Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

THÀNH NGỮ KHOA TRƯƠNG TRONG TIẾNG VIỆT (CÓ LIÊN HỆ VỚI TIẾNG HÁN) – Phần 2


Tác giả Nguyễn Ngọc Kiên

          TS. Nguyễn Ngọc Kiên

(Tiếp theo và hết)
          4.4. Sử dụng so sánh tu từ biểu thị khoa trương
          (A) So sánh tu từ biểu thị khoa trương trong thành ngữ tiếng Việt
          Theo các tác giả Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”. (Dẫn theo[7, tr. 84])

          Tác giả Hoàng Kim Ngọc [7, tr. 84] lại cho rằng, cả hai quan niệm trên về cơ bản là đúng nhưng chưa đủ vì chưa chỉ ra được cơ sở của sự so sánh và những hệ quả của sự so sánh ấy.   
          Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Hoàng Kim Ngọc.    
          Cách nói khoa trương hay còn gọi nói ngoa tiện nhất là so sánh, lấy điều gì đã biết để dẫn dụ cho dễ hiểu. Cách so sánh là gây ấn tượng mạnh cho người nghe và người đọc. Nói cách khác, đó là những thành ngữ so sánh có từ so sánh.
          Loại này bao gồm những thành ngữ có cấu trúc là một cấu trúc so sánh. Ví dụ: Lạnh như tiền; rách như tổ đỉa.
          Mô hình tổng quát của thành ngữ so sánh giống như cấu trúc so sánh thông thường khác:
          - A ss B: Ở đây A là vế được so sánh, B là vế đưa ra để so sánh, còn ss là từ so sánh: như, bằng, tựa, hệt,...
          Tuy vậy, sự hiện diện của thành ngữ so sánh trong tiếng Việt khá đa dạng, không phải lúc nào ba thành phần trong cấu trúc cũng đầy đủ. Chúng có thể có các kiểu: tội tày đình; gan tày liếp; phúc như Đông Hải, thọ tựa Nam Sơn .
          A ss B: Đây là dạng đầy đủ của thành ngữ so sánh.
          Chẳng hạn: đắt như tôm tươi; nhẹ tựa lông hồng; lạnh như tiền; nổ như sấm;nhanh như gió / chớp /; ngủ  như chết; ngáy như sấm; ngáy như kéo gỗ; chạy như ma đuổi; đẹp như tiên  giáng trần; nhanh như máy; đoán như thần; nhẹ như bấc; nặng như chì; ngủ như chó con say sữa; dai như đỉa đói
          - A ss B: Ở kiểu này, thành phần A của thành ngữ không nhất thiết phải có mặt. Nó thể xuất hiện hoặc không, nhưng người ta vẫn lĩnh hội ý nghĩa của thành ngữ ở dạng toàn vẹn. Ví dụ: (rẻ) như bèo;  (chắc) như đinh đóng cột; (vui) như mở cờ trong bụng; (to) như bồ tuột cạp; (khinh) như rác; (khinh) như mẻ; (chậm) như rùa / sên...
          - ss B: Trường hợp này, thành phần A không phải của thành ngữ. Khi đi vào hoạt động trong câu nói, thành ngữ kiểu này sẽ được nối thêm với A một cách tuỳ nghi, nhưng nhất thiết phải có. A là của câu nói và nằm ngoài thành ngữ. Ví dụ:

Ăn ở với nhau
Xử sự với nhau
Giữ ý giữ tứ với nhau
...
như chó với mèo

          Có thể kể ra một số thành ngữ kiểu này như: như tằm ăn rỗi; như vịt nghe sấm; như con chó ba tiền; như gà mắc tóc; như đỉa phải vôi; như ngậm hột thị.
          Đối với thành ngữ so sánh tiếng Việt nói chung và thành ngữ so sánh khoa trương nói riêng, có thể nêu một vài nhận xét về cấu trúc của chúng như sau:
          Vế A (vế được so sánh) không phải bao giờ cũng buộc phải hiện diện trên cấu trúc hình thức, nhưng nội dung của nó thì vẫn luôn luôn là cái được "nhận ra". A thường là những từ ngữ biểu thị thuộc tính, đặc trưng hoặc trạng thái hành động,... nào đó. Rất ít khi chúng ta gặp những khả năng khác.
Từ so sánh trong thành ngữ so sánh tiếng Việt phổ biến là từ như; còn những từ so sánh khác, chẳng hạn như tựa, tựa như, như thể, bằng, tày,... Chẳng hạn: gương tày liếp, tội tày đình, cưới không bằng lại mặt, thọ tựa Thái Sơn chỉ xuất hiện hết sức ít ỏi.
          Vế B (vế để so sánh) luôn luôn hiện diện, một mặt để thuyết minh, làm rõ cho A, mặt khác, nhiều khi nó lại chỉ bộ lộ ý nghĩa của mình trong khi kết hợp với A, thông qua A. Ví dụ: Ý nghĩa "lạnh" của tiền chỉ bộ lộ trong lạnh như tiền mà thôi. Các thành ngữ nợ như chúa Chổm, rách như tổ đỉa, say như điếu đổ, say khướt cò bợ,... cũng tương tự như vậy.
          Mặt khác, các sự vật, hiện tượng, trạng thái,... được nêu ở B phản ánh khá rõ nét những dấu ấn về đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của dân tộc Việt. Đối chiếu với thành ngữ so sánh của các ngôn ngữ khác, ta dễ thấy sắc thái dân tộc của mỗi ngôn ngữ được thể hiện một phần ở đó.
Như trên đã nói, vế B có cấu trúc không thuần nhất:
          B có thể là một từ. Ví dụ: lạnh như tiền, rách như tổ đỉa, nợ như chúa Chổm; đắng như bồ hòn; rẻ như bèo; khinh như mẻ,...
          B có thể là một kết cấu chủ-vị (một mệnh đề). Ví dụ: như đỉa phải vôi, như chó nhai giẻ rách, lừ đừ như ông từ vào đền, như thầy bói xem voi, như xẩm sờ vợ,...
          4.4.1. So sánh với những từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể con người
          Chúng ta dùng những tên bộ phận thể  người để ngoa ngữ, trên thực tế không có như vậy:
           Chẳng hạn: bầm gan tím ruột ; tức lộn ruột/ tiết ;  tức ứa máu ; tiếc đứt ruột; gan cùng mình; Ruột thắt gan bào; vắt tim óc;cười bể bụng;làm mửa mật; đổ mồ hôi hột; no vỡ bụng; lo sốt vó;  rụng rời chân tay; nghĩ nát óc; nghĩ bể đầu; cứng họng; nói đến gãy/ đứt lưỡi; coi người bằng nửa con mắt....
          Nhưng những cách diễn đạt sau đây đúng với tình trạng sinh lý của người bệnh: mệt mờ mắt ; mệt bở hơi tai; lạnh nổi da gà; run bắn người; mồ hôi vã ra như tắm; trái tim sắt đá; còn da bọc xương; uống máu người không tanh...
          4.4.2.So sánh với những từ ngữ chỉ động vật
          Chẳng hạn: run như cầy sấy; khỏe như voi; chân như chân voi; ranh như cáo; nhanh như sóc; giết người như ngóe;  ăn như heo; lẩn như chạch; ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo; ghét nhau như chó với mèo; chân to như chân voi; dai như đỉa đói.
          (B) So sánh tu từ biểu thị khoa trương trong thành ngữ tiếng Hán
          (1) Thành ngữ so sánh dạng hiện biểu thị khoa trương trong tiếng Hán
          (1.1) Thành ngữ so sánh ngang bằng
          Biểu thức: X + R + Y
          Trong loại này, từ ngữ biểu thị so sánh (R) thường là các từ ngữ: (như), (nhược) hoặc (tự) …. Chẳng hạn:
          心急如焚  “tâm cấp như phẩn”  (ruột gan như lửa đốt)
          杀人如麻  “sát nhân như ma” (giết người như ngoé)
          福寿齐天 “phúc thọ tề thiên”  (phúc thọ ngang bằng trời)
          (1.2) Thành ngữ so sánh không ngang bằng
          Biểu thức: X+ R + Y
          Có thể thấy, thành ngữ so sánh không ngang bằng trong tiếng Hán thuộc loại thành ngữ so sánh dạng hiện. Trong loại này, từ ngữ biểu thị so sánh (R) thường là các từ ngữ (ư), (tỉ)... Chẳng hạn: 
          危于累卵 (trứng quẩy đầu gậy)  
          轻于鸿毛 (nhẹ hơn lông hồng)
          笑比河清 (tiếng cười trong hơn nước sông)
          Cần lưu ý, “tỉ” xuất hiện trong 寿比南山thọ t Nam Sơn là động từ biểu thị ý nghĩa ngang bằng, vì vậy cả thành ngữ biểu thị so sánh ngang bằng. Khi “tỉ” xuất hiện trong笑比河清 do trong cấu trúc của thành ngữ có “ “thanh” nên “tỉ” là một giới từ trong cấu trúc so sánh không ngang bằng, và do vậy thành ngữ 笑比河清 “tiếu tỉ hà thanh” (tiếng cười trong hơn nước sông) biểu thị so sánh không ngang bằng.
          Đó là những trường hợp đặc biệt; ngoài ra, “ư” và “tỉ” đều biểu thị so sánh hơn. Khi muốn biểu thị ý nghĩa so sánh kém, thành ngữ tiếng Hán thường dùng hình thức phủ định不如 “bất như”, 莫如 “mạc như” hay不及 “bất cập” để biểu đạt. Ví dụ:  
          鸡不及凤 “kê bất cập phượng” (gà đâu bằng phượng) = như công với quạ.
          (2) Thành ngữ so sánh dạng ẩn biểu thị khoa trương trong tiếng Hán
          Thành ngữ so sánh dạng ẩn là những thành ngữ trong cấu trúc của chúng thiếu vắng từ ngữ so sánh (R). Hiện tượng này rất phổ biến trong kho thành ngữ tiếng Hán và đã tạo ra một khối lượng thành ngữ so sánh dạng ẩn chiếm tỉ lệ không nhỏ trong toàn bộ số lượng thành ngữ so sánh tiếng Hán. Trong thành ngữ so sánh dạng ẩn, giữa thành tố X và Y không có các từ ngữ biểu thị so sánh song chúng vẫn được liên kết với nhau rất chặt chẽ qua các phương thức ngữ pháp đặc trưng cho loại hình ngôn ngữ đơn lập như trật tự từ và hư từ. Những thành ngữ so sánh dạng ẩn thường hàm ý so sánh ví von. trong đó so sánh ngang bằng chiếm một tỉ lệ áp đảo. Theo khảo sát của chúng tôi, thành ngữ so sánh dạng ẩn này không biểu thị hơn kém. Do vậy, ở phần này chúng tôi chỉ khảo sát về mặt cấu trúc của thành ngữ mà không thuyết minh là so sánh ngang bằng hay không ngang bằng. Thành ngữ so sánh dạng ẩn biểu thị khoa trương chính là hình ảnh thu nhỏ của thành ngữ thuộc loại này. Căn cứ vào cấu trúc, chúng có thể chia thành các tiểu loại sau đây.
          (a) Cấu trúc đơn “ X – Y” 
          Trong cấu trúc thành ngữ so sánh nói chung và so sánh biểu thị khoa trương nói riêng thuộc loại này chỉ xuất hiện hai thành tố: X (chủ thể so sánh) và Y (chuẩn so sánh), chúng tôi gọi đó là cấu trúc đơn, theo trật tự X – Y.  Ý nghĩa so sánh của thành ngữ phải được căn cứ vào mối quan hệ liên tưởng giữa hai thành tố X và Y. Chẳng hạn:  
          刀山火海 “đao sơn hỏa hải” (như núi dao biển lửa/ nơi nguy hiểm)
          车水马 “xa thủy mã long” (ngựa xe như nước)
          杯水车薪 “bôi thủy xa tân” (như cốc nước chữa xe củi)
          Ở đây mặc dù các từ ngữ so sánh không xuất hiện nhưng căn cứ vào ngữ cảnh, ta có thể hiểu ngầm rằng giữa thành tố X và Y có sự tham gia của các từ so sánh có ý nghĩa “như”, “bằng” .
Xét về mặt cú pháp, X và Y có quan hệ chủ vị, trong đó X là chủ thể được trần thuật, còn Y là thành phần trần thuật.
          (b) Cấu trúc kép “X1-Y1-X2-Y2”
          Trong thành ngữ so sánh thuộc loại này bao gồm cấu trúc so sánh dạng ẩn có kết cấu chủ vị, mỗi yếu tố là các từ đơn âm tiết. Chẳng hạn:
          车水马龙 “xa thủy mã long”  (xe nối tiếp nhau như nước chảy, ngựa nối đuôi nhau như một con rồng).
          米珠薪桂 “mễ châu tân quế”  (gạo đắt như ngọc, củi đắt như gỗ quế).
          名缰利锁 “danh cương lợi toả” (danh là dây cương, lợi là còng xích /  bị trói buộc bởi danh lợi, nô lệ của danh lợi).
          Trong kết cấu của thành ngữ so sánh kép dạng ẩn nói chung và khoa trương nói riêng, các thành tố X1, X2 và các thành tố Y1, Y2 thường là những từ đẳng nghĩa, từ cận nghĩa hoặc các từ có quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt ngữ nghĩa.
          (c) Cấu trúc đơn  “Y – X”
          Trong nhóm thành ngữ so sánh thuộc loại này, về cấu trúc Y (chuẩn so sánh) có vị trí đứng trước X (chủ thể so sánh). Về ý nghĩa, Y là thành phần tu sức trực tiếp cho X, tạo nên mối quan hệ cú pháp định danh. Chẳng hạn:
          锦绣前程 “cẩm tú tiền trình” (tiền đồ được dệt bằng gấm lụa).
          蝇头微利 “dăng đầu vi lợi” (lợi lộc nhỏ bằng đầu ruồi/ lợi bằng móng tay).
          金玉良言 “kim ngọc lương ngôn” (lời nói như vàng ngọc).
          Tiếng Hán là một ngôn ngữ đơn lập, đơn tiết, vì vậy trong kết cấu của thành ngữ gồm bốn âm tiết, X và Y thường là kết cấu song âm tiết để thuận tai, hài hòa về âm điệu.
          (d) Cấu trúc định danh “Y –  X”
          Trong thành ngữ so sánh thuộc loại này, thành tố Y (chuẩn so sánh) đứng trước, thành tố X (chủ thể so sánh) đứng phía sau, trợ từ kết cấu (chi) đóng vai trò trung gian liên kết X và Y. Kết cấu này mang tính định danh và được sử dụng nhiều trong văn ngôn. Trong cấu trúc, X luôn luôn là thành tố có một âm tiết, như vậy Y còn lại là hai âm tiết. Chẳng hạn:
          弹丸之地 “đạn hoàn chi địa” (mảnh đất bé bằng viên đạn).
          破竹之势 “phá trúc chi thế” (thế mạnh như trẻ tre).
          Trong cấu trúc, thành tố Y có thể là:
          -  đoản ngữ danh từ (NP), chẳng hạn 弹丸 “đạn hoàn”
          - đoản ngữ động từ (VP), chẳng hạn: 破竹phá trúc”
          Trong thành ngữ so sánh dạng ẩn thuộc loại này, thành tố X thường do danh từ đơn âm tiết đảm nhiệm, yếu tố Y có kết cấu song âm tiết, trợ từ “chi” kết nối giữa thành tố X và thành tố Y. Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, cấu trúc này có thể được coi là một dạng đặc biệt của cấu trúc Y – X.
(e) Cấu trúc kép “Y1 – X1 – Y2 – X2”
          Trong thành ngữ so sánh biểu thị khoa trương thuộc loại này có hai cấu trúc so sánh quan hệ đẳng lập, mỗi cấu trúc lại là một cấu trúc con so sánh dạng ẩn. Có thể chia thành ba tiểu loại sau:                            
          + Kiểu 1: “N - Ad - N N”
          Trong cấu trúc của các thành ngữ thuộc loại này, các thành tố X và Y đều là các danh từ đơn tiết; các danh từ đơn tiết này lại tạo thành từng cặp ngữ danh từ biểu thị ý nghĩa so sánh. Chẳng hạn:
          鹤发童颜  “hạc phát đồng nhan” (mặt hồng hào như hài đồng).
          钢筋铁骨 “cương cân thiết cốt”  (mình đồng da sắt).
          花容月貌 “hoa dung nguyệt mạo” (diện mạo tươi đẹp như hoa, như trăng).
          Trong cấu trúc của thành ngữ, “Y1 – X1” và “Y2 – X2” là hai kết cấu có quan hệ chính phụ. Xét về mặt ngữ nghĩa các thành tố có quan hệ như sau:
          - X1 và X2 nghĩa có quan hệ tương quan như: - (phát – nhan), - (gân - cốt), - (dung - mạo).
          - Y1 và Y2 có thể là quan hệ tương phản như: - (hạc - đồng) hoặc tương đồng như -   (cương - thiết), - (hoa - nguyệt).      
           + Kiểu 2: “N – V –N – V”
          Trong thành ngữ so sánh nói chung và so sánh biểu thị khoa trương thuộc loại này, thành tố X gồm hai động từ đơn tiết, thành tố Y gồm hai danh từ đơn tiết. Các cặp kết hợp “X1 – Y1” và “X2 – Y2” là các kết cấu chính phụ biểu đạt ý nghĩa so sánh. Chẳng hạn:
          冰消瓦解 “băng tiêu ngoã giải”  (tan như băng, vỡ như gạch)
          神出鬼没 “thần xuất quỉ mai”  (xuất quỉ nhập thần).  
          蚕食鲸吞 “tàm thực kình thốn” (ăn như tằm ăn, nuốt như cá kình).
          挥汗成雨 “huy hãn thành vũ” (mồ hôi vã ra như tắm)
          Về kết cấu, trong mỗi cặp kết hợp giống như một cặp chủ vị, nhưng về bản chất lại không phải như vậy, những danh từ không phải là chủ thể của hành động mà chỉ được sử dụng để thuyết minh cho phương thức của động tác do động từ đảm nhận. Hay nói rõ hơn, quan hệ của các cặp này là quan hệ chính phụ; cho nên “蚕食鲸吞ta phải  hiểu là  “ăn như tằm ăn, nuốt như cá kình” chứ không phải là “tằm ăn, cá kình nuốt”.
          + Kiểu 3: “N – Ad –N – Ad”
          Trong thành ngữ so sánh biểu thị khoa trương thuộc loại này, thành tố X1 và X2 đều là hai tính từ đơn tiết đồng nghĩa; thành tố Y1 và Y2 là hai danh từ đơn tiết, hai danh từ này thường là những sự vật biểu thị đặc trưng tính chất điển hình của X1 và X2.  
          Một số đoản ngữ tiêu biểu thuộc loại này:
          海枯石烂 “hải khô thạch lạn” (biển cạn đá mòn)  
          冰清玉洁 “băng thanh ngọc khiết” (trong ngọc trắng ngà)
          山高水长 “sơn cao thuỷ trường” (cao như núi, dài như sông).
          天长地久 “thiên trường địa cửu” (trường tồn như trời, vĩnh cửu như đất).
          水深火热 “thủy thâm hỏa nhiệt” (nước sôi lửa bỏng/ cực khổ lầm than)
          (3)Thành ngữ so sánh có chứa từ chỉ động vật trong tiếng Hán
          Ví dụ:
          龙盘虎踞 ( rồng ngồi hổ phục)
如虎添翼 (như hổ thêm cánh)
龙潭虎穴 (đầm rồng huyệt hổ)
龙飞风舞(rồng bay phượng múa)
鬼哭狼嚎(quỷ khóc sói gào)
(4)Thành ngữ so sánh có chứa từ chỉ bộ phận cơ thể trong tiếng Hán
张牙舞爪 (nhe nanh múa vuốt)
胆大包天 (gan bao cả trời)
刻骨铭心 (khắc cốt ghi tâm)
心如刀割 (lòng như dao cắt)
心正不怕雷打 (lòng ngay thẳng không sợ sấm đánh)
心坚石也穿 (lòng kiên trì xuyên thủng cả đá)
          4.5. Sử dụng ẩn dụ biểu thị khoa trương
          Theo tác giả Hữu Đạt [3, tr.302] thì Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc 
          Như vậy theo chúng tôi, ẩn dụ là so sánh mà không có từ so sánh.
          Chẳng hạn: chỉ mành treo chuông; ngàn cân treo  sợi tóc. Ở đây ta phải hiểu là (như ) chỉ mành treo chuông;( như) ngàn cân treo  sợi tóc. 
Theo các tác giả Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, chúng là những ngữ cố định định danh.  Chúng tôi vẫn xếp chúng vào mục thành ngữ, vì tính cố định vì nghĩa biểu trưng của chúng.
          Chẳng hạn: mắt ốc nhồi; mắt bồ câu; mắt lươn; mắt phượng, mày ngài, mũi sư tử; mũi diều hâu; răng bàn cuốc; răng cải mả; nhẩy chân sáo; khăn mỏ quạ; miệng cá ngão; mặt lưỡi cày; ngón tay chuối mắn; ngón tay búp măng; chân voi; chân cột đình....
          4.6. Sử dụng thủ pháp nhân cách hóa, vật cách hóa biểu thị khoa trương
          (A) Trong thành ngữ tiếng Việt
          Nhân cách hóa là một biện pháp tu từ lấy vật bao gồm vật thể, động vật, tư tưởng hoặc khái niệm trừu tượng làm cho chúng có diện mạo, cá tính, tính cách, hoặc tình cảm.
          Nhân cách hóa là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư thái độ của mình. Có mấy loại sau:
          - Nhân cách hóa động vật
          Ví dụ: Chim sa cá lặn; ma chê quỷ hờn ; chó chê mèo lắm lông; khỉ ho cò gáy;  ai mà biết được ma ăn cỗ ; chim ca vượn hát; rồng đến nhà tôm; lươn ngắn chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.
          - Nhân cách hóa thực vật
Ví dụ: Hoa nhường nguyệt thẹn ; hoa cười ngọc thốt; lòng vả cũng như lòng sung ; quýt làm cam chịu ; cây ngay không chịu chết đứng; say hoa đắm nguyệt.
- Nhân cách hóa sự vật và các hiện tượng tự nhiên
Ví dụ: Mưa thảm gió sầu; thiên sầu địa thảm;  hồn xiêu phách lạc ; trời không dung đất không tha; bụng làm dạ chịu; bụng bảo dạ; thần hồn nát thần tính.
(B) Trong thành ngữ tiếng Hán
Các thành ngữ “闭月羞花(hoa nhường nguyệt thẹn), “沉鱼落雁(chim sa cá lặn) là những thành ngữ ca ngợi vẻ đẹp của người con gái; ta cũng nói: “月闭花羞(hoa nhường nguyệt thẹn), “鱼沉雁落(chim sa cá lặn). Những thành ngữ trên đều sử dụng nhân cách hóa để biểu thị khoa trương.
Xét các trường hợp sau: “披星戴月(mang sao đội nguyệt), “地老天荒(đất cỗi trời hoang, chỉ thời kì hoang sơ quá xa xôi). Ở đây, dùng thủ pháp vật cách hóa để biểu thị khoa trương, lấy sự vật X nói thành sự vật Y.

Sử dụng hiện tượng thiên nhiên, trời phật, thần thánh để khoa trương
(A) Trong thành ngữ tiếng Việt
Trong văn hóa của người Việt, trong các thành ngữ, người ta rất hay sử dụng các hình tượng Trời, Phật,  và các hiện tượng thiên nhiên để biểu thị khoa trương.
Trong cuộc sống, người ta thường hay nói đến các hiện tượng thiên nhiên, thần thánh. Tín ngưỡng Viêt Nam có thờ hiện tượng thiên nhiên, như núi đá, sấm chớp, cây cao, thờ trời thờ đất, thần thánh, ma quái. Cho nên đề cập đến những gì to lớn, vĩ đại, sự việc gây  ngạc nhiên, chúng ta thường đưa ra để so sánh ví von, khoa trương.
          Chẳng hạn : chuyện tày trời, tin sét đánh ngang tai ; nổ như sấm; quỷ tha ma bắt;  lấy vải thưa che mắt thánh; khác nhau một trời một vực; công ơn trời biển; đòn trời giáng; trời đánh thánh vật; trời đánh  không chết; dìm xuống đất đen; đến thánh cũng bó tay; ngồi như bụt mọc; ngây như phỗng đá; ngáy như sấm.
(B) Trong thành ngữ tiếng Hán
Cũng như người Việt, trong các thành ngữ, người Trung Quốc rất hay sử dụng các hình tượng Trời, Phật,  và các hiện tượng thiên nhiên để biểu thị khoa trương.
Ví dụ:
天诛地灭 (trời tru đất diệt)
天旋地转 (trời xoay đất chuyển)
天网恢恢 (lưới trời lồng lộng)
天翻地覆 (trời rung đất chuyển)
天高地厚 (trời cao đất dày)
天不怕地不怕 (trời không sợ đất không sợ)
口佛心蛇 (khẩu phật tâm xà)
神通广大 (thần thông quảng đại)
神机妙算 (thần cơ diệu toán)
神差鬼使 (thần sai quỉ khiến)
伸出鬼没 (xuất quỷ nhập thần)

Kết luận
Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Nó được hình thành và phát triển nhờ quá trình tích lũy lâu dài trong cuộc sống của người Việt cũng như người Trung Quốc. Người Việt và người Trung Quốc rất thích khoa trương. Điều đó có thể thấy trong kho tàng thành ngữ tiếng Việt và tiếng Hán. Không thể tìm hiểu văn hóa Việt Nam và Trung Quốc mà không nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt và tiếng Hán. Không thể nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Hán mà bỏ qua kho tàng thành ngữ  – một vốn quý trong kho tàng tiếng Việt và tiếng Hán.

(Hết)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
            1. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến (2006), Cơ sở Ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Gíao Dục
2. Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh (1972), Văn học dân gian, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
3.Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc Gia HN.
4. Hoàng Văn Hành (2001), Thành ngữ học tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội.
5. Đinh Trọng Lạc (2005), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
            6. Đinh Trọn g Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục.
7. Hoàng Kim Ngọc (2009), So sánh & ẩn dụ trong ca dao trữ tình, NXB Khoa học.
8. Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca dao dân ca, NXB Văn học.
9. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
10. Cù  Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.
11.Viện Ngôn ngữ học (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
12. Nguyễn Như Ý (2002), Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, NXB Gi áo dục.

NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
1.          Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học.
2.        Đào Thản (2005), Ca dao hài hước, NXB Đà Nẵng.


NGUYỄN NGỌC KIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét