Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

SƯƠNG KHÓI MẶT NGƯỜI (Kì 11-12)


Nhà văn Phan Đạt Ninh

          Tiểu thuyết PHAN ĐẠT NINH

          Đã đăng:
         
       XI

          Gần chiều có hai người phóng xe máy và một con chó bị xích cổ chạy dọc đường làng rồi rẽ sang đường đến trụ sở xã. Một số người gần đấy lảng vảng ngoài vườn nhìn thấy. Họ tự động túm tụm lại với nhau để luận chuyện. Đám người cứ như những giọt sương nhỏ ly ty đọng trên lá sen dưới hồ bị cơn gió nhẹ thoáng qua túm lại thành giọt nước lớn.
          Đám người nghển cả cổ, mở tròn mắt nhìn theo:
          - Chuyện gì lạ thế? Hay ông Mạnh tìm thấy chó rồi? Đúng con chó màu đen nhà ông ấy?
          - Tại sao lại hai người? Có vấn đề rồi. Thế mà thằng Kết suýt nữa tội oan!
          - Tôi lại nghĩ khác bà, người thứ hai là khách đi đường. Còn lão Mạnh đã tìm thấy chó. Mọi người lạ gì cái giống cái ở làng Vàng hám của lạ nên mới đi xa như vậy. Con này cao số đấy?
Tư điếc vốn dĩ nặng tai nhưng tính tình “Ong bướm” nên cố tình nói ậm ờ như vậy. Chuyện gì Tư điếc cũng có thể lái sang nội dung dâm dục. Bữa nay kiểu nói của Tư điếc không làm cho ai buồn cười, ngược lại Tư điếc chỉ nhận được những lời mắng như té nước vào mặt của mấy bà:
          - Hết chuyện rồi hay sao mà ăn nói thế?
          Nghe xong Tư điếc đỏ cả mặt.
          Tại trụ sở xã, ông Mạnh xích con chó vào gốc cây. Con chó mấy ngày không gặp chủ giờ nó mừng rối lên. Hai chân trước nó đu lấy người ông, cái mõm hôi hám của nó cứ dúi vào mặt ông. Chỉ có hai con mắt nó tỏ ra sợ hãi nhìn lấm lét. Ông không để ý đến nó mà nói với người đi cùng:
          - Bây giờ tôi với ông vào ủy ban làm việc. Ở đây ông sẽ trình bày ý kiến, ý ruồi của ông. Còn con chó này là của tôi, xã này ai cũng biết. Tôi mất nó đã mấy hôm, may mắn thế nào tôi lại trông thấy nó ở cửa hàng nhà ông. Nếu chậm chút nữa chắc nó “Lên Thiên đường” rồi.
Hội thấy ông Mạnh và người lạ vào phòng mình liền hỏi:
          - Hai người có chuyện gì phải không?
          - Thưa vâng!
          - Vào đây! Ngồi xuống!
          Ông Mạnh và người mua chó ngồi xống ghế. Người mua chó nói:
          - Báo cáo với đồng chí công an xã, Tôi làm nghề thu mua chó ngoài huyện. Cửa hàng nhà tôi treo biển “Xuân Cẩu”, chắc là đồng chí cũng đã biết. Sự việc thế này: Tối hôm kia thằng Lâm con nhà ông Sơn ở làng mình có chở con chó này đến cửa hàng tôi nói: “Bố cháu bảo mang bán cho bác”.
Không để cho đương sự nói hết, Hội đưa tay chặn lại nói:
          - Tại sao ông biết thằng Lâm và ông Sơn?
          - Ờ, năm nào tôi chẳng mua dăm chục con chó ở làng này.
          - Ông nói tiếp đi!
          - Tôi nghe thằng Lâm nói thế tôi mới mua. Tôi đưa số tiền ba trăm ngàn đồng cho nó, đúng bằng số tiền tôi mua con chó trước cũng của nhà nó. Tôi chẳng hiểu sao chiều nay bác này vào hàng tôi ngáo ngơ nhìn các lồng chó tôi đã xếp sẵn để “Tua rít” Trung Quốc rồi nhận là của nhà ông ấy bị mất cắp. Sự việc chỉ có thế.
          Hội nghiêm mặt nói:
          - Ông vừa nói “Tua rít” cái gì? Chốn công đường phải nghiêm túc! Còn ông Mạnh về nhà tay Sơn gọi cả hai bố con tay ấy ra đây!
Ngồi trong phòng công an thằng Lâm sợ run cầm cập. Hội nói như quát:
          - Mày hư quá! Tại sao mày ăn cắp chó của ông Mạnh bán cho ông này?
          Ông Sơn nghe rõ nội dung toát cả mồ hôi hột. Ông trừng trừng nhìn vào mặt con. Thằng Lâm càng sợ lắp bắp nói:
          - Cháu không có tiền trả cho chủ cửa hàng “Gêm”, họ đe giết cháu! Cháu phải làm vậy!
          Hội nhìn gã mua chó nói:
          - Còn ông? Ông trả cho nó bao nhiêu tiền?
          - Ba trăm ngàn đồng!
          - Số tiền này thằng Lâm để đâu?
          - Cháu trả nợ cửa hàng Gêm hai trăm ngàn. Một trăm còn lại cháu chiêu đãi bạn bè.
          - Mày chiêu đãi bạn bè thứ gì?
          - Tụi cháu uống cà phê, hút thuốc lá.
          Hội nhìn ông Sơn nói:
          - Ông đã nghe rõ quý tử của ông nói chưa? Thằng này mới mười bốn tuổi mà đã hư hỏng, nào bắt trộm chó, đi xe máy, uống cà phê, hút thuốc. Mất dạy từ bé! Phải nghiêm trị!
          Hội quay sang người mua chó rồi hất hàm hỏi:
          - Còn ông đã có tuổi, kinh doanh lọc lõi mà còn cố tình làm trái pháp luật. Mua đồ ăn cắp của trẻ vị thành niên, ông có biết tù mấy năm không?
Hội ra sân nhìn con chó nhà ông Mạnh bị buộc bên xe máy. Hội móc thuốc lá ra hút. Trong phòng ông Sơn mắng con thậm tệ:
          - Sao mày hư thế? Về nhà tao đánh cho một trận để mày chừa!
Hội hút xong điếu thuốc rồi quay vào phòng. Hội phán:
          - Con chó của ông Mạnh thì ông dắt về. Việc của ông xong! Còn hai đương sự này xuống nhà tạm giam để mai xét xử. Hết giờ rồi! Xuống!
          Hội dọa, chứ xã làm gì có nhà giam.
          Người đàn ông mua chó liền đổi giọng:
          - Đồng chí công an thông cảm. Tôi biết lỗi của mình, tôi chịu phần thua thiệt, đồng chí để tôi về.
          Hội lạnh lùng nói:
          - Ông chịu khó ở phòng tạm giam một đêm, ngày mai công an huyện về, chúng tôi sẽ xử để ông khỏi bị thiệt?
          - Thôi ạ, coi như tôi đánh mất ba trăm ngàn đồng.
          Hội nghiêm mặt nói:
          - Chốn công đường ông đừng có lải nhải? Ông không hiểu à?
          Người mua chó kín đáo móc túi lấy tờ một trăm ngàn đồng nhét vào góc bàn của Hội. Hội liếc mắt vờ như không biết!
          Thằng Lâm và người mua chó không phải tạm giam, được tha cả hai mừng lắm. Người mua chó vội vàng lên xe máy rồi biến mất. Hội nói với ông Sơn:
          - Thằng con ông tôi sẽ làm việc với nhà trường để họ kỷ luật nó. Bây giờ hai bố con ông về đi.
          Bữa cơm tối ông Sơn kể tội thằng Lâm với vợ. Vợ ông lo lắm nhưng cố bình tĩnh nói với con:
          - Con phải nhớ đến già không bao giờ được trộm cắp nữa. Bác Hội công an sẽ đưa con ra trường, nhà trường sẽ đuổi học con.
          - Vâng ạ, con biết lỗi rồi.
          Vợ ông Sơn nói với chồng:
          - Lát nữa ông sang lựa lời với người ta không lại rách việc. Ông ấy làm đấy!
          Ông Sơn loay hoay chưa biết lấy gì để làm quà cho Hội. Thấy thế vợ ông nói:
          - Ông cứ làm cái phong bì bỏ vào đấy một trăm ngàn đồng. Tờ một trăm ngàn bán trứng đấy? Thế là hết sạch số tiền bán trứng sáng qua!
Ông Sơn sang nhà Hội thấy Hội đang gọi điện thoại cho ai đó ngoài vườn. Người đầu máy bên kia chắc là phụ nữ, nên Hội mới anh anh, em em cợt nhả. Chờ Hội gọi điện xong ông Sơn mới nói:
          - Tôi sang có lời cám ơn ông đây.
          Hội thủng thẳng nói:
          -  Ơn huệ cái gì. Thằng Lâm nhà ông hư hỏng thật rồi, ông phải nghiêm khắc với nó. Tôi đứng về phía ông nạt lộ lão mua chó nên lão ấy mới chịu mất tiền với con ông đấy?
          - Vâng, tôi biết. Tôi sẽ dạy bảo cháu. Tôi cám ơn ông rất nhiều. Tôi có chai rượu biếu ông.
          - Ông chỉ vẽ vời, người làng xã phải giúp nhau chứ?
          Ông Sơn dúi chiếc phong bì tiền vào túi Hội. Hội nói:
          - Thôi ông về đi, tôi đang bận việc!
          Hội cười.
          Tối nay vợ Hội và lũ trẻ không có nhà, cả ba mẹ con sang thăm ông bà ngoại từ chiều. Hội ở nhà tha hồ làm vương làm tướng. Hội và Phượng đang nói chuyện điện thoại với nhau:
          - Anh có quà cho em đây, hàng đập hộp. Em gửi thằng nhóc cho ông bà ngoại rồi sang mà lấy. Điện thoại của hãng này nổi tiếng thế giới.
          - Bà vợ già của anh có nhà không mà em em ngọt thế?
          - “Đồ cổ” xuất ngoại rồi, ngày mai mới về. Cả lũ trẻ cũng đi ráo. Anh đang cô đơn đây. Sang ngay nhé.
          - Vâng.
          Hội đưa tay tắt phím điện thoại rồi ra cổng đón Phượng. Sương mù giăng như đồng lõa che giấu đi sự thật. Phượng đến hổn hển nói:
          - May quá thằng bé ăn no mới ngủ, em đưa bà ngoại bế rồi. Nhanh chân vào nhà, anh tắt đèn pin đi, sập cổng lại. Em không muốn ai thấy.
Trong nhà ngọn đèn điện phía buồng hắt ra thứ ánh sáng yếu. Hội đưa tay ôm eo Phượng ngồi xuống ghế.
          - Đâu đưa em xem có đúng hàng hiệu, có trinh không hay hàng đểu mông má lại?
          Hội với tay lên tủ cầm hộp điện thoại đưa cho Phượng. Hai bàn tay của Phượng khéo léo mở hộp lấy chiếc điện thoại ra. Ánh vàng của nó sáng bóng trên ngón tay Phượng.
          - Anh giỏi thật đấy, mua đúng kiểu em thích!
          Nói xong Phượng đu lấy cổ Hội hôn lên mặt, lên trán Hội. Đôi bồng đảo đẫy đà của người phụ nữ nuôi con áp vào ngực, vào tay Hội. Phượng như hút hết tâm trí của Hội. Cái thân hình phốp pháp ấy cứ trườn lên trườn xuống, nóng hôi hổi trong vòng tay Hội. Hội ôm eo Phượng bế lên giường.


       XII

          Mùa đông về đem theo cái rét mướt. Ngoài vườn gió lạnh tăng cường rào rạt thổi. Nhiệt độ xuống thấp. Mới có bốn giờ chiều mà không gian làng Vàng đã mờ tối. Ngoài đường ít người đi lại. Mưa…
          Ông Mạnh ngồi trong nhà nhìn ra ngoài nói với vợ:
          - Kiểu này năm nay lại rét đậm rét hại thôi. Số trâu bò còn sót lại năm ngoái khéo đi nốt.
          Vợ ông Mạnh nằm bẹp trên giường nghe chồng nói câu được câu chăng.
          - Sớm mai ông gọi điện bảo con gái Thủy về. Chắc đến hai tháng rồi con nó chưa về nhà? Tôi thấy nóng ruột quá!
          Bà vừa nói xong thì Thủy đã lên tiếng gọi bố mẹ từ ngoài sân. Con Mực vùn vụt chạy ra kêu ư ử, rối rít chạy đi chạy lại.
          - Bà nói thiêng quá, con Thủy nó về rồi kia kìa!
          Thủy vào nhà. Con Mực cũng vào theo. Thủy cất túi xách vào buồng rồi ra ngồi nói chuyện với bố mẹ:
          - Bố ở nhà chắc vất vả lắm? Mẹ thấy trong người khỏe không? Con nhớ bố mẹ nhiều. Vừa rồi con phải thi nên không về được. Việc đồng áng, việc nhà… con chẳng giúp được gì cho bố mẹ cả.
          Ông Mạnh nhìn thấy con rơm rớm nước mắt mà thương. Ông nói:
          - Con gái bố mẹ cứ yên tâm học tập. Công việc nhà bố lo được. Vừa rồi kết quả thi cử thế nào, con nói cho bố mẹ nghe?
          Thủy lấy khăn thấm khô nước mắt nói:
          - Học kỳ vừa qua con được học bổng. Các điểm thi đều khá giỏi. Con có quà biếu bố mẹ đấy. Con mua tặng bố chiếc khăn quảng cổ, tặng mẹ hộp tất chân. Con nghe nhiều người nói năm nay mùa đông rét lắm!
          Thủy mở túi lấy quà đưa bố, mẹ.
          Mẹ Thủy cố gắng ngồi dậy để ngắm nhìn Thủy. Bà nói:
          - Con chỉ mua đận này. Lần sau có học bổng con giữ tiền mà tiêu. Là con gái nhiều thứ cần mua lắm?
          Nghe mẹ nói Thủy chỉ cười. Thủy biết bố mẹ quan tâm và rất thương Thủy.
          - Bố mẹ yên tâm. Con biết lo liệu mà.
          Thủy cất túi vào buồng rồi xuống bếp nhóm lửa nấu cơm chiều.
          Góc sân bố Thủy ngồi cắt tiết gà.
          Nói về Thủy: Thủy là sinh viên năm thứ ba trường đại học sư phạm. Năm nay Thủy hai mươi mốt tuổi. Sau kỳ thi Thủy thường được nghỉ dăm ngày để chuẩn bị cho kỳ học tới. Dịp này bạn bè Thủy rủ nhau đi chơi nhưng Thủy không đi mà về nhà giúp bố và chăm sóc mẹ. Những ngày ở nhà Thủy chỉ quẩn quanh bên mẹ, khi cho mẹ ăn cháo, uống thuốc, khi thay áo quần cho mẹ và chuyện trò cho mẹ vui. Nhiều đêm nằm bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện về đời bố mẹ, nước mắt Thủy đã chảy ướt gối. Thủy nghĩ thương bố mẹ nhiều và thầm trách cuộc đời sao éo le. Hạnh phúc và tình yêu có gì đó phụ thuộc vào nhau? Với bố mẹ, tình cảm hai người giành cho nhau rất lớn. Bố mẹ cưới nhau năm mẹ mười tám tuổi khi vừa rời ghế trung học phổ thông. Bố Thủy cũng chỉ hai mươi. Cả bố mẹ đều không thoát ly. Quê hương đã gắn kết hai con người ở lại. Ông bà nội để lại cho bố mẹ Thủy nhà và đất vườn rộng. Quanh năm bố mẹ Thủy gần gũi nhau, chăm lo đồng ruộng, nuôi lợn gà. Đời sống bố mẹ cũng ổn định. Năm sau mẹ sinh Thủy. Thủy là tên mẹ đặt để thể hiện sự thủy chung, bền chặt tình cảm của mẹ với bố. Đồng thời cũng là ước nguyện sắp đặt cho đứa em sau này của Thủy là Chung. Nguyện ước của bố mẹ không thành khi Thủy mới năm tuổi thì mẹ phát bệnh. Bệnh của mẹ khá nan y. Các y bác sỹ bệnh viện khuyên bố mẹ Thủy không nên sinh nở để bảo vệ sức khỏe cho mẹ. Từ đó bố mẹ Thủy chỉ có mình Thủy. Thủy sẽ không bao giờ có đứa em tên Chung nữa. Có đận Thủy hỏi bố mẹ: “Bố mẹ sinh một mình con, bố mẹ có lúc nào thấy buồn không?” Lần ấy bố Thủy bảo “Con gái bố lớn rồi, lại đang là sinh viên sư phạm, cô giáo tương lai sao lại hỏi bố mẹ thế? Sức khỏe mẹ kém, bố mẹ có con là hạnh phúc rồi. Vợ chồng thương yêu nhau là phải biết điểm dừng, con có biết không? Nay mai học xong, lấy chồng, con nhớ lời bố mẹ dạy”.
          Mẹ Thủy thấy trong người khó chịu. Bà gọi Thủy vào đỡ cho bà ngồi dậy. Bà nói:
          - Con lấy lược dưới chiếu đầu giường chải đầu cho mẹ.
          Thủy lật chiếu lấy lược. Tóc mẹ nằm nhiều nên rối bời. Thủy phải gỡ từng tí một. Thủy nhớ thời mẹ còn con gái, tóc của mẹ rất dài và mượt, lúc nào cũng thơm mùi hương bưởi, hương xả. Khi bố lấy mẹ bố đã trồng trong vườn cây bưởi và nhiều khóm xả cho mẹ. Giờ đây những bụi xả tuy đã trồng lại nhiều lần, lá cứ xanh rờn, rủ xuống. Cây bưởi cao hơn mái nhà, xum xuê cành lá.
          - Lát nữa con ra vườn hái lá đun nước gội đầu cho mẹ.
          - Vâng ạ, con hái nhiều đun nồi nước lớn để hai mẹ con cùng gội,
          Thủy ra vườn hái lá. Bố Thủy cũng nấu xong nồi cháo cho mẹ.
          Thủy trèo lên cây bưởi như con trai. Ngày ở trường các bạn của Thủy nghe Thủy kể về cây bưởi lắm lá, nhiều hoa, các bạn thích lắm. Các bạn hẹn hè năm nay sẽ về thăm quê Thủy.
          Thủy bắc nồi lên bếp đun. Lửa to cháy rào rào. Nước trong nồi sôi lục bục. Mùi hương thơm lan tỏa cả không gian rộng. Bố Thủy nói:
          - Để bố vợi nước gội ra chậu cho? Nước nóng lắm. Con xách cho mẹ xô nước lạnh lên nhà!
          Ông Mạnh rụt bớt củi trong bếp.
          Thủy xách xô nước và cái ca nhựa vào phòng cho mẹ. Bố Thủy cũng xách xô nước thơm lên theo. Thứ nước có màu vàng trong như màu hổ phách. Thủy pha nước xong rồi đỡ mẹ xuống. Những sợi tóc đen mượt ngày nào giờ đã ngả bạc.
          Thủy gội đầu xong cho mẹ, Thủy đỡ mẹ vào giường nằm.
          Thủy xuống bếp múc cháo cho mẹ. Con Mực từ hôm thoát “Án tử hình” nay phải lĩnh án tù “Chung thân”. Nó bị xích cả ngày nên bí bách. Nó nhìn thấy Thủy cứ tưởng được “Phá gông xiềng” nên nhảy quýnh lên. Tiếng xích sắt kêu “Lanh tanh”. Con Mực không thấy Thủy đoái hoài gì đến nó nên đành nằm xuống. Nó ghếch mõm vào đoạn tre, hai mắt nó nhìn xa không chớp.
          Ông Mạnh đang hút thuốc lào ngoài hiên nghe tiếng vợ gọi, ông bỏ điếu chạy vội vào nhà:
          - Bà gọi tôi à? Bà thấy trong người thế nào?
          Không thấy vợ trả lời. Sắc mặt tím tái, khó thở. Ông Mạnh đỡ vợ ngồi dậy dựa lưng vào tường rồi ra cửa gọi Thủy:
          - Thủy ơi, con chạy sang nhà ông Hai Bốn, chú Du bảo sang ngay. Mẹ nguy lắm!
          Nghe Thủy nói, ông Hai Bốn bỏ bàn trà chạy sang gọi vợ chồng Du, bà Hồng.
          Về đến nhà Thủy hổn hển ngồi vỗ lưng cho mẹ.
          Bà Hồng nói:
          - Để cô làm cho. Mẹ cháu bình thường rồi đấy.
          - Vâng, cô giúp cháu.
          Ông Hai Bốn hỏi ông Mạnh:
          - Chiều nay cô ấy ăn gì rồi?
          - Em nấu cháo gà. Nhà em ăn được hai lưng cháo!
          Vợ Du nói:
          - Chị mới gội đầu phải không? Em ngửi thấy mùi hương xả, hương bưởi.
          - Vâng. Cháu Thủy gội cho tôi hồi chiều. Gội xong thấy nhẹ cả đầu. Dễ chịu lắm.
          Mẹ Thủy nghỉ một lát mới nói tiếp:
          - Bà con láng giềng tốt quá, tôi không biết lấy gì cám ơn. Bệnh tình tôi đã chạy chữa nhiều năm. Thuốc uống, thuốc tiêm đủ cả. Tốn kém cả trăm triệu đồng. Thôi đành phó thác cho số phận. Nếu tôi có chết đi, tôi chỉ thương hai bố con ông ấy. Cầu giời cho tôi được sống đến ngày cháu Thủy lấy chồng…
          Vợ Du cắt ngang lời bà Mạnh:
          - Chị phải sống cho đến ngày cái Thủy lấy chồng, sinh cháu ngoại cho anh chị, rồi cho đến ngày dự đám cưới của cháu ngoại nữa chứ. Chị cứ lạc quan hướng tới ngày ấy.
          Nghe vợ Du nói, mẹ Thủy và mọi người đều cười.
          Thủy ngồi bên mẹ cũng thêm vào:
          - Cô Du nói là thiêng lắm. Mẹ phải sống đến ngày cháu ngoại của mẹ lấy chồng.
          Mẹ Thủy nắm tay Thủy nói:
          - Mẹ cũng mong vậy. Trước mắt con phải học cho tốt. Còn một năm nữa thôi con ra trường. Lúc ấy Thủy của mẹ sẽ là cô giáo trường huyện. Con phải vượt qua khó khăn, gian khổ mới thành người được.
Bà Hồng cười nói:
          - Cháu Thủy nhớ lời mẹ cháu dạy. Em Thúy con nhà cô với cháu sau này là đồng nghiệp. Hôm nào về trường cô gửi cho hai chị em cân ruốc, vài cân gạo nếp. Hai đứa nấu cùng ăn.
          - Vâng.
          Thủy kéo chăn đắp kín bờ vai cho mẹ.
          Ngoài trời mưa nặng hạt. Gió thổi trong vườn ràn rạt. Rét đậm.
          Mẹ Thủy lại khó chịu trong người. Bà cứ rướn cổ lên để thở. Mắt bà nhắm lại như dồn năng lượng cho việc thở. Bà càng cố thở bao nhiêu thì càng bất lực bấy nhiêu. Tay chân bà duỗi dần ra. Bố Thủy liên tục lấy tay vuốt ngực, vỗ lưng cho mẹ Thủy….
          Không trăng chối điều gì thêm nữa, mẹ Thủy lặng lẽ ra đi. Thủy ôm lấy mẹ khóc.
          Ông Mạnh và mọi người đứng bên rớm nước mắt. Ông Hai Bốn nói với ông Mạnh:
          - Tôi về thông báo cho mọi người.
          Đám tang vợ ông Mạnh ồn ã hai ngày rồi công việc mọi nhà trở lại ngày thường.
          Thủy ở nhà hết tuần đầu cúng cơm cho mẹ giờ Thủy phải về trường học tập. Trên ngực áo của Thủy giờ đây cài mảnh vải tang đen. Nét mặt Thủy phờ phạc, khuôn mặt Thủy hốc hác. Ông Mạnh phải luôn động viên, an ủi con gái. Thủy xếp hành trang vào túi xách mà nước mắt cứ chảy ràn rụa. Ông thấy thương con. Bởi những lần trước Thủy được mẹ sửa soạn, sắp xếp áo quần, tư trang, đồ đạc hộ. Thủy ra bàn thờ thắp hương khấn mẹ, rồi thút thít xách túi ra khỏi nhà. Ông Mạnh đi cùng con ra tận đầu đường đón xe ô tô. Hai bố con ông trong lúc chờ xe có dịp để động viên nhau:
          - Bố ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe. Những hôm rét mướt bố đừng ra đồng ruộng, bố làm việc vặt trong nhà thôi.
          - Bố biết rồi. Bố sẽ nghe lời con gái. Con về trường tập trung học tập cho tốt nhé.
          Xe khách đến. Ông Mạnh chờ con lên xe, ngồi xuống ghế, xe chạy ông mới chịu về. Chiếc xe mờ đi trong mắt ông do xe đã chạy xa hay nước mắt ông đang chảy?
          Ông Mạnh chưa về nhà, ông rẽ vào đường ra nghĩa trang để đến mộ vợ. Những vòng hoa héo rũ, bạc màu rơi rụng trên nấm mộ. Ông rút từ sau lưng ra thẻ nhang, đốt lên rồi thắp cho vợ và mấy mộ lân cận. Bên mộ vợ, ông sụt sịt khóc:
          - Em ơi, trời phật không cho chúng ta đi hết con đường. Giữa chừng đứt gánh. Anh thương em nhiều lắm! Lòng anh quặn đau không nói hết bằng lời. Em ơi, dưới đất sâu giờ em lạnh lẽo cô độc một mình. Trên này anh tan nát cõi lòng. Anh không biết làm thế nào cho em sống lại, cho em về với hai bố con anh… Mẹ thủy ơi? Con gái của chúng ta cũng vừa lên xe về trường xong. Nhớ lời em dặn anh đã thu xếp cho con chu đáo…
          Ông dường như nghe có tiếng nỉ non giọng nói của vợ: “Anh Mạnh ơi, em đi vì số mệnh. Anh đừng đau khổ nữa. Anh không làm gì được đâu. Âm dương xa cách ngàn trùng, em sẽ phù hộ cho hai bố con anh gặp những điều may mắn. Em thương con Thủy nhiều quá, nhiều quá! Thôi, hương cháy hết rồi, anh về đi không cảm lạnh”.
          Gió bấc thổi ù ù làm những que nhang cháy đến tận cùng. Trước khi về,  ông Mạnh đi một vòng quanh mộ vợ.
          Đường nghĩa trang mấp mô gò đống. Những mộ mới chôn, những huyệt mới bốc, những mộ cỏ đã mọc xanh rì, những mộ phẳng đầu lan hoang cây dại. Tất cả cứ ngổn ngang quay đầu về mọi hướng.

(Còn nữa)
Phan Đạt Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét