Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 3)



            Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

            Đã đăng:

          3

          Gửi con bên nhà bác cả, sáng nay vợ chồng Du cuốc bộ mấy cây số ra ga tàu. Cái ga nhỏ bé ở một vùng bán sơn địa thưa thớt người. Hành trang Du đem đi là một ba lô đựng hai bộ quần áo, gói cơm nếp, cái điếu cày, một chai nước và túi lạc nhân làm quà cho Dũng.

          Chuyến tàu xuôi Hà Nội còn gần một giờ nữa mới đến. Vợ chồng Du còn nhiều thời gian để nói chuyện.
          - Đến giờ anh cũng chưa hình dung ra học cái gì ở Dũng nữa?
          - Thì mình cứ nhìn người ta làm rồi tự tìm ra bài học cho mình.
          Nghe vợ trả lời thế, Du gật gù khen:
          - Lý luận của em đơn giản mà tuyệt vời. Thế mà từ hôm nọ anh cứ loay hoay nghĩ mãi.

          Quanh vợ chồng Du khách đi tàu toàn dân lao động. Đám thanh niên da xạm nắng, tóc vàng hoe, bù xù, ngồi bên những bao tải lổng chổng thước xây, dao xây, những hòm đựng quần áo bằng tôn đang hút thuốc lào sòng sọc. Họ là thanh niên nhà quê ở các xã bên ra thành phố làm xây dựng.
Phía đầu gió mấy cô gái có lẽ là sinh viên đang nói chuyện:
          - Mấy “Lão” kia hút thuốc lào khiếp quá!
          - Thế khác gì đốt phổi? Ô nhiễm quá!
          - Các em nói lạ? Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện. Các em đi học làm gì cho tốn tiền, tốn gạo của bố mẹ? Các em cứ ở nhà cuối năm anh đến xin cưới có phải ổn không?
          - Các anh còn chưa nuôi nổi bản thân mà dám nói thế à? À, mấy anh làm ơn đổi cho em “Ít tiền lẻ” để em mua vé với?
          - Anh không biết tiêu “Tiền lẻ”. Bọn anh toàn dùng tiền mệnh giá lớn thôi! Các em ở xóm nào, xã nào mà “Chơi” bọn anh ác thế?
Bà cụ bán hàng nước trong quán tuổi đã cao, tóc đã bạc trắng ngồi nghe bọn thanh niên nói chuyện với nhau bà chỉ cười. Thấy vậy Du bảo vợ vào quán uống nước:
          - Cụ cho xin hai chén trà. Con hỏi không phải năm nay cụ đến tám mươi chưa?
          - Tám mươi tư rồi! Chắc chị tiễn anh ra tàu phải không?
          - Dạ vâng.
          Hạnh cười trả lời bà cụ.
          - Sao cụ không ở nhà với con cháu cho khỏe?
          - Các em nó cũng bảo thế! Ngồi đây ngày cũng kiếm được dăm chục giúp đỡ chúng nó.
          - Cụ cho con mua ba chiếc bánh chưng? Con gửi tiền cụ.
          Phía xa tiếng còi tàu hú.
          - Ở nhà em cứ yên tâm, nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm sóc các con. Có lẽ chỉ mươi ngày anh về.
          Du lặng lẽ lên tàu.
          Khoảng hai giờ chiều Du đến ga Hà Nội.
          - Trời đất!
          Du thốt lên vì sự thay đổi quá nhanh của thành phố. Đã lâu, có lẽ đến bảy, tám năm nay Du không ra Hà Nội. Du nhanh chóng hòa vào biển người. “Người ở đâu đổ về đây nhiều thế?” Suy nghĩ ấy cứ ám ảnh Du. Trước mắt Du tất cả cứ hối hả, chen lấn, mua bán, người và xe cứ rối mù, ngược xuôi, lộn xộn.
          Du tìm được lời giải cho mình “Đất quê khó kiếm tiền!”
          Giờ đây trong đội quân tả phế lù đó, Du là một thành viên.
          - “Xếp” ơi về đâu em “Trở” ?
          Bốn gã xe ôm đỗ sát xe vào Du mời chào.
          - “Xếp nên” xe em! “Nên” xe em!
          Du cười nói:
          - Các anh em thông cảm cho tớ. Cái cậu nhỏ thó này đồng hương Hải Đồ với tớ. Để tớ đi xe nó!
          Du nói đại thế chứ đồng hương cái gì. Ba gã xe ôm kia than vãn, tiếc nuối nói:
          - Lại còn đồng hương ở đây nữa! Thoải mái đi “Xếp” !
          Du cầm chiếc mũ xe máy từ tay người lái xe ôm mà Du nói là đồng hương rồi nói:
          - Cậu phải tập nói đi, ai lại ngọng thế! Cậu định “xếp xó” tớ à? Cậu ngọng ét sì với ích sì, lờ cao với nờ thấp ghê quá!
          - “Xếp” thông cảm. Em quen rồi, khó “Xửa nắm” !
          - Đấy, cậu vẫn ngọng! Ờ mà này, tớ là dân nghèo từ miền quê đồng ruộng ra Hà Nội học nghề kiếm sống. Cậu lấy tớ mấy tiền về “Phố thịt chó bờ sông” đấy? Cậu nói thật giá ăn ngay!
          - Ông anh bảo dân quê mà “Lói” nghe ghê thế?
          Du buồn cười buông câu:
          - Bao nhiêu? Một phát ăn ngay!
          - Ông anh cho thằng em một trăm ngàn đồng nhé?
          - Mấy cây số mà đòi lắm thế? Vặn răng ra, vỏ hến à?
          - Mười cây số đấy ông anh ạ? Xăng lên giá rồi!
          - Tớ trả cậu phần ba số tiền có đi không?
          - Ông anh cho tám mươi ngàn?
          - Ba mươi lăm ngàn?
          - Bảy mươi ngàn?
          - Bốn mươi ngàn?
          - Thế thì mời ông anh đi bộ!
          Cũng chỉ mong có thế, Du quyết định đi bộ. Dăm cây số nghĩa lý gì với Du. Còn bảy chục ngàn với Du lớn lắm! Ở quê số tiền này đủ chi cho thức ăn một ngày của cả nhà. Thứ nữa đi bộ Du còn ngắm được phố xá, hiểu thêm được cuộc sống, cách kiếm tiền của biển người hỗn độn này. Du đã được nghe người ta nói về maketinh. Maketinh là cái quái gì khi cái biển người này giống nhau cả?
          - Ông đi thế nào thế? Muốn chết hả! Vỉa hè sao không đi?
          Trước mặt Du là người đàn ông cưỡi xe máy mắng Du té tát. Du nói lại:
          - Vỉa hè còn chỗ đếch nào đâu mà đi. Xe máy, hàng hóa bày kín cả?
Những con phố dài, ngã ba, ngã tư, ngõ ngách chỗ nào cũng đông kín người hối hả.
          - Có gì bán không anh trai?
          Người thanh niên ngồi trong quán nước đội sùm sụp trên đầu chiếc mũ cối hất hàm hỏi.
          Du cười, lắc đầu. Du quyết định dừng chân vào quán uống chén nước, hút điếu thuốc.
          - Chị cho tôi chén trà?
          - Vâng mời bác ngồi. Có ngay!
          Du ngồi xuống ghế.
          - Tôi chẳng có gì bán cả! Bác cho tôi mượn cái điếu?
          Người đàn ông trung tuổi chuyển cho Du chiếc điếu làm từ ống nhôm có chạm rồng bay rồi cứ thế ho khùng khục. Ông ta cúi đầu kéo cái xô nhựa từ gầm bàn ra rồi cứ thế ho và khạc nhổ vào đấy. Đờm rãi từ trong miệng, trong phổi, trong dạ dày ông ta cứ đùn ra.
          Chủ quán liếc mắt nhìn rồi thét lên:
          - Khiếp quá! Sao ông lại nhổ vào đây? Ông đem đổ ngay thứ này vào thùng rác bên kia đường cho tôi nhờ!
          Người đàn ông lừ đừ ánh mắt say thuốc và đỏ ngàu vì ho lôi chiếc thùng nhựa ra rồi lại khạc nhổ tiếp vào đấy. Ông ta cầm chiếc điếu cày dận dận đám lá bánh, giấy bẩn trong chiếc xô khiến số đờm rãi chìm xuống.
          - Bác này về đâu mà ba lô túi rết thế? Bác cẩn thận đấy? Kẻ cắp bây giờ nhiều lắm, đủ loại nhãn mác, hèn có, sang có, mất cảnh giác là chúng chôm luôn!
          Du thấy mình ngồi quán chả lẽ uống mỗi chén nước, hút thuốc của mình khó coi. Du nói:
          - Chị cho tôi chén rượu?
          - Có ngay! Nếp cái hoa vàng!
          - Vừa nãy chị nhắc tôi cẩn thận kẻo kẻ cắp. Nói thật với chị kẻ cắp nếu lấy được chắc lại chửi tôi là đứa đểu, lừa nó!
          - Bác nói gì lạ thế?
          - Nói thật với chị trong ba lô, túi xách chẳng có gì đáng tiền cả. Tôi một vợ ba con nhỏ, cả nhà trông vào mấy sào ruộng, làm ra tí nào cho vào nồi hết. Chị có biết tôi phải cuốc bộ để đỡ mấy chục ngàn xe ôm không? Tôi ra Hà Nội đợt này là đến chỗ anh bạn để học nghề, học cách kiếm tiền cho vợ con đỡ khổ. Từ sáng đến giờ tôi đã cơm cháo gì đâu! Gói cơm nếp vợ nấu hồi sớm vẫn trong túi xách đấy!
          - Thế à? Chắc bây giờ bác đói lắm! Bác lấy cơm ngồi đây ăn cũng được. Bác đừng ngại. Thấy người hoàn cảnh và tốt là tôi thương. Bác đúng là người vì vợ, vì con. Chẳng bù cho thằng chồng tôi, từ khi mở quán bán hàng này, có đồng vào đồng ra nó dửng mỡ. Cờ bạc, gái mú… Khốn nạn quá!
          - Thế thì chị phải liệu mà khuyên anh ấy?
          - Thằng chồng giời đánh ấy có Thiên Lôi bảo!
          - Anh ấy đâu rồi?
          - Nó ở trên phố “Địa Đàng” ! Đầu năm nay nó tụ tập với lũ bạn mất dạy uống rượu say rồi rủ nhau phóng xe sang “Phố Đĩ” bên kia cầu để chơi gái. Hôm sau phóng xe về húc đổ cả xe tải trên đường.
          - Anh ấy có sao không chị?
          - Đăng ký hộ khẩu ở phố “Địa Đàng” quận “Vĩnh Hằng” gần năm rồi! Thế là tôi hết nợ! Ngày nó còn sống nhiều lần nó thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh tôi. Bốn đứa con thương mẹ vào giữ bố, nó còn tát cho thằng con lớn hộc máu mồm, máu mũi ra đấy. Nó thét vào mặt ba đứa nhỏ. Ngày nó chết có đứa con nào khóc đâu!
          - Chị vừa nói “Phố Đĩ” là ở đâu vậy?
          - Ở thành phố này chứ ở đâu nữa! Cả một phố lớn nhan nhản lầu xanh nhà thổ trá hình. Thôi thì đủ thành phần xã hội, từ anh đầu chày đít thớt, anh thương gia sẵn tiền trong túi đến người có học, có chức, có quyền, xe máy, ô tô ngày đêm mò đến. Thế mới khốn nạn! Bao nhiêu là cám dỗ! Cái lũ đàn bà con gái làm nghề bán trôn nuôi miệng, cái lũ đàn ông thối tha ấy cứ cho lên trực thăng bay đổ ra biển cho cá voi, cá mập nó xơi!
          Thấy chủ quán có vẻ bức xúc Du không hỏi nữa. Du lôi bọc xôi từ trong túi xách ra đặt nó trên bàn nói:
          - Chị cho tôi ngồi nhờ chút nữa?
          - Không sao. Bác cứ tự nhiên!
          - Vợ tôi gói nắm xôi to quá. Nếu chị không ngại tôi xẻ cho các cháu một nửa nhé?
          - Ồ, không! Bác cứ dùng đi!
          - Làm sao tôi ăn hết được.
          - Bác nói thế thì em nhận. Gạo nếp mới thơm quá!
          Du cầm con dao nhỏ của chủ quán cắt đôi nắm xôi. Du gói một nửa đưa cho chủ quán. Nửa còn lại Du cắt đôi tiếp lấy một phần đưa cho người đàn ông từ nãy đến giờ vẫn luẩn quẩn bên Du. Người đàn ông cứ ngơ ngác nhìn không dám nhận. Thấy vậy chủ quán nói:
          - Bác ấy cho thì cầm lấy. Bụt chê oản chiêm hả?
          Người đàn ông cười và rụt rè nhận góc xôi từ tay Du. Ông ta ăn thật ngon!
          - Bác là khách xa không biết. Ông ấy mắc bệnh trầm cảm bỏ nhà đi lang thang đấy? Nhà ông mãi tận Thái Bình. Mà cũng lạ gần năm nay rồi chẳng thấy người nhà đâu cả. Ngày đầu thấy ông ấy vật vờ ở quán tôi sai gì cũng làm. Bây giờ thành quen. Mãi gần đây tôi mới biết ông ấy đổ bệnh vì lũ con hư hỏng, nghiện ma túy. Ông ấy có bốn thằng con nhưng chết gần hết rồi!
          Du thanh toán xong tiền cho chủ quán rồi khoác ba lô đi tiếp. Du biết từ đây về nhà Dũng còn chừng dăm cây số nữa. Du nghĩ: “Cái thằng Dũng này, mày có biết tao giờ này đang ở đâu không? Tại sao tao lại không gọi điện cho mày để mày ra đón? Tao không thích thế! Tao muốn cho mày bất ngờ về tao, cũng như tao bất ngờ về mày. Liệu mày có nhiệt tình giúp tao hay lại đầu môi chót lưỡi như bao kẻ khác? Tao đang nghèo khó nhưng không hèn! Tao đang cần mày giúp đỡ đây! Đã mười mấy năm nay gia đình vợ con tao là người gắn cái nhãn “Những người khốn khổ” của cụ Vích To Huy Gô rồi!
          Mải đi, mải nghĩ Du đến giữa phố Tầm Xuân lúc nào chẳng biết. Nhìn ngược nhìn xuôi con phố thấy nhà hàng thịt chó, cơm phở như nấm mọc sau mưa. “Nhà hàng nào của Dũng?” Du đang phân vân thì có người gọi:
          - Bác gì về đâu?
          Người xe ôm đứng bên lề đường hỏi hắt sang.
          - Tôi về đúng phố này rồi! Chú có biết nhà hàng “Dũng Chó” thì chỉ giúp tôi?
          - À, à. Bác đi tiếp khoảng mười số nhà nữa là đến! Cha này nhiều tiền, nhiều vợ lắm!
          Nghe người hành nghề xe ôm nói Du bật cười:
          - Cái thằng này gớm thật!
          Du quay sang người lái xe ôm hỏi lại:
          - Chú có nhầm không đấy?
          - Tôi là ma xó vùng này làm sao nhầm được! Cả cái phố này có duy nhất cái nhà hàng ấy treo biển “Dũng chó” !
          Du cám ơn người lái xe ôm rồi đi tiếp. Du nhớ lại: “Thế thì đúng rồi!   Thằng Dũng ngày trước học dốt nhưng mồm mép nhất trường. Ngày nhà trường tổ chức đi tham quan, nó lặng lẽ tách đoàn khi nhìn thấy một sư nữ trẻ đẹp ở ngôi chùa kề bên. Nó cứ sán vào mà tán. Đến nỗi vị sư trẻ đẹp kia thấy mình như phạm tội, rời xa nó mà cứ A mô di đà phật. Thấy không ổn nó nói thẳng: “Em đừng nương náu nơi cửa phật nữa. Về với anh đi. Về tu tại gia cũng được”. Thằng Dũng chỉ thôi khi có một bàn tay ai đó đặt vào bờ vai nó với lời nhắc” Thôi đi ông tướng” nó mới chịu bỏ đi.
          Dũng tuy học dốt toán, lý, hóa nhưng các môn xã hội nó thường nhất nhì lớp. Mỗi lần kiểm tra hay thi học kỳ, các bài toán, lý, hóa Du làm xong là đùn sang cho Dũng chép. Dũng chép rất nhanh và trình bày đẹp nên thường cao hơn điểm Du. Cái lần thi tốt nghiệp mới đáng nhớ. Lần ấy Dũng với Du được ngồi gần nhau nên các bài thi môn tự nhiên, môn xã hội Dũng và Du đều đạt điểm tối đa cao nhất trường.
          Còn chuyện Dũng giàu sang, lắm tiền nhiều của chắc chỉ đúng vế sau. Còn “Sang” thì chưa hẳn? Dũng kiếm tiền giỏi lắm. Thời học sinh Dũng lặn lội về tận Hải Phòng sục mua loại giấy bóng lụa mỏng như lớp kem xoa mặt của dân phe lậu đem về Bắc Ninh bán cho cánh chuyên sản xuất thuốc lá rởm. Mỗi lần như vậy Dũng kiếm được rất nhiều tiền.
          Đúng như Du suy nghĩ. Nhà hàng “Dũng chó” có cái tên khêu gợi, ấn tượng nằm ở vị trí đắc địa, không phải đường một chiều mà còn dài theo phố dễ chừng vài trăm mét. Phía sau giáp bờ sông nên đầy nắng gió lại không ai che chắn nữa.
          Du đã nhìn thấy Dũng. Dũng bây giờ vẫn để kiểu tóc húi cua gần như trọc, người lùn, béo ục ịch nom từa tựa ông phật Di Lặc. Dũng đang đứng dơ chân, dơ tay nói chuyện với đám khách hàng đang ngồi xếp vàng trên chiếu. Đám thực khách cũng húi đầu trọc, quần bò, áo phông, áo da đang nhồm nhoàm nhai thịt chó.
          Du tìm một vị trí phù hợp ngồi. Một phụ nữ tuổi chừng bốn mươi trông hiền dịu vẻ đẹp thôn quê đến bên Du nhẹ nhàng hỏi:
          - Quý khách dùng món gì ạ?
          Du không trả lời mà hỏi lại:
          - Nhân viên nhà hàng hết rồi hay sao mà bà chủ phải làm?
          - Ấy chết! Sao quý khách nói thế? Bà chủ cũng có lúc phải làm chứ!  Chủ cũng là dân lao động cả.
          - Thế à! Cô cho tôi bộ chân chó với cút rượu? Cô có biết xơi chân chó có tác dụng thế nào không?
          Người phụ nữ cười nói:
          - Anh Dũng nhà em cũng thích gặm chân chó! Em nghe nhà em nói” Nếu xơi đủ bộ chân chó đi cả ngày không mỏi nhức chân! Chân chó là đôi hài vạn dặm!” có đúng không ạ?
          - Dũng chồng cô là người vui tính, hài hước đấy? Tôi với Dũng chồng cô là bạn học với nhau từ thủa nhỏ. Cô lại gọi Dũng ra đây!
          - Thế à! Quý hóa quá! Anh đợi em một chút nhé!
          Đợi cho vợ Dũng đi rồi Du mới nhận xét: “Thằng này có cô vợ trẻ đẹp và biết nói chuyện!”
          Rời khỏi “Ngũ vị” đại ca Dũng đi về phía Du. Dũng chìa tay bắt chặt tay Du và nắm lấy. Dũng hỏi:
          - Cậu tới lâu chưa? Chắc mệt rồi hả? Để tớ gọi nhân viên bố trí cho cậu ăn uống nghỉ ngơi đã? Chuyện trò nói sau!
          Chừng mười phút sau một thanh niên đến bên Dũng và Du nói:
          - Báo cáo chú cháu đã xếp phòng xong. Mời chú ạ.
          Dũng vỗ vào vai Du cười nói:
          - Cứ thế nhé, ăn ngủ cho khỏe đã! Phi thực bất thành văn!
          - Cái cậu này! Nho với cả nhe!
          Người giúp việc dẫn Du vào một phòng khá rộng rãi, lịch sự. Căn phòng rộng chừng ba chục mét vuông, sàn nhà lát gỗ sáng bóng. Trong phòng được kê bộ sa lông bọc da màu Hoàng yến. Người giúp việc nói:
          - Chú ăn tạm tô phở rồi tắm rửa nghỉ ngơi, cháu xin phép ra ngoài.
          - Ừ, cám ơn cháu.
          Khi người giúp việc đi rồi, Du mới ngồi xuống bàn. Cả ngày vất vả trên đường, đói, mệt, giờ trong phòng sang trọng có đồ ăn đồ uống bày biện sẵn Du thấy người thoải mái, dễ chịu. “Muốn gì thì muốn cũng phải làm vài chén cho dãn xương cốt đã”. Du rót rượu ra uống.
          - Chà, chà… rượu tay này cũng ác đấy nhỉ?
          Du uống một hơi hết chén rượu rồi mới ăn phở. Phở nóng và ngon. Du cúi đầu xì xụp ăn. Khi đã ăn hết một nửa tô phở Du mới rót chén rượu thứ hai. Chén này Du uống chậm và khề khà.
          Dũng từ dưới nhà lên cười hề hà nói:
          - Cậu ở nhà đi lúc mấy giờ?
          - Hai giờ chiều tớ đã đến ga Hà Nội.
          - Thế cậu còn đi những đâu mà giờ mới tới?
          - Tớ nhẩn nha cuốc bộ để ngắm đường phố, ngắm người. Nhà to, nhà lớn mọc lên ghê quá, đường phố người đông như chợ. Tớ thấy lam lũ quá!
          - Bây giờ cậu tắm rửa rồi nghỉ. Tối hãy nói chuyện?
          - Vừa nãy cậu nói chuyện với cánh khách nào mà cứ khua chân múa tay thế? Thanh niên chó gì mà trông như kẻ cướp vậy? Quần bò, áo phông, áo da, đầu trọc, nói tục như ranh!
          - À, cánh làm nghề đòi nợ thuê. Họ phải thế mới được việc. Bây giờ nó thế đấy!
          - Lại còn thế?
          - Thời buổi này nhiều kẻ bầy hầy lắm. Chiếm dụng vốn của người khác như chơi. Phải có cánh này mới đòi nợ được. Luật pháp và luật rừng cạnh nhau. Cây bút, tờ giấy, khẩu súng và dao búa sẵn sàng đổi chỗ khi cần. Cậu có bị ai quỵt tiền không để tớ bảo cánh này họ đòi cho? Kể cả cánh iêng hùng, lì mặt nhất?
          - Có lẽ mười năm nữa tớ mới phải nhờ cánh này?
          - Thương trường là chiến trường Du ạ! Cạnh tranh nhau ráo riết. Phần thắng luôn thuộc về kẻ mạnh!
          Dũng nói xong ra ngoài khép cửa để Du đi nghỉ.
          - Anh chàng Dũng này hay thật! Có lẽ trên là trời dưới đất là nó!
          Du vào phòng vệ sinh xả nước tắm. Nước nóng, nước lạnh, khăn tắm, xà bông đầy đủ. Thứ ánh sáng cũng lạ, tạo cảm giác sáng mà ấm. Du nghĩ mà thương vợ con mình. Khổ nhiều quá! Khổ từ chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ vệ sinh! Du nhớ bận đứa cháu gái ngoài thị xã về chơi muốn đi vệ sinh mà không dám khi nhìn thấy nhà vệ sinh chỉ là ba đoạn tre ghép lại bắc qua. Nó nói: “Cô chú tài thật đấy! Nhỡ sơ sẩy ngã xuống thì thôi rồi!” Lại còn chỗ tắm của vợ nữa, hoen hoẻn có hơn một mét vuông, nền xếp gạch vỡ, bốn phía là tường đất, lá cọ, mảnh áo mưa che…
          Cái mỏi mệt sau nửa ngày trên đường, cái no ấm thân thể khiến Du ngủ lúc nào không biết.
          Tám giờ tối Du mới tỉnh dậy. Đường lên đèn sáng rực. Du xuống tầng một. Dưới sân Dũng đang ngồi nói chuyện với ba người phụ nữ có khuôn mặt giống hệt nhau. Người đứng tuổi nhất Du đã biết đấy là vợ Dũng, còn hai phụ nữ kia chắc là hai cô em gái vợ Dũng đến chơi hoặc là như người xe ôm đã nói?
          Thấy Du xuống Dũng cười nói:
          - Thế nào đã hết mệt mỏi chưa? Lúc bảy giờ tớ lên thấy cậu ngủ say quá lại còn lảm nhảm nói mơ nữa?
          - Làm gì có chuyện nói mê? Ông tướng chỉ phịa!
          - Phịa là thế nào? Cậu có biết cậu nói gì không? Cậu gọi ai là Hạnh? rồi còn cu lớn, cu nhỡ, cu bé nữa?
          - Thế à? Thế là đúng tớ nói mê rồi! Hạnh là tên vợ. Còn cu lớn, cu nhỡ, cu bé là ba đứa con.
          - Từ trước đến giờ Dũng chưa hề nói cái gì sai với Du nhé? Đúng không?
          - Công nhận!
          Du cười thừa nhận điều Dũng vừa nói rồi nhìn ba người phụ nữ ngồi bên Dũng hỏi:
          - Ba cô này giống nhau nhỉ? Chắc là chị em ruột phải không?
          Người phụ nữ lớn tuổi nhất trả lời:
          - Vâng. Anh Du tinh mắt thật!
          - Ba cô, cô nào cũng xinh đẹp cả. Còn tôi chắc chắn Dũng cũng nói với mọi người rồi nên tôi không cần phải tự giới thiệu nữa.
          Cũng lúc này người phụ việc đến bên Dũng nói:
          - Cháu mời mọi người xuống ăn cơm. Cơm canh chu đáo rồi ạ!
          - Ta xuống ăn cơm đi. Vừa ăn vừa nói chuyện ông Du ạ.
          Bữa cơm tối rôm rả khi Dũng giới thiệu về các thành viên trong nhà:
          - Tớ thì Du chẳng lạ gì nữa. Lý lịch ba đời bán thịt chó. Đời tớ là đời thứ ba. Cho nên cái gì cũng ba cả. Con gái đầu lòng mười lăm tuổi, trưởng nam mười một, thứ nam chín. Con gái đầu là tác phẩm của Mơ, vị này đây. Hai con trai là tác phẩm của Mận, vị ngồi bên trái Mơ. Còn Đào là người vợ đầu của tớ, vị này là “Giống đực” nên không có con. Đào là nhạc trưởng của gánh hát đấy. Ông có thấy nhà tôi vui không?
          Đào chỉ để Dũng nói đến đây rồi ngắt lời:
          - Có thế mà anh Dũng diễn đạt dài dòng, lủng củng quá. Một đoạn văn ngắn mà ba lần xuất hiện từ “Vị” ? Thế mà cũng có tiếng giỏi văn? Anh tả người, tả cảnh mà nghe cứ như bột canh gia vị.
          Dũng đợi cho vợ nói xong rồi ngửa cổ lên cười. Du nhìn Dũng nói:
          - Gia đình cậu cứ như cuốn tiểu thuyết. Một tiểu thuyết có hậu. Ngày ấy “Độc giả” và nhà “Quản lý” có ý kiến gì không?
          - Tiểu thuyết có hậu nên mọi chuyện cũng đâu vào đấy. Ngày đầu mọi người cũng rì rầm rồi thôi. À… Cậu có nhớ chuyện vị chủ tịch huyện mình có con với hai bà vợ liệt sỹ không?
          - Có nhớ. Lão ấy có vợ con ở xã rồi mà vẫn tán đổ hai bà góa ở hai xã kề bên. Lão ấy mà không chết do tai nạn giao thông thì chắc không ai biết chuyện. Phải công nhận lão ấy tài thật!
          - “Quốc vương” còn thế nói gì đến tớ là “Thần dân” ?
          Đào, Mơ, Mận ngồi nghe chuyện chỉ cười.
          Du nói tiếp:
          - Ý của các cụ là một chuyện. Còn quyết định của Đào, Mơ, Mận mới là quan trọng.
          - Anh Dũng nhà em không phải người “Mía ngọt đánh cả cụm” như thói đời thường nghĩ đâu? Nếu không thực tế thì bây giờ chẳng biết cái gia đình này thế nào?
          - À này, tôi thấy biển hiệu nhà hàng của vợ chồng cậu buồn cười lắm? Các cậu nghĩ thế nào mà đặt cái tên oái oăm đó?
          Nghe Du hỏi, Dũng cười nói:
          - Cái biển “Dũng chó” đã tồn tại cả chục năm nay. Người đời đã nhớ nó thì cớ gì phải thay. “Dũng chó” mà không chó tí nào. Mười mấy năm nay cái thương hiệu oái oăm này cho tớ cả chục tỷ đồng lợi nhuận. Tháng trước mấy tay ngoại quốc mắt xanh, mũi lõ là khách cũ gần chục năm vẫn nhớ quán này còn mò đến để ăn và quay phim, chụp ảnh. Ông Du chắc thích cái tên bay bổng, lãng mạn như nhiều nơi đã làm chứ gì? Cổ lỗ lắm! Những tên gọi hoa mỹ như “Mây chiều”, “Nắng hạ”, “Bạn tâm giao”, “Mùa thu vàng”, “Vườn tri kỷ”, vân vân, nghe rởm rồi!
          Nghe Dũng nói vậy giờ đến lượt Du cúi mặt xuống đất mà cười.
          Du nói:
          - Cậu vừa nói tây mắt xanh mũi lõ cũng ăn thịt chó à? Lạ nhỉ? Vấn đề cốt lõi ở đây là ở chất lượng đấy? Còn cái thương hiệu tớ nghĩ nó là cái gì mà cậu trình bày loạn cả lên?
          - Cậu bảo chất lượng ý là gì?
          - Là nội dung chính nhà hàng của cậu đấy. Ví dụ: chất lượng các món ăn có ngon, có vệ sinh không? Nhân viên phục vụ có nhiệt tình, nhanh nhậy không? Đại để như thế…
          - Cậu nói đúng nhưng chưa đủ. Cậu có nhớ các cụ nhà ta nói” Áo gấm đi đêm” không?
          - Có!
          - Cậu có biết cái trò múa sư tử không?
          - Có!
          - Theo cậu múa sư tử hay là ở cái đầu sư tử hay là ở người múa?
          Du hỏi lại Dũng:
          - Cái đầu sư tử bằng giấy tự nó có biết múa không?
          Dũng đắc trí cười nói:
          - Du này, cậu là người tỉnh táo đấy?
          - Tớ có tỉnh táo tớ mới mò mẫm ra đây học cậu. Còn cậu có tỉnh táo dạy tớ không lại là chuyện khác?
          Dũng cười nói:
          - Cái thương hiệu nhà hàng quan trọng lắm! Tớ nói cho cậu biết phải mất cả chục năm, có khi cả một đời người mới xây dựng được nó. Thầy tinh mà trò không tinh thì chán lắm?
          Du ngẫm nghĩ hồi lâu mới nói:
          - Cậu là cáo già, tớ là gà con. Cậu biết kiếm tiền từ rất sớm, giàu có.  Còn tớ ngu ngơ quá, kém quá. Tớ nghèo là phải!
          - Ông nói đúng! Tại vì tôi tinh hơn ông! Thiên hạ hơn nhau ở cái đầu đấy ông Du ạ! Ông có biết không?

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét