Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

NGUYÊN TIÊU ĐỌC THƠ BÁC



        
(Bài viết của Nhà nghiên cứu Lê Văn Hy trong ngày thơ Việt Nam ở CLB thơ huyện Mỹ Lộc)

          Kể từ mùa xuân năm Nhâm Ngọ 2002, khi Ban Bí thư TƯ Đảng chấp nhận tờ trình của Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, ngày Bác Hồ viết bài thơ “Nguyên tiêu” làm ngày thơ Việt Nam đến nay đã tròn 15 năm.
          “Nguyên tiêu” là bài thơ tứ tuyệt hay còn gọi là Tuyệt cú Đường luật, nguyên văn chữ Hán, Bác viết đêm Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý 1948.
          Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên
          Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
          Yên ba thâm sứ đàm quân sự
          Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

          Từ tuổi ấu thơ đến 79 mùa xuân về nơi tiên cảnh “Về với Mác – Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, từ bài thơ ngũ ngôn ứng khẩu vịnh biển, khi người theo cha đi bộ qua đèo Ngang vào Huế, đến bài thơ Chúc Tết cuối cùng của Bác tết năm Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ của chúng ta đã làm không biết bao nhiêu bài thơ để lại cho đời.
          Tập thơ “Ngục trung nhật ký” nguyên văn chữ Hán 133 bài thơ, hầu hết là thơ 4 câu luật Đường, Bác viết tay, bút tích của Bác là tài sản vô giá còn lưu lại mãi mãi trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.
          “Ngục trung nhật ký (dịch là Nhật ký trong tù) Bác viết trong vòng một năm, khi bị nhà tù Tưởng Giới Thạch giam cầm ở Quảng Tây.
          Quảng Tây giải khắp mười ba huyện
          Mười tám nhà lao đã trải qua
và:
          Ở tù năm trọn thân vô tội
          Hòa lệ thành thơ tỏ nỗi này
          Bác nói là Bác viết trong hoàn cảnh “bất đắc dĩ”:
          Ngâm thơ ta vốn không ham
          Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây
          Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
          Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
          Vậy mà tập thơ Nhật ký trong tù lại là tập thơ chữ Hán hay nhất, được nhà nghiên cứu văn học – sử học Quách Mạt Nhược Trung Quốc đánh giá nếu so sánh với thơ Thịnh Đường cũng không phân biệt được và bài thơ chữ Hán “Nguyên tiêu” cũng được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh là bài thơ chữ Hán của Bác hay nhất thế kỷ 20.
          Bác làm thơ Đường luật chữ Hán hay như vậy, thế mà từ sau khi trở về Pắc Bó đến suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến năm 1969, chúng ta chỉ thấy bài thơ “Nguyên tiêu” nếu không chỉ là duy nhất thì cũng là rất hãn hữu Bác viết thơ chữ Hán, thơ Đường luật mà hầu hết thơ của Bác là thơ Nôm, thơ lục bát, thơ tự do, thơ phục vụ chính trị, thơ làm cho dân ta dễ nghe, dễ hiểu.
                    CẢNH KHUYA
          Tiếng suối trong như tiếng hát xa
          Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
          Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
          Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Và:
          Sáng ra đầu núi tối vào hang
          Cháo bẹ canh măng vẫn sẵn sàng
          Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
          Cuộc đời cách mạng thật là sang

          Đây suối Lê Nin kia núi Mác
          Hai tay xây dựng một sơn hà
Rồi thì:
                    Trăng nhòm cửa sổ đòi thơ
          Việc quân đang bận xin chờ hôm sau
Có khi chỉ là một câu:
                   Việt Lào hai nước chúng ta
          Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long
Hay:
                   Quan san muôn dặm một nhà
          Bốn phương vô sản đều là anh em
Ngay trong bản Di chúc của Bác cũng một câu thơ:
          Còn non còn nước còn người
          Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay
          Từ mùa xuân năm Bính Tuất 1946 đến xuân 1969 Kỷ Dậu, năm nào Bác cũng có thơ xuân gửi chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước.
          Thơ xuân 1966
          Mừng miền Nam rực rỡ chiến công
          Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme – Đà Nẵng
          Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng
          Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng
          Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng
          Tiền tuyến hậu phương toàn dân ngày thêm cố gắng.
          Thơ xuân 1968 báo hiệu ngày tổng tiến công long trời lở đất trên khắp miền Nam buộc Mỹ phải xuống thang ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 (cầu Hàm Rồng) Thanh Hóa trở ra miền Bắc, phải ngồi vào đàm phán Hội nghị Pari.
          Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
          Thắng trận tin vui khắp nước nhà
          Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
          Tiến lên toàn thắng ắt về ta.
          Bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 là bài thơ chúc tết cuối cùng của Bác. Bác khẳng định thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 là oanh liệt vẻ vang, tin là năm 1969 sẽ còn to lớn hơn. Bác chỉ ra con đường giải phóng miền Nam phải chia làm hai bước. Trước là phải đánh cho Mỹ cút rồi mới đánh cho ngụy nhào. Bác động viên đồng bào ta, chiến sĩ ta phải tiến lên giành lại độc lập tự do cho dân tộc, cho Bắc Nam xum họp một nhà.
                   Năm qua thắng lợi vẻ vang
          Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
                   Vì độc lập, vì tự do
          Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
                   Tiến lên, chiến sĩ đồng bào
          Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn
          Đúng như vậy, mùa xuân năm Quý Sửu 1973, đế quốc Mỹ phải ký hiệp đinh Pari rút quân về nước. Mùa xuân năm Ất Mão 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam.
          Và cũng đúng như bài thơ “Dòng sông thời gian” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cảm nhận thơ chúc tết năm 1969 của Bác là một lời đoán định chính xác về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.
          Dòng sông thời gian trôi về miền vô tận
          Tôi hình dung trên bến ấy Bác ngồi
          Thơ chúc Tết, Người viết thêm bài nữa
          Ở cuối dòng sông hoa nở rợp trời

          Bác chỉ nói như một lời đoán định
          “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”
          Thế là đánh, thế ta như thác cuốn
          Đã giành về độc lập – tự do.
          Trở lại bài thơ “Nguyên tiêu”:
          Nguyên tiêu là tết Nguyên Tiêu Rằm tháng Giêng, cũng là đầu đề bài thơ của Bác viết trong đêm Rằm tháng Giêng. Bài thơ tứ tuyệt luật Đường rất chuẩn xác, chỉ có 28 chữ Hán đã vẽ lên một bức tranh sơn thủy mạc, có vầng trăng tròn vành vạnh, có dòng sông thơ mộng, có con tuyền lơ lửng giữa dòng ở nơi thanh vắng, yên tĩnh nhất. Bài thơ cũng viết nên một mẩu chuyện kể về một đêm Rằm thán Giêng, Bác và một số các đồng chí Trung ương cùng ngồi trên một con thuyền để bàn việc quân sự.
          Cả bài thơ ta không nghe thấy một tiếng động nào, ngoài từ “Đàm” là tiếng người đang bàn bạc việc quân, việc nước.
          Trong cái tĩnh, nhưng chứa bên trong sự hoàn mỹ, trăng thì “Chính viên” (Tròn nhất, tròn vành vạnh). Cảnh tĩnh mịch về đêm khuya, sông, nước, bầu trời mùa xuân càng đẹp tuyệt vời. Cuộc họp đã đi đến nhất trí, lòng người càng thấy thanh thản, chủ động đưa thuyền về bến đậu đem về đầy thuyền tràn ngập ánh trăng.
          Ở cuối bài viết này, tôi xin đọc bản dịch bài thơ “Nguyên Tiêu”. Chuyện kể rằng: Sau khi đọc bài thơ vừa tức thời sáng tác, Bác bảo đồng chí Xuân Thủy cũng là nhà thơ đang ngồi bên Bác dịch lại:
                   Rằm xuân lồng lộng trăng soi
          Xuân sông nước lẫn màu trời thêm xuân
                   Giữa dòng bàn bạc việc quân
          Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
          Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu khách quý và các bạn thơ.

Lê Văn Hy
Lê Xá – Thị trấn Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định
ĐT: 01244410749


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét