Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

NGÔ THÌ VỊ ĐỀ THƠ LẦU HOÀNG HẠC



          Trần Hùng

          Dòng họ Ngô Thì là dòng họ danh tiếng ở Việt Nam, sản sinh ra một dòng văn học lớn ở nước ta trong khoảng thế kỷ 18-19, gồm nhiều nhà thơ, nhà văn có tài năng thực sự. Trong đó nổi lên mấy đỉnh cao tiêu biểu: Ngô Thì Ức, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Vị, mà Ngô Thì Nhậm là đỉnh cao của các đỉnh cao ấy. Bài dưới đây nói về Ngô thì Vị và bài thơ "Đề Hoàng Hạc lâu" của ông.
          Ngô Thì Vị (còn có tên là Ngô Thì Hương), sinh ngày 17/10-1774 tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là em Ngô Thì Nhậm và là con út Ngô Thì Sĩ, sinh ra được 6 tuổi thì cha mất, cùng với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, gia đình lâm vào cảnh khốn khó, gieo neo và ly tán.
          Khi Gia Long lên ngôi vua (1802), ông được thu dụng, thời kỳ đầu làm Thiêm sư bộ Lại. Năm 1809 ông được sung làm phó sứ trong đoàn sứ sang nhà Thanh. Ghé thăm Hoàng Hạc lâu, ông đọc thơ Thôi Hiệu, cũng nghe giai thoại về việc Lý Bạch đến Lầu Hoàng Hạc định đề thơ, nhưng thấy bài thơ của Thôi Hiệu đề trên vách, Lý Bạch bèn vứt bút, ngửa mặt than rằng:
          Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
          Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

          (Trước mắt thấy cảnh không tả được,
          Vì Thôi Hiệu đã đề thơ ở trên đầu.)
          Vậy mà Ngô Thì Vị vẫn điềm nhiên cầm bút viết "Đề Hoàng Hạc lâu". Phiên âm Hán Việt như sau:
         Hán thủy thành biên vân thụ thu,
         Tiên nhân bất kiến chỉ không lâu.
         Hà thời thiên tế lai hoàng hạc?
         Để ý giang trung phó Bạch âu.
         Lý Bá vị ưng thâu bút lực,
         Thôi quân bất hợp tác tương sầu.
         Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị
         Đấu đảm đề thi ký thử du.

Dịch nghĩa:
         Bức thành bên sông Hán Thủy bóng cây và mây mùa thu,
          Hạc vàng ở bên trời bao giờ trở lại?
         Giữa sông cứ mặc đàn âu trắng bơi.
         Nhà thơ Lý Bạch chưa chịu thua ai về bút lực, sao lại chù bút?
         Nhà thơ Thôi Hiệu luôn nhớ quê cũng không là hợp cách.
         Sứ thần Việt Nam là Ngô Thì Vị
         Đánh bạo đề thơ ghi lại cuộc chơi hôm nay.
Tạm dịch thơ:
              ĐỀ LẦU HOÀNG HẠC
         Hán Thủy bên thành cảnh sắc thu,
         Người tiên chẳng thấy, thấy hoang lầu.
         Bên trời liệu có về hoàng hạc,
         Trên sóng cứ bơi thỏa bạch âu.
         Bác Lý tài cao sao bút gác?
         Ông Thôi quê lạ đã thơ sầu.
         Việt Nam sứ giả Ngô Thì Vị
         Đánh bạo đề thơ tả viễn du.
                             Trần Kiều Am dịch
          Bài thơ của Ngô Thì Vị độc đáo khác người, ông tỏ ý tiếc là nhà thơ Lý Bạch bút lực dồi dào mà chịu chùn bút trước bài thơ đề trên vách lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu. Còn nhà thơ Thôi Hiệu mới xa quê mà đã buồn nhớ quê là không thích hợp, không thấm vào đâu so với nối buồn xa quê của vị sứ giả Việt Nam, người phải vượt núi non ngàn trùng cách trở, đi sứ nước người, mới thật là nỗi buồn nhớ quê hương thấm thía không dễ nguôi quên. Ông tỏ rõ vóc dáng tự hào của người đại diện cho dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện lòng tự tôn, tự hào của dân tộc và con người Việt Nam.
          Bài thơ lời lẽ khảng khái, chau chuốt; ý thơ tự nhiên, không cường điệu, thực sự là bài thơ hay, rất đáng được chúng ta quan tâm tìm hiểu và thưởng thức.
            15/7-2013
         TRẦN HÙNG
        (Trần Kiều Am)
    Sưu tầm và giới thiệu


            Nguồn: Một số tác giả và tác phẩm Ngô Gia Vă Phái. Ty Văn hóa thông
tin Hà Sơn Bình, 1980, tr. 179-190.
            Wikipedia: Mục từ Lầu Hoàng Hạc.và Ngô Thì Vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét