Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 17-18)



          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          Đã đăng:
         

          XVII

          Tiếng trẻ con khóc trong đêm vang thật xa. Mấy nhà hàng xóm xung quanh nghe rất rõ. Nhà nào cũng mở cửa ra ngóng. Bà Hồng, bà Răm, bà Tứ, ông Mạnh đang xúm lại với nhau ở ngã ba nhà bà Hồng trao đổi ý kiến:
          - Con nhà thằng Lương làm sao mà khóc to thế? Tôi nghe rõ tiếng bà Bính à ơi dỗ cháu mà chẳng thấy nó nín. Hay là tôi với mọi người chạy sang xem sao?
          - Ừ, phải rồi. Có lẽ thằng bé nó đau bụng đấy?

          Mọi người cùng kéo nhau đi. Nhà bà Bính đèn sáng, cửa mở. Bà Hồng lên tiếng:
          - Mẹ nó đi đâu mà đêm hôm khuya khoắt bà phải dỗ cháu?
          Bà Bính không trả lời. Thấy vậy ông Bính trả lời thay vợ:
          - Rõ là khổ! Không biết mẹ nó đi đâu mà giờ vẫn chưa về? Lúc tối nó nói với tôi con đi có chút việc, khi nào cháu dậy ông bà cho cháu uống sữa.
          Bà Bính giờ mới nói:
          - Thằng bé chưa quen bú sữa ngoài, nó nhớ sữa mẹ khóc hết cả hơi. Giờ mệt quá nên cháu ngủ.
          Bà Bính bế cháu ngoại trên tay, bà không muốn đặt cháu vì sợ nó khóc. Bà rót sữa trong chai ra cái chén, bà dùng thìa múc sữa cho cháu uống. Đứa bé vừa ngủ vừa chóp chép miệng uống từng thìa sữa nhỏ.
          Ông Bính nói chuyện:
          - Hộp sữa này thằng bố Lương mới mua về. Hôm nó đi làm xa còn căn dặn vợ nó, dặn cả bà nữa cách pha sữa. Rõ thật đứa mù dạy người sáng mắt.
          Bà Hồng cầm hộp sữa xem rồi nói:
          - Thằng cháu được bao nhiêu tháng rồi hở ông bà?
          - Thằng cún được gần một năm rồi.
          - Thế thì uống sữa này tốt quá. Bố Lương nó biết mua sữa cho con đấy. Tôi nói thật với ông bà khối người sáng mắt mà không biết.
          Mọi người thấy đứa trẻ đã ngủ say lại vừa uống hết chén sữa, họ bảo nhau về.
          Đêm trăng suông. Cảnh đêm mơ hồ. Bà Hồng nói:
          - Không hiểu con Phượng nó đi đâu? Chắc lại có công việc gì quan trọng mới đi lâu thế?
          - Nó thì có việc gì quan với trọng. Tôi lại nghĩ khác bà, con Phượng với lão Hội có tình ý với nhau. Tôi bắt gặp hai đứa trò chuyện không đứng đắn với nhau vài lần rồi.
          - Thui cái mồm bà đi. Bà ăn nói vớ vẩn.
          - Tôi nói là có cơ sở, rồi các bà xem? Thôi trâu đi tìm cọc rồi!
          Nghe bà Răm nói vậy bà Tư cười nói:
          - Cái bà này ăn nói lung tung quá!
          - Các bà chưa thấy nên không biết thôi.
          - Biết cái gì?
          - Cái giống đàn bà là ngu lắm. Đã ngu lại còn tham nữa!
          - Bà điên đấy à?
          Bà Răm cười khi mọi người nói là bà điên. Bà cứ thủng thẳng nói:
          - Thằng cha Hội là loại lưu manh có hạng. Hắn lừa vợ mới cao thủ làm sao. Hôm nọ con vợ nó khoe với tôi: “Anh Hội nhà tôi tâm lý lắm. Mỗi tháng bảo tôi phải về thăm ông bà ngoại hai lần, ông bà cũng già yếu rồi.  Con gái lấy chồng mà chỉ biết có nhà chồng, quên bố mẹ đẻ là không được”.
          - Tay Hội nói thế là đúng chứ sao?
          - Thì ai bảo là không đúng. Có đúng thì vợ nó mới nghe. Tôi và các bà cũng thấy đúng là gì? Đàn bà thế mới ngu!
          - Bà bảo ngu ở chỗ nào?
          - Ngu ở chỗ này. Lão Hội nói thế con vợ được về quê thích quá còn gì. Ở nhà một mình lão muốn làm mưa làm gió gì mà chẳng được. Lão Hội không đứng đắn nghiêm chỉnh như ông Mạnh này đâu?
          Ông Mạnh biết các bà bắt đầu chọc mình, ông không lên tiếng. Ông cố tình đi chậm lại phía sau nhường cho các bà ấy đi trước.
          Bụi duối dại phía gò me bên đường đen sẫm dưới ánh trăng. Trẻ trâu làng Vàng ban ngày thường trèo lên bụi duối nhún lên nhún xuống giả vờ phi ngựa. Những lần như vậy bụi duối rung lên bần bật như lò so.
          Thủa nhỏ bà Hồng, bà Tứ, bà Răm cũng đã từng trèo lên bụi duối này để nghịch như vậy. Bụi duối này có tuổi đời đến cả trăm năm bên miếu thờ gò Me. Cũng chính vì ở cạnh miếu thờ nên những kẻ to gan, lớn mật ở làng Vàng cũng không dám đào gốc trốc rễ nó, họa chăng chỉ dám phạt cành, phạt ngọn không cho nó vươn rộng ra làm cớm nắng đất trồng. Còn gò Me là cách người dân làng Vàng nói chệch đi. Thật ra trong truyền thuyết của làng thì gò Me có tên gọi là gò Ma. Nơi này trước kia là bãi tha ma chôn xác chết quân nhà Thanh Trung Quốc sang xâm chiếm Việt Nam. Vong hồn của những kẻ tử trận đêm đêm lại vang lên đòi được về với cố hương, với người thân. Dân làng Vàng thương tình cho xây miếu, trồng cây duối bên gò để các vong hồn có nơi trú ngụ, từ đó gò Ma mới yên tĩnh và được gọi chệch là gò Me.
          Nếu bụi duối ban ngày mà rung lên thì không có gì lạ, tụi trẻ con làng Vàng đùa nghịch đấy thôi. Đằng này là nửa đêm mà bụi duối cứ rung lên ầm ầm, lại có cả tiếng khóc, tiếng nỉ non của người nữa. Bà Hồng đi trước thấy người mình ớn lạnh và dừng bước. Bà Tứ, bà Răm cũng nhìn và nhận thấy điều đó. Hai bà đứng nép vào bên bà Hồng thở dốc. Bà Răm không còn đủ can đảm, bà hét toáng lên rồi ngã vật xuống đất. Bà Hồng bà Tứ cũng đổ vật xuống theo.
          Ông Mạnh đi sau thấy vậy liền rảo bước tới, trông thấy ba người nằm bất động dưới đất, ông Mạnh biết nguyên nhân gì đã khiến ba bà này như vậy. Ông đưa tay giật giật tóc mai các bà rồi xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng lên, ông áp vào mặt các bà mà lay… Một lát sau cả ba người đều tỉnh dậy. Bà Răm hốt hoảng hỏi:
          - Ma đấy hả?
          Ông Mạnh nói to như quát để không khí sôi động lên:
          - Làm gì có ma mà sợ. Các bà buồn cười nhỉ, người lớn có phải trẻ con đâu mà bảo ma?
          Bà Hồng nắm chặt tay ông Mạnh hỏi:
          - Thế cái gì đang rung bần bật thế kia?
          - Các bà chỉ được cái thần hồn nát thần tính. Bà Ngần dở người bỏ nhà ra trèo phi cây duối chứ còn ai nữa? Các bà không nghe thấy tiếng bà Ngần đang
          Hát à? “Nhong nhong ngựa ông đã về” đấy ư?
          Bà Hồng bình tĩnh trở lại. Bà Răm, bà Tứ cũng đã hoàn hồn. Bà Răm nổi nóng lớn tiếng chửi bậy:
          - L. mẹ con mụ Ngần làm mẹ mày sợ hết cả hồn! Sáng mai mẹ mày cho chai xăng đốt cây duối đi thì hết phi. Nửa đêm còn mò ra phi ngựa làm mẹ mày sợ ướt cả quần!
          Bà Tứ nghe bà Răm nói ướt quần liền đưa tay sờ vào đũng quần bà Răm. Bà Răm lại một lần nữa giật bắn mình.
          - Ờ cái bà này ướt thật!
          - Không thật thì giả à? Còn bà Hồng thế nào?
          Bà Hồng cười nói:
          - Cái bà Răm chừa ngay cái kiểu đùa ấy đi. Tôi không như bà đâu?
          - Tôi nói thật chứ đâu có đùa. Ông Mạnh không dám kiểm tra à? Trăng sáng nhập nhoạng thế này ai nhìn thấy mà sợ?
          - Người đâu mà nhát thế?
          Bà Tứ nói như ủng hộ lời bà Răm.
          Bà Răm thấy đùa hơi quá bà chuyển sang chủ đề khác:
          - Tôi cam đoan với các bà, cái Phượng và lão Hội chắc chắn hú hí với nhau ở nhà nghỉ ngoài thị xã rồi!
          Bà Tứ phê phán bà Răm:
          - Bà Răm này không nhất ngôn. Vừa nãy nói là vợ con ông Hội về quê, ông ấy ở nhà một mình tha hồ làm mưa làm gió. Bây giờ lại nói ở nhà nghỉ ngoài thị xã?
          - Bà chưa hiểu ý tôi. Tôi nói là không sai đâu đấy. Bữa này chắc chắn là ở nhà nghỉ ngoài thị xã!
          - Mà cũng lạ thật. Ông Hội là người hội tụ đủ các thứ xấu ở trên đời như trai gái, cờ bạc, rượu chè, tham ô mà cứ thăng tiến như diều gặp gió nhỉ?
          Bà Tứ nói như nêu câu hỏi để bà Hồng, bà Răm, ông Mạnh trả lời. Bà Hồng lên tiếng:
          - Bà Tứ nói vậy tức là cũng biết về chính trị xã hội đấy nhỉ?
          Bà Tứ được bà Hồng khen có hiểu biết về chính trị xã hội bà Tứ tự hào lắm nhưng vẫn vờ nói:
          - Chuyện chính trị tôi không biết. Còn chuyện xã hội thì đâu phải mình tôi biết? Có cả ngàn cả vạn người biết đấy thôi. Làng Vàng mình có tay Hội. Cả ngàn vạn làng khác cũng có con người như Hội. Những dạng người như Hội chẳng nhan nhản trong các cơ quan, công sở từ thấp đến cao là gì? Có điều là dân mình ngại không dám vạch mặt chỉ tên, sợ bị nó trả thù? Cái tiếng Việt của mình cũng nhiều vấn đề lắm? Ví như “Đấu tranh” đọc lộn lại là tránh đâu? Thế mới ác chứ!
          Bà Răm nghe bà Tứ nói xong cứ như quả bóng được sì hơi. Bà nhẹ cả người nên nói lời bay bổng:
          - Có lẽ ông Hội là tinh hoa ma quái của làng Vàng. Còn ông Mạnh lại là người tốt nhất xã, hiền khô.
          - Tốt cái con khỉ! Hiền cái con khỉ? Ông Mạnh chúa là người ngậm miệng ăn tiền. Bao kỳ họp có bao giờ thấy ông ấy phê phán lãnh đạo đâu?
Bà Răm cố tình dẫn dắt câu chuyện để ông Mạnh lên tiếng nhưng không thành. Đến nước này thứ vũ khí “Nói bậy” của bà mới phát huy hiệu quả:
- Tôi còn lạ đéo gì cánh đàn ông như lão Mạnh nữa? Lâu ngày không được một cái nên đần độn, bí hạ phá thượng rồi. Người đâu toàn cầu an hưởng lạc. Tôi biết lão Mạnh sinh hoạt cùng chi bộ với Hội, nhưng sợ lão Hội bỏ mẹ. Tôi mà được như lão Mạnh thì cha Hội chết với tôi? Ra khỏi đảng sớm! Cha Hội đừng có giấu mặt với tôi!
          Ông Mạnh thấy bà Răm quá lời, câu chuyện trở thành méo mó, giờ ông mới nói:
          - Bà Răm và bà Tứ học ở đâu cách nói năng bạo mồm bạo miệng thế? Các bà có biết ăn nói không đúng chỗ, đúng lúc là phạm pháp không? Là gây mất đoàn kết, gây rối xã hội.
          - Biết ngay mà. Mới thế đã co vòi lại?
          - Làm gì có vòi mà co?
          Bà Hồng thấy bà Răm, Bà Tứ áp đảo ông Mạnh, bà lên tiếng:
          - Kỳ này bầu Hội đồng nhân dân xã tôi sẽ đề cử hai bà vào. Hai bà có đồng ý không?
          - Đàn ông làng Vàng này chết cả hay sao mà lại bầu chúng tôi?
          Lúc này ông Mạnh lại lên tiếng. Ông nói to:
          - Thế thì bầu cho tôi được chưa?
          - Có thế chứ!
          Phía bên kia bờ ao nhà bà Bính vẫn sáng đèn. Mọi người vẫn nhìn thấy bà Bính bế cháu đi đi lại lại trong nhà.
          Bà Răm hắt ra câu than vãn thật dài:
          - Rõ khổ cho bà Bính. Thôi tạm biệt mọi người tôi về ngủ đây.
          Bà Răm, bà Tứ cùng rẽ về một đường. Ông Mạnh và bà Hồng còn đi tiếp một đoạn đường nữa. Ông Mạnh nói với bà Hồng:
          - Hai bà này ăn nói tiêu cực quá. Ừ thì thực tế cũng có vậy. Đấu tranh chống tiêu cực không dễ đâu. Mọi chuyện cần phải có thời gian để giải quyết đâu phải cứ muốn là làm được ngay. Ví như tôi có chuyện quan trọng muốn nói với bà tôi cũng phải cân nhắc chứ. Nói thật lòng với Hồng, bà cho phép tôi được gọi như thế. Tôi muốn đặt vấn đề với Hồng đấy?
          Bà Hồng thừa hiểu ý ông Mạnh muốn nói gì và trong sâu thẳm tâm tư bà cũng mong đợi điều này nhưng bà vờ gạt đi:
          - Chuyện quan trọng gì cũng để mai hãy nói. Bây giờ Hồng về ngủ đây ngày mai còn làm việc. Anh cũng thế. Khuya lắm rồi!


          XVIII

          Sáng hôm sau cả làng Vàng ầm tin dữ: “Bà Ngần bị xe máy tông chết đêm qua trên đường làng. Người dân đi chợ sớm kéo xác bà ra từ đám rơm phơi trên đường. Vết đâm vào ngực vào đầu máu chảy đông đặc một bãi lớn dưới đất. Kẻ gây cái chết cho bà Ngần đã bỏ chạy”. Người ta nói chuyện với nhau:
          - Công an thế nào họ cũng tìm ra thủ phạm!
          - Quân dã man. Tội này tù hàng chục năm là cái chắc!
          - Tù tội cái gì? Cứ tiền vào là êm hết!
          Những lời như thế được phát ra từ miệng của nhiều người rồi loang ra mọi chỗ.
          Tin bà Ngần chết do xe máy đâm đến tai ông Bính khá sớm. Ông bần thần cả người khi nghe tin này. Ông nghĩ “Bà Ngần dở người đêm hôm còn mò đi đâu để đến nông nỗi này? Lúc sống thì điên điên dại dại, khi chết thì rách thịt tan xương. Còn kẻ nào lại vô lương tâm đến vậy? Nếu có chót đâm vào người ta thì cũng phải dừng lại để cấp cứu, kêu người giúp đỡ nữa chứ. Mà kẻ gây tai nạn hẳn là người trong làng, trong xã chứ người ở xa chẳng ai lại đi đêm khuya qua đây cả”.
          Ông Bính tự đặt câu hỏi “Đêm qua cái Phượng con ông về nhà bằng phương tiện gì? Nó đi với ai?” Câu hỏi này làm ông Bính thất thần, ông vào buồng của Phượng gọi Phượng dậy để hỏi:
          - Bà Ngần điên đêm qua bị xe máy đâm chết, dân làng đang rầm lên đấy! Đêm qua con ở đâu? Con về bằng phương tiện gì và đi với ai?
          Với bản chất ranh khôn Phượng không trả lời mà vờ kêu đau bụng rồi sau đó chạy ra nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh ở mãi cuối vườn, Phượng gọi điện thoại di động cho Hội:
          - Tình hình nguy hiểm anh đã biết chưa?
          Bên kia Hội ậm ừ trả lời giọng ngái ngủ:
          - Cái gì mà nguy hiểm?
          - Anh vẫn còn ngái ngủ à? Đêm qua “Ấy” cho lắm vào để bây giờ còn ngái ngủ. Bà Ngần chết rồi! Anh tính sao? Người ta đang kháo nhau bà Ngần bị xe máy đâm chết đêm qua đấy? Vừa nãy bố em có hỏi đêm qua em ở đâu? Đi về với ai? Bằng phương tiện gì? Em chưa trả lời bố em đâu! Anh với em phải thống nhất để em còn biết đường trả lời.
          - Thế à? Khốn nạn rồi! Em cứ trả lời bố là em chơi bên nhà vợ anh Hội.
          - Vâng em hiểu. Nhưng anh nhớ bảo mụ vợ của anh nhé?
          - Không cần phải bảo. Dở người ạ!
          Điện thoại trao đổi với Hội xong, Phượng vẫn vờ đau bụng rón rén, khom khom người đi vào buồng. Ông Bính nghĩ Phượng đau bụng thật nhưng ông vẫn hỏi lại. Phượng nói:
          - Tối, đêm qua con ngồi nói chuyện riêng của phụ nữ với vợ ông Hội chứ có đi xa đâu mà xe với máy.
          Nghe Phượng trả lời ông Bính yên tâm. Ông ra bàn ngồi hút thuốc lào, uống nước. Một lát sau ông nói to để cho Phượng nghe thấy:
          - Con mày còn bé, còn bú sữa mẹ, thế mà mày bỏ con ở nhà cho bà ngoại đi đến nửa đêm mới về. Con mày khát sữa khóc như bị ai đánh. Mẹ mày dỗ mãi mới nín, hàng xóm nhiều người chạy sang. Từ nay không được bỏ con như thế? Phải rút kinh nghiệm đấy!
          - Vâng. Con biết rồi!
          Ông Bính nói sang nội dung khác:
          - Ngày mai, ngày kia hai mẹ con mày phải về bên bà nội. Ở bên ông bà ngoại thế đủ rồi!
          Phượng biết mỗi khi bố gọi Phượng là “Mày” là lúc bố không vui. Bố đang bực mình. Nghe bố nói xong Phượng ra gian ngoài ngồi tâm sự với bố:
          - Bố biết không mỗi tháng thằng Lương chỉ đưa về vài trăm ngàn đồng thì sống sao nổi. Số tiền ấy nuôi bà mẹ chẳng xong? Vả lại bà ấy bẩn lắm! Người đâu mà cả tuần không thấy tắm.
          - Lương là chồng con sao gọi là thằng? Con đừng có ăn nối hỗn láo thế mà hết tình cảm vợ chồng. Còn việc bà cụ ít tắm là do trời rét, người già không như người trẻ đâu mà tắm nhiều? Con có thể mỗi tuần đun cho bà một nồi nước nóng để bà tắm. Sao con không làm thế?
          Sự giả dối không giấu được lâu. Những lời nói chân thật của ông Bính khuyên bảo con gái như giọt nước làm tràn ly. Phượng sa sầm nét mặt nói:
          - Con biết hoàn cảnh trớ trêu của con nên con mới phải lấy thằng Lương. Chứ con có yêu thương gì nó. Thằng Lương cũng vậy nó có đui mù mới lấy con. Khi Phượng nói xong, ông Bính đập tay xuống bàn quát:
          - Khốn nạn quá! Thế là thế nào? Mất dạy quá!
          Nghe tiếng đập bàn và tiếng ông Bính mắng con, bà Bính từ buồng bên chạy ra hỏi:
          - Có chuyện gì mà hai bố con ông to tiếng vậy? Để yên cho thằng cún nó ngủ!
          Ông Bính đứng phắt dậy khỏi ghế đi ra sân. Vừa đi ông vừa nói:
          - Mất dạy quá! Khốn nạn quá! Vô phúc quá!
          Phượng cũng đứng dậy theo chạy lại kéo áo bố. Nước mắt vòng quanh nói:
          - Bố ơi con cũng khổ lắm! Bố để con ở nhà với bố mẹ! Thằng cún đâu phải con của Lương? Nó là con của người khác!
          Ông Bính nghe con khóc lóc nói thế ông không tin vào hai tai của ông nữa. Ông đỡ con gái dậy rồi ôn tồn hỏi:
          - Thế thằng cún là con ai? Bố của nó giờ ở đâu?
          Phượng ngước mắt nhìn bố nói:
          - Chuyện dài lắm con sẽ kể ngọn ngành với bố sau!
          Ông Bính đưa tay cởi chiếc khăn len trên cổ mình quàng lên cổ con gái. Ông ngửa mặt nhìn trời và hít một hơi thở thật sâu.
          Màn trời vẫn nhờ nhờ tối.
          Sớm hôm sau.
          Ngoài đường tiếng người nói râm ran. Vợ Hội thấy chồng dậy sớm ra sân nói chuyện điện thoại khá lâu mới vào và tỏ ra lo lắng bèn dậy hỏi:
          - Có việc gì mà anh điện thoại sớm thế?
          Hội nói như mắng vào mặt vợ:
          - Cô chưa biết chuyện gì à?
          - Có chuyện gì mà anh gắt gỏng tôi?
          - Bà Ngần dở người chết rồi!
          - Bà ấy chết thì liên quan gì đến anh, liên quan gì đến tôi mà anh nổi nóng! Anh làm sao thế?
          Hội đưa tay kéo vợ nằm xuống rồi trở giọng nói:
          - Bà Ngần chết, anh là phó công an xã lại bận việc rồi chứ sao nữa?
          - Lão trưởng công an xã còn chẳng lo huống hồ chức phó của anh? Mà việc chết người thể nào công an huyện người ta cũng về xem xét hiện trường, nghiên cứu để tìm ra đối tượng. Kẻ tông xe vào bà Ngần sao vô nhân đạo thế? Không còn tình người nữa! Tôi chỉ mong công an họ tìm ra, xử tù mọt gông lũ khốn nạn chạy nhanh, chạy ẩu này!
          Hội nằm bên vợ nghe vợ thủ thỉ như vậy nóng ruột lắm nhưng chưa biết làm thế nào. Hội nghĩ” Điều tốt nhất bây giờ là bịt cái mồm con vợ lại, không cho nó nói nữa”. Hội rút tay khỏi gối đầu của vợ rồi ngồi nhổm dậy nói:
          - Bác cả Tiến nhà mình về tối qua không hiểu có việc gì? Sáng nay em đi chợ sớm mua thứ gì về làm cơm mời bác!
          - Vâng. Có lẽ em mua đôi vịt. Bác Tiến là chúa thích món tiết canh vịt.
          - Ừ, đúng đấy. Em giỏi thật! Thôi dậy đi chợ đi để về cho sớm!
          Vợ Hội dậy súc qua mồm miệng, uống cốc nước nóng cho ấm bụng rồi dắt xe đạp đi chợ.
          Tiến là anh trai của Hội. Tiến là cán bộ của tỉnh. Tiến về nhà Hội để bàn với Hội đầu năm tới Hội sẽ đứng tên giám đốc một công ty xây dựng trách nhiệm hữu hạn. Tiến sẽ gạt cho Hội xây dựng một loạt hạng mục công trình của tỉnh. Lúc đó Hội sẽ thực hiện theo ý đồ của Tiến. Vài tỷ đồng chênh lệch bỏ vào túi dễ như không.
          Tiến thấy em dâu lạch cạch dắt xe đi chợ, Tiến không ngủ nữa. Tiến nói:
          - Thím đi chợ phải không?
          - Dạ vâng. Bác cứ nghỉ đi dậy làm gì sớm!
          Hội nói:
          - Nhà em ra chợ mua đôi vịt về đánh bát tiết canh.
          Tiến đợi cho vợ Hội đi khỏi nhà rồi mới hỏi Hội:
          - Chú có việc gì không ổn phải không?
          - Gay quá anh ạ. Đêm qua em đi xe máy về, đường làng khó quan sát lại phơi nhiều rơm rạ em đâm vào bà Ngần dở người nằm trong đống rơm.
          - Sao chú không dừng lại sơ cứu cho bà ấy mà lại bỏ đấy? Bà ấy giờ đâu rồi?
          - Người nhà và hàng xóm khênh bà ấy về nhà. Bà ấy chết rồi!
          - Nhà bà ấy có những ai?
          - Có mỗi thằng cháu ruột ở cùng với bà ấy. Thằng này vua cờ gian bạc lận ở vùng này!
          - Thế thì tôi với chú phải sang gặp thằng cháu bà ấy ngay để khóa mồm nó lại, không cho nó làm ầm, lớn chuyện ra.
          Nghe anh trai nói thế Hội biết phải làm gì rồi!
          Bà Ngần dở người trong làng xã này ai cũng biết. Bà dở dở điên điên đã gần mười năm nay. Những năm trước bà cũng có gia đình, có chồng, có con. Kinh tế nhà bà vào loại giàu nhất xã. Nhưng khốn, cuộc đời lắm éo le, dòng đời xô đẩy bao số phận từ giàu có sang khuynh gia bại sản, và ngược lại từ hai bàn tay trắng bỗng chốc trở nên giàu có. Bà Ngần thuộc diện bên lở của dòng sông. Mười mấy năm về trước bà Ngần mới ngoài ba mươi tuổi, chồng bà cũng vậy.
          Hai vợ chồng bà thường buôn bán xa nhà, mà toàn buôn đá quý. Hai đứa con trai của vợ chồng bà ở nhà với ông bà ngoại và người bác ruột chị gái của bà. Đồng tiền vợ chồng bà kiếm được dễ dàng. Những năm ấy vàng bà đeo nặng cổ, nặng các ngón tay. Cổ nhân đã phán đồng tiền kiếm ra dễ bao nhiêu thì mất đi cũng dễ như thế! Hai vợ chồng bà mỗi tháng đôi lần ăn diện lối thượng lưu cưỡi xe máy đắt tiền ra thị xã đánh bạc. Có đêm vợ chồng bà thu về cả trăm triệu đồng, rồi cả tỷ đồng. Thứ vàng thuần túy trên người bà được thay bằng loại vàng nạm kim cương thời thượng. Bà đẹp lộng lẫy như các phu nhân xứ dầu mỏ, như các đại gia Hà thành, Sài thành. Đám cờ bạc trên thị xã, ở tỉnh ngoài về thường khen bà đẹp. Có kẻ còn nói nhỏ vào tai bà “Nếu bà đồng ý cho tôi ngủ với bà một đêm tôi sẽ tặng cho bà một biệt thự ở Hà Nội”. Chuyện loại này bà Ngần thường bỏ ngoài tai. “Vận đỏ” đến với vợ chồng bà liên tục. Vợ chồng bà càng đánh càng thắng. Hầu hết dân cờ bạc có máu mặt ở thị xã phải dốc hầu bao, tháo nhẫn vàng, nhẫn kim cương, gán cả xe ô tô đắt tiền cho vợ chồng bà.
          Dân cờ bạc quyết định tiêu diệt vợ chồng bà bằng cách thuê người gây nghiện cho hai đứa con trai của vợ chồng bà. Chính vì thế hai đứa con trai của vợ chồng bà lần lượt ra đi vì trích thuốc quá liều. Khi các con chết vợ chồng bà suy sụp về tinh thần một thời gian. Sau đận ấy có bạn cờ bạc đến rủ vợ chồng bà sang Cam Pu Chia đánh bạc. Vận đỏ đã hết, vợ chồng bà liên tục thua bạc trên đất khách quê người. Vợ chồng bà thành con nợ lớn. Thằng chồng bà khốn nạn đã bán bà cho chủ bạc rồi ôm tiền bỏ đi biệt vô âm tín. Bà Ngần trở thành món hàng giải hạn cho kẻ thua bạc. Hàng đêm, hàng ngày bà phải “Tiếp” cả chục khách làng chơi…
          Khi mọi người trong làng xã thấy bà về quê thì bà đã dở điên dở dại. Bà thường úp cái bát tô lên đầu, phanh áo để ngực trần, bà đi khắp nẻo đường ngõ xóm. Trẻ con trong làng thấy bà hở ngực lấy que chọc vào vú bà để nghịch. Khi đó bà Ngần chỉ cười như đùa với bọn trẻ. Mùa hè vừa rồi bà xuống ao làng tắm. Bà tắm truồng rồi cứ thế lên bờ cỏ nằm, có kẻ dê cụ khốn nạn định hãm hiếp bà bị bà cắn xé cho rách tai, rách mặt.
          Bố mẹ bà Ngần sau cú sốc lớn và do tuổi cao sức yếu đã bỏ bà ra đi. Bà Ngần ở với vợ chồng người chị gái. Khi bố mẹ bà mất có để lại di chúc bà được hưởng mảnh đất đang ở bây giờ. Người chị gái thương bà nên dùng số tiền ngày trước bà gửi xây cho bà ngôi nhà. Chị gái còn cử thằng con trai lớn ra ở để chăm sóc bà.
          Anh em nhà Hội bỏ trong áo hai bọc tiền lớn rồi kín đáo sang nhà bà Ngần.
          Thằng Long cháu ruột bà Ngần ngồi hút thuốc lào ngoài hiên. Nó thấy có người đến nhà nhưng nó mặc kệ. Nét mặt Long lầm lì không cười, không nói. Có lễ nó đang suy nghĩ một điều gì đấy? Thấy vậy Hội cất lời hỏi trước:
          - Chú Long à! Chúng tôi sang có lời chia buồn với chú.
          - Cám ơn hai ông. Dì tôi chết khổ quá! Tôi thì chưa tìm ra kẻ gây nên cái chết của dì tôi? Tôi sẽ ra báo chính quyền địa phương.
          - Bà Ngần sống cũng khổ mà chết cũng khổ, người ta có số chú Long ạ.
          - Dẫu là thế! Nhưng cũng phải tìm ra thủ phạm để nó còn có trách nhiệm và luật pháp còn xử nó.
          - Chú nói trách nhiệm là đúng rồi, chúng tôi cũng nghĩ như thế.
Tiến để Hội nói chuyện với Long từ đầu đến giờ mới nói:
          - Chú Long ơi, thủ phạm chẳng phải đâu xa lạ, chính là người nhà tôi đêm qua đã đâm xe máy vào bà Ngần đấy. Chúng tôi biết ăn nói với chú thế nào bây giờ. Chúng tôi gặp chú có đôi lời. Thứ nhất chúng tôi xin nhận mọi chi phí, thứ hai chúng tôi nghĩ chú không nên kiện cáo, đằng nào bà Ngần cũng mất rồi. Chúng tôi gửi chú một khoản tiền để lo mai táng và hương hoa cho bà.
          Long trầm ngâm một lát rồi nói:
          - Đằng nào dì tôi cũng mất rồi. Tôi có kiện cáo thì cũng chỉ làm khổ cho gia đình các ông, mà còn mất đi tình làng nghĩa xóm nữa.
          Với bản chất ranh mãnh của Hội và cách nghĩ sâu xa của Tiến, hai anh em nhà Hội thừa hiểu ý thằng Long nói gì. Hội nói:
          - Anh em tôi thành thật cám ơn chú. Chú quả là sáng suốt, tình nghĩa!
          Long cắt ngang lời Hội rồi lạnh lùng nói như mắng vào mặt anh em nhà Hội:
          - Sáng suốt cái con mẹ! Một mạng sống mà ông Hội nói thế à?
          Tiến đưa mắt lừ Hội rồi nói:
          - Chú Hội ăn nói hồ đồ quá!
          Tiến mở cúc áo lấy ra bọc tiền đặt trên bàn rồi nói:
          - Tình nghĩa của chú Long thật là lớn. Tôi gửi chú số tiền năm mươi triệu đồng mong chú nhận giúp cho.
          Thấy Tiến nói số tiền năm mươi triệu đồng, Long nghĩ đã là một số tiền lớn nhưng vẫn nghiêm giọng nói:
          - Các ông trả giá cho mạng người thế à? Gấp hai số tiền này là còn ít!
          Thấy Long nói thế Tiến lấy nốt bọc tiền trong túi đặt lên bàn rồi nói:
          - Chú Long đã nói vậy, chúng tôi cũng không có ý kiến gì hơn.
          Long nhìn hai bọc tiền mệnh giá năm trăm ngàn đồng, rồi hỏi:
          - Hai ông đếm đủ chưa đấy?
          Tiến trả lời:
          - Mỗi bọc này đủ năm mươi triệu. Chú cứ yên tâm đi.
          Long hỏi thế thôi chứ Long không lạ gì. Nhiều lần Long đã nhìn thấy loại tiền này đặt trên chiếu bạc. Long nói:
          - Anh em nhà ông yên tâm về đi. Công việc này thế là được!
          Hội và Tiến ra về. Ra đến ngoài cổng Tiến bảo Hội:
          - Thế là thằng Long câm miệng! Chứ không là rách việc đấy!
          Hai anh em nhà Hội về rồi, Long khép cửa ngồi trong nhà mặt đầy toan tính: “Thế là ổn, một công ba việc. Dì Ngần chết đi dì cũng hết khổ, mình cũng hết khổ. Việc nữa là làm phúc cho nhà cha Hội. Cha Hội phải hàm ơn mình, sau này có việc gì mình nói, mình chửi nó cũng phải nghe. Điều thứ ba là mình có tiền! Chi phí đám tang đâu có tốn nhiều tiền đến thế? Chắc chắn tập tục việc đám tang ở làng Vàng chỉ dăm bảy triệu là đủ, là trọng thể rồi!”
          Long cười rồi bất chợt nảy ra suy nghĩ mới: “Phải kiểm lại số tiền. Anh em cha Hội cũng chẳng vừa. Có thể đếm thiếu một hoặc hai chục triệu đồng như chơi?” Long đứng dậy mở tủ lấy bọc tiền ra đếm lại. Long nhìn hai bọc tiền còn nguyên đai, nguyên dây buộc của ngân hàng, không có dấu hiệu thay đổi gì, chắc là đủ! Long yên tâm bỏ hai bọc tiền vào chiếc túi vải, nút chặt lại đầu rồi ném sâu vào phía trong tủ. Long khóa tủ bằng loại khóa to và tốt. Chìa khóa Long nhét vào chỗ kín trong nhà. Khi mọi việc đã xong, Long lặng lẽ đến bên xác bà Ngần chắp hai tay vái lạy:
          - Dì Ngần ơi, dì đừng trách con hành xử như vậy? Dì có sống lại được nữa đâu? Khi sống dì sống khổ sống dở, khi chết thì chết thương tâm. Con thương dì nhiều lắm! Đã nhiều năm nay con ở với dì, con chăm sóc dì, giờ dì mất rồi con cầu cho linh hồn dì được siêu thoát. Dì phù hộ độ trì cho mọi người trong gia đình mình nhé!
          Bên xác bà Ngần, Long khấn vái và khóc đỏ cả hai con mắt.
          Ngoài ngõ chị gái bà Ngần và bà con trong làng đang đến.
          Ngày hôm sau Hội cũng có mặt trong đoàn của xã đến thắp hương viếng bà Ngần, chia buồn cùng gia đình.

(Còn tiếp)
Phan Đạt Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét