Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

THỦ KHOA HOÀNG VĂN TUẤN (1823 - 1892)


Tác giả Trần Mỹ Giống

          Trần Mỹ Giống

          I – Tấm gương kiên cường chống Pháp

          Hoàng Văn Tuấn còn gọi là Hoàng Văn Liêm, sinh năm 1823 tại làng Phú Khê, huyện Ý Yên (nay là thôn Phú Khê, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), trong một gia đình nổi tiếng về học vấn:
          Anh trai ông là Hoàng Kim Chung (sau đổi là Hoàng Trọng) đỗ Cử nhân Ân khoa Mậu Thân niên hiệu Tự Đức 1(1848), làm quan đến Đốc học Hải Dương. Sau ông cáo quan về quê dạy học, đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Tam nguyên Hoàng giáp Tổng đốc Nguyễn Khuyến, một nhà thơ lớn của dân tộc và Tam nguyên Hoàng giáp Tuần phủ Trần Bích San đều từng là học trò của ông.

          Cháu gọi Hoàng Văn Tuấn bằng chú ruột là Hoàng Văn Cẩn cũng đỗ Cử nhân khoa Bính Tý niên hiệu Tự Đức 29(1876), làm quan Huấn đạo, rồi Tri huyện Yên Phong. Ông là một tác gia Hán Nôm, có tác phẩm Vân Sơn ký viết về Thiền phái Trúc Lâm hiện còn đến ngày nay...
          Cháu ruột và cháu họ Hoàng Văn Tuấn là Chu Thiên (tức Hoàng Minh Giám) và Nhượng Tống (tức Hoàng Phạm Trân) đều là những nhà văn nổi tiếng.
          Hoàng Văn Tuấn nổi tiếng thông minh, học giỏi từ nhỏ. Do ông đỗ Tú tài liền ba khoa nên dân gian gọi ông là Mền Liêm.
          Khoa Bính Tý niên hiệu Tự Đức 29(1876), Hoàng Văn Tuấn đỗ Giải nguyên Cử nhân tại trường thi Thanh Hoá. Cháu ruột gọi ông bằng chú là Hoàng Văn Cẩn cũng đỗ Á nguyên Cử nhân cùng khoa với ông. Nhân sự kiện này, Tam nguyên Hoàng giáp Nguyễn Khuyến nguyên là học trò của thày Hoàng Kim Chung có làm đôi câu đối mừng như sau:
          Thí vấn thế huynh, Thanh Hoá sĩ hà như Nam Định sĩ;
          Đắc ư gia học, điệt Á nguyên duy nhượng thúc Khôi nguyên.
          (Thử hỏi thế huynh học trò Thanh Hoá so với học trò Nam Định thế nào?
          Học giỏi sở đắc ở nhà dạy, cháu đỗ Á nguyên chỉ nhường có chú đỗ Thủ khoa).

          Sau khi đỗ Cử nhân, Hoàng Văn Tuấn được bổ làm Tri huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Về nhận chức được ít ngày, ông bắt tay ngay vào việc trấn áp bọn cường hào, lý dịch để nhân dân yên ổn làm ăn. Bọn này rất căm thù ông. Nhân dịp tết Nguyên Đán, chúng cho tay chân đến tết ông một con cò trắng nhốt trong chiếc lồng sơn son, ngầm ý chửi ông là quân cò trắng không thức thời theo Pháp để được vinh thân phì gia. Ông nổi giận sai lính đánh cho tên đem lễ vật 100 roi cảnh cáo. Để trả thù ông, bọn phản động tập hợp lực lượng bao vây uy hiếp huyện đường. Trong tình thế nguy cấp, ông phải cho người tin cẩn giả bộ đi chợ để về báo tin cho gia đình ứng cứu. Chiều 30 tết, có quan án sát đem một đội quân gươm giáo tuốt trần, tiền hô hậu ủng, vào thẳng huyện đường, đọc lệnh bắt quan huyện Tuấn giải về tỉnh trị tội. Đội quân đưa ông về thẳng làng Phú Khê, kịp lúc giao thừa. Biết tin quan huyện Tuấn đã về, dân làng kéo đến chúc tụng rất đông. Thì ra quan án sát và quân lính đều do người nhà ông đóng giả.
          Sau sự kiện này, Hoàng Văn Tuấn liền bỏ quan về nhà dạy học và dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp. Nhiều lần triều đình Nguyễn triệu ông ra làm quan, ông đều kiên quyết từ chối vì thấy triều đình và các quan tỉnh cứ nhượng bộ giặc Pháp, để cho bọn phản động đội lốt tôn giáo hoành hành, gây cho nhân dân nhiều khổ cực.
          Cảm phục ông là người nghĩa khí, có chí lớn, không bị bả vinh hoa phú quý cám dỗ, lại nổi tiếng học giỏi nên học trò theo học ông rất đông. Ngoài việc dạy chữ nghĩa, văn chương, Hoàng Văn Tuấn còn thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về thời thế, bồi dưỡng cho học trò lòng yêu nước, căm thù giặc xâm lược, khích lệ học trò nuôi chí lớn cứu nước. Rất nhiều học trò đã cùng ông tham gia phong trào Văn thân Cần vương chống Pháp.
          Năm 1858, quân Pháp tấn công Đà Nẵng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, ông đã tổ chức một đội quân gồm những học trò ở các huyện Ý Yên, Thanh Liêm, Bình Lục đi theo đoàn nghĩa dũng vào nam chiến đấu để "lấy lại nước".
          Năm 1873, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần đầu. Ông tích cực cùng các văn thân tập hợp lực lượng thân hào, đinh tráng trong huyện, cùng Phạm Văn Nghị giữ vững hai huyện Phong Doanh và Ý Yên, đánh đuổi bọn Việt gian ra khỏi Thanh Liêm và Phủ Lý.
          Sau Hoà ước 1874, quân Pháp trao trả thành Nam Định cho triều đình Nguyễn. Vua Tự Đức đã tự tay viết tặng huyện Ý Yên 8 chữ "Ý Yên tứ tú: Lý, Nghĩa, Tuấn, Phương" biểu dương bốn người tài giỏi, bốn ông Tú tài đã đứng ra tổ chức nhân dân huyện Ý Yên chống Pháp là Phạm Lý ở xã An Hoà, Trần Văn Nghĩa ở xã Văn Xá, Hoàng Văn Tuấn và Lê Văn Phương ở xã Phú Khê.
          Năm 1883, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Không đợi có Chiếu Cần Vương, Hoàng Văn Tuấn đã chủ động mộ quân khởi nghĩa, vận động nhân dân tích trữ lương thực, góp tiền mua vũ khí tham gia chống Pháp. Ông tự nhận trách nhiệm làm Bang biện chỉ huy chiến đấu. Ông tổ chức nghĩa quân thành các cơ, các ngũ, cắt cử người làm cai đội, suất đội, cai quản và huấn luyện nghĩa quân rất có kỷ luật. Ông đã chỉ huy nghĩa quân đánh úp đoàn thuyền Pháp trên sông Đáy (nơi gần bến đò Khuốt), chặn đánh quân bộ của giặc ở Bình Lương (thuộc huyện Ý Yên), đem quân đánh tiếp ứng cho Bang biện Phạm Lý ở An Hoà... Năm 1885 nghĩa quân của ông đã đánh lấy lại được thành Phủ Lý. Ông còn liên hệ mật thiết với nghĩa quân của Thiên Hộ Giảng ở Nho Quan (Ninh Bình) cùng hiệp đồng đánh Pháp. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã thu được nhiều thắng lợi, gây cho quân Pháp thiệt hại lớn.
          Năm 1888 vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương lắng xuống rồi tan rã dần. Giặc Pháp đưa quân về đóng lô cốt ở Cổ Đam (thuộc huyện Ý Yên) và đóng giữ đình Quán Chàm ở làng Phú Khê - quê Hoàng Văn Tuấn. Chúng bao vây, truy nã ông ráo riết. Cuối cùng chúng lừa bắt được ông đem giam giữ ở nhà lao Ninh Bình, kết án ông 10 năm phát vãng, rồi chuyển ông lên Hà Nội đợi ngày đưa đi Côn Đảo. Học trò cũ của ông là Cả Tương, người làng Nham Kênh, có lần đã cứu được vợ chồng tên quan năm Pháp có thế lực ở Sở Kiện gọi là thằng Tây Sứt khỏi chết đuối, đã yêu cầu tên này vận động xin tha cho ông. Khi thả ông, bọn Pháp dặn:
          - Về sống yên ổn, không được làm giặc nữa nhé!
          Ông trỏ tay vào bụng, khảng khái trả lời:
          - Cái đó còn tuỳ ở bụng tôi. Tôi không làm giặc, tôi chỉ đánh lại những kẻ lấn cướp nước tôi. Tôi hứa với các ông, rồi về tôi lại cứ đánh Tây, chả hoá ra người nói dối à?
          Bọn Pháp biết không thể khuất phục được, đành để ông về quê, giao cho tỉnh quản thúc. Bọn phản động tay sai Pháp ở Kẻ Non, Sở Kiện thường cho người đến thăm hỏi, biếu quà cáp để lấy lòng ông, đồng thời để dò xét ông. Một lần có tên hào mục ở Sở Kiện đến chơi, khoe các cố Tây như cố Phước (Puginier), cố Đông (Gendrau) tài giỏi và cứng cổ lắm. Ông liền ngắt lời hỏi hắn:
          - Cổ các anh cứng có bằng gươm không?
          Tên hào mục chột dạ, chuồn mất.
          Năm 1892, Hoàng Văn Tuấn mất, thọ 70 tuổi. Ông đã giữ vững khí tiết cho đến hơi thở cuối cùng.

          II – Tác gia văn học yêu nước và cách mạng:

          Hoàng Văn Tuấn không chỉ nổi tiếng là một nhà giáo yêu nước, một lãnh tụ trong phong trào Cần Vương kháng Pháp vùng sông Đáy, mà còn là một tác gia văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ 19. Ông có tác phẩm “Nam Xương nhàn ký” và nhiều thơ văn nói lên chí nguyện của mình, nhưng tập thơ của ông ngày nay đã thất lạc. Hiện nay thơ văn của ông chỉ còn một số bài in trong cuốn Văn học yêu nước và cách mạng Hà Nam Ninh và lưu truyền trong dân gian.
          Thơ văn Hoàng Văn Tuấn là tiếng lòng của ông yêu thương, quý trọng bạn văn thân, căm thù quân xâm lược, thể hiện tình yêu đất nước, yêu nhân dân, tinh thần tự tin, vui đời và ý chí quật cường kháng Pháp.
Ông tố cáo tội ác của quân Pháp xâm lược, đau đớn trước cảnh khổ cực của nhân dân ta do bọn cướp nước gây ra:
          Xã tắc luân vong, dân thống khổ,
          Ngư, hà, điểu, thú diệc tai ương.
                                                     (Vô đề)
          Đất nước đắm chìm, dân đau thương,
          Chim, muông, tôm, cá cũng tai ương.
                                                  (Phan Cổn dịch )
          Ông nhận thức rõ rằng muốn thoát khỏi tai ương đó thì chỉ có một con đường là đứng lên chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, giành lại đất nước:
          Hà thời tái đốc quân vương thổ,
          Ngâm khải hoàn ca, xứ xứ xương.
                                                         (Vô đề)
          Bao giờ đất nước thu về được,
          Ngâm khúc khải hoàn, yên bốn phương.
                                                    (Phan Cổn dịch)
          Ông dứt khoát chọn con đường chống Pháp xâm lược để lấy lại non sông. Ông sẵn sàng chấp nhận tù đầy, tự nguyện từ bỏ vinh hoa phú quý, quyết không cộng tác với quân thù, một lòng vững bước trên con đường đã chọn. Tâm sự của ông, ý chí của ông thể hiện trong bài thơ "Không ra làm quan", ông làm nhân thấy việc bọn "bợm" Pháp xâm lược ngày càng lấn tới đè nén dân ta, còn triều đình Nguyễn lại ngày càng thoả hiệp với giặc:
          Chẳng thiêng cũng thể bụt chùa nhà,
          Sao phải ra đường lạy Thích Ca.
          Làm tốt cho người, người chẳng biết,
          Kể ơn với bợm, bợm không tha.
          Tìm đường khôn khéo càng thêm bận,
          Mượn bước công danh ngại chóng già.
          Sự nghiệp chẳng qua ăn với ngủ,
          Học thêm mấy chữ để ngâm nga.
          Ông kêu gọi mọi người hãy theo nếp cũ của người Nam, không nên theo thói tục Tây để tỏ rõ thái độ quyết không đội trời chung cùng quân xâm lược:
          Tổ, lạp * biết rằng theo lối cũ,
          Văn minh sao phải học thời nay.
          Chữ Nam thôi để người Nam biết,
          Ai kể rằng hay với chẳng hay.
                                (Thơ Tết năm bảy mươi tuổi)
          Khi ông bị giặc bắt giam ở đền Quan Thánh (Hà Nội) chờ đưa đi Côn Đảo, có một số bạn nhà nho của ông nay đã làm tay sai cho giặc, gửi sách và rượu cho ông, khuyên ông thôi đừng mơ mộng nữa, nên quay lại thoả hiệp với Pháp để được yên thân. Ông làm bài thơ "Ngục trung bất thuỵ" (Trong nhà giam không ngủ) để ngụ ý trả lời họ và thể hiện niềm tin vào thắng lợi ngày mai của dân tộc. Ông khẳng định tuy thân ông còn ở trong tù, nhưng ông vẫn tin vào thắng lợi của sự nghiệp mà bạn bè ông cùng nhân dân ở bên ngoài đang thực hiện. Nguyên văn bài thơ như sau:
          Thê thê phong vũ, dạ trì trì,
          Tức tức trùng thanh nhiễu tứ vi.
          Dục bổ di biên lai thuỵ pháp,
          Nan tương trọc tửu áp hàn uy.
          Mê đồ vi tất tri kim thị,
          Mộng kính hà tu lãm cố phi.
          Hồi thủ bách niên đô thị mộng,
          Lân tường kê hưởng nhật tranh huy.

          Nhà văn Chu Thiên là cháu nhà thơ yêu nước Hoàng Văn Tuấn đã dịch bài này như sau:
          Gió mưa buồn thảm kéo đêm dài,
          Tiếng dế quanh nhà váng cả tai.
          Sách nát khôn nhờ đưa tới ngủ,
          Rượu nồng khó át rét ra oai.
          Đường mê vị tất là nay đúng,
          Lối mộng sao đành bảo trước sai.
          Nghĩ lại trăm năm đều mộng cả,
          Tiếng gà dục sáng rộn bên ngoài.
          Đối với bọn cướp nước và bán nước, ông căm thù thề quyết không đội trời chung, nhưng đối với nhân dân và bạn văn thân cùng chí hướng, ông lại hết lòng yêu thương, kính trọng. Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị là một lãnh tụ nổi tiếng trong phong trào Cần Vương kháng Pháp. Khi Phạm Văn Nghị mất, ông có câu đối viếng như sau:
          Văn vị táng thiên, sinh Phạm lão;
          Vũ vô dụng địa, tử Nhan khanh.
 
         (Trời chửa chôn văn, sinh cụ Phạm;
          Đất không dùng võ, chết chàng Nhan).
          Phạm là Phạm Trọng Yêm, một danh nho đời Tống. Nhan là Nhan Chấn Khanh đời Đường, từng đỗ Tiến sĩ, làm quan đến Hữu Thừa tướng, sau bị giết khi đi thuyết khách với một đảng làm phản. Câu đối của Hoàng Văn Tuấn đã ca ngợi Phạm Văn Nghị như hai nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc vậy.
          Thiên Hộ Giảng là một lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp, nổi dậy mưu chiếm lại thành Ninh Bình, chẳng may bị giặc bắt đem xử tử vào một ngày mưa gió. Hoàng Văn Tuấn vô cùng thương tiếc. Ông viếng người bạn chiến đấu của mình câu đối thật cảm động:
          Thuý sơn đồng ngã chẩm, nhật thuyết sự, dạ đàm tâm, tâm sự bách niên do ký ức ;
          Vân thuỷ tống quân quy, địa minh lôi, thiên thuỳ vũ, vũ lôi nhất trận bộ thê lương.
          (Núi Thuý cùng ta chung gối, ngày bàn việc, tối ngỏ lòng, lòng việc trăm năm ghi nhớ mãi ;
          Sông Vân đưa bác trở về, trời đổ mưa, đất dậy sấm, sấm mưa một trận xót thương thêm ).
          Thơ văn và cuộc đời Hoàng Văn Tuấn nhất quán với nhau. Ông dùng thơ văn để nói tâm sự và ý chí chống Pháp của mình. Cả đời ông cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến chống Pháp, giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Mọi hành động, việc làm của ông, khi trực tiếp tổ chức chiến đấu đối mặt với quân thù, cũng như khi dạy học trò đều hướng vào phục vụ cho sự nghiệp đó. Ông giữ vững khí tiết, quyết không phản bội lại con đường đã chọn. Ông trở thành một lãnh tụ tiêu biểu trong phong trào Cần Vương kháng Pháp miền sông Đáy, cùng nhân dân Nam Định tô thắm thêm trang sử oanh liệt của tỉnh nhà. Chính sự nhất quán giữa thơ văn và cuộc đời của vị Thủ khoa nổi tiếng đã làm cho thơ văn yêu nước của ông giá trị, đưa ông vào hàng tác gia văn học yêu nước và cách mạng Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19.
Thủ khoa Hoàng Văn Tuấn, nhà giáo yêu nước, lãnh tụ nổi tiếng trong phong trào Cần Vương chống Pháp, tác gia văn học yêu nước và cách mạng là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, là niềm tự hào của nhân dân tỉnh ta.
    
           TMG

-----------
Chú thích :
            • Tổ, lạp: "Tổ" là lễ xuất hành đầu năm, "lạp" là lễ cuối năm. Sách Hán thư chép: Cha con Trần Hàm chống Vương Mãng - khi tên này cướp ngôi nhà Hán - bỏ về làng, đóng cửa không chơi với ai, ngày tết vẫn dùng nghi lễ "tổ, lạp" của nhà Hán. Ở đây ý nói vẫn theo nếp cũ để tỏ rõ thái độ chống Tây.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét