- Eo ơi, già rồi mà còn trẻ con lắm! Gần năm chục tuổi đầu rồi mà nhí nhảnh
con cá cảnh lắm cơ.... Đời thủa nhà ai, tóc đã bạc trắng mái đầu rồi mà bày đặt
níc nêm là em còn bé lắm... Ơ, mà chồng xưng em với ai thế... Chẳng lẽ chồng
xưng em với vợ?
Anh đỏ mặt, ấp úng:
- Thì đặt thế cho nó lạ,... chứ em với ai đâu?
Chị sầm mặt:
- Thế là không được! Thế là chồng không trung thực, chồng gian dối với vợ!
Chẳng ai đặt níc nêm lại không có nghĩa cả? Thôi chết! Hay chồng phải lòng mụ
bán xôi đầu ngõ mới xưng em ngọt ngào như thế? Chả trách, chồng toàn khen xôi
nhà mụ ý vừa ngon vừa rẻ. Tháng trước, vợ đánh dấu 5 lần chồng ăn xôi nhà mụ ý
đấy.
Anh gãi gãi đầu, giọng có chiều “nể vợ”:
- Thì xôi nhà bác ấy ngon và rẻ thật nên chồng mới ăn. Mà... năm ngoái vợ
chả khen xôi nhà bác ấy nấu ngon, sạch lại bán rẻ còn gì? Vợ chả nhắc đi nhắc
lại chồng phải thường xuyên ăn xôi ủng hộ nhà bác ấy đấy thôi...
Chị tròn mắt nhìn anh rất lâu, rồi thẽ thọt:
- Thật không? Có đúng là vợ nhắc chồng như thế không? Mà... Vợ chả tin đâu!
Vợ chả dại xúi chồng như thế đâu! Nhìn mụ ý cứ hơn hớn hơn hớn như thế, nỡ mụ ý
có ý gì với chồng thì chết à? Chồng có nhớ cái vụ năm kia không? Nhớ không?...
Ối dào... Chắc chồng lại cãi đấy là tai nạn chứ gì? Vợ biết tỏng chồng mà...
Thế nào chồng cũng nói là tai nạn... Thôi, chồng đừng có định cãi vợ nữa... Như
thế là không trung thực, là gian dối. Mà chồng biết đấy, vợ rất ghét ai có tính
không trung thực, rất ghét ai có tính gian dối. Chồng nhìn chồng bác Nga mà
học, cả đời chẳng biết cãi vợ câu nào… Ngoan ơi là ngoan. Đâu giống chồng, vợ
chưa nói xong câu mà chồng đã cãi năm cãi bảy. Vợ nói rồi, vốn kiệm lời nên vợ
đâu thích nói nhiều... Mà... vợ đang nhắc chồng chuyện gì nhỉ?
Anh lụng bụng:
- Chuyện xôi nhà bác đầu ngõ.
Chị quệt tay vào mép rồi lấy khăn lau tay, lau đi lau lại, kỹ càng lắm. Chán
chê, chị lại dài môi, thẽ thọt:
- Có đúng là vợ nói chuyện xôi nhà bác đầu ngõ không? Ồ đúng rồi, xôi nhà
bác ấy ngon, sạch sẽ mà rẻ lắm cơ... nhưng mà vợ không ưng cái thái độ nhà mụ
ấy, vợ chúa ghét cái thái độ của mụ ấy... Đàn bà có chồng có con rồi, lại cứ
đon đon đả đả với đàn ông là làm sao! Vợ thấy như thế là vô duyên, là lố bịch….
Vợ thấy chướng mắt! Vợ không ưng!
- Nhưng bác ấy bán hàng, phải thế.
Chị dài giọng, trề môi:
- Bác ấy bán hàng, phải thế... Biết ngay mà. Vợ biết tỏng chồng sẽ bênh mụ ấy
như thế mà.... Sao không để chồng mụ ấy ra đon đả với chồng mà lại là mụ ấy. Eo
ơi. Rõ là có tình ý với nhau nên bệnh nhau cứ chằm chặp, chằm chặp ý... Đàn ông
ra đon đả với đàn ông, sao lại để đàn bà?
Anh ái ngại nhìn mọi người, rồi khẽ khàng với chị: - Bác ấy vừa ngồi bán
hàng vừa mời chào khách chứ có đon đả kiểu như vợ nghĩ đâu...
Chi lại trề môi, chừng muốn dỗi:
- Đấy! Lại cãi! Sao chồng toàn bênh mụ ấy thế? Chồng sợ miệng mọc da non
sao mà cứ nhem nhẻm nhem nhẻm cãi vợ? Như thế là không trung thực! Như thế là
giả dối! Mà chồng biết rồi đấy, vợ rất ghét ai không trung thực, vợ rất ghét ai
sống giả dối... Mà... Mà có chuyện gì không trung thực ở đây nhỉ? (Chị vỗ vỗ
đầu một lát rồi hí hửng)... Đúng rồi! Là chuyện tình cảm giữa chồng với mụ bán
xôi đầu ngõ... Như thế là chồng không trung thực. Như thế là chồng giả dối. Mà
chồng biết rồi đấy…
Anh gắt:
- Là đủ rồi! Người ta bán hàng phải tươi cười mời chào khách lại bảo người
ta lố bịch? Hàng xóm láng giềng, một tháng mua ủng hộ có 5 bữa sáng mà kêu
nhiều là sao? Lại nữa! Người ta là người đàng hoàng sao cứ một điều mụ ấy, hai
điều mụ ấy là thế nào? Hở?
Chị co chân lên ghế, nghiêng người, lấy khủy tay che che mặt, ấm ức:
- Eo ơi... Sao chồng lại quát tháo vợ như thế? Chồng không nhớ là vợ bị yếu
tim à? Hay chồng không coi vợ ra thể thống gì nên mới thế? Vợ biết tỏng chồng
mà... Giờ vợ già rồi, vợ xấu rồi nên chồng không chiều chuộng, không nâng niu
vợ nữa... Thế này thì vợ chết quách đi cho rồi! Vợ chán sống rồi! Vợ... Vợ… Vợ
sẽ đi chết đây!
Chị nhìn anh. Nhìn mọi người. Rồi lại nhìn anh.
Thấy mọi người ngoảnh mặt đi, không nhìn chị, còn anh vẫn “đằng đằng sát
khí”, chị sụt sùi:
- Vợ biết mà. Chồng không còn yêu vợ nữa nên chồng kiếm cớ để chê vợ, bỏ
vợ. Số vợ khổ, khổ lắm nên mới lấy phải chồng... Chồng quên rồi à? Ngày chồng
còn đang cưa cẩm vợ ấy, chồng hứa những gì? Chồng thề thốt những gì mà bây giờ
chồng phũ phàng với vợ như thế... Ối giời cao đất dày ơi... Ới hàng xóm láng
giềng ơi… Ới bạn ới bè ơi… Mà này, chồng đi đâu đấy?
Anh không trả lời, khoác áo, bước nhanh ra cửa. Chị chạy theo, níu áo,
gặng:
- Chồng đi đâu đấy?
Anh hất hàm:
- Muốn biết thật à? Đi ra quán xôi làm chầu “tình cảm”. Ở nhà với vợ mệt
đầu lắm.
Chị luống cuống:
- Chồng ra đấy thật à? Thế chồng định đi ra đấy một mình à? Không! Vợ sẽ đi
cùng chồng. Vợ cũng đang muốn chầu “tình cảm” với xôi đây...
Mồm nói, chân
bước, chị khoác tay anh rất chặt.
Bước chân vào quán, chị cố khoác tay anh thật tình tứ. Rồi vênh mặt lên như
để cho mọi người biết anh và chị yêu nhau lắm, lắm.
Ái ngại với mọi người, anh khẽ nhắc chị:
- Vợ đừng khoác tay chồng nữa, mọi người nhìn vào, ngại chết.
Chị phá lên cười, rồi bẹo má anh, nũng nịu:
- Eo ơi... Chồng lại bày đặt làm bộ e thẹn, ngượng ngùng nữa chứ? Yêu chồng
lắm cơ!
Chị kéo ghế ngồi xuống. Một tay vuốt tóc, một tay gắp miếng xôi, nghiêng
nghiêng đầu nhìn anh, rồi chậc chậc lưỡi, giống kiểu ở nhà chị vẫn nựng cu tí
ăn bột:
- Nào... Chồng há mồm ra,... há to tí nữa nào... Ừm… Ừm… Thế... Thế... Eo
ơi nhìn chồng ừm yêu lắm cơ... Gớm, sao nước miếng của chồng tứa ra nhiều thế?
Há to tí nữa nào... Thế… Thế... Chồng ừm cái nữa để vợ xem nào! Hoan hô chồng!
Chồng ừm giỏi lắm!...
Anh gạt tay chị, vẻ khó chịu, làu bàu:
- Vợ đừng làm thế. Mọi người cười cho đấy.
Chị trề môi rõ
dài, rồi nguýt: - Gớm! Mọi người cười cho đấy... Mọi người nào ở đây? Chồng
ngại chị chủ quán chứ gì? Vợ biết tỏng trong đầu chồng nghĩ gì rồi... Hôm nay,
nhất định ... Vợ... Vợ... vợ phải làm cho ra ngô ra khoai mới được...
Chị giậm chân.
Chị chắp tay vào hông. Chị tiến lại chỗ chị chủ quán, chưa kịp la lối thế này
thế kia thì anh giang tay tát bốp một cái, rõ đau, rồi lôi chị xềnh xệch về
nhà. Vừa đi anh vừa gằn giọng:
- Bà làm tôi xấu hổ với mọi người. Tôi sẽ khâu mồm bà lại để bà hết thói
lắm điều! Tôi... Tôi xấu hổ vì bà.
Chị tái mặt.
Chị lắp bắp mãi không thành câu.
Hình như chị chưa lường được tình huống này thì phải!
*.
Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm
2015
ĐẶNG XUÂN
XUYẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét