai, là hạng gì, xấu nết, tốt nết lão đều phục vụ chu đáo, phục vụ như nhau. Bài học nhớ đời của lão là dạo trước lão cho vợ làm việc này, vợ lão mắng mấy thằng trẻ ranh nói bậy, nó trả thù mới sâm sẩm tối tụi nó đốt quán của lão.
          - Có anh ngay! Hì hì hì…
          - Anh cho em hỏi một câu nhé?
          - Một câu, nhiều câu cứ hỏi! Anh biết thì trả lời. Câu nào chưa biết thì cho anh nợ! Được chưa?
          - Anh chị có phép gì mà giỏi thế? Đẻ đến bốn thằng con trai?
          - Cả anh nữa là năm thằng! Tất cả do đánh chén thường xuyên thịt dê đấy. Thịt dê hay lắm. Nhất là “Thứ quả thần dược này” !
Nghe lão Hai Lùn trả lời cả phòng ăn lại cười ầm lên.
          - Nào dô! Nào dô!
          - Ông anh ơi cho em hỏi một câu nữa?
          - Cô cứ hỏi. Được phụ nữ hỏi là sướng lắm!
          - Ông anh cho sửa cái mặt dê kia để thành mặt người có phải ẩn ý không? Em tin khi anh sửa xong có rất đông phụ nữ như tụi em đến đấy! Đàn ông càng khỏe càng quý ông anh ơi? Khi đó ông anh cứ “Mải thoái” ngồi thu tiền! Tôi góp ý thế có phải không các quý ông, quý bà?
          Người nói vừa dứt lời là cả một trận cười rầm rĩ từ thực khách đến chủ quán, là tiếng hò hét, tiếng mở nút chai, mở nắp lon nghe bôm bốp.
          Dũng nhìn Du nói:
          - Đấy! Cậu thấy chưa? Ra tiền ra bạc đấy!
          Du gật đầu nói:
          - Công nhận bao la là chuyện. Thế mới biết thiên hạ? Cái xứ Việt Nam mình rôm rả thật.
          Ăn xong Dũng gọi chủ quán đến thanh toán tiền. Lão hai Lùn không thu tiền. Lão có một ả chuyên thu tiền của khách. Ả đẹp, kín đáo nhưng rất khéo để lộ cái lẳng lơ cho khách. Du tế nhị quay mặt đi không dám nhìn vào “Đảo chìm, đảo nổi” của ả.


(Còn tiếp)

Phan Đạt Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét