Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

THIỀN SƯ DƯƠNG KHÔNG LỘ (1016 - 1094) / Trần Mỹ Giống



          I - Sơ lược tiểu sử Dương Không Lộ

Tương Thiền sư Dương Không Lộ tại chùa Thần Quang
        Thiền sư Dương Không Lộ hiệu Khổng Lồ đọc tránh là Không Lộ, biệt hiệu Thông Huyền, quê làng Giao Thuỷ (sau đổi là làng Hộ Xá), phủ Hải Thanh (đời Trần đổi là Thiên Thanh, sau lại đổi là Thiên Trường). Ông sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7(1016) đời Lý Thái Tổ, tại quê mẹ là làng Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
          Gia đình Dương Không Lộ sống ở làng Giao Thuỷ, chuyên nghề chài lưới ven sông. Khi lớn lên, ông lấy việc câu cá, quăng chài làm vui và thường du ngoạn nhiều nơi danh lam thắng cảnh, tuỳ hứng ngâm vịnh và sáng tác thơ ca.


          Năm Giáp Thân (1044) triều Lý Thái Tông, ông 29 tuổi, bỏ nghề đánh cá để theo học đạo thiền. Ban đầu ông theo học Noãn cư sĩ làng Bảo Tài (chưa rõ nay ở đâu). Sau ông đắc đạo, trở thành Tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông, một thiền phái được thành lập ở nước ta vào đầu thế kỷ thứ IX.
        Năm Đinh Dậu (1057) ông chuyển sang theo học thiền phái Thảo Đường. Thảo Đường thiền sư từng nhận xét về học trò Không Lộ của mình: “Chú này cốt cách phi phàm, sau này tất làm pháp tự.” Quả nhiên về sau, Không Lộ trở thành Tổ đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường.
          Năm Kỷ Hợi (1059), Không Lộ tu tại chùa Hà Trạch, rồi chuyển về tu ở chùa Duyên Phúc (tức chùa làng Hộ Xá) sau đổi là chùa Viên Quang.
Năm Nhâm Dần (1062) Không Lộ cùng Giác Hải và Đạo Hạnh đi Tây Trúc cầu kiến Phật Tổ, được Phật Tổ giác ngộ và truyền cho phép lạ.
          Năm Quý Mão (1063) Không Lộ dựng chùa Nghiêm Quang (sau đổi là Thần Quang) tại làng Dũng Nhuệ. Sau do đất lở xuống sông Hồng, chùa được chuyển sang làng Dũng Nghĩa (Vũ Thư, Thái Bình).
          Năm Nhâm Tý (1072), Không Lộ cùng Giác Hải chữa khỏi bệnh sợ tắc kè kêu cho vua Lý Nhân Tông. Ông được phong làm Quốc sư. Vua Lý Nhân Tông có bài thơ ca ngợi hai ông như sau:
          Giác Hải tâm như hải
          Thông Huyền đạo cánh huyền
          Thần thông năng biến hoá
          Nhất Phật nhất thần tiên.
          (Giác Hải lòng tựa biển
          Thông Huyền đạo lại huyền
          Thần thông hay biến hoá
          Một Phật, một thần tiên).
          Có tác giả cho rằng Thông Huyền là đạo sĩ nên vua Lý mới phân biệt “Bên Phật” (chỉ Giác Hải) và “Bên thần tiên” (chỉ Thông Huyền). Nếu đúng Thông Huyền là đạo sĩ thì không thể là Không Lộ. Nhưng về tiểu sử cuả Thông Huyền đạo sĩ thì chưa thấy tác giả nào nêu được, mà Thông Huyền là biệt hiệu của Không Lộ thì một số thư tịch đã nói rõ. Trong bài thơ, có thể tác giả chỉ đơn thuần sử dụng hình tượng Phật và Tiên là những đấng bất tử và có phép nhiệm màu để ca ngợi Giác Hải và Không Lộ mà thôi.
          Ngày 3 tháng 6 năm Giáp Tuất (1094), Không Lộ thiền sư viên tịch, thọ 79 tuổi. Ngày 10 tháng 8 năm ất Hợi (1095) Giác Hải thu thập xá lị của Không Lộ, xây tháp để chôn cất, tạc tượng để thờ tại chùa Nghiêm Quang. Vua Lý Nhân Tông xuống chiếu tu sửa chùa, cắt 3.000 hộ hương khói phụng thờ ông.
          Do thời gian đã quá xa, thư tịch lịch sử không còn nhiều, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Không Lộ phần lớn dựa vào truyền thuyết và huyền thoại nên còn một số điều chưa rõ ràng, không thống nhất. Một số tác giả cho rằng Không Lộ chính là Minh Không. Chẳng hạn, trong cuốn Không Lộ - Minh Không (Văn hoá dân tộc, 2000) tác giả Lê Xuân Quang chứng minh hai ông là một người. Tác giả Nguyễn Lang cho rằng Không Lộ mất cùng năm mất với Minh Không, nghĩa là Không Lộ cũng là Minh Không. Những cứ liệu mà các tác giả chứng minh rằng Không Lộ là Minh Không đều chưa đủ sức thuyết phục. Một số tác giả khác lại cho rằng Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau. Trong “Bài bạt về việc khảo cứu sự tích đức Thánh tổ”, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã đưa ra những chứng cứ khá thuyết phục chứng minh Không Lộ không phải là Minh Không. So sánh Chích quái của Nguyễn Quỳnh với chính sử, ông đã chỉ ra những điểm khác nhau rõ ràng giữa Không Lộ và Minh Không:
          - Thứ nhất, họ và tên hai người khác nhau: Không Lộ họ Dương huý Minh Nghiêm, Minh Không họ Nguyễn huý Chí Thành.
          - Thứ hai, quán chỉ hai ông khác nhau: Không Lộ quê Giao Thuỷ phủ Hải Thanh, Minh Không ở Đàm Xá.
          - Thứ ba, năm sinh và năm mất hai ông khác nhau: Không Lộ sinh năm Bính Thìn (1016), Minh Không sinh năm Bính Ngọ (1066), Không Lộ hoá năm Giáp Tuất (1094), Minh Không hoá năm Tân Dậu (1141).
          Như vậy, Không Lộ và Minh Không không thể là một người. Có lẽ Không Lộ và Minh Không, người trước người sau đều từng tu ở một chùa, đều có pháp thuật linh hiển, đều được vua Lý phong làm Quốc sư, đều chữa bệnh cho vua Lý (Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của Lý Nhân Tông, Minh Không chữa bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông) nên người đời sau nhầm hai ông là một. Tài liệu liên quan đến Không Lộ phần lớn là truyền thuyết, huyền thoại nên cũng khó xác định đâu là thực, đâu là hư. Tuy vậy, với cãi lõi là lịch sử, các huyền thoại đã thể hiện rõ Không Lộ là một thiền sư nổi tiếng thời Lý, kỳ tài, tâm hồn phóng khoáng và tài thơ văn. Sáng tác của ông hiện không còn nhiều, nhưng đều là những tuyệt tác.

          2 - Nhà thơ Dương Không Lộ

          Trong các sách giáo khoa văn, các tổng tập và tuyển tập văn học Việt Nam và một số sách khác xuất bản gần đây cho biết Không Lộ chỉ còn hai bài thơ là “Ngôn hoài” và “Ngư nhàn”.
          Khi chọn được đất làm chùa Nghiêm Quang, ông có bài kệ nổi tiếng mà người đời sau gọi là bài “Ngôn hoài” (Nói nỗi cảm hoài):
          Trạch đắc long xà địa khả cư
          Dã tình chung nhật lạc vô dư
          Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
          Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.
         
(Chọn đất long xà tới nghỉ ngơi
          Lòng quê vui thích thú thảnh thơi
          Núi cao có lúc trèo lên đỉnh
          Thét một tiếng vang lạnh cả trời.)
          Bài thơ thể hiện nỗi vui mừng khi chọn được đất tốt để xây chùa làm nơi trụ trì, bộc lộ tình cảm bất tận của tác giả đối với đồng quê, thiên nhiên, tạo vật, đất nước. Có khi tác giả trèo lên một đỉnh núi, nhìn ngắm thiên nhiên hùng vĩ, với tâm hồn phóng khoáng, cảm khoái và cao hứng thét lên một hơi dài làm lạnh cả bầu trời. Bài thơ cũng thể hiện tinh thần “Vô chấp giới” nhằm đạt tới sự tự do hoàn toàn, giải phóng bản thể mà hoà nhập với vũ trụ theo quan điểm nhà Phật “Vạn vật nhất thể”. Câu kết của bài thơ, “Trường khiếu nhất thanh hàn thái dư” - Thét một tiếng dài làm lay động cả bầu trời là hình ảnh hào hùng, sảng khoái hiếm thấy trong lịch sử thơ thiền Việt Nam.
          “Ngư nhàn” cũng là một bài thơ đặc sắc của Không Lộ. Bài thơ là một bức tranh phong cảnh sơn thuỷ sinh động và tuyệt đẹp: Dòng sông xanh liền với trời bát ngát, bãi dâu chen mọc, làn khói toả thanh bình trong thôn xóm, bác chài ngủ ngon lành trong thuyền khi tỉnh giấc thấy thuyền đầy hoa tuyết... Bài thơ mang cảm xúc thiền học tinh tế, trong trẻo, thể hiện trạng thái tâm hồn lâng lâng trong cõi không hư, mông lung và huyền ảo:
          Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên,
          Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên,
          Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán
          Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
          (Bát ngát sông xanh, bát ngát trời,
          Một thôn mây khói, một dâu gai.
          Ông chài ngủ tít không người gọi,
          Tỉnh dậy thuyền trưa ngập tuyết rơi).
                                            (Ngọc Liên dịch)
          Có tác giả cho rằng bài “Ngư nhàn” không phải của Dương Không Lộ, mà là của Hàn Ô (Trung Quốc). Việc hai nhà thơ lớn cách xa nhau ngàn dặm có tứ thơ trùng nhau cũng là lẽ thường. Khẳng định “Ngư nhàn” không phải là của Dương Không Lộ cũng cần phải được khảo cứu kỹ lưỡng. Hơn nữa, cảm xúc và những hình ảnh được sử dụng trong bài thơ rất phù hợp với tâm hồn phóng khoáng và cuộc sống thực tế của ông chài sông nước - nhà thơ thiền sư Dương Không Lộ.
          Trong dân gian và một số tài liệu chữ Hán như Hoàng triều thông chí thần phật môn Thiên tiên Phật thánh lục (không rõ tác giả), Sự tích đức Thánh tổ (Đặng Xuân Bảng biên soạn)... cho biết ngoài hai bài trên, Không Lộ còn một số bài khác (không có tiêu đề) sáng tác mỗi khi cao hứng. Việc xác định các bài thơ này có đúng là của Không Lộ không, còn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Chúng tôi không đi sâu phân tích cái hay của thơ ông, mà chỉ nêu ra một số bài để bạn đọc tham khảo.
          Năm 62 tuổi, một hôm Không Lộ đang tĩnh toạ thì chú tiểu hỏi: “Từ khi tôi đến đây chưa được thầy dạy cho tâm yếu”. Không Lộ trả lời: “Chú đem kinh cho ta thì ta tiếp, đem nước cho ta thì ta nhận, lúc nào ta cũng dạy tâm yếu chú” rồi cười và đọc bài kệ sau:
          Đoàn luyện tâm thâm thuỷ đắc tinh
          Sâm sâm trực thượng đối hư đình
          Hữu nhân lai vấn không không pháp
          Thân toạ bình biên ảnh tập hình.
         
(Tu luyện bao phen phép đã tinh
          Muốn lên đối phó chốn hư đình
          Không không nhẽ đó nào ai biết
          Ngồi tựa bình phong, bóng ẩn hình.)
          Trong cuốn Thiên tiên Phật Thánh lục có chép bài thơ sau đây của Không Lộ, khi ông gặp Giác Hải. Bài thơ rất lạ, đặc biệt là nghệ thuật sử dụng từ ngữ:
          Thiên liên bích thụ, thụ liên thiên,
          Yên toả thanh sơn, sơn toả yên,
          Thụ nhiễu tùng la, la nhiễu thụ,
          Xuyên thông vu giáp, giáp thông xuyên,
          Tửu mê tuý khách, khách mê tửu,
          Thuyền tống hành nhân, nhân tống thuyền,
          Hội đắc tri âm, âm đắc hội,
          Truyền kim đáo cổ, cổ kim truyền.
         
(Da trời giòng biếc nhuộm màu cây
          Một giải non xanh toả khói mây
          Cây quấn cây tùng, cây rậm rạp
          Nước quanh đỉnh giáp, nước vơi đầy
          Rượu mê người, người mê rượu đấy
          Khách giục thuyền, thuyền giục khách đây
          Liệu được tri âm, nào được mấy
          Xưa nay vẫn nhớ mãi xưa nay.)
                                      (Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng dịch)
          Hoặc khi gặp Từ Đạo Hạnh, ông cũng làm bài kệ trả lời Đạo Hạnh như sau:
          Ngọc nang bí quyết nghĩ chân kim
          Cá chung mãn nguyệt lộ thần tâm
          Hà sa cách thị Bồ đề đạo
          Nghĩ hướng Bồ đề mãn liễu cầm.
          (Túi ngọc bí truyền rõ thực vàng
          Tháng qua mưa móc dạ xốn xang
          Hà sa thu gót Bồ đề đạo
          Tìm gặp được nhau mấy đoạn trường.)
          Một buổi chiều thu, trời trong mây đẹp, ngồi trên thuyền câu, ông cảm hứng đọc thơ:
          Ngọc phái chi trường, không sơn hà vạn lại
          Dung toạ ngư, ngư khiếp điểu
          Dương cung tiễu hạc, hạc nghi cung
          Quang phóng vân tiêu ngoại
          Phong quang đô hảo đạo khoái lạc.
          (Ngọc Phái dẫu dài, không bằng núi sông muôn trùng ngọn gió
          Thung dung ngồi câu cá, nhưng cá lại sợ chim
          Dương cung bắn hạc, hạc ngờ cung
          Vút bay rẽ mây lên tít trời cao
          Thời tiết đẹp trên đường đi vui vẻ)
          Bài thơ tác giả tự sự về bản thân mình cũng là một bài rất xuất sắc:
          Lão hỷ yên hà tẩu
          Na tri lợi lộc mến
          Thuỳ điểu đương liễu ngạn
          Tán võng địch hoá thôn
          Bả trạo ngân phong tuyết
          Đặc ngư thí tửu tôn
          Sơn tiều thời ngộ ngã
          Kim cổ mạn tương luân
.
          (Yên hà mùi vẫn thích
          Danh lợi tính không ưa
          Bến liễu buông câu sớm
          Làn lau vãi lưới trưa
          Gác mái ca phong nguyệt
          Được cá chén say sưa
          Kiếm củi người đi lại
          Vui cùng dở chuyện xưa.)
                              (Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng dịch)
          Các sáng tác của Dương Không Lộ thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu đất nước, gắn bó với thiên nhiên, tạo vật và con người, bằng bút pháp tài hoa, phóng khoáng hiếm thấy ở một thiền sư. Vì thế, thơ ông trải qua hàng nghìn năm vẫn được lưu truyền, vẫn gây được xúc cảm và tình cảm thẩm mỹ cho người đọc.

          TRẦN MỸ GIỐNG



         




1 nhận xét: